Anne Tóc Đỏ Và Ngôi Nhà Mơ Ước

Chương 3

“Cháu đã quyết định mời những ai đến dự đám cưới chưa Anne?” bà Rachel Lynde hỏi, trong khi vẫn cần mẫn khâu giua mấy cái khăn ăn. “Cũng đến lúc gửi thiếp mời rồi đấy, dù chỉ là mời thân mật.”

“Cháu cũng không định mời nhiều lắm đâu ạ,” Anne nói. “Chúng cháu chỉ muốn có những người yêu thương nhất chứng kiến chúng cháu làm đám cưới thôi. Người nhà Gilbert này, gia đình mục sư Allan, nhà bác Harrison này.”

“Đã có lúc cháu chắc không liệt ông Harrison vào chỗ bạn bè thân thiết đâu,” bà Marrilla nói khô khan.

“Vâng, cháu không thích bác ấy cho lắm ở lần gặp đầu tiên,” Anne thừa nhận, cười thành tiếng khi nhớ lại. “Nhưng bác Harrison đã ngày càng trở thành thân tình, còn bác gái thì thật sự quá đáng yêu. Rồi, dĩ nhiên, có cô Lavendar và Paul nữa.”

“Họ đã quyết định đến đảo mùa hè này à? Ta tưởng họ định đi châu Âu.”

“Họ thay đổi ý định khi cháu viết thư báo là cháu sắp cưới. Hôm nay cháu vừa nhận được một lá thư từ Paul. Cậu ấy bảo cậu ấy phải dự đám cưới của cháu, chuyện gì xảy đến với châu Âu cũng mặc.”

“Thằng bé ấy lúc nào cũng thần tượng cháu,” bà Rachel nhận xét.

“ ‘Thằng bé ấy’ giờ đã là một thanh niên mười chín tuổi rồi, bác Lynde ạ.”

“Đúng là thời gian thấm thoắt thoi đưa!” là câu trả lời sáng láng và độc đáo của bà Lynde.

“Charlotta Đệ Tứ có thể cũng đến. Con bé nhắn qua Paul là sẽ đến nếu chồng nó cho phép. Cháu tự hỏi không biết nó có còn đeo mấy cái nơ xanh to đùng ấy không, không biết chồng nó gọi nó là Charlotta hay Leonora. Có Charlotta ở đám cưới thì tốt biết mấy. Charlotta và cháu đã từng có mặt tại một đám cưới, hồi lâu rồi. Theo dự kiến thì tuần tới mọi người đã ở Nhà Vọng rồi. Rồi còn có Phil và mục sư Jo…”

“Thật là kinh khủng khi nghe nói cháu về một mục sư như vậy, Anne ạ.” Bà Rachel nghiêm khắc nói.

“Vợ anh ấy gọi anh ấy thế mà.”

“Thế thì cô vợ ấy nên kính trọng danh vị thiêng liêng của chồng mình hơn,” bà Rachel vặn lại.

“Cháu đã từng nghe bác chỉ trích sát sàn sạt các mục sư còn gì,” Anne trêu.

“Đúng, nhưng ta làm thế một cách cung kính,” bà Lynde phản đối. “Cháu đã bao giờ nghe ta đặt biệt danh cho một mục sư chưa?”

Anne nặn ra một nụ cười.

“Ừm, có Diana và Fred và Fred bé và Anne Cordelia bé nhỏ… và Jane Andrews. Cháu ước sao có cả cô Stacey và dì Jamesina và Priscilla và Stella nữa. Nhưng Stella thì ở Vancouver, Pris ở Nhật, và cô Stacey thì lập gia đình ở California, còn dì Jamesina thì đã đi Ấn Độ để khám phá khu truyền đạo của con cái dì ấy, mặc dù vẫn rất sợ rắn. Thật là dễ sợ… giờ mọi người cứ rải rác khắp địa cầu ấy.”

“Chúa không bao giờ muốn vậy đâu, thế đấy,” bà Rachel nói giọng uy quyền. “Hồi ta còn trẻ, mọi người lớn lên và dựng vợ gả chồng rồi định cư ngay nơi họ sinh ra, hoặc khá gần đó. Ơn trời là cháu vẫn gắn với đảo, Anne ạ. Ta cứ sợ là Gilbert sẽ đòi lao về nơi xó xỉnh địa cầu nào đó khi xong đại học, và lôi cháu theo cùng.”

“Nếu mọi người đều ở lại nơi mình sinh ra thì sẽ sớm đầy chật mọi chỗ mất, bác Lynde ạ.”

“Ôi, ta không tranh luận với cháu đâu Anne. Ta có phải là cử nhân đâu. Hôn lễ sẽ cử hành vào lúc nào?”

“Bọn cháu đã quyết định là vào buổi trưa - chính ngọ, như cánh phóng viên xã hội sẽ nói. Như vậy chúng cháu sẽ có thời gian bắt chuyến tàu tối đến Glen St. Mary.”

“Và cháu sẽ kết hôn trong phòng khách chứ?”

“Không ạ, chỉ trừ phi trời mưa thôi. Chúng cháu muốn tổ chức trong vườn… với trời xanh trên đầu và nắng vàng xung quanh. Nếu được, bác có biết cháu muốn được làm đám cưới ở đâu và lúc nào không? Sẽ là vào lúc bình minh… một buổi bình minh tháng Sáu, với cảnh mặt trời mọc huy hoàng, và hoa hồng bừng nở trong vườn; rồi cháu sẽ lẻn xuống gặp Gilbert và chúng cháu sẽ cùng nhau đi đến giữa rừng sồi… và ở đó, dưới những vòm xanh như một giáo đường lộng lẫy, chúng cháu sẽ cưới nhau.”

Bà Marilla khịt mũi vẻ khinh bỉ còn bả Lynde thì có vẻ sốc.

“Anne! Như thế thì thật là kỳ cục quá. Chao ôi, lại chẳng có vẻ hợp pháp nữa cơ. Bà Harmon Andrews sẽ nói sao?”

“À, cái khó là ở chỗ đó,” Anne thở dài. “Có quá nhiều thứ trong đời ta không thể làm được vì sợ bà Harmon Andrews ‘sẽ nói sao’. ‘Cái đó đúng, cái đó thật đáng tiếc, và tiếc quá, đúng là vậy đó.’ Ta sẽ làm được bao nhiêu là việc hay ho nếu không phải vì bà Harmon Andrews!”

“Anne à, nhiều lúc ta không dám chắc là ta hoàn toàn hiểu được cháu đâu,” bà Lynde phàn nàn.

“Anne nó lúc nào cũng lãng mạn, chị biết đấy,” bà Marilla nói vẻ biện minh.

“Ừm, đời sống hôn nhân chắc chắn sẽ chữa cho nó khỏi cái bệnh đó,” bà Rachel trả lời vẻ an ủi.

Anne cười rồi lẻn ra đường Tình Nhân, Gilbert tìm thấy cô ở đó; và không ai trong hai người có vẻ dung dưỡng sự sợ hãi, hay niềm hy vọng, rằng cuộc sống hôn nhân sẽ chữa họ khỏi bệnh lãng mạn.

Người Nhà Vọng đến vào tuần sau đó, và Chái Nhà Xanh rộn ràng vui cùng họ. Cô Lavendar thay đổi ít đến nỗi ba năm kể từ chuyến thăm đảo trước của cô cứ như mới hôm qua; nhưng Anne há hốc mồm kinh ngạc trước Paul. Có thể nào chàng trai cáo mét tám sáng rỡ ràng này lại là cậu Paul bé bỏng của những ngày đến trường ở Avonlea?

“Em làm cô thấy mình già thực sự đấy, Paul ạ,” Anne nói. “Xem này, cô phải ngước nhìn em đây này!”

“Cô sẽ không bao giờ già đi, cô giáo ạ,” Paul nói. “Cô là một trong những người trần may mắn đã tìm thấy và uống nước từ Suối nguồn Tươi trẻ - cô và mẹ Lavendar. Này nhé! Khi cô cưới em sẽ không gọi cô là bà Blythe đâu. Với em cô sẽ luôn luôn là ‘cô giáo’ - cô giáo của những bài học tốt đẹp nhất mà em từng được học. Em muốn cho cô xem cái này.”

“Cái này” ấy là một quyển số tay chép đầy thơ. Paul đã đem những tưởng tượng đẹp đẽ của mình chuyển thành những vần thơ, và các nhà biên tập tạp chí không đến nỗi kém khiếu thưởng thức như thi thoảng họ vẫn thế. Anne đọc những bài thơ của Paul với niềm vui thích thật sự. Chúng đầy quyến rũ và hứa hẹn.

“Paul, em rồi sẽ nổi tiếng. Cô lúc nào cũng mơ có được một học trò nổi tiếng. Người đó đáng lẽ phải là hiệu trưởng một trường đại học… nhưng một nhà thơ lớn thì còn tốt hơn. Một ngày nào đó cô sẽ có thể huênh hoang là cô đã đánh đòn Paul Irving danh tiếng. Nhưng mà cô chưa bao giờ đánh đòn em, đúng không Paul nhỉ? Một cơ hội bị bỏ lỡ! Nhưng cô nghĩ mình đã từng bắt em ở lại lớp trong giờ nghỉ.”

“Cô có thể cũng sẽ nổi tiếng mà, cô giáo. Ba năm trở lại đây em đã được xem khá nhiều tác phẩm của cô.”

“Không. Cô biết cô làm được gì chứ. Cô có thể viết những phác thảo nhỏ xinh giàu tưởng tượng mà bọn trẻ con thích và các nhà biên tập gửi cho những tấm séc gọi mời. Nhưng cô không làm được gì lớn cả. Cơ hội duy nhất trên cõi đời này để cô thành bất tử là một góc trong hồi ký của em.”

Charlotta Đệ Tứ đã từ bỏ mấy chiếc nơ xanh nhưng những nốt tàn nhang của cô thì vẫn không ít hơn là mấy.

“Em không bao giờ nghĩ là mình sẽ xuống thấp đến mức cưới một gã Yankee, cô Shirley ạ,” cô nói. “Nhưng mà chẳng làm sao biết được phía trước có gì, mà đấy cũng không phải lỗi của anh ấy. Anh ấy sinh ra đã thế rồi.”

“Em cũng là một người Yankee rồi đấy, Charlotta, vì em đã cưới một người Yankee.”

“Cô Shirley, em không phải! Và em sẽ không bao giờ là thế ngay cả nếu em cưới một tá Yankee! Tom khá dễ thương. Với cả, em nghĩ em không nên khó chiều quá, vì em có thể không có cô hội thứ hai. Tom không rượu chè và không càu nhàu vì anh ấy còn phải làm việc kiếm ăn, và nói gì thì nói em cũng hài lòng, cô Shirley ạ.”

“Anh ấy có gọi em là Leonora không?” Anne hỏi.

“Lạy Chúa, không, cô Shirley ạ. Nếu mà thế thì em sẽ chẳng biết anh ấy gọi ai. Dĩ nhiên, khi làm đám cưới anh ấy phải nói, ‘Anh lấy em, Leonora,’ và em phải nói với cô, thưa cô Shirley, em có cảm giác kinh khủng nhất từ bấy đến giờ là anh ấy đã không nói với em và em chưa hề được hỏi cưới đúng cách. Thế là cô cũng sắp cưới, cô Shirley nhỉ? Em luôn nghĩ mình sẽ khoái lấy được một bác sĩ. Sẽ thật tiện nếu con cái bị lên sởi hay bạch cầu. Tom chỉ là thợ gạch thôi, nhưng anh ấy thuần tính lắm. Khi em nói với anh ấy, em bảo là, ‘Tom, em đến dự đám cưới cô Shirley được không? Em định cứ đi đấy, nhưng em muốn có sự đồng ý của anh,’ anh ấy chỉ bảo, ‘Em mà thích thì anh cũng thích, Charlotta ạ.’ Có được người chồng như thế cũng thật dễ chịu, cô Shirley ơi.”

Philippa và mục sư Jo của cô đến Chái Nhà Xanh một ngày trước tiệc cưới. Anne và Phil có một cuộc hội ngộ cuồng nhiệt mà giờ đã dịu xuống thành một cuộc trò chuyện ấm cúng, kín đáo về tất cả những gì đã qua và những gì sắp đến.

“Nữ hoàng Anne, cậu vẫn chúa như xưa. Tớ thì gầy đi kinh khủng từ hồi có lũ trẻ. Tớ chẳng xinh bằng một nửa hồi trước; nhưng tớ nghĩ Jo thích thế. Cậu thấy đấy, không còn một sự tương phản quá lớn giữa chúng tớ. Và nữa, thật hết sức tuyệt vời là cậu sắp cưới Gilbert. Roy Gardner sẽ không ổn chút nào. Giờ thì tớ rõ rồi, mặc dù hồi đó tớ thất vọng kinh khủng. Cậu biết đấy, Anne, đúng là cậu đã đối xử với Roy hết sức tệ.”

“Anh ấy đã hồi phục, theo tớ biết,” Anne mỉm cười.

“Ừ đúng. Anh ta có vợ rồi và vợ anh ta là một phụ nữ bé nhỏ ngọt ngào và họ hoàn toàn hạnh phúc. Mọi thứ đều tốt đẹp. Jo và Kinh Thánh nói thế, và họ là nhửng nguồn tin khá có uy tín.”

“Alec và Alonzo đã lập gia đình chưa?”

“Alec rồi, Alonzo thì chưa. Những ngày xưa tươi đẹp ở Nhà Patty cứ ùa hết về khi tớ nói chuyện với cậu, Anne ạ! Chúng ta đã có bao nhiêu là niềm vui!”

“Gần đây cậu có đến Nhà Patty không?”

“Ồ có, tớ đến thường xuyên. Cô Patty và cô Maria vẫn ngồi bên lò sưởi đan lát. À nhắc mới nhớ… bọn tớ mang cho cậu một món quà cưới từ họ đây Anne. Đố cậu đoán là gì.”

“Tớ chả đoán được đâu. Làm sao họ biết tớ sắp cưới?”

“Ồ, tớ kể chứ. Tớ vừa đến đó tuần trước. Và họ rất quan tâm. Hai ngày trước cô Patty viết cho tớ một bức thư ngắn bảo tớ ghé qua; và rồi cô ấy nhờ tớ mang quà đến cho cậu. Cậu mong ước điều gì nhất từ Nhà Patty hở Anne?”

“Đừng nói là cô Patty gửi cho tớ hai con chó sứ đấy nhé!”

“Chính thế. Chúng đang nằm trong hòm của tớ ngay lúc này đây. Và tớ có một lá thư dành cho cậu. Đợi tí, tớ đi lấy.”

“Cô Shirley thân mến,” cô Patty viết, “Maria và tôi rất vui khi được tin về hôn lễ sắp tới của cô. Chúng tôi gửi cho cô những lời chúc tốt đẹp nhất. Maria và tôi chưa bao giờ lập gia đính, nhưng chúng tôi không hề phản đối những người khác làm thế. Chúng tôi gửi cho cô hai con chó sứ. Tôi đã định để lại chúng cho cô trong di chúc, vì cô có vẻ thật sự yêu mến chúng. Nhưng Maria và tôi định sẽ còn sống dài dài (trộm vía), thế nên tôi đã quyết định cho cô hai con chó khi cô còn trẻ. Chắc cô chưa quên là Gog quay về bên phải và Magog là về bên trái.”

“Cứ tưởng tượng hai con chó già đáng yêu kia ngồi cạnh lò sưởi trong căn nhà mơ ước của tớ xem,” Anne cuồng nhiệt nói. “Tớ chưa bao giờ dám mong thứ gì thú vị đến thế.”

Tối đó Chái Nhà Xanh rộn ràng chuẩn bị cho ngày hôm sau; nhưng trong ánh chiều tà Anne lại lẩn đi. Cô cần phải làm một cuộc hành hương nho nhỏ trong ngày cuối cùng của thời con gái và cô phải đi một mình. Cô đến mộ ông Matthew, trong nghĩa trang nhỏ rợp bóng dương của Avonlea, nơi lưu giữ những hẹn hò câm lặng của ký ức cũ và những tình yêu bất tử.

“Bác Matthew sẽ vui mừng biết mấy nếu mai bác ấy có ở đây,” cô thì thầm. “Nhưng mình tin là bác ấy biết và mừng vì điều đó… ở một nơi khác. Mình đã đọc đâu đó rằng ‘những người thân yêu đã khuất của ta sẽ không bao giờ chết trừ phi ta lãng quên họ’. Bác Matthew sẽ không bao giờ mất với mình, vì mình không bao giờ có thể quên bác ấy.”

Cô đặt trên mộ ông những bông hoa cô mang theo và thong dong bước xuống con dốc dài. Đấy là một buổi chiều duyên dáng, đầy ánh sáng và những bóng râm nhảy múa. Ở đằng Tây, một bầu trời đầy mây lãng đãng - đỏ tía và ánh màu hổ phách, chen lẫn những dải dài bầu trời màu xanh táo. Xa hơn nữa là ánh huy hoàng rạng rỡ của mặt biển hoàng hôn, và giọng nói không dứt của ngàn con sóng chồm lên bờ biển vàng nâu. Khắp quanh cô, nằm trong thinh lặng đồng quê êm ái, đẹp tươi là những ngọn đồi, là đồng cỏ và rừng cây mà cô đã quen biết và yêu dấu từ lâu.

“Lịch sử lặp lại,” Gilbert nói, sánh bước cùng cô khi cô bước qua cổng nhà Blythe. “Em có nhớ chuyến tản bộ đầu tiên của chúng ta xuống ngọn đồi này không Anne - cũng là chuyến tản bộ đầu tiên của chúng ta với nhau?”

“Em đang trên đường về nhà từ mộ bác Matthew trong ánh chạng vạng… và anh bước ra khỏi cửa; và em nuốt đi niềm kiêu hãnh của nhiều năm trời và nói chuyện với anh.”

“Và thiên đường mở toang trước mắt anh,” Gilbert nói thêm. “Từ giây phút đó anh đã luôn chờ đợi một ngày mai. Khi anh để em lại cổng nhà em tối hôm đó và bước về nhà, anh đã nghĩ mình là cậu con trai hạnh phúc nhất thế giới. Anne đã tha thứ cho mình.”

“Em nghĩ em mới là người cần tha thứ. Em đúng là một con bé ngốc nghếch vô ơn… và sau khi anh đã thực sự cứu mạng em hôm đó trên hồ nữa. Ban đầu em mới căm ghét cái gánh nặng ơn nghĩa đó làm sao! Em không xứng đáng với hạnh phúc đã đến với em.”

Gilbert cười lớn và nắm chặt hơn bàn tay người con gái đang đeo chiếc nhẫn của anh. Nhẫn đính hôn của Anne là một vòng nhỏ đính ngọc trai. Cô đã từ chối đeo kim cương.

“Em chưa bao giờ thực sự thích kim cương từ khi em phát hiện ra chúng không mang màu tím đáng yêu mà em vẫn mơ tưởng. Chúng sẽ luôn gợi cho em nhớ về niềm thất vọng cũ đó.”

“Nhưng ngạn ngữ nói ngọc trai là nước mắt,” Gilbert đã phản đối như vậy.

“Em cũng không sợ điều đó. Và nước mắt cũng có thể là hạnh phúc lẫn khổ đau. Những giây phút hạnh phúc nhất của em là những giây phút em trào nước mắt… khi bác Marilla nói em có thể ở lại Chái Nhà Xanh… khi bác Matthew tặng em bộ váy đẹp đầu tiên em từng có… khi em biết tin anh sẽ hồi phục sau trận sốt. Thế nên hãy cho em ngọc trai trên nhẫn đính hôn của chúng ta, Gilbert ạ, và em sẽ sẵn sàng đón nhận những nỗi buồn của cuộc đời cũng như niềm vui của nó.”

Nhưng đêm nay đôi tình nhân của chúng ta chỉ nghĩ đến niềm vui mà không hề có nỗi buồn. Vì ngày mai là ngày cưới của họ, và ngôi nhà mơ ước đón chờ họ trên bờ biển tím mờ sương của vịnh cảng Bốn Làn Gió.
Bình Luận (0)
Comment