Anh Linh Thần Võ Tộc Việt

Chương 32

Nhật-Tông móc trong bọc ra tờ giấy trình cho Khai-Quốc vương:

- Khải nghĩa phụ, đây là tờ giấy nháp của quan tả-bộc-xạ khi soạn bài hịch. Xin nghĩa phụ kiểm lại xem có phải là bút tích của người không?

Khai-Quốc vương cầm lấy tờ giấy, vương kinh hãi đưa mắt nhìn cháu, trong lòng tự hỏi:

- Rõ ràng Tông nhi cùng Kiệt nhi bị tù, mà sao chúng có tờ nháp này trong tay?

Vương hỏi Dương Đức-Thành:

- Dương tể tướng, phải chăng đây là bút tích của tể tướng?

Tiếp tờ giấy nháp từ tay Khai-Quốc vương, nhà vua nhìn sơ qua cũng biết rõ ràng bút tích của Dương Đức-Thanh không sai. Ngài vội bỏ vào túi, rồi đưa mắt nhìn Dương Đức-Thành. Đức-Thành rập đầu xuống đất:

- Thần thờ trải hai đời vua, con gái thần đã dâng cho bệ hạ một hoàng tử. Nay đứng trước cái chết của toàn gia có thể xẩy ra dưới tay Ưng-sơn, thần hành sự có đôi phần hồ đồ, xin bệ hạ cho thần hưởng khoan dung của bát nghị.

Khai-Quốc vương tâu:

- Quốc trượng ơi! Hoàng thượng là đệ tử của bồ-tát Minh-Không, cô gia là đệ tử của Quốc-sư; tất cả đều có lòng từ bi hỷ xả. Khi quốc-trượng đã sám hối, thì tội trạng cũng theo đó mà tiêu trừ. Trước đây chỉ vì hoàng thượng rộng lượng với Đinh phi, mà Đinh phi bị Ưng-sơn song hiệp chặt đầu. Chỉ vì đức Thái-tổ ân xá cho Vũ-Đức vương, mà toàn thể Vũ-Đức phủ trên ba trăm người bị Ưng-sơn giết với mấy trăm ngựa, hơn trăm trâu bò, mấy chục chó mèo, hàng vạn gà vịt. Nay tội trạng quốc-trượng như vậy, mà hoàng thượng ân xá, thì Ưng-sơn sẽ ra tay ngay.

Dương Đức-Thành quỳ mọp trước Khai-Quốc vương:

- Xin Thái-sư nể tình hoàng hậu mà cứu thần một phen, nguyện xin kiếp sau làm thân trâu ngựa báo đền.

Khai-Quốc vương bảo Nhật-Tông:

- Nếu như quốc trượng Tự-An hay vương phi Thanh-Mai hiện diện thì có thể xin Ưng-sơn tha cho Dương quốc trượng được. Thôi bây giờ ta đành phải nhờ Bình-Dương về đây, may ra cứu được toàn thể Dương phủ. Vậy con hãy nghĩ đến hoàng hậu, mà cùng Kiệt nhi, lấy ngựa phi khẩn cấp lên Bắc-biên gặp chị Bình-Dương trình bầy mọi việc, rồi mời chị con về ngay mới kịp.

Tạ Sơn tâu:

- Trong đêm qua, hoàng thượng phát lệnh cho hai đạo Ngự-long, Bổng-nhật với đạo thiết kỵ Phù-Đổng đuổi theo cha con họ Nùng. Binh pháp của thái-sư rất bén nhậy, nên khi chỉ dụ ban ra, trong hơn giờ, các đạo binh đã lên đường liền. Thần sợ giờ này họ đã tới Trường-sinh và có cuộc giao tranh rồi.

Nhà vua nhìn Khai-Quốc vương có ý xấu hổ về vụ thiếu đức minh mẫn của mình:

- Không sao, nếu họ đuổi kịp, bắt cha con họ Nùng về đây, thì trẫm sẽ phong chức tước lớn cho họ để đền bù. Trẫm sẽ bắt quốc-trượng tạ lỗi với họ. Vả lại lỗi của Dương gia không đến nạn nào, mà đến hai người bỏ mạng như vậy cũng đủ rồi.

Nhật-Tông lắc đầu:

- Thần nhi sợ sẽ có cuộc giao tranh lớn giữa ba đạo binh triều với đạo binh của Trường-sinh.

Nhà vua hỏi:

- Trẫm nghĩ rằng khó có cuộc giao tranh. Vì cha con họ Nùng về tới nơi, ít ra phải một hai ngày mới chỉnh bị binh mã kịp để ứng chiến.

Lý Thường-Kiết quỳ gối:

- Tâu hoàng thượng, thần nghĩ là có. Bởi lệnh của thái-sư, các tướng lĩnh Bắc-biên đi đâu cũng phải mang chim ưng theo. Khi cha con họ Nùng bị vây bắt, bị vu oan, chắc chắn họ phải tự vệ bằng cách làm phản. Họ sẽ sai chim ưng đem thư về Trường-sinh ngay. Quân của Trường-sinh là quân biên phòng, lúc nào cũng sẵn sàng ứng trực. Chỉ cần ba hồi tù và là lâm chiến được liền. Bị hàm oan, có thể đưa đến cái chết cả nhà. Vật cùng tắc phản, uốn quá hóa cong. Đêm qua cha con họ Nùng trở về, họ phải dấy binh chống lại binh triều.

Cả triều đình đều đưa mắt nhìn Thường-Kiệt với sự khâm phục:

- Thiếu niên này quả có tài binh bị. Tương lai sẽ sáng đẹp vô cùng.

Khai-Quốc vương nói:

- Bây giờ thế này, ta cho quan thái-phó Dương-Bình đi cùng hai con. Quan thái phó là sư huynh của Hoàng-Giang cư sĩ. Mà Hoàng-Giang cư sĩ là sư phụ của Nùng Trí-Cao ắt cuộc giảng hoà dễ thành công hơn. Nhật-Tông đuổi kịp ba đạo binh của mình, dù hai bên đang giao chiến thì ra lệnh cho Trịnh Quang-Thạch khẩn cấp lui binh. Thôi đi ngay mới kịp.

Nhà vua cùng Khai-Quốc vương đứng dậy. Lễ quan hô:

- Hành lễ.

Nhà vua vẫy tay:

- Bãi triều.

Nhật-Tông thay y phục thái tử. Thường-Kiệt là con nuôi Khai-Quốc vương, nên chàng mặc y phục thế tử. Hai người lấy thêm mười quân kị, rồi theo thái phó Dương Bình lên đường. Tới bến đò Bắc-ngạn, tất cả xuống thuyền thủy quân qua sông. Dương Bình hỏi Thường-Kiệt:

- Cháu thử đoán xem người giết Dương Đức-Khai là ai?

- Thưa sư bá, cháu nghĩ nếu không là sư thúc Thông-Mai thì là sư thúc Tự-Mai.

Dương-Bình chắp tay lạy lên thinh không:

- Tạ ơn trời Phật, nếu quả Thông-Mai còn sống trên thế gian này, thì ta có thể xin ân xá cho Dương gia. Chứ Tự-Mai thì y xử theo luật Ưng-sơn mất.

Dương hỏi Nhật-Tông:

- Ai đưa bản nháp của Dương quốc trượng cho thái tử?

Nhật-Tông chỉ Thường-Kiệt:

- Thưa thầy, nghĩa tử của con trao cho con đêm qua. Y thực tài, lúc nào y cũng ở bên cạnh con, mà không biết tại sao y lấy được tờ mật thư đó.

Dương Bình cười ha hả:

- Thái tử ơi, có gì lạ đâu. Đêm qua, thầy đồ giết chết tên Dương Đức-Khai, rồi y theo sát bên Thường-Kiệt, cho nên những việc làm của quốc-trượng y biết hết. Cũng chính y báo mọi tin tức, âm mưu của Quốc-trượng cho Tạ Sơn, nên Tạ Sơn mới kịp thời thộp cổ bọn gia nhân họ Dương đi dán hịch.

Nhật-Tông tỉnh ngộ:

- Đa tạ thầy dạy khôn cho.

Chàng hỏi Dương Bình:

- Thưa thầy, ai tổng chỉ huy cuộc hành binh lên Trường-sinh?

- Nội-điện chỉ huy sứ Trịnh Quang-Thạch, y mới được thăng thêm chức Bắc-ban chỉ hậu.

- Ái chà, y là hoạn quan mới mà.

- Đúng vậy, nhưng y là nô bộc của Thiên-Cảm hoàng hậu. Khi hoàng hậu tiến cung, y tự nguyện thiến để làm thái giám.

Nhật-Tông cau mặt lại:

- Con thấy có điều hơi lạ, xưa nay những cuộc hành binh nhỏ, khẩn cấp như vậy không do Vũ-kị đại tướng quân Quách Thịnh, thì cũng Hổ-uy đại tướng quân Lý Nhân-Nghĩa, chứ có đâu đến y. Y chưa từng cầm quân sao có thể khắc địch? Hoặc giả nếu bảo rằng đây là cuộc nội loạn Bắc-biên thì phụ hoàng chỉ cần ban chỉ cho một trong ba chị Bình-Dương, Kim-Thành, Trường-Ninh cũng được.

Dương Bình hỏi Thường-Kiệt:

- Thường-Kiệt thử giải đoán xem.

- Thưa sư bá, cháu nghĩ thế này, đúng ra mọi việc binh bị do phủ Thái-sư điều động hết. Nhưng khi Hoàng-thượng được mật tấu khẩn cấp của Dương phủ trong đêm, thì không kịp báo cho Thái-sư, vì sợ không kịp, nên người phải sai Dương Đức-Uy đi bắt giặc. Khi Dương Đức-Uy chết, Hoàng-thượng cho rằng thế giặc có thể lớn, vì trong đó có cả Hoàng-Giang cư sĩ, nên phải cử một người cực thân tín, cực trung thành. Mà ngay trước mắt chỉ có tên thái giám Trịnh Quang-Thạch, nên sai y đi. Vả từ trước đến nay y được Hoàng-thượng tin dùng, nhưng vì y là thái giám, chưa công trạng, nên không thể cho cầm quyền. Nay Hoàng-thượng sai y hành binh, để sau đó sẽ có cớ phong chức tước lớn cho y.

Chiều hôm đó, ba người đang phi ngựa thì trên đầu có đoàn chim ưng bay lượn, ré lên. Thường-Kiệt nói:

- Chim ưng tuần hành của cô Kim-Thành đấy. Chắc cô sắp tới.

Quả nhiên lát sau, phía trước có đội quân khoảng hơn mười người, một thớt voi với đàn chó sói. Viên đội trưởng vẫy tay hỏi:

- Ba vị là ai, xin dừng ngựa.

Ba người dừng ngựa. Viên đội trưởng nhận ra Nhật-Tông:

- Tiểu nhân tham kiến Thái-tử cùng ngài Thái- phó. Tiểu nhân được lệnh đón Thái-tử với Thái-phó. Công chúa cùng phò mã đang chờ Thái-tử ở gần đây.

Nói rồi y dẫn đường. Nhật-Tông cảm thấy ấm áp trong lòng. Khi chàng mới được bốn tuổi thì mất mẹ, nên các chị Bình-Dương, Kim-Thành, Trường-Ninh thay mẹ an ủi chàng. Vì vậy tuy chàng nhỏ hơn các chị mười tuổi, mà chàng cảm thấy như các chị là mẹ đẻ vậy.

Ngựa phi một quãng nữa, trước mặt, một đạo quân cờ xí, gươm đao sáng choang với đội hổ, báo, voi, chó sói dàn ra. Đi đầu hai cây cờ lớn. Cây thứ nhất có hàng chữ Công chúa Kim-Thành, một lá khác có chữ Thái-tử thiếu phó, Phong-châu tiết độ sứ, long nhương đại tướng quân, Trung-dũng đình hầu Lê. Phía sau, công chúa Kim-Thành với phò mã Lê Thuận-Tông đang đứng đón. Trong tâm Nhật-Tông, chàng muốn chạy đến ôm lấy chị gái. Nhưng bây giờ chàng là Khai-Hoàng vương, vâng chỉ dụ, nên phải đóng vai uy nghiêm. Chàng phi ngựa lên trước nghiêng mình đáp lễ văn quan võ tướng vùng Phong-châu, rồi mới cùng Kim-Thành, Thuận-Tông vào sảnh đường.

Trà nước xong xuôi, Kim-Thành hỏi Dương Bình:

- Dương Thái-phó. Sáng nay Trịnh thái giám cùng ba đạo quân đem chiếu chỉ qua đây, nói rằng đi tiễu trừ họ Nùng làm phản. Trong đội quân có cả anh trai hoàng hậu là Dương Đức-Minh với cháu gái y là Dương Hồng-Hạc. Trước kia Bắc-biên hoàn toàn do cô Lĩnh-Nam Bảo-Hòa tổng trấn. Sau này mới chia làm bốn, ở giữa thì chị Bình-Dương, phía Tây do Trường-Ninh, phía Đông do tôi, phía Bắc do Nùng Tồn-Phúc. Từ khi vợ chồng tôi, vợ chồng Trường-Ninh với Nùng Tồn-Phúc đem quân vượt biên đòi lại được ba mươi động nhỏ thuộc họ Nùng trong tay Tống. Triều đình trao cho Nùng Tồn-Phúc quản lĩnh, thành vùng Trường-sinh. Cha con họ Nùng khéo tổ chức khai mỏ vàng, mỏ bạc, chăn nuôi, mà Trường-sinh trở thành vùng giầu có thịnh trị nhất. Tôi chưa từng thấy y có ý tạo phản.

Phò mã Lê Thuận-Tông tiếp lời công chúa:

- Vả lại y có phản thì phải chuẩn bị binh mã chu đáo. Trên thực tế, trước kia y có ba vạn bộ, một vạn kị, năm trăm thớt voi. Mới đây muốn dân giầu, y cho hai vạn bộ, năm nghìn kị trở về làm ăn. Lại nữa, nếu y làm phản thì phải khởi binh ở trên này, chứ có đâu kéo về Thăng-long?

Dương Bình thuật lại chi tiết vụ án Bắc-ngạn. Mắt phượng mở lớn, công chúa Kim-Thành quát lên:

- Từ mấy năm nay, nghe gã Dương Đức-Thành có ý xung chàng với chú hai, tôi đã lộn ruột rồi. Bây giờ y muốn truất phế Nhật-Tông để cháu ngoại y lên thay sao? Có ba điều không thể thay thế Nhật-Tông. Một là Nhật-Tông đã được đức Thái-tổ di chiếu chỉ định ngồi vào ngôi trừ quân. Hai là đáng lẽ ra ngôi vua về chú hai. Chú hai không muốn làm vua, nhường ngôi cho con nuôi là em tôi. Vậy ai có thể thay em tôi? Ba là Nhật-Tông văn võ toàn tài, nhân đức khó ai bì, lại được chú hai tôi dạy phép cai trị, hành binh, được chị Bảo-Hòa dạy võ, quan Thái-phó dạy văn. Nếu muốn truất phế ít ra cũng phải được ba sư phụ đồng ý chứ?

Phò mã Lê Thuận-Tông vốn mập mạp, bệ vệ, nổi tiếng là một người ôn nhu. Phò mã nói:

- Có phải phụ hoàng tôi hối hận về việc hành binh, nên nhờ quan Thái-phó đem em tôi đi giảng hoà không? Khổ thực. Sáng nay tên họ Trịnh đem quân qua vùng này, tôi hỏi chi tiết vụ hành quân, y khệnh khạng không chịu nói, bảo rằng thi hành mật chỉ.

Về chức tước, Dương Bình lớn hơn Thuận-Tông nhiều. Nhưng Thuận-Tông là phò mã, lại là biên cương trọng thần, nên Dương Bình cung tay:

- Chúng tôi chỉ có ba người, sợ rằng khi gặp đạo binh của gã họ Trịnh, y có thể vô lễ. Xin phò mã cho tôi mượn vài đội binh.

Công chúa Kim-Thành vốn cương quyết, bà đứng dậy nói với Nhật-Tông:

- Em là trừ quân, lại nhận chỉ dụ của phụ hoàng cùng chú hai, nếu gã họ Trịnh bất tuân lệnh, em chặt đầu y cho bọn gian thần kinh hãi. Được, để chị đi với em.

Phò-mã Lê Thuận-Tông nắm tay công chúa:

- Công chúa tính quá cương quyết, e vụ này không có lợi. Vậy một là công chúa ở nhà để tôi đi. Hai là tôi đi với công chúa.

Cùng một cha mẹ sinh ra, nhưng công chúa Bình-Dương thâm nhiễn Phật-giáo, nên mỗi hành sự lại đem đức từ bi, hỉ xả ra dung thứ chúng sinh. Cho nên trên toàn Đại-Việt, người ta coi công chúa như Quan-thế-âm giáng sinh. Còn công chúa Kim-Thanh lại chỉ học nho, thâm nhiễm triết lý trung quân ái quốc, cùng hành xử của người quân tử. Ngày mới mười bẩy, mười tám tuổi, khi phải đối trận với chú ruột là Vũ-Đức vương, công chúa đã đem chính đạo ra thống trách vương, khiến vương không nói được câu nào. Huống hồ nay việc này.

Từ ngày thành hôn với phò mã Lê Thuận-Tông, trấn nhậm Phong-châu. Trong, công chúa cùng phò mã mở mang học hành, tổ chức luyện võ, thao dượt sĩ tốt, khuyến khích nông tang. Ngoài, công chúa liên kết với Ngô-quốc quận vương, thẳng tay với bọn quan Tống muốn Nam xâm. Những khê động trước kia thuộc Đại-Việt, bị Tống dùng áp lực bắt động chủ theo họ hoặc chiếm mất; công chúa hành quân chiếm lại. Những khê, động chủ tham lợi theo Tống, trong bóng tối công chúa cho giang hồ võ lâm giết chết, rồi cử người khác lên thay, vì vậy công chúa đòi lại được ba mươi sáu động, sát nhập vào Phong-châu. Công chúa rủ vua bà Bắc-biên Bình-Dương cùng công chúa Trường-Ninh giúp Nùng Tồn-Phúc chiếm ba mươi động họ Nùng, rồi trao cho Tồn-Phúc thống lĩnh. Bây giờ nghe Dương quốc trượng lạm quyền vu oan cho biên cương trọng thần, khiến công chúa nổi lôi đình.

Trời đã tối, công chúa mời Dương Bình cùng Nhật-Tông, Thường-Kiệt ở lại Phong-châu, sáng hôm sau sẽ lên đường sớm. Văn, võ quan thuộc Phong-châu rời phòng họp. Bấy giờ Nhật-Tông không còn phải đóng vai ông vua con nữa, chàng mới có dịp thuật chi tiết vụ án Bắc-ngạn. Chàng chỉ Thường-Kiệt:

- Kể về lỗi, thằng nghĩa tử của em cũng có đôi chút, bởi nó chụp trúng cái đó của con quỷ cái Dương Hồng-Hạc, nên mới thành cơ sự.

Kim-Thành phì cười:

- Tiếc rằng Thường-Kiệt có Thuần-Khanh rồi, bằng không, hỏi con quỷ cái đó cho nó thì coi như mọi chuyện êm ngay.

Dương Bình đồng ý:

- Thưa công chúa, tục ngữ nói: trai năm thê bẩy thiếp, gái chính chuyên một chồng. Như vậy thế tử Thường-Kiệt cưới thêm Dương tiểu thư làm thứ thiếp có sao đâu?

Nói đến đó ông chợt nhớ lại:

- À, không ổn rồi, Thường-Kiệt là học trò tiên cô Bảo-Hòa, thành ra chỉ có thể cưới một vợ thôi.

Kim-Thành nắm tay Thường-Kiệt:

- Dù con không phải là đệ tử cô Bảo-Hòa mà năm thê bẩy thiếp, khi lên đây chú Thuận-Tông cũng đánh què. Chú cực kỳ ghét người nhiều vợ. Năm trước triều đình cử lên một văn quan phụ trách giáo-thụ cho Phong-châu, vì y có ba vợ nên chú đuổi về.

Phò mã Thuận-Tông cười:

- Hay là chúng ta tuyển thị cho Nhật-Tông? Dù sao cô thị cũng là hoàng hậu, môn đăng hộ đối đấy chứ. Thế nhan sắc ả coi được không?

Thường-Kiệt gật đầu:

- Không bằng cô Thanh-Mai, cô Bình-Dương, nhưng không thua sư bá Khấu Kim-An. Hiện thị có theo trong quân, mai này thị phải ra mắt cô, cô sẽ biết liền.

Sáng hôm sau, đạo binh Phong-châu phát pháo lên đường.

Đạo binh Phong-châu chia làm ba cánh. Cánh thứ nhất do phó thống lĩnh Phong-châu Hoàng Tích dẫn năm mươi thớt voi, năm mươi con hổ, năm mươi con báo, nghìn quân kị đi tiên phong. Kế tiếp trung quân, chính công chúa cùng với Nhật-Tông, Dương Bình đem theo ba nghìn kị binh, trăm thớt voi. Hậu quân do phò mã Lê Thuận-Tông vận tải lương thảo tiếp ứng.

Đi đến trưa thì xa xa thấy khói bốc lên, tiếng voi rống, tiếng cọp gầm, trên trời chim ưng từng loạt lao xuống tấn công, khói bốc lên mịt mù. Hoàng Tích kinh hãi:

- Có lẽ quân sĩ hai bên đang giao chiến. Nguy quá.

Hầu vội phi ngựa lên trước, thì thấy đạo Ngự-long đang rút lui trở lại. Đối diện, đoàn hổ, báo của Trường-sinh cũng ngừng đuổi theo. Đạo Ngự-long thấy phía sau có quân của Hoàng Tích với voi, hổ, báo, thì cho rằng mình bị đánh tập hậu. Họ chia lực lượng làm đôi, một phần lo chống với quân Trường-sinh, một phần lo chống với quân Hoàng Tích.

Hoàng Tích cho dàn quân ra thực mau chóng, rồi phi ngựa lên trước, tay cầm loa gọi:

- Ta là Tiên-yên hầu Hoàng Tích, muốn nói chuyện với tướng chỉ huy đạo Ngự-long.

Một thiếu niên phi ngựa tiến ra, y hất hàm hỏi:

- Tiên-yên hầu Hoàng Tích là ai? Phải chăng là vây cánh của phản tặc Nùng Tồn-Phúc?

Hoàng Tích đáp:

- Ta vâng chỉ của Thái-tử cùng công chúa Kim-Thành đem quân lên đây. Tướng kia, xin cho biết danh tính?

Thiếu niên đáp:

- Ta là Dương Đức-Hợp, đang tuân chỉ mang quân tiễu trừ phản tặc Nùng Tồn-Phúc.

Hoàng Tích nói lớn:

- Thái-tử có chỉ dụ, quân triều phải lui lại ngay, không được giao chiến, chờ Thái-tử tới đã.

Đức-Hợp cười nhạt:

- Chúng ta tuân chỉ dụ đi dẹp giặc, mà phải nghe lệnh tên ôn con Nhật-Tông ư?

Hoàng Tích hú một tiếng, mười con cọp gầm lên xung vào vây tròn Đức-Hợp. Ông vung tay, một sợi dây cuốn lấy Đức-Hợp, ông giật mạnh, người y bay khỏi lưng ngựa rơi xuống đất cạnh ông. Đạo Ngự-long reo hò, nhưng chỉ đứng nhìn.

Lát sau, một võ tướng tới, y thấy Hoàng Tích thì nghiêng mình thi lễ:

- Đô thống Triệu Hòa, chỉ huy đạo Ngự-long xin tham kiến Hoàng quân hầu. Không biết quân hầu điều binh mã đi đâu đây?

Hoàng Tích đáp:

- Tôi thuộc đạo tiền quân của Thái-tử. Thái tử sai tôi lên báo cho các vị chỉ huy đạo Ngự-long, Bổng-nhật, Phù-Đổng biết: phải lui quân lại, tránh giao tranh.

Triệu Hòa sai một kị mã ra đi, rồi y nói:

- Tiểu tướng được chỉ dụ điều đạo Ngự-long tuân chỉ Trịnh công công dẹp giặc. Trịnh công công cho lệnh tiểu tướng đánh vào phía Đông động Trường-sinh. Nhưng từ sáng đến giờ đã ba lần đạo Ngự-long xung vào đều bị Ưng-binh, Hổ-binh đẩy lui. Xin quân hầu chờ, tiểu tướng cho mời Trịnh công công tới.

Lát sau Trịnh Quang-Thạch cỡi ngựa tới, cạnh y còn có, Dương Hồng-Hạc. Thấy Dương Đức-Hợp bị trói tròn, để cạnh mấy con hổ, Quang-Thạch đưa mắt nhìn lá cờ soái của Hoàng Tích rồi thi lễ:

- Tiểu nhân được chỉ dụ đem quân vây bắt, tiễu trừ phỉ tặc Nùng Tồn-Phúc, cùng với Dương công tử. Không hiểu sao quân hầu lại bắt sống Dương công tử, rồi làm nhục thế kia?

Vừa lúc đó đạo trung quân Phong-châu tới. Trịnh Quang-Thạch nhìn lá cờ soái thì biết công chúa Kim-Thành hiện diện. Làm tổng thái giám mấy năm qua, y đã nghe nói nhiều về các công chúa. Cung nga đều nói: Công chúa Bình-Dương là phật Quan-Âm, dù lỗi gì chăng nữa, cứ van xin là được ân xá. Còn công chúa Kim-Thành là một tể tướng Phương-Dung thời Lĩnh-Nam, chớ có coi thường mà mất chỗ đội nón. Biết rằng khó có thể lần khân với vị công chúa cương quyết này, Quang-Thạch nghiêng mình:

- Tiểu nhân giáp trụ trên người, không hành đại lễ được, mong công chúa ân xá. Không biết công chúa có chỉ dụ chi cho tiểu nhân.

Công chúa Kim-Thành chỉ Nhật-Tông:

- Thái-tử tuân chỉ dụ của Hoàng-thượng cùng Thái-phó lên giải quyết vụ Trường-sinh. Vậy công công mau gọi năm tướng tới tiếp kiến Thái-tử.

Dương Hồng-Hạc chưa biết những gì đã xẩy ra, y thị chỉ Nhật-Tông, Thường-Kiệt nói với Trịnh Quang-Thạch:

- Trịnh công công, mau bắt hai tên vô lại phản nghịch đem giết đi. Chính cái thằng mặt đẹp kia đã làm nhục tôi.

Quang-Thạch đã biết mặt Nhật-Tông, y nói với Hồng-Hạc:

- Tiểu thư! Tiểu thư có lầm không? Đây là Thái- tử, còn kia là thế tử của quan Thái-sư. Tiểu thư không thể vô lễ .

Năm tướng chỉ huy năm đạo binh đã tới. Họ nghiêng mình thi lễ với Nhật-Tông. Nhật-Tông nói:

- Ta được lệnh lên giải quyết vụ Trường-sinh. Vậy tình hình hai bên thế nào?

Đô thống Chu Sơn chỉ huy đạo Bổng-nhật đáp:

- Sáng nay, năm anh em thần tuân lệnh Trịnh công công bao vây Trường-sinh, rồi gọi loa cho cha con Nùng Tồn-Phúc ra hàng. Chúng không đáp lại. Bọn thần tấn công vào ba lần đều bị binh voi, hổ đẩy lui. Tuy chưa ai thiệt mạng, nhưng ít ra có chục anh em bị thương.

Nhật-Tông truyền lệnh:

- Năm vị đem quân lui về phương Nam hạ trại. Tuyệt đối không cho quân rời doanh trại. Mọi mệnh lệnh tiến công, rút lui, giao chiến đều do cô gia ban ra. Còn Trịnh thái giám phải ở lại doanh trại với cô gia để bàn định.

Chàng nói với Hoàng Tích:

- Xét tội vô lễ của Dương Đức-Hợp đáng xử trảm. Nhưng nghĩ lại cha là Dương Đức-Uy cùng anh là Dương Đức-Khai bị giết, trong lòng có hơi nóng nảy. Tội mạ lị cô gia cũng đáng khoan dung. Xin Hoàng quân hầu cởi trói cho Dương công tử.

Hoàng Tích vẫy tay, Dương Đức-Hợp được cởi trói, y đứng dậy hướng Nhật-Tông hành đại lễ, miệng lí nhí mấy câu:

- Đa tạ Thái-tử tha mạng.

Từ nãy đến giờ Dương Hồng-Hạc tuy nhìn Thường-Kiệt bằng con mắt hận thù, nhưng trong lòng ả nổi lên một cơn bão táp:

- Trước kia ta từng nghe đồn về Thái-tử Nhật-Tông với thế tử Thường-Kiệt. Cô ta đã nói nhỏ rằng người sẽ vận động để tuyển ta làm vương phi cho Thái-tử. Sau này ta nghe con nuôi của Khai-Quốc vương tên Thường-Kiệt là một đệ nhất mỹ nam tử, văn võ kiêm toàn. Trong lòng ta hằng ước mơ làm vợ một trong hai người đó. Nào ngờ, trên bến Bắc-ngạn ta gặp người mình mơ mà không hay. Chỉ vì ta nóng nảy mà anh với cha đều bị giết chết. Bây giờ thêm vụ ông ta làm liều, đến tính mệnh toàn gia cũng khó bảo toàn chứ đừng nói làm vợ hai gã này. Thôi bây giờ một liều, ba bẩy cũng liều, ta thử kêu van xem may ra có đường sống.

Nghĩ vậy ả từ trên mình ngựa nhảy xuống, tới trước Nhật-Tông rồi phủ phục xuống hành đại lễ:

- Tiểu nữ Dương Hồng-Hạc, xin tham kiến thái tử. Người xưa nói: Không biết là không có tội. Xin thái tử mở lượng trời biển mà tha mạng cho tiểu nữ.

Sợ em dễ tính, lỡ miệng tha cho thị, e sau này khó khăn. Công chúa Kim-Thành chặn trước:

- Người hãy bình thân. Tội của người, để cho quan Hình-bộ thượng thư xét, chứ Thái-tử không thể làm trái luật.

Công chúa truyền nữ binh trói thị, bỏ sau xe.

Doanh trại được thiết lập mau chóng. Nhật-Tông mời chư tướng vào họp. Chàng tóm lược tất cả mọi biến chuyển xẩy ra cho chư tướng nghe, rồi chỉ vào Dương Bình, Thường-Kiệt nói:

- Cô gia nhất định không để quân ta đánh quân ta. Vậy bây giờ cô gia cần một người có cảm tình với cha con họ Nùng đi sứ, nói rõ chủ ý của cô gia. Trong chúng ta đây thì thầy cô gia với nghiã tử cô gia là có thể đi được. Vậy Thường-Kiệt hãy theo quan Thái-phó lên đường, trình bầy hảo ý với Nùng quân hầu.

Lý Thường-Kiệt lĩnh mệnh theo Dương Bình. Chàng lên ngựa hướng cổng chính động Trường-sinh. Còn cách động hơn năm dặm, có một đội quân ngăn lại. Đội trưởng hỏi:

- Người là ai, đến đây có việc gì?

- Phiền nhân huynh vào thưa với Hoàng-Giang cư sĩ hay Nùng tiểu công tử rằng có cố tri, cháu của Ưng-sơn Nam-hiệp tới thăm.

Lát sau Hoàng-Giang cư sĩ cùng Nùng Trí-Cao phi ngựa ra. Hai người thấy Thường-Kiệt thì kinh ngạc vô cùng:

- Nhân huynh bị bọn họ Dương bắt đi, sao lại ở đây? Kìa, đại sư ca đi đâu đây?

Thường-Kiệt hành lễ với Hoàng-Giang cư sĩ:

- Thưa sư bá, khi còn sinh tiền, bố cháu với sư bá là chỗ thâm tình. Nhưng vì hôm ở Bắc-ngạn, cháu phải giữ kín thân phận nên không thể hành lễ với sư bá.

- Cháu là con của?

- Thưa sư bá bố cháu là Ngô An-Ngữ.

Hai giọt lệ từ chảy xuống gò má Hoàng-Giang cư sĩ. Ông nắm tay Thường-Kiệt:

- Thì ra cháu. Hèn gì tư cách khác thường. Còn thiếu niên xưng là chú của cháu, rồi nhận cháu là con nuôi.

- Thưa đó là Thái-tử Nhật-Tông tước phong Khai-Hoàng vương. Vì bố cháu ngang vai với cô Bảo-Hòa, Bình-Dương, Thông-Mai, Tự-Mai, nên cháu gọi Nhật-Tông là chú. Chú hay cha thì cũng thế.

Trong khi Dương Bình với Hoàng Giang cư sĩ nói chuyện với nhau, thì Nùng Trí-Cao nắm tay Lý Thường-Kiệt:

- Thì ra đại huynh là đệ tử của tiên-cô, hèn chi tư cách khác thường. Trước đây đệ đã được bái kiến tiên cô một lần. Việc đây xong, thế nào đệ cũng xin lên Tản-lĩnh bái kiến tiên cô một lần nữa.

Nùng Tồn-Phúc ân cần tiếp đón Dương Bình với Thường-Kiệt. Dương Bình tường thuật chi tiết cùng uẩn khúc trong vụ Dương Đức-Thành cho Tồn-Phúc nghe. Tồn-Phúc cười nhạt:

_- Xưa nay, bọn ngoại thích thường nảy sinh ra gian hùng. Cái gương thời Tây-Hán, Lã hậu còn đó. Thời Đông-Hán nảy sinh ra vụ Mã hậu. Rồi cuối đời Đông-Hán cũng vì ngoại thích mà xẩy ra chiến tranh. Gần đây nhất bên Trung-nguyên xẩy ra vụ Võ hậu. Không hiểu sao Thái-sư không nhân vụ này, chặt đầu bọn họ Dương cho rồi.

Trí-Cao nói với bố:

- Theo con nghĩ, Thái-sư là người thâm tư viễn lự, ắt có cao kiến hơn. Đối với Ưng-sơn song hiệp, hẳn tiếng nói của người mạnh ngang với vương phi, hơn vua bà Bình-Dương nhiều. Tại sao người không nói, mà lại gửi thái tử với Thường-Kiệt huynh lên Bắc-biên triệu vua bà về? Điều này có nghĩa người dằn mặt tên gian thần, cũng nhắn nhủ Ưng-sơn: hãy tha cho Đức-Thành, từ nay nếu y lạng quạng thì giết cũng chưa muộn.

Dương Bình hỏi Hoàng-Giang cư sĩ:

- Khi Dương Đức-Uy đem quân đến vây bắt Nùng quân hầu, thì ai giết chết y? Sư đệ hay Trí-Cao?

Hoàng-Giang cư sĩ trình bày:

- Sự thực như thế này. Đệ với Nùng hầu, Trí-Cao ở trong khách điếm thì thái giám đến tuyên chỉ rằng có chiếu chỉ bắt cha con Nùng hầu. Rồi thị vệ xúm vào trói cả hai lại. Vừa lúc đó Đức-Uy tới. Y rút kiếm chém Trí-Cao. Đệ bắt kiếm, yêu cầu đưa cha con Nùng-hầu đến quan hình bộ xét xử. Nhưng y bảo có chiếu chỉ truyền giết cha con Nùng hầu. Giữa lúc hai bên cãi cọ, thì một người ăn mày đi qua; y khẽ vỗ tay một cái vào lưng Đức-Uy, lập tức y trợn mắt lên, rồi mặt tím đen mà chết.

Dương Bình lắc đầu:

- Chiêu số của y ra sao?

- Y ra tay bất thần, nhanh như điện chớp, đệ không nhìn rõ. Thoáng một cái y đã biến mất. Đệ nhìn lưng thấy dáng người y rất quen. Khi đệ xem lại, thì trên người Đức-Uy không có một vết thương nào, nhưng tâm, phế tạng nát nhừ ra, cho nên y chết tại chỗ. Đám thị vệ đi theo thấy Đức-Uy chết thì bỏ chạy. Đệ cởi trói cho cha con Nùng hầu, rồi bỏ chạy về Bắc-biên ngay.

Trí-Cao nói với Thường-Kiệt:

- Thường-Kiệt huynh! Huynh thử đoán xem tên ăn mày là ai?

- Theo đệ nghĩ y với thầy đồ là một.

- Đúng thế. Đệ nghĩ thầy đồ không thể là Tần-vương Tự-Mai, cũng không phải là sư thúc Lê Văn. Nhưng dường như thầy là người phái Sài-sơn. Đệ nghĩ sư bá đã đoán ra là ai, mà người không nói ra đấy thôi.

Dương Bình vỗ tay lên lưng Trí-Cao:

- Sư bá có lời khen con. Thôi lát nữa Thái-tử sẽ truyền lệnh bãi binh. Ngày mai con cũng nên theo phụ thân về triều để đối chất với gian thần.

Trí-Cao cung tay:

- Thưa sư bá, không phải con không tin sư bá, nhưng ở đời phải cẩn thận vẫn hơn. Tuy Thái-tử bãi binh, nhưng con xin ở lại giữ nhà, để phụ thân với anh Trí-Thông đi được rồi.

Một phụ nữ rất xinh đẹp hỏi Dương-Bình:

- Dương thái phó. Tỷ như khi phu quân tôi với Trí-Thông về Thăng-long, rồi bị đem chặt đầu, thì ở đây chúng tôi sẽ nổi loạn đấy nhé. Trường hợp này, thái phó tính sao?

Trí-Cao giới thiệu với Dương Bình:

- Thưa sư bá đây là mẫu thân cháu. Mẫu thân cháu nguyên là con của quan Lễ-bộ tham tri đời đức Thái-tổ, bạn rất thân của vua bà Lĩnh-Nam Bảo-Hòa. Đức Thái-tổ gả mẫu thân cháu cho bố cháu.

Dương Bình chắp tay:

- Tôi thực sơ tâm. Trước đây tôi nghe nói rằng Nùng phu nhân là đại đệ tử của sư thái Tịnh-Tuệ, chưởng môn phái Mê-linh, nhũ danh là Thuần-Anh. Hôm nay mới được tương kiến.

Ông nói với Thuần-Anh:

- Phu nhân yên tâm, việc phu nhân lo nghĩ khó có thể xẩy ra. Phe họ Dương đâu có nhiều? Trong khi đó ta còn Thái-sư, còn văn võ bách quan nữa mà. Nhưng nếu trường hợp đó xẩy ra, tôi sẽ xin từ quan, và phái Sài-sơn vĩnh viễn không hợp tác với triều đình nữa.

Thường-Kiệt hướng Thuần-Anh quỳ gối:

- Đệ tử Lý-thường-Kiệt xin bái kiến đại sư bá.

Thuần-Anh nâng Thường-Kiệt dậy:

- Năm trước được tin mẫu thân cháu qua đời, ta thương xót vô cùng. Nhưng khi được tin, thì trễ một tháng. Hồi chúng ta còn con gái, theo học phái Mê-linh, mẹ cháu, Diệu-Chi với ta rất thân. Không ngờ Diệu-Chi, Thuần-Trúc đều qua đời sớm.

Bà vuốt tóc Thường-Kiệt như trẻ con:

- Hôm trước nghe Trí-Cao nói, gặp hai thiếu niên ở Bắc-ngạn ra tay nghĩa hiệp cứu nó, ta cứ tưởng người nào đó, không ngờ là cháu. Hôm nay gặp cháu đây, ta tặng cháu món quà.

Bà dắt Thường-Kiệt ra ngoài, đến tầu ngựa, rồi chỉ vào con ngựa trắng như tuyết, cao lớn dị thường:

- Đây là con bạch mã long câu. Hồi cách nay năm năm, ta cùng Trí-Thông đi săn, thình lình chim ưng ré lên báo hiệu cho ta biết có sự gì lạ. Ta theo chim ưng dẫn đường vào trong thung lũng xa hàng chục dặm thì thấy nó. Ta tung dây bắt, nó hí lên rồi tránh khỏi. Ta phải quăng đến mười lần mới bắt được. Bắt rồi, ta nhảy lên lưng nó. Nó không chịu định vật ngã ta. Ta trổ khinh công, cùng võ công mà hơn giờ mà nó không phục. Hay đâu Hoàng-Giang cư sĩ tới. Người chỉ dẫn phép phục ngựa của Phù-Đổng Thiên-vương cho ta, mới thu phục được nó. Nay ta cho cháu.

Thường-Kiệt bái tạ. Thuần-Anh vỗ lưng ngựa:

- Bạch-mã, người phải theo cháu ta, phục thị cháu ta như phục thị ta nghe.

Con bạch mã hí lên một tiếng rồi liếm tay Thường-Kiệt tỏ vẻ thân ái.

Nùng Tồn-Phúc nói với Dương Bình:

- Tôi tin thái phó. Vậy bây giờ tôi sẽ đi với thái phó đến yết kiến Khai-Hoàng vương.

Dương Bình, Thường-Kiệt dẫn Nùng Tồn-Phúc, Nùng Trí-Thông lấy ngựa đến doanh trại Khai-Hoàng vương. Bốn người vừa tới nơi, Nhật-Tông cùng công chúa Kim-Thành, phò mã Thuận-Tông đã ra trước trại đón. Tồn-Phúc chắp tay:

- Vương gia, công chúa, phò mã. Cha con thần mình mặc giáp trụ không hành lễ được. Mong vương gia, công chúa, phò mã dung thứ.

Nhật-Tông nắm lấy tay Tồn-Phúc:

- Nùng hầu! Giữa Nùng hầu với cô gia cùng ở trong một hoàn cảnh tại Bắc-ngạn. Nùng hầu khỏi cần giảng giải, cô gia khỏi cần biện minh. Việc phụ hoàng và thúc phụ sai cô gia lên đây, đủ tỏ cho mọi người biết những điều sai trái về phía Dương gia.

Công chúa Kim-Thành truyền đặt tiệc.

Tồn-Phúc hỏi Thường-Kiệt:

- Dường như trên đường từ Bắc-ngạn về Thăng-long, thầy đồ còn theo thế tử để giúp đỡ thì phải.

- Thưa quân hầu vâng.

Rồi chàng thuật chi tiết những gì thầy đồ đã âm thầm giúp đỡ chàng. Nhất là lúc chàng ở trong tù thầy trao bản nháp của Dương Đức-Thành cho chàng.

Tiệc tàn, Nhật-Tông nói với Nùng Tồn-Phúc:

- Nùng hầu, ngay thời vua Trưng, còn có gian thần Lê Đạo-Sinh, Phong-châu song quái. Thời Thuận-Thiên còn có Đàm Can. Trong triều hiện nhưng trung thần văn mô vũ lược không thiếu, nhưng cũng có gian thần họ Dương. Vậy cô gia cùng Thường-Kiệt theo thầy về Thăng-long trước. Nùng hầu thu xếp mọi việc rồi mau mau lai kinh. Cô gia sẽ sai quét ngõ, lau cổng, tiếp đón Nùng hầu, sau đó chúng ta bàn truyện Bắc-chinh.

Chàng gỡ viên ngọc trên mũ trịnh trọng trao cho Nùng Tồn-Phúc:

- Gửi Nùng hầu tín vật này tặng Trí-Cao. Xin Nùng hầu nhắn với Trí-Cao rằng: ở Thăng-long có Nhật-Tông, Thường-Kiệt đang mong người bạn trẻ Trí-Cao đấy.

Nùng Tồn-Phúc lĩnh ngọc.

Dương Bình cùng Nhật-Tông từ biệt công chúa Kim-Thành rồi nhắm động Giáp phi ngựa. Còn cách mấy chục dặm, đã thấy một đoàn người ngựa dàn ra uy nghi. Đi đầu là một thớt voi, trên có một thiếu phụ áo trắng cực kỳ xin đẹp. Nhật-Tông nhìn kỹ, thì ra người mà chàng nhớ nhung ngày đêm: vua bà Bắc-biên Bình-Dương. Nhật-Tông ruổi ngựa thực mau, tới trước voi Bình-Dương thì tung mình nhảy lên ngồi ngay trước bà:

- Chị! Em nhớ chị chết đi được.

Vua bà Binh-Dương rơm rớm nước mắt vuốt tóc Nhật-Tông:

- Chị cũng nhớ em lắm. Chuyện Bắc-ngạn chị hiểu hết rồi. Biết em lên Trường-sinh sau đó tìm chị, nên chị đón đường chờ em. Em hay thực. Có ai ngờ ông vua con bị người ta quẳng vào ngục như con chó tiền rưỡi mà vẫn không giận. Chị Bảo-Hòa nghe tin này chắc vui lắm. Ngày trước chị cũng bị Đàm An-Hoà liệng vào ngục. Nhưng nhờ có thái cô với sư phụ, mới đủ đức nhẫn. Nay mình em mà có đức nhẫn này thực xứng đáng làm ông vua nhân từ. Thôi chúng ta về Thăng-long.

Vua Bà nói chuyện với Dương Bình. Hồi vua bà còn là công chúa Bình-Dương cùng Thanh-Mai, Bảo-Hòa đến Vạn-thảo sơn trang. Bấy giờ Dương Bình là đại đệ tử của Hồng-sơn đại phu. Hai bên đã quen biết nhau. Nhưng nay cả hai đều ở địa vị tối cao của đất nước, nhưng vẫn giữ được thân mật như thủa nào.

Vua bà Bình-Dương nói với Nhật-Tông:

- Em thực là sướng. Sư phụ dạy võ là chị Bảo-Hòa, thầy dạy văn là Dương thái phó. Cả hai cùng yêu thương em như yêu thương chính thân mình. Đức Thái-tổ nhà ta xuất thân từ cửa chùa, suốt đời chỉ mưu cầu cho dân giầu, nước mạnh. Phụ hoàng thì lo gìn giữ những gì đức Thái-tổ đã tạo được. Chị nghĩ đến em lại khác, em cần yêu thương dân như yêu chân tay mình.

Nhật-Tông ngồi ngay ngắn trên mình ngựa, chắp tay:

- Em xin ghi nhớ lời chị dạy.

Thế rồi suốt dọc đường, vua bà Bình-Dương, cùng Dương Bình thảo luận về phương thức làm cho dân giầu, thì nước mạnh, ngược với Tống, chủ trương nước mạnh trước dân giầu khác nhau thế nào. Hai trẻ Nhật-Tông, Thường-Kiệt im lặng ghi nhớ. Cả hai đều biết rằng, thời gian phải thay cha, anh cầm vận mậnh dân chúng không xa. Cả hai cùng cảm thấy cái họa ngoại thích đã làm triều Hán, triều Đường bên Trung-nguyên khốn đốn. Gần đây Đại-Việt có minh quân như vua Thái-tổ mà còn bị nạn Đàm quý-phi. Nay đang bị nạn Dương hoàng hậu.

Thình lình Thường-Kiệt hỏi:

- Tấu vua Bà, hoàng thượng truyền vua Bà về kinh để xin với Ưng-sơn song hiệp tha mệnh cho Dương tể tướng. Nhưng Ưng-sơn song hiệp là sư thúc Tự-Mai với công chúa Huệ-Nhu đều không ra tay, vậy???

Từ đầu đến cuối, phò mã Thân Thiệu-Thái không nói một câu, bây giờ ông mới lên tiếng:

- Để chú dạy khôn cho con. Những người lãnh đạo quốc gia như Thái-sư, thường hành sự rất cao xa. Con phải tập hiểu lối làm việc ấy cho quen. Đã đành người treo án tử hình Dương gia là thầy đồ, không phải sư thúc Tự-Mai. Thầy đồ là ai? Trong trong thế gian này, hỏi người nào có gan bằng trời mà dám xưng là Ưng-sơn ? Nếu không phải là người cực thân tín của sư thúc Tự-Mai.

Nhật-Tông, Thường-Kiệt cùng gật đầu. Nhật-Tông hỏi:

- Em nghĩ chỉ có bằng này người xưng là Ưng-sơn, mà sư huynh Tự-Mai cũng cười xòa, không nói gì. Một là Thuận-Thiên thập hùng, hai là Thiên-trường ngũ kiệt, ba là sư huynh Thông-Mai.

Thường-Kiệt nói với Nhật-Tông:

- Nghĩa phụ, con nghĩ ra rồi. Chắc Thái-sư biết rõ ai đã ra tay. Nếu như Thái-sư chỉ tuyên bố một câu rằng: thôi tha cho Dương tể tướng, thì người ấy tha liền. Nhưng Thái-sư muốn triệu hồi vua Bà, như vậy để cho Dương gia biết tội, từ nay không dám đụng đến nghĩa phụ nữa.

Phò mã Thân Thiệu-Thái vỗ vai Thường-Kiệt:

- Giỏi. Khi con kể rằng: thầy đồ nhìn con với Thái-tử bằng đôi mắt thương cảm như cha với con, như thầy với trò, chú đã đoán ra ông ta là ai rồi. Chắc Thái-sư cũng đoán ra. Bây giờ thì con cứ im lặng, thầy đồ lúc nào cũng ở gần Thái-tử với con.

Đức của công chúa Bình-Dương đối với Đại-Việt rất lớn. Từ ngày bà cùng phò mã Thiệu-Thái tiếp nối ngôi vua bà Bắc-biên, ngoài đòi lại tất cả 102 khê động bị Tống chiếm mất, thành ra con số 207 khê động trở về với Đại-Việt. Công chúa lại khéo hòa giải, nên hơn mười năm, mà không một động chủ, trang chủ nào xung đột nhau. Trong thì dùng đức từ bi của nhà Phật cai trị dân. Dân chúng ấm no sung sướng, nên chưa từng có một án tử hình đã đành, mà đến án tù một hai năm cũng không có. Thảng hoặc chỉ có những án trẻ con phá phách, bị đem ra giữa làng, giữa đình đánh đòn mà thôi.

Thời bấy giờ đạo Phật cực thịnh, nên dân Đại-Việt tin rằng công chúa Bảo-Hòa là tiên cô trên thượng giới giáng trần. Bố-Đại hòa thượng là Phật Di-Lặc giáng thế. Còn vua Bà Bình-Dương là Quan-Âm phân thân giáng sinh. Mấy ngày qua, dân Thăng-long đồn rằng Dương gia phạm tội, đức vua với Thái-sư triệu hồi vua Bà về xử tội Dương tể tướng, nên họ chuẩn bị sẵn. Khi xa xa, thấy voi vua Bà tới, già trẻ dẫn nhau ra đường thắp hương mà đón. Vua Bà xuống voi, ân cần thăm hỏi từng người.

Vì thăm hỏi dân chúng, nên mãi tới giờ Thân, Bà mới dẫn phò mã với Nhật-Tông, Thường-Kiệt vào hoàng thành yết kiến hoàng đế. Hoàng đế để các con hành lễ xong rồi chỉ ghế bên cạnh, ra hiệu cho vua Bà, phò-mã an tọa. Nhật-Tông, Thường-Kiệt lui ra sau khoanh tay đứng hầu.

Nhà vua hỏi phò-mã:

- Thế nào, dân chúng an vui cả chứ? Trẻ vẫn chăm học cả chứ? Già yên ổn cả chứ? Các động chủ, châu chủ vẫn bình thường chứ? Vụ mùa vừa qua Bắc-biên trúng nhất. Gió thuận, mưa hòa, thú vật không bệnh. Các con có tha thuế cho dân không?

- Tâu phụ hoàng chúng con xin các châu, động tha thuế một năm. Riêng Phong-châu thì Kim-Thành tha hai năm.

- Được. Con bé đó là một tiểu Khổng-tử.

Nhà vua thở dài:

- Không phải là ta bất minh. Thời đức Thái-tổ có Đàm Can. Bây giờ có quốc trượng Dương Đức-Thành. Con thử nghĩ xem, nếu con là Thiên-Cảm hoàng hậu, ắt con cũng làm những gì để cứu phụ thân. Chúng ta theo đạo đức Thế-tôn, lấy chữ hiếu làm đầu. Vì vậy hoàng hậu khẩn khoản xin ta cứu mệnh cho Dương-gia. Chú con cho rằng người ra tay trừng phạt Dương-gia không phải là Tần-vương Tự-Mai. Người ước tính rằng con có thể cứu được Dương quốc trượng.

Nhà vua nhìn Nhật-Tông:

- Thực là oan gia! Hôm trước ta với Hoàng-hậu đã ngỏ lời tuyển Dương Hồng-Hạc làm vương phi cho em con. Do hai mối dây liên hệ, nên ta muốn con khoan dung cho họ Dương lần này, gọi là cái nghĩa của thông gia. Con định phạt Dương gia ra sao?

Nghe nhà vua phán, Nhật-Tông đưa mắt nhìn Thường-Kiệt, bốn mắt gặp nhau, như cùng ngụ ý : con nhỏ đành hanh Dương-hồng-Hạc mà làm vương phi của Nhật-Tông, thì cuộc đời Nhật-Tông sẽ đen tối vô cùng.

Vua Bà cung kính:

- Con xin tuân chỉ phụ hoàng. Con xin đề nghị một hình phạt cho Dương gia: tất cả người trong Dương phủ, bất kể già, trẻ, lớn, bé đều phải đến đền thờ vua Hùng, vua An-Dương, vua Trưng, đền thờ Bắc-bình vương Đào-Kỳ cùng vương phi để quét dọn, làm cỏ. Như vậy tỏ ra rằng phép nước rất nghiêm, đến quốc trượng cũng phải thọ hình, lại tỏ ra rằng phụ hoàng lấy từ bi khoan dung cho kẻ xám hối.

Nhà vua hài lòng, lên tiếng:

- Mời Hoàng-hậu ra.

Thiên-Cảm hoàng hậu từ trong màn bước ra. Luật thời Lý định rằng: Hoàng-hậu là mẫu nghi Đại-Việt. Vì vậy vua Bà hô phò mã cùng hai trẻ Nhật-Tông, Thường-Kiệt quỳ gối hành đại lễ. Hoàng-hậu đỡ vua Bà dậy:

- Miễn lễ.

Bà nhìn Nhật-Tông:

- Vụ án Bắc-ngạn, cũng may không đến nỗi như vụ án Thanh-hóa năm xưa. Con ạ, mẫu hậu được chỉ dụ của phụ hoàng, định tháng sau tuyển Hồng-Hạc làm chính phi cho con. Ta nghĩ Hạc là cháu ta. Con là con ta. Như vậy Hạc sẽ giúp con nhiều trong việc trị dân sau này. Ta nghe Kim-Thành bắt trói Hồng-Hạc, bây giờ con giam Hạc ở đâu?

Nhật-Tông cung kính:

- Thưa mẫu hậu, chị Kim-Thành chỉ nói Dương tiểu thư sẽ được giải giao cho quan Hình-bộ để xét xử. Thần nhi không biết hiện tiểu thư ở đâu.

Nhà vua gọi thái giám:

- Nhà ngươi trình với quan Cần-chính điện đại học sĩ ban chỉ khẩn cấp gửi lên Phong-châu, truyền ân xá cho Dương Hồng-Hạc ngay.

Nhà vua hỏi Nhật-Tông:

- Công việc bình Nùng Tồn-Phúc ra sao rồi?

Nhật-Tông tâu tỷ mỷ từng chi tiết một. Nhà vua sa sầm nét mặt lại:

- Như vậy họ Nùng vẫn còn hận triều đình, nên mới để Trí-Cao với Thuần-Anh ở lại, thế là ra dạ bất trung. Ý hắn muốn mặc cả với ta rằng: phải phong thưởng cho hắn, tạ lỗi với hắn hẳn? Bằng không con hắn với tộc Nùng sẽ nổi lên chống triều đình? Ta mà tỏ ra khiếp nhược, thì tương lai khó có thể trị đám khê động. Được, thử xem ta có trị được hắn không?
Bình Luận (0)
Comment