Cánh Cửa

Chương 9

Chàng và nàng là đôi bạn thanh mai trúc mã.

Hai nhà cách nhau một bờ rào đơn sơ với dàn loa kèn hồng leo quanh.

Thủa bé, chàng hay mặc quần áo màu đỏ, nàng thường vận quần áo màu xanh.

Hai mươi năm sau, chàng và nàng bén duyên nhau.

Bất hạnh thay, nàng tựa đóa hoa sớm lìa cành khiến cho chàng tan nát cõi lòng để sau đó sinh bệnh tương tư.

Hôm ấy có một nhà sư, từ phương xa tới xin cơm chay, chỉ lối cho chàng thoát khỏi cõi mê:

- Vợ chồng vốn dĩ chỉ là một người, bao đời bao kiếp vẫn sẽ mãi vậy.

- Tôi và nàng cùng là một sao?

- Nếu đúng như thế, anh hãy đi theo vợ, cả hai cùng đầu thai và hẹn kiếp sau tương phùng.

- Nếu tôi tiếp tục sống và lấy một người con gái khác thì sao?

- Nếu thế thì anh và chính người con gái kia mới là một.

Không lâu sau, bệnh tương tư của chàng trai ăn sâu vào tim, trời cũng không cứu nổi, chàng buông tay lìa khỏi thế gian.

Vài năm sau, có tiếng khóc của hai sinh mệnh mới lần lượt cất lên giữa cõi hồng trần. Chúng là hàng xóm của nhau, hai nhà cách nhau một bờ rào đơn sơ với dàn loa kèn hồng leo quanh.

Bé trai hay mặc bộ áo đỏ, bé gái thường vận bộ áo xanh.

Mối tình của hai mươi năm về sau vẫn đang đón chờ chúng.

Thôn Huyền Quái kinh hoàng phát hiện ra xác thiếu nữ, tận trưa hôm sau Tát Nhĩ Hạnh mới hay tin. Tầm đó anh và hai người bạn học đang đi mua sách ngoài tiệm. Đối với Tát Nhĩ Hạnh, hai người đó giống như em hơn là bạn học, lúc nào cũng cúc cung đi theo và tuân lệnh anh răm rắp.

Chúng ta hãy gọi cái người cao gầy là “J”, anh ta rất lắm trò và điềm tĩnh, còn người béo lùn là “H”, người này bản tính thẳng thắn và có phần chất phác hơn đôi chút.

– Đêm qua tớ vừa nằm mơ – J nói, ngón tay lật từng trang một cuốn sách giải mộng đoán điềm.

– Mơ thấy gì vậy?- H hỏi đầy hiếu kỳ.

– Tớ mơ thấy hôm nay cả ba thằng cùng đi mua sách…

– Thật á?

– Chưa hết, lại còn đúng nhà sách này nữa.

– Quái lạ vậy?

– Thế là vừa mở mắt đã thấy ngay điện thoại anh Hạnh hẹn ra đúng chỗ này chọn sách.

– Ghê thật! Sáng nay tớ cũng nhận được điện thoại của anh Hạnh mà…

– Tớ còn mơ thấy sau khi bước ra khỏi tiệm sách, hai bọn tớ gặp được mấy em rất xinh…

– Mấy em?

– Hai em?

– Thế tớ thì sao?

– Làm gì mà cuống lên thế? Có những hai em mà chẳng nhẽ cậu không xơ múi được em nào à?

– Thật không!

– Cậu quên rồi chắc, từ khi anh Hạnh có Cố Phán Phán đến nay đã bao giờ thấy có hứng thú với em nào đâu?

– Cũng phải… Rồi sao nữa?

– Sau đó tay trái tớ ôm một bé, tay phải tớ quàng một bé rồi đi mất.

– Đấy, làm gì có tớ đâu?

Ánh mắt đang lướt dở dang trên mấy tờ báo bên cạnh, Tát Nhĩ Hạnh chợt làm ra vẻ nghiêm nghị đàn anh và nói:

– H, kệ nó đi. Sáng nay chính nó gọi điện cho anh hẹn ra đây mua sách, thế nên anh mới gọi cho chú đấy chứ.

H thảng thốt:

– Thì ra là thế!

J rúc rích cười khoái trá. Tát Nhĩ Hạnh nói:

– Mà tối qua, đúng là anh mơ thấy một giấc mơ thú vị lắm…

– Chắc chắn là không mơ thấy tụi này chứ gì! – J chen ngang.

– Anh mơ thấy Cố Phán Phán. Nàng nói với anh, nàng không ở trong ký túc xá nữa mà đã tìm được một căn nhà mới. Đố hai đứa biết căn nhà đó ở đâu?

– … Khách sạn chăng? – H nhảy xổ vào đáp.

– Không phải.

– … Ở đài truyền hình?

– Không phải.

– Cạnh nhà anh!

– Không nốt.

J đột nhiên trả lời:

– Ở ngoại ô.

Tát Nhĩ Hạnh đáp:

– Đúng thế.

H tiếp lời:

– Biệt thự cơ à!

Tát Nhĩ Hạnh lắc đầu và bảo:

– Đó là một cái cây trụi lá rất xấu xí.

J bông đùa:

– À ha, anh phải coi chừng đấy! Chỉ có chim mới làm nhà trên cây. Cố Phán Phán của anh có khi sắp bay cũng nên.

Tát Nhĩ Hạnh không nói chẳng rằng, anh nhìn chăm chăm vào tờ Buổi trưa trên tay, mặt báo đăng mẩu tin nói về vụ án kinh hoàng ở thôn Huyền Quái. Thông tin rất ngắn gọn: nạn nhân mang họ Cố, sinh viên trường Đại học Tây Kinh…

Tát Nhĩ Hạnh đọc đi đọc lại từng chữ một, khuôn mặt anh mỗi lúc một tái dần.

J hỏi:

– Anh sao thế?

Tát Nhĩ Hạnh đột ngột quẳng vụt tờ báo Buổi trưa xuống rồi quáng quàng lao khỏi cửa tiệm.

Tát Nhĩ Hạnh đến sở cảnh sát.

Trên tấm biển treo trước phòng pháp y là sáu chữ màu xám bạc “Cảnh sát kỹ thuật hình sự”.

Vòng qua một bàn giải phẫu bằng thép không rỉ, Tát Nhĩ Hạnh được dẫn vào phòng lạnh trữ xác.

Một viên cảnh sát hình sự bước lên phía trước, tiếng kim loại va vào nhau lanh canh, anh ta mở cửa buồng băng và từ từ kéo ra một thi thể nữ giới. Ngay khi tấm vải phủ trên thân được lật ra, một luồng khí lạnh lẽo xộc thẳng vào phổi Tát Nhĩ Hạnh.

Liếc nhìn khuôn mặt thi thể người con gái đang nằm trên bàn, toàn thân anh cứng đờ lại như đá tảng. Khuôn mặt của Cố Phán Phán gần như không còn nhận ra hình ra dạng nữa, giờ đây trông nó chẳng khác nào con búp bê sứ bị đập tan tành rồi được chắp ghép lại từ đầu. Những vệt máu đã khô chính là đường keo gắn kết.

Đôi mắt cô mở trừng tựa hồ đang nhìn xoáy vào Tát Nhĩ Hạnh mà cũng như thể đang chăm chú trông về phía sau lưng anh. Ánh mắt cô trông xa lạ đến dường nào.

Tuy diện mạo tử thi rất khó xác định nhưng Tát Nhĩ Hạnh không thể không nhận ra chuỗi dây chuyền mặt chữ thập màu đen kia. Nó vòng quanh chiếc cổ thẳng đơ của Cố Phán Phán, khe khẽ đung đưa và âm ỉ hơi lạnh.

– Cô ấy là bạn gái anh à?

– Đúng.

– Mời anh đi theo tôi.

– Đi đâu?

– Đến phòng hình sự.

– Để làm gì?

– Chúng tôi cần thẩm vấn anh vài điều.

– Được…

Đó là một căn phòng làm việc rất đỗi bình thường, không khí nưng nức hơi sắt hoen gỉ. Bên trong có hai cảnh sát hình sự, một nam, một nữ. Đó chính là những người đã thẩm vấn Phục Thực ngay tối hôm xảy ra án mạng.

Cuộc điều tra diễn ra suốt nửa tiếng đồng hồ. Vào đêm hôm trước, Tát Nhĩ Hạnh cùng người bạn tên là T uống rượu trong bar, vì có người làm chứng nên anh được loại khỏi diện tình nghi.

Bước ra khỏi đồn cảnh sát, anh chỉ muốn về nhà ngay tức khắc. Nhưng vừa cất được mấy bước, cơ thể anh bắt đầu liêu xiêu, suýt chút nữa thì ngã nhào. Anh vịn tay vào tường và từ từ ngồi sụp xuống.

Người với xe qua lại thành dòng đông như mắc cửi. Anh trông ra đường cái với ánh mắt trống rỗng.

Anh đang gắng hết sức để hình dung lại hình ảnh của người con gái mới quen được hơn ba trăm ngày ấy, những mong giọng nói, nụ cười của cô sẽ thổi tan hình ảnh cái xác chết đang chơi vơi trong trí óc. Thế nhưng gương mặt của Cố Phán Phán trong tâm trí của anh giờ này chỉ còn là một bức ảnh bị nhòe, mọi thứ đều trở nên mông lung, mờ ảo.

Hai cảnh sát vũ trang trực ngoài cổng theo dõi anh bằng ánh mắt cảnh giác suốt nãy giờ.

Anh gồng mình đứng dậy và băng qua đường, bước vào quán Tiên Tông Lâm.

Chiếc xích đu xanh rì dây leo, logo hình con thỏ và những cây kem lạnh… khiến Tát Nhĩ Hạnh luôn cho rằng đó chỉ là nơi dành riêng cho người lớn những khi muốn nhõng nhẽo, anh chưa đặt chân vào quán ấy bao giờ. Nhưng giờ đây anh nào cần biết đó là nơi đâu, chỉ cần có một chốn dung thân cho anh được ngồi tĩnh tại một lúc cũng đã đủ.

Màu xám lấn chiếm trọn vòm trời, nhưng chưa thấy giọt mưa nào rơi xuống.

Anh ngồi ở ghế ngoài cùng, nhìn ra cửa sổ và không thôi hồi tưởng…

Mới hôm trước thôi, anh và cô còn đang ngồi thưởng thức buffet ở Big Pizza, cả hai ăn nhiều đến nỗi cô không nhấc nổi người dậy. Phán Phán cười hì hì: “Hôm nay anh lỗ to nhé!”. Mới hôm trước thôi, anh và cô còn hẹn nhau cùng đi xem phim. Mới hôm trước thôi, khi tạm biệt nhau ở cổng trường, cô còn nói: “Lần sau nếu cần tìm em thì đừng có đứng dưới gào tên người ta nữa! Hâm lắm, gửi tin nhắn ấy!”

Mới một ngày thôi… mà nay đã thiên thu cách biệt…

Người bồi bàn bước tới và hỏi:

– Thưa anh, anh muốn dùng gì?

Anh lặng thinh.

Bồi bàn lại hỏi:

– Thưa anh, anh muốn dùng gì?

Toàn thân Tát Nhĩ Hạnh khẽ run lên, anh ngoái đầu lại và thẫn thờ nhìn vào người bồi bàn trong giây lát rồi chợt nói:

– Biến đi!

Người bồi bàn chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì, đành lui đi với khuôn mặt đầy thắc mắc. Tát Nhĩ Hạnh vò tay lên mặt, anh lấy điện thoại gọi cho J: “Chú với H qua đây ngay. Anh đang ở Tiên Tông Lâm, đối diện ngay sở cảnh sát.”

J và H vừa đặt chân tới nơi thì bắt gặp Tát Nhĩ Hạnh đang cặm cụi viết gì đó. Mới không gặp nhau có hai tiếng đồng hồ mà tóc anh thảng như đã dài thêm một chút. J và H cũng cảm nhận được có chuyện gì đó vừa xảy ra. Cả hai ngồi đối diện Tát Nhĩ Hạnh, không ai lên tiếng, chỉ lặng lẽ quan sát sắc mặt của người anh lớn.

Một lúc sau, J ngoắc tay kêu bồi bàn mang lên ba cốc trà sữa. Cuối cùng Tát Nhĩ Hạnh cũng buông bút, anh ngẩng đầu lên và cất tiếng:

– Phán Phán đã bị ai đó giết chết.

Giọng nói anh đờ đẫn đến độ ngay cả vẻ đau thương cũng chẳng còn.

J và H bàng hoàng trong giây lát.

Tát Nhĩ Hạnh nói chuyện như đang độc thoại:

– Hồi Phán Phán còn nhỏ, cha mẹ cô ấy ra đồng làm việc, chiếc máy cày đổ lật xuống vách núi khiến cả hai đều mất mạng. Phán Phán lớn lên dưới bàn tay săn sóc của người thân. Ở đời này, kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh vốn đã là điều chua xót lắm rồi. Ấy vậy mà bây giờ đến một kẻ đầu bạc tiễn cô ấy đi cũng chẳng còn nữa…

J và H chẳng biết phải nói sao, cứ ngây đơ ra nhìn Tát Nhĩ Hạnh. Anh im lặng một hồi rồi đột ngột lên tiếng:

– Hôm nay, anh phải thành hôn với Phán Phán!

H thì thào hỏi:

– … Kết hôn ư?

Đôi mắt Tát Nhĩ Hạnh chợt rực lên một vẻ gì đó rất kỳ lạ, anh nhìn J rồi quay sang H nói:

– Hai đứa phải giúp anh, anh cầu xin đấy!

Sau một hồi yên lặng, J đáp:

– Anh Hạnh, cần chúng em giúp thế nào, anh cứ nói!

Tát Nhĩ Hạnh thoáng nghĩ rồi nói:

– J, chú tìm ngay một quán rượu và đặt giúp anh vài mâm. H, chú gọi điện cho bạn bè anh thông báo cho họ mười giờ tối nay anh sẽ làm đám cưới.

H nhìn J, J lại nhìn H, cả hai người như hóa thành pho tượng.

Tát Nhĩ Hạnh chau mày:

– Có vấn đề gì à?

J cúi đầu đáp:

– Thôi được…

Tát Nhĩ Hạnh nhìn lại những gì mình vừa viết, anh trầm giọng nói:

– Còn nữa, ngày mai hai đứa chuyển bức thư này cho bố mẹ anh…

H đón lấy tờ giấy, sau vài giây đọc lướt, cậu thốt lên bàng hoàng:

– Di chúc?

Tát Nhĩ Hạnh ngoái đầu ra ngoài cửa sổ và bảo:

– Có gì đâu mà phải kinh ngạc đến thế? Phán Phán đã đi rồi, một mình anh ở lại trên cõi đời này phỏng có ý nghĩa gì?

H lập tức nhảy dựng lên:

– Anh Hạnh! Anh không được làm điều dại dột!

Tát Nhĩ Hạnh đột nhiên tức giận bừng bừng:

– Chú nghĩ anh đang đùa cợt, đang làm trò sao?

J giật lấy tờ di chúc và xé tan nát:

– Anh Hạnh, em chỉ có một mong muốn là anh hãy lui quyết định này lại một năm. Sau 365 ngày nữa anh muốn làm gì thì làm, bọn em không can thiệp.

Tát Nhĩ Hạnh cố gắng kìm nén cơn giận đang sắp sửa nổ tung, vùi xộc hai bàn tay vào mái tóc. J lại nói:

– Anh yên tâm, buổi hôn lễ hôm nay chúng em sẽ giúp anh làm giống hệt như bao hôn lễ bình thường khác, à không, phải khác hoàn toàn mới đúng!

Bầu không khí nặng nề trôi qua, Tát Nhĩ Hạnh ngẩng đầu lên, nở một nụ cười nhọc nhằn:

– Từ lâu anh đã định mời hai đứa đến làm chủ hôn. Thế mà không ngờ dự định lại phải diễn ra sớm như vậy…

Dứt lời, anh nâng cốc trà sữa lên uống một hơi cạn sạch. J và H quay sang nhìn nhau, đoạn cũng nâng cốc uống hết veo.

Quá trình khám nghiệm tử thi cho Cố Phán Phán đã hoàn tất. Tuy nhiên tạm thời cô chưa thể được đưa đi hỏa táng. Phía nhà trường đã bắt liên lạc về tỉnh Giang Tô và chờ đợi người thân dưới quê bàn lo hậu sự.

Tát Nhĩ Hạnh muốn nhận lại thi thể Cố Phán Phán từ tay cảnh sát với tư cách là bạn trai của nạn nhân, phải nói rằng không việc gì khó hơn thế.

Nhưng gia thế nhà anh hoàn toàn không tầm thường chút nào. Anh không thưa với bố mẹ chuyện này mà chỉ mượn tạm một chút mối quan hệ của hai người nhằm đưa thi thể Cố Phán Phán ra khỏỉ sở cảnh sát ngay trong hôm ấy và hoàn thành hôn lễ trong thời hạn nửa tiếng đồng hồ.

Lúc anh ôm xác cô dâu vái lạy trời đất, đồng hồ đang chỉ 10 giờ 50 phút tối.

Vào thời điểm đó, Phục Thực đã bị nhốt trong phòng tạm giam. Khi đặt chân đến cửa cầu thang, viên cảnh sát hình sự nam dừng lại và hỏi người đồng nghiệp nữ:

– Rốt cuộc ban nãy cô nhìn thấy thứ gì?

Nữ cảnh sát ngần ngại cười trừ:

– Hình như tôi trông thấy hai đốm màu xanh lục trong phòng tạm giam…

Lễ thành hôn kết thúc.

Thi thể Cố Phán Phán lại được đưa đi. Tát Nhĩ Hạnh thẫn thờ dưới làn mưa chẳng khác nào một pho tượng gỗ, lặng nhìn hình ảnh chiếc xe cảnh sát ngày một nhòa dần trong đôi mắt.

Thế rồi, anh quay lại và khẽ nói với J và H:

– Chuyện đại sự của đời anh hôm nay nhờ ơn hai chú giúp đỡ, anh không biết nói gì để cảm ơn. Anh và Phán Phán đã làm lễ bái thiên địa rồi, từ giờ trở đi bọn anh sẽ được ở bên nhau. Hai đứa cứ về trường đi!

H ôm chặt anh và nói:

– Anh Hạnh, nhớ phải luôn tỉnh táo đấy!

Tát Nhĩ Hạnh hướng mắt về tận cùng con đường giữa trời đêm sâu thẳm mà rằng:

– Anh đã hứa với Phán Phán suốt đời này sẽ đồng cam cộng khổ, sớt chia hoạn nạn với cô ấy. Giờ cô ấy đang nằm trong hòm băng, nơi đó chắc lạnh lẽo lắm. Không lâu nữa cô ấy sẽ bị hỏa thiêu, nơi đó nóng nực biết nhường nào. Anh phải ở bên cô ấy, không quản ngại giá băng hay lửa bỏng…

H nói:

– Tối nay sống chết thế nào bọn em cũng phải ở bên anh.

Tát Nhĩ Hạnh bất thần gạt phắt cậu em mập sang một bên, quắc mắt nhìn cả hai người và gằn giọng nói:

– Vậy anh chỉ còn cách giết cả hai người trước!

Giữa lúc đó, một chiếc xe con bình thường màu trắng đang tiến tới từ phía xa.

J lạnh lùng nói:

– Anh Hạnh, em xin lỗi, chúng em đã kể chuyện này cho hai bác. Anh nhìn kìa, họ đã đến rồi!

Tát Nhĩ Hạnh quay phắt lại nhìn chiếc xe trắng và ngồi sụp xuống vệ đường ướt nhẹp khóc rống lên như một đứa trẻ.

Cả ba người đều không nhận thấy rằng, trên vệ đường dành cho người đi bộ ngay bên cạnh, có một con chó hoang ướt lướt thướt vẫn đang phủ phục ở đó và dõi theo đám người với ánh mắt hung hiểm.

Giống hồ ly có cốt tiên, loài chồn vàng có linh quỷ, riêng chó có tính người. Khi tuy là loài động vật có họ hàng thân cận với loài người, biết bắt chước từng hành động cử chỉ của con người một cách khéo léo, tinh khôn, nhưng tất cả chỉ là sự mô phỏng bề ngoài. Chỉ riêng loài chó mới được ban cho đôi mắt tưởng chừng lặng lẽ mà lại có khả năng nhìn xuyên thấu lòng người. Chúng nhìn thấu, hiểu nằm lòng từng ánh mắt, nụ cười, thủ đoạn, mánh khóe, mục đích, kế hoạch, ngôn ngữ, hành động, tính tình, mộng ước của con người…

Chúng thậm chí còn biết mật mã truy cập vào máy tính của ta nữa.

Chẳng qua vì cấu tạo cơ thể hạn chế nên chúng không bắt chước được mà thôi. Thế nên chúng đành giữ mãi tư thế của một kẻ ngoại cuộc, một kẻ quan sát và lẳng lặng theo dõi màn kịch.

Vở diễn kết thúc, con chó hoang đứng dậy, lần theo bờ tường, chạy đi rồi biến mất.

Băng qua vài ngả đường, một ống nước tối mò mò hiện ra, nó chui thoăn thoắt vào miệng ống để rồi biến mất dạng.
Bình Luận (0)
Comment