Bức tường danh dự nằm ngay chỗ hành lang chắc chắn phải đi qua, bức ảnh và tờ giấy đỏ mới treo lên thì quá đỗi bắt mắt, học sinh đi ngang đều dừng lại xem. Chỉ vẻn vẹn nửa ngày, bên cạnh ảnh chụp của Thịnh Vọng đã có thêm cả đống hình trái tim nho nhỏ không thua kém gì bên cạnh ảnh Giang Thiêm, chắc đây là truyền thống của con gái trường trung học trực thuộc.
Thịnh Vọng trông thấy mà dở khóc dở cười, trong lòng thầm nhủ anh bạn trong ảnh dạo vừa rồi rén như con chim én, thế mà mấy cậu vẫn vẽ hình trái tim cho được.
Thoát khỏi trạng thái trở tay không kịp và nhìn lại mấy ngày trước, cậu chỉ thấy mình quả tình ngốc nghếch, rõ ràng đi thi tâm lý vững vàng bình tĩnh, sao gặp phải chuyện này mà lại hãi hồn loạn cào cào lên thế.
Nhát gan, ngây thơ, tâm lý yếu. Cậu tự giễu trong lòng.
Con người là thế đấy, lúc mưa to gió lớn ập đến thì hoảng hốt hãi hùng, khi tránh được rồi lại thấy mưa gió chả là cái đếch gì.
Nhờ cú lừa lần trước mà chuyện dính dáng đến Tề Gia Hào đếch thể yên tâm được. Thịnh Vọng định tìm hắn nói bóng nói gió xem sao, tiếc rằng đối phương và cậu chỉ có thù hận chứ chả có tình cảm, không sao mở miệng nổi, đành đào thông tin gián tiếp từ Cao Thiên Dương.
“Tìm được ví rồi, hôm qua lấy lại, chả mất gì hết. Lão Tống còn thực hiện chức trách của cán bộ lớp đến hỏi han tình hình còn bị nó dè bỉu, bảo lão Tống mèo khóc chuột.” Cao Thiên Dương chả nhận ra điều gì, vừa hỏi cái là tuôn rào rào: “Không thấy gì khác thường cả, từ lúc nó lừa anh đến giờ sống dở chết dở đấy thôi, lần trước thi tuần nghe nói bị mẹ nó đánh cho, dạo này càng ngày càng quái gở.”
Thịnh Vọng lại kiếm cớ một mình đến Phòng giáo dục đạo đức tận 2 lần, các thầy cô vẫn nói chuyện như thường, Từ miệng rộng tâm trạng hớn hở còn đùa giỡn với cậu suốt, trông không giống đang giấu giếm chuyện gì. Theo lời Từ miệng rộng, những học sinh mất đồ khác nối tiếp tìm được đồ, chả còn ai đòi xem camera nữa đâu.
Đến đây, sự việc bất ngờ dần trôi qua.
Lúc cậu bước ra khỏi cửa Phòng giáo dục đạo đức thì trời đã chập choạng tối, tiết cuối buổi chiều đúng lúc kết thúc. Giang Thiêm từ đầu kia hành lang bước xuốc cầu thang, rẽ sang lớp B ở tầng 3. Thịnh Vọng đứng từ xa nhìn hắn, bỗng có cảm giác như trút được gánh nặng. Hệt như hồi bé lạc đường trong ngõ Bạch Mã, lượn lờ không biết bao nhiêu vòng cuối cùng cũng thấy cửa nhà.
Cậu rón rén bước tới, toan nhảy vồ lên lưng Giang Thiêm, nhưng gần đến nơi bỗng dừng bước chân. Cậu do dự giây lát, cuối cùng chỉ vỗ tay tạo tiếng động bên tai trái Giang Thiêm, rồi cười xấu xa lẻn sang bên phải.
*
Gần đến cuối kỳ, lại là một cuộc thi ảnh hưởng đến chuyển lớp, học sinh cả trường vùi đầu ôn tập giữa bầu không khí máu lửa.
Cuối cùng Khâu Văn Bân và Sử Vũ cũng thu dọn đồ đạc quay về kí túc xá, chuẩn bị gia nhập vào đội quân ôn thi. Kết quả ngày đầu tiên quay về, Sử Vũ nếm trọn cảm giác thói đời nóng lạnh lòng người đổi thay.
Chuyện là tranh thủ ra chơi Thịnh Vọng nói đôi lời với hắn. Từ chuyện căng tin trường học tranh ăn khó lắm, cửa hàng tiện lợi thỉnh thoảng đóng cửa sớm, nước tắm chẳng có bao nhiêu, nói đến chuyện về nhà có giường rộng rãi, có đồ ăn ngon, bật đèn thoải mái, còn có bố mẹ chăm sóc hỏi han ân cần.
Lúc nói chuyện Sử Vũ tuôn như vỡ đê. Nói chuyện xong hắn mới ngớ ra, cảm giác từng câu từng chữ của Thịnh Vọng cứ như đang giật dây giục hắn về nhà ở tiếp vậy.
Anh bạn này vẫn còn khéo chán, Giang Thiêm thì khác. Hắn hỏi thẳng Sử Vũ: “Cậu về làm gì?”
Sử Vũ nói: “Sao không về? Tôi ở nhà lâu lắm rồi.”
Giang Thiêm “Ờ” nói tiếp: “Tôi tưởng cậu phải ở nhà đến tận kỳ sao.”
Sử Vũ: “…”
Hắn nghĩ mãi và cho rằng mình bị đoàn thể nho nhỏ cô lập mất rồi.
Quãng thời gian riêng tư bị phá vỡ với sự trở lại của bạn cùng phòng, những ngày tháng quấn quýt của hai người bỗng chốc kết thúc.
Gần đây Giang Thiêm cảm nhận rõ nét cậu chủ họ Thịnh hơi quấn, không phải cái kiểu sến sẩm buồn nôn, mà giống thú cưng hơn.
Dạo trước học thể dục, hai lớp AB cùng chơi bóng rổ, hai người lợi dụng trận đấu va va chạm chạm, ai ra trước thì ngồi bên sân uống nước xem so tài, chờ người còn lại xong thì đến căng tin ăn tối.
Còn giờ Thịnh Vọng chả mấy hào hứng với vận động, chỉ cần Giang Thiêm ra khỏi sân thì không đến một phút sau, cậu bèn kêu ca va vào tay hoặc chân đau lắm, vuốt mồ hôi trên tóc chạy ra ngoài.
Dạo trước tự học buổi tối, Thịnh Vọng toàn tự đến giảng đường trước. Có khi Giang Thiêm xuống tầng sớm, có khi xuống tầng muộn. Chờ hắn đến rồi Thịnh Vọng mới nhấc cặp sách lên, nhường chỗ bên cạnh cho Giang Thiêm ngồi.
Còn giờ thì khác, học sinh ngoại trú hết tiết tự học buổi tối, cậu sẽ ngược dòng người đi lên tầng, khoanh tay tựa vào cửa sau lớp A chờ Giang Thiêm đi cùng.
Hai ngày nay đã phát triển đến mức tự học buổi tối hắn đi vệ sinh, cậu cũng phải đặt bút xuống bảo “Em đi với”.
Nhưng cậu chỉ biết tò tò đi theo chứ chả có hành động thân mật gì. Tất cả những nơi lắp camera cậu đều cẩn thận. Hệt như một bé mèo lượn lờ quanh quẩn bên người ta nhưng vẫn giữ khoảng cách vài cen-ti-mét.
Chỉ có ban đêm thỉnh thoảng đi qua cầu Hỉ Thước, dưới bóng cây lốm đốm ken dày, ở nơi có chạc cây che khuất, họ mới thả lỏng đôi chút, chóp mũi cọ nhau hôn nhẹ đối phương.
Thực ra Giang Thiêm có thể cảm nhận thấy nỗi thấp thỏm và mâu thuẫn của Thịnh Vọng, sự gần gũi theo bản năng, sự đắc chí thỉnh thoảng bộc lộ và sự kìm nén đầy lý trí. Hồi ở trong trại tập huấn hắn đã lường trước rồi, chỉ cần rời khỏi chốn mộng mơ thì chắc chắn sẽ biến thành như vậy, đây không phải là vấn đề của ai.
Danh không chính, ngôn không thuận, đã định trước khó mà bước ra ánh sáng. Mà mối quan hệ không thể bước ra ánh sáng đã định trước sẽ khiến lòng người bất an. Tích tụ lâu dần thì hoặc là một phát toang luôn, hoặc là từng chút xa rời.
Quả tình ngay từ ban đầu hắn đã chấp nhận sẽ có ngày càng lúc càng xa cách. Người đời cứ nói tình yêu thời niên thiếu đa phần không có kết quả gì, không đúng lúc, chả đúng người luôn. Trong chuyện này hắn và Thịnh Vọng cùng quan điểm, có lúc bốc đồng hơn bạn cùng trang lứa, có lúc lại quá đỗi tỉnh táo và ăn ý.
Bởi thế họ từng nói “Anh yêu em”, “em yêu anh”, nhưng chưa từng nói “Anh sẽ yêu em cả đời”.
Cả đời dài lắm, lời hứa ấy nặng quá.
Khi xưa hắn chỉ muốn “Anh đi cùng em một quãng, cho tới ngày em không còn yêu nữa”, nhưng giờ hắn lại tham lam, muốn đi lâu hơn chút nữa.
Hắn giỏi đơn giản hóa các bài tập Toán Lý Hóa, giỏi dùng công thức, nhưng không giỏi xử lý chuyện tình yêu. Hắn chỉ biết nghĩ cách giảm bớt nhân tố bất an đi, ít nhất phải có một chỗ trú, một nơi có thể thả lỏng.
*
Tiết tự học buổi tối chả lặng ngắt như tờ đâu, học sinh nội trú cả khối tụ tập trong một giảng đường mà chỉ có mỗi một giáo viên trực ban.
Thường thường có học trò cầm sách chạy xuống nhờ giáo viên giải đáp thắc mắc, một số đứa không xếp hàng thì sẽ tìm bạn học thành tích tốt để hỏi, Giang Thiêm và Thịnh Vọng ngồi đây quả tình buôn may bán đắt.
Giang Thiêm không giỏi giảng bài, hắn sẽ lược bớt rất nhiều bước không cần thiết và chỉ nói trọng điểm. Và thế là người nghe sẽ thấy “Ồ thì ra bài này đơn giản thế”, nhưng tới khi gặp phải một bài tương tự thì vẫn chả biết làm. Còn những người không hiểu thì chả dám nhìn bản mặt đó nói “Giảng lại lần nữa đi”.
Thế là bình thường mọi người không thèm hỏi hắn nữa, chỉ mượn đồ thôi, mượn bài thi, mượn vở ghi, mượn đủ thứ có thể mượn. Mượn được rồi lập tức bu quanh Thịnh Vọng để hỏi.
Giang Thiêm nhìn mà chả hiểu, hắn cằn nhằn với Thịnh Vọng mấy lần chỉ gặt hái được những tràng cười ná thở thì thôi không quan tâm nữa.
Và thế trạng thường ngày ở lớp tự học tối là Thịnh Vọng giảng bài cho bạn học khác, Giang Thiêm chuyên tâm đút đề cho một mình Thịnh Vọng ăn.
Đút đề là thế này: Hắn giúp anh Sở biên soạn tài liệu ôn thi nên cần càn quét đủ loại sách hướng dẫn và tổng hợp đề. Nhìn thấy bài nào hay thì dán một tờ giấy nhớ đánh dấu cho Thịnh Vọng.
Dạo rày tần suất đút đề của hắn tăng cao, cố gắng giúp bạn trai nhỏ cuối kỳ sờ được mông hổ.
[*] Vụ “sờ mông hổ” ở chương 59 =)))Có lần mò sang phòng ngủ cách vách ôn bài, thậm chí cậu còn gân cổ khoác lác rằng: “Cứ đợi đấy, trong vòng một học kỳ là tôi có thể sờ đến mông lão hổ rồi.”Lúc ấy Giang Thiêm sửng sốt hỏi cậu nói thế là sao.Thịnh Vọng bảo: “Đứng thứ nhất ý chỉ Chúa tế của núi rừng – lão hổ, có thể sờ mông là người đứng gần lão hổ nhất, ý chỉ đứng thứ hai.”Chắc là lão hổ chưa từng gặp phải thằng người nào to gan lớn mật đến thế, sửng sốt mất vài giây mới tiêu hóa được câu nói đùa này. Hắn sa mạc lời nhìn Thịnh Vọng chốc lát, sau đó cầm sách xua cậu ra khỏi phòng, nói: “Nằm mơ nhanh hơn đấy.”Thịnh Vọng tin tưởng trăm phần trăm vào ánh mắt chọn đề của hắn, cho bài nào thì ngoan ngoãn làm bài đó, không kén chọn.
Hôm nay Thịnh Vọng giảng bài cho một cô bạn mất hơi lâu, mãi mới giảng cho cô nàng hiểu được, quay đầu lại đã thấy mép bàn dán 7 tờ giấy nhớ.
“Nhiều thế?” Thịnh Vọng thắc mắc, nhưng vẫn lột từng tờ một tìm bài trong sách để làm. Trong quá trình làm, Giang Thiêm vẫn mải mê dán giấy lên mép bàn, trông như muốn chiếm trọn buổi tự học tối của cậu.
Cậu hì hục làm bốn bài, rốt cuộc ném bút phất cờ khởi nghĩa, bóp cổ Giang Thiêm bảo: “Trong bốn 4 bài có tận 3 bài cùng dạng, anh chơi em đấy à?”
Giang Thiêm cúi đầu cười, thôi không bắt nạt người ta nữa, hắn tiện tay dán tờ giấy nhớ vừa viết xong lên mu bàn tay Thịnh Vọng.
“Hết chưa?” Thịnh Vọng hỏi.
Giang Thiêm hất cằm chỉ chỉ nó: “Tờ cuối cùng.”
Thịnh Vọng cúi đầu nhìn nhưng trên tờ giấy nhớ chẳng ghi bài mấy trang nào mà chỉ có một câu.
Hắn viết: Chúng ta thuê nhà ở đi.
Thịnh Vọng giật thót, ngẩng đầu nhìn hắn.
Giang Thiêm hỏi: “Em muốn không?”
“Muốn. Nhưng mà —-” Thịnh Vọng ngạc nhiên nói: “Hành lý của anh…”
Giang Thiêm nhìn thoáng xung quanh, bạn hộc ngồi đằng xa đang thảo luận một bài khó, âm thanh vừa đủ che giấu tiếng lầm rầm tâm sự của hai người.
Hắn hỏi Thịnh Vọng: “Một ngày nào đó em sẽ đột nhiên không mở cửa, nhốt anh ở bên ngoài ư?”
“Không bao giờ!” Thịnh Vọng bảo: “Nghĩ gì thế, chắc chắn là không.”
“Thế sao anh phải lo hành lý nữa?” Giang Thiêm nói.
Thịnh Vọng nghẹn lời không đáp nổi, mãi sau mới thốt được một câu: “Nếu xung quanh không có người.”
Giang Thiêm: “Hả?”
Thịnh Vọng ngập ngừng, viết tiếp nửa câu còn lại lên tờ giấy nhớ trên mu bàn tay: Em chắc chắn sẽ hôn tều mồm anh.
Giang Thiêm: “…”
Thịnh Vọng cười đểu xé tờ giấy vo tròn.
Thịnh Minh Dương không điều tra chi tiêu hàng tháng của cậu, dùng nhiều dùng ít phụ thuộc vào cậu hết, bản thân Giang Thiêm cũng có tích cóp, chí ít hai người thuê nhà không thành vấn đề.
Nếu như dạo trước thì họ chắc chắn sẽ nhờ Triệu Hi hỗ trợ, nhưng lần này Thịnh Vọng hơi ngần ngừ. Thế là tự họ liên hệ thuê nhà, cổng Tây, cổng Bắc nhiều nhà phù hợp lắm, họ sàng lọc ra 3 căn, chuẩn bị chọn ngày đến xem.
Vừa khéo thứ 5 cụ Đinh xuất viện, Thịnh Vọng và Giang Thiêm xin nghỉ hai tiết buổi chiều và tự học tối để đến cổng Bắc xem nhà, sau đó tới bệnh viện đón ông cụ.
Thịnh Minh Dương đã ở bệnh viện rồi, ông rất thoải mái với việc con trai xin nghỉ học nhưng ngoài miệng vẫn bảo: “Bố với cô đến đón là được rồi cần gì phải tới.”
Cả ông và Giang Âu đều đến cả, đối với cụ Đinh thì Giang Âu còn được coi là mẹ của “cháu trai” cụ, chứ Thịnh Minh Dương chỉ là một nửa người ngoài thôi, nhưng được cái cụ hợp rơ với một nửa người ngoài này quá.
Giang Thiêm giúp công cụ thu dọn đồ đạc, nhìn quanh và hỏi: “Mẹ cháu đâu ạ?”
Thịnh Minh Dương chỉ chỉ trên đầu: “Ban nãy gặp bạn cũ ở bệnh viện nên đi gặp chút rồi xuống sau.”