Cẩm Chướng Xanh Xin Đừng Tàn

Chương 17

Một khi xác định được tình cảm của chính mình, tôi liền tìm cơ hội nói rõ ràng với Tuệ Nhi. Tôi không thể tiếp tục lừa mình dối người nữa.

Tôi đến nhà Tuệ Nhi, bố mẹ em rất chu đáo. Mẹ Tuệ Nhi bận rộn vào trong bếp để cùng người giúp việc nấu cơm tối. Bố em chỉ lên tủ kính trong phòng, khảng khái nói với tôi.

– Hôm nay anh đến, tôi với anh phải uống hết một bình rượu quý.

Tuệ Nhi giận dỗi nhưng tôi biết, cô ấy chỉ là đang giả vờ như vậy.

Nếu như trước, cảnh tượng này có bao nhiêu tốt đẹp thì lúc này lại biến thành trêu người. Tôi không xứng đáng để được đối xử tốt như vậy.

Tôi đứng bật dậy, nói với Tuệ Nhi

– Tuệ Nhi, có thể nói chuyện với em một lát được không?

– Có chuyện gì hai đứa để sau nói không được à? – Bố của em đẩy gọng kính trên sống mũi.

– Cháu có chuyện quan trọng.

Tuệ Nhi và tôi lên phòng của em. Tôi nói lời chia tay. Tôi bảo mình đã suy nghĩ thật kĩ trước khi quyết định.

Cô ấy đầu tiên là sửng sốt, rồi thất vọng và tức giận. Tuệ Nhi hỏi tôi vì sao.

– Là lỗi của anh. Anh không tốt.

Tuệ Nhi khóc. Tôi chỉ có thể đứng yên, liên tục xin lỗi, liên tục nói rằng tôi không xứng đáng. Nhưng tôi có thể làm gì đây? Nếu như tôi tiếp tục mối quan hệ với Tuệ Nhi, làm đám cưới, sống chung, điều đó có nghĩa là tôi chỉ đang lừa dối cô ấy. Tôi không thể ôm Tuệ Nhi trong khi tâm tư, tình cảm lại dành cho một người khác.

Tôi là người rất cố chấp. Khi tôi không hề dành tình cảm đặc biệt cho Chính Đông, tôi có thể thẳng thắn thừa nhận. Khi tôi không thể coi như chưa từng rung động với Chính Đông, tôi biết mình phải chia tay với Tuệ Nhi, giải thoát cho cả hai chúng tôi.

– Em xứng đáng với một người tốt hơn tôi.

Tôi biết, nếu không có tôi, Tuệ Nhi có thể tìm được một người yêu cô ấy. Cô ấy thông minh như vậy, xinh đẹp như vậy, dịu dàng như vậy. Có bao nhiêu người ngoài kia thầm thích Tuệ Nhi.

Tôi để cho Tuệ Nhi đánh mắng mình. Tôi không chống trả. Tôi đứng yên để cô ấy trút giận.

Tuệ Nhi cay độc nói:

– Hà Ngạo Quân, một ngày nào đó, anh sẽ phải hối hận. Ngay cả khi anh quỳ trước mặt tôi, tôi cũng sẽ không tha thứ cho anh.

Tôi cười khổ.

Nếu quả thực có ngày đó, tôi là cam tâm tình nguyện chấp nhận.

Sau ngày đó, tôi mới biết những điều Tuệ Nhi nói là như thế nào.

Từ con rể quý của luật sư nổi tiếng, được đắc cách vào làm ở bệnh viện lớn nhất Bắc Kinh, không ai dám động vào, chỉ qua một đêm, những đặc quyền đó biến mất như thể chưa từng tồn tại.

Mọi người ở bệnh viện bàn tán về tôi. Nói tôi hám danh, nói tôi vong ơn bội nghĩa, nói tôi bạc tình.

Tôi không được giao cho công việc gì quan trọng, bị đối xử như một tay sinh viên y khoa gà mờ mới ra trường. Môi trường bệnh viên là vậy, cho dù bạn có ra trường với tấm bằng xuất sắc đi nữa nhưng nếu như bạn không có chống lưng cũng không có kinh nghiệm, thì bạn chỉ là đồ bỏ. Tôi không trông chờ vào việc người ta sẽ cho tôi cầm dao mổ, nhưng tôi suốt một tháng hoàn toàn không học được cái gì, ngoài đi dọn vệ sinh bệnh viện, chăm sóc bệnh nhân, đi lau thi thể và trực bệnh viện vào ban đêm.Có lần phải làm cả ngày ở bệnh viện. Đến đêm, có người bắt tôi trực. Rốt cuộc, tôi phải chống đỡ suốt 48 tiếng đồng hồ thức trắng.

Ở trong bệnh viện, tôi chỉ có thể chọn: một là nhàn rỗi cả ngày, hai là bận đến nỗi không còn thời gian để thở.

Điện thoại hết điện, tôi không có cách nào khác là phải chạy ra bốt điện thoại công cộng ngoài bệnh viện để gọi điện. Đầu dây bên kia nhấc máy, tôi im lặng. Tôi giờ vẫn không biết phải đối mặt với tình cảm thật sự của chính mình, đối mặt với Chính Đông như thế nào.

Giống như người mở ra cánh cửa cấm, nhìn xung quanh là sương mù bao phủ không thấy đường đi, tôi không khỏi cảm thấy hoang mang và lo sợ.

Nhưng lúc này, chỉ cần nghe giọng của Chính Đông là tốt rồi.

– Ai đấy? Nếu không nói gì tôi cúp máy nhé.

Chính Đông hình như không còn kiên nhẫn.

– Chính Đông. Anh đây. Em có khỏe không?

Tôi nghe thấy giọng mình khàn khàn cất lên.

Có lẽ, tôi biết mục đích của mình khi trở thành bác sĩ. Tôi không muốn nhìn thấy Chính Đông yếu ớt nằm trên giường bệnh, không muốn thấy em ẩn nhẫn, càng không muốn thấy em chết. Em phải sống, mà phải sống thật hạnh phúc.

Tôi quyết định không thể lãng phí thời gian ở bệnh viện. Người ta không dạy cho tôi, tôi tự học hỏi.

Tôi trở về làm việc với một tinh thần tốt hơn. Lúc đi chăm sóc bệnh nhân, tôi tranh thủ hỏi bệnh tình của họ, lắng nghe từng lời họ nói, ghi chép lại thành một cuốn sổ chi tiết gồm triệu chứng, dấu hiệu và cách ăn uống, sinh hoạt của họ. Lúc đi dọn vệ sinh trong bệnh viện, tôi cố gắng nghe lén những bác sĩ nói chuyện về bệnh án, nuốt từng lời một của họ. Lúc phải trực đêm, tôi đều nghiên cứu sách vở và tài liệu.

Có một ngày, một vị bác sĩ bảo tôi sắp xếp lại giấy tờ, và tài liệu trong phòng thông tin.

– Bụi bám đầy căn phòng rồi. Cậu vào dọn đi. – Bác sĩ Lương bảo tôi

Tôi đi vào phòng, phát hiện cả căn phòng bị bao phủ không chỉ bởi bụi bẩn mà còn cả mạng nhện, muỗi mọt và xác chuột chết.

Bao lâu rồi người ta không dọn căn phòng này. Tôi tự hỏi.

Đè nén cảm xúc muốn nôn mửa và ho khan, tôi xắn tay áo bắt đầu dọn dẹp.

Chỉ không ngờ việc bị bắt dọn dẹp cả căn phòng phủ bụi lại khiến tôi có một phát hiện lớn. Trong góc phòng, về phía bên tay trái, cách tôi hai dãy tủ lại là khu dành cho tài liệu y học, bệnh án cũ liên quan tới bệnh tim mạch. Tôi chạy vội ra ngoài, đi tìm bác sĩ Lương, hỏi ông ấy liệu tôi có thể đọc bệnh án trong phòng thông tin hay không.

– Cậu thích thì đọc. Không mang đi đâu là được.

Tôi cười với bác sĩ Lương. Trở lại phòng, tôi dọn dẹp căn phòng thật nhanh, rồi tìm một chỗ ngồi để đọc bệnh án.

Tôi chia bệnh án theo năm và theo thể trạng của bệnh nhanh. Dựa vào đó, để tìm ra triệu chứng giống triệu chứng của Chính Đông, ghi lại vào sổ, và tìm hiểu cách chữa trị của bác sĩ khác. Tôi giống như tìm được một thứ gì khiến bản thân say mê, không dứt ra được. Kết quả, tôi đọc suốt một ngày.

Sáng hôm sau, bác sĩ Lương nhìn đôi mắt thâm quầng của tôi, kêu tôi di ngủ một giấc.

– Tôi có thể chịu được. Hôm nay có việc gì không? Làm xong, tôi có thể tiếp tục đọc bệnh án chứ?

– Ở chỗ tôi có nhiều bệnh án lắm. Cậu muốn đọc thì tha hồ mà đọc. Nhưng trước hết, đi ngủ cho tôi. Chiều tôi có việc tìm cậu.

Bác sĩ Lương ngoài 50 làm việc ở khoa tim mạch suốt mấy chục năm, đã cứu sống cho rất nhiều người bệnh, kinh nghiêm về y không ai bằng, một khi đã nói thì ai cũng phải nghe theo. Tôi cũng không ngoại lệ.

Đến buổi chiều, tôi mới biết, bác sĩ Lương nhờ mình chuyện gì. Đó là công việc phụ mổ cho bác sĩ. Nói là phụ mổ, nhưng tôi chỉ được đứng trong phòng quan sát bác sĩ Lương mổ chính, bác sĩ cần gì thì tôi đưa dụng cụ qua.

Nhưng được đứng trong phòng mổ đã là may mắn lớn. Không có nhiều sinh viên y khoa ra trường có cơ hội này.

Cuối giờ chiều, bác sĩ Lương hỏi tôi.

– Cậu được đó? Có muốn ra nước ngoài để lấy kinh nghiệm không? Tôi thấy cậu rất tâm huyết.

Tâm huyết ư? Tôi không phải là người có khả năng tâm huyết với một thứ gì đấy. Tôi làm gì cũng có mục đích. Kiếp trước, muốn trở thành luật sư chỉ vì muốn có nhiều tiền, muốn cho những kẻ coi thường tôi phải trả giá. Lúc này, mục đích của tôi chỉ là vì Chính Đông.

– Tôi không nghĩ mình như bác sĩ nghĩ.

Bác sĩ Lương cau mày nhìn tôi.

Hôm đó, bác sĩ Lương và tôi ngồi ở băng ghế trong bệnh viện để nói chuyện. Tôi nói, còn bác sĩ nghe.

Tôi kể tôi vì muốn bù đắp cho một người, mà học y. Và giờ vì yêu người đó, mà càng muốn chính tay mình cầm dao mổ, chính tay mình giúp cậu ấy được sống.

Bác sĩ Lương nhấp một ngụm cà phê, lại vứt cốc giấy vào trong thùng rác, quay đầu nhìn tôi:

– Tôi không quan tâm mục đích của cậu theo ngành y là gì. Tôi chỉ muốn biết, cậu có muốn cùng tôi ra nước ngoài hay không? Đây là cơ hội của cậu.

Tôi biết, đây là cơ hội của tôi. Cơ hội để tôi có thể trở thành bác sĩ bằng đôi chân của mình, cũng là cơ hội của Chính Đông.

– Mất bao nhiêu lâu, bác sĩ?

– Đó phụ thuộc vào chính cậu.

Tôi một đêm không ngủ để suy nghĩ. Sáng hôm sau, tôi đóng gói hành lý để đến Tây An. Tôi đứng ở dưới phòng trọ của em chờ suốt mấy tiếng đồng hồ. Chờ cho tới khi Chính Đông xuất hiện trước mặt tôi, hai chân tôi đã mỏi như muốn khụy xuống.

– Hà Ngạo Quân, sao anh lại ở đây?

– Anh muốn tìm em

– Có chuyện gì không? Em phải đi làm.Tôi biết buổi tối em đều phải tới quán bar làm việc. Nhưng tôi sợ, nếu buổi tối hôm nay tôi không thể nói hết với em, e rằng cả đời tôi sẽ không thể nói.

– Một ít thời gian thôi. Em có thể dành cho tôi được không?

Ngày hôm đó, chúng tôi ngồi đối diện với nhau trong quán cà phê ở đầu phố. Chính Đông rút từ trong bao một điếu thuốc định châm lửa hút. Tôi ngăn lại:

– Đừng hút nữa. Không có tôi, em hút bao nhiêu vậy? Em có biết cái này có hại lắm không?

Chính Đông cười tôi giống mấy ông già, nhưng em vẫn cất bao thuốc đi.

– Chính Đông, có người nói tôi không hiểu tình cảm. Tôi giống như một người máy được lập trình sẵn. Có lẽ thế. Tôi lập trình sẵn để lấy vợ, sinh con, chăm sóc gia đình, báo hiếu bố mẹ. Tôi lúc trước đã nghĩ rằng mình có thể không cần yêu, nhưng cần trách nhiệm. Nhưng…

Tôi đột nhiên im lặng. Tôi không biết phải diễn đạt như thế nào để Chính Đông hiểu tâm trạng của mình, chấp nhận tình cảm của tôi. Tôi biết tôi đã gây ra cho em quá nhiều thương tổn.

– Tôi xin lỗi vì trước kia…

– Nếu là vì chuyện này thì anh không cần nói nữa. Em đã quên rồi. Và giờ chúng không phải vẫn là quan hệ bạn bè rất tốt hay sao?

– Chuyện trước kia là tôi sai. Tôi muốn bù đắp cho em, chỉ không nghĩ rằng tôi lại làm sai cách. Tôi là trai thẳng. Tôi không bị hấp dẫn bởi đàn ông.

Tôi nhìn vào mắt của Chính Đông. Đây là đôi mắt khiến tôi không thể quên. Kiếp trước, ánh mắt của Chính Đông trước quan tòa có bao nhiêu bình thản, bao nhiêu ẩn nhẫn. Lúc em chết trong ngục, ánh mắt mở trợn trừng nhìn lên trần nhà, trong đó có bao nhiêu oán trách, bao nhiêu không cam tâm. Và khi Tuệ Nhi có đôi mắt buồn của em, tôi biết mình sai rồi.

– Nhưng tôi yêu em, Chính Đông.

Vẻ mặt của Chính Đông sửng sốt, khó tin. Có thể tin sao? Ngay cả chính tôi cũng không ngờ có ngày này. Nhưng tôi phải nói với Chính Đông. Tôi có thể sống lại một kiếp để bù đắp, rốt cuộc vẫn lại là làm sai. Nhưng tôi có thể có kiếp khác để yêu Chính Đông nữa hay sao?

– Anh đang đùa phải không?

– Tôi không có đùa. Đây là thật.

– Nhưng như thế nào? Không phải…

– Tôi chia tay với Tuệ Nhi rồi. Tôi không biết từ khi nào mình như vậy. Nhưng buổi tối hôm em ở quán bar, tôi đã tức giận khi thấy em cùng với người khác. Tôi rất muốn ôm lấy em. Tôi đã rung động.

Chính Đông mang vẻ mặt khó tin như thể những lời tôi nói là những lời thật điên rồ.

– Chính Đông, tôi sắp phải đi nước ngoài để học thêm kinh nghiệm y. Tôi chỉ muốn biết, chúng ta…có còn có thể không? Em có còn tình cảm với tôi không,? Tôi có cơ hội không?

Chính Đông nhìn vào ly cà phê của chính mình trên bàn. Em trâm ngâm. Thời gian như trôi từng phút một, từng giây một, tựa như một thế kỷ.

Chính Đông chỉ nói ba từ:

– Em xin lỗi.

Một tiếng xin lỗi của em giống như con dao nhọn rạch vào tim của tôi. Cảm giác này đau đớn hơn khi nhìn thấy Tuệ Nhi ở bữa tiệc. Với Tuệ Nhi đó là tham vọng và cố chấp của đàn ông. Còn với Chính Đông, tôi không thể phủ nhận cảm giác chân thật này.

Tôi sau này mới biết lý do ngày đó vì sao em từ chối tôi. Chính Đông muốn yêu và được yêu, nhưng em lại sợ cầm lên sợi dây tình cảm vô vọng một lần nữa. Em có thể mở lòng với người khác nhưng sẽ không bước lên con đường cũ. Bởi cảm giác một lần nữa dẫm lên những chông gai nhọn, đau đến nỗi khiến em thấy sợ.

Tôi và Hứa Thành đều không có bất cứ cơ hội nào. Em không tin vào tôi, hay vào Hứa Thành.

Tựa như ngày trước, thứ em cầu, tôi lại không thể cho, giờ khi tôi sẵn sàng trao toàn bộ trái tim mình cho em, em lại không cần đến.

– Chính Đông. Hai năm, chờ anh trở về. Em có thể để anh chữa trị cho em được không?

Chính Đông đáp ứng.

Tôi miễn cưỡng nặn ra một nụ cười.

Tây An, một đêm lạnh.

Chúng tôi, hai người cô độc, đứng dưới cùng một cầu trời nhưng không cùng một chỗ.
Bình Luận (0)
Comment