Cẩm Y Vệ

Chương 791


Chỉ có trong lòng Tần Lâm có cảm giác bất an mãnh liệt, hắn nhớ cực kỳ rõ ràng, cuối cùng triều chính mới của Trương Cư Chính rơi vào kết cục người mất chính sách mất theo, mà bản thân lão Thái Sơn cũng bị Vạn Lịch và đám quan liêu thủ cựu thanh toán.
Bây giờ còn chưa có dấu hiệu như vậy, chẳng lẽ là những gì mình làm đã thay đổi lịch sử trong một mức độ nào đó?
Tần Lâm lắc đầu một cái, không dám gởi gắm hy vọng vào chuyện hư vô mờ mịt như vậy. Đặc biệt là từ rất sớm tới nay hắn đã quan sát thấy, Vạn Lịch có bất mãn rất lớn đối với chuyện Trương Cư Chính chuyên quyền.
Nghĩ đến triều chính mới, nghĩ đến Khảo Thành pháp và dân chúng Chiết Tây, nghĩ đến ánh mắt tha thiết của Thích Kế Quang, lần đầu Tần Lâm cảm thấy trọng trách trên vai mình nặng nề như vậy, chuyện mà hắn cần làm lại nhiều như vậy.
Đưa đón tân khách cũng chỉ là hao sức lực mà thôi, hắn bận rộn lo đủ các loại chuyện khác, thậm chí có thể nói là bận rộn đầu óc choáng váng...
-----------
Khâm Thiên giám ghi rằng vào đêm Hai Mươi tháng Sáu năm Vạn Lịch thứ mười, có ngôi sao sáng rực như đuốc lướt qua hoàng đạo sa xuống Tây Nam. Ánh trăng mờ tối, Bắc Đẩu ảm đạm, quần tinh như khóc, Thiên Quyền không ánh sáng.
Đệ nhất danh tướng mấy trăm năm của triều Đại Minh Trương Cư Chính triển khai toàn diện cải cách triều chính mới, Nhất Điều Tiên Pháp đi vào thực tế, mang theo nỗi lo cho bá tánh khắp thiên hạ, mang theo công lao hùng vĩ trong hơn mười năm chấp chính, đã đột ngột qua đời.
Trong khoảnh khắc chết đi lão vô cùng bình tĩnh mà thỏa mãn, mặc dù không thể thấy triều chính mới do tự tay mình lập ra hoàn toàn đại công cáo thành, nhưng lão tin chắc mình sẽ được thấy viễn cảnh triều Vạn Lịch trung hưng thịnh thế dưới cửu tuyền. Không chỉ học trò Vạn Lịch Hoàng đế Chu Dực Quân của lão chính miệng hứa hẹn sẽ tiến thêm một bước đẩy mạnh triều chính mới, mà Giang Lăng đảng một tay lão cất nhắc cũng đã trải rộng khắp cả trong ngoài triều.
Những danh thần Trương Tứ Duy, Thân Thời Hành, Tằng Tỉnh Ngô, Vương Triện, Thích Kế Quang… sẽ thừa kế di chí của lão, đo đạc ruộng đất, chỉnh đốn lại trị, khai hải thông thương… thực hiện dân giàu nước mạnh, dân chúng trong thiên hạ ắt sẽ được hưởng một thời thịnh thế huy hoàng.
Nửa đời lo nước nhăn vầng trán, một ánh sao soi tấm lòng trung, ân oán hết mặc người luận định, biên cương nguy ngập mới hay tài.
Bất kể đời sau khen chê thế nào cũng không thể thay đổi một sự thật: lúc Trương Cư Chính nhập nội các bái Đại Học Sĩ là cuối đời Gia Tĩnh đầu Long Khánh, phía Nam Đại Minh có giặc Oa, Bắc có Thát Lỗ, kho phủ hàng năm trống rỗng, quan lại người thừa việc thiếu, địa phương hào cường lộng hành. Mà lúc lão nhắm mắt xuôi tay đã bình định xong giặc Oa, phong cống Yêm Đáp Hãn, quốc khố hàng năm thu dư hơn hai trăm vạn, cắt giảm đám quan viên tham nhũng bất tài, đo lại ruộng đất mà hào cường gian lận, triều Vạn Lịch đã có khí tượng trung hưng.
Trong quãng thời gian cuối cùng trong đời, là nữ nhi Trương Tử Huyên phụng bồi lão. Nhìn vẻ ăn ý giữa nữ nhi và Tần Lâm mà chỉ có phu thê ân ái mới có, Trương Cư Chính rất hài lòng về tầm nhìn của mình, không chỉ có lựa chọn một vị hôn phu tốt cho nữ nhi, cũng tìm được người kế thừa tương lai sự nghiệp triều chính mới của mình.
Sau khi Trương Cư Chính chết hết sức quang vinh, theo Khởi Cư Chú ghi lại, ngay đêm đó Vạn Lịch Hoàng đế Chu Dực Quân lo lắng về bệnh tình của Thái Sư, trằn trọc trở mình không thể ngủ ở Càn Thanh cung. Sau khi y nhận được tin dữ từ Thái Sư phủ lập tức khoác áo thức dậy, đứng trên thềm rồng nghiêm nghị rất lâu, nhớ lại công đức Thái Sư dạy dỗ y từ khi còn nhỏ, trung can nghĩa đảm phụ tá y mười tuổi kế vị, là vị Tể tướng có tài kinh bang tế thế, trong lúc nhất thời ‘buồn bã mất mát’.
Sau đó bệ hạ đích thân chạy tới Từ Ninh cung báo tin, Lý Thái hậu khoác áo rời giường, nhớ lại chuyện xưa lúc còn gian nan chật vật buổi ban đầu, toàn là do Thái Sư dốc hết toàn lực phò tá, hai mẹ con nhìn nhau mà khóc.
Sau khi Vạn Lịch ra Từ Ninh cung lập tức triệu kiến Phùng Bảo, lệnh cho lão truyền chỉ dụ xuống, tuyên bố văn võ bá quan đình chỉ vào triều một tháng, lại truyền dụ Lễ bộ Thượng Thư Phan Thịnh chiếu theo quy cách quốc táng, lập ra chín đàn cúng tế. Ân ấm phong cho con trai thứ tư Trương gia Trương Giản Tu là Chỉ Huy Thiêm Sự Cẩm Y Vệ (hư hàm), con trai thứ năm Trương Doãn Tu là Thiếu Khanh Quang Lộc Tự, con thứ sáu Trương Tĩnh Tu giám sinh Quốc Tử giám.
Sau đó Vạn Lịch triệu tập Lục bộ Cửu khanh đình nghị, bởi vì Thái Sư Trương Cư Chính nhiếp chính trong triều công lao to như trời biển, cho nên đặc biệt truy phong thụy hiệu là Văn Trung.
Tài hoa trùm thiên hạ là Văn, một dạ trung thành là Trung, đây là thụy hiệu cực tốt, nhưng kẻ có lòng lại nhìn ra có vấn đề trong đó.
-----------
Trong thư phòng Tần phủ, trong đôi mắt híp của Từ Văn Trường toát ra vẻ tức giận như có như không, ra sức vuốt râu:
- Trương Giang Lăng trọn đời vất vả vì nước, phụ tá thiên tử lên ngôi khi còn nhỏ, mười năm qua ra sức cách tân, bài trừ tệ nạn, trong hai trăm năm qua cả nước chỉ có duy nhất một người, chẳng lẽ không được thụy hiệu Văn Chính?
- Xem ra thủy chung bệ hạ vẫn có gút mắc trong lòng.
Tần Lâm dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng gõ lên mặt bàn, nghĩ ngợi hồi lâu.
Thụy hiệu Văn Trung không thể nói là không tốt, nhưng thủy chung vẫn còn kém Văn Chính một chút.
Âu Dương Tu đời Tống có thụy hiệu Văn Trung, Âu Dương Tu cũng là một đời danh thần, Trương Cư Chính cũng có thụy hiệu như y, dường như là không tệ. Nhưng như vậy phải xem so sánh với ai, triều Đại Minh trước đó chỉ có hai người được thụy hiệu cao nhất Văn Chính, một vị là Lý Đông Dương năm Hoằng Trị, Chính Đức, vị kia là Tạ Thiên trải qua ba triều Hoằng Trị, Chính Đức, Gia Tĩnh. Hai vị này cũng có thể xưng là hiền tướng, nhưng nếu so sánh với Trương Cư Chính về công lao cả đời, vậy thì có vẻ không bằng.
Nói cách khác, theo như tiền lệ hai vị danh thần trước đó đạt được thụy hiệu Văn Chính Trương Cư Chính hoàn toàn có tư cách lấy được thụy hiệu tối cao này. Nhưng kết quả là lão chỉ được thụy hiệu Văn Trung kém hơn một bậc, chuyện này khiến cho Tần Lâm không thể không cảnh giác.
Hướng gió đã đổi… Tần Lâm hoàn toàn hiểu rõ chút tâm tư nho nhỏ của Vạn Lịch. Đương nhiên tin tức nhận được từ Trương Thành không giống với ghi chép trong Khởi Cư Chú, làm sao có chuyện Vạn Lịch lo lắng cho bệnh tình Trương Cư Chính, thực tế là vô cùng nôn nóng chờ đợi tin Trương Cư Chính chết đi. Làm sao có chuyện ‘buồn bã mất mát’, thực tế là sau khi mất đi ràng buộc mừng rỡ như điên.
- Bất quá tạm thời bệ hạ sẽ không động thủ nhắm vào Giang Lăng đảng, thứ nhất Vương Cung Nhân mới vừa sinh Thái Tử, thứ hai y còn phải đối phó người khác, cho nên chúng ta còn có cơ hội xoay chuyển tình thế.
Ánh mắt Từ Văn Trường lóe lên, lấy tay chấm nước trà viết trên bàn một chữ Phùng thật to.
Phùng Bảo!
Bình Luận (0)
Comment