Cánh Cửa

Chương 40

Kẻ si tình

Type: Taranee

Một chàng trai đi thuê nhà. Đêm đầu tiên dọn tới ở, anh nhận được cuộc điện thoại từ một người con gái không quen biết.

Cú điện thoại vốn là gọi nhầm nhưng hai người nói chuyện tâm đầu ý hợp, duyên số đưa đẩy lại thành quen nhau.

Từ đó, đêm nào hai người cũng hàn huyên với nhau qua điện thoại.

Mấy hôm sau, qua lời của chủ nhà, chàng trai tình cờ được biết số điện thoại của căn phòng mình đang ở đã bị gỡ đi từ lâu rồi.

Anh trăn trở mãi mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra, bèn lần lần theo dây điện thoại xem sao. Thì ra nó đâm lên từ lòng đất.

Sau khi Tiểu Nhụy được hỏa táng, Tát Nhĩ Hạnh không về nhà nữa, anh cô đơn quay về nhà riêng của mình.

Lúc lên xe linh cữu, anh nắm chặt bàn tay Tiểu Nhụy. Kể từ giây phút ấy, bàn tay anh không còn ấm lại nữa, cứ vấn vương hơi lạnh của thi hài Tiểu Nhụy. Anh vẫn tin chắc rằng mình và Tiểu Nhụy đã cử hành hôn lễ trên dương gian và dưới âm phủ, nay họ đã là vợ chồng.

Tiểu Nhụy không thích anh cứ dựa dẫm mãi vào cha mẹ. Cô cũng không muốn lấy nhau xong hai vợ chồng cứ nụp mãi dưới đôi cánh của người đi trước và hưởng thụ che chở ấy. Vì thế cô mới từng hỏi anh: “Anh yêu, chúng ta sẽ ở chung với bố mẹ sao?”

Đêm hôm đó, Tát Nhĩ Hạnh lại nằm mơ thấy khu tứ hợp viện âm u ấy.

Trên chiếc giường cưới, vẫn còn vương lại ít táo đỏ và lạc. Quan khách đến dự đều đã đi về cả, căn phòng tân hôn chìm trong yên tĩnh. Tiểu Nhụy ngồi lặng bên mép giường, ngượng ngùng nhìn ra giữa căn phòng. Ở đó là một chiếc ghế thái sư gỗ hồng mộc. Anh khẽ khàng đi tới bên và ghé vào tai cô:

- Tiểu Nhụy, anh đến rồi.

Tiểu Nhụy ngoảnh đầu nhìn và thẹn thùng nói:

- Bái đường xong rồi anh mới đến! Em tìm anh khắp nơi.

Tát Nhĩ Hạnh vội xin lỗi:

- Bố mẹ anh không đồng ý…

- Em sớm biết là hai bố mẹ không đồng ý rồi… - Tiểu Nhụy nói.

Tát Nhĩ Hạnh nhìn quanh quất bốn bề rồi nói:

- Vậy bây giờ em xuất giá về nhà anh hay anh tới nhà em ở rể nhỉ?

Tiểu Nhụy bụm miệng cười:

- Dĩ nhiên là anh tới nhà em ở rể rồi.

Tát Nhĩ Hạnh thở phào:

- Thế thì tốt! Nào, để anh giúp em cởi mũ phượng với khăn choàng ra.

Tiểu Nhụy giữ chặt cổ áo, nói:

- Anh tắt nến đi đã chứ!

- Đêm động phòng hoa chúc không nên thổi tắt nến. – Tát Nhĩ Hạnh nói.

Tiểu Nhụy phân vân một hồi:

- Nhưng cổ em có cái nốt ruồi, nhìn xấu lắm.

- Trên người em dù có vết sẹo to bằng hai cái bát anh cũng chẳng quan tâm nữa là cái nốt ruồi. – Tát Nhĩ Hạnh cười.

- Thật không? – Tiểu Nhụy nghi hoặc hỏi.

- Dĩ nhiên là thật rồi! – Tát Nhĩ Hạnh quả quyết.

Tiểu Nhụy cúi đầu nhìn xuống ngực và nhẹ nhàng nói:

- Vậy em yên tâm rồi…

- Đừng nói là trên người em có cái sẹo to bằng hai cái bát, kể cả khuôn mặt em có trở nên xấu xí đi chăng nữa thì anh vẫn cứ yêu em! – Tát Nhĩ Hạnh nói.

Tiểu Nhụy cười trong hạnh phúc:

- Ngày mai anh đưa em đến thẩm mỹ viện để tẩy cái nốt ruồi này đi nhé! Em còn chọn được một sợi dây chuyền mã não nữa, sau khi tẩy nốt ruồi đi, anh đi mua với em được không?

- Em chỉ cần nói cho anh biết là cần đi xe số mấy thôi. – Tát Nhĩ Hạnh nói.

- Xe số 5 rồi đổi sang xe số 14. – Tiểu Nhụy đáp.

- Không thành vấn đề, anh sẽ làm tài xế cho em. – Tát Nhĩ Hạnh đáp.

Nói rồi Tát Nhĩ Hạnh tháo giày lên giường, định trùm chăn ôm lấy Tiểu Nhụy. Nhưng sau khi ôm cô, anh sững người rồi thả cô ra:

- Tiểu Nhụy, sao em nhẹ thế?

Tiểu Nhụy tỏ ra khó hiểu trước thắc mắc của Tát Nhĩ Hạnh:

- Chẳng lẽ anh không biết em đã chết rồi hay sao?

Tát Nhĩ Hạnh bàng hoàng, gốc du già ở thôn Huyền Quái, tủ băng ở sở công an, lò hỏa táng ở nhà tang lễ… những hình ảnh ấy như thể xuyên qua màn đêm, dần dần hiện về trước mắt anh từng chi tiết một…

Tiểu Nhụy chợt khóc òa lên, tro xương trôi ra theo hai hàng lệ rưng rưng:

- Tát Nhĩ Hạnh, anh phải báo thù cho em!

Tát Nhĩ Hạnh lùi lại phía sau một chút và nói:

- Hãy nói cho anh biết ai đã hại em?

Tiểu Nhụy mãi mới ngừng khóc được, cô nói:

- Rồi sẽ có người gọi điện nói cho anh biết…

Tát Nhĩ Hạnh thắc mắc:

- Tại sao em không nói luôn?

- Em có nói anh cũng không tin. Bây giờ người đó đang gọi điện cho anh đấy. – Tiểu Nhụy đáp.

Tát Nhĩ Hạnh sững người, anh lấy di động ra và nhìn:

- Làm gì có ai đang gọi?

- Tin em đi, người ta đang gọi đấy! – Tiểu Nhụy đáp.

Ngay lúc ấy, Tát Nhĩ Hạnh bị tiếng chuông điện thoại đánh thức.

Hẳn bạn cũng từng gặp những câu chuyện đại loại thế này:

Tỉ như, trong giấc mơ, bạn thấy mình trở thành một đại tướng thời cổ cưỡi trên lưng tuấn mã oai phong dũng mãnh điểm binh. Thật ra khi bạn đang say ngủ, cha mẹ bạn đang xem ti vi bật tiếng quá to, một bộ phim cổ trang đang được trình chiếu. Giấc mơ của bạn thậm chí còn có những tình tiết như trong thước phim…

Tỉ như, bạn mơ thấy mình đang phải trốn nợ đến mức phải đổi số điện thoại. Trưa hôm đó, bạn đang cùng người con gái tương tư đã lâu gặp mặt lần đầu, gã chủ nợ tinh quái kia không hiểu lần ra được số điện thoại mới của bạn bằng cách nào mà bất chợt gọi đến… Thật ra, chỉ là chiếc điện thoại đặt kề tai bạn đang đổ chuông mà thôi…

Tỉ như, bạn mơ thấy loài chuột đang hoành hành khắp thế giới… Thật ra đứa cháu trai của bạn mới mua được một con chuột đồ chơi. Nó vừa chạy khắp nền nhà vừa vang lên những tiếng “chít chít” quái đản…

Tát Nhĩ Hạnh nhỏm dậy, anh nhìn vào màn hình di động. Một số lạ.

Người đó đang gõ cửa. Anh mở cửa cho đối phương. Anh cứ ngỡ đối phương sẽ bước vào nhưng thật ra anh lại là người bước ra.

- A lô? Ai đấy?

Mãi một lúc sau đối phương mới lên tiếng. Giọng nam giới, thấp trầm:

- Anh không quen biết tôi đâu.

- Vậy anh quen biết tôi?

- Tôi cũng không quen biết anh.

- Anh có việc gì?

- Tôi muốn nói cho anh biết một bí mật.

- Bí mật?

- Bạn gái anh chết vì một Cố Phán Phán khác…

- Cô ấy ư?

- Anh có quen?

- Có quen. Cô ấy là bạn thân của Cố Phán Phán mà.

- Đúng là cô ấy, cô ấy muốn tống tiền một người nổi tiếng. Người kia hẹn cô ta ra ngoài toan giết người diệt khẩu. Nhưng có lẽ cô ta đã có sẵn linh cảm từ trước nên rủ bạn gái anh đi cùng. Cuối cùng, bạn gái anh trở thành hình nhân thế mạng.

- Ý anh là chính người nổi tiếng kia đã hại chết bạn gái tôi?

- Không, người nổi tiếng kia thuê một sát thủ, trùng hợp thay, sát thủ này lại chính là em trai của Cố Phán Phán còn lại.

- Người nổi tiếng đó là ai?

- Một nhà văn.

- Là cái người kể chuyện trên chương trình lúc nửa đêm?

- Chính xác! Chính nhà đầu tư của hắn đã giúp hắn thực hiện chuyện này.

- Tôi dựa vào đâu để tin lời anh?

- Sự thật này rất quan trọng với anh. Anh tin hay không thì tùy.

- Làm sao anh biết được những điều này?

- Tình cờ.

- Tại sao anh lại nói cho tôi những điều này?

- Tôi và gã nhà văn không đội trời chung.

- Anh và gã nhà văn có hận thù gì?

- Trước đây, không có hắn thì không có tôi. Giờ đây, nếu có tôi thì sẽ không có hắn.

- Hắn là cha anh?

- Không phải!

- Anh muốn mượn tay tôi để đẩy hắn vào chỗ chết?

- Ban đầu tôi muốn cho hắn chết. Nhưng về sau tôi thấy, cái chết chưa phải là sự trừng phạt hay nhất. Tôi muốn hắn chịu quả báo tàn nhẫn hơn thế.

- Rốt cuộc anh là ai?

- Tôi sẽ không nói cho anh biết. Nhưng tôi có thể chơi trò “Hai mươi câu hỏi” với anh một lần, tôi sẽ trả lời bằng hết hai mươi câu hỏi ấy. Nếu anh đoán ra thì đó là vận may của anh.

- Được!

- Anh có thể hỏi rồi đấy!

- Tôi từng gặp anh rồi phải không?

- Không!

- Cố Phán Phán kia từng gặp anh rồi phải không?

- Không!

- Anh nói cho tôi biết chuyện này là do động cơ tốt phải không?

- Không!

- Anh muốn hại tôi có phải không?

- Không!

- Tên anh gồm hai chữ đúng không?

- Không!

- Anh trên hai mươi tuổi phải không?

- Không!

- Anh là người trong đại học Tây Kinh phải không?

- Không!

- Anh là người Tây Kinh phải không?

- Không!

- Anh là người miền Nam phải không?

- Không!

- Anh là người vùng Đông Bắc phải không?

- Không!

- Anh là người vùng Tây Bắc phải không?

- Không!

- Anh là người Hà Nam phải không?

- Không!

- Anh là người Hà Bắc phải không?

- Không!

- Anh là người Sơn Đông phải không?

- Không!

- Anh là người Sơn Tay phải không?

- Không!

- Anh là người Nội Mông Cổ phải không?

- Không!

- Anh là người miền Bắc phải không?

- Không!

- Anh là người Trung Quốc phải không?

- Không!

- Anh là người nước ngoài?

- Không!

- Anh… có phải là người không?

- Xin lỗi, câu thứ hai mốt rồi.

Nói xong, đối phương cúp máy.
Bình Luận (0)
Comment