Quân Tống vốn dĩ không có nhiều kỵ binh như vậy, đây đều là kỵ binh của Tây Hạ. Bộ binh của nước Tống thiên hạ vô địch, viễn chinh đến tận chân thành U Châu đánh cho sáu lộ viện binh của quân Liêu không còn manh giáp, chỉ là động lực ý chí không đủ, không có cách nào tiêu diệt triệt để quân địch, mở rộng thành quả chiến thắng, không thể nắm được thế chủ động trên chiến trường.
Ngày nay đột nhiên có thêm lượng lớn kỵ binh được huấn luyện kỹ càng tinh nhuệ, ưu thế của ta địch không có, ưu thế của địch ta lại có, lần này bắc phạt kết quả như thế nào thật khiến người ta trông đợi. Cho dù vừa mới bại trận nhưng ít nhất các văn nhân sĩ tử vẫn giữ cái nhìn rất lạc quan đối với trận chiến lần này. Đường lớn ngõ nhỏ, câu lan tửu quán thường có thể nghe thấy bọn họ tính toán về phần thắng của Dương Hạo trong lần ngự giá thân chinh này.
Đương nhiên, nếu như trận này thất bại thì e rằng sự tổn thất nghiêm trọng nhất đối với Trung Nguyên không phải về mặt vật chất, mà là về mặt tinh thần, từ nay về sau tướng lĩnh Trung Nguyên đều sẽ khiếp sợ người Liêu, sợ rằng sẽ không có can đảm để dụng binh với Bắc triều lần nữa.
Trên sông Biện Lương, thuyền bè đi lại tấp nập không nghỉ, sông Biện nhờ công sức của Triệu Quang Nghĩa mà hình thành một đội chuyên vận chuyển quân lương, giờ thêm Đường gia không tiếc của cải ủng hộ, đóng thêm một số lượng lớn thuyền bè, đủ để đảm bảo quân lương cho quân đội Bắc phạt và các nhu cầu vận chuyển khác.
Một chiếc thuyền nhỏ nhẹ nhàng lướt trên sông Biện, đèn của Nhất Tiếu Lâu rọi xuống lòng sông tạo nên những mảnh vỡ loang loáng.
Cửa sau của Nhất Tiếu Lâu mở, vài người đi ra, phía trước là hai người hầu cầm đèn, ở giữa là ba người thân hình thon thả có lẽ là ba thiếu nữ trẻ. Trời đột nhiên có tuyết rơi nhẹ, cô nương đứng bên liền giương ô che lên đầu cho cô nương dáng vẻ uyển chuyển vai mang áo choàng ở giữa.
Mấy người bước lên thuyền, sào chèo thuyền vừa đưa thuyền liền khẽ lay động rồi rời bờ, nhẹ nhàng trôi tới nơi xa.
Cô nương dưới ô lúc nãy đứng ở mũi thuyền quay đầu hướng mắt về Nhất Tiếu Lâu đang đèn hoa sáng rực như chốn tiên cảnh, ngẩn ngơ mà nhìn một lúc lâu, rồi sau đó lại quay đầu nhìn theo hướng hoàng cung.
Nhìn được một hồi lâu, người đẹp nơi mũi thuyền khẽ thở dài, lặng lẽ cúi đầu xuống.
Tuyết bay lất phất giữa trời, nhẹ nhàng chạm vào da mặt lành lạnh, nhưng trên mặt đất lại tuyệt đối không thấy dấu vết gì.
Con thuyền nhỏ vẫn tiếp tục lặng lẽ chạy về phía nam.
Quân đội bắc phạt nối đuôi nhanh hành quân không dứt, bất kể ngày đêm. Vừa rồi lại có một đội quân đi qua, khoảng hơn năm nghìn người toàn bộ đều là kỵ binh, người nào người ấy khôi giáp chỉnh tề, đao gươm sáng loáng.
Đội quân này tuy số lượng lớn nhưng xem tình hình thì chỉ là quân tiên phong, vì bọn họ đi qua chưa được bao lâu thì lại có một đội quân hỗn hợp lớn nối nhau hành quân đi qua không dứt. Lúc này là đêm khuya, quân đội đã bắt đầu xuất phát, đợi đến khi trời sáng, lão bách tính sau một đêm ngủ dậy mở cửa ra chỉ thấy đoàn quân hành quân từ đêm qua vẫn chưa đi hết. Hướng đầu nhìn về phía trước là một nhóm bộ binh, không mặc áo giáp, tay không cầm vũ khí, trông rất kỳ lạ, theo sau họ là một đội xe bò, cũng không biết là đang chở thứ gì.
Đi ngay theo sau là một đội kỵ binh, cũng không mặc áo giáp, trên người chỉ mặc áo vải. Cưỡi trên những con ngựa cao to lực lưỡng, là loại bảo mã cao hơn chiến mã của Trung Nguyên đến một cái đầu, đi chầm chậm rất là nhàn nhã, cứ như không phải đi đánh trận mà là đi du sơn ngoạn thủy, ngay phía sau họ cũng là một đoàn xe bò chở đầy thứ gì đó, bên trên đều được đậy kín không biết là thứ gì.
Lão bách tính chỉ cảm thấy kỳ lạ mà không biết hai đội quân này chính là đội quân thiết kỵ và mạch đao danh trấn Tây Vực của Dương Hạo. Nước Liêu cũng nổi tiếng về kỵ binh, lần này Dương Hạo quyết tâm Bắc phạt, sao có thể không đem theo thứ vũ khí mạnh hơn họ một bậc này.
Vừa mới đăng cơ đã ngự giá thân chinh, hơn nữa còn lên ngôi bằng phương thức thiền nhượng vậy là đã dám bỏ kinh thành lại đằng sau lưng, điều này thể hiện tự tin có thể khống chế đế quốc Đại Tống của Dương Hạo, cũng khiến cho thần dân thiên hạ thấy được khí phách của hắn.
Triệu Phổ, Lô Đa Tốn, Đinh Thừa Tông ở lại để duy trì việc triều chính. Triệu Phổ và Lô Đa Tốn vốn là tể tướng của nước Tống đối với cơ cấu chính trị quốc gia cũng như quan lại trên dưới đều nắm rõ như lòng bàn tay. Trong hai người họ bất cứ một người nào ở lại cũng đủ để duy trì sự vận hành bình thường của đất nước huống hồ là cả hai người. Trước đây giữa hai người cũng có tranh quyền đoạt lợi, đấu đá lẫn nhau nhưng ít nhất hiện tại bọn họ tuyệt đối sẽ đồng tâm hiệp lực, cùng duy trì tốt sự vận hành của đất nước.
Trong thời gian đầu này, không thể tránh có những chức quan còn đang để trống, hai vị lão tể tướng được phục hồi chức cũ, rất nhiều cựu thần cũ vì có liên quan tới họ mà bị bãi chức nay cũng được phục chức lại. Những người này được phục chức dưới tay Dương Hạo đương nhiên sẽ phục vụ Dương Hạo.
Dương Hạo giao đất nước vào tay hai vị tể tướng cũ cho thấy sự tín nhiệm đối với họ. Hành động này một mặt khiến cho văn võ bá quan yên lòng, một mặt có thể nhanh chóng ổn định cục diện khôi phục lại trật tự, cũng khiến hai vị tể tướng bắt buộc phải xây dựng lại bè phái.
Dương Hạo lên ngôi chưa lâu nhưng đã bắt đầu vô thức sử dụng đế vương tâm thuật. Cái gọi là đất nước không kết bè kết phái, quan lại trên dưới không ai quan tâm tới thượng cấp mà một lòng trung thành với hoàng đế, Dương Hạo tuyệt đối không có cách nghĩ ngây thơ đáng buồn cười đó. Làm thủ lĩnh bấy lâu hắn đã dần dần ngộ ra rằng, không chia bè kết phái là điều không thể, có bè phái không có cái lợi ngắn hạn nhưng lại có cái lợi lâu dài. Tiếp tục vận hành như vậy chẳng bao lâu hai vị lão tể tướng đồng bệnh tương lân sẽ ngày càng phụ thuộc vào hắn.
Còn Đinh Thừa Tông ở Biện Lương nhiệm vụ chủ yếu là trấn an Ba Thục, lôi kéo nghĩa quân Vương Tiểu Ba, ngoài ra thì vai trò duy nhất của hắn là khiến Triệu Phổ và Lô Đa Tốn có phần kiêng dè mà làm việc chăm chỉ.
Lý Kế Long đã dâng tấu thể hiện lòng trung với Dương Hạo, tuy là có muộn hơn so với các quan viên khác.
Triều đình đã đổi chủ, hai vị tể tướng tiền triều đều quy thuận Dương Hạo, Triệu Nguyên Tá cũng bố cáo thiên hạ tuyên bố nhường ngôi, địch quân phía Bắc lại áp sát giương mắt hổ lên mà nhòm ngó, đứng ở vị trí của Lý Kế Long tuy là tay nắm trọng binh nhưng thực sự là vô cùng xấu hổ.
Tin truyền ngôi ở Đông Kinh truyền đến chưa lâu thì hắn nhận được thánh chỉ của Dương Hạo, khen ngợi biểu hiện của hắn trong trận đánh với quân Liêu, còn ban thưởng, đề bạt hắn làm thái tử Thiếu Bảo, lệnh cho hắn tiếp tục trấn thủ biên ải, đợi đại quân của triều đình tới cùng hợp lực mà phản công quân địch.
Tiếp theo thì thư của Tào Bân, Phan Mỹ và một số hảo bằng hữu trong quân cũng lần lượt được gửi đến chỗ hắn. Sau đó thì người nhà của Lý gia tới, biết được tỷ nô vẫn là thái hậu, uy quyền nhà họ Lý vẫn không hề bị giảm sút. Đứa cháu hoàng đế vô dụng kia tuy bị phế truất nhưng cũng được phong làm Hạo Vương, thông thường mà nói, được phong đến công tước đã là đủ rồi, phong đến chức vương quả thật là gia ân.
Lý Kế Long cũng là người sáng suốt, nhưng đối mặt với tình huống này cũng không biết nên làm thế nào?
Muốn làm phản? Hắn có thể đi đâu, trừ khi là đầu quân cho bắc triều. Huống hồ tuy hắn không biết Tào Bân, Phan Mỹ đồng thời với việc gửi thư cho hắn thì đã dặn dò tâm phúc nếu như hắn có ý làm phản thì lập tức giết bỏ. Nhưng cũng biết bản thân mới trở thành thống soái, chưa có căn cơ gì trong quân đội, hắn là thần tử của hoàng thượng, trong tay cầm là ấn soái tướng sĩ đương nhiên là nghe lệnh hắn, nếu như hắn làm phản sẽ có bao nhiêu người nguyện đi theo hắn, đó cũng là một vấn đề.
Lúc này kẻ địch trước mặt của Lý Kế Long chính là quân chủ lực của Da Luật Hưu Ca, áp lực mà hắn phải chịu quả thật không nhỏ.
Dương Hạo ngự giá thân chinh, chẳng bao lâu nữa sẽ tới, những tướng Đại Tống như Tào Bân, La Khắc Địch, cùng với ba tướng của Tây Hạ là Thác Bạt Hạo Phong, Trương Sùng Nguy, Ngải Nghĩa Hải đã tới Nhạn Môn Quan, Dương Hạo thân chinh đem theo các tướng Dương Kế Nghiệp, Đồng Vũ, Lý Hoa Đình cùng đội kỵ binh và cấm quân do Phan Mỹ thống lĩnh.
Dương Hạo vẫn còn nhớ, trong lịch sử. Dương Kế Nghiệp tại trận Nhạn Môn Quan chủ động xuất binh dụ địch, kết quả trúng phải mai phục của quân Liêu mà mất mạng, Phan Mỹ thân làm chủ soái sau khi đến giờ đã hẹn mà không thấy Dương Kế Nghiệp trở lại đã ra lệnh rút quân, từ đó mà bị oan. Cuốn "Dương gia tướng diễn nghĩa" của người đời sau đã biến Phan Mỹ từ một danh tướng khai quốc trở thành một kẻ cơ hội thăng tiến nhờ quan hệ, chuyên hãm hại trung lương.
Dương Hạo tuyệt đối không hy vọng dẫm phải vết xe đổ đó, luận đến phong cách dùng binh, không ai có thể bì kịp Tào Bân. Cho nên hắn phái Tào Bân đi Nhạn Môn Quan, còn mình thì đích thân cũng với hai tướng còn lại đánh tới Bôn Đông thành.
*
* *
Về phía Liêu Quốc xem ra không khí vẫn rất nhộn nhịp, đầu tiên là đại thắng đánh cho ba mươi vạn đại quân Tống không còn manh giáp, sau đó thì đến hoàng đế của nước Tống ngự giá thân chinh cũng chết trên đường tháo chạy. Tin tức truyền đến, cả nước Liêu vô cùng phấn chấn, ca hát gõ trống ăn mừng. truyện được lấy tại TruyenFull.vn
Người Hán ở U Vân mười sáu châu còn sáng tác một bài hát, chế giễu quân Tống lúc tới thì khí thế ầm ầm, mà lúc về trốn chui như chuột chạy.
Những người Hán đó sống ở Bắc triều đã lâu, lão bách tính ai cho họ cuộc sống an lành thì họ sẽ bảo vệ người đó, những thứ như quan niệm dân tộc chẳng thể coi như cơm mà lấy ra ăn, cũng chẳng đem lại lợi lộc gì. Bọn họ không quan tâm hoàng đế họ Triệu hay họ Da Luật, hoặc những người đọc sách lúc ngâm thơ ngắm trăng cứ lôi cố hương minh nguyệt ra mà nói nhưng đến lúc nước sôi lửa bỏng lại chẳng thấy đâu. Hiện giờ Bắc triều đối xử với họ không tệ, chính trị rõ ràng, địa vị của người Hán cũng ngày càng nâng cao. Cũng có khoa cử, cũng có thể vào triều làm quan, luật pháp cũng nghiêm cấm chuyện kỳ thị người Hán, bọn họ còn có gì không thỏa mãn?
Ngày tết ở Liêu Quốc, Tiêu Xước lập tức luận công ban thưởng, có tội thì phạt, thưởng phạt phân minh. Tiếp theo quân Liêu thừa thắng xông lên, Tiêu Xước đích thân dẫn theo ấu chúa tới Nam Kinh U Châu đôn đốc chuyện vận lương, trận tiền nghênh địch thì giao cho Đại Vu Việt Da Luật Hưu Ca, thể hiện ý chí nhất định phải báo thù người Tống thậm chí là đánh chiếm cả phía Nam.
Còn về phía Thượng Kinh, trải qua mấy bận thanh trừ đẫm máu, lại đang vào dịp tết, bà ta không nghĩ ra còn có thể xảy ra chuyện gì, còn có vấn đề gì nữa chứ? Mấy năm nay giết người còn ít hay sao? Ai còn có cam đảm mà ra mặt, toàn bộ tinh lực của nàng ta đều đặt cả ở phía trước.
Da Luật Hưu Ca ở phía trước cũng đang phấn chấn tinh thần, dốc hết tâm sức. Đại trượng phu xây dựng đại nghiệp lưu danh sử sách, ngày hôm nay nếu không nắm lấy cơ hội thì còn chờ lúc nào?
Da Luật Hưu Ca điều binh khiển tướng, tiến công dần từng bước, cũng lúc này cận vệ quân, Hàn Lỗ Đóa quân và Thiết Lâm quân cũng tập hợp tinh nhuệ tạo thành một đội quân chủ lực hơn tám vạn người, trở thành quân tinh nhuệ nhất sẽ trực tiếp đánh bại quân Tống. Lý Kế Long lui về trấn thủ Định Châu, cho quân chặn các ngả. Quân trấn thủ Định Châu chỉ có hơn mười vạn người, hầu hết đều là bộ binh, cũng có một đội kỵ binh, quân trang phòng bị còn tốt hơn Thiết Lâm quân của quân Liêu nhưng đội quân này của Tống quá ít, đây có thể coi là đội kỵ binh chủ yếu của Tống, tính cho tròn thì cũng chỉ có một nghìn người.
Lý Kế Long luôn tìm cơ hội phản công, sau khi nghe được tin Dương Hạo ngự giá thân chinh, hắn liền từ bỏ ý định tiến công toàn lực phòng thủ, đợi quân chủ lực của Dương Hạo. Nhưng trong chiến trận, từ bỏ mảnh đất nào, tử thủ mảnh đất nào, nhất định chiếm được mảnh đất nào cần phải suy nghĩ cẩn trọng. Tuy trông có vẻ như rất tùy tiện nhưng thật ra tất cả đều nằm trong kế hoạch chuẩn bị phản công.
Uy danh của hắn không phải được xây dựng trên nền của thành công mà là trên nền của thất bại. Một trận đại bại, quân Tống hoàn toàn đổ vỡ, bỏ chạy khắp phía, duy chỉ có quân của hắn và La Khắc Địch là không bị rối loạn, hơn nữa còn có thể lợi dụng địa hình để mai phục, yểm hộ cho đại quân rút lui, tránh được thương vong, từ đó mà thành danh.
Nhưng sau đó Lưu Đình Nhượng trúng kế bị mai phục, hắn lại "thấy chết không cứu", ngược lai nhất định lui binh khiến quân của Lưu Đình Nhượng bị tắm máu, cuối cùng Lưu Đình Nhượng chỉ dẫn được mười mấy kỵ binh chạy thoát. Tuy hắn dâng tấu giải thích rằng không lâu sau các binh sĩ trốn thoát lần lượt bẩm báo có chứng cứ rằng Da Luật Hưu Ca đích thực là lấy Lưu Đình Nhượng ra làm mồi nhử để dẫn đại quân vào mai phục, được Lưu lão tướng quân lượng thứ nhưng trong lòng Lý Kế Long vẫn rất khó chịu.
Hắn hy vọng có thể thắng một trận, đánh bại Da Luật Hưu Ca để trả thù rửa hận.
Phát binh từ Biện Lương, Dương Hạo tới Nhạn Môn Quan sớm hơn Tào Bân một bước, sau khi dựng trại thì cho gọi Lý Kế Long tới bàn đại sự. Lý Kế Long sau khi sắp xếp ổn thỏa chuyện phòng ngự ở Định Châu, chỉ dẫn theo mười mấy thân binh cưỡi ngựa đến tham kiến tân hoàng đế.
Đến trước doanh trại nhìn thấy cờ bay phấp phới, quân doanh kéo dài đến mười dặm, đại quân hùng hậu, Lý Kế Long bất giác phấn chấn vô cùng, đặc biệt trong quân đâu đâu cũng nhìn thấy tuấn mã to lớn khiến hắn không thể dời mắt. Tự đáng thương cho chức quốc cữu của hắn, nắm quân tinh nhuệ ngoài biên cương vậy mà kỵ binh chỉ có chưa tới một nghìn, giờ nhìn khung cảnh trong doanh trại vạn mã kêu hí hoành tráng biết chừng nào. Như thế này thì không bao giờ còn phải lo về chuyện thua kém ngựa chiến so với quân Liêu nữa.
Lần đầu tiên gặp Dương Hạo trong lòng Lý Kế Long rất thấp thỏm, hắn chậm trễ dâng tấu thể hiện lòng trung lại mang thân phận quốc cữu của cựu vương, không biết vị quan gia này sẽ có thái độ thế nào với hắn. Tuy nhiên thái độ của Dương Hạo khiến mọi nghi hoặc của hắn lập tức tiêu tan. Dương Hạo tuy không ra khỏi trại đón hắn, nhưng sau khi gặp thì thái độ hòa nhã. Vừa rồi nhìn thấy khí thế đại quân của Dương Hạo lại nhìn thấy Phan Mỹ cũng ở đó, Lý Kế Long hoàn toàn không cho rằng đây là kế hoãn binh không muốn lâm trận đổi tướng của Dương Hạo.
Hắn ở Định Châu, quân chẳng qua chỉ có hơn vạn người, coi là tâm phúc lại chẳng có ai, với quân đội hùng mạnh của Dương Hạo căn bản không cần kiêng kỵ chuyện lâm trận đổi tướng.
Cho dù có kiêng kỵ thì cũng phải xem đối phương là ai, nếu như muốn giải quyết hắn thì chỉ cần để Phan Mỹ ra tay. Dựa vào uy tín bao nhiêu năm qua trong quân đội của Phan Mỹ, thống lĩnh cấm quân biên ải, tuyệt đối tốt hơn hắn, hơn nữa còn không làm ba quân mất đi sĩ khí.
Giờ nhìn thấy thái độ chân thành của Dương Hạo tất cả sự dè chừng của Lý Kế Long đều biến mất, trở nên thoải mái hơn, chúng tướng cùng nhau thảo luận việc quân, Lý Kế Long đem tình hình địch quân ra thuật lại chi tiết, không sót tiểu tiết nào.
Sau khi thuật lại xong tình hình quân địch, Lý Kế Long nói: "Quan gia, quân Liêu trước nay ỷ vào kỵ binh hùng mạnh, di chuyển thần tốc, bắt nạt bộ binh chúng ta chậm chạp, khiến chúng ta chỉ có thể lấy trận pháp để nghênh địch. Lúc nãy thần vào doanh nhìn thấy quân ta chiến mã vô số, giờ công thủ đều dễ dàng, thần xin làm tiên phong, dẫn quân đánh bại bắc triều".
Dương Hạo sau khi nghe tả lại tình hình quân địch, thì trầm ngâm suy nghĩ, nghe hắn xin được ra trận thì nhẹ nhàng lắc đầu nói: "Khanh gia, nghe ngươi nói về động tĩnh của quân địch, thì chúng vẫn luôn tiến quân từ từ. Cho dù mấy ngày trước triều ta cử hành nghi lễ truyền ngôi thì cũng không có hành động gì bất thường?".
Nói đến truyền ngôi, Dương Hạo rất thản nhiên, Lý Kế Long ngược lại có chút không tự tại, hắn hơi bối rối gật đầu nói: "Đúng là như thế".
Mặt Dương Hạo thoáng qua chút kỳ lạ, lẩm bẩm: "Lẽ nào... Trung Nguyên có biến, Bắc triều vẫn chưa biết?".
Lời vừa nói ra, Dương Kế Nghiệp và Phan Mỹ đều giật mình, Lý Kế Long sau một hồi kinh ngạc cũng tỉnh ngộ ra, hai mắt lộ ra vẻ rạng rỡ: "Cơ hội, có vẻ đã đến rồi!".
Đồng Vũ nhíu mày ngập ngừng hỏi: "Có thể như vậy sao? Việc lớn như thế, Bắc quốc giờ lại chưa có động tĩnh gì?".
Dương Hạo đáp: "Phản ứng của người Liêu đến nay, trẫm chỉ có thể phỏng đoán thôi, còn chân tướng thực sự, có lẽ chưa thể biết được Bắc triều có cho rằng việc thay vua đổi chúa sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến cục biên ải hay không, tuy nhiên... Nếu đã có khả năng đó, ta sẽ thử xem sao".
Hắn cũng thực quá tin tưởng vào phán đoán của mình, quay lại phía Lý Kế Long hỏi: "Phía nước Liêu, tình hình ra sao rồi?".
Lý Kế Long đáp: "Mấy ngày này, thần đã giáp đánh với người Liêu hơn mười trận, còn tình hình của chúng, thần thực không nắm rõ. Xét từ tình hình thăm dò được, quân chủ lực của người Liêu ở Định Châu khoảng hai mươi vạn, chủ soái là Da Luật Hưu Ca. Từ những lần giao chiến trước, nhìn cờ hiệu xuất ra của địch ta có thể biết, tướng lãnh thống binh còn có Hàn Khuông Tự, Tiêu Can, Da Luật Ngân Đức, Tiêu Thát Lẫm...".
Dương Hạo "ừm..." một tiếng rồi lại hỏi tiếp: "Vậy phía Thượng Kinh nước Liêu tình hình thể nào?".
Lý Kế Long hơi chút kinh ngạc, thầm nghĩ: "Ta là tướng trấn thủ biên ải, có thể thăm dò được tình hình cơ bản của địch trong thời gian ngắn như vậy là đã tận sức lắm rồi. Phía Thượng Kinh nước Liêu tình hình ra sao, ta sao biết được chứ?".
Mặc dù trong lòng kinh ngạc nhưng Lý Kế Long vẫn đàng hoàng đáp: "Sau khi rút binh, thần đóng quân tại biên ải, điều binh khiển tướng cốt ngăn chặn địch xâm phạm, nên không dám lơ là chiến sự, còn về tình hình Thượng Kinh thần không thể biết được".
Dương Hạo mỉm cười nói: "Ngươi không biết nhưng trẫm lại biết, thái hậu và hoàng đế nước Liêu đã đích thân đến U Châu trấn thủ Nam Kinh, đôn đốc Da Luật Hưu Ca chiến đấu".
Lý Kế Long kinh ngạc: "Nói vậy, lần này Bắc triều đã cho là thật, không nghĩ là chỉ phản kích đơn thuần nữa rồi, họ muốn U Châu đại thắng, lại muốn xuất quân đánh một trận đại chiến. Thần vốn dự tính, đợi khi mưa tuyết nặng hạt, Bắc triều sẽ trì hoãn thế tấn công, Liêu đế đích thân tọa trấn Nam Kinh xem ra khó mà hữu hảo được".
Dương Hạo gật đầu, trong lòng đã đoán định được phần nào. Lý Kế Long không hề biết Tiêu thái hậu đã tới U Châu, như vậy Da Luật Hưu Ca không biết Triệu Nguyên Tá vừa đăng cơ đã nhường ngôi hoàng đế, tiếp đó Dương Hạo hắn không ngừng mà tiến quân thẳng tới biên ải, chuyện đó cũng không phải không có khả năng.