Tôi thấy Kha Dục hơi lạ.
Cậu tìm tôi, phần lớn là thay mặt lớp giải quyết những việc quan trọng. Kha Dục là một lớp trưởng đặc biệt quan tâm đến giáo viên, bình thường những việc nhỏ, cậu sẽ không làm phiền tôi.
“Làm sao vậy?” Tôi cũng không quan tâm đến bộ dạng ngồi co quắp dưới đất của mình.
“Lý Tiểu Diễm hai ngày nay không đi học, các bạn nữ còn nói buổi tối bạn ấy cũng không quay về ký túc xá.”
Tôi ngẩng đầu, khóc không ra nước mắt.
Cái lớp này, từ năm thứ nhất đến năm thứ ba, dường như không có lúc nào làm tôi bớt lo lắng cho được. Tôi trở nên tang thương và nhạy cảm, hoàn toàn là vì mấy cô cậu này đây.
“Em đừng sốt ruột, cô đã gọi điện thoại rồi nhưng bạn ấy không chịu bắt máy.” Kha Dục rất cao, lúc nhìn tôi phải hơi cúi đầu. Tôi nhìn lên phía trên cổ áo sơ mi của cậu, những đường cong nhu hòa kéo dài về sau tai, che khuất bởi mái tóc ngắn, càng làm cho cậu thêm sáng rực dưới ánh mặt trời.
Quả thật lúc ban đầu, Kha Dục cũng khiến người khác phải lo lắng.
Cuối buổi chiều ngày báo danh năm học mới, tôi gọi cả lớp đến phòng học tập trung, trong lúc điểm danh chợt nghe thấy bên ngoài có tiếng ồn ào, ai đó kêu to “Nguy rồi! Có người đang đánh nhau!”
Các sinh viên chạy ào về phía cửa sổ rồi nhìn xuống dưới.
“Trời ơi, là Kha Dục và bố cậu ấy.” Có người lên tiếng.
Ngòi bút của tôi vừa mới đặt trên chữ “Kha Dục”.
Tôi chạy ra ngoài hành lang, trên bãi cỏ phía sau lớp học đã bị các sinh viên vây quanh kín mít. Tôi chen vào đám đông, chỉ thấy giữa bãi cỏ, một người đàn ông trung niên và một nam sinh cao lớn đang đánh nhau. Cậu nam sinh cao lớn kia nhuộm tóc màu xanh. Màu xanh giống như nước biển, đứng dưới bầu trời tháng chín, vô cùng chói mắt.
Cậu nam sinh cao lớn ấy dần chiếm ưu thế, ép chặt người đàn ông trung niên dưới thân mình, giương nắm đấm lên cao.
Những sinh viên đứng xem bắt đầu ồn ào.
Tôi vội vàng tiến lên.
Nắm đấm kia không kịp đổi hướng, hạ trúng mặt tôi. Tôi lảo đảo hai bước, ngã xuống đất, máu mũi chảy ra không ngừng.
Tôi choáng váng đầu óc, giây tiếp theo liền ngất xỉu.
Tôi tỉnh lại trong phòng y tế, nhìn thấy người đàn ông trung niên vẻ mặt áy náy đang đứng cạnh giường, phía góc phòng là cậu nam sinh tóc xanh, cậu lạnh lùng trừng mắt nhìn tôi.
“Kha Dục, em xuống căng tin mua cho chúng tôi hai chai nước, tôi khát quá.” Tôi khó khăn ngồi dậy, mọi thứ trước mắt cứ đong đưa liên tục, tôi vội nhắm mắt lại. Vừa mở mắt ra thì cậu đã đi rồi.
Bố Kha Dục liên tục nói xin lỗi với tôi, trong mắt ông hiện lên vẻ bấc đắc dĩ và tuyệt vọng. Ông có một công ty xây dựng mở rộng kinh doanh sang nước ngoài, quản lý hơn chục nghìn công nhân một cách nề nếp, duy chỉ đối với con trai mình là không có biện pháp nào.
“Nó kết giao với bạn bè không đứng đắn, tiêu tiền như nước chảy, uống rượu, hút thuốc, đua xe, cấp ba thì học lại hai năm, vất vả lắm mới thi đậu vào một trường tốt, kết quả, tôi không ngờ nó bị đuổi học.” Dường như trong mắt ông, có nhìn bằng kính lúp cũng không thể tìm được một ưu điểm nào của Kha Dục.
“Vì thế bác đã ép cậu ấy đến đây?”
“Nếu không thì phải làm gì bây giờ, tôi sao có thể trơ mắt nhìn nó hư hỏng thành một tên lưu manh ngoài phố cơ chứ?”
“Kết quả là thế này ư?”
Ông Kha chua xót thở dài.
Ông cũng xấp xỉ tuổi ba tôi nên tôi cũng không thể lên mặt cụ non mà thuyết giáo ông. “Tổng Giám đốc Kha, chuyện trước kia tôi không hiểu rõ lắm, nhưng hôm nay tôi cảm thấy ông làm vậy cũng không đúng.”
Ông Kha ngạc nhiên nhìn tôi.
“Kha Dục đã trưởng thành, ở trước mặt mọi người bác trách móc, la mắng, thậm chí đánh cậu ấy, quả thật bác đã khiêu khích lòng tự trọng có hạn của cậu ấy rồi, cậu ấy làm sao có thể không đánh trả? Khi tôi còn nhỏ, mẹ nặng lời với tôi trước mặt người khác, tôi đã khóc đến tuyệt thực.”
Bố Kha Dục mở miệng cười lớn.
Tôi mỉm cười, “Ở công ty bác có thói quen ra lệnh cho người khác, cho dù quyết định của bác đúng hay sai, nhân viên đều phải nghe theo. Kha Dục không phải nhân viên của bác, cậu ấy không nhận tiền lương của bác cho nên cậu ấy cũng không cần nhìn sắc mặt bác mà làm việc.”
Bố Kha Dục nhẹ giọng hỏi: “Vậy tôi nên làm cái gì bây giờ?”
“Nếu không thể gượng ép, chi bằng để cho cậu ấy tự do. Bác sinh thành cậu ấy bác nên có trách nhiệm, sau này người hối hận cũng sẽ không phải là bác.” Tôi lướt mắt qua cánh cửa chợt nhìn thấy một bóng dáng đang chết lặng như khúc gỗ.
Bố Kha Dục ngửa mặt thở dài, ông hỏi Kha Dục, muốn theo ông về nhà hay ở lại trường học.
Miệng Kha Dục giống như bị khóa chặt, nhất định không chịu mở ra.
“Kha Dục, em quay lại lớp học với cô!” Tôi nói.
Cậu chần chừ hai giây, tiến lên trước đỡ tôi. Mặt tôi sưng phù như đầu heo, bước đi cũng không vững. Một quyền kia của cậu thật sự không hề nhẹ.
Bên ngoài trời đã là hoàng hôn, vì vài ngày nữa đến lễ Quốc Khánh nên hai bên đường có rất nhiều hoa cúc và những dải dây màu đỏ. Cậu đi bên trái tôi, thay tôi chắn những ánh mắt tò mò của sinh viên.
“Tôi rời xa quê hương, thật vất vả mới tìm được một công việc ở đây. Tôi không có tham vọng gì lớn, chỉ mong sống bình yên qua ngày, sau này phải nhờ cả vào cậu đấy.”
“Vì sao cô phải chắn một quyền kia?” Cậu buồn bực hỏi.
Tôi che mặt rên rỉ, “Cô cũng dũng cảm đấy chứ!” Nếu một quyền kia thật sự hạ xuống người bố Kha Dục thì có thể dẫn đến án mạng.
“Đồ ngốc!”
Ôi, tôi đúng là ngốc, chẳng qua chỉ mới gặp mặt một lần thôi mà.