Ăn, Cầu Nguyện, Yêu

Chương 46

Để hiểu chứng nghiệm đó là gì, cái gì đã xảy ra trong đó (tôi cũng muốn nói cả "trong động thiền" lẫn "trong tôi") thì phải đề cập tới một đề tài khá bí truyền và dữ dội - cụ thể là, chủ đề kundalini shakti.

Mọi tôn giáo trên thế giới dều đã từng có một nhóm nhỏ tín đồ tìm kiếm chứng nghiệm siêu việt, trực tiếp với Thượng Đế, tự miễn cho mình khỏi nghiên cứu kinh điển nền tảng hay giáo điều để trực tiếp gặp gỡ đấng thiêng liêng. Điều thú vị về những nhà huyền bí này là ở chỗ, khi mô tả những chứng nghiệm của mình, tất cả họ đều mô tả cùng một sự kiện. Thông thường, sự hợp nhất của họ với Thượng Đế xảy ra trong trạng thái thiền, qua một nguồn năng lượng làm đầy toàn bộ cơ thể bằng thứ ánh sáng điện hoan hỉ. Người Nhật gọi năng lượng đó là ki, Phật tử Trung Hoa gọi là chi, người Bali gọi là taksu, tín đồ Cơ đốc gọi là Thánh Linh, thổ dân Kalahari gọi là n/um (những bậc thánh nhân của họ mô tả tương tự một năng lượng giống như con rắn đi dọc lên xương sống và thổi một cái lỗ trên đỉnh đầu qua đó các thần có thể đi vào). Các nhà thơ Sufi Hồi giáo gọi Năng lượng-Thượng Đế đó là "Người yêu quý" và viết những bài thơ sùng mộ về nó. Thổ dân Úc mô tả một con rắn từ trời nhập vào một thầy mo và cho ông những năng lực siêu nhiên, mãnh liệt. Trong truyền thống Kabbalah Do Thái người ta nói sự hợp nhất với linh thiêng này diễn ra suốt các giai đoạn thăng thiên tâm linh, với năng lượng chạy dọc xương sống qua một loạt các kinh mạch vô hình.

Thánh Teresa xứ Avila, nhân vật huyền bí nhất của Thiên Chúa giáo, mô tả hợp nhất của mình với Thượng Đế như một sự thăng thiên ánh sáng vật lý qua bảy "lâu đài" bên trong bản thể mình, sau đó vỡ bùng vào trong sự hiện diện của Thượng Đế. Thánh thường đi vào trạng thái nhập định sâu đến nỗi các nữ tu khác không thể bắt được mạch của Người nữa. Thánh thường van xin các nữ tu đồng môn đừng nói cho bất kỳ ai về điều họ đã chứng kiến, vì đó là "một điều phi thường nhất và có thể gây nên những bàn tán đáng kể." (Chưa kể một cuộc phỏng vấn có thể có với Quan tòa dị giáo.) Thánh viết trong nhật ký của mình, thách thức gay go nhất trong trầm tư mặc tưởng là không khuấy động trí tuệ lên, vì bất kỳ tư tưởng nào của tâm thức - ngay cả những cầu nguyện nhiệt thành nhất - cũng sẽ dập tắt ngọn lửa của Thượng Đế. Một khi trí tuệ rầy rà "bắt đầu soạn diễn văn và bịa ra lý lẽ, nhất là khi đây là những lý lẽ thông minh, nó sẽ sớm tưởng nó đang làm một việc quan trọng." Nhưng nếu ta có thể vượt lên trên những tư tưởng này, Thánh Teresa giải thích, và thăng thiên đến Thượng Đế, "đó là một sự hoang mang thú vị, một sự điên rồ thần thánh, ở đó ta đạt đến minh triết đích thực." Vô tình lặp lại những bài thơ của Hafiz, nhà huyền bí giáo phái Sufi của Ba Tư, người đã hỏi tại sao, với một Thượng Đế yêu thương ta đến vậy, tất cả chúng ta lại không phải là những kẻ sùng tín cuồng nhiệt, Thánh Teresa trong tự truyện của mình đã thốt lên, nếu những chứng nghiệm thần thánh này chỉ đơn thuần là sự rồ dại, vậy thì "con cầu khẩn ngài, Đức Cha, hãy để tất cả chúng con rồ dại!"

Rồi, trong những câu tiếp trong cuốn sách của Thánh, nó giống như Người đang ngừng thở. Ngày nay khi đọc Thánh Teresa, ta gần như có thể cảm thấy Thánh đang xuất khỏi trải nghiệm mê sảng đó rồi nhìn quanh bầu không khí chính trị Tây Ban Nha thời Trung cổ (Người sống dưới thời một trong những bạo chúa tôn giáo hà khắc nhất trong lịch sử) và nghiêm trang, đầy ý thức trách nhiệm, xin lỗi vì sự phấn khích của mình. Thánh viết, "Hãy tha lỗi cho tôi nếu đã rất táo bạo," rồi lặp lại là mọi người nên lờ đi tất cả những lời lảm nhảm của mình vì, tất nhiên, Người chỉ là một phụ nữ và là một con giun và một con chim nhại đáng khinh vân vân và vân vân... Ta gần như có thể thấy Thánh vuốt lại thẳng thớm chiếc áo nữ tu của mình và giấu kỹ những lọn tóc buông xõa cuối cùng đó - bí mật thiêng liêng của Thánh, ngọn lửa mừng rực rỡ ẩn kín.

Trong truyền thống Yoga Ấn Độ, bí mật thiêng liêng này được gọi là kundalini shakti và được mô tả như một con rán nằm cuộn tròn ở dưới xương sống cho đến khi được phóng thích nhờ cái chạm tay của một bậc thầy hay nhờ phép lạ, và rồi nó sẽ đi lên qua bảy chakra, hay luân xa, (mà ta cũng có thể gọi là bảy tòa lâu đài của linh hồn), và cuối cùng vượt qua đầu, bùng vỡ vào hợp nhất với Thượng Đế. Các hành giả nói những chakta này không tồn tại trong cơ thể xương thịt, nên đừng tìm kiếm nó ở đó; chúng chỉ tồn tại trong cơ thể vi tế, là cơ thể mà các đại sứ Phật giáo nhắc đến khi khuyến khích môn đệ mình rút một bản ngã mới mẻ từ cơ thể vật lý ra như cách ta rút thanh gươm ra khỏi vỏ. Anh bạn Bob của tôi, vốn là người học Yoga và nhà khoa học nghiên cứu thần kinh, bảo tôi rằng ý niệm về những chakra này luôn khích động anh, rằng anh muốn thật sự thấy chúng trong một cơ thể người được giải phẫu để tin là chúng tồn tại. Nhưng sau một chứng nghiệm thiền đặc biệt siêu nghiệm, anh bước ra với một hiểu biết mới về nó. Anh nói, "Cũng như trong viết lách tồn tại một sự thật chữ nghĩa và một sự thật thơ ca, trong con người cũng tồn tại một cấu trúc cơ thể theo nghĩa đen và một cấu trúc cơ thể có tính thơ. Một cái, ta có thể nhìn thấy, một cái thì không. Một được làm bằng xương, răng và thịt; một được hình thành từ năng lượng, ký ức và đức tin. Nhưng cả hai đều chân thật như nhau."

Tôi rất thích việc khoa học và sùng tín tìm thấy điểm giao nhau. Gần đây tôi đã đọc được bài báo trong The New York Times về một nhóm các nhà thần kinh học lắp thiết bị điện lên não một thầy tu Tây tạng tình nguyện cho chụp não thí nghiệm. Họ muốn xem điều gì xảy ra trong một tâm trí ở trạng thái siêu nghiệm, nói một cách khoa học, trong những phút giây giác ngộ. Trong tâm trí một người bình thường lúc họ suy nghĩ, một cơn bão sét sinh ra từ những tư tưởng và xung động xoáy lốc liên tục, được ghi lại trong máy chụp não là những chớp lóe vàng và đỏ. Đối tượng càng giận dữ hay xúc động mạnh, các chớp lóe đỏ đó càng cháy gay gắt hơn và đậm hơn. Nhưng tất cả những nhà thần bí suốt các thời đại và ở khắp các nền văn hóa đã mô tả sự tĩnh lặng của não trong thiền định, và nói rằng hợp nhất tối hậu với Thượng Đế là một thứ ánh sáng xanh mà họ có thể cảm thấy tỏa ra từ trung tâm xương sọ mình. Trong truyền thống Yoga, cái đó được gọi là "hạt trai xanh", và nó là một mục đích mà những người tầm đạo tìm kiếm. Không nghi ngờ gì nữa, vị thầy tu Tây Tạng này, trong trạng thái thiền được theo dõi, đã có thể an định tâm thức của mình trọn vẹn đến nỗi người ta không thấy một lóe sáng đỏ hay vàng nào. Quả thực, tất cả năng lượng thần kinh của vị thầy này cuối cùng đã tập hợp và thu vào trung tâm não của ông - ta có thể thấy điều đó diễn ra ngay trên máy phát hiện - vào một hạt ngọc trai ánh sáng nhỏ, xanh, lạnh. Đúng như những hành giả đã luôn mô tả.

Đây là điểm đến của kundalini shakti.

Trong Ấn Độ huyền bí, cũng như trong nhiều truyền thống Saman giáo, kundalini shakti được xem là một sức mạnh nguy hiểm không thể đùa nếu ta không được giám sát; hành giả thiếu kinh nghiệm có thể thực sự trở nên loạn óc với nó. Ta cần một vị thầy - một Sư phụ để hướng dẫn ta trên con đường này, và lý tưởng là một nơi an toàn - một Ashram - để thực hành. Người ta nói cái chạm của Sư phụ (hoặc đích thân theo nghĩa đen, hoặc qua một gặp gỡ siêu nhiên hơn, ví dụ như một giấc mơ) giải phóng năng lượng kundalini bị tắc nghẽn khỏi tư thế cuộn tròn dưới xương sống và cho phép nó bắt đầu hành trình đi lên hướng đến Thượng Đế. Giây phút giải phóng này được gọi là shaktipat, điểm đạo thiêng liêng, và đó là món quà cao quý nhất từ một bậc thầy đã giác ngộ. Sau cái chạm đó, môn đệ có thể vẫn phải nỗi lực hàng nhiều năm trời để đi đến giác ngộ, nhưng ít ra hành trình đã bắt đầu. Năng lượng đã được giải phóng.

Tôi nhận được điểm đạo shaktipat hai năm trước, khi gặp Sư phụ mình lần đầu tiên, từ hồi ở New York. Lúc đó là vào một kỳ nghỉ cuối tuần tại Ashram của bà ở Catskills. Thành thực mà nói, tôi đã không cảm thấy gì đặc biệt sau đó. Tôi gần như hy vọng là sẽ có một gặp gỡ sững sờ kinh ngạc với Thượng Đế, có thể là một tia chớp xanh nào đó hay một ảo tưởng tiên tri, tôi kiểm tra cơ thể mình tìm những ảnh hưởng đặc biệt nhưng chỉ cảm thấy mơ hồ đói, như thường lệ. Tôi nhớ đã nghĩ là có lẽ mình không đủ đức tin để có thể chứng nghiệm bất kỳ điều gì thực sự dữ dội như kundalini shakti được khai thông. Tôi nhớ là đã nghĩ mình quá lý trí, không đủ trực giác, và rằng con đường sùng tín của mình có lẽ sẽ mang tính trí tuệ hơn là thần bí. Tôi có thể cầu nguyện, tôi có thể đọc kinh sách, tôi có thể nghĩ ra những ý tưởng thú vị, nhưng có lẽ không bao giờ tôi có thể thăng thiên lên đến được loại tuyệt phúc thiền định thiêng liêng mà Thánh Teresa đã mô tả. Nhưng điều đó cũng không sao. Tôi vẫn yêu thích thực hành sùng tín. Chỉ là kundalini shakti đó không dành cho tôi.

Dù sao, ngày hôm sau, một điều thú vị đã thực sự xảy ra. Tất cả chúng tôi tập hợp lại bên Sư phụ lần nữa. Bà hướng dẫn chúng tôi vào trạng thái thiền định, và giữa tất cả những thứ ấy, tôi ngủ thiếp đi (hay bất kể trạng thái đó là gì) và có một giấc mơ. Trong giấc mơ này, tôi đang trên một bãi biển, ở biển. Những con sóng khổng lồ khiếp đảm và chúng hình thành rất nhanh. Đột nhiên, một người đàn ông xuất hiện bên tôi. Đó chính là thầy của Sư phụ tôi - một hành giả uy lực vĩ đại mà ở đây tôi sẽ chỉ đề cập là "Swamiji" (trong tiếng Phạn có nghĩa là "thầy tu yêu dấu"). Swamiji đã mất năm 1982. Tôi chỉ biết ngài qua các bức ảnh ở Ashram. Tôi phải thừa nhận là ngay cả qua những bức ảnh tôi vẫn luôn thấy người này hơi quá dễ sợ, hơi quá quyền thế, hơi quá mãnh liệt đối với sở thích của mình. Tôi đã tránh nghĩ về ông trong một thời gian dài, và thường tránh cái nhìn chằm chằm của ông từ trên tường chiếu xuống tôi. Ông có vẻ quá uy lực. Ông không phải là kiểu Sư phụ của tôi. Tôi luôn thích vị nữ sư phụ đang sống cảm thông và đáng yêu của mình hơn nhân vật đã qua đời (nhưng vẫn còn dữ tợn) này.

Nhưng giờ đây Swamiji đang hiện trong giấc mơ của tôi, đứng cạnh tôi trên bờ biển với tất cả quyền năng của ông. Tôi kinh hoảng. Ông chỉ về những đợt sóng đang tiến tới gần và nói nghiêm nghị: "Ta muốn con nghĩ ra một cách ngừng nó lại." Thất kinh, tôi vớ lấy một cuốn sổ và cố vẽ những sáng chế có thể ngăn sóng biển tiến đến. Tôi vẽ những đập ngăn nước biển rồi những kênh và đập đồ sộ. Dù sao, tất cả những phác thảo của tôi đều quá ngu ngốc và vô ích. Tôi biết chuyện này không phải là sở trường của mình (tôi không phải là kỹ sư!) nhưng tôi có thể cảm thấy Swamiji đang theo dõi tôi, nóng lòng và đầy xét đoán. Cuối cùng, tôi chịu thua. Chẳng có ý định nào của tôi đủ thông minh hay mạnh mẽ để giữ cho những con sóng không xô tới.

Đó là lúc tôi nghe thấy Swamiji cười. Tôi ngước nhìn người đàn ông Ấn nhỏ nhắn trong chiếc áo cà sa màu cam này, và ông ấy rõ ràng là đang cười đến vỡ bụng, gặp mình vì khoái chí, lau những giọt lệ mừng vui trên mắt.

"Cho ta biết, con yêu," ông nói, và ông chỉ ra mặt biển hùng vĩ đang dập dềnh, mạnh mẽ và bất tận. "Vui lòng cho ta biết - chính xác là con đã muốn ngăn nó ra sao?"
Bình Luận (0)
Comment