Bí Thư Tiên Kiếm

Chương 7

Ma Phong Tử vừa hạ xuống Bàn Sơn động, hắn nhìn thấy cây cỏ mọc tràn lan trước cửa động như một nơi bỏ hoang liền nghĩ thầm: “Có lẽ linh đan của họ Vạn còn nơi mật động. Ta phải vào trong tìm lấy cho kịp giờ”.

Hắn biểu lộng thần thông vung tay áo tức thì môt luồng lãnh phong bay ào ào vào thần động xô giạt độc khí đi nơi khác và dùng thuật ngự phong bay là đà vào trong.

Thấy động đá hoang tàn, hắn đi sâu vào trong và cuối cùng hắn đến một động đá nhỏ cuối cùng.

Nhìn quanh Ma Phong Tử thấy chỉ có một tượng Phật ngồi trên bàn đá, hắn lấy một ngón tay chỉ ngay mắt Phật. Tức thì trong tay hắn một luồng bạch quang bay vào mắt Phật.

Tiếng ầm ầm nổi lên rung chuyển cả khu động đá phút chốc trong động tối sầm lại và muôn ngàn mũi tên từ đâu bay ra ào ào như mưa bấc.

Nhưng Ma Phong Tử chuyển mình một cái tức thì trong người hắn như có một luồng gió mạnh phát ra, không mũi tên nào chạm đến người hắn được.

Hắn lấy trong người ra một viên ngọc hào quang chiếu sáng án mất cả khí đen trong động.

Ma Phong Tử phẩy tay áo một cái thì một luồng lãnh khí bay ào ra như xô chuyển khu thần động, tượng Phật ngã xuống và muôn nghìn tia lửa từ chân tượng Phật bốc lên cháy thành ngọn ghê gớm vô cùng tưởng đâu đốt tan Ma Phong Tử.

Đạo thuật của Ma Phong Tử đã đến bậc cao siêu vô thượng, hắn tiến lại sát bên tượng Phật và cầm tượng lên xem. Lạ thay hắn đến đâu lửa giạt ra đến đấy, hắn gật đầu và nắm một sợi dây nhỏ còn dính lại trong pho tượng và kéo mạnh một cái.

Lửa đang phun lên ngùn ngụt vụt tắt đi, vách đá nứt làm hai hiện ra một đường hầm tối đen như mực, nhưng đôi mắt trông đêm như ngày của Ma Phong Tử nào có coi ra gì cái hầm ấy. Hắn bước xuống hầm, chân không hề chấm đất.

Trước mặt hắn một cái hòm sơn màu đỏ đề hàng chữ:

Thần Tiên Dược Linh Đan.

Ma Phong Tử cười và nghĩ thầm: “Trong hòm này chúng dặt bao nhiêu chất nổ trong ấy, nhưng một khi ta đã ra tay thì nào sợ gì đâu. Uổng công cho Vạn Thế Long tìm đủ cách giữ Thần Tiên Dược, nhưng với ta nào ai giữ nổi”.

Ma Phong Tử vẫy tay áo một cái tức thì nấp hòm bật tung lên, một tiếng nổ long trời lở đất phát ra, muôn nghìn phi đạn bay rào rào như mưa, khói mê hồn bay ra mù mịt cả.

Ma Phong Tử quay viên ngọc một vòng tức thì hào quang sáng rực quanh người hắn, khói lửa phi đạn không sao đến gần được.

Hắn chờ phi đạn bay hết và lửa tắt liền bước đến nhìn vào hòm, thấy một bầu nhỏ lóng lánh hào quang hắn cầm lên xem và gật gù nghĩ ngợi:

“Đây là Thần Tiên Dược của bọn Vạn. Ta mang cả về thần động cho rồi”.

Nghĩ vậy, Ma Phong Tử dắt bầu linh đan vào lưng rồi quay người lại thì ra vách đá khép chặt lại từ nào. Hắn cười chép miệng.

- Dầu có quả núi đã bịt lại ta cũng ra được, sá gì cánh cửa con như thế này.

Hắn vung tay một cái tức thì một tiếng nổ ầm lên như vang trời chuyển núi vách đá không chịu nổi sức tàn phá nên đổ ụp xuống.

Ma Phong Tử thản nhiên bước ra. Cứ mỗi lần bị ngăn trở là hắn chỉ vẫy tay một cái là xong.

Ra đến cửa động Ma Phong Tử nghĩ thầm: “Bàn Sơn động là nơi làm hại bao nhiêu người thần phục ta. Ta phải hủy bỏ nó cho rồi”.

Hắn dùng thuật ngự phong bay vút lên cao rồi trỏ năm ngón tay xuống. Năm luồng lãnh khí bay ào xuống như một trận ác phong, năm tiếng nổ kinh hồn như sét đánh. Khu thần động kiên cố như vậy mà phút chốc tan tành, đá cát bay rào rào như mưa. Đấy là Ma Phong Tử dùng Chưởng Tâm Lôi, một lối đánh dùng toàn hơi sức trong người đánh ra dù sắt đá cũng tan tành. Người dùng được thuật ấy phải là kẻ thuộc hàng vô thượng, đạo pháp cao siêu nhất đời.

Ma Phong Tử đang biểu lộng thần thông phá tan Bàn Sơn động thì bỗng một luồng hồng quang đỏ rực to hơn hai dặm bay lại nhanh như gió cuốn.

Ma Phong Tử trông thấy luồng hồng quang ấy hắn nghĩ thầm: “Có lẽ đây là một vị sư tổ nào đi nên kiếm độn ghê gớm như vậy. Ta nên tránh là hơn”.

Nghĩ vậy hắn dùng hết sức mạnh đánh xuống Bàn Sơn động một lần nữa rồi dùng thuật ngự phong bay về. Nhưng luồng hồng quang kia bay nhanh như chớp nhoáng chỉ trong giây phút là theo kịp hắn.

Một cụ già râu tóc bạc phơ, tinh thần tráng kiện hiện ra và quát lớn :

- Kẻ quái tặc kia. Sao đám phá thần động của học trò ta.

Ma Phong Tử nhận ra vị nọ là Không Không sư tổ hắn giật mình nghĩ thầm: “Cha chả! Ta gặp phải Không Không sư tổ thì khó cho ta. Bây giờ ta phải liều chống với lão chứ không lẽ chịu nhịn. Từ ngày đạo pháp cao diệu đến nay ta chưa hề so tài với ai! Âu cũng là một dịp để biết tài ta đến đâu”.

Không Không sư tổ nhìn rõ Ma Phong Tử, người cả giận trách mắng :

- Ma Phong Tử. Mi là kẻ hèn hạ, sao đến phá thần động của người đã chết. Nếu ta không trừng trị mi thì sao chúng môn đồ chịu phục.

Nói xong ngài xốc lại toan nắm cổ Ma Phong Tử lôi đi. Nhưng Ma Phong Tử ngày nay đâu phải là người chịu cho Không Không tóm cổ dễ dàng như ngày trước, hắn vung tay áo tức thì một luồng lãnh khí bay ào ra cản Không Không lại.

Bây giờ Không Không sư tổ mới nhận ra Ma Phong Tử cũng dùng được phép ngư phong và sực nhớ hắn dùng Chưởng Tâm Lôi phá tan Bàn Sơn động, người ngạc nhiên nghĩ ngợi:

“Ta không ngờ tên này đạo pháp cao diệu thế. Thật rất nguy cho anh hùng trong thiên hạ”.

Ngài thét lớn :

- Ma Phong Tử. Người dù giỏi đến đâu cũng không chạy thoát. Ta phải bắt ngươi về động để trị tội ngươi làm gương cho kẻ khác.

Ma Phong Tử quát lại :

- Không Không sư tổ, nhà ngươi cầm đầu một phái võ mà không biết xét mình. Ta có phải là học trò ngươi đâu mà ngươi hòng bắt. Nào có giỏi thì ngươi hãy trổ tài cho ta xem.

Không Không không thể chịu được lối vô lễ của Ma Phong Tử liền vẫy tay một cái tức thì một luồng tử quang bay ra to rộng vô cùng úp xuống đầu Ma Phong Tử.

Ma Phong Tử không chút sợ hãi, hắn ngửa mặt lên trời vận khí Thiên Cương rồi phóng lên một luồng xích quang cự lại với luồng tử quang của Không Không. Chỉ trong giây lát luồng xích quang đè bẹp luồng tử quang.

Không Không cả giận, người quát mắng :

- Khá đó. Nhưng nhà ngươi cố giữ lấy đầu. Ta không tha nhà ngươi được.

Nói xong Không Không phóng luồng hồng quang lên tức thì ầm ầm sấm nổ khí lạnh ghê người, luồng hồng quang đánh tan tành luồng xích quang và bay đến chém xuống đầu Ma Phong Tử như dè tan hắn ra như cám.

Ma Phong Tử kinh sợ hắn vội phóng viên ngọc kiếm lên nghe nổ vang trời một tiếng luồng kiếm ngọc thành một đạo bạch quang chạm vào với đạo thanh quang nổ ầm lên, dư âm kéo dài hơn một phút.

Luồng hồng quang bay giạt ra ngoài và bị luồng bạch quang dữ dội đè bẹp xuống.

Không Không sư tổ vừa sợ vừa giận, người biểu hiện lộng hết thần thông quay mình một vòng tức thì muôn vạn luồng lánh khí phát ra tiếng nổ ầm ầm như sấm vang, cả một vùng trời như xám lại.

Ma Phong Tử có khoác tiên y da thịt như sắt nguội mà cũng như bị muôn ngàn kim chích vào thịt, hắn kinh hồn rú lên.

* * * * *

Ma Phong Tử vội thu luồng ngọc kiếm về bảo vệ quanh người như vách sắt tường đồng, quyết không cho Ác Sa kiếm khí chạm vào mình.

Không Không sư tổ vừa giận vừa sợ, người không biết Ma Phong Tử lấy đâu được Ngọc Kiếm Xà Vương mà luyện kiếm. May mà hắn chưa luyện tới, nếu hắn luyện đến bậc siêu thoát thì mình nguy mất.

Người muốn nhân dịp nay trừ phứt hắn cho chúng anh hùng trong thiên hạ đỡ tàn hại liền phóng Ác Sa kiếm khí đánh dữ dội.

Thật là muôn ngàn nguy hiểm cho Ma Phong Tử. Từ xưa nay không khi nào có trận đấu kiếm ghê hồn như vậy, Không Không sư tổ không khi nào dùng đến Ác Sa kiếm khí bao giờ.

Ác Sa kiếm khí là một môn kiếm vô cùng ghê gớm và ác liệt, kiếm khí phóng ra không thấy hình bóng gì cả, ngườí cự địch cùng nó phải là tay ghê hồn pháp thuật vô biên mới cự được vì các vị ấy nghe được tiếng gió của đà kiếm.

Mỗi khi phóng kiếm ra thì Ác Sa bay ra tua tủa, chạm nhằm người một tí là tánh mạng không toàn.

Không Không sư tổ vì sợ Khốc Tiểu Quái Sư đến Trung Quốc hoành hành mới luyện Ác Sa kiếm khí không ngờ hôm nay phải đem ra dùng.

Ma Phong Tử tuy đỡ được vài phút, nhưng cơ nguy của hắn đã sắp đến, hắn nhắm mình không thể làm gì được Không Không, mà ở lại thì nguy mất liền liều mạng quay ngọc kiếm nhanh như gió rồi chuyển thần lực vung tay áo phóng độc phóng đánh Không Không.

Luồng khí độc trong tay hắn bay ào ra vút đến phía Không Không, làm vị sư tổ lúc ơ hờ cũng giật mình vội dùng phép phản phong chống lại.

Cả hai cùng hiển lộng thần thông mang tài lực ra tranh đấu làm cây dưới rừng ngã đổ ngổn ngang, dân lành tưởng đâu trời bão tố.

Ma Phong Tử ráng thêm vài phút nữa, hắn liệu bề không kham nên lấy ra ba mũi tiêu và ném vút vào hiểm huyệt của Không Không.

Thấy ba luồng tiêu quang bay lại như rồng rẽ sóng Không Không giật mình thu kiếm về đỡ.

Mấy tiếng choang nổi lên như sấm nổ ngang trời, làm Không Không phải lùi lại vài bước thì vút ba luồng tiêu quang lại bay đến nữa.

Không Không kinh hồn, người chưa từng thấy trên đời có ai phóng tiêu tài tình như vậy. Ma Phong Tử học được tài tình nhường này thật đáng lo cho hiệp khách anh hùng trong thiên hạ.

Người loang kiếm khí lên đỡ và toan dùng một thế tối độc hạ hắn cho rồi, nhưng khi ngẩng đầu dậy thì Ma Phong Tử đã không còn hình dạng nữa.

Không Không sư tổ cả giận quát to :

- Tên ác tặc. Mi có chạy đàng trời. Ta quyết đến Vạn Hoa trang làm cỏ lũ bay cho rồi.

Nói xong ngài dụng phép ngự phong bay nhanh như gió cuốn đuổi theo Ma Phong Tử.

Ma Phong Tử biết mình không cự lâu được với Không Không, hắn lập kế phóng tiêu quang làm Không Không tránh đỡ rồi chạy nhanh về.

Đường đi xa không biết bao nhiêu nhưng Ma Phong Tử vì sợ Không Không đuổi theo, vừa sợ tánh mạng của Bát Quái Tăng nguy mất nên hắn trổ hết thuật ngự phong bay nhanh như vút.

Thật không còn gì mau lẹ hơn nữa, Ma Phong Tử quả là một tay lợi hại, hắn chạy như thế chỉ vài ba giờ đã đến Vạn Hoa trang.

Lũ đệ của hắn kinh hồn khiếp vía vì không ngờ vị huynh trưởng của mình tài tình ghê gớm như vậy được.

Ma Phong Tử vừa hạ xuống đã ra hiệu báo động cho đồng đảng, tức thì Vạn Hoa trang muôn gươm giáo tuốt sáng lòe ra. Các cơ quan trong trang đều chuyển động, một con mối cũng không bay vào được.

Ma Phong Tử vào mật động và lấy bầu linh đan ra trút một viên cho Bát Quái Tăng uống, tức thì hắn ói ra một bãi nước vàng và trong vài phút là tỉnh dậy.

Thấy mọi người đứng quanh mình, Bát Quái Tăng cảm tạ không cùng, hắn quỳ xuống và vái lạy Ma Phong Tử :

- Ơn sư huynh cứu sống, ngàn ngày đệ xin ghi tâm khắc cốt.

Ma Phong Tử đỡ Bát Quái Tăng dậy và nói :

- Hiền đệ chớ nói vậy. Ta không cứu hiền đệ thì sao phải. Bổn phận ta là phải thế.

Hắn bảo mọi người :

- Vì việc lấy linh đan này mà ta cùng Không Không sư tổ gây nên trường chinh chiến. Ta thất bại chạy về đây. Chắc thế nào hắn cũng tìm tòi đến đây. Chúng ta hiệp sức may ra thắng được hắn.

Bát Quái Tăng lo sợ nói :

- Vì đệ mà sư huynh phải chịu nhọc nhằn, đệ dù chết để đáp ơn sư huynh cũng vui lòng.

Ma Phong Tử bảo chúng đệ :

- Các hiền đệ mau mau trấn thủ các nơi trong trang trại. Còn Bát Quái đệ mau theo ta vào trong, vì trong mình ngươi chưa khỏe.

Bát Quái Tăng nói :

- Đệ liều chết để giúp chư vị sư huynh, không lý mọi người đều bận việc mà đệ đi nằm cho đành lòng.

Linh Quang Tử nghiêm trang bảo :

- Hiền đệ nên theo lời huynh trưởng. Chứ cãi lại làm gì. Bọn ta còn chưa chắc đương cự với Không Không thay, huống gì ngươi.

Bát Quái Tăng đành theo Ma Phong Tử vào thạch thất.

Vừa lúc đó trên không có tiếng nổ ầm ầm như sấm chuyển, bầu trời đang sáng bỗng tối ầm lại gió bão nổi lên như cuốn cả Vạn Hoa trang. Lũ đệ của Ma Phong Tử đều khiếp Không Không sư tổ nên lật đật dùng phép phản phong để giữ vững trang trại. Còn Ma Phong Tử sau khi vào lấy khí giới lợi hại liền ra sân rộng, ngửa mặt lên không và quát to :

- Không Không sư tổ, nhà ngươi chớ thị hùng có giỏi hãy xuống cùng lũ ta đối địch.

Hắn vừa dứt lời thì một luồng khí mạnh đánh xuống đầu hắn như một luồng sét.

Ma Phong Tử vẫn đứng yên và cười to :

- Phép Chưởng Tâm Lôi là trò trẻ hại ta sao được. Nhà ngươi có giỏi hãy xuống đây.

Không Không cả giận, người không phân lợi hại của bên địch liền nhảy xuống và vung tay thành một luồng lãnh phong đánh vút vào Ma Phong Tử.

Ma Phong Tử cười to lên một tiếng, tức thì một tiếng nổ long trời lở đất phát ra, dưới chỗ đất mà Không Không đúng, mấy mươi quả địa lôi pháo nổ tung lên.

Không Không rú lên một tiếng và nhảy vút lên cao nhanh như chiếc pháo thăng thiên để tránh sự nguy hiểm ấy thì luồng ngọc kiếm của Ma Phong Tử như một quả núi trắng đã bay vụt theo chém tới tấp.

Không Không lùi lại để tránh thì Linh Quang Tử, Hồng Phong Tử, Trấn Ma Tử, Lục Yêu Tử đều hiển lộng thần thông phóng kiếm quang lên vây đánh kịch liệt.

Không Không vừa sợ vừa giận, ngài quay mình một vòng và phóng kiếm khí ra đánh rạt các luồng kiếm quang của kẻ địch. Nhưng dù ngài có tài thiên biến vạn hóa cũng không làm sao địch nổi với những tay lệch trời nghiêng đất ấy. Nhất là Ma Phong Tử đạo pháp cao diệu vò cùng, hắn chỉ kém ngài một bậc mà thôi.

Vả lại ngọc kiếm của hắn là vật chí báu trong đời không thứ binh khí nào sánh kịp. Nếu hắn luyện ngọc kiếm đến chỗ tinh vi thì khắp thiên hạ không người cự lại đừng nói chi một mình ngài mà hòng thắng.

Bây giờ Không Không tức như điên cuồng ngài hiển lộng thần thông dùng độc phong đánh xuống ầm ầm và quay kiếm khí chém tan luồng lục quang của Lục Yêu Tử.

Thấy Không Không bị vây, bị kém địa lợi mà còn hung hãn như vậy, Ma Phong Tử vội vận khí Thiên Cương thổi vào luồng ngọc kiếm tức thì luồng bạch quang to rộng ra gấp mười đánh thật dữ dội như trời long chuyển đất.

Lũ đệ của hắn cũng hứng chí lên thúc kiếm quang đánh thật dữ.

Mãnh hổ nan địch quần hồ, Không Không sư tổ tuy là một tay ghê gớm trong đời, nhưng cũng khó thắng được cả một lũ tặc đảng như vậy. Người dùng thuật ngự phong bay lơ lửng tít trên không và phóng kiếm khí đánh giạt cả mấy chục luồng kiếm quang của kẻ địch rồi bay nhanh đi.

Ma Phong Tử thấy Không Không đi, hắn cùng lũ đệ trở vào trang.

Lục Yêu Tử có ý mừng nói :

- Sư huynh đánh thắng được Không Không thì sư huynh là tay vô địch trong đời này rồi.

Ma Phong Tử gạt đi và bảo :

- Hiền đệ chớ vội ngông cuồng. Ta nào hơn được Không Không. Chẳng qua nhờ lợi thế và đông người mà thắng hắn, chứ ta còn kém hơn hắn vận phần. Từ nay các hiền đệ phải đóng cửa trang luyện tập thần công kiếm côn thêm. Ta phải qua Tây Tạng để luyện thêm đạo pháp. Nếu Không Không sư tổ có đến hành hung thì các ngươi nên bảo người chờ ta về sẽ hay. Không lẽ bậc đạo pháp cao diệu như hắn mà đi giết hại lũ ngươi mà sợ. Ai không nghe lệnh ta mà ra đời cùng chúng hiệp khách gây sự thì ta sẽ không nhận người ấy là nghĩa đệ và đuổi ra khỏi trang ngay, các người nên nhớ lời ta.

Ma Phong Tử nhìn Linh Quang Tử rồi nói :

- Hiền đệ là người khôn ngoan điềm tĩnh, xét việc hơn người. Hiền đệ nên xem chừng lũ tiểu đệ chớ cho chúng ngông cuồng mà sinh sự.

Nói xong ngài vẫy tay áo dùng thuật ngự phong bay vút lên ngàn mây và đi thẳng.

* * * * *

Nhắc lại Công Tôn đại sư theo lệnh của Linh Hư thần động xuống đời làm việc nghĩa để tránh những tai hại về sau.

Trải bao ngày tháng người lăn lộn trang đời để làm việc, vừa tìm kiếm Thanh Y để thâu tập Bí Thư Tiên Kiếm về, nhưng vẫn không gặp đứa trò yêu.

Công Tôn thầm thương xót Thanh Y tài còn non kém mà đã ra đời làm việc nghĩa, sau này tránh sao khỏi hiểm nguy.

Ông định gặp Thanh Y sẽ điểm hóa thêm cho chàng và bảo chàng phải luyện tập thêm đạo pháp.

Hôm nay Công Tôn tình cờ lạc bước đến vùng Thiểm Tây thì trời đã tối mịt. Người tìm vào một quán rượu và gọi tửu bảo lấy thức ăn và rượu ra.

Tình cờ Công Tôn nhìn thấy trước bàn mình có Vạn Thánh Vân và Xuyên Vân Yến Khách.

Hai người không nhận được Công Tôn vì người thay dạng đổi hình để không ai nhận ra mình được mà gây sự oán thù.

Công Tôn nhìn qua bàn bên hữu, thì thấy Cổ Đầu Tăng đang ngồi uống rượu với Thần Phong Tử, ông thất sắc nghĩ thầm:

“Hai tên quái tặc này sao lại có mặt nơi đây kìa. Xuyên Vân Yến Khách và Vạn Thánh Vân sư huynh không thấy nó sao? Nếu họ vô tình thì nguy mất. Kẻ oán thù nhau sao lại ngồi trong một quán mà êm lặng như thế này”.

Công Tôn đưa mắt nhìn quanh thì thấy nơi góc quán có hai vị quái tăng, mặt mũi cực kỳ hung dữ, người dường như ở Tây Tạng thì phải. Hai vị tăng ấy xem có vẻ là tay đạo pháp ghê gớm lắm.

Công Tôn đại sư nghĩ thầm: “Nếu Vạn sư huynh và Xuyên Vân Yến Khách không biết kẻ thù bên mình thì nguy cho họ lắm”.

Công Tôn ngồi ăn như thường, nhưng bỗng ông thổi nhẹ về phía bàn của Vạn Thánh Vân một hơi. Vạn Thánh Vân và Xuyên Vân Yến Khách đang bưng ly rượu lên mồm bị luồng gió quái ác kia làm rượu sóng lên và tạt ra ngoài. Hai người cả giận quay nhìn lại thì thấy Cổ Đầu Tăng và Thần Phong Tử.

Vạn Thánh Vân cả giận cau mày, trợn mắt toan xông lại vật chết kẻ thù vì tưởng chúng dám trêu ghẹo mình, nhưng Xuyên Vân Yến Khách ấn vào chân ông nên ông ngồi yên đưa mắt nhìn quanh.

Thấy hai vị quái tăng ngồi cạnh đấy, Vạn Thánh Vân có ý ngại hắn là đồng đảng của kẻ thù, người ngồi im, trí lo nghĩ phải lầm sao hạ kẻ địch cho được..

Cổ Đầu Tăng và Thần Phong Tử đã thấy Vạn Thánh Vân và Xuyên Vân Yến Khách nên hai người toan trị kẻ nghịch rồi. Đến lúc thấy trận gió lạ nổi lên và Vạn Thánh Vân quay lại trợn mắt thì Cổ Đầu Tăng đã toan đứng dậy cho kẻ thù một trận, nhưng Thần Phong Tử ra hiệu cho hắn ngồi im vì Thần Phong Tử đoán chừng có người tài ẩn núp đâu đấy bảo vệ cho Vạn Thánh Vân.

Số là hôm Hạc nhi, Thanh Y và Tuyết Hoa Nương đến phá Bách Điển tự của Cổ Đầu Tăng, lấy danh nghĩa Linh Hư Đạo Đức dọa hắn sợ và đốt quách Bách Điển tự đi.

Cổ Đầu Tăng trở về chùa hôm sau thì chùa chỉ còn một nắm than vụn. Bao nhiêu công trình của hắn đều tiêu tan cả.

Cổ Đầu Tăng biết sức mình không sao cự nổi với Linh Hư Đạo Đức nên giải tán lũ môn đồ và bỏ đi. Tình cờ gặp Thần Phong Tử cũng bị bọn đại đồ đệ của Linh Chân Đạo Đức đánh cho một phen kinh hồn.

Cả hai cùng chạy sang Tây Tạng và cầu cứu hai vị lão quái tăng sang để trả thù Linh Hư và Linh Chân. Đến Thiểm Tây cả hai vào quán ăn và gặp ngay Vạn Thánh Vân và Xuyên Vân Yến Khách.

Cổ Đầu Tăng toan xông vào đả cho kẻ thù một trận nhưng hai lão quái tăng bảo hắn nên bình tĩnh, cứ vào quán và làm như không quen biết nhau để xem bản lãnh hai người ấy đến đâu.

Vạn Thánh Vân vừa uống rượu vừa đề phòng sự xảy ra, còn Xuyên Vân Yến Khách tuy ngại bọn kia còn đông vi cánh, nhưng ông vẫn coi thường kẻ nghịch.

Xuyên Vân Yến Khách tài nghệ còn trên Vạn Thánh Vân một bậc. Người là tay hiệp khách cao diệu nhất trong thời bấy giờ và là một đại đồ đệ của Linh Chân sư tổ.

Tài người quỷ khốc thần kinh so với Công Tôn người còn hơn gấp mười, về các môn thần công, kiếm thuật, quyền bổng, vận khí, phi đằng người đều tuyệt giỏi.

Xuyên Vân Yến Khách tài nghệ gần xấp xỉ với thầy một mười một tám. Vì thế nên anh hùng trong thiên hạ đều nể mặt người. Cả đời, ông chỉ đi làm việc nghĩa, giết bỏ kẻ tham quan ô lại, trừ thổ hào ác bá cứu giúp dân lành.

Danh tiếng của ông khắp mặt anh hùng đều kính nể.

Bỗng lão quái tăng đầu bướu đưa mắt cho lão kia tức thì lão kia mỉm cười vuốt mớ tóc ra hiệu cho Cổ Đầu Tăng gây sự.

Cổ Đầu Tăng nhìn Thần Phong Tử rồi từ từ đứng lên tiến lại bàn của Vạn Thánh Vân. Hắn chống tay nhìn hai người rồi nói :

- Xuyên Vân Yến Khách, Vạn Thánh Vân. Chúng ta là kẻ quang minh chánh đại nghĩa oán thù đều rõ rệt. Ta cùng bọn ngươi không đội chung trời. Ta quyết cùng bọn bay giao đấu một phen còn mất.

Xuyên Vân Yến Khách cười dòn đáp :

- Ta xin theo lời người, nhưng ngươi và lũ ta giao đấu một chọi một hay là bọn ngươi còn rủ thêm người nữa.

Cổ Đầu Tăng cười dòn nói :

- Ta còn nhớ bọn ngươi ngày xưa kéo cả lũ đến áp đảo ta. Ngày nay ta sẽ cùng bọn mi đối địch. Xong đâu đấy ta sẽ đích thân đến để đấu với Linh Hư và Linh Chân trị tội hắn không biềt dạy học trò.

Vạn Thánh Vân tánh nóng như lửa đốt, người nghe kẻ địch chạm đến thanh danh sư phụ mình liền quát lớn :

- Cổ Đầu Tăng, tài trí mi là bao mà dám chạm đến các bậc tiền bối. Ta đã mấy lần tha chết cho mi. Nhưng lần này ta quyết chẳng dung tình nữa.

Nói xong, thanh Dương Hồng kiếm trong tay người bay ào đến đầu Cổ Đầu Tăng như một quả núi sa.

Cổ Đầu Tăng đứng tấn và rút phắt thanh báu đao ra đỡ.

Choang một tiếng kinh hồn, hai món binh đao khí chạm vào nhau tóe lửa lên. Cả hai đều gờm sức mạnh nhau.

Vạn Thánh Vân quát to lên một tiếng và dùng một thế kiếm tối độc trong bài Phong Sa kiếm thích vào yết hầu Cổ Đầu Tăng một mũi kiếm.

Cổ Đầu Tăng toát mồ hôi, hắn nhảy lui lại thì lưỡi Dương Hồng đã bay ào đến, khí thế như vũ bão khiến Cổ Đầu Tăng phải vung tròn thanh báu đao cản lại.

Vạn Thánh Vân thấy trong quán chật chội liền dồn Cổ Đầu Tăng ra cửa và hai người nhảy xuống sân cùng đem hết tài nghệ ra tranh đấu.

Ngồi trên tầng gác quán nhìn xuống xem hai người tranh đấu, Thần Phong Tử nghĩ thầm: “Ta phải ra tay cho rồi”.

Hắn đứng lên và bảo Xuyên Vân Yến Khách.

- Sư đệ ta và sư đệ ngươi đã giao chiến, chúng ta cũng nên phân một trận mất còn.

Nói xong hắn nhảy xuống sân tuốt kiếm ra chờ. Xuyên Vân Yến Khách nhảy theo xuống, toàn thân của người chưa chấm đất thì một thế kiếm như vũ bão đã vụt xuống đầu Thần Phong Tử.

Thần Phong Tử dùng tận lực bình sanh đỡ nhát kiếm đầu, hắn lo sợ nghĩ thầm: “Thằng Xuyên Vân Yến Khách quả nhiên lợi hại phi thường. Ta phải hạ độc thủ trước là hơn”.

Nghĩ vậy hắn đem bài Nam Sơn thần kiếm ra biểu diễn. Bài Nam Sơn thần kiếm là bài kiếm của Nam Thái chế ra, thật lợi hại vô cùng, lúc thoạt đông thoạt tây biến nam hóa bắc, dưới trên không hở một ly nào.

Thật là một bài kiếm vô cùng tối diệu, so với bài Phong Sa kiếm của phái Bắc còn có phần cao diệu hơn.

Xuyên Vân Yến Khách thấy Thần Phong Tử dùng bài kiếm tối độc ấy, ông nghĩ thầm: “Thằng này ghê gớm thật, mới giao chiến đã toan hạ độc thủ, nhưng ta nào sợ nó. Đã vậy ta thử xem nó làm gì ta được”.

Nghĩ vậy Xuyên Vân Yến Khách đảo thanh kiếm nhanh vun vút như gió thổi, thác tuôn tránh cả những thế độc hiểm của kẻ địch.

Thần Phong Tử thấy không làm gì đựợc kẻ địch liền quát lên một tiếng như sấm dậy ngang trời, vung kiếm thành thế Long Xà Hỗn Chiến chém vèo nhát kiếm vào nách Xuyên Vân và đợi Xuyên Vân nhảy lên tránh là hắn biến sang thế Phật Tử Thượng Thiên nhảy vèo theo đâm vút lưỡi kiếm lên hạ bộ của Xuyên Vân Yến Khách.

Công Tôn ngồi xem, ông khiếp hãi rụng rời sợ e Xuyên Vân Yến Khách khó mà thoát khỏi thế tối độc kiếm đó, nhưng trong vòng nguy hiểm Xuyên Vân tỉnh táo lạ thường, ông lộn nhào đầu trở xuống và dùng hết sức lia kiếm đỡ.

Choang một tiếng nghe rợn người, hai lưỡi báu kiếm thế mà lúc ấy cong lại như hai chiếc vòng cung.

Cả hai hoảng sợ nhảy vọt ra ngoài để nán thẳng kiếm lại rồi nhảy vào giao chiến kịch liệt.

Riêng Cổ Đầu Tăng càng đánh với Vạn Thanh Vân hắn càng kém thế vì tài nghệ hắn còn non hơn nhà kiếm khách một chín một mười, Cổ Đầu Tăng có phần ngại mình sẽ bị thua vì Vạn Thánh Vân đang cơn giận, ông hăng hái như con hổ đói xổ chuồng.

Cổ Đầu Tăng đang đánh bỗng nảy ra mật kế, hắn vờ lâm vào thế hiểm độc tràn mình nhảy ra, nhưng Vạn Thánh Vân đã phóng chân đá trúng vai hắn làm hắn té nhào ra xa.

Nhanh như mèo chụp chuột, Vạn Thánh Vân nhảy vút tới chiếu lưỡi kiếm ngay yết hầu kẻ địch, nhưng mũi kiếm ông còn ở xa thì hai mũi phi tiêu như hai luồng hắc quang bay vút đến cổ họng ông.

Vạn Thánh Vân là tay bản lĩnh kinh hồn mà lúc ấy cũng toát mồ hôi, ông vội cúi rạp xuống né tránh thì luôn một lượt ba luồng hắc quang nữa bay vụt đến nhanh như chớp.

Vạn Thánh Vân kinh hồn khiếp vía vội đảo kiếm gạt được ba ngọn tiêu và toan nhảy ra ngoài thì nhanh như điện chớp Cổ Đầu Tăng nhảy đến đâm vút lưỡi kiếm vào hạ bộ.

Vạn Thánh Vân thét lên một tiếng nhảy vút lên cao và rút luôn ba mũi phi xoa phóng trở xuống.

Cổ Đầu Tăng chao mình trở lên toan chém Vạn Thánh Vân, nhưng hắn hoảng hốt vội đưa kiếm lên gạt vì ba mũi phi xoa bay vút xuống.

Luôn một hơi ba mũi phi xoa bay xuống nữa, Cổ Đầu Tăng đỡ không kịp bị một mũi cắm vào vai, hắn nhảy ra ngoài vòng chiến thì Vạn Thánh Vân quát to lên :

- Tên ác tặc, mi đánh ta bằng cách hèn mạt. Bây giờ mi biết tài ném ám khí của mi còn xoàng chưa.

Cổ Đầu Tăng tuy bị phi xoa ghim vào vai, nhưng hắn không sao cả, chỉ đau đớn một chút mà thôi, hắn hăng máu xông vào chém Vạn Thánh Vân loạn đả và phóng phi kiếm lên.

Vạn Thánh Văn thấy Cổ Đầu Tăng dùng đến kiếm quang người không dám coi thường liền phóng thanh Dương Hồng lên nghênh địch.

Thần Phong Tử thấy vậy cũng nhảy ra vòng chiến và phóng kiếm quang xuống đánh Xuyên Vân Yến Khách khí thế dữ dội.

Xuyên Vân Yến Khách vội nhảy lùi và phóng kiếm quang lên đánh lại.

Thật là một trận đấu kiếm ghê hồn. Kiếm quang lấp lánh hào quang làm dân chúng quanh vùng khiếp sợ.

Xuyên Vân Khách và Vạn Thánh Vân còn đang điều khiển kiếm quang, quyết hạ cho được kẻ địch thì bỗng lão sư cổ quái bước ra hành lang và quát to lên :

- Vạn Thánh Vân, Xuyên Vân Yến Khách tài nghệ các ngươi còn non lắm. Ta đến để lấy đầu bọn mi đây. Liệu mà giữ hồn.

Nói xong lão quái tăng trỏ tay lên trời tức thì năm tiếng nổ kinh hồn phát lên, năm luồng tử quang tóe muôn đạo hào quang khí thế hùng vĩ như trời long đất lở chém vút xuống đầu Vạn Thánh Vân và Xuyên Vân Yến Khách...

* * * * *

Hai vị hiệp khách hiện hình bị kiếm quang vây đánh bất ngờ, hai người kinh hồn hoảng vía vội phóng thêm mỗi người hai luồng kiếm nữa để chống đỡ và nhìn xem kẻ nào đánh mình mà có tàí ghê gớm như vậy.

Thấy lão sư đầu bướu, Vạn Thánh Vân hơi lo ngại nghĩ thầm: “Tên này là ai mà tài tình ghê gớm như vậy. Phen này ta nguy mất rồi”.

Ông vận khí Thiên Cương thôi thúc ba luồng kiếm chống trả thật dữ dội.

Còn Xuyên Vân Yến Khách tuy lo ngại, nhưng cũng không sợ cho mình mà chỉ lo cho Vạn Thánh Vân liền bảo :

- Hiền đệ mau mau chạy đi. Ta ở lại một mình cự với tên quái tăng này rồi chạy theo sau. Ở lại chỉ khốn mà không ích gì.

Vạn Thánh Vân thấy cơ nguy sắp đến, mình có ở lại cũng không làm sao cự nổi thà chạy quách đi cho đỡ vướng Xuyên Vân Yến Khách vì người hơn tài ông gấp bội, vả lại đến bước cùng là ông tẩu thoát cũng khó lòng mà theo kịp.

Vạn Thánh Vân chuyển thần lực phóng kiếm đánh mấy đạo kiếm của kẻ địch không cho xâm phạm vào mình và thu kiếm về và dùng thuật phi đằng chạy vụt đi.

Nhưng lão quái tăng ngồi trên thượng lầu vung tay ào một cái tức thì một luồng kiếm quang bay nhanh hơn gió thổi ào ào đến chắn trước mặt Vạn Thánh Vân chém tới tấp làm ông không sao chạy được.

Sợ nguy mất tính mệnh ông phải phóng thanh Dương Hồng lên ngăn đỡ nhưng luồng hồng quang không địch nổi luồng xích quang của lão quái tăng mặt râu nên chỉ trong vài giây là cơ nguy của Vạn Thánh Vân đã đến.

Ông phóng cả hai kiếm nữa lên nghênh địch, nhưng lão quái tăng vận khí Thiên Cương và thổi nhẹ một cái tức thì luồng kiếm của lão to rộng và dữ dội gấp mười lần đánh rạt ba đạo kiếm của Vạn Thánh Vân và chém xuống đầu ông tới tấp.

Vạn Thánh Vần kinh hồn ông vội chay đến bên Xuyên Vân Yến Khách để dựa vào nhau mà tranh đấu cho tiện.

Xuyên Vân Yến Khách một mình mà đương cự với Cổ Đầu Tăng, Thần Phong Tử và lão quái sư đầu bướu nên cơ nguy của ông cũng sắp đến, nhưng tài năng ông là bậc ghê gớm phi thường nên ông cầm cự được. Đến lúc thấy Vạn Thánh Vân bị nguy ông thất kinh nghĩ thầm: “Ta dù sao còn chạy thoát được, chứ Vạn Thánh Vân khó mà chạy khỏi. Âu là ta mang hết cả tài lực ra một còn một mất với lũ này cho Vạn đệ chạy đi cho rồi”.

Nghĩ vậy ông lấy trong người ra ba quả phi đạn ném nhanh về phía bọn địch làm họ phải nhảy tránh, thừa cơ ông rút thanh Dương Quang kiếm dùng tận lực phóng lên đánh giạt luồng xích quang của lão quái sư râu xồm.

Nhờ vậy mà Vạn Thánh Vân mới chao mình nhảy ra dùng kiếm độn trốn chạy.

Lão râu xồm kia cả giận nhảy ra toan rượt theo, nhưng Xuyên Vân Yến Khách phóng kiếm đánh tới tấp làm lão phải mất vài ba phút đương cự thì bóng hình của Vạn Thanh Vân đã khuất trong ngàn mây.

Lão quái tăng đầu bướu thấy Xuyên Vân Yến Khách một mình như vậy, lão cả giận quát to lên :

- Sư huynh và hai hiền điệt mau thu kiếm về để một mình ta đối phó với tên này.

Lão quái tăng râu xồm thu kiếm nhảy ra ngoài còn Cổ Đầu Tăng và Thần Phong Tử cũng ra khỏi vòng chiến, xem lão tăng đầu bướu trổ tài lực.

Bấy giờ lão tăng đầu bướu bảo Xuyên Vân Yến Khách :

- Nãy giờ ta đùa với ngươi, nhưng ngươi nên liệu giữ lấy đầu vì ta không còn thì giờ chơi với mi nữa.

Xuyên Vân Yến Khách cả giận quát mắng :

- Tên quái tăng khốn nạn kia. Ta đường đường là một vị hiệp khách há sợ mi sao? Ta chỉ khinh bọn mi ỷ mạnh hiếp yếu. Nào có thuật gì lạ thử xem sao, chứ ta xem năm luồng tử quang của mi là trò trẻ.

- À ra mi xem thường nó à? Ta sẽ cho mi xem nó ra sao?

Nói xong lão quái tăng thổi phù vào năm đạo tử quang tức thì một tiếng nổ vang trời chuyển đất nổi lên năm luồng tử quang kết lại như một quả núi khí thế dữ dội bay xuống đầu Xuyên Vân Yến Khách.

Nhà hiệp khách quay luồng Dương Quang kiếm lên cự địch, nhưng luồng kiến của ông vừa chạm đến luồng tử quang thì dội lại như muốn tan đi, còn ông đứng không vững nữa.

Bây giờ Xuyên Vân Yến Khách mới kinh sợ, ông biết sức mình khó chống cự lâu, liền đem hết hơi sức điều khiển thanh Dương Quang kiếm và ba luồng kiếm kia cự lại để thừa cơ trốn thoát vì ông tin tài phi đằng của mình trong đời có một.

Nhưng sau vài phút nữa ông thấy cơ nguy đã đến gần lắm rồi. Thanh Dương Quang kiếm là một vật chí báu mà lúc ấy bị bè tử quang đánh chìm xuống không phương vẫy vùng được.

Xuyên Vân không hiểu lão quái tăng ấy vào hạng người gì mà tài tình ghê gớm như vậy. Hắn có lẽ tài tình còn trên cả thầy mình nữa. Nếu vậy thật nguy cho chúng anh hùng nếu lão giúp bọn Cổ Đầu Tăng gây rối cho dân lành.

Nhưng nếu mà Xuyên Vân Yến Khách biết rõ tên tuổi của hai vị quái sư ấy thì ông đã chạy lâu rồi.

Hai lão quái sư ấy là hai vị cao tăng giỏi nhất bên Tây Tạng trong thời bây giờ, một người tên Ma Vương Hỗn Thủy một người tên Ngũ Sơn lão quái. Tài nghệ của họ vô cùng ghê gớm quỷ khốc thần kinh, danh vang cả thiên hạ.

Nay vì quá nghe lời bọn Cổ Đầu Tăng và Thần Phong Tử nên mới đến đây gầy sự với Xuyên Vân Yến Khách cùng hai vị Linh Hư và Linh Chân.

Thế cùng lực tận Xuyên Vân Yến Khách biết mình có chống cự thì chỉ thêm hại, ông lấy trong người ra một nắm phi đạn và ném vào người Ma Vương Hỗn Thủy Tăng.

Ghê gớm cho tài kinh thiên của vị quái tăng, tài ném phi đạn của Xuyên Vân xưa nay ghê gớm trong đời mà không ra gì đối với lão cả. Phi đạn bay ào đến gần lão là bay tan ra ngoài như có một bức tường gió vô hình thổi rạt phi đạn ra ngoài.

Lão thét to :

- Xuyên Vân Yến Khách con, chớ mong chạy thoát đâu. Ma Vương Hỗn Thủy này nào có oán thù gì với bọn ngươi mà lão Linh Hư, Linh Chân sư phụ, sư bá của người đòi lột da ta, khinh nhờn ta quá lắm. Bọn ngươi thật quá lắm. Ta không trừng trị ngươi thì sao cai trị được bọn môn đồ trong xứ ta.

Nghe lão quái tăng đầu bướu xưng tên, Xuyên Vân Yến Khách hồn phi phách tán, ông nghĩ thầm: “Chao ôi! Ta làm sao cự nổi với con người ghê gớm này. Chi bằng ta chạy là hơn”.

Nghĩ vậy nhưng ông làm sao hở tay mà chạy được. Năm luồng tử quang của lão quái tăng lấp lánh quanh mình như tường đồng vách sắt vây bọc ông vào giữa.

Nhưng lúc đó lão quái tăng bỗng thét lớn :

- Xuyên Vân Yến Khách. Nếu ngươi quỳ lạy bạn ta mà xin lỗi thì ta sẽ lấy lượng từ bi mà tha cho tội chết. Ta không nỡ giết chết một kẻ như hạng học trò ta.

Xuyên Vân cả giận quát to lên :

- Lão khốn. Ta đường đường là một vị anh hùng, há nghe theo lời khốn nạn của lũ ngươi. Ta dù chết quyết chẳng chịu nhục.

Nói xong ông vung tay dùng Chưởng Tâm Lôi đánh mạnh vào mặt Ma Vương Hỗn Thủy.

Không ngờ Xuyên Vân Yến Khách liều lĩnh như vậy. Ma Vương Hỗn Thủy vội phất tay áo dùng phép phản phong cản bật Chưởng Tâm Lôi lại và quát to :

- Mi muốn chết cũng được. Xem kiếm quang ta lấy đầu mi.

Nói xong lão trợn mắt thổi vào mấy luồng kiếm tức thì năm đạo tử quang nổ ầm ầm và sa xuống như năm quả núi.

Luồng Dương Quang kiếm của Xuyên Vân Yến Khách mờ lại như một sợi chỉ và như sắp tan đi, còn hai luồng kiếm kia nổ to lên và tan tành như tro bụi.

Công Tôn đại sư ngồi xem từ đầu đến giờ, ông khen thầm Xuyên Vân Yến Khách quả là một tay can trường.

Đến lúc thấy ông sắp nguy nên Công Tôn không còn chần chờ nữa, ông nhảy xuống và rút thanh Ngũ Lôi thần kiếm ra, nhảy xổ vào chuyển thần công gạt bắn năm luồng tử quang ra một bên và quát lớn :

- Ma Vương Hỗn Thủy, ngài là một bậc vô thượng cớ sao lại nghe lời bọn Cổ Đầu Tăng mà toan giết một bậc anh hùng trong thiên hạ.

Ma Vương Hỗn Thủy và chúng tặc giật mình không hiểu người mới đến là ai mà lợi hại như vậy. Cả bọn định thần nhìn kỹ lại, nhưng không ai nhận ra Công Tôn đại sư cả.

Công Tôn thấy năm luồng tử quang vẫn cứ vây chặc mình liền hét to lên :

- Hẳn khoan cho ta nói rồi sẽ giao đấu cũng chưa muộn.

Ma Vương Hỗn Thủy tánh nóng như lửa có khi nào chịu cho kẻ địch đến thuyết mình, hắn quát mắng :

- Tên khốn nạn kia. Muốn chết thì lão sư cho mày chết luôn thể.

Nói xong ông thúc kiếm quang vây chặc quanh người Công Tôn đại sư và Xuyên Vân Yến Khách như vách sắt tường đồng.

Công Tôn biết khó giảng hòa được, ông đành phải cự địch liền bảo Xuyên Vân Yến Khách :

- Xuyên Vân đại huynh nên thu Dương Quang kiếm về cho mau kẻo bị hại. Đệ sẽ cho bọn chúng biết tay một phen.

Nóí xong Công Tôn đại sư phóng thanh Ngũ Lôi thần kiếm lên. Mọt tiếng nổ vang trời chuyển đất nổi lên, một vầng hắc khí như một vầng đen lớn bay vút lên xô bật năm luồng tử quang lên cao, tiếng kiếm chạm vào nhau ngân lên nghe rùng rợn ghê hồn.

Xuyên Vân Yến Khách tưởng đâu mình sẽ chết về tay Ma Vương Hỗn Thủy, nhưng thình lình có người đến giúp như vậy ông vui mừng khôn kể. Đến khi thấy kiếm quang người ấy phóng lên ghê gớm vô cùng, thanh Dương Quang kiếm bị đà gíó hút theo như sắt tan ra, vội vàng thu về và kinh hồn tự nhủ: “Người này là ai. mà tài tình ghê gớm như vậy. Sao lại gọi ta bằng đại huynh và xưng là đệ. Việc này thật quái lạ”.

Nghĩ vậy ông nép sau Công Tôn đại sư và trông sự thế.

Ma Vương Hỗn Thủy thấy năm luồng tử quang của mình như sắp tan đi, ông thất kinh không biết kẻ địch là hạng người nào mà tài nghệ vô cùng ghê gớm như vậy. Ông vận khí Thiên Cương thôi thúc năm luồng tử quang để chống lại thì ầm ầm tiếng nổ như tan trời lở đất, luồng hắc khí đánh vỡ tan mấy luồng tử quang như tro bụi.

Ma Vương Hỗn Thủy kinh hồn khiếp hãi, ông không ngờ trên đời có kẻ giỏi như vậy, thật là thế gian hiếm thấy. Lúc đó vầng hắc khí nổ ầm ầm trên không rồi to rộng vô cùng sa xuống ngay đầu ông.

Ma Vương Hỗn Thủy không đám chần chờ vội hé miệng phun ra ba luồng thanh quang cực kỳ to lớn, lòe hào quang rực rỡ cản luồng hắc khí lại.

Công Tôn đại sư thấy ba luồng thanh quang này vô cùng ghê gớm chứ không tầm thường như năm luồng tử quang vừa rồi, ông liệu khó hơn vì lão Ma Vương hãy còn vị sư huynh bên ngoài mà Công Tôn thầm đoán lão kia tài nghệ còn ghê gớm nữa, liền bảo Xuyên Vân Yến Khách :

- Xuyên Vân đại huynh mau mau rời khỏi nơi này. Đệ ở lại một mình là đủ rồi.

Nói xong ông vận khí Thiên Cương thổi vào luồng hắc khí tức thì thanh Ngũ Lôi thần kiếm nổ ầm ầm như sấm chuyển đè bẹp ba luồng thanh quang của Ma Vương Hỗn Thủy và đánh tan đi mất một luồng.

Xuyên Vân Yến Khách biết mình ở lại cũng vô ích nên hỏi nhanh :

- Tôn ông là ai?

Công Tôn nói mau :

- Đệ là hàng em của đại huynh. Sau này sẽ hay.

Nói xong người dùng sức mạnh thúc kiếm đánh tan hai luồng thanh quang của kẻ địch.

Ma Vương Hỗn Thủy hồn siêu phách lạc, hắn gầm lên một tiếng uất ức và trong lỗ mũi hắn hai luồng thanh quang khác bay ra lòe hào quang sáng rực cả một góc trời cản luồng hắc khí lại, khí thế thật kinh hồn.

Công Tôn không dám khinh thường, ông biết hai luồng kiếm này là trong nội tâm của Ma Vương phóng ra, đấy là hắn dùng hết tài lực. Ông bèn vận khí phóng thanh Ngũ Lõi đánh lại thật dữ dội.

Ngũ Sơn lão quái đứng bên ngoài ngẩn ngơ với kẻ mới đến vì không biết kẻ ấy là ai mà tài tình siêu việt như vậy. Ma Vương Hỗn Thủy là tay kiệt liệt trong đời mà còn phải khiếp hãi thay.

Tình thế không thể dừng được, Ngũ Sơn lão quái nhảy tới và nạt lớn :

- Tên vô danh kia, hãy xem Ngũ Sơn lão quái lấy đầu mi đây.

Nói xong từ trên mí mắt của lão quái tia ra hai luồng bạch quang như sợi chỉ, nhưng khi lên không thì nó lớn rộng không biết bao nhiêu, ầm ầm lên thành một vùng bạch khí như muốn át hết cả luồng hắc khí.

Công Tôn đại sư thấy Ngủ Lôi thần kiếm không vùng vẫy được, người nổi giận nghĩ thầm: “Ngũ Lôi thần kiếm của ta không thắng nổi hai vị cao tăng này thì ta làm sao chiếm địa vị tột cùng của kiếm thuật. Ta phải hiển lộng thần kiếm đánh bọn chúng tơi bời một phen cho anh hùng trong thiên hạ phải khiếp phục”.

Nghĩ vậy Công Tôn đại sư ngửa mặt lên không vận khí Đan Điền và bước đến hai mươi bốn bước, tay bắt quyết Ngũ Lôi thổi phù vào luồng hắc khí vội quát lên :

- Kiếm thần sao không diệt kẻ địch, còn đợi chừng nào.

Lạ thay luồng hắc khí bị luồng thanh quang và bạch quang vây phủ tưởng không vùng vẫy được nào ngờ khi Công Tôn quát lên như vậy tức thì nó to lớn thêm ra và nổ ầm ầm như sấm chớp như lửa điện lòe lên khí nóng bay ra mấy dặm.

Trong phut chốc Ngũ Lôi thần kiếm đè bẹp hai luồng kiếm kia và sắp phá tan tành đi.

Đến bây giờ Ngũ Sơn lão quái, Ma Vương Hỗn Thủy mới biết sợ cho tánh mạng. Ngũ Sơn lão quái không dám chậm trễ liền phóng thêm một đạo kiếm cuối cùng lên.

Thật kinh hồn cho đạo pháp của vị cao tăng ấy. Luồng kiếm ấy lão ít khi dùng.

Ngũ Lôi thần kiếm tuy lợi hại phi thường, nhưng Công Tôn chưa đủ sức điều khiển nó, vả lại người mới luyện nên, chưa quen cách phóng ra và những kinh nghiệm khi chinh chiến với kẻ ghê gớm nên không lấn áp được Ngũ Sơn lão quái.

Bây giờ lão quái mới hiển lộng thần uy, lão quay mình một vòng tức thì lãnh khí bay ra ào rào như xô ngã được Công Tôn. Hắn giữ quyết và dùng Chưởng Tâm Lôi đánh ầm ầm như sấm xuống đầu Công Tôn.

Công Tôn luyện được Ngũ Lôi thần kiếm là nhờ may mắn được đức Thái Hư Chân Quân ban cho tập Bí Thư Tiên Kiếm. Nhờ vậy ông mới ngang nhiên kháng cự với những kẻ trên tài sư phụ ông, nhưng so về tài quyền thuật tối điệu, phép phản phong vận khí và pháp Chưởng Tâm Lôi thì nào ông có bằng ai.

Vì vậy nên khi bị kẻ địch xoay về phía ấy tấn công ông là Công Tôn không địch lại. Ông vội xoay Ngũ Lôi thần kiếm về bảo vệ mình chứ không còn dám phóng kiếm tung hoành nữa.

Ngũ Sơn lão quái là một vị cao tăng đạo pháp đến bậc cao diệu nên không nhận thấy chỗ đó.

Ông thấy lối tiến thoái của Công Tôn không phải là tay siêu việt. Tài nghệ ấy đối với ông chỉ là trò trẻ, nhưng ông không hiểu sao Công Tôn lại có tài phóng kiếm ghê gớm như vậy...

Giá trong tay ông có thanh báu kiếm ấy thì ai mà địch nổi.

Nghĩ vậy ông dùng hết bản lĩnh để hạ Công Tôn.

Ông vẫy tay một cái tức thì ba luồng tiêu quang bay vèo đến yết hầu Công Tôn, nhưng may mà Ngũ Lôi thần kiếm bao bọc quanh người Công Tôn như vách sắt tường đồng nên người mới khỏi nạn.

Công Tôn thấy hai vị cao tăng dùng đến ám khí, phép phản phong và Chưởng Tâm Lôi là ông biết nguy. Ông liền lộng hết tuyệt kỹ bắt quyết Ngũ Lôi thần kiếm to rộng ra như một bức tường dài chắn ngang mình rồi đánh rạt kẻ địch về một bên và thu kiếm lại chạy như bay biến.

Ngũ Sơn lão quái và Ma Vương Hỗn Thủy không dám đuổi theo, cả hai quay nhìn lại thấy Cổ Đầu Tăng và Thần Phong Tử đứng chết trân như tượng đồng.

Bây giờ lão quái tăng mới lên tiếng :

- Hai hiền diệt sau đứng như vậy. Kẻ kia bỏ chạy rồi.

Cổ Đầu Tăng lạ lùng nói :

- Kính thưa nhị vị sư phụ. Tên vô danh này chưa hề có trong làng võ thuật ở nước đệ tử. Không biết nó là ai ở đâu xuất hiện mà tài nghệ nó ghê gớm như vậy. May nhờ nhị vị sư phụ trừng trị nó. Nếu không thì lũ đệ tử tất phải chết về tay nó.

Ma Vương Hỗn Thủy lắc đầu nói :

- Ta xem tên này tài nghệ còn non lắm, mà sao nó lấy đâu được thanh kiếm ghê gớm như vậy. Ta tưởng trên đời này không còn thanh kiếm nào báu hơn nữa. Hay là..

Vị quái tăng nói đến đây rồi không nói nữa.

Còn Ngũ Sơn lão quái cũng nhìn Ma Vương Hỗn Thủy như tán đồng lời nói ấy.

Cổ Đầu Tăng và Thần Phong Tử không hiểu hai người muốn nói gì nhưng không tiện hỏi nên đành im lặng.

Thế là cả bọn quái tặc đành nuốt hận bỏ đi, mang theo sụ kinh hồn vỡ mật không còn dám dương dương tự đắc nữa.

Nhắc lại Công Tôn đại sư bỏ chạy đi, người ngại bọn kia đuổi theo nên dùng kiếm bay nhanh như gió cuốn.

Nửa giờ sau người vượt qua không biết bao nhiêu rừng núi, đến lúc quay nhìn lại không thấy ai nên người mới hạ xuống đất thì thấy trời đang đã gần tối rồi.

Người nhìn quanh thì thấy chỗ mình đứng là một hòn núi hoang vu bên cạnh núi là một hồ rộng mênh mông nhưng không một bóng thuyền nào qua lại..

Công Tôn còn đang nghĩ ngợi tại sao vùng này đẹp đẽ như thế này mà dân cư không có, ông ra mé hồ để rửa mặt thì bỗng nhiên dưới mặt hồ muôn cây sóng nổi lên, nước bắn tung lên như có vạn cơn vũ bão.

Vừa lúc ấy một hơi tanh hôi lạ thường bay đến và nước hồ bỗng bắn lên cao tia thành luồng lên không và úp chụp xuống mình ông.

Công Tôn đại sư bỗng thấy mình lâm vào tình trạng ấy ông giật mình kinh sợ vội dùng phản phong đánh rạt những vòi nước cuốn mình đi nơi khắc, nhưng muôn vạn tia nước khác lại bay đến ào ào như đem cả hồ nước mênh mông đổ xuống đầu ông, phép phản phong của ông không chống nổi.

Công Tôn kinh hãi, ông độ chừng dưới hồ có loài thủy quái nào ghê gớm gây ra phong ba như thế.

Ông liệu sức mình khó chống liền dùng thuật phi đằng nhảy ngay lên chỏm núi thì nghe xa xa chiêng trống ầm ầm, xung quanh vùng hồ nước đèn lửa sáng rực...

Ông độ chừng loài thủy quái hành hung nên dân chúng ở đây đốt lửa để dọa chúng và đánh cồng la chiên trống cho chúng sợ.

Công Tôn nổi giận nghĩ thầm: “Hồ đẹp thế này mà không thấy người lai vãng, dân chúng phải di cư xa bờ hồ như vậy là tại loài thủy quái này. Ta phải trừ bỏ nó cứu giúp dân lành mới được”.

Ông dùng phép phản phong đánh xuống bờ như chọc giận loài thủy quái cho chúng nổi lên vì ông biết chúng ở dưới nước thì ghê gớm lắm.

Nếu chúng lên bờ còn có cơ trừ được vi mình thấy rõ nó.

Quả đủng như ý nghĩ của Công Tôn, ông làm như thế tức thì con mãng xà to lớn nổi lên khỏi một nước và quăng mình đến phía ông nhanh như chớp.

Nó đi đến đâu cây cối ngã rạp cả vì sức tàn phá ghê gớm của nó.

Công Tôi nhìn thân hình to lớn của con mãng xà, ông kinh hồn lẩm bẩm :

- Loài thủy quái to lớn thế kia. Thảo nào nó làm sóng gió to lớn như vậy.

Ông vác ngay một tảng đá thật to và nhắm đúng đầu con mãng xà ném mạnh một cái.

Con mãng xá bị đá ném trúng, nó tức giận quẩy đuôi rầm rầm tức thì cây cối gãy ra như bị bão, đá cát bay tứ tung. Nó phun khí đen như mực về phía Công Tôn đại sư và quăng mình lên như một quả núi chụp xuống đầu...

Công Tôn đại sư cả giận quát lên một tiếng, ông rút phắt thanh Ngũ Lôi thần kiếm dùng tận lực chém vút lên một phát.

Quả là một thanh kiếm báu thế gian hiểm thấy. Thanh Ngũ Lôi thần kiếm vừa ra khỏi vỏ đã bốc lên một luồng khí nóng đánh rạt cả khí độc của mãng xà và bay ào ào lên như một luồng vũ bão.

Mãng xà bị nhát kiếm ấy, nó mang thương tích nặng liền quẩy ầm ầm. Nó hăng máu nhảy dựng lên phun khí độc ra ào ào tanh bôi lạ thường.

Công Tôn vội quậy tròn thanh Ngũ Lôi quanh mình để cản độc khí thì vừa lúc ấy nước hồ bắn tung lên, một con mãng xà to lớn có phần hơn con trước nhảy lên khỏi mặt nước và phóng mình như bay đến quật Công Tôn.

Công Tôn nhảy vút lên đỉnh núi, ông biết nếu không dùng tận lực thì khó mong toàn thân được. Ông vội phóng thanh Ngũ Lôi thần kiếm lên không, tức thì tiếng nổ ầm ầm như sấm dậy, một luồng hắc khí bay ào xuống khí thế vô cùng dữ dội.

Mãng xà là thứ sống lâu năm nên nó tinh khôn lạ thường, thấy Ngũ Lôi thần kiếm chúng phóng mình xuống hồ nhanh như tên.

Công Tôn bắt quyết Ngũ Lôi và quát to :

- Thần kiếm sao không trổ uy còn đợi chừng nào.

Một tiếng nổ vang trời chuyển đất, thanh Ngu Lôi bay ào xuống chém phăng mãng xà đứt làm hai khúc. Chúng vùng vẫy ầm ầm làm cây cối ngả nghiêng, đá cát bay mù mịt.

Công Tôn quay kiếm chém lần nữa thì mãng xà đứt hẳn đầu ra, khúc mình nó lăn lộn một lúc mới nằm im hẳn.

Bấy giờ Công Tôn thở phù một tiếng, ông thu kiếm về, vuốt mồ hôi trán và dùng thuật phi hành tiến về phía có ánh đuốc sáng trời.

Thấy Công Tôn đi đến tráng đinh trong xóm vung dao gậy ra thét lớn :

- Ai đấy? Đứng lại ngay!

Công Tôn dừng lại vái chào mọi người.

Thiên hạ nhìn chằm chập vòo Công Tôn như sợ hãi.

Bây giờ Công Tôn đại sư mới lên tiếng :

- Thưa quý vị. Tôi từ ở xa đến đã vì quý vị ở thôn này mà trừ bỏ loài thủy quái. Hiện nay xác nó còn bỏ lại nơi chân núi bên bờ hồ kia.

Mọi người chú mắt nhìn ông như không tin lời ấy.

Một tráng sĩ có vẻ khỏe mạnh bước đến trước mặt Công Tôn và nói :

- Ngài đã vì thôn trang mà trừ bỏ loài thủy quái, chúng tôi cảm đội vô ngần. Nhưng chẳng hay ngài có trừ nó chắc không?

Công Tôn mỉm cười nói :

- Các ngài không tin cứ đến chân núi kia thì rõ.

Mọi người le lưỡi lắc đầu không ai dám đi cả.

Công Tôn thấy tình thế ấy ông bật buồn cười liền chạy bay đến chân núi lôi một thân mãng xà về ném xuống sân thôn làm mọi người rú lên.

Khi thấy mãng xà quả thật đứt đoạn người ta mới dám đến gần xem. Các bô lão trong thôn chạy đến trước Công Tôn đại sư vái dài, kính cẩn thưa :

- Đa tạ lão anh hùng ra tay cứu giúp thôn trang chúng tôi. Chúng tôi đội ơn đức ngài vô cùng. Xin ngài vui lòng về tệ trang dùng với lão phu chén rượu nhạt.

Công Tôn đói khát nên ông nhận lời ngay.

Thế là một lúc sau Công Tôn nghiễm nhiên là thượng khách của trang họ. Mọi người trong thôn nghe tin vị anh hùng trừ được loài thủy quái nên kéo đến trang trưởng xem mặt Công Tôn..

Trang trưởng bưng chén rượu mời Công Tôn và kính cẩn nói :

- Kính mời lão anh hùng uống với chúng tôi chén rượu mừng. Dân chúng trong thôn tôi đội ơn đức ngài như trời bể cao rộng.

Công Tôn hỏi :

- Mãng xà quấy nhiễu ở hồ này lâu mau rồi mà không có người trừ diệt nó.

Trang trưởng cúi đầu thưa :

- Nguyên hồ này tên hồ Bách Điệp. Xung quanh hồ toàn là cây điệp cả. Hồ là một nơi nhiều cá ngon nên dân chúng quanh vùng sống với nghề đánh cá trong hồ mà được ấm no. Nhưng từ mấy tháng nay nước hồ bỗng nhiên nổi sóng ầm ầm, nhận đắm thuyền thương hồ và làm mất tích mấy chục thuyền chài cá, khiến dân chúng không dám léo hánh đến hồ Bách Điệp nữa. Nhưng nào đã được yên, loài thủy quái lại thỉnh thoảng lên bờ hồ và làm cây cối nhà của gần hồ tan tành, bắt người và thú vật mang đi cả.

Tráng đinh vì sợ cho dân chúng trong thôn, nên mỗi khi mãng xà làm nổi sóng để lên bờ là họ đốt đuốc sáng lòe và đánh chiên trống hò reo ầm lên cho mãng xà không đến được.

Các vị hiệp sĩ nhiều vị đi ngang đây đã có đến khu trừ thủy quái, nhưng đều bị nó giết cả. Không một ai đi mà về được.

Nay Công Tôn trừ được mối hại ấy trách nào mà dân chúng không vui mừng sung sướng.

Trang trưởng thay mặt dân chúng tiếp đãi ông. Còn dân chúng mở hội ăn mừng. Họ rủ nhau ra kéo xác mãng xà về làm thịt để đánh chén trả thù nó đã làm hại bao nhiều dân lành vô phúc.

Thế là từ đó thôn Bách Điệp và hồ Bách Điệp được yên ổn. Dân lành lại vui vẻ làm ăn như xưa.

Ai ai cũng ca tụng công đức của Công Tôn đại sư như trời bể.
Bình Luận (0)
Comment