Bảy Thanh Hung Giản

Chương 76

Bát mì gói thêm trứng chần ngon tuyệt hảo mà Viêm Hồng Sa mòn mỏi chờ đợi rốt cuộc tan thành mây khói.

Mộc Đại nói: “Có một con búp bê vải ngâm trong nước, ghê chết được. Nước này dùng để rửa chân thôi.”

Viêm Hồng Sa hiếu kỳ: “Búp bê vải gì vậy, Mộc Đại, cô lấy qua đây xem chút đi.”

Một Đại cười khan hai tiếng ha ha, cười một tiếng lại dừng một chút, nói: “Tự ra mà xem đi.”

Món đồ đó, cô còn lâu mới cầm lên nhé.

Viêm Hồng Sa nhát gan, nhưng bây giờ trong lòng ngứa ngáy hiếu kỳ vô cùng, cuối cùng không nhịn được, tự lấy đuốc, tay bọc một cái túi nylon, hét a a a một đường chạy vội tới cạnh giếng, nhặt lên rồi lại a a a một đường chạy về.

Mộc Đại ở tầng trên cuống đến giậm chân: “Cái thứ đồ quỷ kia! Đừng nhặt về!”

Viêm Hồng Sa hét cả một đường, tranh thủ thời gian vặc lại: “Lẽ nào cô muốn bắt tôi đứng cạnh giếng xem?”

Cô vẫn chạy về dưới nhà, lúc này mới ném búp bê vải xuống, giơ đuốc lên soi, ồ một tiếng, nói: “Con búp bê vải này là Tảo Tình Nương, giống với con La Nhận nói.”

Mộc Đại cúi người nhìn xuống dưới lầu, nương theo ánh đuốc nhìn.

Đúng là rất giống, tay phải cầm chổi, là dùng nan trúc thật bó lại rồi lấy chỉ quấn vòng vòng vào tay, cánh tay trái xách một cái làn, và cả một bọc vải nhỏ.

Chỉ có điều, đây là bản đơn giản thô sơ.

Viêm Hồng Sa còn thò tay ra nhéo nhéo, nói: “Cái làn này may tỉ mỉ thật, cho cả gạo thật vào này.”

Mộc Đại nói: “Cô có đi lên không đây?”

Mộc Đại chỉ cần nổi giận là sẽ giống hệt như một bà chị hung dữ, Viêm Hồng Sa không thể làm gì khác đành hậm hực leo lên.

Sau khi leo lên, quay đầu nhìn con búp bê Tảo Tình Nương nằm trên đất, cặp mắt như hai đường răng cưa, dài ngắn không đồng đều.

Trong làn có thêm gạo, trong đôi mắt này, nếu thêu thêm tròng mắt thì…

Viêm Hồng Sa bị ý nghĩ của mình dọa sợ, á một tiếng chui tọt vào bếp.

Mộc Đại nói: “Giờ mới biết sợ hả, vừa nãy đã bảo là đừng nhặt về rồi!”

***

Nửa đêm, mưa dần xối xả, sấm chớp đì đùng, trong núi tiếng vọng lớn, cả căn nhà như bị lay động nghe ông ông.

Nhà tuy xây bằng đá, nhưng lợp mái chỉ toàn bằng gỗ và cỏ tranh, lại có những mấy chỗ bị dột, ban đầu thì róc rách như khe suối nhỏ, sau khi hết mưa thì trong nhà bắt đầu nhỏ nước, tí tách tí tách.

Mộc Đại mơ mơ màng màng ngủ, nghĩ: Mình là đang một đêm lầu nhỏ nghe mưa xuân (*) đây mà.

(*) Một câu trong bài thơ “Lâm An xuân vũ sơ tễ (临安春雨初霁)” của nhà thơ Lục Du thời Tống.

Lại mơ thấy La Nhận.

Mơ thấy mình áo vá quần đụp, ngồi bên khung cửi dệt vải, bên ngoài trời mưa to, trong nhà cũng tí tách mấy chỗ mưa nhỏ.

La Nhận cầm roi da đứng bên cạnh, lớn tiếng quát: “Nhanh lên, dệt xong vải tôi còn cầm đi đổi rượu uống.”

Trong mơ, bản thân thê thảm vô cùng, vừa lau nước mắt vừa dệt vải, nói La Nhận: “Anh chỉ biết mỗi uống rượu thôi…”

Mộc Đại giật mình tỉnh giấc, cô nắm thật chặt cái áo khoác đang đắp, nghĩ: La Nhận, đồ tồi.

***

Hôm sau, Mộc Đại tỉnh dậy, vừa mở mắt ra đã òa lên một tiếng hoan hô.

Trời hửng nắng rồi, tuy không phải là nắng to nắng đẹp gì nhưng ít ra cũng là có nắng.

Mộc Đại rất chi là tiết kiệm lấy nước khoáng trong balo ra đánh răng rửa mặt, lúc quay lại căn nhà, lão Viêm và Viêm Hồng Sa đều đã dậy, lão Viêm nhìn Mộc Đại, nói: “Mộc Đại này, cháu tránh đi một lúc, ông có một số việc muốn dặn dò Viêm Hồng Sa.”

Viêm Hồng Sa đỏ mặt, ra chiều khó xử, cảm thấy nội mình thật đúng là keo kiệt, đã sớm tối làm bạn với nhau chừng đấy ngày rồi mà vẫn cứ phòng bị Mộc Đại như vậy.

Cô hạ quyết tâm, bất kể nội nói gì với cô, sau đó cô đều sẽ nói với Mộc Đại.

Đối với thái độ của lão Viêm, Mộc Đại ít nhiều cũng đã thấy quen, cô ồ một tiếng, tự lấy nước và bánh mì rồi ra ngoài.

Nếu đã bảo cô tránh đi thì cô sẽ tránh hẳn ra thật xa.

Cô vừa nhai bánh mì, vừa đi loanh quanh ngó nghiêng cái trại trên khoảnh đất này, mấy căn nhà tranh đúng là đã bỏ hoang, thò đầu vào xem, bên trong lõm xuống thành cái ao nước, có thể nuôi được cá.

Cô buồn chán vô cùng, lại đi tới bên giếng.

Người cổ đại lấy nước làm gương, thế có dùng nước giếng làm gương không? Cô nghịch ngợm thò đầu vào nhìn.

Trên mặt nước giếng sáng loáng, nổi lềnh bềnh một con búp bê Tảo Tình Nương.

Máu huyết cả người xộc thẳng lên não, sau vài giây sững người, cô nhanh chóng chạy về căn nhà nhỏ, cúi xuống nhìn.

Tối qua, cô nhớ rất rõ ràng, Viêm Hồng Sa đã nhặt con búp bê Tảo Tình Nương đó ném ở dưới nhà.

Không có, trên mặt đất bùn trống hoác, chỉ có sỏi đá rải rác, và mầm cỏ từ dưới khe đá chui ra.

Cô xoay người, nhìn lại cái giếng ròng rọc cũ kỹ kia.

Đêm qua đã xảy ra chuyện gì? Là có người nhặt Tảo Tình Nương, một lần nữa bỏ lại vào giếng, hay là…

Hay là giữa đêm mưa gió, hốt nhiên, Tảo Tình Nương dưới đất bỗng ngồi dậy, lắc lư bước đi, trở lại vào giếng?

Mây tản ra, nắng dần to hơn.

Nhưng cả người Mộc Đại lại trùng trùng nổi từng cơn buốt lạnh.

***

Theo lời lão Viêm, hôm nay còn phải leo núi, nhưng buổi tối sẽ theo đường cũ trở về, nên đa phần hành lí đều có thể bỏ lại trong căn nhà, chỉ cần mang theo đồ đạc cần thiết là được.

Đồ đạc cần thiết gồm: dây thừng để xuống giếng, xẻng, mũ trúc, dao bầu phòng thân, đuốc, gậy chống và một ít lương khô.

Mộc Đại cúi người, đeo cái balo lên lưng, Viêm Hồng Sa kéo xẻng, sắc mặt rất khó coi, nhưng bản thân Mộc Đại cũng nặng nề tâm sự nên không để ý tới cô.

Sau khi vào núi, tâm trạng càng thêm như đưa đám.

Trận mưa lớn tối qua đã khiến tất cả mọi thứ hoàn toàn thay đổi, rất nhiều cành cây gãy từ trên cao rơi xuống, bùn đất, và cành gãy chẳng những khiến việc đi đường trở nên khó khăn hơn mà có thể đoán ra được, đa số vết tích cô lưu lại ngày hôm qua đã bị che lấp, mang lại rất nhiều trắc trở cho đám La Nhận trong việc đuổi theo.

Mộc Đại thầm tự chửi mình: Sao không chịu an phận lột vỏ cây khắc chữ đi hả.

Cô tức tối mở đường, Viêm Hồng Sa đỡ lão Viêm, suốt một đường cũng không nói năng gì, so với hôm qua liên mồm ca thán thì cứ như một người khác vậy.

Trên đường dừng chân nghỉ ngơi ăn uống, Mộc Đại chủ động bắt chuyện với lão Viêm, hỏi: “Nội ơi, chỗ này, nội quen lắm ạ?”

Lão Viêm gật đầu: “Từng tới.”

“Vậy người ở đây có Tảo Tình Nương không ạ?”

Lão Viêm lấy làm khó hiểu: “Tảo Tình Nương là cái gì?”

Mộc Đại dùng tay ra dấu phác họa dáng vẻ Tảo Tình Nương cho ông ta hình dung, mới tả hai câu, lão Viêm đã hiểu ra: “À cái đó.”

Ông rất có hứng thú, kể cho Mộc Đại nghe, người địa phương không biết Tảo Tình Nương, đó là do người Hán mang vào, đúng vậy, trong vùng núi thẳm này có người Hán, hơn nữa còn vào đây từ rất lâu rồi, có người nói sớm nhất cũng phải vào khoảng cuối Minh đầu Thanh – hình như là một vị quan không nhỏ, còn có quan hệ thân thích với hoàng gia, vì muốn tránh quân Thanh nên đã trăn trở tránh hẳn vào nơi thâm sơn này.

Nhưng nhiều người ở không quen, thế là lại lục tục ra ngoài, cuối cùng, trong núi này chỉ còn lại chừng mười hộ, lập thành một cái trại, cách chỗ họ ở tối qua không xa, leo qua hai ngọn núi là tới.

Có lẽ là do ngại trong núi mưa nhiều nên trong nhà những người Hán này đều có Tảo Tình Nương, có cái cắt bằng giấy, có cái dùng vải may thành, treo dưới đầu mái hiên.

Mộc Đại hỏi: “Vậy nếu là ném Tảo Tình Nương vào nước thì sao ạ?”

Lão Viêm nói: “Đó là kiêng kỵ, mưa nhiều đương nhiên là không tốt, nhưng nếu quét cả nước ăn nước uống đi thì sao sống được? Trong trại có trẻ con không hiểu chuyện, lỡ tay làm rơi Tảo Tình Nương vào ang nước, đều sẽ bị mắng.”

Cũng đúng, bất kỳ điều gì cũng phải chú ý mức độ, nước quá nhiều và không có nước đều là chuyện khiến người ta đau đầu.

Mộc Đại quay sang nhìn Viêm Hồng Sa, thật quái lạ, tối qua cô còn đầy hào hứng xem Tảo Tình Nương cơ mà, sao hôm nay mình và lão Viêm cùng trò chuyện về đề tài này thì cô lại không để ý chút nào, chỉ một mình ngồi cạnh, cúi đầu ngẩn người thôi vậy.

Sao thế? Chẳng lẽ có liên quan gì đến chuyện lão Viêm dặn dò cô lúc sáng sớm?

Mộc Đại muốn hỏi, nhưng nhìn đến lão Viêm đang ngồi bên cạnh, đành phải nhịn xuống.

***

Ăn xong lương khô, lại tiếp tục lên đường, đi khoảng một hai tiếng, lão Viêm bỗng dừng lại, giọng nói có phần kích động: “Đến rồi.”

Cuối cùng cũng tới? Mộc Đại thở dài một hơi, nhưng lập tức cảm thấy kỳ lạ.

Đây vẫn là đất rừng bình thường trong núi, đầy đất chỉ toàn lá rụng, cành cây gãy, bùn lầy, cây đổ, cả một đường không phải đều là thế này sao, chỗ nào cũng giống chỗ nào, căn bản chẳng có gì để phân biệt.

Sao lão Viêm lại nhận ra được là chỗ này?

À, đúng rồi, bảo khí.

Lão Viêm không nhìn đông tây nam bắc hay đặc trưng địa lý, chỉ xem bảo khí.

Mộc Đại tò mò nhìn khắp bốn phía, bảo khí rốt cuộc là cái gì, có màu sắc, hình dạng, mùi vị không? Nói sao thì lão Viêm cũng đã là một nửa người mù, nhưng cô thì thị lực còn rất tốt, mắt mở trừng trừng như chuông đồng, vậy mà đến không khí cũng chẳng nhìn thấy.

Lão Viêm đi về phía trước mấy bước, chân phải chà chà: “Ở ngay đây.”

Ngay đây? Không phải là giếng à, giếng báu không phải là một cái hố thiên nhiên như giếng nước hình ống thẳng tụt xuống dưới à?

Viêm Hồng Sa kéo xẻng qua.

Lão Viêm nói: “Ở đây, đào đi.”

Lại nói: “Mộc Đại, cháu lên chỗ cao đứng đi, chú ý động tĩnh chung quanh. Nói không chừng tối nay phải qua đêm ở đây đấy.”

Mộc Đại đáp: “Dạ.”

Cô hiểu sơ sơ, trong lòng có chút không đồng tình với lão Viêm này: Sớm biết phải đào, thuê hai gã đàn ông cường tráng chút không được sao? Chỉ tội Viêm Hồng Sa, còn phải cầm xẻng đào đất, biết phải đào đến bao giờ?

Mà việc canh gác của cô thì lại rảnh rang hơn nhiều.

Mộc Đại leo lên cây, dựa vào một chạc cây ngồi xuống, lấy cái ống nhòm mini kia ra, chuyển khắp bốn phương tám hướng nhìn.

Thực ra, đập vào mắt chỉ toàn cây là cây.

Cây lớn, cây bé, cây thẳng, cây vẹo, cây rậm cành, cây ít lá, cây vàng sậm…

Cây vàng sậm?

Trong lòng Mộc Đại chợt đánh thịch một tiếng, vội vàng đưa ống nhòm về lại hướng vừa lướt qua.

Nơi đó, cành lá rung rinh, dường như không có gì khác thường.

Tim Mộc Đại đập thình thình.

Cô chắc chắn rằng mình đã nhìn thấy một màu vàng sậm, khi đó cô không để ý kĩ, chỉ nhìn lướt qua, bây giờ nhớ lại, hình như là…động vật lông dài?

Động vật trên cây? Khỉ à, hay là thứ mà Trát Ma từng nhắc tới… Người rừng?

Mộc Đại không dám coi nhẹ, cô xếp bằng ngồi xuống, dồn khí vào đan điền, vận công một vòng theo tâm pháp lúc luyện công trước đây, hai mắt khép hờ, loại bỏ tạp niệm, dồn tất cả tinh thần vào thính lực.

Sư phụ nói, thứ nhìn thấy có thể đánh lừa được người, không bằng cẩn thận nghe.

Có tiếng gió, tiếng lá cây xào xạc, tiếng xẻng xúc vào đất, tiếng lão Viêm nín thở…

Lạch cạch một tiếng.

Mộc Đại mở mắt, thấy Viêm Hồng Sa tức giận ném xẻng, hét lên: “Con không dám!”

Lão Viêm lớn tiếng quát: “Nhặt lên!”

Viêm Hồng Sa cứng đầu bất động, dáng vẻ như sắp bật khóc, sắc mặt lão Viêm tái xanh, Mộc Đại cũng có chút lúng túng, vội trèo xuống dưới.

Kẹp giữa hai ông cháu, tình thế hơi khó xử, Mộc Đại nhặt cái xẻng dưới đất lên, nói: “Hồng Sa, cô mệt rồi à, tôi giúp cô đào nốt nhé, cô lên cây canh gác đi.”

Viêm Hồng Sa nói: “Mộc Đại, cô đừng làm, bên dưới có người chết!”

***

Bên dưới có người chết.

Ban sáng, lúc đẩy Mộc Đại đi, lão Viêm đã nói như vậy.

Ông nói, đó là một cái giếng báu, ông nhìn ra được, là một giếng báu rất tốt, bảo khí dày, có lúc còn như sương mù, lần đầu tiên trông thấy, ông đã hạ quyết tâm, đây là mối làm ăn tốt, không thể chia sẻ với người khác được, phải giữ lại, tương lai lấy làm chuyến cuối.

Nhưng người đào bảo vật trên đời này cũng chẳng phải chỉ có mình nhà ông, chỗ đó tuy hẻo lánh, nhưng cũng chẳng thể đảm bảo được rằng sau này sẽ không có người đào bảo vật khác tìm tới.

Ông phải giấu chỗ này đi.

Giấu bằng cách nào, giới đào bảo vật có một phương pháp truyền từ xưa, cần huyết khí của người át đi bảo khí, bảo khí là khí thuần, dùng huyết khí đè lên như vậy, người đào bảo vật khác sẽ không nhìn thấy nữa, chỉ có mình mình thấy được.

Tương lai, quay lại đây tìm, thứ mình dựa vào không phải là bảo khí nữa, mà là thứ từ dưới đất bốc lên, xen lẫn với bảo khí, dày đặc cuồn cuộn… Huyết khí.
Bình Luận (0)
Comment