Ảo Ma Bộ Pháp

Chương 17

Bình nguyên đã trải dài trước mặt.

Xa xa, một ngọn núi nhỏ nép mình tựa vào một khối núi to lớn hơn.

Đấy chính là Không Động sơn, nơi đã xuất phái Không Động từ khởi thủy. Ngọn núi nhỏ, như một vọng canh thiên nhiên, đứng ở nơi này, dễ dàng quan sát được ba mặt, ở các nẻo đường dẫn đến Không Động.

Do địa thế hiểm trở nên tiến đánh Không Động phái không phải là việc dễ dàng. Hơn một năm vây công Không Động, bọn Hiệp Thiên bang cơ hồ không thành công. Mà muốn vây kín được Không Động, phong tỏa hết mọi nẻo đường dẫn đến Không Động, kể các đường núi cheo leo, ngang dọc thì dẫu nhân số của Hiệp Thiên bang lên đến con số vạn cũng không thể thực hiện được ý đồ này. Ngược lại người từ Không Động được phái đi thì dễ dàng thoát khỏi trùng vây, cũng dựa vào đường ngang lối tắt.

Đã nhìn được Không Động sơn, Cao Nhẫn ngỡ chỉ vài bước chân là đến được ngay. Vì Cao Nhẫn đã rất nôn nóng gặp lại Hồng Nhật Tảo Kiếm Lã Nguyên Sinh, Lã bá bá, gặp lại Tam Thủ Thái Tuế Tôn Bình, Tôn đại ca, và kẻ cả nỗi mong gặp lại Đinh Phượng, người con gái có một hoàn cảnh giống như Cao Nhẫn. Đang mang nặng mối gia thù như Cao Nhẫn đang mang nặng. Không hiểu Đinh Phượng có về đến Không Động được bình an? Không hiểu Độc Mục Cái, Bang chủ Cái bang đã đến Không Động chưa? Để sứ mạng của Đinh Phượng được chu toàn.

Nhưng Tư Đồ Sương, dù gì cũng là một nữ hiệp đã góp mặt với giang hồ trước Cao Nhẫn, Tư Đồ Sương nói cho Cao Nhẫn hay :

- Xem khoảng cách thì như đã sắp đến nơi! Nhưng thật ra còn phải hơn nửa ngày đường nữa mới đến được chân Không Động sơn. Đệ đệ đừng có nóng lòng!

Đang gấp rút vượt qua một chỗ rẽ, Cao Nhẫn nghe lời Tư Đồ Sương bảo thì đã như quả bóng bị xì hơi, ngao ngán nói :

- Ối chà! Còn lâu đến vậy ư, Tư Đồ tỷ tỷ?

Tư Đồ Sương và A Ngọc, thị tỳ của Tư Đồ Sương nhìn nét mặt thất vọng của Cao Nhẫn mà cười lên rộn rã. Lúc này, cả hai sắp sửa đặt chân đến nơi an toàn và trải qua mấy ngày thanh thản nên mặt mày hai người đã nhuận sắc, tươi tỉnh, trông thật duyên dáng, yêu kiều.

Tiếng cười của hai người vừa dứt, Cao Nhẫn định giả vờ làm mặt giận với cả hai, thì bất ngờ...

- Vô lượng thọ Phật! May được gặp Tư Đồ cô nương ở đây!

Cả ba người bị bất ngờ làm cho phải sửng sốt. Nhìn ra phía trước, ở một bên vệ đường, dưới một gốc cây to có tàng che rậm mát, lố nhố một bọn sáu, bảy tên đạo sĩ đứng đó. Qua mũ áo, đủ biết bọn người này là môn hạ của phái Võ Đang.

Người vừa phát thoại, đang từng bước tiến ra, tuổi trạc tứ tuần, thắt búi tóc đạo sĩ, để hàm râu dài chấm ngực. Tay thay vì cầm phất trần mới đúng bộ lệ thì lại ôm trường kiếm. Vừa tiến ra đến giữa lộ, đạo sĩ nọ đã nói tiếp trong khi vòng tay thủ lễ, nhưng khó coi là thanh trường kiếm vẫn ở trên tay :

- Chúng bần đạo có hơi đường đột, mong Tư Đồ cô nương và nhị vị đây bỏ lỗi cho!

Tư Đồ Sương vì là người lớn nhất nên đành phải tiến lên thêm một bước, thi lễ :

- Tiểu nữ xin ra mắt đạo trưởng! Xin đạo trưởng thứ lỗi do tiểu nữ ít đi đó đi đây, nên không nhận biết được đạo trưởng đây là ai?

Đưa tả thủ lên vuốt nhẹ chòm râu, đạo sĩ cười nhẹ và nói :

- Khéo nói! Khéo nói! Tư Đồ Sương không biết bần đạo nhưng tình thân giữa bần đạo và Tư Đồ lão bang chủ thì đã có từ lâu. Bần đạo đây là Hà Nhân, môn hạ Võ Đang!

Tư Đồ Sương kinh ngạc :

- Tiểu nữ thật thất lễ! Không ngờ đạo trưởng đây là nhất tử đứng đầu Võ Đang thất tử! Một lần nữa, xin đạo trưởng thứ tội!

Hà Nhân đạo trưởng vẫn mỉm cười :

- Không có chi! Không biết thì không có tội. Hà hà hà...

Tư Đồ Sương lại hỏi :

- Không biết đạo trưởng và các vị đây tìm tiểu nữ có điều chi dạy bảo?

Hà Nhân đạo trưởng đáp :

- Không dám dạy bảo! Tư Đồ cô nương đừng nói thế! Hôm nay nữa là gần hai năm tìm kiếm, Tư Đồ cô nương có thể gia ân cho bần đạo chút việc lành, được không?

Tư Đồ Sương chấp tay, cúi đầu :

- Đạo trưởng! Phận nữ nhi yếu đuối, đến tự giúp mình còn chưa xong, còn giúp được gì cho ai. Đạo trưởng nói vậy làm tiểu nữ càng thêm ái ngại!

- Đừng ngại! Việc bần đạo sẽ nhờ đây, hoàn toàn là Tư Đồ cô nương thừa khả năng giúp đỡ!

- Đạo trưởng cứ nói! Nếu trong khả năng thì tiểu nữ không để cho đạo trưởng thất vọng!

Trong ánh mắt Hà Nhân đạo trưởng thoáng hiện nét đắc ý, tay thôi vuốt chòm râu nhưng vẫn không rời kiếm, Hà Nhân đạo trưởng vòng tay nói :

- Đa tạ! Đa tạ! Bần đạo xin nói trước! Tư Đồ cô nương thật là người có tấm lòng Bồ Tát.

Tư Đồ Sương nghi hoặc nói :

- Là việc gì? Tiểu nữ chưa biết có đáp ứng được hay không mà đạo trưởng đã vội thốt lời cảm tạ.

- Đáp ứng được! Bần đạo đã nói việc này Tư Đồ cô nương thừa khả năng đáp ứng, đó là...

Nhìn chằm chặp vào ngực của Tư Đồ Sương, Hà NHân đạo trưởng bỏ dở câu nói. Thoáng thấy ánh mắt khác lạ của Hà Nhân đạo trưởng, như chim đã bị tên, Tư Đồ Sương thoáng rùng mình, khó hiểu cho lối nói mập mờ của Hà Nhân đạo trưởng. A Ngọc vội cướp lời, nói chen vào :

- Là việc gì, xin đạo trưởng cứ nói phứt cho xong!

Hà Nhân đạo trưởng thôi nhìn Tư Đồ Sương, liếc mắt về phía sau lão, nhìn các huynh đệ đồng môn rồi mới nói với Tư Đồ Sương :

- Được, bần đạo xin nói ngay đây. Đó là mong Tư Đồ cô nương cho bần đạo xem qua...

A Ngọc tức giận hỏi :

- Xem qua cái gì?

- À không. Xin cô nương đừng nóng vội, cái mà bần đạo muốn xem là Tiềm Long thân pháp bí phổ của Tư Đồ cô nương!

- Bí phổ?

Cao Nhẫn, từ hồi đầu đến giờ đã mấy phen tức giận trước lời nói ởm ờ và thái độ gian trá của Hà Nhân đạo trưởng, nhưng vì chưa biết rõ ý đồ nên Cao Nhẫn chưa vội phát tác. Đến lúc này, thật sự không kìm được nữa, Cao Nhẫn đã quát lên :

- Này đạo trưởng! Đạo trưởng nói thế là thế nào? Bí phổ nào mà đạo trưởng muốn xem? Đạo trưởng nói rõ trước đi đã!

Nhìn thấy đồng môn đã tản ra chung quanh, Hà Nhân đạo trưởng thập phần yên bụng nên lão thôi mỉm cười, cố lấy giọng nghiêm trang, lão nói :

- Được, nghe đây! Nguyên Tiềm Long thân pháp bí phổ là phụ bản của Vân Long thân pháp bí kíp của bản môn phái. Sau nhiều năm thất lạc, nay biết được Tư Đồ Vọng, Bang chủ Tiềm Long bang đã nhặt được, nhờ đó mà thành danh. Do đó, chúng bần đạo được lệnh của Chưởng môn, đến gặp Tư Đồ cô nương đây, xin hoàn lại bí phổ. Ân đức này, phái Võ Đang xin ghi tâm khắc cốt.

Ngạc nhiên, Cao Nhẫn nhìn lại Tư Đồ Sương, ý muốn hỏi cho rõ sự thực. Tư Đồ Sương hiểu ý của Cao Nhẫn nên trả lời cho Cao Nhẫn nghe, lại cố ý cho tất cả mọi người đang hiện diện cùng nghe, nàng nói :

- Việc bí phổ có hay không có? Bí phổ có phải là của Võ Đang hay của gia truyền dòng họ Tư Đồ? Việc này tiểu nữ không rõ được. Huống chi...

Nôn nóng, Hà Nhân đạo trưởng giục :

- Huống chi sao? Tư Đồ cô nương cứ nói tiếp đi!

Tư Đồ Sương nói ngay :

- Huống chi, bí phổ bây giờ hạ lạc ở nơi đâu, tiểu nữ làm sao biết mà lấy giao cho đạo trưởng xem?

- Ha ha.. Xin Tư Đồ cô nương chớ nói vậy! Việc có bí phổ và việc bí phổ ấy của Võ Đang, đó chính là sự thật.

- Tư Đồ cô nương cứ hỏi lệnh tôn thì rõ. Còn hạ lạc của bí phổ thì chúng bần đạo đây biết rõ như lòng bàn tay!

Ngạc nhiên, Tư Đồ Sương hỏi tiếp :

- Nếu đạo trưởng biết rõ ràng là thế, sao đạo trưởng không cứ lấy mà xem? Hà cớ gì phải tìm đến tiểu nữ?

Hà Nhân đạo trưởng vùa cười vừa gật đầu đáp :

- Có chứ, bần đạo cũng muốn lấy bí phổ để xem qua chứ! Nhưng ngặt phải có sự đồng ý của Tư Đồ cô nương!

- Đạo trưởng nói vậy là sao?

- Là vì bí phổ đang ở trong người của Tư Đồ cô nương!

Thật sự ngạc nhiên và sửng sốt, Tư Đồ Sương nói :

- Nào đâu có, tiểu nữ thật sự chưa từng thấy qua bí phổ. Sao đạo trưởng lại đổ vấy như vậy?

Không tin ở lời thoái thác của Tư Đồ Sương, Hà Nhân đạo trưởng cười gằn, tiến lên thêm bước nứ, nói :

- Hừ hừ... Bí phổ này lệnh tôn không cất giữ, Tư Đồ cô nương cũng không nhận là có cất, vậy ai giữ? Tư Đồ cô nương nói thử cho bần đạo nghe xem!

Tư Đồ Sương thảng thốt kêu lên :

- Sao? Đạo trưởng đã gặp gia phụ à? Hiện người đang ở đâu? Xin đạo trưởng chỉ cho tiểu nữ hay, tiểu nữ xin suốt đời ghi ân này của đạo trưởng.

Hà Nhân đạo trưởng trở nên lúng túng, lão cứ lắp bắp mãi không nói được, một lúc sau lão mới nói :

- Là... là... bần đạo chỉ nói qua vậy thôi, chứ bần đạo nào đã thực sự gặp lệnh tôn! Nhưng mà thôi, bây giờ Tư Đồ cô nương hãy nói ngay đi, có chịu giao bí phổ cho bần đạo hay không? Hay là Tư Đồ cô nương muốn bần đạo dùng biện pháp cứng rắn?

- Không giao! Có cũng không giao, tỷ tỷ, chúng ta đi thôi!

Thêm một lần nữa, Cao Nhẫn chứng kiến sự tham lam giả dối của kẻ tự xưng mình là chánh phái. Cao Nhẫn thấy hết sức căm ghét.

Do đó nghe Hà Nhân đạo trưởng hỏi thế, Cao Nhẫn đã đáp thay cho Tư Đồ Sương. May là Cao Nhẫn cũng một phần nể nang danh vọng của Võ Đang nên Cao Nhẫn chỉ giục Tư Đồ Sương bỏ đi.

Nói xong câu nói, chưa kịp chuyển thân thì Cao Nhẫn đã nghe tiếng binh khí kêu vang, và có tiếng quát nạt :

- Đi sao dễ dàng thế? Để bí phổ lại mới mong toàn thân!

Cao Nhẫn ung dung nhìn chung quanh, tay ra dấu khẽ trấn an Tư Đồ Sương và A Ngọc. Đoạn Cao Nhẫn nói :

- Uổng thay cho bọn đạo sĩ ngươi mang danh là người chánh phái! Thế nào, Hà Nhân đạo trưởng, có phải đây là biện pháp cứng rắn mà đạo trưởng nói? Đạo trưởng định dùng vũ lực mong đoạt bí phổ của người sao?

Hà Nhân đạo trưởng thấy huynh đệ đồng môn đã vây kín cả bọn ba người Cao Nhẫn. Lão như đã nắm chắc phần thắng. Hà Nhân đạo trưởng không do dự nói :

- Tiểu tử, số ngươi thật là không may! Ha... ha... Nếu tiểu tử muốn sống thì hãy bảo Tư Đồ cô nương ngoan ngoãn mang Tiềm Long thân pháp bí phổ lại cho bần đạo! Ha ha... Còn không, bần đạo đành phải phạm giới sát rồi sẽ thu hồi bí phổ sau cũng được! Ha ha...

Sáu tên môn hạ của Võ Đang, hình như cũng đồng cảm quan với Hà Nhân đạo trưởng, việc đoạt lấy bí phổ như việc thò tay lấy đồ trong túi, nên cả bọn cũng ngửa mặt cười vang.

Cao Nhẫn cũng cười, giọng cười của Cao Nhẫn lớn hơn, chắc ý hơn!

Bọn người Võ Đang đang cười, lại thấy Cao Nhẫn không sợ người lại cũng cười, thì bọn họ rất lấy làm lạ. Họ ngưng cười, Cao Nhẫn vẫn tiếp tục cười, một lúc sau Cao Nhẫn mới từ từ giảm dần rồi ngưng hẳn. Vừa ngưng thì đã nghe :

- Nam mô A di đà Phật! Việc gì mà các vị và đạo hữu cười vui thế?

Bỗng dưng không đâu lại có thêm tiếng niệm Phật hiệu trong trẻo nổi lên. Tất cả mười người đều ngạc nhiên nhìn về hướng phát ra tiếng nói.

Đang tiến dần về hướng mọi người là khoảng mười sư thái. Dẫn đầu là Tâm Nguyệt sư thái cùng chín vị sư thái theo sau, tất cả đều là môn hạ Nga Mi. Tâm Nguyệt sư thái đủng đỉnh tiến lại, phất trần cầm trong tay, tay kia chắp lại để trược ngực. Thật đạo mạo, thoát tục, nhìn chẳng khác Thần Phật giáng trần. Các vị sư thái theo sau, cơ hồ cũng có thần thái y như vậy.

Không khí sặc mùi tử khí đã dịu lại ngay. Bọn Võ Đang môn hạ giãn ra xa, nhưng vẫn dè chừng, vây lõng bọn người Tư Đồ Sương. Hà Nhân đạo trưởng tiến đến, nửa như tiếp đón Tâm Nguyệt sư thái và nửa như chận ngay đường tiến của sư thái.

Tâm Nguyệt sư thái vái chào Hà Nhân đạo trưởng :

- Bần ni xin chào đạo trưởng! Đại trưởng vẫn an khang đấy chứ?

Hà Nhân cũng chấp tay xá xá, nói :

- Tạ ơn sư thái, bần đạo vẫn khỏe! Chẳng hay sư thái và các tỷ muội định đi đâu?

Đầu đang gầm xuống, nghe câu hỏi của Hà Nhân đạo trưởng, Tâm Nguyệt sư thái ngẩng đầu lên, đôi mắt nhìn thẳng vào mắt của Hà Nhân đạo trưởng, sư thái đáp :

- Chúng bần ni chỉ thuận đường đi qua đây thôi! Còn đạo trưởng và các vị đây có gì vui vẻ vậy?

Hà Nhân đạo trưởng lúng túng :

- À, không có gì... chỉ hàn huyên chuyện vãn mà thôi. Được rồi! Xin sư thái cứ tự nhiên! Bần đạo không dám làm mất thì giờ của sư thái!

Tâm Nguyệt sư thái nghe lời của Hà Nhân đạo trưởng, không biết sư thái có tin hay không? Nhưng mắt của sư thái chợt lóe lên một tia nhìn... như giễu cợt. Tuy vậy Tâm Nguyệt sư thái không nói gì.

Còn A Ngọc, vì tức giận trước hành động cướp ngày của bọn đạo sĩ, nghe lời nói dối của Hà Nhân đạo trưởng mà phát ghét, nên cô nàng nói ngay :

- Ờ! Không có gì đâu sư thái! Bọn họ chỉ chận bọn tiểu nữ lại, chuyện vãn hàn huyên về bí phổ đó mà!

Thật là bụm miệng lại không kịp, Hà Nhân đạo trưởng và sáu tên đạo sĩ kia giận, dữ nhìn A Ngọc. Nếu cái nhìn có thể giết chết người, ắt có lẽ A Ngọc đã bị phanh thây làm trăm mảnh vụn...

Còn Tâm Nguyệt sư thái, miệng tủm tỉm cười, liến nhìn Hà Nguyên đạo trưởng nói mai mĩa :

- À! Thì ra các vị đang hàn huyên! Vậy té ra bần ni đến không đúng lúc, lại lắm lời làm mất nhã hứng của chư vị. Xin cáo lỗi!

Nhận thấy Tâm Nguyệt sư thái không để tâm đến lời của A Ngọc nói, Hà Nhân đạo trưởng mừng rỡ, nói :

- Không dám! Sư thái nào có lỗi chứ! Thật sự bần đạo cũng đang có việc khẩn cấp. Xin sư thái cứ tự tiện, bần đạo...

Tâm Nguyệt sư thái cắt ngang lời của Hà Nhân đạo trưởng :

- À này! Đạo trưởng! Nhân được gặp đây, bần ni có điều cần hỏi, không biết đạo trưởng có thể giải đáp giùm không?

- Được! Được! Xin sư thái cứ hỏi, nếu biết bần đạo xin nói hầu ngay!

Cười nửa miệng, Tâm Nguyệt sư thái hỏi :

- Đạo trường từng lăn lộn trên chốn giang hồ, không biết đạo trưởng có để ý hay biết gì về việc bí cấp của tệ phái bị thất lạc không?

Ngạc nhiên, Hà Nhân đạo trưởng hỏi :

- Sư thái bảo sao? Quý phái bị thất lạc bí cấp à? Bí cấp nào? Thất lạc tại đâu? Bao giờ?

Vẫn mỉm cười, Tâm Nguyệt sư thái cúi đầu đáp :

- A di đà Phật! Bí cấp ấy bị thất lạc cũng đã có trăm năm dư! Bí cấp ấy có tên là... Pháp bảo Tiềm Long thân pháp bí cấp...

Đỏ mặt tía tai, Hà Nhân đạo trưởng giận đến râu tóc như dựng đứng cả lên, giận quá đến hai khóe môi giần giật, không nói được nửa lời.

Còn Cao Nhẫn thì vùng cười lên, thấy Tâm Nguyệt sư thái chơi bọn Võ Đang một vố thật cay.

Nào ngờ, Tâm Nguyệt sư thái đã quắc mắt lên nhìn Cao Nhẫn quát :

- Tiểu tử! Sắp chết đến nơi mà còn cười gì lắm thế? Còn không bảo ả kia hai tay dâng bí cấp, hoàn trả lại cho bần ni à?

Ngỡ vị sư thái này nói để gỡ rối cho phe mình, nào ngờ bà ta lại hỏi vậy. Đang cười, Cao Nhẫn vụt nín ngay, miệng còn há hốc, sững sở như không tin ở tai mình. Lúc này, bọn người Ngha Mi đã lập tức tiến đến vây quanh bọn Cao Nhẫn, không màng đến đám đệ tử phái Võ Đang còn đứng quanh đó.

Một nữ sư thái trong nhóm, tay phất trường kiếm, miệng lạnh lùng thốt :

- Tiểu nữ kia, ngươi có điếc không? Mau lên, đưa bí cấp ra, bọn ta không khách khí như bọn lỗ mũi trâu đâu.

Tránh võ dưa lại gặp võ dừa, đụng phải tình cảnh này, Cao Nhẫn đâm ra dở khóc dở cười.

Tư Đồ Sương không hổ là người lớn tuổi hơn, kinh lịch hơn. Nàng tiến ra phía trước, nhìn ngay Tâm Nguyệt sư thái và Hà Nhân đạo trưởng ra vẻ sợ hãi, nói :

- Sư thái! Đạo trưởng! Bí phổ chỉ có một mà cả hai vị đều cho là vật của môn phái mình. Nói vậy, tiểu nữ không biết phải trao cho người nào đây?

Tâm Nguyệt sư thái và Hà Nhân đạo trưởng cùng bảo :

- Đưa cho ta!

Cả hai cùng ngưng một lúc, quắc mắt nhìn lẫn nhau, khi nghe người kia cũng nói như câu mình vừa nói.

Bọn đạo sĩ Võ Đang và bọn ni sư Nga Mi, lúc này gươm đã tuốt trần, hăm he nhìn nhau, chực ăn tươi nuốt sống lẫn nhau. Không nhớ đến lời dạy của Phật, giáo huấn của Tam Thanh lão tổ.

A Ngọc nhanh nhẫu nói chen vào :

- Hay lắm! Phe nào thắng thế, bọn tiểu nữ xin giao bí phổ!

Tư Đồ Sương ngây ngươi nhìn A ngọc, không ngờ A Ngọc bạo mồm, chuyện không nói có. Đang định quát mắng A Ngọc thì lại nghe Cao Nhẫn lên tiếng tán đồng :

- Đúng vậy! Bây giờ bọn tại hạ đành chờ xem quyết định thuộc về ai trước đã! Xin sư thái và đạo trưởng làm chủ cho!

Lúc nàt Tư Đồ Sương mới thật sự hiểu ý của A Ngọc qua lời nói của Cao Nhẫn. Việc bí phổ ấy có hay không còn chưa biết, mà giờ đây có đến hai môn phái đều nhận là bí phổ của môn phái mình. Tốt hơn hãy chờ ngã ngủ ra sao rồi hẵn tính.

Tư Đồ Sương nói tiếp ngay :

- Sư thái và đạo trưởng, bọn tiểu nữ chờ nghe ý kiến của hai vị!

Tâm Nguyệt sư thái dành lên tiếng trước :

- Hà Nhân đạo huynh, tốt hơn đạo huynh và huynh đệ nên về đi thôi! Bí cấp của bản môn không thể để lọt vào tay kẻ khác được! Bần ni xin đa tạ trước!

Hà Nhân trưởng tức tối nói :

- Sư thái! Sư thái nói sai rồi, bí phổ này là của Võ Đang, sao sư thái lại cho là của quý phái được? Huống chi chúng bần đạo đây đã tìm được Tư Đồ cô nương trước. Chuyện này không phải là do ý trời sao?

Tâm Nguyệt sư thái tức thì mất đi vẻ đạo hạnh của người ở cửa Không, mắt lóe lên hào quang :

- Ý trời! Ý trời thì đã sao? Không lý đạo trưởng tìm được của người lại bảo là ý trời, cố ý chiếm đoạt làm của riêng mình hay sao? Hơn nữa, từ lâu nay, bần ni nào có nghe Võ Đang có bí phổ Tiềm Long nào đâu, nay bỗng dưng lại có vậy?

Hà Nhân đạo trưởng lớn tiếng hơn :

- Chuyện của Võ Đang, không lẽ sư thái là người Nga Mi lại hiểu rõ hơn bần đạo được sao? Sư thái nói lời khó nghe quá!

- Khó nghe thì cũng phải nghe! Bần ni đã bào bí cấp này là của Nga Mi thì đạo trưởng hà tất phải xen vào!

- Nói như sư thái, vậy thì chúng ta đành phải phân biệt bằng vũ lực thôi! Bên nào thắng thì được bí phổ! Sư thái nghĩ sao?

- Đánh thì đánh! Bần ni không thấy Võ Đang có chi hơn người!

Hà Nhân đạo trưởng quát to, giận dữ :

- Hay cho lão tặc ni! Dám giở giọng khi người! Chúng huynh đệ đâu! Bày trận!

Giọng của Tâm Nguyệt sư thái lanh lảnh cất cao, còn hơn giọng quát của Hà Nhân đạo trưởng :

- Lão lỗ mũi trâu chớ vội khoe tài, cứ thử qua một trận rồi sẽ biết! Các sư muội, vây công!

Không để cho bọn đạo sĩ kịp bày trận thế, các vị nữ ni, lớn bé có đủ, đồng thanh quát lên, tiếng kêu chói tai mọi người. Kiếm quang loang loáng khắp mọi nơi, vây đánh bọn đạo sĩ. Hai đánh một cũng có, một chọi một cũng có. Bọn đạo sĩ Võ Đang đành tận lực nghinh chiến, bước đến đón đỡ kiếm của đệ tử Nga Mi. Thân ai người nấy lo...

Còn Tâm Nguyệt sư thái, sau khi hạ lệnh xong, phất trần trên tay liền vũ lộng, xòe rộng như chiếc tán, phủ chụp xuống người của Hà Nhân đạo trưởng, uy hiếp khắp cả ba mươi sáu đại huyệt của đối phương.

Tuy bất ngờ, nhưng Hà Nhân đạo trưởng là đại đệ tử của Huyền Hạc đạo trưởng, Chưởng môn phái Võ Đang, lại còn là người đứng đầu trong nhóm Võ Đang thất tử, do đó không lúng túng, kiếm trong tay đã vội bật lên, khoa rộng một vòng chận đòn đánh của Tâm Nguyệt sư thái, kiếm quang chợt ẩn chợt hiện giữa cái tán rộng của phất trần, nhìn chẳng khác nào ‘Giao long hí thủy’. Chớp mắt đã hất ngược phất trần của đối phương trở về.

Đang trên đà thắng thế, Hà Nhân đạo trưởng quát lên :

- Tiếp một chiêu nữa của Võ Đang ta xem nào!

Tâm Nguyệt sư thái dù gì cũng là đại đệ tử phái Nga Mi. Một đòn tấn công bất ngờ không làm gì được đối phương, lại nghe giọng lưỡi của Hà Nhân đạo trưởng xem như là đã chắc thắng. Giận dữ, Tâm Nguyệt sư thái đón đỡ ngay, miệng thì hô :

- Tiếp thì tiếp! Để xem Võ Đang làm nên trò trống gì?

Đòn đỡ đã nhanh nhạy, lại đúng lúc, rất là hay. Mà đòn miệng sâu cay lại càng hay hơn. Hà Nhân đạo trưởng quá giận trọc khí dâng lên, khiến khí lực bất lực, nội hỏa xung lên, chân khí sắp đi vào đường rẽ.

Biết nguy đến nơi vì đã phạm vào điều cấm kỵ đối với nội công tâm pháp bản môn.

Bỏ dở nửa chừng chiêu kiếm, chân nhanh bước thoát lui, trút vội hơi trọc khí. Hớp nhanh thanh khí, điều hòa ngay chân khí nội thân.

Người đã bình ổn, Hà Nhân đạo trưởng lúc này tâm khí bình hòa, tai như không nghe lời châm chọc của Tâm Nguyệt sư thái, tác phong xứng với bậc võ học tôn sư, chân đạp nhẹ Hồng Môn, kiếm từ từ nâng lên, phóng nhẹ về trước.

Đừng thấy chiêu kiếm nhẹ nhàng mà lầm. Vì kiếm khí đã phát ra tiếng gió rít, kiếm khí đến đâu lập tức đẩy lùi những ngọn chưởng đuôi phát trần, cơ hồ muốn quật ngược lại vào mặt của Tâm Nguyệt sư thái.

Tâm Nguyệt sư thái thất kinh, trầm ngay cây phất trần. Hai chân đang thoăn thoắt nhảy lui vội dừng ngay lại. Đặt thân mình ngay ngắn ở thế ‘Tiền cung hậu tiễn’. Chân khí ồ ạt tuôn ra, qua khuỷu tay dồn tất cả vào cây phất trần, tay chưa xông lên, ngọn phất trần đã tua tủa dựng đứng cả lên như một lũ trường xà, quấn nhanh vào thân kiếm của Hà Nhân đạo trưởng.

Cả hai thật không hổ danh là đệ tử danh môn, đều xứng đáng vào hàng cao thủ tuyệt luân. Trận đấu của hai người chưa đầy mười chiêu đã trở nên thập phần nguy hiểm, lúc này chưa ai có thể lấn lướt được ai!

Chiêu thức chầm chậm đưa ra, thân hình cả hai từ từ di động, xoay quanh nhau. Nhưng chung quanh hai người cả một trượng vuông đã hình thành một lớp kình khí dày đặc. Tuy chưa đạt đến mức vô hình hữu thể. Nhưng một người có võ học bình thường khó mà bước vào, tiếp cận được với cả hai. Vì đưa chân vào khu vực này, thất khếu không chảy máu thì ít ra cũng bị đẩy lùi. Thật là đánh sợ cho chân lực thực học của hai người!

Còn đệ tử của hai phái Võ Đang và Nga Mi lúc đầu đấu với nhau loạn ẩu, sau đó, do cả hai bên đều tranh nhau cái danh, nên sau một hồi quần đả, lúc này kẻ mạnh đấu với kẻ mạnh, người yếu đấu với người võ công yếu.

Riêng đệ tử phái Nga Mi đông hơn, nhưng sở học không tinh bằng nên rốt cuộc có hai đám đánh nhau là rộn rã hơn. Một đám gồm ba đệ tử Nga Mi cầm cự với đệ tử Võ Đang, người này cũng là một trong Võ Đang thất tử. Còn đám kia, hai đệ tử Nga Mi đang uy hiếp một tên đạo sĩ Võ Đang.

Đạo sĩ này đôi phen gặp nguy hiểm, may đứng gần với đạo sĩ đang đấu với ba nữ đệ tử Nga Mi, có phần đấu trên tay. Nên đạo sĩ kia luôn để mắt đến bạn đồng môn. Mỗi khi bạn đồng môn lâm nguy, ông ta đã vội tung kiếm sang đón đỡ. Cứu nguy cho đồng bọn xong thì ba kiếm của Đinh Phượng đã vây quanh, đành bỏ đó lo tự cứu lấy mình. Cứ thế mà đánh, hai đám này chí chóe, la loạn cả lên :

- Ối chà!

- Thất huynh coi chừng!

- Hạ ngay lão lỗ mũi trâu này!

- Các sư muội tản ra!

- Hợp lại, đánh sát lên!

- Á! Tên tặc ni khốn kiếp, may cho đại gia, không thôi thì đã mất cánh tay này rồi!

Các cặp còn lại, thì đấu cân tài cân sức. Mỗi phe đều ngấm ngầm thán phục đối phương. Họ đều thầm nghĩ: “Họ không kém lắm, chứng tỏ Võ Đang, Nga Mi thành danh trên giang hồ là đúng lắm”.

Do nghĩ vậy, mọi người đều không ai bảo ai, đều chuyên tâm, để mắt đến chiêu thức của Đinh Phượng. Mỗi khi thấy đối phương ra một chiêu tân kỳ, họ thán phục và vận dụng mọi chân tài sở học để đón đỡ cho kỳ được chiêu thức của đối phương! Hoặc khi thấy đối phương đón đỡ được chiêu thức kỳ bí của mình, họ gật gù tỏ vẻ tán thưởng.

Hay hơn nữa là sở trường của cả hai phái Võ Đang và Nga Mi đều thiên về nhu, do vậy, trong lúc đấu lẫn nhau, không một tiếng la ngoài cửa miệng, còn kiếm ít khi chạm vào nhau. Họa hoằn có khi chạm vào nhau, họ đều suýt soa tiếc rẽ, vì đều này chứng tỏ thực lực của họ chưa đủ, thu phát không kịp lúc, không điều khiển được theo tâm muốn...

Sự động nộ của cả hai bên đang đánh với nhau không còn nửa, ngược lại, họ đều thích chí, khoái trá lẫn nhau...

Bọn ba người ngươi thì ngoại trừ Cao Nhẫn đang say mê theo dõi chiêu thức của cả hai bên, vì đây là dịp hãn hữu, lần đầu tiên Cao Nhẫn mới được xem võ học thực sự của các môn phái khác, phần nữa, do họ đấu ngang tay nhau, khiến nhiều chiêu thức chầm chậm đưa ra.

Hết chiêu này đến thức khác, lần lượt diễn ra.

Mọi chiêu thức lúc này của cả Võ Đang và Nga Mi đều không qua được mắt của Cao Nhẫn. Mọi biến ảo, tinh túy của hai trường phái kiếm pháp đều được Cao Nhẫn xem xét thật kỹ. Đôi khi ngấm ngầm Cao Nhẫn thầm so sánh với các chiêu thức trong Ảo Ma kiếm pháp, để so sánh các chiêu thức biến hóa cũng như uy lực của kiếm pháp Võ Đang hoặc Nga Mi.

Điều này thật sự đã mở rộng tầm hiểu biết cũng như tăng thêm sự phong phú lịch duyệt cho bản thân, khiến Cao Nhẫn nhìn mà không chớp mắt.

Ngược lại với Cao Nhẫn, hết Tư Đồ Sương lại đến A Ngọc cứ đứng dậm chân, ra dấu, đôi khi còn kêu lên khe khẽ để Cao Nhẫn chú ý, vì thực sự cả hai nàng đều muốn nhân dịp long tranh hổ đấu này để chuồn êm! Cả hai càng lúc càng cuống quít trước thái độ nhởn nhơ của Cao Nhẫn, đang như người thưởng ngoạn hoặc đang ngắm hoa.

Không ngừng được, A Ngọc bèn cúi lượm một viên đá nhỏ ném vào người Cao Nhẫn. Giật mình, Cao Nhẫn nhìn lại, thấy A Ngọc chỉ chỏ cả hai tay. Hiểu ý, Cao Nhẫn khẽ gật đầu, lặng lẽ tiếc nuối, Cao Nhẫn đành theo chân Tư Đồ Sương và A Ngọc rút êm.

Khi nhắm đã khá xa, Tư Đồ Sương quát khẽ :

- Chạy!

Thế là cả ba như bị ma đuổi, cắm đầu cắm cổ nhằm hướng Không Động mà chạy.

Một dặm...

Hai dặm...

Năm dặm đường đã trôi qua nhanh chóng. Nhìn về phía Không Động sơn đã thấy lấp ló những mái ngói Tam Quan đỏ chót. Liệu không thể chạy được nữa, Tư Đồ Sương thả chậm bước chân, hơi thở vẫn dồn dập, ngực phập phồng, mặt đỏ như son. A Ngọc cũng không hơn gì tiểu chủ, có khi còn tệ hơn vì xem chừng cô nàng đi đã không muốn vững. Nhìn sang Cao Nhẫn, thấy thần thái vẫn ung dung, khí độ vẫn anh tuấn, bất phàm. Tư Đồ Sương thật sự thán phục. Không một chút ganh tỵ. Tợ như một người chị lớn thấy em mình đã có một thân võ học hơn mình. Tư Đồ Sương mừng. Thật sự mừng cho Cao Nhẫn.

Ngoái lại nhìn về phía sau, không thấy bóng người, Cao Nhẫn vừa tiếp tục đi, vừa nói :

- Thật đáng tởm cho lòng tham của hai phái Võ Đang và Nga Mi!

Tư Đồ Sương lúc này hơi thở đã lơi dần, nói thêm :

- Đệ đệ còn quên một môn phái nữa!

A Ngọc lên tiếng hỏi :

- Môn phái nào?

Tư Đồ Sương đáp :

- Hừ! Bọn đầu trọc Thiếu Lâm cũng không khá hơn đâu!

- Sao tiểu thư lại khẳng định như thế?

- A Ngọc! Ngươi hãy hỏi thử Nhẫn đệ của ta sẽ rõ!

Không bỏ sót lời nào của cả hai từ nãy giờ đã nói, không đợi A Ngọc hỏi, Cao Nhẫn đã thốt :

- A Ngọc tỷ tỷ, năm năm trước đây, bọn Thiếu Lâm cũng đã góp một tay vào việc truy bắt đệ đệ. Thật sự đệ không hiểu họ có phải là chánh phái hay là không?
Bình Luận (0)
Comment