Cẩm Thành Mùa Hoa

Chương 28

Chân giò sau với thịt ba chỉ nướng là ngon nhất, sau khi cắt thành từng miếng thì dùng que xiên bằng đồng xiên lại, đặt lên vỉ nướng ngay lập tức vang lên tiếng xèo xèo.

Bên bờ suối, lão Đoàn và lão Vũ đang lột da rồi xả thịt lợn rừng, Khuyển Tử mang thịt với xương đến bên bếp lửa. Thịt lợn để nướng còn xương dùng nấu canh, không lãng phí thứ gì cả.

Viên An Thế xắn cao tay áo, cầm một cái muôi lớn khuấy nồi canh, thấy canh sôi lên thì vội rút ra một thanh củi để lửa cháy nhỏ đi, canh xương phải ninh từ từ uống mới ngon. Không nói anh ta nhà nghèo, đến lão Đoàn và lão Vũ dù hay đi săn nhưng một năm cũng chẳng mấy khi được ăn thịt lợn, mới ngửi mùi thôi đã chợt cảm thấy đời người mỹ mãn.

Viên An Thế thấy Trang Bỉnh qua xem, anh ta nói: “Bỉnh huynh, canh cũng sắp được rồi, còn thiếu chút rau rừng tôi đi hái một ít.”

Trang Bỉnh nhận lấy cái muôi từ tay Viên An Thế, ngồi xuống bên bếp canh lửa.

Bếp dùng đi nấu dã ngoại chẳng qua chỉ là đào một cái hố, xếp hai hòn đá rồi đặt một cái nồi lên là xong, đơn giản lại dễ dùng.

Viên An Thế đến bãi cỏ hái rau rừng, anh ta nhổ mấy cây rau dền, còn hái thêm chút hoa bồ công anh vàng. Hái cũng hòm hòm rồi anh ta mang ra bờ suối rửa sạch đất cát. Bồ công anh thì nhặt lấy lá với hoa, bỏ gốc đi; còn rau dền thì ngắt lá, chỉ lấy củ, lấy củ dền cũng là vì dền đỏ là loại củ tốt nhất. Cho rau củ vào nồi, đun sôi một lúc là chín.



Trang Dương phụ trách vỉ nướng, ngồi bên anh là Khuyển Tử. Nó yên lặng giúp Trang Dương xiên thịt. Trang Dương thái gừng trên một phiến đá sạch bằng phẳng, cũng băm cả lá hoa tiêu(1), cho hết vào với nước tương. Trang Dương làm việc cẩn thận, anh thấm nước tương đều lên từng miếng thịt rồi đặt vào vỉ nướng nướng lên. Thịt nướng thơm phức khiến người ta thèm nhỏ dãi.

Khuyển Tử thèm lắm, thỉnh thoảng nhìn xiên thịt trên vỉ nướng kia, vì được thoa hỗn hợp nước tương mà thịt nướng có màu đỏ sậm, ngoài cháy trong mềm.

Trang Dương lật lật xiên thịt, anh để ý đến ánh mắt Khuyển Tử, cầm lấy một cái đĩa nhỏ lại lấy một xiên thịt đã chín, gỡ ra khỏi que xiên. Cả một xiên có ngay nửa đĩa.

“A Hoằng, chỗ này cho cậu ăn đầu tiên, tạ ơn cậu cứu tôi trong lúc nguy khốn.”

Trang Dương chìa đĩa thịt với một đôi đũa trúc cho Khuyển Tử, anh cười dịu dàng.

“Vâng.”

Khuyển Tử không khách khí nhận lấy, nó nhìn Trang Dương một chút lại nhìn mọi người xung quanh, phát hiện ra chỉ có Trang Dương chăm chú nhìn nó. Lúc này nó mới gắp một miếng thịt lên cho vào trong miệng.

Xiên này là thịt ba chỉ nướng, thịt mềm thơm nức đậm ngon vừa miệng, ăn ngon quá thể.

Khuyển Tử cũng không ăn ngấu ăn nghiến, nó chậm rãi thưởng thức từng miếng một, ăn đến miệng bóng nhẫy.

Một vỉ thịt nướng rất nhanh đã chín, bày ra khay, Trang Dương lại nướng xong thêm một vỉ nữa, anh vui vẻ làm.



Trang Dương nướng không ngừng, Khuyển Tử xiên thịt giúp anh, hai người phối hợp ăn ý.

Cho đến trưa, bọn họ săn được một con lợn rừng, hai con thỏ, chim trĩ nước(2) và một con vịt cát, cũng coi như là thu hoạch phong phú.

Chờ đã nướng thịt lợn được một khay lớn, bưng canh xương hầm lên, sáu người vui vẻ ngồi vào chỗ dùng cơm.

Viên An Thế lên tiếng: “Phải chấm tương ăn mới ngon, tôi có rót ba chén tương đây.”

Nói rồi anh ta đặt ba chén nước tương lên bàn ở trên chiếu.

Nhà họ Viên nghèo, bình thường cũng chỉ ăn ngô, canh rau với đậu. Hôm nay nước tương nhà làm cuối cùng cũng được dùng để chấm thịt lợn ăn, vô cùng vinh hạnh không thể bỏ qua.

“Ồ ngon đấy.”

Lão Vũ lấy đũa xiên một miếng thịt nướng lại chấm nước tương, rồi nhét vào miệng. Lão Đoàn thì chẳng quan tâm nước tương gì hết, gắp một miếng thịt há to miệng mà ăn.

Trang Bỉnh cũng gắp một miếng thịt, chấm nước tương hoa tiêu, bình tĩnh mà ăn. Y ăn uống từ tốn, thưởng thức món ngon.

Trang Dương cầm muôi múc cho mỗi người một bát canh xương ninh, Khuyển Tử bưng chia cho từng người.

“Nào nào, cậu hai với A Hoằng  không cần bận rộn thế đâu, mau qua đây ăn.”

Lão Đoàn nhiệt tình mời gọi, không quên lật thịt nướng bên cạnh.

“Tôi có mang theo một vò rượu, suýt nữa thì quên, vẫn còn ở trên xe.”

Trang Bỉnh nâng bát cúi đầu định uống thì mới nhớ có mang rượu đến.

Lão Vũ nói: “Cậu cả không cần đứng lên, để tôi đi lấy. Ăn miếng thịt uống hớp rượu, đúng là sung sướng!”

Rất nhanh rượu được mang đến, mỗi người một chén. Khuyển Tử lần đầu tiên uống rượu, nó nâng chén lên, ngửi ngửi mùi.

Trang Dương nâng chén rượu, khẽ ngửa đầu uống vào từ từ. Khuyển Tử ngồi bên cạnh anh cũng học theo dùng hai tay nâng chén lên, nhưng lại uống ực một hơi.

“Khụ khụ.”

Lão Đoàn cười nó: “Nhóc con, lần đầu uống rượu không nên uống vội như thế.”

Lão Vũ uống cạn hai bát rượu, tay ôm vò rượu rỗng đứng lên chiếu khua khoắng chân tay múa lên một điệu dân gian. Gã cao lớn vụng về, tay chân không phối hợp nhưng lại múa rất hăng.

Đốt trúc gõ vào vò sành loảng xoảng kêu vang, Vũ Đình Trường hát khúc ca dao ăn mừng, mọi người cũng hưởng ứng, Khuyển Tử không biết hát chỉ đành ngồi bên vỗ tay lạc nhịp.

Khi trở về mọi người cắt chia nhau chỗ thịt lợn còn dư. Lão Đoàn cắt một tảng lớn có lẫn xương cho Khuyển Tử, gọi là phần thưởng.

Khuyển Tử không dám nhận, nó ngẩng đầu nhìn Trang Dương. Trang Dương gật đầu với nó, lúc này nó mới nhận lấy rồi dùng lá chuối bọc thịt lại.

Thời tiết nắng nóng, đi dã ngoại cũng không thể ở lâu, thịt lợn sẽ dễ bị ôi. Mọi người chia thịt lợn xong thì cũng rời núi Tây Cổ luôn, vui vẻ nói lời tạm biệt rồi ai về nhà nấy.

Khi từ biệt, Đoàn Quảng Tông vỗ vỗ đầu Khuyển Tử: “Nhóc con, nếu cậu có đến Lai lý thì nhớ tìm ta, ta sẽ dạy cậu học võ.”

“Vâng.” Khuyển Tử gật mạnh đầu.

Lão Đoàn dắt đao đầu vòng bên người, lưng đeo cây cung lớn cưỡi một con ngựa to cao. Đoàn Quảng Tông phất tay, giơ roi thúc ngựa rời đi, tuy hắn ta ăn mặc giản dị nhưng lại cao to vĩ đại.

Trên đường trở về, Trang Dương uể oải dựa vào thùng xe ngủ thiếp đi.

Khuyển Tử ngồi ngay ngắn ở trong xe ngựa, thỉnh thoảng nhìn đến dung mạo lúc ngủ của Trang Dương, anh ngủ thật điềm tĩnh, khiến người ta không đành lòng đánh thức anh dậy.

Trong giấc mộng Trang Dương thấy lợn rừng đang lao về phía anh, khi con thú kia chỉ còn cách anh vài bước bỗng bất ngờ Khuyển Tử từng trong lùm cây nhảy ra chắn trước mặt anh. Khuyển Tử giương cung, mũi tên bay vụt ra, lợn rừng rú lên ngã nhào trên mặt đất. Khuyển Tử nghiêng người về lo lắng xem cho anh, dưới ánh nắng không thể thấy rõ vẻ mặt của nó, chỉ là trong sự kinh hoảng lại cảm thấy bóng dáng nó cao lớn, tựa như đã là một người đàn ông trưởng thành.

Tiết trời nóng bức, mẹ Lưu mang tảng thịt lợn Khuyển Tử mang về kia đi ướp muối, xương thì lọc ra nấu canh với nấm, không bỏ sót thứ gì.

Chờ canh đã hầm chín, mẹ Lưu múc một bát bưng cho Khuyển Tử.

“Mè à, con ở núi Tây Cổ uống nhiều rồi, mẹ uống đi.”

Nhìn mẹ uống canh xương thơm nồng, Khuyển Tử kể cho mẹ nghe chuyện nướng thịt, phải lấy thịt chỗ nào, cắt ra sao, nướng thế nào rồi còn chuẩn bị gia vị gì.

“Mẹ ơi, sau này nhà ta có tiền cũng sẽ nướng thịt lợn ăn.”

“Tốt lắm, chờ con trưởng thành là người xuất sắc, lúc ấy mẹ theo con hưởng phúc.”

Mẹ Lưu tươi cười, có đứa con trai như Khuyển Tử bà rất hài lòng. Hồi còn trẻ bà có những tưởng tượng xa vời về cuộc sống sung túc, hồi ấy mẹ Lưu là người con gái đẹp nhất Phong hương. Thời gian thấm thoắt, mơ mộng về những thứ kia của mẹ Lưu hồi còn thiếu nữ giờ đã phai màu, nhưng trong lòng bà vẫn luôn kỳ vọng và gửi gắm.

***

Hai ngày sau, trời mới vừa hửng sáng Khuyển Tử gánh giỏ trúc đựng cá khô lên đường. Đi đến con đường mòn phía Nam Trúc lý vừa hay gặp cha con Đại Xuân đẩy xe kéo chuẩn bị đi lên huyện thành.

Cha Xuân đẩy xe còn Đại Xuân đi theo bên cạnh, gặp phải sườn dốc hay đường mấp mô Đại Xuân sẽ đỡ ở cạnh, hai cha con cùng dốc sức đẩy xe, đúng là khiến người ta ước ao.

Khuyển Tử lẻ loi một người, gánh giỏ cất bước bên đường, phía trước là cha con Đại Xuân đang đẩy xe đi.

Ra khỏi Trúc lý đường rất dốc, dần dần hai cha con Đại Xuân đi tụt ở phía sau. Khuyển Tử đi cũng đã mệt nên hạ giỏ trúc xuống, chống đòn gánh nghỉ ngơi. Nó quay đầu nhìn cha con Đại Xuân phía sau, thấy có một bọc đồ lăn xuống bụi cỏ. Cha Xuân giữ chắc xe còn Đại Xuân đi nhặt bao đồ lại, muốn vác lên vai, tất nhiên rất nặng cậu ta không đỡ nổi. Thấy thế Khuyển Tử đi qua giúp Đại Xuân bê bao đồ đặt lên xe kéo.

Cha Xuân hỏi: “Lưu Hoằng gánh hàng đi đâu thế?”

“Đi đến tiệm nhà họ Ngô bán cá khô ạ.”

“Tiệm nhà đó không bán được mấy thứ đó đâu, cậu theo bố con ta đi vào huyện thành đi, trời tối thì về.”

Tất nhiên Khuyển Tử biết đến tiệm nhà họ Ngô bán không được nhiều tiền mấy nhưng đến huyện thành lại xa quá, nó không biết đường đi. Nghe cha Xuân sẽ dẫn nó đi nó vui lắm.

Ba người lên đường, vẫn là cha con nhà họ Xuân đi đằng trước, Khuyển Tử đi theo sau. Đi được một đoạn đường, đòn gánh trên vai Khuyển Tử càng đi càng nặng, bước chân chậm dần, cách cha con nhà Đại Xuân một đoạn xa. Hai cha con Đại Xuân dừng chân, Đại Xuân xoay người chạy lại chỗ Khuyển Tử bảo: “Cha bảo cậu để giỏ lên xe đi.”

Đại Xuân đỡ giỏ trúc, trút hết cá khô vào một giỏ rồi thằng nhóc mang giỏ trúc đi về lại chỗ xe kéo.

Khuyển Tử cầm đòn gánh quẩy cái giỏ không, ngượng ngùng đuổi theo.

Đoạn đường này khi gặp ổ gà hay đường dốc, Đại Xuân với Khuyển Tử mỗi đứa một bên đẩy xe đi. Người không biết còn tưởng đây là một nhà ba người, một người cha và hai đứa con.

Đôi khi Khuyển Tử sẽ hâm mộ những đứa trẻ khác có cha, cảm xúc này thường chỉ là thoáng qua thôi, nó không thích tự thương tự buồn.

Cá khô trong giỏ trúc không nhiều lắm, mẹ Lưu sợ nó không gánh nổi nên không xếp nhiều. Nhưng dù như vậy đòn gánh vẫn lằn đỏ đôi vai của Khuyển Tử, đau đến nhe răng nhếch miệng. Đường xá xa xôi không nói, dẫu gì Khuyển Tử cũng vẫn chỉ là một thằng nhóc mới lớn, sức lực không bằng người trưởng thành được.

Khuyển Tử đi cạnh xe kéo của nhà Đại Xuân, cha Xuân hỏi nó đủ chuyện, nói rất nhiều. Ông hỏi tình hình của cha Lưu; hỏi sao lại rời khỏi Phong hương; hỏi nó học bắn cung từ ai. Khuyển Tử trả lời đầy đủ, không hề giấu diếm.

Dọc một đường vừa đi vừa nghỉ, gần đến trưa ba người đi đến một thôn xóm, Khuyển Tử trông có hơi quen mắt, hỏi cha Xuân: “Nơi này là Lai lý ạ?”

“Lai lý đó, sắp đến huyện thành rồi, đi thẳng đường này là tới.”

Cha Xuân chỉ con đường rộng phía trước, trên đường có xe ngựa xe bò đi qua, trông rất náo nhiệt.

Khuyển Tử ghi nhớ đường đi.

Cha Xuân thường vào huyện thành bán lương thực, ông rất quen thuộc với nơi này, biết nơi buôn bán ở đâu. Ông dẫn Khuyển Tử đến một góc chợ, ông bày đậu tương ra bán còn Khuyển Tử ở bên cạnh bán cá khô.

Ở tiệm nhà họ Ngô một ngày bán cá khô chẳng được mấy mà giá lại rất thấp. Vào trong huyện nội mới không đến một canh giờ Khuyển Tử đã bán được hết, thu được mấy chục văn tiền.

Trên đường về, Khuyển Tử nói với cha con Đại Xuân rằng mình muốn đi tìm một người ở Lai lý.

Cha Xuân hỏi Khuyển Tử biết đường chứ? Khuyển Tử đáp rằng nó biết.

Khuyển Tử xách một bình rượu, một mình đi đến Lai lý, tới thăm viếng nhà lão Đoàn.

Khuyển Tử thấy trong sân có một cô bé đang cho gà ăn, nhận ra cô bé là con gái lão Đoàn, tên là Tiểu Tư. “Đoàn du kiếu có ở đây không?” Khuyển Tử lấy dũng khí tiến lên hỏi.

“Anh tìm cha tôi sao? Cha ơi!” Đoàn Tư không nhận ra Khuyển Tử là cậu nhóc lần trước đến nhà, cũng khó trách, hôm nay Khuyển Tử ăn mặc rách rưới, hơn nữa đi một đường mệt mỏi, tóc rối mặt dơ.

Đoàn Tư gọi với vào trong nhà, lão Đoàn đang ở trong chuồng chăm ngựa hỏi vọng ra Đoàn Tư gọi gì thế. Đoàn Tư đáp: “Cha à, có một thằng bé đến tìm cha đó, còn mang theo cả rượu.” Lão Đoàn đoán ra được là ai, cười cười lên tiếng: “Bảo nó vào đi.”
Bình Luận (0)
Comment