Bạch Hổ Tinh Quân

Chương 21

Trước khi lão nhân vào tới bàn, Tái Vân đã sớm kéo vạt áo cừu cho che phần ngực bị hở lại, và tiếp tục cho Huy nhi bú sữa. Nàng chẳng hề ngước lên chào hỏi dù người đó là bậc cao niên. Tái Vân cũng đã hơi xoay người về hướng cửa sổ nên Tử Khuê nhận ra vẻ sợ hãi, chán ngán trong ánh mắt nàng.

Lão nhân kia ngồi xuống ghế đối diện, nhếch mép cười nhạt:

- Hà tất nàng phải vì con của kẻ khác mà vất vả suốt đêm như thế. Biết vậy, lão phu đã sớm để nó chết quách cho xong, đỡ tốn nửa hạt “Thiên sơn Tuyết liên tử”.

Đông Nhạc Tiên Hồ thản nhiên mai mỉa:

- Nửa hạt sen chết tiệt ấy đã được bán với giá ngàn lượng vàng, sao giờ sư thúc lại còn tiếc nuối.

Tử Khuê thoáng giật mình, nhớ lại Dịch Quan San tâm sự, và đoán rằng lão nhân râu ba chòm kia là Bạch Điển thư sinh Đinh Trọng Khế, sư thúc gã.

Đinh Trọng Khế từng là một bậc anh tài trẻ đẹp, võ nghệ cao cường, hai mươi tuổi đã nổi danh Ngọc Diện kiếm khách. Khổ thay, cái mỹ hiệu nọ chỉ thọ được có ba năm. Chẳng hiểu sao da dẻ họ Đinh đột nhiên nổi lên những đốm lang ben rất tệ hại. Chúng dày cộm, sần sùi, biến gương mặt anh tuấn của Trọng Khế thành một mảng da beo loang lổ, khó coi.

Lang ben tức là bạch điển phong, là một bệnh ngoài da rất thông thường, dễ chữa trị. Nhưng trường hợp Trọng Khế thì lại đặc biệt trầm kha, không thuốc nào chữa khỏi. Có lẽ do gã ăn nhằm cái thứ quỷ quái nào đấy, độc tính nằm trong máu huyết chẳng trục ra được. Thế là giới giang hồ mau mắn đã tặng cho họ Đinh danh hiệu mới: Bạch Điến thư sinh. Trọng Khế vô cùng nhục nhã, gác kiếm đi học nghề y, đã mấy chục năm không xuất đầu lộ diện.

Phải chăng Đinh Trọng Khê đã thành công nên giờ đây Tử Khuê chẳng còn nhìn thấy những đốm lang ben oan nghiệt trên mặt lão nữa?

Còn việc lão cứu mạng Huy nhi với giá ngàn lượng vàng thì chàng không quan tâm đắt rẻ và vẫn chi ân. Trẻ sinh non rất khó sống, nhất là khi không được bú sữa mẹ, cũng may là có nửa hạt Tuyết liên tử. Nhưng lòng biết ơn của Tử Khuê đã sớm bị sứt mẻ vì câu nói của vị ân nhân.

- Tối nay, Bành mỗ đã thi hành kế “Di họa giang đông” loại được Long Vân Tú Sĩ ra khỏi chốn giang hồ và cảm thấy ngàn lượng vàng kia không đủ cho sự nghiệp tranh bá đồ vương. Lão quyết định bán thằng bé này cho Ngân Diện Hầu phủ và bán con nhà....(không đọc được) họ Tống cho lão Quách Thiên Tường, mỗi đứa giá năm vạn lượng vàng. Trinh sát của lão phu đã báo về rằng Quách trang chủ đang nương náu ở nhà con rể Mã Đông Cao.

Tử Khuê thêm một lần mừng như chết đi sống lại khi nghe nói Tống Thụy vẫn toàn mạng và đang có mặt nơi này.

Trong kia, Đông Nhạc Tiên Hồ cau mày hỏi lại họ Đinh:

- Vì sao sư thúc không bán luôn tiện nữ mà kiếm thêm vài vạn lượng.

Bạch Điển thư sinh lắc đầu, nhìn hau háu gương mặt kiều diễm của Tái Vân và chậm rãi đáp:

- Anh hùng phải có mỹ nhân. Lão phu đã chọn nàng làm người phối ngẫu.

Tái Vân biến sắc, run rẩy đặt cọng lông gà vào chén sữa vì Huy nhi đã ngủ ngon. Rồi nàng rầu rĩ thở dài:

- Lão tinh thông “Nhiếp hồn ma thuật” mê hoặc được đại ca ta, nhưng việc chiếm đoạt Vân này chẳng dễ đâu. Ta thà tự sát chứ không lỗi đạo với trượng phu.

Dứt lời, nàng rút trong áo ra một con dao nhỏ. Tuy đây chỉ là dụng cụ rọc giấy song cũng cũng thừa sức đưa nàng về chốn suối vàng.

Đinh Trọng Khế không ngờ Tái Vân lại quyết liệt đến thế và thủ sẵn phương tiện quyên sinh. Lão bực bội cười gằn:

- Té ra một ả hồ ly khét tiếng phong lưu như ngươi lại học trò tiết phụ! Để xem người nhịn đói, nhịn khát được mấy hôm.

Nói xong, lão đứng phắt dậy, giận dữ bỏ đi. Ở đây, Tái Vân bật khóc, cúi xuống hôn Huy nhi và than trách:

- Huy nhi oi! Chắc mẫu thân không còn cơ hội chăm sóc con nữa rồi. Cha ngươi quả là kẻ hồ đồ, cương nhu, thiện ác, tiến thoái chẳng rạch ròi nên thê tử mới khốn khổ thế này.

Tử Khuê choáng váng trước lời phê phán của ái thê, tự hỏi phải chăng mình đúng là người như vậy? Mấy năm qua, chàng háo hức dấn thân vào chốn giang hồ song lại luôn lo lắng hậu quả, rốt cuộc cũng tan nhà nát cửa. Và chàng luôn thụ động, chưa bao giờ dám tự vượt qua hoàn cảnh. Chàng đã trở thành kẻ dối lòng khi tay nhuốm máu mà cứ tự cho mình là nhân nghĩa.

Ngay như lúc này, chàng vẫn phân vân không dám giết Bạch Điển thư sinh do lão có ơn cứu mạng Huy nhi. Trong khi lão bức hiếp vợ chàng và nuôi dã tâm khuynh đảo võ lâm, gây nhiều cảnh máu xương.

Nghe tiếng khóa cửa, đoán rằng Trọng Khuê đã rời thạch xá, chàng lập tức chạy vòng ra phía trước mà đuổi theo. Lão ta đã đi được vài trượng, cách tòa mộc lầu không xa.

Tử Khuê lạnh lùng trầm giọng gọi:

- Bạch Điển thư sinh! Quách mỗ đã đến đây.

Đinh Trọng Khế kinh hãi quay phắt lại, rút kiếm thủ thế và quát vang:

- Có kẻ địch!

Tử Khuê bình thản đứng đợi, trong lúc họ Đinh hoang mang dò hỏi:

- Phải chăng người là Quách Tử Khuê?

Khi chàng gật đầu, Trọng Khế giả lả nói:

- Thế thì hay quá! Thê tử của hiền điệt đều ở cả nơi này. Sau biến cố hồi tháng sáu, Dịch sư điệt đã đưa họ đến đây nương náu.

Lúc này, Dịch Quan San và đám kiếm thủ người Thổ đã ùa đến, đuốc dầu tỏa sáng rực trời. Tử Khuê đưa tay lột mặt nạ và quát bằng tiếng Thổ:

- Ta là Quách thiếu gia đây! Các ngươi mau cầm chân Dịch Quan San để ta khống chế lão họ Đinh.

Tuy có tới sau chục gã kiếm thuẫn là người mới, vừa được chiêu dụ từ hàng ngũ Xoa Lạp bang, nhưng chúng cũng đã nghe đám lính cũ kể về vị thiếu chủ nhân từ, rộng rãi, cho nên mệnh lệnh của Tử Khuê được chúng răm rắp chấp hành.

Càng may mắn hơn cho chàng là khi gã răng hô Tang Đông Dã đã bất ngờ điểm huyệt Dịch Quan San. Sau đó, gã cao giọng điều động một toán kiếm thủ đi giải thoát Tái Vân, Tống Thụy.

Ở đây, Tử Khuê nghiêm nghị bảo bảo Trọng Khế:

- Lúc nãy, ta đã nghe hết những lời lão nói với Vân muội. Và ta cho rằng lão không đáng sống nữa.

Bạch Điển thư sinh thẹn quá hóa giận, quắc mắt nạt:

- Người tưởng có thể dọa được lão phu hay sao?

Tử Khuê chẳng nói chẳng rằng rút gươm đánh chiêu “Hiểu Xuân Lôi Xướng” (Sấm hát đầu xuân). Kiếm kình ì ầm nhỏ nhẹ, có vẻ như hiền hòa không chút gay gắt, nhưng kỳ thực đây là một trong những chiêu tấn công ảo diệu và mãnh liệt nhất của pho “Lôi Đình kiếm pháp”. Nó có khá nhiều thức chém như chẻ núi nên sẽ phát huy hết diệu dụng của thanh “Đảo Nguyên thần kiếm”.

Dù tin tưởng rẳng Dịch Quan San đã là nô lệ của mình, song Trọng Khế vốn thận trọng kè kè bảo kiếm bên mình. Hơn nữa, lão là kiếm sĩ, mê thanh thép lạnh hơn cả vợ con, nên chẳng thể rời, cả những lúc ăn cơm, tắm gội hay đại, tiểu tiện. Nhờ vậy mà lúc này Trọng Khế có vũ khí để chống đỡ đường gươm lợi hại của đối phương.

Tất nhiên kiếm của họ Đinh cũng là loại kiếm rất tốt, dẫu gặp gỡ Thần binh thượng cổ cũng chẳng gãy ngay. Và bản thân Trọng Khế cũng phải có thành tựu võ học rất cao mới dám nghĩ đến việc tái xuất giang hồ, tranh phong cùng những đại cao thủ như Long Vân Tú Sĩ, Lôi Đình cung chủ.

Bạch Điển thư sinh vung gươm hóa giải chiêu kiếm của đối thủ, sắc mặt anh nhiên, nhãn thần rực rỡ hào hứng. Quách Tử Khuê được xem là kiếm thủ cừ khôi nhất võ lâm đương đại, nên việc so gươm với chàng là một cơ hội ngàn vàng để Trọng Khế đánh giá sở học của mình.

Sau nhiều năm phiêu bạt tìm thầy chữa bênh, Trọng Khế đã lưu lạc sang tận dãy Thiên Sơn hùng vĩ và giá lạnh. Chính tại nơi này, họ Đinh đã may mắn hội ngộ với bậc kỳ nhân, không hết bệnh song lại học được y thuật lẫn võ nghệ Thiên Sơn Phái. Và thành tựu về kiếm thuật còn cao hơn cả.

Bạch Điển thư sinh đến Tây Vực năm ba mươi sáu tuổi, khi quay về Trung Thổ thì đã ngoài ngũ thập. Do bệnh cũ vẫn còn nên Trọng Khế ẩn cư trong cánh rừng hoang vu này, chỉ liên lạc với hai người. Mãi tận mùa Thu năm ngoái, lão mới tìm ra được phương pháp tiêu diệt được “Căn bệnh quái ác” phục hồi dung mạo anh tuấn, đường hoàng. Đồng thời, họ Đinh cũng đạt đến cảnh giới thượng thừa của sở học Thiên Sơn.

Tựa như người đàn bà có nữ trang đẹp luôn khao khát trưng ra, khoe với thiên hạ, Trọng Khế bắt đầu nghĩ đến việc tái xuất dương danh. Nên khi Dịch Quan San đưa người họ Quách tới nương náu, nhờ giúp đỡ, một kế hoạch xưng hùng xưng bá đã hình thành trong đầu Trọng Khế. Lão bèn khống chế tâm thức Quan San, sử dụng gã cùng đám dũng sĩ người Thổ như đội quân tiên phong, cốt cán. Còn với bọn Tái Vân, Tống Thụy, Huy nhi thì lão có những tính toán thâm độc khác.

Nhưng không ngờ rằng Quách Tử Khuê lại tìm ra chốn này và tình cờ phát hiện dã tâm của lão.

Trọng Khế chỉ hơi ngán tài phóng phi đao của Ngân Diện Hầu, chứ chẳng ngại đường gươm của Cầu Nhiêm đại hiệp. Lão vẫn tự nhủ rằng mình là tay kiếm vô địch. Lão không biết hai người ấy là một.

Tống Tiểu Tinh đã chết trong đêm đầu tháng mười một, sau khi sinh non.

Thật xấu hổ khi nói cho người ngoài biết việc chồng mình lấy vợ lẽ và có con, nên bọn Tái Vân đã giấu biệt, bảo Trọng Khế rằng Huy nhi là con của Ngân Diện Hầu. Đinh lão nại cớ người dưng mà đòi cái giá ngàn lượng vàng mới chịu đem kỳ trân ra cứu đứa bé.

Ẩn tình là thế, kể ra thì dài dòng, chán ngắt, song không kể cũng không được. Giờ chúng ta quay lại trận so gươm để tìm chút hào hứng, sôi động.

Bạch Điển thư sinh nhờ nuốt chín hạt “Thiên Sơn Tuyết Liên tử” mà hiện có đến hơn hoa giáp công lực. Trong truyện kiếm hiệp, yếu tố kỳ duyên rất phổ biến và được ưa chuộng. Việc ấy cũng thú vị chẳng khác gì chuyện một gã nghèo kiết xác nào đó của thời nay, trúng mười tờ độc đắc vậy.

Lão già họ Đinh may mắn ấy dồn nguồn chân khí hùng hậu ra tay hữu loang kiếm nhanh như chớp giật, trong khoảnh khắc đã đâm chém, đỡ gạt hàng trăm thế thức, hóa giải chiêu “Hiển Xuân Lỗi Xướng”.

Chàng trai họ Quách chỉ chiếm được chút ưu thế là đã chém mẻ lưỡi gươm của đối phương. Và chàng cũng đã thức ngộ ra rằng minh kém sức hơn, chẳng nên sử dụng lối đánh cương mãnh. Hơn nữa, phong thái và phương thức chiết chiêu của Bạch Điển thư sinh đã chứng tỏ một trình độ kiếm thuật thượng thừa.

Tử Khuê liền bỏ ý định tốc chiến tốc thắng, xuất chiêu “Thu Vũ Phiêu Phiêu”, kiếm ý hòa dịu, nhẹ nhàng, chủ về tốc độ hơn là lực đạo. Song chẳng phải vì vậy mà chiêu kiếm Huyền môn này kém lợi hại, kiếm ảnh giăng mắc tựa mưa Thu, áp đến bủa vây địch thủ.

Trọng Khế thầm tán thưởng tài khoái kiếm kỳ tuyệt của kẻ hậu sinh, song cũng đau lòng khi thấy thanh gươm thân thiết mấy chục năm bị sứt mẻ. Lão tự an ủi rằng mình sẽ được bồi thường thỏa đáng khi hạ sát Tử Khuê và đoạt lấy kiếm báu của chàng. Lão có chứng kiến canh bạc giữa Trình Thiên Kim và Đỗ Hầu, nên đoán đây chính là thanh “Đảo Nguyên thần kiếm”.

Những ý nghĩ ấy thoáng qua trong chớp măt. Trọng Khế xuất chiêu “Tuyết Lạc Thiên Sơn” chặn đứng đường gươm thần tốc của đối thủ và phản kích bằng chiêu “Sơn Mạch Cửu Bàn” (Hướng núi quanh co chín khúc). Trường kiếm và cánh tay phải lão uyển chuyển lạ thường, quỹ đạo của mũi gươm cực kỳ phức tạp, rối rắm khiến Từ Khuê không sao xác định được những vị trí bị uy hiếp.

Nhưng là người sở đắc đạo biến hoá, Từ Khuê chẳng chút bối rối, thi triển “Thất Tinh Tranh Huy” đâm liền bảy thức theo gần đúng phương vị chòm sao Bắc Đẩu.

Chiêu này rất đơn giản vì chỉ có đúng bảy thế kiếm. Diệu dụng của nó nằm trong yếu tố tốc độ và dũng khí. Từ Khuê dường như không hề đếm xỉa đến thanh kiếm quỷ dị của đối phương, thản nhiên sấn tới để đổi mạng.

Từ ý nghĩ đến hành động có một khoảng cách nhất định, bao gồm vận tốc truyền dẫn của dây thần kinh và phản ứng nhanh nhạy của cơ bắp. Con người bị lão hóa theo thời gian, nên ngưòi già luôn chậm chạp hơn kẻ trẻ trung. Trong kiếm thuật cũng vậy, cánh tay đầy những bắp thịt thanh xuân, nhạy cảm của Tử Khuê đã thực hiện của tâm ý một cách gần như đồng thời.

Vả lại, đường thẳng ngắn hơn đường cong, những thế kiếm rất giản dị của chàng đã nhanh hơn đường gươm hoa mỹ, phức tạp của đối phương.

Vì nhanh hơn nên bắt kịp, mũi kiếm “Đảo Nguyên” chạm vào thân kiếm của Trọng Khế và đẩy nó lệch đi. Sau đó, hai thức đâm còn lại hướng tới mặt và ngực nạn nhân.

Bạch Điển thư sinh hồn phi phách tán, nghiêng dầu tránh né và xòe tả thủ che kín huyệt Đản Trung để đỡ nhát kiếm chết người.

Lý ra, mũi kiếm “Đảo Nguyên” phải xuyên thủng cả lòng bàn tay lẫn ngực họ Đinh. Nhưng một âm thanh khô khốc của kim loại chạm nhau đã vang lên, và Trọng Khế chỉ bị đẩy lùi. Nghĩa là bàn tay của lão che chở bởi một lớp thép vô cùng chắc chắn.

Bọn dũng sĩ ngưòi Thổ đứng vòng bên ngoài “ồ” lên tiếc rẻ. Và có tiếng nữ nhân run rẩy cảnh báo:

- Tướng công! Tả thủ của Đinh lão quỷ có mang chiếc bao tay đan bằng thép.

Đấy chính là giọng nói của Dịch Tái Vân. Tử Khuê gật đầu tỏ ý đã hiểu, trong lúc vẫn tấn công như vũ bão. Tuy đối phương có bảo vật hộ thân song chàng chẳng hề ngán ngại, thi triển bộ pháp “Tiên nữ tuỷ phong” và tài khoái kiếm kỳ tuyệt áp đảo kẻ địch. Ngoài hai ưu thế áy, Tử Khuê còn có một thứ mà họ Đinh không có, đó là kinh nghiệm giao đấu. Mấy chục năm qua, Trọng Khê như kẻ chơi cờ với chính mình, chẳng thể biết nước cờ ảo diệu của thiên hạ.

Lòng tự tôn bị tổn thương, Trọng Khế dồn hết chân khí ra thanh kiếm thi thố “Thiên sơn kiếm pháp” đến phút chót hóa giải đường gươm ác liệt của Tử Khuê và phản kích lại.

Với tu vi hơn hẳn hoa giáp, thanh kiếm trong tay lão vún vút, xé nát không gian. Kiếm phong cuồn cuộn quyện lấy ngàn vạn bông tuyết trắng, hung hãn vây bủa lấy đối thủ. Thép chạm thép vang rền, Tử Khuê điềm nhiên cự địch, ăn miếng trả miếng chẳng hề chịu sút kém.

Bạch Điển thư sinh mỗi múc càng điên tiết khi thấy tên hậu bối kia luôn tránh được những đòn trí mạng bằng một thân pháp huyền ảo tuyệt luân. Gã chết giẫm ấy cứ như hồn ma bóng quế, lão chẳng thể nào chạm đến được.

Và đã đến lúc “Đảo Nguyên thần kiếm” phát huy uy lực. Sau hàng ngàn lần va chạm lưỡi kiếm Trọng Khế bị mẻ không còn chừa chỗ nào và thậm chí có những chỗ bị tổn thương đến bốn năm lần, hằn rất sâu làm giảm độ bền chắc.

Tử Khuê hiểu rõ điều ấy, bất ngờ xuất chiêu “Ngọ Môn Trảm Quái” trong “Lôi Đình kiếm pháp”. Chiêu này lấy ý từ đao pháp có những thế chém cực mạnh.

Dẫu biết rằng bất lợi, song Đinh Trọng Khế vẫn phải vung gươm chống trả chứ không thể né tránh. Lão đã lùi khá sát vòng dây của bọn dũng sĩ người Thổ, chẳng còn đất nữa. Vả lại, Tử Khuê tràn đến quá nhanh.

Nếu nó về kiếm thuật thì tuyệt học “Lôi Đình” oai trấn võ lâm đứng đầu vũ nội. Nó còn lợi hại hơn cả “Thanh Long kiếm pháp” của Huyền Hư phái.

Năm xưa, Trung Thiên Tôn đả bại được Lôi Đình Đế Quân là nhờ Trác Ngạn Chi đã mất sức sau khi đấu với Nam - Bắc Thiên Tôn. Sau này, tuy đã bước qua cửa Kiếm Đạo song Trần lão vẫn luôn tán thưởng “Lôi Đình kiếm pháp” và dặn dò Tử Khuê không được xem thường. Ngờ đâu chàng may mắn học được chính nó, trở thành kiếm thủ bậc nhất trong thiên hạ.

Chiêu “Ngọ Môn Trảm Quái”cũng nằm trong số vốn thủ mạng của Trác Ngạn Chi. Lão không dạy cho bất cứ ai, cả Tiêu Lập Dân lẫn Nhạc Cuồng Loan.

Nhưng Hoành Sơn Tiên Nữ trí nhớ tuyệt luân, chỉ lén đọc qua một lượt là chép lại không sai nửa chữ. Ngạc Chi hắt hủi Tiên Nữ vì Trác Thanh Châu là gái, bỏ đi chẳng ngờ rằng lại lỗ vốn to.

Giờ đây, “Đảo Nguyên thần kiếm” giáng những đòn sấm sét, chém đứt thanh gươm đầy thương tích và tiện đứt cánh tay của Bạch Điển thư sinh. Tử Khuê không có ý định giết lão, nhưng Tang Đông Dã đã bất ngờ lướt đến đâm thủng cổ họng Đinh Trọng Khế.
Bình Luận (0)
Comment