Bắt Được Thỏ Con Rồi

Chương 15

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Sau giờ học buổi chiều tôi phải ở lại dọn dẹp vườn hoa phía sau trường. Chỗ này bình thường đều có người cắt tỉa quét dọn nên việc của tôi chỉ là xách xô tưới hoa. Có vòi phun mà không cho lấy, bắt tôi phải tự thân vận động, xách nước tưới hoa cơ!
Khoảng cách từ vòi nước đến sân sau cũng may là không xa lắm, nhưng chỗ này rộng ghê hồn, chắc tôi phải xách đến 1000 lượt mới tưới xong toàn bộ ấy. Bị đánh hội đồng đã đau mỏi muốn chết, giờ còn phải chạy qua chạy lại chịu phạt. Đúng là bạo lực cách mạng không thể dùng bừa, may mắn thầy không ghi tôi vào sổ đen, nếu không chỉ còn đường chết mất!


Tưới xong cây sẽ phải trở lại báo cáo để thầy chủ nhiệm biết, lúc tôi đi tới phòng giáo viên thì mọi người đều đã về hết, còn mỗi mình thầy vẫn cứ vò võ làm việc. Thấy tôi cạch cửa vào, thầy vẫy vẫy tay, ý bảo tôi đến ngồi ở chiếc ghế trước mặt.


"Em chào thầy ạ!" Tôi không khách sáo, ngay lập tức ngồi xuống. Bình thường tôi cũng có làm việc nặng nhọc, nhưng hôm nay vừa đau vừa nặng, tâm lí lại không thoải mái nên cảm giác tệ hơn rất nhiều. Thầy không chỉnh đốn quy cách của tôi, chỉ liếc qua một cái rồi lại cắm cúi viết lách gì đó "Em xong việc rồi, đã được về chưa thầy?"


"Sao em lại hành động thiếu suy nghĩ thế?" Thầy giáo chống tay vào cằm, buồn chán nhìn tôi hỏi "Lần đầu gặp em tôi đã nghĩ em thông minh hơn như vậy kìa!"


"Thầy có nhịn mãi được không mà bắt em phải hành động có suy nghĩ?" Tôi cười khẩy, bớt ca bài ca dạy đời với tôi đi. Nếu thầy thật sự có trách nhiệm vậy thì sau khi xem xong camera nên phạt tất cả chứ không phải chỉ giải quyết qua loa, lấy tiền rồi thả chúng nó đi hết không một lời trách cứ! "Em đã chịu phạt rồi, không muốn nghe chửi nữa đâu!"


"Một mình em làm sao đối đầu được với tất cả?" Thầy có vẻ không hiểu nổi tư duy của tôi bị làm sao, nhăn trán làm tư vấn tâm lý tại chỗ "Bọn họ có gia thế, có tiền bạc, cũng nhiều người có năng lực.. Nếu như em phạm quá nhiều sai lầm, một vài cái bẫy cũng đủ khiến em có vết!"


"Em hiểu rồi!" Lúc tưới cây tôi cũng đã nghĩ đến điều này rồi, nhưng bây giờ nói được gì nữa, đánh nhau cũng đã đánh nhau, trừ khi quay ngược thời gian.. tôi vẫn làm thế đấy! Thậm chí còn làm hơn thế nếu có thể ấy chứ!
"Em sẽ cẩn thận! Thầy cứ tự mình bảo toàn cho mình đi!"


"Này! Hải Dương!"


4ed46f86bfcbe8d5a037955eb5d4da6c_xxhdpi

Tôi không thèm để ý đến thầy nữa, đi thẳng trở về khu để xe lấy xe về quán. Hôm nay về muộn hơn nửa tiếng, hi vọng là cô Nguyệt sẽ không thắc mắc lí do. Ờ, nhưng còn những vết trầy xước và quần áo rách nát này tôi nên giải thích thế nào nhỉ? Không thể nói là do hậu quả của việc đánh nhau, từ bé đến lớn tôi đều là học sinh ngoan hiền cả, đánh nhau gì đó là điều không thể xảy ra!


Phải rồi!


Lí do hoàn hảo cho việc về muộn và đồ bẩn: ngã xe! Ha ha, nếu có ai hỏi tôi chỉ cần nói bất cẩn ngã xe lăn xuống vệ đường là xong. Được đấy, IQ của mày vẫn cao lắm Hải Dương ạ!


Tự biện minh và trấn an mình xong, tôi chạy thẳng vào khu vực để xe đạp. Thật ra cả trường này còn rất ít học sinh đi xe đạp, trừ những nhà rất gần trường thì đa số học sinh đều được bố mẹ đầu tư xe điện hoặc đưa đón bằng xe máy, ô tô. Xe đạp của tôi cũng rất nổi bật trong số những chiếc xe đạp quý hiếm ở trường, đơn giản chỉ vì nó tồi tàn quá. Cũng phải thôi, nó là quà tôi được tặng từ năm lớp 6, đi tới bây giờ cũng bốn, năm năm rồi chứ ít gì. Sơn xe bong gần hết, lồng xe không có, phanh cũng không ăn lắm, nhiều lúc nguy cấp tôi còn phải dùng đến hai bàn chân.. Nhưng dù có thế cũng chẳng sao, miễn là mỗi ngày nó vẫn giúp tôi đạp đi đạp về hơn 20km là được. Tôi không muốn mỗi ngày đều đi xe bus, số tiền mua vé tháng cao phết đấy, bằng mấy ngày thuốc của mẹ tôi lận!


Lướt qua một hàng những xe đạp địa hình đời mới đẹp đến nao lòng, tôi cố gắng làm ngơ luôn những chiếc xe mini nữ tính xinh đẹp. Sau này, tất cả mọi mơ ước đều dồn vào hai chữ "sau này". Đợi tôi giàu rồi có gì tôi không đủ sức mua chứ?
Xe của tôi chiếm một chỗ riêng biệt trong góc nhà xe, căn bản vì chẳng có ai muốn để chung với con xe đạp già nua yếu đuối của tôi cả. Bình thường đi đến đoạn này là có thể nhìn thấy ngay bóng dáng thân quen của nó, thế nhưng hôm nay tuyệt nhiên không nhìn thấy xe đạp của tôi đâu cả!
Tôi không sợ mất vì đảm bảo chẳng ai ngu đến mức bỏ qua những chiếc xe đẹp đẽ kia mà trộm một chiếc xe cũ cả. Chỉ sợ có ai đó nhầm lẫn rằng xe đạp của tôi là đồ phế thải rồi ném bỏ hoặc vứt nó ra khỏi nhà xe thôi. Nhưng mấy tháng nay tôi vẫn dùng nó, cô trông giữ xe, phát vé cũng biết điều này nên chắc chắn chuyện ấy không thể xảy ra đâu nhỉ.


Loanh quanh mãi không thấy xe đâu, tôi quyết định không thèm tìm nữa mà đi ngược ra khu nhà trực trông xe. Cô trông giữ xe luôn ngồi ở điểm này để đợi học sinh ra về, nhưng chẳng hiểu vì sao hôm nay lại không thấy người đâu cả. Kì ghê, ờ, đúng kì thật, hôm nay tôi bị phạt về muộn hơn so với bọn họ, tại sao xe trong nhà xe vẫn còn nhiều như thế? Hay là có hoạt động gì đó tôi đã bỏ lỡ không tham gia, ví như hoạt động.. 20 tháng 10 chẳng hạn?


Khéo là vậy thật!
Có thế thì bọn trong lớp mới quyết định nộp phạt cho nhanh để thời gian sau đó còn ăn chơi nhảy múa chứ.
Chậc, kiểu này thì biết đi đâu tìm xe của mình bây giờ? Chán không để đâu cho hết!


Trong lòng có cả lo lắng xen lẫn buồn bã, thật ra tôi cũng muốn cùng tham gia với họ chứ không phải tự tách mình ra khỏi đám đông như thế này. Nhưng hiện thực tàn khốc quá, dù tôi có muốn ích kỉ đi chăng nữa, thì lúc nghĩ đến gương mặt hốc hác đau đớn của mẹ khi thiếu thuốc tôi đều gạt bỏ mọi sự ra khỏi đầu. Đối ngoại với xã hội rất quan trọng, nhưng chung quy lại nó cũng chẳng thể nào bằng được vị thế của gia đình. Tôi chỉ còn mẹ là người thân duy nhất, nếu bà cũng ra đi thì tôi phải làm sao bây giờ? Tôi bủn xỉn, keo kiệt, tôi lúc nào cũng nghĩ đến tiền.. Ai bảo tiền là cây cầu duy nhất nối mẹ tôi ở lại với sự sống làm gì chứ?
Buông một tiếng thở dài, tôi nặng nề bước trở lại phía trong hòng cố công tìm kiếm chiếc xe của mình. Phía trời Tây, ánh tà dương đã lan tỏa khắp chốn, kéo cái bóng của tôi dài lê thê, phủ lên nó thứ màu sắc buồn bã lạ thường. Tôi cứ mải miết đi mãi như vậy, cho đến khi phía cổng nhà xe vang lên những tiếng ồn ào quái gở. Nó tựa như tiếng reo vui, lại giống như tiếng kéo lê một vật gì đó trên nền đất đá. Dự cảm không lành trong người tăng vọt, tôi vùng chạy về phía có tiếng động. Những người vừa đến nghe thấy tiếng bước chân thì lập tức dừng lại rồi tán loạn bay biến. Khoảng trống trước nhà trông giữ xe xuất hiện một cái "xác" nát bấy.


Không sai, đó là cái xác của chiếc xe đạp mà tôi yêu quý nhất.

Bình Luận (0)
Comment