Chàng Tà

Chương 19

“Tuy có một tia linh thức bảo hộ, nhưng dù sao cũng không thể kéo dài nhiều năm, cộng thêm thư sinh nhất nhất không chịu uống máu đầu tim của người yêu để kéo dài tính mạng, vị Tà Thần kia dẫu trăm ngàn lần không cam chịu, rốt cuộc cũng chỉ có thể chiều theo ý nguyện của y.”  

“Hai người bọn họ ước định đời đời kiếp kiếp, nhưng giữa chốn mênh mông phù thế, muốn tìm một người há lại dễ dàng như vậy? Tà Thần trong tâm biết rõ việc này khó tựa lên trời, nhưng rốt cuộc vẫn đáp ứng y.”

“Lại mấy năm qua đi, hai người dù trường sương tư thủ (bên nhau lâu dài) cũng khó lòng chống lại đau ốm giày vò.”

“Thư sinh không chịu dùng thuốc, đến cùng bỏ Tà Thần mà đi, từ đây chỉ còn mình hắn đơn độc chốn nhân gian, gắng gượng vì lời thề kiếp sau hư vô mờ mịt.”

“Cố sự này đến đây kết thúc. Thế nhưng…” Người kể chuyện ngưng bặt, cầm một chung trà nóng cúi đầu khẽ thổi. 

Đám người ngồi quanh ồ lên truy vấn: “Nhưng nhị cái gì? Ngài đừng thừa nước đục thả câu, hai người đó đến tột cùng đời sau có gặp lại không?”

Người kể chuyện buông chiếc chén sứ, mở bung quạt xếp, ung dung phe phẩy: “Sau khi thư sinh lâm bệnh qua đời, Hắc Bạch Nhị Sứ đến lấy hồn phách, nhưng Tà Thần lại lần lữa không hạ táng vong phu, vẫn ôm thi cốt chưa lạnh ngủ hai đêm liền.” 

Mọi người thổn thức không thôi: “Ôi chao, thật quá mức si tình.”

“Đêm trước ngày hạ táng thư sinh, Du Tà thương tâm tuyệt vọng, từ trong mắt chảy xuống một giọt huyết lệ.” Người kể chuyện quét mắt, liếc nhìn thanh niên y phục tựa tuyết trắng dưới đài, nhàn nhã phẩy quạt, “Huyết lệ rơi xuống khóe mắt thư sinh, hóa thành một nốt ruồi chu sa. Tà Thần vuốt tay lên nốt ruồi, thì thầm nói, nên chuyển sang chỗ khác cho em, nốt ruồi lệ đường nhiều nước mắt, đến lúc đó ta lại đau lòng.”

“Huyết lệ có thể hóa nốt ruồi? Ngài đừng có bịa thêm để lừa gạt chúng ta.” Dưới đài có người bán tín bán nghi nói.

Người kể chuyện gật gù đắc ý: “Tin thì tin, không tin thì thôi… Chuyện duyên phận của hai kiếp người, tiểu lão nhân chưa từng ăn nói lung tung. Không tin ư? Chẳng bằng công tử nhìn bốn phía xem, nói không chừng lại thấy người sở hữu nốt ruồi chu sa lệ đường ở ngay bên cạnh!”

Kẻ nọ nghe vậy thì nghi hoặc cụp mắt, nghiêm túc đánh giá xung quanh. Có một người vẫn đang rơi lệ, đưa tay lên nhẹ lau khóe mắt. Một động tác này bị gã nhìn thấy, đầu tiên là sững sờ, ngay sau đó bừng tỉnh, vỗ tay cười lớn: “Đích thị là ngài cố ý! Đây còn không phải là trêu ghẹo Kì ca của chúng ta hay sao! Còn bịa đến là hay ho khéo léo, lừa Kì ca tốn thật nhiều nước mắt! Ấy, Kì ca, để ta xem nào —”  

Kì Dĩ Cẩn đưa tay lau nước mắt, nốt ruồi son nơi đuôi mắt bị ống tay áo thêu chỉ tường văn cọ đến đỏ ửng, khàn giọng nói: “Thôi đi.”

Người kia như có điều băn khoăn, nhưng cũng không đùa giỡn nữa.

Kì Dĩ Cẩn chính là con trai độc nhất trong nhà đương kim Thừa tướng, gia thế hiển hách, xứng đáng xưng tụng một câu “ngậm thìa vàng mà lớn”. Y từ nhỏ được trưởng bối tỷ muội trong nhà sủng ái nâng niu, thị nữ hầu hạ quanh người không ngớt, vậy mà lớn lên không chút ngang tàng, đối xử với người ôn văn nhĩ nhã, cung kính lễ độ. Đồng liêu trong triều đồng lòng tán dương “quân tử như ngọc”, Thừa tướng nhắc đến đứa con trai cũng rạng rỡ mặt mày. Chỉ là Kì công tử có duy nhất một điểm thiếu sót, ấy là y không thích giao du. Lẽ thường với xuất thân như vậy, y kiêu ngạo một chút cũng là được, phong lưu đôi phần cũng chẳng sao, nhưng Kì Dĩ Cẩn tuyệt không giống như những vị thế gia tử đệ (con em nhà gia thế) khác. Từ du hí thưởng ngoạn, phóng ngựa bên suối, thăm thú danh sơn, đến nghỉ đêm hồng lâu, chơi chim nuôi ngựa, những sự tình này y đều không làm, nghiêm túc quy củ khiến người bất ngờ.

Trong đời Kì Dĩ Cẩn không có sở thích gì ngoài đắm mình trong thư viện, kết giao cùng đám thư sinh nghèo mà mấy vị hoàn khố thế tử kia chướng mắt từ lâu.  

Nếu chỉ là như thế, cũng không hẳn hiếm lạ, nhưng y kết giao cùng thư sinh lại cũng chẳng vì ngâm thơ tác phú, khi rảnh rỗi chỉ thích dẫn người khắp nơi đi tìm thư quán, nghe kể toàn những kỳ môn thú sự. Càng là chuyện xưa ly kỳ, Kì Dĩ Cẩn càng ưa thích, nghe đến say sưa, vì nhân vật chính đoàn viên mà hoan hỉ, cũng vì bọn họ đau khổ mà bi thương.

Hai ngày trước có người nói phía nam thành mới mở một thư quán, còn thần thần bí bí bảo rằng thuyết thư tiên sinh (người kể chuyện) nơi này thích kể toàn là những chuyện phong lưu vận sự, ở những chỗ khác chưa từng nghe qua, mà cũng không phải cố sự của nam tử nữ tử bình thường. 

Kì Dĩ Cẩn nghe vậy đỏ mặt, vốn không nguyện ý đi, song không cưỡng lại được bạn bè thuyết phục tới xem náo nhiệt, cộng thêm y kỳ thật trong lòng cũng tò mò, rốt cuộc vẫn xấu hổ ngượng ngùng mà đến.

Cuộc vui đã tàn, người xem tản mát, Kì Dĩ Cẩn cùng bạn bè đứng dậy ra về, bất chợt nghe thấy một giọng nói trầm thấp gọi lại sau lưng.

“Công tử dừng bước.”

Kì Dĩ Cẩn giật mình, thanh âm không hiểu sao có chỗ quen tai. Y xoay người, ánh mắt như bị hút hồn, chăm chú nhìn người đứng trước mặt. 

Người nọ vận trường sam đen tuyền, bên ngoài khoác tử sa bào đơn bạc, mái tóc đen nhánh tự nhiên rũ xuống tản mát trên lưng. Kì Dĩ Cẩn còn đang đứng ngây ngốc, người kia đã sải bước đi đến trước mặt. 

Đuôi mắt hẹp dài câu lên đường cong nhỏ xíu, mang theo ý cười nhu nhuận, mỗi phần đều như đã quen biết từ lâu.

Kì Dĩ Cẩn đưa mắt nhìn bóng dáng người kia vững chãi trước mặt. Rõ ràng khoảng cách chỉ ngắn ngủi vài thước, bước chân người ấy lại chậm rãi kiên định, tựa như thứ đang đi qua không phải cái bàn băng ghế nơi thư quán, cũng không phải đám người huyên náo đứng xung quanh, mà là bao tháng năm nhọc nhằn cô đơn, mỗi tấc khó vượt.

Người kia thấy Kì Dĩ Cẩn nhìn mình không chớp mắt, ý cười bỗng đậm thêm, đưa một vật lên trước mặt: “Túi thơm của huynh, rơi ở ghế.”

Kì Dĩ Cẩn lúc này mới hoàn hồn, hốt hoảng rời mắt, vừa nói câu cảm tạ vừa đưa tay cầm lấy túi thơm. Khóe mắt thoáng thấy tay áo người kia nhúc nhích, chẳng biết vì sao trong lòng rối bời. Đồ đã về tay chủ, người cũng nên cứ thế tạ từ, kẻ nọ nhẹ gật đầu định mở miệng chào, Kì Dĩ Cẩn lại như thần xui quỷ khiến gọi giật: “Công tử dừng bước!”

Người kia dừng lại, hầu kết khẽ khàng lay động, dường như cũng đang hồi hộp.

Một lần này tương ngộ, cùng lắm coi như bèo nước gặp nhau, vậy mà Kì Dĩ Cẩn đột nhiên cảm thấy, y đã chờ đợi từ rất lâu rồi.

Trầm mặc hồi lâu, Kì Dĩ Cẩn ngập ngừng cất tiếng: “Ta lần đầu gặp công tử, lại có cảm giác vô cùng quen thuộc, lúc trước… phải chăng chúng ta từng gặp qua?”

“Thế gian này nói lớn mà không lớn, nói nhỏ nhưng không nhỏ, nếu là hữu duyên, có lẽ thực sự từng gặp nhau.”

Kì Dĩ Cẩn tim đập như nổi trống, kìm lòng không được hỏi: “Vậy, dám hỏi công tử, có thể cho ta biết danh tính?”

Trong mắt người kia như có tia sáng lưu chuyển, bộ dáng vẫn là ôn nhuận thanh tĩnh: “Họ Du, tên một chữ Tà.” 

Du Tà…

Kì Dĩ Cẩn trong lòng nhẩm niệm hai lần, đột nhiên như thể có một câu chú giải trừ trói buộc, lồng ngực cơ hồ sắp nứt vỡ tung. Y mặt đỏ tai hồng, vì cái danh tự này mà cảm thấy ngượng ngập, mà từng câu chữ cứ cuồn cuộn ập tới, không hề báo trước vuột qua răng môi, khiến y vô thức bật thốt lên: “Ta nguyện cùng quân tương tri tương tích, suốt đời vĩnh viễn chẳng thay lòng… Du Tà, Du Tà… Tên hay, rất hay…”

Lời còn chưa dứt, tim như chao đảo.

Y phảng phất nhận ra, tất cả những điều thư sinh cùng Tà Thần đã trải qua trong câu chuyện kia lại một lần nữa sống dậy trong lòng, không phải được kể qua miệng lưỡi, không phải được viết trên giấy mực, tất thảy đều thực sự là kí ức của y, mỗi lần mỗi khắc đều do chính y tự mình trải nghiệm.

Từ lúc tương phùng quen biết, đến khi yêu thương thấu hiểu, như thể y không phải ai khác —

Y chính là Dung Nguyên Cẩn.

Phải không?

Còn chưa kịp định thần, một bàn tay trắng nõn thon dài đã đưa tới trước mặt, trên chiếc khăn trắng phảng phất hương thơm dịu dàng.

Kì Dĩ Cẩn sững sờ, lúc này mới nhận ra chẳng biết từ lúc nào hai má đã ẩm ướt một mảng.

Du Tà khe khẽ thở dài, đưa tay giúp y lau khô nước mắt, thanh âm rất mực yêu chiều: “Quả thực thích khóc như vậy, ta không nên đặt ấn ký ở chỗ này, phải không?”

Kì Dĩ Cẩn nắm chặt tay, không cho hắn tiếp tục: “Huynh nhận ra ta?”

Du Tà nhìn xuống gương mặt thân thuộc vô cùng kia, không có câu trả lời.

Nhưng muôn vàn tình ý đã từ lâu sáng tỏ.

Ta đợi em trăm năm, sao có thể không nhận ra.

“Chỉ cần là em, bất luận bao lâu, đời đời kiếp kiếp… Ta sẽ luôn có thể.”

- HOÀN-

Tâm sự tác giả

Kỳ thực dự tính ban đầu là muốn tìm đọc mấy truyện kiểu dạng “dưới giường gọi tướng công, trên giường tướng công gọi” cơ, nhưng mãi vẫn không thấy truyện nào hợp khẩu vị, nên tôi đành dứt khoát đi viết. 

Tôi chưa bao giờ viết đam mỹ cổ trang, giữa chừng cũng vì thấy viết không tốt, cảm thấy ngay từ đầu đã đào hố rồi. Viết lại bản này chủ yếu là đặc biệt cảm tạ chị ruột tôi, cô giáo Lâm Tử Luật, người đã tận tình chỉ dạy tôi cách viết văn cổ phong, tôi yêu bả suốt đời. 

Một thiên truyện ấm áp hơn bốn vạn chữ nhỏ xinh, muốn đọc hãy đi đọc liền nhé, còn nếu không muốn đọc… van cầu các bạn xem qua một chút đi mà (đùa thôi).

-Hoàn-
Bình Luận (0)
Comment