Bất Du, Không Thay Đổi

Chương 28

Trước khi tiền hành nói chuyện chính thức, Cảnh Doãn lôi Khang Sùng vào phòng bếp, lấy chai nước khoáng đông lạnh từ tủ ướp đá, quấn khăn mặt rồi chườm cho Khang Sùng, nhiệt độ thấp tiêu sưng hiệu quả.

Hai người ngồi xổm xuống, gò người trốn sau tủ quầy đựng bát đũa và gia vị, nơi ẩn núp chật chội thế này, đến người ngoài phòng bếp có đi qua cũng chả phát hiện, giống khi còn bé cùng nhau chơi trốn tìm.

Hồi ấy tóc Cảnh Doãn còn tết bím đuôi sam, đôi mắt đen lúng liếng, chạy qua trốn lại chóp mũi đầy mồ hôi, lúc co rụt người lại vẫn không quên lấy tay bịt miệng đang thở dốc; Khang Sùng mặc cái quần đùi, đầu kề đầu bạn nhỏ, từ nhỏ đã cao hơn mấy đứa cùng lứa, lớn rồi da dẻ đi phơi nắng gắt cả mùa hè thế là đen thành màu tiểu mạch, đầu gối lại còn dán băng cá nhân vì xốc nổi mà để bị trầy da.

Cảnh Doãn nhẹ giọng hỏi gã: “Đau không?”

Mắt Khang Sùng cong lên, nửa mặt lạnh run, buồn cười mà chịu chết, hừ hừ kêu: “Đau.”

Cảnh Doãn ngán ngẩm, đành quỳ một gối xuống nền nhà, sát lại chút nữa, chạm môi lên trán Khang Sùng.

“Đúng là em thích anh trước đấy.” Y nhấn mạnh.

Khang Sùng vặn nắp chai uống ngụm nước lạnh đầy vụn băng, súc hết máu trong miệng, nhổ sạch sẽ, sau đó mới hôn trả người ta.

“Không đau nữa rồi.”

Cả hai cùng ra ngoài, ngồi xuống trước mặt bố mẹ Khang Sùng.

“Tiểu Doãn uống này, chắc khát rồi hả.”

Mai Ương rốt cốc nước ô mai cho Cảnh Doãn, y đứng dậy nhận bằng hai tay rồi ngồi lại ngay ngắn chỉnh tề, nói: “Cảm ơn dì ạ.”

Khang Sùng quen thói sán lại cọ uống, chưa gì đã bị Mai Ương đạp cho phát, trông rõ là phiền phức: “Đừng có láo nháo với mẹ mày. Tiểu Doãn này con để nó lấn tới thành thói rồi, sắp mét chín đến nơi mà cứ ngốc nga ngốc ngếch.”

Cảnh Doãn thẹn thùng sờ sờ cái gáy tóc đen lởm chởm.

“Hôm nay coi như dì hiểu vì sao thằng này dính con như thế.”

Mai Ương trông một hồi, nhẹ thở dài, đủ những dấu vết chẳng khiến lòng bà nghi ngờ lắm trong quá khứ, tất thảy như một phép thử dẫn lối, đúng thời khắc này xâu chuỗi liên tiếp thành loạt chứng cứ hoàn mỹ vô cùng xác thực, bày ra sự thật có phạm trù vượt quá nhận thức của bà, dường như còn khó tiếp thu hơn cả chính tai nghe thấy.

Bà thả lỏng bờ vai, thu lại khí thế đối chọi gay gắt, tâm bình khí tịnh, nói:

“Chắc phải hơn hai mươi năm rồi nhỉ, hai đứa, đúng là giao tình từ khi còn bé đến tận giờ. Trên đời này cơ man là người, con đường trưởng thành một khi rẽ lối, tính tình rồi cách ứng xử một khi thay đổi, dần dần sẽ đẩy nhau càng ngày càng xa, quan hệ càng lúc càng nhạt nhẽo, dù về sau còn bên nhau cũng không sao giống như trước được nữa.”

“Nhưng dường như hai đứa từ đầu đến cuối vốn chẳng hề thay đổi… Không đúng lắm. Rõ ràng hai đứa lớn lên thành hai người trưởng thành khác nhau hoàn toàn, mỗi đứa có cách sống riêng, vòng giao thiệp khác nhau, rồi con người đều không ngừng biến chuyển, bất kể các con có nhận ra hay không. Vậy mà hai đứa kỳ diệu ghê, bất luận biến thế nào đổi ra sao, cứ tựa như khớp nối của miếng ghép hình, cuối cùng xếp một chỗ vẫn hợp nhau đến thế.”

“Tiểu Doãn dì không dám nói, Khang Sùng là con dì, dì biết ——Tuy là chuyện hôm nay tới dì chẳng thể bày vẻ không lo lắng mà bảo “Hiểu rồi” được. Xử lí qua quýt có khi nó còn chả nhận ra tại sao lúc nào cũng khăng khăng chỉ mình con, không rời xa con được. Xong mới biết à hóa ra bên trong có hàm ý khác, còn yếu tố khác. Đổi lại thành người nào đó, dì muốn chỉ những người không nghĩ tới được tầng ý nghĩa này, họ có thể sẽ một đời cứ ở vậy, đến chết vẫn chẳng hiểu rõ, vẫn không vượt ranh giới. Đương nhiên thế cũng không tồi, họ bảo vệ tình hữu nghị trung trinh đến chết, ấy là một loại thuần túy khác.”

“Nếu chuyện đã đến nước này, đám ông bà già còn nhúng tay làm khó dễ, thì đúng là rảnh việc đi tìm rắc rối, ăn no rửng mở. Có ai chịu bỏ những ngày đẹp tháng tốt để đi náo loạn gà bay chó sủa cơ chứ, phải không? Con cháu tự có phúc của con cháu, chúng tôi chưa tách được đến phiên các anh tự rạn nứt, các anh lại hận chết tôi, dựa vào cái gì tôi phải đóng vai phản diện hả?”

“Chẳng qua hai anh ấy, có vài câu tôi vẫn phải căn dặn. Cá nhân tôi tán thành hai anh ở chung, con người chỉ khi chính thức về một mái nhà mới cảm nhận được tư vị sinh hoạt chung một cách chân thực nhất. Rồi sau này gặp đủ loại chuyện, có lớn có nhỏ, có tốt có xấu, tranh đoạt, cãi vã, cả hai phải học cách xử lý, giải quyết, thỏa hợp lẫn nhau, bởi vì sống chung nên không trốn tránh được, đây là chỗ phiền toái, cũng là sự có ích. Bố mẹ sẽ không giúp đỡ, hai anh đừng trông chờ gì. Nói trắng ra, các anh có cuộc sống của các anh, bố mẹ cũng thế, đừng nghĩ chuyện gì cũng ỷ lại vào bố mẹ… À thi thoảng mè nheo tí thì không sao. Cuối tuần gì đấy kỳ nghì nào đó thường xuyên về nói chuyện, cọ cơm này kia, không thì bố mẹ buồn chết mất… Ầy Tiểu Doãn về thì tốt, theo mẹ viết chữ chụp hình, Khang Sùng mày không về cũng được ha, không miễn cưỡng, nhìn mày mấy chục năm thẩm mỹ mẹ hao mòn rồi, đi nhà mẹ vợ mày chạy việc đi.”

“…” Vẻ mặt Khang Sùng khó tả: “Tiểu Mai mẹ đúng là người phụ nữ qua cầu rút ván số một.”

Mai Ương đưa mu bàn tay hất tóc, mắt trừng một phát: “Tôi đã không ép anh kết hôn sinh con, còn không cho tôi chia sẻ quả ngọt thắng lợi tình yêu của anh à?”

Khang Sùng nói không lại bà, trêu không được thì trốn, kéo Cảnh Doãn làm bộ muốn đi: “Hôm nay bọn con dự định đi xem nhà rồi, không còn chuyện gì nữa thì bai bai quý bà đây nhé.”

“Ấy từ từ đã?”

Mai Ương đứng lên theo, nét mặt tươi cười như hoa: “Đi cùng nhá?”

Nhóm hai người đi xem nhà trong dự kiến biến thành đoàn đi xem nhà.

Khang Sùng cầm lái, Cảnh Doãn vạn năm ghế phụ, hôm nay chỗ ngồi phía sau có thêm hai vị nữ sĩ vừa tám chuyện khí thế ngất trời vừa chụp ảnh đăng vòng bạn bè, đảm nhận nhạc nhẽo phông nền cho hai đứa.

“Mặt tôi không sưng nữa chứ?” Khang Sùng vừa lái xe vừa hỏi.

“Không.” Cảnh Doãn thấy dễ thương ghê, buột miệng hỏi: “Trước kia sao anh không hỏi em, hồi bé đánh nhau hung thế cơ mà.”

“Lúc ấy không để ý ở trước mặt em có đẹp trai hay không.” Khang Sùng nhìn phía trước, hơi nhướn mày: “Giờ thì để ý.”

Cảnh Doãn cười cười, ngoẹo cả đầu qua một bên, chẳng lên tiếng, mãi sau mới nói: “Về sau ngày nào cũng ngủ chung một cái giường em xem anh làm như nào.”

“Hớ.” Khang Sùng không chịu yếu thế: “Có mà hai đứa mình lúc đấy còn dính còn kề nhau hơn thế. Đừng hỏi, hỏi là bắt đầu tưởng tượng.”

“…” Cảnh Doãn khép mi: “Anh có còn cần cái bản mặt này không thế…”

Mua nhà không phải mua thức ăn, tùy tiện chọn là xong việc, có người lớn đi theo thì an tâm hơn, còn là phụ nữ, các mẹ kỹ tính, mắc sắc, suy xét càng chu toàn, nghĩ tới những chi tiết mà đàn ông con trai hay xem nhẹ.

Cả chiều chạy qua bốn năm tòa, đều là nhà hoàn thiện thô. Bởi vì yêu cầu về vị trí hay diện tích khá thoáng nên lựa chọn cũng nhiều, chỉ có vài mong muốn về loại hình căn hộ, hướng mặt trời, có tầng lửng, ban công, phòng bếp mở vân vân là phải hợp ý. Về phần vấn đề tài chính, có mấy vị nữ sĩ lúc nãy ở nhà còn luôn miệng: “Chúng tôi không giúp gì đâu, các anh đừng mong chờ.”, giờ thì lật lọng, cứ muốn trợ cấp tí tiền, mua tí đồ gia dụng. Nguyễn Nghiên còn lấy mấy tờ quảng cáo với sách giới thiệu của chị gái môi giới, một bộ chuẩn bị mang về nhà cùng nghiên cứu tham khảo với bố nó.

“Hôm nay đến đây thôi.”

Ra khỏi khu cao tầng, Mai Ương khoác tay Nguyễn Nghiên, hỏi: “Chị bảo tối muốn họp nhau ăn cơm hả? Em gọi Đan Đan trước nhé, dặn nhà nó đừng nấu cơm.” Hoa Đan là mẹ Trần Mật Cam, cũng là em gái nhỏ tuổi nhất trong ba chị em thân thiết, Nguyễn Nghiên là chị cả.

“Con gọi nhà hàng đặt chỗ trước nhé.” Khang Sùng vừa nhấn số vừa khoa tay: “Chín người nhá.”

“Ờ.”

Lúc rảnh rỗi đợi lễ tân nhà hàng nhận điện thoại, gã ôm Cảnh Doãn từ phía sau, đặt cằm lên vai em, ngó Cảnh Doãn nhắn wexin cho Trần Mật Cam.

Vốn chẳng để ý, đột nhiên gã không nhịn được cười, đầu ngón tay lướt lướt danh sách chat của Cảnh Doãn, nhấn cái biệt danh “Tên móng heo to”, chả hay ho gì sất, giờ còn gọi thế này hả, ghim lên đầu đi nè.

Tôi tự sửa rồi ha, sửa thành “chồng” đó.
Bình Luận (0)
Comment