Bí Ẩn Tông Đồ Thứ 13

Chương 41

Men theo trang viên Doria Pamphili, cha Nil đi dọc theo đường Salaria Antica nằm lọt giữa những bức tường. Ông thích dẫm chân lên bề mặt gồ ghề của những con đường cũ kỹ trong hòang cung, nơi cách lát đá của đế chế La Mã vẫn còn hiện hữu. Trong những năm là sinh viên, ông đã say mê thám hiểm thành phố này, Mater Praecipuce – mẹ của tất cả các dân tộc. Ông quay lại con đường Aurelia, con đường dẫn ra phía sau Thành Vatican, và không ngần ngại tiến về phía tòa nhà của Cơ quan truyền bá đức tin.

Văn phòng Quan hệ với người Do Thái nằm trong khu phụ của tòa nhà, về phía nhà thờ Thánh Peter. Ông phải trèo lên tầng ba, để đến được một hành lang có những căn phòng như những cái hốc nằm ngay dưới mái nhà: văn phòng của các thư lại.

Đ.ông Rembert Leeland, O.S.B. Ông khẽ gõ cửa.

- Nil! God bless, so good to see you! [[28]]

Văn phòng của bạn ông nhỏ xíu, ngăn cách với các phòng khác bằng một vách ngăn đơn giản. Ông chỉ có đủ một chỗ để lách vào ngồi trên chiếc ghế tựa duy nhất đặt trước một chiếc bàn trống trơn đến lạ lùng. Thấy vẻ ngạc nhiên của ông, Leeland ngượng nghịu mỉm cười.

- Tớ chỉ là một thư lại nhỏ bé trong một văn phòng không có gì là quan trọng… Thật ra, tớ chủ yếu làm việc ở nhà, ở đây tớ không có đủ không khí để thở.

- Điều này hẳn khiến cậu phải đánh đổi những bình nguyên ở Kentucky!

Mặt người đàn ông Mỹ sa sầm.

- Tớ bị đày đi, Nil ạ, vì đã nói to lên điều mà nhiều người nghĩ…

Cha Nil nhìn ông trìu mến.

- Cậu chẳng thay đổi gì, Remby ạ.

Là sinh viên ở Roma trong những năm ngay sau hội nghị Giám mục, họ đã chia sẻ với nhau những hy vọng của cả một thời tuổi trẻ tin tưởng vào sự đổi mới của Giáo hội và xã hội: những ảo tưởng đã bị gió cuốn đi, nhưng vẫn để lại dấu ấn trong họ.

- Tỉnh ngộ đi, Nil, tớ đã thay đổi nhiều, nhiều hơn tớ có thể nói: tớ không còn như trước nữa. Nhưng còn cậu? Tháng trước, chúng tớ được biết về cái chết đột ngột của một trong các tu sĩ ở tu viện của cậu, trên chuyến tàu Roma Express. Tớ nghe nói đó là một vụ tự sát, thế rồi tớ lại thấy cậu đến đây mặc dù tớ không hề yêu cầu. Có chuyện gì xảy ra thế, friend [[29]]?

- Tớ biết rõ cha Andrei. Ông ấy không phải típ người có thể tự sát, ngược lại ông ấy đang say sưa với việc nghiên cứu chúng tớ tiến hành từ nhiều năm nay, không phải cùng nhau mà là song song. Ông ấy đã phát hiện ra những điều mà ông ấy không muốn- hoặc không thể- nói rõ ràng với tớ, nhưng tớ có cảm giác ông ấy thúc đẩy để tớ tự mình tìm ra. Tớ là người chính thức nhận diện xác chết, tớ đã phát hiện trong bàn tay ông ấy một mảnh giấy nhỏ ông ấy viết ngay trước khi chết. Cha Andrei đã ghi lại bốn điều ông ấy muốn nói với tớ ngay khi về đến tu viện. Đó không phải là bức thư của một người sẽ tự sát, mà là bằng chứng cho thấy ông ấy có những dự định cho tương lại, và muốn tớ tham gia. Mảnh giấy ấy tớ không hề cho ai biết, nhưng nó đã bị lấy cắp trong phòng riêng của tớ, và tớ cũng không biết ai lấy.

- Lấy cắp?

- Đúng, mà còn chưa hết đâu, họ còn lấy cắp một số tờ ghi chép của tớ.

- Thế còn vụ điều tra về cái chết của cha Andrei?

- Trên báo địa phương, có một mục nhỏ đăng tin về cái chết đột ngột của ông ấy, còn trên báo La Croix chỉ có một mẩu tin báo tử đơn giản. Chúng tớ không nhận được bất kỳ một loại báo nào khác, không nghe đài mà cũng không xem ti vi; các tu sĩ chỉ biết điều mà Cha tu viện trưởng muốn nói với họ trong cuộc họp. Viên cảnh sát phát hiện thi thể của ông ấy nói rằng đó là một vụ giết người, nhưng anh ta đã bị loại khỏi vụ điều tra.

- Một vụ giết người!

- Đúng, Remby ạ. Cả tớ cũng không thể nào tin nổi. Tớ muốn biết chuyện gì đã xảy ra, tại sao ông bạn của tớ lại chết. Ý nghĩ cuối cùng của ông ấy là dành cho tớ, tớ có cảm giác ông ấy gửi gắm lại cho tớ. Những ước nguyện cuối cùng của một người đã chết là thiêng liêng, nhất là khi đó lại là một người ở tầm như cha Andrei.

Với một chút ngập ngừng ban đầu, cha Nil kể cho bạn mình nghe những nghiên cứu của ông về kinh Phúc âm theo Thánh Jean, việc ông phát hiện ra môn đồ cưng. Rồi ông kể về những cuộc trò chuyện thường xuyên giữa ông và cha Andrei, nỗi lo lắng của ông ấy ở Germigny, mảnh bản thảo bằng tiếng Ai Cập cổ giấy trong bìa tác phẩm cuối cùng của ông ấy.

Leeland nghe ông nói, không hề cắt ngang.

- Nil, tớ lúc nào cũng chỉ biết đến có một thứ, đó là âm nhạc. Và tin học, để xử lý những bản thảo mà tớ nghiên cứu. Nhưng tớ không hiểu tại sao một nghiên cứu mang tính học thuật lại có thể gây ra những sự kiện bi thảm đến thế, và còn khiến cậu lo sợ như vậy.

Vì cẩn trọng, ông không nói gì với bạn mình về yêu cầu cảu Hồng y đứng đầu Cơ quan truyền bá đức tin.

- Cha Andrei đã không ngừng nói với tớ bằng những câu đầy ẩn ý rằng những nghiên cứu của chúng tớ đụng chạm đến điều gì đó quan trọng hơn nhiều, tớ không hiểu được điều đó. Cứ như là tớ đang phải đối mặt với một bó sợ của một tấm thảm, mà không biết mẫu phác thảo ban đầu. Nhưng bây giờ, Rembert ạ, tớ đã quyết định đi đến cùng; tớ muốn biết tại sao cha Andrei lại chết, tớ muốn biết điều gì ẩn sau bí mật mà tớ tìm kiếm từ bao năm nay.

Leeland nhìn ông, ngạc nhiên trước quyết tâm hoang dại ông đọc được trên một khuôn mặt mà ông vốn thấy điềm tĩnh và bình thản. Ông thức dậy, đi vòng qua chiếc ghế tựa và mở cửa.

- Tớ sẽ dành cho cậu toàn bộ thời gian ở đây để tiếp tục việc nghiên cứu. Nhưng trước mắt, chúng ta phải đến kho sách của Vatican đã. Tớ phải cho cậu thấy công trường nơi tớ đang làm việc, cũng là để mọi người nhìn thấy cậu ở đó; đừng quên lý do cậu có mặt ở Roma là những bản thảo Thánh ca Grégoire của tớ.

Leeland nhớ đến việc ông bị gọi đến văn phòng của Catzinger. Phải chăng cũng còn có một lý do khác nữa? Hai người im lặng đi trên những hành lang và cầu thang quanh co dẫn đến lối ra quảng trường Saint Peter.

Trong văn phòng bên cạnh văn phòng của Leeland, một người đàn ông nhấc ra khỏi đầu đôi tai nghe nối với một chiếc hộp gắn trên vách phòng bằng một giác mút. Anh ta có dáng dấp thanh lịch trong chiếc áo tu sĩ hoàn hảo, và vẫn để tai nghe treo quanh cổ trong khi nhanh nhẹn sắp xếp những tờ giấy ghi đầy những chữ tốc ký nhỏ. Đôi mắt đen đến lạ lùng của anh ta ánh lên vì thỏa mãn. Chất lượng cuộc nghe vô cùng tốt vì vách ngăn không dày lắm. Không mất một từ nào trong cuộc đối thoại giữa Đức ông người Mỹ và vị tu sĩ người Pháp. Hẳn là chỉ cần để hai người với nhau, họ sẽ thao thao bất tuyệt.

Hội trưởng Hội Thánh Pie V hẳn sẽ hài lòng: nhiệm vụ đã bắt đầu một cách tốt đẹp.
Bình Luận (0)
Comment