Bát Tiên Đắc Đạo

Chương 100 - Thần Tiên Để Lại Cô Tô Giai ...

Diệp Bách Dân trở về nhà, đem miếng thịt lóc ra từ cánh tay nấu chín, dâng cho cha xơi. Trong khi đó, bát tiên lần theo tung tích tìm tới nhà, vời gọi thổ địa nơi đó, hỏi thăm về hành vi thường ngày của Diệp Bách Dân, biết được chàng ta là một hàn sĩ nghèo khổ, kiêm nghề thầy thuốc, chữa trị cho dân trong vùng.

Nhưng chàng ta vốn tính đần độn, đọc sách đã hai mươi năm mà viết chữ không ngay ngắn. Nửa đời vất vả, phí công chữa bệnh cho người, mà tiền bạc kiếm chẳng được bao nhiêu, không đủ chi dụng cho việc hiếu thuận mẹ cha. Nay đã ngoài bốn mươi tuổi còn chưa lấy vợ và cũng chẳng bao giờ dám nghĩ tới chuyện đó, chỉ ráng lo việc mưu sinh để nuôi dưỡng cha mẹ. Năm rồi, bà mẹ lại qua đời, chàng ta phải tới một tiệm thuốc, đề nghị làm việc không công cho người ta, nói rõ rằng trong vòng ba năm, bao nhiêu tiền bệnh nhân trả cho đều qui về chủ tiệm thuốc. Đổi lại, tiệm thuốc cho chàng mượn năm chục lạng bạc, lấy tiền lo đám táng cho mẹ.

Cũng may chủ tiệm là người biết điều, lại thương chàng có hiếu, hàng năm vẫn cấp cho chàng chút tiền tiêu xài lặt vặt. Bách Dân không dám đụng tới một đồng, có bao nhiêu đều giành để mua của thơm ngon, cung phụng cha. Chẳng dè gần đây, cha chàng mắc bệnh, càng ngày càng nguy kịch. Vì thế, chàng tới miếu Lã tổ cầu xin, lóc thịt cánh tay để cứu cha, gặp đúng lúc bát tiên đi tới, Lã tổ đã điều trị vết thương cho Bách Dân, tiễn chàng về nhà. Lã tổ lại phun nước phép lên mình người cha, bệnh liền khỏi hẳn.

Lã tổ thấy Bách Dân quá nghèo khổ, mới bàn bạc cùng các vị tiên:

- Người này rất hiếu thuận, lại quá nghèo túng, chúng ta phải làm một điều gì cho anh ta mới được.

Hà tiên cô cười nói :

- Người ta sùng bái anh, anh phải nghĩ cách gì chiếu cố người ta, mới đúng đạo thần tiên chứ.

Lã tổ cười, nói :

- Việc này không mấy dễ dàng. Các vị cứ ở trong miếu ngồi chơi và chờ xem. Tôi sẽ tới nhà, chiếu cố anh ta, và có biện pháp giúp anh ta phát tài nữa. Ông liền hóa ra một người hành khất, tới nhà họ Diệp để xin ăn. Phòng ốc nhà họ Diệp rất nhỏ, bên trong nói chuyện gì, bên ngoài nghe thông thống.

Lã tổ vừa lên tiếng xin ăn, vừa lắng nghe. Bên trong có tiếng một người già nói :

- Con à, nhờ thần tiên lão gia phù hộ, cha mới được lành bệnh. Nên biết rằng những ngày tháng về sau, đều là do thần tiên gia gia ban cho cả. Con phải đặc cách làm người tốt, làm nhiều việc thiện mới được. Tuy nhà ta nghèo khó, nhưng trên đời còn nhiều người nghèo hơn chúng ta. Con nghe coi, bên ngoài dường như có tiếng người hành khất, lên tiếng xin ăn đó, phải không ? Người này hẳn là nghèo hơn chúng ta rồi. Con hãy đem những thức ăn thừa của cha, gồm có mấy tô cơm nguội, cùng dưa muối và thịt tươi, đều là những thức ăn con mới mua về đó, đem tất cả cho người đó xơi.

Lại có tiếng người trả lời :

- Xin cha yên tâm. Con nhất định chiếu cố anh ta.

Câu nói vừa dứt, liền thấy một người đàn ông trung niên đi ra.

Lã tổ nhận ra người đó chính là người đàn ông đã lóc thịt ngày hôm qua, liền tiến lại, lên tiếng cầu xin. Bách Dân hướng về phía người ăn xin, buông tiếng thở dài, nói: - Đại ca, không dè anh đường đường là một nhân tài, lại nghèo khổ hơn cha con tôi nữa. Thật đáng thương ! Anh hãy đợi chút, để tôi vào trong bếp lục lọi, kiếm chút thức ăn gì, mời anh lót dạ nhé.

Lã tổ ngỏ lời cảm tạ. Bách Dân đi không bao lâu, quả nhiên mang tới hai tô cơm, hai miếng thịt, một đĩa dưa muối, đặt ở nhà giữa, nói :

- Đại ca lại đây. Trong nhà tôi còn có hai tô cơm, chúng ta mỗi người ăn một tô nhé.

Lã tổ tiến lại vài bước, trịnh trọng ngồi xuống, đối mặt với Bách Dân, thấy có hai miếng thịt kho, bất giác chau mày, nói :

- Tôi không tin nhà anh ăn uống đạm bạc thế này. Tại sao chỉ có hai miếng thịt nhỏ xíu ? Nói thực với anh, hai miếng thịt này tôi ăn, không đủ lót bao tử lép kẹp của tôi.

Bách Dân nghe vậy, bất giác há hốc miệng, nói :

- Đại ca sao lại nói vậy ? Chúng tôi quả thật nghèo rớt mồng tơi chẳng có thức ăn gì ngon lành, nên mới mạo muội yêu cầu anh ăn chung với tôi chút thức ăn thừa của cha tôi. Nói như đại ca, chẳng hóa ra cung cách của một công tử ca ca, đòi ăn sang hay sao? Nếu vậy, tiểu đệ chẳng dám mời mọc, mà đại ca cũng không phải hạng người vác bát đi xin ăn hàng ngày.

Lã tổ nổi giận nói :

- Anh nói không có đạo lý gì cả. Tôi tới nhà, thì là khách của anh, anh lại nại cớ khó khăn, không chịu nghĩ ra một cách gì, kiếm vài ba món rau, đậu, để chúng ta cùng nhâm nhi chút rượu, mới phải đạo chứ. Huống chi trong nhà anh còn cất giấu cả một nồi thịt, đầy tú hụ, và một liễn cơm trắng ngon lành, sao anh không lấy ra đây, lại kiếm lời nói gạt tôi, há phải đạo đãi khách hay sao ?

Bách Dân ngạc nhiên, nói :

- Vị ca ca này đúng là thích nói giỡn. Tiểu đệ nghèo mạt rệp, ngay cả rau dưa tầm thường cũng không mua nổi, đào đâu ra một nồi thịt heo ? Chỉ vì cha tôi bệnh nặng vừa bớt, không thể ăn lạt, vừa rồi tiểu đệ mới đem cầm cố chiếc áo, lấy chút tiền, mua hai lạng thịt về kho để cha ăn, cho đỡ lạt miệng. Làm gì có một nồi thịt chứ ? Còn gạo, chỉ còn đúng một lon, để ngày mai nấu bữa cơm trưa. Chỗ cơm này là cơm cha tôi ăn không hết đấy thôi. Làm gì có một liễn cơm trắng chứ ? Đại ca, những lời vừa rồi là lời chân tình tiểu đệ nói với anh đó.

Lã tổ cất tiếng cười vang, nói :

- Tốt, tốt. Hãy dẫn tôi vào nhà bếp xem thử, coi tôi có nói oan cho anh hay không ?

Bách Dân không được vui, nắm áo Lã tổ lôi vào nhà bếp xem thử. Nào ngờ vừa vào tới nhà bếp, đã thấy mùi thịt thơm lừng, xông vào tận mũi. Mở nồi ra coi, một chân giò heo đang ninh, đã bắt đầu nhừ, dọn ăn vừa đúng tầm. Lã tổ lại tự tay mở vung cái nồi nấu cơm, bên trong đầy ắp cơm trắng đang sôi sùng sục. Bách Dân nhìn thấy mắt mở trừng trừng, miệng há hốc. Lã tổ cười nhạt, nói : - Thế nào, tôi có nói oan cho anh không ? Chính anh soát soét cái miệng nói mình nghèo khổ, thì ra là giả bộ nghèo túng để gạt tôi thôi !

Bách Dân lúc đó, phúc đáp tâm linh, trong lòng bỗng sáng suốt, vội quì xuống dưới chân Lã tổ, dập đầu lạy, miệng hô to :

- Đại ca nhất định là thần tiên trên trời, vì thương tiểu đệ nghèo khổ, đặc biệt tới đây, cứu cha con tiểu đệ đây mà. Cầu xin đại tiên đại phát từ bi, ra tay cứu cho.

Lã tổ nghe vậy, bất giác cười lớn tiếng, nói :

- Anh chẳng những còn là con quỉ keo kiệt, còn là kẻ ngu đần, hèn chi nghèo túng thế này cũng phải. Anh đã thấy thần tiên trên trời hồi nào chưa ? Thần tiên chân chính đời nào lại chịu vô duyên vô cớ chạy tới nhà người nghèo khổ xin ăn .

Nói rồi, liền rảo bước lên nhà trên, vỗ bàn vỗ ghế, lớn tiếng đòi mau mau đem thịt lên để ta hưởng dụng. Bách Dân vâng lời, mang nồi thịt lên, múc ra tô lớn, lại bới chén cơm nóng, mời người ăn mày xơi. Nói không ai tin, thịt múc ra tô, trong nồi còn nguyên; cơm bới ra chén, trong nồi đấy ắp. Bách Dân càng tin chắc người ăn mày là thần tiên. Người dân Tô Châu rất tin Lã tổ, hôm qua anh ta vừa tới miếu Lã tổ thấp hương, vị thần tiên trước mặt đây chắc là Lã tổ hóa thân, tới đây để thử thách lòng thành và hành vi của anh. Vì thế anh ta kính cẩn bưng cơm, bưng thịt tới trước mặt Lã tổ, cung kính nói : "Mời đại tiên hưởng dụng", tự mình ngồi xuống đất, đợi bới cơm. Lã tổ không quan tâm tới Bách Dân nữa, bới chén cơm nào, ăn hết chén cơm đó, làm một hơi hơn hai chục chén, ăn một hơi hết năm, sáu tô thịt, bấy giờ mới nói: - Anh là một chủ nhà ngu ngốc. Ta chưa từng thấy chủ nhân nào không hiểu đạo lý như anh. Ta ăn hết bao nhiêu thịt, bao nhiêu cơm, anh không xót dạ hay sao ?

Bách Dân không trả lời, chỉ phục xuống đất, dập đầu lạy, cầu xin cứu vớt. Lã tổ không lý tới anh ta, lại tiếp tục ăn cơm, ăn thịt.

Làm hết ba mươi bát cơm, mới đứng dậy, vặn mình vặn mẩy, đưa tay xoa bụng một lát, mới ngước mặt nhìn trời, cất tiếng cười ha hả, rồi nói :

- Tốt tốt. Bây giờ mới thấy dễ chịu. Chủ nhà ơi, anh cũng ăn một chén đi. Thứ lỗi cho ta đang ê ẩm trong mình, cần nghỉ ngơi một chút.

Nói rồi, nằm gục trên bàn, ngáy như sấm, ngủ mê man. Bách Dân không dám bỏ đi, phục xuống mặt đất. Hồi lâu, người cha không thấy con trai, mới chống gậy bước ra. Vừa nhìn, thấy Bách Dân quì trước mặt người ăn mày, liền kinh hãi. Bách Dân vội thưa: - Vị này chính là Lã Thuần Dương tổ sư.

Người cha nghe vậy, không cần hỏi han thêm, vội vã quì xuống bên cạnh con trai. Lã tổ chợt tỉnh dậy, thấy hai cha con cùng quì bên cạnh mình, bất giác cất tiếng cười ha hả, nói : - Hai cha con tính đòi ta tiền bữa ăn, phải không ? Có gì thì nói ra, hà tất phải làm như thế ?

Hai người vội thưa :

- Xin đại tiên chiếu cố. Xin tổ sư ban phúc.

Lã tổ hai, ba lần thúc giục cha con đứng lên, hai người vẫn không dám, cứ quì như cũ. Lã tổ liền nổi giận, nói:

- Thiên hạ sao có những người ngu xuẩn như thế ? Cứ một mực quì gối, không chịu đứng lên, chắc hẳn là tiếc bữa cơm thịt đãi ta ăn chứ gì ? Thôi được, ta trả cho đây.

Nói rồi, "Oẹ" một tiếng, nôn thốc nôn tháo những thứ đã ăn, tung tóe trên mặt đất, dây cả lên đầu và mình hai cha con. Hai người vội ngửng nhìn lên, không thấy người ăn mày đâu nữa, chỉ ngửi thấy một luồng hơi, thơm phưng phức, xâm nhập tận xương tủy phát ra từ những thức ăn Lã tổ vừa nôn ra. Hai cha con lại dập đầu lạy, rồi đứng lên. Bách Dân đem sự tình bẩm báo cùng cha. Hai cha con chỉ biết than thở rằng mình không có tiên duyên chẳng được người tiên thương tưởng. Sau đó lấy chổi quét những thức ăn nôn ra, gồm thành đống ở một góc sân. Chẳng ngờ chỉ trong chớp mắt, từ đống rác mọc lên một cây cỏ thơm, đưa hương thơm tỏa khắp căn nhà, xâm nhập ngũ quan, xương cốt, lan ra khắp cơ thể khiến toàn thân thoải mái, tinh thần tăng gấp bội.

Người cha của Bách Dân tóc đang trắng xóa chuyển sang đen nhánh, mắt sáng, tai thính, bước đi mạnh mẽ. Bản thân Bách Dân cảm thấy đầu óc sáng suốt, tâm hồn vui vẻ. Chuyện này truyền đi xa, trong vòng một trăm dặm, ai cũng nghe biết. Những người có bệnh đều tới chỗ Bách Dân, xin điều trị. Bách Dân lúc đó thần trí rộng mở, đầu óc sáng suốt, vừa bắt mạch liền đoán ngay ra bệnh tình. Mỗi khi gói thuốc, đều bỏ vào trong đó một nhánh cỏ thơm, có công hiệu giải trừ mọi căn bệnh. Trong một thời gian ngắn, Diệp Bách Dân nổi tiếng thần y, truyền tụng xa gần; chưa đầy ba năm, trở thành giầu có cự vạn. Nghe đồn thứ cỏ thơm Lã tổ truyền cho Diệp Bách Dân có tên là "vạn niên thanh".

Sau chuyện Lã tổ cứu ứng Diệp Bách Dân, chừng vài năm nữa ở thành Tô Châu lại có việc lạ xảy ra. Nơi đó có một cửa tiệm chuyên bán thịt muối, trứng muối, chủ nhân họ Lục, được xưng là Lục thiện nhân. ông ta mỗi năm kiếm được nhiều tiền, không dùng hết, đều bỏ ra bố thí cho người nghèo, nên được mỹ hiệu đó.

Mùa đông năm đó, dân quê mất mùa, người nghèo rất đông. Nghe Lục lão ưa bố thí, những người dân làng nghèo khổ đó, đỡ già dắt trẻ, kéo đến xin ăn. Nhưng cửa tiệm không lớn lắm, năm đó lại làm ăn không khá, những người từ bậc trung trở xuống đều tiết kiệm việc chi tiêu, không khỏi ảnh hưởng tới sinh hoạt nơi chợ búa, huống hồ là một tiệm tương chao nhỏ bé ? Việc buôn bán ế ẩm, Lục lão thấy việc duy trì cửa tiệm còn khó khăn, làm gì có dư tiền mà bố thí ? Nhưng người ta mộ tiếng mà tìm tới, lẽ nào lại có thể cự tuyệt ? Cũng may, ông còn có một số ruộng xấu, cho người ta thuê để canh tác, và một căn nhà cho thuê, số tiền thu được cũng đủ cho ông làm từ thiện. Tuy nhiên, số tiền có hạn, người yêu cầu ngày một nhiều, chỉ một thời gian ngắn, số tiền đó đã sạch bách. Có những người từ xa tới, không được ông giúp đỡ, còn không đủ tiền mà trở về làng. Lục lão đối với những người đó chỉ biết than thở và rơi nước mắt. Một ngày kia, vào lúc chập tối có người hành khất tới nhà, toàn thân ghẻ chốc, hai cẳng lại lở loét.

Vừa bước tới cửa, người đó liền ngã lăn ra, không thể cử động. Hỏi tới, chỉ nghe hắn nói ú ớ, nghe không rõ, thỉnh thoảng lại đưa tay chỉ vào bụng, ý nói đang đói. Lục lão thấy người này thật đáng thương, lại nhìn sắc trời đang thay đổi, dường như sắp có tuyết rơi, mới nói với một người phổ ki : - Người này quá khổ sở, nếu đêm nay bị bão tuyết thổi qua, chắc là chưa tới sáng mai, đã chết vì đói rét. Ta lúc này dẫu đang nghèo túng, nhưng lẽ nào thấy chết không cứu ? Ngươi hãy đỡ hắn dậy, đưa hắn vào ngủ trong nhà bếp, lấy chút hơi nóng, sau đó lấy trà nóng cho uống, cơm nóng cho ăn. Ngày mai lại mời Diệp tiên sinh ở hẻm đằng trước, tới xem bệnh cho hắn, cấp thuốc cho uống, điều trị cho lành, cũng là điều công đức vậy.

Vị Diệp tiên sinh mà Lục lão nói tới, chính là Diệp Bách Dân đã được Lã tổ cứu giúp trước đây. Lúc này, ông ta đã nổi tiếng, hễ người nào được ông điều trị, cho thuốc uống, đều khỏi cả. Ông tự nhận mình được tiên nhân cứu giúp mới có kết quả ngày nay, nên đối với người bệnh, ông không đòi hỏi tiền khám bệnh, ngay cả tiền thuốc cũng tùy hỉ. Về sau, ông lại mở một cửa hàng bán thuốc ở ngay trước nhà, không mong kiếm tiền, chỉ lo tích đức.

Tuy nhiên, sau một năm kết toán sổ sách, doanh thu cũng khá. Hiện giờ chính là lúc tiệm thuốc mới mở, Lục lão cùng Diệp Bách Dân qua lại rất thân, nên mới có câu nói vừa rồi. Anh phổ ki chê người ăn mày dơ bẩn, gớm ghiếc, không chịu nâng đỡ. Lục lão không biết làm sao, đành tự tay nâng người ăn mày lên. Nào ngờ, vừa nâng đỡ, liền phát sinh một điều kỳ lạ. Lục lão thấy một luồng hơi thơm phức phát ra từ cơ thể người ăn mày, thâm nhập vào xương tủy, khiến toàn thân thư thái. Lục lão lúc đó đang dốc lòng làm việc thiện, trước mắt là chữa trị cho người ăn mày, lòng đang ngổn ngang trăm mối, nên cũng không chú ý lắm. Người ăn mày ở lại nhà ông nhiều ngày, lại được ông mời Diệp Bách Dân đích thân tới xem bệnh, cho thuốc. Ứớc chừng mười ngày, người ăn mày mới hoàn toàn bình phục, dập đầu lạy, xin đi. Lúc ra đi, lại dặn dò Lục lão : - Tiểu nhân đội ơn lão tiên sinh chữa trị, được cải tử hồi sinh, không biết lấy gì để đền ơn, chỉ có một lời này, xin lão tiên sư nhớ kỹ, đừng quên. Bất cứ đồ dùng nào tiểu nhân đã sử dụng, cùng tất cả những đồ vật để lại, nên cất giữ cho kỹ. Về sau, được phát tài, thăng quan, đều nhờ những thứ ấy đấy.

Nói rồi, chống nạng, từ biệt mà đi. Lát sau, anh phổ ki tiến lại báo cáo :

- Tên ăn mày này quả thật không phải con người. Lúc đứng dậy ra đi, ngay cả những chăn đắp, chiếu nằm hắn cũng bỏ lại một đống, không chịu xếp gọn. Lại còn phóng uế ra nhà bếp nữa. Hạng người cẩu thả như thế, nên bỏ mặc cho chết bên ngoài, còn cứu giúp làm chi ?

Câu nói đó cảnh tỉnh Lục lão. Ông bảo mọi người không được đụng tới những đồ đạc của người ăn mày, đích thân ông chạy tới xem. Quả nhiên chăn, chiếu vất lung tung trên nệm rơm, và còn nhiều dấu vết của phân nửa. Lục lão nghĩ thầm : "Người ăn mày có những cử động thực kỳ lạ đây". Cúi xuống nhìn xem, điều kỳ quái xuất hiện liền. Một mùi thơm thoang thoảng toát ra từ chiếc nồi đất đựng phân, mà đống phân đó lại phát ra ánh sáng lấp lánh. ông biết là chuyện lạ, đưa tay sờ thử, thấy cứng như sắt, lại lạnh như băng. Nhận định rõ, thì ra những cục phân đều biến thành vàng, ông mới biết người ăn mày chính là thần tiên, đặc biệt tới đây ban phúc cho ông. Lục lão đột nhiên trở thành người giầu có.

Về sau, ông rút những cọng rơm ở chỗ nằm của người ăn mày, đem ra để nướng thịt, thịt liền phát ra mùi hương lạ. Bỏ thịt vào trong nồi ninh lên, mỗi nồi thịt chỉ cần bỏ vào một cọng rơm, cả nồi thịt đều thơm phức. Nhân đó, món thịt muối của nhà họ Lục được nổi tiếng. Ai cũng nói cọng rơm của thần tiên để lại đã đem tới mùi thơm lạ, được người đời truyền tụng ngang với thứ cỏ thơm ở nhà Diệp Bách Dân vậy. Con cháu nhà họ Lục nhờ vậy mà phát tài tới mấy đời liên tiếp. Chiếc chăn đắp của người ăn mày còn lem luốc những vết máu mủ. Theo lời Diệp Bách Dân nói, thứ này cũng có công dụng như thứ cỏ thơm nhà ông. Nếu đem cắt thành những miếng nhỏ vuông vắn, đem đốt lên, bỏ vào nước sạch cho người bệnh uống, nhất định có thể cứu sống được bệnh nhân. Lục lão đã trở nên giầu có, không chịu làm nghề buôn bán nữa, chỉ chăm lo cứu người thôi.

Về sau, có một vị vương gia, có bà ái phi chuyển bụng đã mấy ngày vẫn chưa sinh nở. Nhiều vị thầy thuốc giỏi đều bó tay. Có người nói nhà họ Lục có báu vật kỳ lạ của thần tiên để lại, đã chữa khỏi nhiều thứ bệnh lạ. Vương gia cho đòi Lục lão, ông cứ tình thực thưa trình. Bà phi uống vào một tễ thuốc, liền sinh nở ngay, và được mẹ tròn con vuông. Vương gia mừng lắm, tâu lên hoàng thượng, đặc biệt phong tặng, đúng như lời thần tiên đã nói.

Vị thần tiên Lục lão đã gặp, lúc đầu ông nghi là Lã tổ, mới tới miếu Lã tổ thắp hương, lễ tạ. Lã tổ mới báo mộng cho biết vị thần tiên đó không phải ông, mà mà Thiết Quài Lý tổ sư.

Bát tiên ở Cô Tô du ngoạn một thời gian dài, mới tới Hàng Châu, ở trên núi Thành Hoàng thưởng ngoạn một ngày. Bấy giờ Tây Hồ đã thay đổi cảnh tượng, không còn những bãi đất hoang, cỏ mọc tràn lan như thời xa xưa, mà chung quanh hồ đã đắp hai con đê, có đường đất dẫn ra tận giữa hồ, có sáu cây cầu ba nhịp, có bảo tháp, núi đắp, một công trình vừa thiên nhiên vừa nhân tạo xứng đáng là một thắng cảnh đệ nhất trong thiên hạ. Bát tiên lưu liền một thời gian dài, lưu luyến không nỡ dời chân.

Nghe nói ở dưới chân núi Thành Hoàng, bên trong cửa Kim Môn, có một tiệm mì, trong tiệm có một người phổ ki, chính trực, nhân từ không có gia quyến, và cũng nhất định không lấy vợ. Mỗi năm nhận được tiền công, anh đều dùng vào việc giúp đỡ người nghèo. Anh còn một điều tốt nữa là những thứ khách khứa ăn thừa, anh đều giữ lại, đem gom nhặt, bỏ vào chiếc tô sạch, đưa cho những người hành khất ăn. Hành khất không chịu ăn, thì chính anh cho vào bụng. Vì thế, mọi người đều gọi anh là "thiện nhân tích đức".

Lã tổ nghe biết, nghĩ thầm : "Người này tốt bụng như thế, nếu có tiên duyên, ta hãy độ cho hắn một phen". Vì thế, ông biến thành một đạo nhân nghèo, tìm tới xin chút thức ăn. Người kia đem những tô mì của khách ăn dở, trút vào một tô lớn, đem cho ông.

Lã tổ tiếp nhận tô mì, ăn thử một miếng, nhả ra ngay, đưa trả cho người kia, nói :

- Mì này có mùi lạ, không thể ăn được. Bần đạo không dám nhận cảm tình, đưa trả anh đây.

Người kia không hề giận, tươi cười nhận lại, ngửi thử, cũng công nhận tô mì có mùi, thật tình không thể ăn, đành đổ đi thôi.

Vừa hay có con chó ghẻ xồng xộc chạy tới, thè lè lưỡi, ra ý đòi ăn. Người kia đưa tô mì cho chó ăn. Nào ngờ con chó vừa ăn xong, lập tức bay lên trời, biến thành một con rồng vàng, lắc đầu, quẫy đuôi, bay đi mất. Người kia liền biết đạo nhân là một vị thần tiên, vội vã đuổi theo, tìm kiếm một hồi, chẳng rõ đạo nhân biến đi đâu.

Từ đó, người kia phát bệnh tim, việc buôn bán đành bỏ dở, mỗi ngày tới đứng ở đầu cây cầu nhỏ, ngước mặt nhìn trời, hy vọng lại được thấy thần tiên. Ngóng trông đã mấy năm, chẳng thấy một vị thần tiên nào, anh ta liền mắc bệnh điên, rơi xuống nước mà chết.

Sau khi chết, anh ta mới được Lã tổ độ cho làm quỉ tiên. Là vì anh ta không có tiên duyên, chỉ có phúc phận làm quỉ tiên thôi. Mà phải sau khi chết mới được thoát độ. Còn con chó ghẻ chính là con chó, mà Lã tổ hồi còn nhỏ, đã lỡ tay ném chơi mấy viên đá, hại nó chết, nên nay ông phải ban ân trạch, giải thoát nỗi oan một đời. Sau khi anh phổ ki trong tiệm mì chết đi, người ta thấy anh vì ngóng tiên mà chết, mới đặt tên cây cầu đó là "Vọng tiên kiều".

Bát tiên ngao du trần thế, đã hơn một trăm năm, gặp đúng kỳ vạn thọ của vương mẫu, bát tiên mới bàn nhau, cùng đi chúc thọ. Mọi người hẹn nhau cùng vượt biển mà đi. Hôm đó, tới bờ biển Đông hải. Lam Thái Hòa sơ ý, để rơi chiếc giỏ hoa bằng bạch ngọc trong tay, rớt xuống biển. Bấy giờ, vợ chồng Long vương đang ở trong cung, cùng vài vị quan bàn về việc công dưới biển. Bỗng thấy một luồng sáng trắng chói lòa, chiếu khắp cung điện, hai người cháu của Long vương là Ma Ngang, Ma Quốc, tuổi trẻ hiếu kỳ, mới dẫn theo một số dạ xoa đi tuần tra, liền tìm ra được chiếc giỏ hoa. Hai Ma mừng rỡ, định mang giỏ trở về cung. Bên kia, Lam Thái Hòa rủ Hà tiên cô, cùng xuống biển đi tìm, thấy hai Ma liền ngỏ lời xin lại chiếc giỏ. Hai Ma nổi giận, nói : - Giỏ này là của hai anh em ta nhặt được, đâu biết là của các ngươi ?

Hai bên đấu khẩu, kế đến đánh nhau. Hai Ma nào biết lợi hại, kéo đám dạ xoa xông vào tấn công. Hai vị tiên rút kiếm chống cự. Hai Ma làm sao chịu nổi pháp lực của hai vị tiên ? Mới qua vài hiệp, đã bỏ mạng dưới lưỡi kiếm tiên.

Bình Luận (0)
Comment