Chai nằm viện hai tuần rồi trở ra thành một thằng tập tễnh.
Lúc nó nằm trong viện, hầu như ngày nào tôi, Eik, và Porm cũng đến thăm. Chúng tôi mang kẹo tới và cả bọn khoái trá ngồi chén. Có lúc, mấy đứa buôn chuyện to đến mức y ta phải vào phòng bảo khe khẽ cái mồm. Những ngày đầu Chai vẫn còn tâm trạng để vui vẻ với chúng tôi, nhưng từ khi biết mình không còn có thể đi lại bình thường được nữa, nó ngày càng khổ sở, có lúc còn gào lên chửi bới, nhưng cũng có lúc nằm bất động không nói một lời, như thể trong phòng chỉ có một mình nó. Chúng tôi biết từ lâu rằng Chai luôn muốn trở thành một người lính như bố mình, nhưng những gì xảy ra đã làm tan nát giấc mơ ấy, tan nát mọi thứ mãi mãi.
Dẫu vậy, có người còn thất vọng và đau lòng trước bước ngoặt éo le của số phận hơn cả bản thân Chai, đó là mẹ nó. Bà cứ than khóc không ngừng và cuối cùng thì chúng tôi cũng đã chán ngấy việc cố an ủi bà.
Trong thời gian đó, mải bận với ba đứa kia, tôi không gặp Jom thường xuyên nữa. Chúng tôi không đi bộ cùng nhau vào sẩm tối, cũng không còn tới quán cóc nghe “Chai thời gian”. Cứ như thể tất cả đã bị ném bỏ vào một cái hộp cũ.
Thế rồi, một tối, tôi thấy Jom sánh vai bên một nam sinh lớp mười hai trên con đường quen mà chúng tôi thường dạo bước. Khó mà nói rõ khi ấy tôi cảm thấy thế nào. Một cảm xúc pha trộn giữa khinh thường, cay đắng và đau lòng dâng lên mỗi lần tôi nghĩ đến chuyện ấy. Tôi ít nói chuyện với Jom hơn. Kể cả khi chị ráng bắt chuyện với tôi trong lớp nhạc, tôi cũng kiệm lời nhất có thể.
Porm nhận ra thay đổi ấy trước bất kì ai.
“Cậu với Jom làm sao thế?” Porm điềm nhiên hỏi khi thấy tôi ì ạch kéo hộp đàn vĩ cầm đến chỗ nó với Chai, hai đứa đang ngồi vắt vẻo trên ghế đá bên sân bóng xem Eik luyện tập.
“Chả làm sao cả,” tôi vừa đáp vừa ngồi phịch xuống tràng cỏ nhưng ánh mắt không khỏi đảo về phía tòa nhà nơi Jom đang bước xuống bậc thềm, chú Mean cầm hộp đàn và cặp sách đi ngay sát sau lưng.
“Đừng như con lừa thế.” Porm vừa nói vừa huých khuỷu tay vào sườn Chai. “Chai, mình lêu lêu con là béo kia đi.”
“Để mình yên.” Chai khó chịu quay đi nhìn chỗ khác.
“Cái gì đấy!” Porm gắt lên. “Này, các cậu làm sao thế hả? Bị táo bón hết cả lũ hả? Đứng đấy mình thụi cho một phát.”
“Ra chỗ khác mà lên cơn đi được không?” Chai bực mình đứng lên.
“Không, cậu biến thì có.” Porm sưng sỉa. “Mình ở đây trước cơ mà. Cậu có quyền gì mà đuổi mình đi hả?”
“Cái ghế này là của cậu từ lúc nào đấy?” Chai không chịu thôi.
“Hai đưa thôi đi được không?” Tôi ngán ngẩm lắc đầu. “Cãi nhau như trẻ ranh. Bao giờ hai cậu mới lớn lên được đây?”
“Tức là hẹn hò với con gái như cậu ấy hả?” Chai xỉa xói. “Thế sao cậu còn quay lại chơi với bọn trẻ con này làm gì? Thảo nào mà bà chị ấy đá cậu.”
“Thằng điên này...!” Tôi nhảy chồm lên, nhưng Chai đã nhanh nhẹn kéo cái chân đau đi..
“Béo,” Porm khẽ gọi. Tôi quay phắt lại, đã sẵn sàng cho nó ăn đấm, nhưng khi nhìn thấy nét mặt nó, tôi chỉ biết im lặng ngồi xuống.
“Nghe mấy câu này này,” con bé nói.
“Tình yêu không cho gì ngoài chính nó và không lấy gì ngoài chính nó.
Tình yêu không chiếm đoạt và cũng không bao giờ bị chiếm đoạt;
Bởi tình yêu là đủ cho tình yêu.”
“Là sao?” Tôi bối rối trợn mắt nhìn nó.
“Khalil Gibran,” Porm trả lời, nét mặt trang nghiêm.
“Thì sao? Liên quan gì đến mình?” Tôi cục cằn hỏi, lòng đầy khó chịu.
“Có thể chẳng liên quan gì.” Porm chậm rãi đáp. “Nhưng không chừng nó sẽ giúp cậu hiểu một số thứ hơn.’
“Mình không hứng thú với cái đống thơ thẩn rẻ tiền của cậu.” Tôi túm lấy cặp sách và hộp đàn. “Nếu cậu cứ ăn nói linh tinh như thế, có ngày mình đá cho bay mông.”
“Rồi có ngày cậu sẽ hiểu!” Porm hét với theo tôi. Giọng nó nghe như thủy tinh vỡ. Tôi cúi đầu rảo bước biến thật nhanh khỏi đó, tự nhủ rằng tình cảm của tôi giành cho Jom không giống như Porm nói. Chỉ là tôi không muốn chia sẻ chị ấy với ai và không muốn kẻ khác xâm phạm vào thứ từng thuộc về hai chúng tôi.
Tôi nằm nghiêng nhìn đăm đăm vào chiếc đồng hồ cát đặt trên đầu giường. Chậm rãi, không ngừng nghỉ, những hạt cát chảy xuống như những giọt nước mắt thời gian. Một bản nhạc jazz cũ ngân vang từ cái máy nghe nhạc cầm tay bố tặng mấy năm trước. Tôi còn nhớ hai anh em đã phấn khích nhường nào khi bố mang cái máy về nhà. Trông nó như chiếc cặp táp nhỏ, đen bóng và có mùi mới tinh. Bố đặt nó lên bàn, mở ra, cắm điện, chọn một cái đĩa trong túi giấy rồi lắp vào. Bố vặn mấy cái nút thì đĩa bắt đầu quay. Trong lúc đó, chúng tôi quây quanh cái kì quan ấy mà nín thở chờ tiếng nhạc. Tôi nhớ mang máng bài hát đầu tiên là “Hãy nhớ rằng anh yêu em” của Ken Dodd hoặc một bài của Johny Mathis, ca sĩ nhạc nhẹ mà mẹ rất thích.
Hàng năm trời, cái máy đó nằm ngoài tầm với của lũ trẻ con chúng tôi. Mẹ cất nó tít trong tủ đồ của bà và mỗi khi rảnh rỗi lại mang ra bật như thể đó là một chương trình vô tuyến hay phát thanh riêng.
Tôi và Ning thường ca cẩm sau lưng mẹ về tính ki bo của bà, nhưng bố rời đi rồi, mẹ để máy nghe nhạc trong phòng khách và không bao giờ đụng đến nó nữa, cũng không la mắng khi hai đứa bật nhiều đến mòn cả máy. Cuối cùng, khi mẹ vác chiếc đài stereo từ nhà bà ngoại về, cái máy con này được chuyển lên phòng tôi cư ngụ cho tới tận bây giờ.
Có tiếng gõ cửa và giọng Ning vang lên. “Anh Nat, em vào được không?” Tôi rời mắt khỏi đồng hồ cát, ra mở cửa. “Sao chưa ngủ?” tôi hỏi khi nó bước vào phòng.
“Em chẳng buồn ngủ,” Ning đến bên cửa sổ lơ đãng nhìn vào bóng đêm bên ngoài.
“Lại lây bệnh của mẹ rồi,” tôi vừa trêu con bé vừa khép cửa rồi tới đứng cạnh nó.
“Chẳng biết nữa.” Ning lắc đầu. “Nhưng em không nghĩ thế.”
“Có chuyện gì à?” Tôi tì tay lên khung cửa, nghi ngại nhìn em gái. Ning nổi tiếng là nhắm mắt cái là ngủ ngay. Một khi nó buồn ngủ, nó mặc kệ mọi thứ xung quanh. Tôi còn nhớ có năm vào đêm Wachirarwut, nó tựa vai bố ngủ suốt lễ hội, nhưng vừa về đến nhà thì nó thức giấc làm ỏm tỏi lên, đòi đi chơi hội lại.
“Anh có để ý thấy mẹ có gì lạ không, Nat?” Ning hỏi mà không quay lại nhìn tôi.
“Không,” tôi lắc đầu. “Sao thế?”
“Dạo này tối nào mẹ cũng về nhà muộn.” Ning quay sang tôi. Đôi mắt nó chất chứa ưu tư muộn phiền. “Đến giờ này mẹ còn chưa về.”
“Chắc mẹ đang lo công việc gì đấy thôi,” tôi an ủi nó và tự thấy bản thân dạo này ít quan tâm tới mẹ và Ning: về đến nhà là tôi chui vào phòng đóng cửa một mình.
“Nhưng em nghĩ là mẹ thay đổi,” Ning nói như tự lầm bầm với chính mình. “Mẹ ăn mặc gọn gàng hơn. Mẹ cũng có nhiều quần áo mới, lại còn tối nào cũng có xe hơi đưa về.”
“Ái chà, xem ai trinh sát tốt chưa kìa!” Tối khẽ vò mái tóc xoăn của nó. Chẳng ai hiểu vì sao tóc nó lại xoăn như vậy, nhưng bố mẹ từng tranh cãi về chuyện này khi mẹ cố là thẳng tóc nó còn bố nhất quyết không chịu. Khi bố vui vẻ, ông sẽ chải tóc con bé cho tới khi tóc nó xù tung như cây chổi của Chú hề Bozo, rồi Ning sẽ đi đi lại lại, nhảy tưng tưng hoặc liếc xẹo mắt trong khi mẹ chán chường ngó đi chỗ khác.
“Em không biết.” Ning lùi lại. “Có thể chẳng có chuyện gì cả.”
“Thế này đi,” tôi đến bên máy nghe nhạc thay đĩa, nhìn Ning trong lúc cân nhắc. “Bọn mình xuống dưới nhà cùng đợi mẹ về.”
Ning liếc nhìn đồng hồ để bàn đặt bên giường rồi chậm rãi gật đầu.
Ti vi đã hết chương trình từ lâu mà mẹ vẫn chưa về. Tôi ngáp dài, ngả người nằm xuống ghế mây và với cái gối nhỏ kê đầu. Trong lúc đó, Ning ngồi đọc sách trên sàn, nhưng mắt nó vẫn liên tục hướng ra cửa.
“Đang đọc gì đấy?” tôi hỏi vu vơ.
“Cuốn Người mẹ của Maxim Gorky,” nó đáp rồi giơ cuốn sách lên cho tôi nhìn.
“Nghe nhạc không? Anh đi lấy máy nghe nhạc cho.”
“Thôi,” nó đáp. “Em muốn yên tĩnh hơn.”
“Ning,” tôi khẽ gọi nó. Nó ngơ ngác quay lại nhìn tôi. “Anh nhớ bố.”
“Em cũng thế,” nó gập sách lại để xuống sàn. “Bố mà ở đây đêm nay thì tốt bao nhiêu.”
Bên ngoài, gió thổi mạnh khiến cửa sổ cứ kẽo kẹt liên hồi. Tiếng côn trùng đêm vỗ cánh mơ hồ vẳng lại từ xa, thoảng cùng hương đất ẩm và mùi cỏ khô.
Tôi nhớ lại một đêm hồi chúng tôi còn sống trong căn nhà cũ bên sông. Mẹ vừa cãi nhau với bố và bỏ nhà đi được mấy tiếng. Khi đêm xuống, ba bố con tôi nằm thao thức trong màn. Chúng tôi lắng tai nghe tiếng lá khô lạo xạo rồi lại nhìn nhau thất vọng khi nhận ra không phải bước chân mẹ về. Khi một con thằn lằn mắt đỏ rực bò lên xà nhà trên đỉnh màn kêu “Tắc! Tắc!”, bố quàng tay ôm chặt hai đứa. “Bố,” tôi khẽ gọi, trong khi mắt vẫn nhắm nghiền. “Mẹ đi đâu thế bố?” Bố lặng đi một lúc, rồi trả lời, giọng nửa đùa nửa thật: “Mẹ đi gặp người yêu mới rồi.” “Con không chịu đâu!” Ning bực bội. “Con sẽ lấy gậy đánh vào đầu ông người yêu mới.” “Con cũng thế,” tôi vội vàng hùa theo. “Con sẽ bắn chết ông ta.” “Đừng vội vàng,” bố nói. “Mình phải có kế hoạch cẩn thận. Bố sẽ để một cái vỏ chuối ngoài cửa. Khi ông ta trượt vỏ chuối ngã, thùng nước mình treo trên cửa sẽ rơi trúng đầu ông ta. Khi đó con có thể chạy đi kiếm gậy, Ning, còn Nat thì chạy đi mua súng.” “Cả chó nữa!” Ning phấn khích. “Chúng ta sẽ xùy chó cắn ông ta.” Hai anh em quên khuấy luôn con thằn lằn mắt đỏ và những lo lắng trong lúc đợi mẹ về, mải mê hứng thú lập kế hoạch trừ khử gã người yêu mới của mẹ thế nào cho tới khi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau tỉnh dậy, đã thấy bố mẹ ngồi đợi bên bàn ăn sáng. “Người yêu mới của mẹ đâu?” Tôi hỏi mẹ. “Con sẽ tự tay đánh chết ông ta,” Ning hăng hái tuyên bố. Biết ngay chuyện gì đã xảy ra, mẹ lập tức gây sự với bố. Hai người lại mắng chửi nhau đến tím cả mặt và đĩa bát lại bay đi các hướng. Lần này bố là người lao ra khỏi nhà mất mấy ngày không về, bỏ lại tôi và Ning ôm nhau sợ rúm mỗi lần con thằn lằn mắt đỏ rực trèo lên xà nhà buông ra những tiếng ghê người.
Điện thoại đột ngột đổ chuông, phá vỡ bầu tĩnh mịch. Cả hai chúng tôi giật mình lao đến bên nó.
“A lô?” Ning sốt sắng. “Mẹ đấy ạ?”
“Mẹ, con Nat đây.” Tôi giằng lấy ống nghe.
“Đêm nay mẹ không về nhà đâu Nat,” giọng mẹ nghèn nghẹt. “Chúng mày làm gì mà giờ này chưa ngủ? Mai không dậy đi học được bây giờ.”
“Mẹ?” tôi nuốt nước bọt. “Mẹ đang ở đâu đấy?”
Ning vội vã áp tai vào ống nghe.
Mẹ im lặng một hồi, rồi đáp khẽ: “Mẹ đang ở nhà bác Amorn. Hai đứa đừng lo.”
Tôi còn định nói tiếp thì mẹ đã dập máy. Những tiếng bíp bíp nghe như tiếng cười mỉa mai. Tôi uể oải đặt ống nghe xuống.
Ning lặng nhìn tôi rồi tóm lấy quyển sách chạy lên gác không nói một lời.