Chàng Ngốc Ở Thôn Nọ

Chương 14

Về chuyện bà Tứ có phải đồng hương với thầy Chu hay không, Hà Hoa nhanh chóng tìm được câu trả lời, cũng không phải lén dò hỏi được ở chỗ nào, mà vì lớp học của thầy Chu tạm thời ngừng dạy, nói là thầy ấy phải về quê thăm người thân. Hà Hoa vẫn luôn ngẫm nghĩ những lời nói của hai người họ mà cô nghe được từ hôm kia, bà Tứ và thầy Chu nhất định là đồng hương. Cô cảm thấy rất ngạc nhiên, trong thôn này những người đàn bà lắm chuyện thích nhất là ngồi lê đôi mách những chuyện vặt vãnh như vậy, nhưng đã bao năm rồi mà lại không hề có chút phong thanh nào. Vì hai nhà ở gần nhau, cô cũng nghe được lời ong tiếng ve từ mụ góa Trần về chuyện của hai người, nhưng cũng chẳng có ai cho là thật, đó chẳng qua là những câu chuyện phiếm không đầu không đuôi. Nhất là bà Tứ không qua lại với nhiều người, những chuyện đồn nhảm nhí thế này mặc kệ thực hư thế nào người trong cuộc cũng phải giận dữ hay xấu hổ hoặc ít nhất là cũng có một chút phản ứng mới làm cho đám bà tám cảm thấy hứng thú. Còn như bà Tứ, dù người ta có nói bà ấy mười câu bà ấy cũng chả thèm liếc nửa con mắt để ý đến, nên làm đám người đó cụt cả hứng. Thứ hai là thầy Chu rất được lòng người, ông ấy xem bệnh cho người ta chưa bao giờ lấy tiền, người trong thôn nhờ thầy ấy viết thư hay câu đối đám cưới gì thầy cũng không đòi trả công. Tính tình thầy lại vô cùng tốt, đối xử rất ôn hòa với người khác, cho nên trong thôn cũng không có người nào lấy oán báo ơn đặt điều không hay về thầy ấy. Hà Hoa bỗng nhiên biết được “Bí mật” này nhưng cũng không kịp suy nghĩ gì nhiều, vì bà Tứ đột nhiên ngã bệnh. Sáng sớm một ngày nọ, Hà Hoa làm điểm tâm xong liền đi đến phòng gọi bà Tứ, vừa bước vào phòng đã thấy bà nằm sóng xoài trên mặt đất. Hà Hoa hoảng sợ, bước lên đỡ bà, tuy bà Tứ ngã trên đất nhưng bà vẫn còn tỉnh táo, chỉ có điều sắc mặt trắng bệch ra. Hà Hoa hoảng hốt lo lắng gọi Trường Sinh tới bế bà Tứ lên giường. Hà Hoa muốn chạy đi mời thầy Chu đến khám bệnh nhưng bà Tứ kéo tay cô ngăn lại, nói là vì mới vào đầu đông nên bà sơ ý để trúng gió lạnh khiến cơ thể mệt mỏi. Chỉ cần nghỉ ngơi một chút rồi tự sắc thuốc uống là khỏe lại thôi. Hà Hoa không biết việc chữa bệnh cũng không hiểu các loại thảo dược, nhưng cô lớn như vậy cũng đã từng bị bệnh, nhìn bà Tứ chẳng giống bị cảm lạnh chút nào. Trường Sinh lại không suy nghĩ nhiều như vậy, bà nội nói bị cảm lạnh thì chắc chắn là bị cảm lạnh, hắn vội vàng ôm hết chăn mền trên giường đắp hết cái này đến cái khác lên người bà Tứ, quấn bà kín mít trong chăn. Bà Tứ chẳng còn chút sức lực nào chỉ biết cười cười, trong bất đắc dĩ lại mang theo vài phần vui mừng, nói: “Quấn kiểu này không làm bà chết nóng thì cũng chết ngạt.” Trường Sinh hoảng hốt lại lo lắng kéo một cái chăn ra, nhìn bà Tứ hồi hộp nói: “Như vậy được chưa?” Bà Tứ lắc đầu, Trường Sinh lại rút một cái nữa ra, bà Tứ lại lắc đầu, hắn lại lấy đi thêm một cái nữa, mãi đến khi bà Tứ gật đầu, hắn mới yên tâm. Sau đó, hắn lấy khăn nhúng nước nóng đắp lên trán cho bà Tứ, bị bà Tứ từ chối hắn liền kéo ghế đến ngồi bên cạnh giường. Hà Hoa làm theo lời dặn của bà Tứ lấy vài vị thảo dược trong ngăn tủ đem đi sắc, sau khi sắc cho bà uống xong cô nói với Trường Sinh đừng ở lại trong phòng quấy rầy bà nội nghỉ ngơi. Trường Sinh không để ý tới lời cô, cứ ngồi lỳ bên cạnh, Hà Hoa cũng đành tùy ý hắn. Nhưng đến khi cô ra khỏi phòng lại cảm thấy trong lòng bất an, tối qua bà Tứ vẫn còn rất khỏe, nếu thực sự bị cảm lạnh thì bệnh cũng không thể kéo đến mau như vậy. Cô lo lắng nghĩ tới nghĩ lui, hai ngày nữa thầy Chu phải về quê, nên thừa dịp thầy ấy còn ở đây mời thầy qua khám cho bà một lần, tránh đến lúc đó muốn tìm cũng không gặp. Lúc Hà Hoa đến nhà thầy Chu thì thấy thầy Chu đang thu xếp đồ đạc, nghe nói bà Tứ ngã bệnh sắc mặt thầy chợt biến, bồn chồn lo lắng đi theo cô đến nhà họ Hoắc. Bà Tứ thấy thầy Chu đến thì quở trách Hà Hoa vài câu, Hà Hoa cúi đầu thè lưỡi không dám nói gì. Thầy Chu nói: “Hà Hoa là bởi hiếu thuận, cũng vì muốn tốt cho bà.” Bà Tứ nói: “Cơ thể ta thì ta tự biết, bệnh vặt thôi, ta đã uống thuốc rồi không dám phiền đến thầy.” Thầy Chu không nói tiếp, chỉ đưa tay bắt mạch bà Tứ. Bà Tứ lại khăng khăng không thèm để ý, bầu không khí chợt trở nên căng thẳng. Hà Hoa cảm thấy hình như bà Tứ cố tình gây sự, mặc dù do cô nhiều chuyện mời thầy thuốc tới, nhưng nếu thầy Chu đã đến đây thì bắt mạch cũng tốt, cần gì phải tỏ vẻ khó chịu với người ta như vậy. Cô nhìn vẻ mặt của bà Tứ và thầy Chu giống như đang giấu diếm chuyện gì đó, lại thêm chuyện nhiều năm qua hai người vẫn cố ý che giấu mối quan hệ đồng hương, hoặc là đã phát sinh ân oán gì đó không muốn người ngoài biết. Vậy cô cũng không tiện nói thêm gì cả, cô chỉ lấy cớ vại nước trong nhà đã cạn, bảo Trường Sinh mau ra ngoài gánh nước về pha trà cho bà Tứ và thầy Chu, nhằm dụ Trường Sinh rời khỏi một lát. Hà Hoa làm bộ phải về thu dọn vài thứ trong bếp một chốc, rốt cuộc cô cũng kìm không được tò mò nên rón ra rón rén đến sát cửa phòng bà Tứ nghe lén. Sau một lúc lâu trong phòng cũng không có động tĩnh gì, Hà Hoa hơi chột dạ bất an, bà Tứ là người khôn khéo, nếu bà biết cô nghe lén chắc chắn cô sẽ không dễ sống. Cô chỉ vừa nhón chân định nhẹ nhàng rời khỏi, chợt nghe trong phòng có tiếng thở dài, ngay sau đó là giọng của thầy Chu: “Đến cuối cùng bà vẫn hận ta…” Hà Hoa nghe xong mà giật cả mình, quả nhiên hai người có ân oán mà, không đợi cô kịp suy nghĩ nhiều, đã nghe bà nội trả lời: “Cái gì mà hận hay không, đừng nhắc đến chuyện cũ nữa, ta đã sớm quên rồi…” “Nếu thật sự đã quên, vì sao bà bệnh như thế cũng không nói cho ta biết? Bệnh này chắc chắn bà đã biết từ lâu, nếu từ hai năm trước chúng ta trở về mời ông nội của ta trị bệnh thì sao bà có thể trở thành như bây giờ?” Giọng thầy Chu rõ ràng hơi kích động: “Chắc chắn là bà còn hận ta, bà cố ý để bệnh kéo dài, để bệnh phá hủy thân thể khiến ta đau lòng!” Trong phòng lại trở nên yên lặng, Hà Hoa cảm thấy mình giống như kẻ vô tình nghe được bí mật động trời làm trái tim đập ầm ầm trong ngực. Cô biết bây giờ cô nên tránh ra chỗ khác sau đó quên hết mọi chuyện, làm như không biết gì. Nhưng con sâu tò mò cứ nhoi nhoi trong lòng cô, khiến cô phải làm ngược lại là tiếp tục nhoài người đến bên cửa, ghé sát tai vào nghe lén. Nhưng chỉ nghe thấy bà Tứ thản nhiên nói: “Ta cần gì phải giày vò thân thể mình để trả thù ông chứ? Ta không xứng…” Thầy Chu không lên tiếng trả lời, Hà Hoa hoàn toàn không thể tưởng tượng ra vẻ mặt của thầy ấy lúc này như thế nào. Nhưng chỉ với hai câu kích động của thầy Chu đã khiến cho cô ngạc nhiên không thôi, người đó không hề giống như vị thư sinh ôn hòa mà cô quen biết từ nhỏ đến lớn. Một lúc lâu sau, bà Tứ lại bình tĩnh nói: “Trong lòng ta đã sớm gỡ bỏ khúc mắc kia, nhưng ông lại không bỏ được, cho dù ông thực sự nợ ta điều gì thì thời gian lâu như vậy cũng đã trả đủ rồi… Bây giờ, ông về thăm nhà cũng đừng quay lại nơi này nữa, phu nhân xa con nhiều năm như vậy, lúc này này bệnh tình như thế nào chắc ông cũng đoán ra được, đừng hao tốn thời gian vì ta nữa, về nhà báo hiếu đi…” Hà Hoa càng nghe càng mơ hồ, khó hiểu, chợt nghe thấy phòng trong có tiếng khóc nghẹn, lặng yên nghe ngóng thì có thể nhận ra là tiếng của thầy Chu không thể nghi ngờ gì được. Hà Hoa không biết nên làm gì, cô biết mình không nên nghe thêm nữa, mới định xoay người rời đi, đã nghe tiếng Trường Sinh ngay sau lưng cô hỏi: “Cô đứng đây làm gì?” Hà Hoa giật mình, sợ đến mức suýt chút nữa thì tim gan phèo phổi vọt hết ra ngoài, quay đầu lại thấy Trường Sinh đã gánh nước về từ bao giờ, đang đứng phía sau cô. Tiếng nức nở trong phòng đột nhiên ngừng lại, trong lòng Hà Hoa tự nhủ thầm thôi xong rồi, cô mặc kệ mọi thứ, vội vàng lôi Trường Sinh đi. Hà Hoa và Trường Sinh trở về phòng, một lúc sau thì thấy thầy Chu ra khỏi phòng bà Tứ. Hà Hoa chột dạ, không dám ra ngoài, có lẽ thầy Chu cũng cảm thấy xấu hổ, nên không chào hỏi cô và Trường Sinh mà ra về luôn. Hà Hoa nhìn về phòng bà Tứ, cũng không dám đi qua hỏi thăm, chỉ bảo Trường Sinh qua đó, nghe nói bà Tứ đã ngủ, trái tim đang treo lơ lửng của cô mới có thể đặt xuống phần nào. Cô nghĩ chuyện xấu hổ như vậy, chắc chắn bà Tứ cũng sẽ không nhắc lại với cô, mọi người cứ giả ngu, xem như chuyện đó chưa từng xảy ra là được. Có điều… Vừa rồi nghe thầy Chu nói, bệnh của bà Tứ dường như rất nghiêm trọng… Hà Hoa đứng ngồi không yên, do dự một lúc lâu, rốt cuộc cũng vẫn đánh bạo đi tìm thầy Chu. Lúc Hà Hoa đến đó, thấy cửa lớn nhà thầy Chu đóng chặt, cô gõ một lúc lâu cũng không có người trả lời, cô do dự xoay người bỏ đi, nhưng mới đi được một quãng chợt nghĩ nghĩ đành quay trở lại, tự đẩy cửa vào, đứng trong sân gọi lớn: “Thầy Chu? Thầy có trong đó không? Cháu là Hà Hoa.” Thầy Chu liền đẩy cửa bước ra, lúc hai người đối mặt đương nhiên hơi xấu hổ, vội nở nụ cười lấp liếm mọi chuyện. Hà Hoa nói: “Mới rồi cháu hơi vội nên chưa kịp nói chuyện với thầy, cháu tới là muốn hỏi bệnh tình của bà cháu có nặng lắm không?” Thầy Chu nghiêng người xốc tấm màn lên nói: “Vào đi, vào nhà nói chuyện.” Hà Hoa thấy vẻ mặt và giọng điệu của thầy Chu cứ nghĩ là ông ấy sẽ kể với cô chuyện cũ của bà Tứ, không ngờ ông ấy lại lảng tránh chuyện đó, chỉ nói: “Ta vừa xem bệnh cho bà Tứ, bệnh không phải là ngày một ngày hai, nếu điều trị sớm thì có thể khỏi hẳn, bây giờ đã hơi trễ rồi…” Hà Hoa nghe xong trong lòng chợt bất an, cũng chẳng còn tâm trí tìm hiểu quan hệ giữa hai người là thế nào nữa, chỉ vội hỏi: “Thầy nói như vậy là bệnh tình của bà nội cháu không ổn? Đây là… là bệnh nguy hiểm đến tính mạng sao?” Thầy Chu nhíu mày, gật đầu: “Nếu phát bệnh thì có thể mất mạng, nhà của ta làm nghề y nhiều đời, nên đã từng gặp rất nhiều người chết vì bệnh này… Nhưng cháu không cần quá lo lắng, bệnh của bà nội cháu lúc này cũng không đến mức hết thuốc chữa, chỉ là phát hiện hơi chậm một chút. Chỉ cần cẩn thận chữa trị, cho dù không trị được tận gốc cũng có thể dùng thuốc giữ được tính mạng.” Hà Hoa vội hỏi: “Thầy nói phải điều trị như thế nào ạ? Thầy cứ kê đơn, trong nhà cháu có rất nhiều thuốc, nếu trong nhà không có, cháu có thể vào hiệu thuốc trong thành mua.” Thầy Chu nói: “Bệnh này ta cũng không thể chữa trị được, mặc dù ta học được chút y thuật của các vị trưởng bối trong nhà, nhưng khi còn trẻ ta không để tâm chăm chỉ học, nên ta chỉ có thể xem một số bệnh thường gặp… Huống chi bệnh này cũng không phải thầy thuốc bình thường có thể chữa…” “Người đó có thể chữa được không? Ông nội của thầy?!” Hà Hoa gấp gáp đến độ thốt ra mà chẳng kịp suy nghĩ. Lời vừa ra khỏi miệng mới thấy mình lỡ lời, nhưng cũng không thu lại được, đành xấu hổ nhìn sang chỗ khác. Thầy Chu cũng xấu hổ, nhưng không nói gì thêm nữa, chỉ đáp: “Đúng, ông nội ta y thuật cao minh, nếu mời ông ấy chẩn trị và điều dưỡng, bệnh của bà nội cháu sẽ có hy vọng…” Nói xong, thầy Chu cũng không chờ Hà Hoa mở miệng, nhìn cô khẩn khoản nói: “Hà Hoa, ta biết cháu là một cô bé thiện lương thông minh, có những chuyện không cần ta phải nhiều lời. Ta nói với cháu như vậy là muốn xin cháu trở về khuyên nhủ bà nội cháu. Khuyên bà ấy theo ta đi chữa bệnh, bệnh của bà ấy thật sự không thể chờ được nữa, nếu để trễ hơn chỉ sợ ngay cả ông nội ta dù bản lĩnh cao thế nào cũng không có cách chữa trị…” Hà Hoa chợt không biết nên làm thế nào cho phải thì thầy Chu lại nói: “Bà nội cháu đã vất vả nhiều năm, một người phụ nữ một thân một mình nuôi dưỡng một đứa trẻ, lại là một đứa trẻ như vậy… Ta không phải nói Trường Sinh không tốt, nó là một đứa bé ngoan, có điều nó không giống với những đứa trẻ bình thường, cần người ta bỏ ra rất nhiều sức lực và tâm trí… Bà ấy cứ cố như thế rồi mắc phải bệnh này… Không, ý của ta không phải nói Trường Sinh khiến bà ấy mệt mỏi mà sinh bệnh, ta không có ý đó… Ta chỉ muốn nói… muốn nói…” Thầy Chu càng nói càng nhanh, cho đến khi lời nói nghẹn lại trong cổ không thể nói thêm được gì nữa, hốc mắt đỏ ửng lên, thở dài nói: “Trường Sinh là một đứa trẻ ngoan, tâm tư trong sáng, bà ấy có một đứa cháu hiếu thuận như vậy thật rất tốt… Giờ lại có thêm cháu… Ta đến thôn này nhiều năm rồi, nhìn các cháu lớn lên mỗi ngày, cháu là một cô gái tốt. Nếu không phải vậy thì bà nội cháu sẽ không cố ý cưới cháu về làm vợ Trường Sinh, yên tâm giao nó cho cháu…” Hà Hoa lẳng lặng ngồi im không nói gì. Thầy Chu ngừng lại một lát rồi nói rưng rưng nước mắt nói: “Hà Hoa, tính của cháu thật ra rất giống bà ấy lúc trẻ… Ta biết trong lòng bà ấy rất thích đứa cháu dâu này, cháu hãy khuyên nhủ bà ấy, có lẽ bà ấy sẽ nghe cháu… Hãy khuyên nhủ bà ấy… Xem như ta… Xem như ta cầu xin cháu…”
Bình Luận (0)
Comment