Ai Bảo Chỉ Hoàng Tử Mới Là "Chân Mệnh Thiên Tử"

Chương 22

Hôm nay thấy trời nắng đẹp, Tâm Di chán ở trong cung bèn dẫn sáu cái đuôi ra ngoài chơi.

“Cheng cheng cheng…” Một chuỗi tiếng cồng chiêng vang lên thu hút sự chú ý của mọi người.

Tiểu Trúc Tử vô cùng hào hứng: “Tiểu thư, đằng trước có xiếc khỉ, chúng ta đi xem xem!”

Đối với trẻ con mà nói xiếc khỉ có sức hấp dẫn lớn nhưng Tâm Di gì mà chả gặp qua! “Con khỉ đó bẩn chết được, có gì đáng xem, các ngươi thích thì cứ tự nhiên!” Tâm Di chẳng chút hứng thú nói, “Ta lại tiệm sách đầu đường đằng kia lựa xem có tiểu thuyết dã sử gì không, lát nữa các ngươi qua đó tìm ta.”

“Tiểu thư đi một mình e không an toàn.” Đại Hổ vẫn còn chưa quên chức phận của mình.

“Ban ngày ban mặt có gì không an toàn chứ? Cứ yên tâm đi xem xiếc khỉ của các ngươi đi! Không sao đâu.” Tâm Di không muốn làm bọn họ cụt hứng.

“Vậy…” Đại Hổ quả thực cũng rất muốn xem.

“Đi đi!” Nói rồi Tâm Di một mình rời đi, những người khác cũng bu lại chỗ diễn xiếc khỉ.

Hai tên sát thủ bên kia đường bám theo Tâm Di như hình với bóng từ lúc cô bước chân ra khỏi cung, bọn chúng đã chờ ở cửa cung mấy ngày nay rồi, khó khăn lắm mới chộp được cơ hội Tâm Di tách riêng, vội đưa mắt ra hiệu cho nhau, lập tức theo sát cô.

Tâm Di đi vào một con ngõ nhỏ, từ đằng sau, hai tên sát thủ nhanh chóng xông lên, chặn trước mặt cô: “Tâm Di cách cách!” Bọn chúng cần xác nhận để không giết nhầm người.

“Tôi đâu có quen các anh!” Câu trả lời này đã chứng thực thân phận của Tâm Di, hai tên sát thủ gật đầu, một tên nói: “Cô không cần quen biết bọn ta!”

Tên kia giơ đoản đao lên: “Chỉ cần biết thứ này là đủ.” Vừa dứt lời đã nhắm hướng Tâm Di mà vung dao.

Tâm Di thấy bọn chúng rút dao ra liền hiểu ngay, không đợi hai tên sát thủ tiến đến gần, co giò chạy biến ra ngoài, vừa chạy vừa la: “Cứu! Cứu tôi với!” Tuy chẳng hi vọng bọn Đại Hổ, Nhị Hổ nghe thấy nhưng chỉ cần chạy ra ngoài ngõ, người qua người lại đông hơn, sát thủ ít nhiều sẽ do dự, bản thân cũng có cơ hội chạy thoát, ai ngờ trong lúc cuống quýt Tâm Di vấp phải hòn đá ngã sấp.

Sát thủ tức khắc đâm dao vào lưng Tâm Di, Tâm Di linh hoạt, thuận đà lăn một vòng né được nhát dao này nhưng tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, vừa hay đụng phải tên kia, lần này thì cô vô phương tránh né, đoản đao nhằm hướng ngực Tâm Di đâm tới.

Tâm Di chỉ còn nước nhắm mắt chờ tử thần đến rước: “Mình chết chắc rồi!”

Chính lúc ngàn cân treo sợi tóc, cứu tinh xuất hiện! Kể cũng trùng hợp, Na Lan Đức Duật vừa hay bước đến đầu ngõ, nghe tiếng kêu cứu lại vừa vặn bắt gặp cảnh tượng này, mắt nhìn đoản đao sắp đâm vào tim cô gái, có chạy đến cũng chẳng kịp. Nhanh như điện xẹt, Na Lan dùng mũi chân hất một hòn đá nhỏ dưới đất lên, hòn đá nhằm hướng đoản đao trong tay sát thủ phóng đến, keng một tiếng lưỡi dao gãy làm đôi, không đợi sát thủ kịp phản ứng, anh vung tay chém cho hắn một phát vào cổ tay, sát thủ ôm tay lùi liền mấy bước, ngẩng đầu lên thấy Na Lan Đức Duật đương nhìn mình với ánh mắt sắc lạnh, đầy vẻ cảnh cáo.

Sát thủ thứ hai không chịu bỏ cuộc, vung dao đâm Na Lan Đức Duật, cùng lúc, tên bị thương cổ tay cũng phát động tấn công. Na Lan Đức Duật ung dung hóa giải từng chiêu thức một, triển khai phản công.

Tâm Di nhắm mắt nghe thấy tiếng đánh đấm, vô cùng thắc mắc: “Giết người cần gây ra tiếng động lớn thế này? Lâu thế rồi sao vẫn chưa ra tay nhỉ?” Cô len lén hé một bên mắt ra, nhìn thấy có người đang đấu đá với hai tên sát thủ, lập tức quên rằng bản thân mình còn trong tình thế nguy hiểm, mở to mắt hào hứng quan sát trận đấu.

Sát thủ thấy vô phương thắng được Na Lan Đức Duật, liền đưa mắt ra hiệu cho nhau, bất ngờ ném ra một quả đạn khói, Na Lan Đức Duật tức khắc lùi về sau che chắn cho Tâm Di, đồng thời phát chưởng xua tan khói.

Khói tan, sát thủ cũng mất dạng tự khi nào. Na Lan Đức Duật thở dài một tiếng, ngoảnh đầu nhìn thiếu nữ được mình cứu, vừa nhìn rõ mặt, hai người không khỏi ngây ra.

“Là cô (anh)!” Bọn họ đồng thanh kêu lên.

Thấy Tâm Di vẫn ngồi bệt trên đất, Na Lan Đức Duật vội đỡ cô đứng dậy: “Sao lại là cô?”

“Trùng hợp ghê, may có anh không tôi đã mất mạng rồi!”

Na Lan Đức Duật chạy ra khỏi ngõ, nhìn quanh quất một hồi quay lại hỏi: “Sao chỉ có mình cô? Sáu cái đuôi kia đâu rồi?

“Hình như anh hiểu tôi cũng khá rõ đấy chứ!” Tâm Di cũng chẳng trả lời.

“Thiếu nữ đặc biệt như cô ở chốn kinh thành này không nhiều.”

Tâm Di đã bình tĩnh lại, đáp với giọng tự tin: “Nói đúng hơn là ‘độc nhất vô nhị’.”

Na Lan Đức Duật nhìn Tâm Di với ánh mắt tán dương: “Không sai, quả thực là ‘độc nhất vô nhị’. Lần trước ở tửu lâu tôi nói có phần quá lời, mong cô thứ lỗi.”

Nghe Na Lan hạ giọng xin lỗi, Tâm Di cũng nói: “Là do tôi cố tình kiếm chuyện trước.”

“Cảm ơn cô hôm đó đã giữ thể diện giùm tôi!” Na Lan tiếp.

“Anh làm gì không nghĩ ra, chẳng qua lúc đó hơi mất bình tĩnh thôi!” Tâm Di lại bổ sung thêm một câu, “Huống hồ, đúng là tôi không đẹp.”

“Thì ra cô vẫn để bụng câu tôi nói, Na Lan thành tâm mong tiểu thư bỏ quá cho.” Na Lan Đức Duật gập mình hết cỡ.

Tâm Di mỉm cười đáp: “Ban nãy anh cứu mạng tôi không hơn mọi lời xin lỗi ư! À, anh đừng kể chuyện vừa xảy ra với những người khác nhé, tôi không muốn bọn họ lo lắng.”

“Bọn họ không làm tròn phận sự bảo vệ cô, đáng ăn đòn.”

“Có thêm bao nhiêu người nữa thì cũng không bằng một Na Lan Đức Duật.”

Na Lan Đức Duật cười nói: “Cô nói quá lời rồi, phải rồi, vì sao có người muốn giết cô?”

“Không biết. Sao anh không tóm một tên hỏi cho rõ!” Kỳ thực trong lòng Tâm Di cũng đã đoán ra bảy, tám phần, cô chỉ không ngờ bọn họ lại dám ra tay giữa ban ngày ban mặt thế này.

“Chỉ lo bảo vệ cô thành thử để chúng chạy thoát, nhưng bọn chúng bỏ lại thứ này.” Na Lan Đức Duật cúi xuống nhặt nửa thanh đoản đao đưa cho Tâm Di.

Tâm Di cầm lấy, lật qua lật lại xem xét một cách tỉ mỉ, phát hiện trên cán dao có khắc chữ “Ung” rất nhỏ. Sắc mặt không hề thay đổi, cô nói với Na Lan: “Nửa thanh đoản đao thì biết được gì chứ!” Nói rồi nhét vào chiếc túi nhỏ đeo trên người.

Na Lan Đức Duật cũng chẳng để ý động tác này của Tâm Di, nói: “Cô định đi đâu, tôi đưa cô đi!”

Hai người vừa đến đầu ngõ đã thấy sáu cái đuôi cười nói rôm rả đi về phía này.

Tiểu Trúc Tử kinh ngạc kêu lên: “Ý, Na Lan Đức Duật!”

“Nhìn thấy tôi có đáng hét toáng lên thế? Tôi có ba đầu sáu tay đâu.” Na Lan Đức Duật không nhịn được cười, nói.

“Cậu ta kích động thì đúng hơn, ai bảo anh là thần tượng của bọn họ!” Tâm Di giải thích giùm Tiểu Trúc Tử.

“Thế còn cô?” Na Lan Đức Duật hỏi.

“Tôi chẳng tôn sùng ai hết.” Tâm Di vừa đi vừa đáp, giọng khá thờ ơ. Câu nói này ít nhiều khiến Na Lan Đức Duật thất vọng, tuy sớm biết vị cô nương này rất khác người nhưng trong thâm tâm anh vẫn hi vọng riêng chuyện này cô cũng giống những người khác.

Ra khỏi ngõ, mới rẽ qua một khúc quanh liền thấy phía trước có rất nhiều người vây quanh một ngôi nhà chỉ chỉ trỏ trỏ, bọn họ cũng chen vào xem.

Hai bên cửa lớn ngôi nhà, một bên treo đèn lồng đỏ, viết chữ “hỉ”, một bên treo đèn lồng trắng, viết chữ “điện” (1).

“Ơ, người nhà này làm thế là ý gì?” Tiểu Lam Tử hết sức ngạc nhiên.

Một người láng giềng đứng cạnh bảo với bọn họ: “Ấy là mấy người không biết, kể cũng hay, hôm qua con trai nhà họ mới cưới vợ, bày tiệc rượu náo nhiệt vô cùng, ai ngờ nửa đêm ông bố lăn ra chết, lại vội vội vàng vàng làm lễ tang.”

“Việc thế này quả hiếm thấy!” Tâm Di có thể coi là hiểu biết rộng thế mà lần đầu mới gặp phải việc này, cô chợt bật ra vế đối: “Đương hiếu tử tố tân lang, khốc tiếu bất đắc (2).”

Na Lan Đức Duật lập tức tiếp ngay: “Thủ linh đường nhập động phòng, tả hữu vi nan (3).”

Tâm Di nhìn anh với ánh mắt tán thưởng: “Phản ứng nhanh đấy, mà cũng rất sát!”

“Không dám, không dám, tại hạ nào dám khoe tài trước mặt tiểu thư!”

Tâm Di khẽ mỉm cười: “Cứ nghĩ anh xưa nay nghiêm chỉnh lắm, không ngờ cũng biết ăn ngon nói ngọt.”

“Oan quá, tôi nào có chứ!” Na Lan Đức Duật cũng không hiểu tại sao cứ ở trước mặt Tâm Di là mình lại thay đổi hoàn toàn.

Bỗng gần đó vọng lại tiếng trống gõ dồn dập, lập tức kéo sự chú ý của mọi người khỏi căn nhà.

“Ai, có người gõ trống báo án ở Thuận Thiên phủ…”

“Đi xem xem…” Mọi người lục tục kéo đi.

Tâm Di trỏ tay theo hướng dân chúng kéo nhau đi, nói với Na Lan Đức Duật: “Đằng đó mới có người kêu oan kìa!”

“Chúng ta cũng đi xem thử!” Na Lan Đức Duật đề nghị.

Bọn họ theo chân bách tính đến ngoài nha môn Thuận Thiên phủ, chỉ thấy một thiếu nữ 13, 14 tuổi mặc tang phục đang ra sức đánh trống.

Nghe thấy tiếng trống, nha dịch chạy lên công trường trước tiên, gõ uy vũ bổng rầm rầm, tiếp đó Thuận Thiên phủ doãn và sư gia thăng đường, công đường trên dưới tức khắc im phăng phắc.

Phủ doãn gõ kinh đường mộc cái rầm: “Người nào quỳ dưới kia, vì lẽ gì đánh trống kêu oan?”

Thiếu nữ quỳ dưới công trường, đáp: “Dân nữ Hà Mai Hương khấu kiến đại nhân.”

“Hà Mai Hương, ngươi ít tuổi thế có việc chi oan ức?” Phủ doãn thuận theo lệ thường hỏi.

“Đại nhân, thân mẫu của dân nữ Hà Hoàng thị (4) đột ngột từ trần, dân nữ nghi nhị nương giết hại mẫu thân, mong đại nhân làm chủ giùm dân nữ.” Hà Mai Hương tuy ít tuổi nhưng trả lời đâu ra đấy.

Nghe có án mạng, phủ doãn nào dám chậm trễ, lập tức ra lệnh: “Ồ? Người đâu, theo bổn phủ đến nhà họ Hà khám nghiệm tử thi! Hà Mai Hương, bổn phủ nhất định trả lại công bằng cho ngươi.”

“Đa tạ đại nhân.” Hà Mai Hương liền khấu đầu tạ ơn.

Từ cổ chí kim, chẳng hiểu tại sao người ta đều rất hứng thú với việc chết người, thấy tình huống này cũng lũ lượt đi theo, Tâm Di vốn không muốn đi nhưng chịu không thấu Tiểu Lam Tử và Tiểu Trúc Tử nheo nhéo bên cạnh, đành đi xem cùng bọn họ.

Uy Viễn võ quán chính là nhà họ Hà, đằng trước là võ quán, hậu viện là nơi gia đình Hà Mai Hương sinh sống.

Tuy nha dịch lập hàng rào ngăn bách tính ở ngoài cửa, nhưng Tiểu Trúc Tử linh hoạt, ra sức rẽ đám đông, dân chúng thấy cách ăn mặc, hành xử của bọn Tâm Di khá có quyền thế, đành nhường bọn họ lên tận hàng đầu.

Trong nhà, phụ thân của Hà Mai Hương đương khấu kiến phủ doãn: “Thảo dân Hà Thụ Bình khấu kiến đại nhân.”

“Hà Thụ Bình, ngươi làm nghề gì mưu sinh?” Đây không phải là thừa biết còn hỏi mà là trình tự thẩm vấn.

“Hồi bẩm đại nhân, thảo dân chính là quán chủ của Uy Viễn võ quán.” Hà Thụ Bình trả lời.

“Ngươi là chồng của Hà Hoàng thị?” Phủ doãn lại hỏi.

“Thưa vâng.”

“Vậy bổn phủ hỏi ngươi, thê tử ngươi Hà Hoàng thị chết vào lúc nào, vì sao chết?” Là chồng của người chết, Hà Thụ Bình chắc hẳn phải biết rõ hơn ai hết, phu doãn nghĩ.

Nào ngờ Hà Thụ Bình đáp: “Thảo dân không rõ.”

Phủ doãn ngớ người: “Sao ngươi lại không rõ chứ, hai người các ngươi không phải là phu thê ư?”

“Bẩm đại nhân, thê tử thảo dân vốn ốm yếu, tối hôm qua…” Hà Thụ Bình bắt đầu thuật lại sự việc xảy ra tối qua.

Đêm qua, tại Uy Viễn võ quán, vợ của Hà Thụ Bình – Hà Hoàng thị dùng cơm xong không lâu bèn cảm thấy lồng ngực đau nhói.

Hà Hoàng thị năm nay 32 tuổi, gả đến nhà họ Hà đã hơn mười năm, không sinh được người con trai nào, độc mỗi cô con gái, vì họ Hà cũng là gia đình khá giả nên thường ngày sống sung sướng, thành ra trông vẻ ngoài như chưa đến ba mươi, chỉ có điều từ nhỏ mắc bệnh tim, thân thể yếu ớt, mời bao nhiêu danh y, uống bao nhiêu thuốc rồi mà vẫn không thấy khỏi, mấy năm gần đây lại càng trở nặng.

Hà Thụ Bình thấy vợ ôm ngực, mặt mày trắng bệch, môi tím ngắt, bèn hỏi: “Nàng sao thế?”

“Chắc là bệnh cũ tái phát, tức ngực, chẳng có tí sức nào.” Hà Hoàng thị đáp.

“Thuốc đâu, thuốc viên lần trước kê đã uống chưa?”

“Uống rồi, thiếp muốn đi nghỉ sớm.”

Thế là Hà Thụ Bình đỡ Hà Hoàng thị nằm lên giường.

”Thiếp không sao, chàng không cần ở đây với thiếp, qua chỗ cô ấy đi, không cô ấy lại không vui.” Hà Hoàng thị là người phụ nữ giữ nền nếp cũ song lại hết sức hiền thục, “cô ấy” trong miệng bà chính là thiếp của chồng.

Hà Thụ Bình kéo chăn đắp cho vợ: “Vậy ta qua bên đó, nàng chịu khó nghỉ ngơi.”

Sáng sớm ngày hôm sau, con gái của họ Hà Mai Hương lo lắng cho bệnh tình của mẫu thân, thức dậy từ sớm, đến phòng của Hà Hoàng thị, đẩy cửa bước vào: “Mẹ (5)”

Không thấy Hà Hoàng thị trả lời, Hà Mai Hương tưởng mẫu thân còn đang an giấc bèn rón rén bước đến bên giường. Đến sát giường mới cảm thấy có gì đó không ổn, chỉ nhìn thấy Hà Hoàng thị nằm sấp, một tay chặn ngực, tay kia tóm chặt khăn trải giường, miệng mở to, vẻ mặt vô cùng đau đớn.

“Mẹ, mẹ làm sao thế?” Hà Mai Hương hét gọi.

Cô bé giơ ngón tay run lẩy bẩy đến trước mũi Hà Hoàng thị dò hơi thở, ngay lập tức lại rụt phắt về, không dám tin đứng lặng mất một lúc rồi mới chạy ra cửa, hô hoán: “Cha, cha ơi… mau đến đây…”

Hà Thụ Bình nghe tiếng, từ trong một căn phòng khác chạy ra, hỏi: “Xảy ra chuyện gì thế?”

Hà Mai Hương vừa khóc nức nở vừa nói: “Cha, mẹ… mẹ chết rồi.”

Hà Thụ Bình cũng đờ người ra một hồi, chạy vào trong phòng, đến bên giường, đặt tay lên cổ Hà Hoàng thị bắt mạch, thất kinh ngồi phịch xuống giường. Mai Hương khóc lóc hồi lâu, đột nhiên quay đầu chạy ra ngoài cửa.

Hà Thụ Bình vội hét gọi: “Mai Hương, con định đi đâu thế?”

“Con đi báo quan, nhất định là bà ta hại chết mẹ.” Người Hà Mai Hương nhắc đến chính là thiếp của Hà Thụ Bình – Lý Ngọc Thuyền.

Lý Ngọc Thuyền gả vào nhà họ Hà hai năm trước, từ lúc bước chân vào gia đình này, cả nhà gần như lấy bà ta làm trung tâm, Hà Thụ Bình chiều chuộng Lý Ngọc Thuyền hết mực, thậm chí còn phục tùng răm rắp.

Tuy Lý Ngọc Thuyền đối xử với Mai Hương không đến nỗi nào nhưng dù gì cũng không phải là mẹ ruột, huống hồ từ ngày gả về đây, Lý Ngọc Thuyền chẳng coi Hà Hoàng thị ra gì, cô bé 13, 14 tuổi cũng đã khá hiểu chuyện… nên tiểu Mai Hương tương đối bất mãn với Lý Ngọc Thuyền. Hôm nay nhìn thấy mẫu thân chết thảm như vậy, Mai Hương bản năng nghĩ rằng Lý Ngọc Thuyền đã hại chết mẹ mình.

Hà Thụ Bình cảm thấy con gái thật không biết điều, mẫu thân vừa qua đời, đã không giúp lo liệu hậu sự thì thôi còn chạy đi báo quan, chỉ rặt gây rối, bèn nói: “Không được làm càn, mẹ con từ trước vốn đã hay đau tim, lúc nghiêm trọng còn ngất đi nữa. Cha biết hôm qua cha không ở bên mẹ con, mẹ con mất cha cũng có trách nhiệm. Nhưng con cũng không nên vì thế mà nói nhị nương giết mẹ con.”

“Là bà ta, chắc chắn là bà ta.” Hà Mai Hương cũng rất cố chấp.

Hà Thụ Bình lựa lời khuyên bảo: “Cha cũng biết chút y thuật, cha đã kiểm tra thi thể của mẹ con rồi, hoàn toàn không có gì bất thường.”

Hà Mai Hương nào chịu nghe: “Cha, ngày thường cha bênh vực nhị nương cũng chẳng sao, nay mẹ chết không minh bạch như thế, con phải thay mẹ đòi lại công bằng, con quyết đi báo quan…”

Phủ doãn nghe Hà Thụ Bình trần thuật xong, quay sang hỏi người khám nghiệm tử thi: “Ngỗ tác (6), kết quả thế nào?”

“Bẩm đại nhân, thi thể không có gì bất thường. Xem ra, quả thực chết vì bệnh tim phát tác.” Người khám nghiệm trả lời.

“Hà Mai Hương, ngươi nghe thấy rồi đấy!” Sau khi nghe câu trả lời của người khám nghiệm, phủ doãn nói với Hà Mai Hương, “Mẫu thân ngươi chết vì bệnh tim, niệm tình ngươi còn nhỏ lại có lòng hiếu thảo, bổn phủ không truy cứu tội ngươi vu cáo người khác.”

“Đại nhân, nhị nương tinh thông y thuật, thường ngày lại bất hòa với mẫu thân, nói không chừng chính bà ta ngầm hạ độc hại thân mẫu dân nữ.” Hà Mai Hương quyết không bỏ cuộc.

Phủ doãn cũng kiên nhẫn hỏi người khám nghiệm thêm lần nữa: “Ngỗ tác, người chết có hiện tượng trúng độc không?”

“Hồi bẩm đại nhân, không có.”

“Hà Mai Hương, mẫu thân ngươi đột ngột qua đời, ngươi rất đau lòng, bổn phủ có thể thông cảm, nhưng thực tế cho thấy mẫu thân ngươi chết do bệnh tim phát tác chứ không phải bị người khác ám hại, vụ án này kết thúc ở đây, ngươi cũng nên nghe lời cha ngươi mà sống cho tốt đi!” Phủ doãn tính kết án.

Hà Mai Hương còn định nói thêm nhưng phủ doãn chẳng tâm tư đâu mà nghe nữa, hét gọi nha dịch gác ở bên ngoài, “Hồi phủ!”, nói rồi đứng dậy dẫn đầu đoàn người rời đi.

Hà Thụ Bình nói với con gái: “Mai Hương, cha đi sắp đặt việc hậu sự cho mẹ con, con ở yên trong nhà, đừng chạy lung tung.” Dứt lời cũng bỏ đi.

Hà Mai Hương không nói không rằng, chỉ ôm xác mẹ khóc ngất.

—————

Chú thích:

(1) Điện (奠): chỉ nhà có tang.

(2) Đương hiếu tử tố tân lang, khốc tiếu bất đắc (当孝子做新郎, 哭笑不得): <tạm dịch> “Làm con thảo sắm (vai) tân lang, khóc cười không nổi.”

(3) Thủ linh đường nhập động phòng, tả hữu vi nan (守灵堂入洞房, 左右为难): <tạm dịch> “Canh linh cữu vào động phòng, trái phải đều khó.”

(4) Vốn họ Hoàng, kết hôn lấy theo họ chồng Hà, thành ra gọi là Hà Hoàng thị.

(5) Nguyên văn là “nương (娘)” hoặc “nương thân (娘亲)”: cách gọi thân mật, dân dã. Ở trên định dịch thành “mẫu thân” nhưng ở đây để giữ được cảm giác thân tình nên dịch là “mẹ”, tuy có hơi hiện đại chút.

(6) Ngỗ tác: cách gọi người khám nghiệm tử thi (trong quan phủ) thời xưa.
Bình Luận (0)
Comment