Anna Karenina

Chương 102

Về tới nhà, Vronxki thấy một bức thư của Anna. Nàng viết: "Em ốm và buồn khổ lắm. Em không ra ngoài được, nhưng cũng không thể đành lòng chịu vắng anh lâu hơn nữa. Tối nay, anh lại nhé. Alecxei Alecxandrovitr từ bảy giờ đi họp đến mười giờ". Chàng suy nghĩ một phút về lời mời kỳ lạ này, vì Carenin đã yêu cầu nàng không được gặp chàng tại nhà, nhưng chàng vẫn quyết định đi.

Mùa đông năm ấy, Vronxki được thăng cấp đại tá. Chàng đã rời trung đoàn và sống một mình. Ăn trưa xong, chàng nằm duỗi dài trên đi văng. Hồi ức về những cảnh tượng thô bỉ chàng phải dự mấy ngày gần đây, mờ dần và lẫn lộn vào hình ảnh của Anna và của bác nông dân đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc săn gấu, và Vronxki ngủ thiếp đi. Chàng tỉnh dậy trong bóng tối, run lên vì sợ, và vội thắp một ngọn nến. "Cái gì ấy nhỉ? Thế là thế nào? Mình nhìn thấy cái gì khủng khiếp trong giấc mơ vậy? A, phải rồi! Lão mugích bé nhỏ bẩn thỉu, râu ria xồm xoàm, cúi gập người làm cái gì đó, và bỗng nhiên thốt ra những lời kỳ quái bằng tiếng Pháp... Không, mình không mê thấy gì khác nữa, chàng tự nhủ. Nhưng làm sao lại ghê sợ đến thế nhỉ?". Một lần nữa chàng nhớ lại rõ ràng lão mugich và cái câu lão nói bằng tiếng Pháp không sao hiểu nổi và một cảm giác ớn lạnh chạy khắp sống lưng chàng.

"Khỉ thật!", Vronxki thầm nghĩ và nhìn đồng hồ.

Đã tám giờ rưỡi. Chàng giật chuông gọi đầy tớ, vội vã mặc quần áo và đi ra. Chàng hoàn toàn quên bẵng giấc mơ vừa rồi và chỉ còn lo mình đến chậm. Khi đến gần nhà Carenin, chàng liếc nhìn đồng hồ và đã thấy chín giờ kém mười. Một cỗ xe cao và hẹp thắng cặp ngựa xám đậu trước bậc thềm. Chàng nhận ra cỗ xe của Anna. "Nàng lại nhà mình, như thế tiện hơn, chàng nghĩ bụng. Vào cái nhà này, thật khó chịu. Nhưng mặc kệ, mình không muốn ra người lén lút", chàng tự nhủ, và với vẻ thoải mái vốn có từ nhỏ của một người không phải xấu hổ về việc gì hết, Vronxki bước xuống xe trượt và trèo lên bậc thềm. Cửa mở ra, và người gác cửa, tay cắp chăn phủ chân, gọi xe ngựa. Vronxki thường ngày không chú ý đến những tiểu tiết, cũng bắt chợt thấy cặp mắt kinh ngạc của gã gác cửa liếc nhìn chàng. Suýt nữa chàng va phải Alecxei Alecxandrovitr ở bậc cửa. Ngọn đèn đất chiếu vào giữa bộ mặt ông nhợt nhạt và hốc hác dưới vành mũ đen và chiếc cà vạt trắng thò ra cạnh cổ áo choàng lót lông hải ly, Carenin đưa cặp mắt lờ đờ và bất động nhìn vào mặt Vronxki. Chàng cúi đầu chào và Alecxei Alecxandrovitr mấp máy môi, đưa tay lên mũ đáp lại và đi qua. Vronxki trông thấy ông ta trèo lên xe không quay đầu lại, đưa tay qua cửa xe đỡ lấy tấm chăn phủ chân cùng ống nhòm người nhà đưa cho, và đi thẳng. Vronxki bước vào phòng đợi. Lông mày chàng cau lại, mắt long lanh dữ dội và kiêu kỳ.

"Hoàn cảnh trớ trêu làm sao! Chàng tự nhủ. Giá lão ta tranh đấu, bảo vệ lấy danh dự thì mình còn có thể hành động, biểu lộ tình cảm; nhưng sự nhu nhược hay hèn đớn ấy... Tại lão mà mình hóa ra có vẻ định lừa dối lão trong khi mình hoàn toàn không muốn thế".

Từ bữa cùng Anna tâm sự ở vườn nhà Vrege, ý định Vronxki đã thay đổi. Bất đắc dĩ phải nhượng bộ sự yếu đuối của Anna, người đã hoàn toàn hiến thân cho chàng và chỉ còn trông mong ở chàng để thay đổi số phận, sẵn sàng cam chịu mọi chuyện, đã từ lâu chàng không còn nghĩ đến chuyện có thể chấm dứt mối tình này, như trước kia chàng vẫn tưởng. Những dự định đầy tham vọng một lần nữa lại lùi xuống hàng thứ yếu, và một khi cảm thấy mình đã ra khỏi cái phạm vi mà mọi sự đều xác định rõ ràng, chàng lại đắm mình không chút dè dặt trong niềm mê say càng trói chặt chàng vào Anna hơn nữa.

Trong phòng đợi, chàng nghe thấy tiếng chân nàng từ đằng xa.

Chàng biết nàng đợi mình, nàng đã đứng rình, và giờ đây nàng quay vào phòng khách.

- Không, - nàng kêu lên khi thấy chàng, và nước mắt lập tức trào ra, - không, nếu cứ kéo dài thế này mãi thì em đến bị đẩy vào cái bước ấy sớm hơn, sớm hơn rất nhiều!

- Có gì vậy, em yêu của anh?

- Có gì à? Em chờ đợi, em khổ sở suốt hai tiếng đồng hồ rồi... Thôi em không muốn... em không thể nặng lời với anh. Chắc là anh không thể đến sớm hơn được. Thôi em chả nói nữa.

Nàng đặt hai tay lên vai chàng và nhìn chàng bằng một cái nhìn sâu xa, say đắm đồng thời lại có vẻ dò xét. Nàng ngắm nghía khuôn mặt ấy để bù lại cả quãng thời gian vắng chàng. Cũng như mỗi lần gặp lại, nàng so sánh hình ảnh tưởng tượng (đẹp hơn ở ngoài đến mức không thể so sánh, không thể có thực được) với hình ảnh thật của chàng.
Bình Luận (0)
Comment