Chặng Đường Áp Giải

Chương 22

Dĩ Thành nói, Việt Việt, em đừng trốn nữa, Việt Việt à, em nói xem vì sao em cứ hay thách thức bước chân anh thế hả?

Đầu Thiên Việt bị bàn tay to của Dĩ Thành ấn chặt vào bờ vai anh, khiến cậu mụ mị cả người. Lại bị anh tìm thấy rồi, anh chàng này, sao mà cứng đầu dữ vậy nè. Hơi thở của anh sao mà ấm áp quá đỗi, giọng nói của anh vang lên bên tai, sao mà cứ nghẹn ngào, lại còn mang theo chút thổn thức, nhiều khi không nghe rõ được là đang nói gì.

Dĩ Thành lại nói tiếp: “Việt Việt chân chính ơi, em đừng bỏ chạy nữa mà. Anh đã tìm em đến phát rồ luôn rồi. Cả ngày trời chỉ toàn lo hầu chuyện mấy ông già bà cả, chỉ riêng mẹ nuôi thôi mà đã nhận tới hai người rồi này.”

Thiên Việt hỏi lại: “Gì cơ?”

Dĩ Thành bỗng tỏ ra ngượng nghịu: “Thì… Là thế này. Kiểu như là, bên khu đó còn chưa có tổ dân phố, nên anh phải hỏi thăm mấy bà bác lớn tuổi bên đó, để dò la tin tức về em đó. Ai dè đâu, nói chuyện một hồi thấy hợp rơ quá chừng, thế là nhận họ làm mẹ luôn.”

Thiên Việt chống tay xuống giường, há hốc mồm nhìn Dĩ Thành, mãi thật lâu sau mới hoàn hồn lại, ồ lên một tiếng rõ dài, rồi lí lắc chọc anh: “Cũng ngộ ha, sao lại không có bác gái nào đòi nhận anh làm con rể hết vậy?”

Dĩ Thành lúng búng như ngậm hột thị: “Khụ… Chuyện đó… Chuyện đó… Là vì… Anh… Anh nói với họ là… Anh có… có vợ rồi.”

Thiên Việt ngoảnh mặt đi, cười khì: “Vậy tức là có rồi.”

Dĩ Thành xoay đầu cậu lại, nói bằng giọng hết sức chân thành: “Việt Việt, chúng mình về nhà thôi.”

Thiên Việt ngậm tăm.

Dĩ Thành lại tiếp: “Có một chuyện, mà anh vẫn muốn thú nhận với em. Thật ra thì, buổi tối hôm ấy, cái hôm Quốc khánh ấy, người say… là em. Còn anh… Anh không có say Việt Việt à.”

Dĩ Thành nào có dễ say như thế, hồi còn bé anh sống ở miền Đông Bắc với nội, vào những ngày đông giá rét, nước thậm chí đóng thành băng luôn. Nhà bọn họ đã trải qua hai mùa đông mà không đủ tiền để mua than sưởi ấm, nội anh bèn lấy rượu nếp do bà tự ủ ra, hai bà cháu, chia nhau hớp từng ngụm, cố gắng chống chịu qua hết mùa đông dài đằng đẵng. Dĩ Thành làm sao mà say được, thứ duy nhất chuốc say được anh, cũng chỉ có Việt Việt mà thôi. Nhóc con Việt Việt này đó mà. Dĩ Thành nghĩ bụng. Nhưng lại không dám mặt dày nói ra.

Thiên Việt ngồi bó gối trên giường, cằm gác lên đầu gối, ậm ờ đáp: “Buổi sáng hôm sau… Anh đã nói xin lỗi, nên em cứ ngỡ…”

Dĩ Thành nói: “Đó là tại vì em bảo anh… Bảo anh… Liên hệ giữa lí luận và thực tiễn, thành thử anh tưởng là, anh tưởng là, anh tưởng là… Mình đã làm em bị thương rồi, cho nên mới nói xin lỗi.”

Thiên Việt ngẩng đầu lên nhìn anh, nhìn đôi mắt nâu trầm trong trẻo, sáng ngời của Dĩ Thành. “Chỉ có vậy thôi sao?”

Dĩ Thành gục gặt: “Ừ!”

Thiên Việt hỏi: “Anh… Không để bụng ư…?”

Dĩ Thành đáp: “Việt Việt, anh chỉ để bụng một điều.”

Thiên Việt hỏi: “Điều gì?”

Dĩ Thành đáp: “Rốt cuộc là chuyện gì, đã khiến Việt Việt của anh phải tủi thân đến mức này?”

Thiên Việt im ỉm suốt một lúc lâu, ánh tà dương chậm rãi phủ trùm cả không gian. Những ngày cuối thu, trời sụp tối từ khi còn rất sớm. Dĩ Thành bật đèn ở đầu giường lên.

Thiên Việt bất thình lình cất tiếng gọi: “Anh.”

Sau tám năm trời xa cách, cậu mới lại một lần nữa gọi anh như vậy.

“Anh à,” – Cậu nói – “Anh tắt đèn đi, rồi em kể anh nghe.”

Ngày hôm ấy, sau khi hết giờ làm, Thiên Việt được Kế Hiểu đưa về, Thiên Việt nói: “Tới nơi rồi.”

Kế Hiểu thô bạo giữ tay cậu lại, rồi đặt lên môi cậu một nụ hôn nồng cháy.

Thiên Việt chẳng buồn phản ứng lại, lạ làm sao, trong đầu cậu lúc đó chỉ toàn xuất hiện những suy nghĩ chẳng mấy liên quan, ví dụ như, lực tay của anh ấy thật mạnh. Thì ra hôm nay là ngày rằm, thảo nào trăng tròn như thế. Rồi còn, mùi nước hoa anh ấy dùng, hơi giống của cha. Ngày mai còn phải học thêm hai tiết đọc hiểu nữa, giọng bà già ấy, cứ ê a chậm rì, nghe mà sốt ruột giùm luôn.

Đủ thứ ý tưởng, như một bầy ong vỡ tổ, vo ve lướt qua trong óc Thiên Việt, khiến cậu không cách nào tập trung tư tưởng được.

Cuối cùng, Kế Hiểu cũng chịu buông cậu ra, trông thấy cậu nhỏ sợ tới nỗi hồn vía lên mây, gã mới nhếch môi thật khẽ, đôi mắt đa tình sáng quắc lên. Gã chắc mẩm cậu nhóc trước mặt là một chú nai tơ chính hiệu, cái kiểu con nhà lành này, sẽ mang đến cho anh biết bao bất ngờ thú vị, đương nhiên cũng sẽ kèm theo chút đỉnh phiền toái. Nếu như bạn đặt bút xuống, quệt từng nét lên tờ giấy trắng tinh, thì đến khi muốn xóa đi những đường nét ấy, có phải sẽ khá vất vả hay không? Phải rồi đấy. Kế Hiểu nghĩ, thế nhưng, vẽ tranh lên giấy trắng, bất kể thế nào, cũng đều là một việc hành vi đầy cám dỗ.

Kế Hiểu lại cười tủm tỉm, gã mân mê vành tai Thiên Việt, nói: “Em về đi. Anh đứng đây đợi em vào trong rồi sẽ đi.”

Gã đứng trong bóng tối, quan sát cậu trai đang sợ xanh mặt bỏ chạy như ma đuổi vào trong khuôn viên trường học, lại nở tiếp một nụ cười trong thầm lặng.

Sang hôm sau, Thiên Việt đến nhà anh trai Kế Hiểu, ấp úng giải trình, rằng sau này sẽ không đến dạy kèm nữa, bài vở quá nhiều, cậu gánh không xuể. Chị dâu Kế Hiểu tỏ vẻ không hài lòng, quở: “Tiểu Thẩm, em nghỉ ngang xương kiểu này, chị lại phải tìm người thay thế à. Tất nhiên không phải là không có thầy khác tốt hơn, nhưng như vậy sẽ làm lỡ dở việc học của con bé mất.”

Thiên Việt xin lỗi liên hồi, hay là thế này, cậu nói, tiền học phí tháng này, em sẽ không thu.

Nói đoạn, cậu ù té chạy.

Ấy vậy mà, cậu lại chạy không thoát được mảng kí ức ấy. Gương mặt điển trai đến khó tin của Kế Hiểu khi đứng dưới trăng, giọng gã thì thầm vào tai, cảm giác đắm chìm trong nụ hôn ướt át rực lửa của gã, như một chiếc đĩa bị hỏng, cứ phát tới phát lui mãi một đoạn phim, nương theo từng hồi trống ngực dồn dập, cứ dịu dàng, mà dai dẳng, lặp đi lặp lại hoài không dứt. Bởi thế nên, sau khi nhận được cuộc gọi của Kế Hiểu, Thiên Việt làm như bị ma xui quỷ khiến vậy, cứ thế mà đi đến chỗ hẹn.

Đó là một quán trà nhỏ nằm ở nơi heo hút, trước kia vốn là một tầng hầm, chỉ thắp vài ngọn đèn mờ hiu hắt, bên cạnh mỗi chiếc bàn, đều trồng một gốc cây to, ánh sáng xuyên qua kẽ lá, lốm đốm đổ xuống bàn, hắt lên gương mặt Kế Hiểu, soi rõ nụ cười an nhiên đầy trìu mến của gã.

Kế Hiểu nói: “Thiên Việt, em không đi dạy ở nhà anh của anh nữa à? Cũng tốt, bà chị dâu anh hà khắc quá mà. Chỉ là…” – Gã vươn tay nắm lấy những ngón tay Thiên Việt, vuốt ve từng chiếc móng tay sáng bóng – Chỉ là… Thiên Việt… Đừng trốn chạy, em nhé.”

Gã nói, Thiên Việt, đừng chạy, Thiên Việt, đừng bỏ chạy em nhé?

Thiên Việt cười nhẽ bẫng, nói với Dĩ Thành, anh à, anh xem em ngốc biết chừng nào, gã kêu em đừng chạy, em liền không chạy nữa.

Kể từ đó, Kế Hiểu thường xuyên hẹn gặp Thiên Việt, gã không việc gì phải vội, ba cái trò vừa gặp mặt đã lên giường, cũng không phải gã chưa từng nếm qua, thế nhưng, đối với cậu nhóc tên Thiên Việt này, thì không thể dùng cách đó, vì sẽ để lỡ rất nhiều trò hay. Gã sẵn lòng cùng cậu chơi trò mưa dầm thấm đất. Gã rất hay hẹn cậu ra chỗ quán trà ấy, hoặc đến những công viên kín đáo, vắng vẻ, những ngón tay thuôn dài của gã nhẹ nhàng mơn trớn khuôn mặt cậu, rồi gã hôn cậu thật chậm rãi, vuốt ve tấm lưng ong thon thả của cậu qua lằn vải áo, để rồi, lại mon men lần vào bên trong tìm đến làn da mịn màng mát rượi của cậu, nơi mà bởi vì hồi hộp, và cũng vì là lần đầu tiên ái ân với người cùng giới, mà đã lấm tấm mồ hôi. Từng chút từng chút một, từng phân từng tấc một, gã đã để lại những vết tích trong tâm trí cậu, rồi đến lượt thân thể cậu, cuộc đời của cậu.

Gã cũng làm rất nhiều chuyện cho cậu. Như dẫn cậu đi ăn, rồi dặn dò cậu, Thiên Việt, ăn cá nhiều vào, cá hấp đấy, em còn đang tuổi ăn tuổi lớn mà. Nói rồi gắp phần thịt ngon nhất trên lưng cá vào chén của Thiên Việt, Thiên Việt nhìn miếng cá trắng phau mềm rục, chợt thấy khóe mắt cay xè.

Đôi mắt Kế Hiểu tinh tường lắm, vừa nhìn một cái là biết ngay Thiên Việt đã xiêu lòng. Trước mặt gã đây, là một cậu bé khát khao yêu thương. Trong một gia đình toàn những phần tử trí thức, nho nhã lễ độ, thì bù lại cũng sẽ vô cùng thiếu thốn tình người. Cha của Kế Hiểu vốn là hiệu trưởng một trường trung học, mẹ làm giáo viên, cũng có thể xem như một gia đình tiểu trí thức, nên gã quá rành mấy chuyện này rồi. Gã biết thừa phải làm cách nào để cưa đổ cậu nhóc, để cướp lấy trái tim cậu. Tại sao lại không nào? Về phần có được rồi thì kế tiếp nên làm gì đây, ái chà, vấn đề này, Kế Hiểu từ đầu đã lên kế hoạch chu đáo rồi.

Lại có một lần khác, trong buổi hẹn hò với Thiên Việt, Kế Hiểu dắt theo một chiếc xe đạp có vẻ đã qua sử dụng. Gã nói với Thiên Việt: “Hồi xưa anh hay đi chiếc này, mặc dù có hơi cà tàng, nhưng vẫn còn xài tốt, em xem, sân trường bọn em rộng như thế, đi tới đi lui nhiều cũng vất vả lắm nhỉ.” Rồi gã còn mang cho cậu quần áo, không phải đồ mua mới, vì gã biết Thiên Việt sẽ không chịu nhận. Gã toàn bảo: “Đây là mấy bộ đồ cũ của anh, đều còn mới lắm, chẳng qua anh mặc hết vừa rồi. Cũng may vóc người của em xêm xêm với anh thời còn đi học, nên để lại cho em nè.”

Thiên Việt mặc đồ gã tặng, quả nhiên rất hợp, trang phục màu trắng, màu ghi, màu đen, khoác lên người cậu đều toát lên nét thanh tú vô ngần.

Mỗi một hành động, mỗi một lời nói của Kế Hiểu, đều nhắm vào đúng nơi yếu mềm nhất, dễ bị công phá nhất trong tim Thiên Việt, bằng một cách âm thầm lặng lẽ, gieo vào đó chi chít những hạt giống, thứ mà Thiên Việt ngỡ đâu sẽ nảy mầm thành tình ái, vậy mà nào ngờ chúng lại chỉ toàn mọc lên những bụi gai nhọn hoắm.

- Hết chương 22-
Bình Luận (0)
Comment