Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 106

Trong khi chờ đợi thông báo về việc bổ nhiệm uỷ viên, công tước Andrey gặp những người quen cũ, nhất là những người mà chàng biết là có thế lực và chàng có thể sẽ cần đến. Bấy giờ ở Petersburg chàng có một cảm giác giống như đệm trước khi ra trận khi chàng cảm thấy tò mò và bồn chồn lo lắng, và có một cái gì thu hút chàng mãnh liệt đến các giới quyền cao chức trọng, nơi đang quyết định tương lai, nơi nắm giữ vận mệnh của hàng triệu người.

Xem cái vẻ hằn học của các quan chức cao tuổi, cái vẻ tò mò của những kẻ không am hiểu, cái vẻ dè dặt của những người am hiểu, cái vẻ vội vàng lo lắng của mọi người, cái tình trạng số tiểụ ban này tiểu ban nọ không sao kể xiết. - mỗi ngày lại càng được biết thêm mấy tiểu ban như thế - công tước Andrey cảm thấy rằng hiện nay, năm 1809, ở thành phố Petersburg này đang sắp diễn ra một trận thi đấu lớn trong chính giới, và người tổng chỉ huy trận này là một nhân vật mà chàng chưa hề biết, một nhân vật bí ẩn mà chàng đoán chắc phải là một thiên tài: người đó là Xperanxki. Cái công cuộc cải cách mà chàng chỉ biết lờ mờ. Và Xperanxki, con người chủ chốt trong công cuộc này, bắt đầu khiến chàng quan tâm hết sức đến nỗi trong trí óc chàng việc cải cách quy chế quân đội chẳng bao lâu đã tụt xuống hàng thứ yếu…

Công tước Andrey đang ở một cương vị thuận lợi bậc nhất đế được tiếp đãi ân cần trong tất cả các giới tai mắt hồi ấy ở Petersburg.

Phái cải cách mềm nở tiếp đón và mời mọc chàng, trước hết vì chàng vốn được tiếng là thông minh và học vấn sâu rộng, thứ hai việc giải phóng nông nô đã khiến chàng nổi tiếng là người có tư tưởng tự do. Phái những người già bất mãn thấy chàng là con trai lão công tước Bolkonxki, nên chờ mong chàng sẽ đồng tình với họ mà lên án những cuộc cải cách. Giới phụ nữ, giới giao tế thượng lưu niềm nở tiếp chàng, vì chàng là một đám giàu có và quyền quý.

Chàng như đã trở thành một nhân vật mới, chung quanh bao bọc một ánh hào quang đậm màu thơ mộng do câu chuyện chàng tử trận và cái chết bi thảm của vợ chàng tạo nên. Ngoài ra, tất cả những ai biết chàng từ trước đều đồng thanh nhận rằng năm năm nay chàng đã khá hơn trước nhiều và đã nhũn nhặn, chín chắn hơn xưa, rằng chàng không còn cái vẻ vờ vĩnh, kiêu căng, ngạo mạn như trước nữa, rằng nay chàng đã có cái thái độ trầm tĩnh của một người đã sống nhiều. Họ bàn tán về chàng, chú ý đến chàng và mong được gặp chàng.

Sau buổi đến yết kiến bá tước Arakseyev một hôm, công tước Andrey đến thăm bá tước Kochubey vào buổi tối. Chàng kể cho bá tước nghe chuyện chàng tiếp xúc với Sila Andreyevich (Kochubey cũng gọi Arakseyev như vậy với cái vẻ giễu cợt bâng quơ, không biết nhằm vào cái gì, mà công tước Andrey đã nhận thấy trong phòng khách của quan tổng trưởng Bộ chiến tranh).

- Anh bạn ạ, ngay cả việc này nữa, cũng không thế không qua tay Mikhail Mikhailovich. Đó chính là người làm ra mọi chuyện. Tôi sẽ nói với ông ấy. Ông ấy có hứa tối nay sẽ đến.

- Ông Xperanxki thì liên quan gì đến các quy chế quân sự? - công tước Andrey hỏi.

Kochubey mỉm cười, lắc đầu như có ý ngạc nhiên về sự ngây thơ của Bolkonxki, rồi nói tiếp:

- Cách đây mấy năm hôm tôi với Xperanxki có nói chuyện về anh, về mấy chú nông dân tự do của anh đấy…

Một ông già sống từ thời Ekaterina bấy giờ đang ngồi trong phòng khách nghe nói liền quay đầu lại nhìn Bolkonxki ra vẻ khinh khỉnh và nói:

- A thế ra công tước chính là cái người đã giải phóng bọn mu-gich của ông đấy phỏng?

- Điền trang nhỏ quá thu nhập chẳng được bao nhiêu cả - Bolkonxki đáp cố làm cho hành động của mình bớt ý nghĩa để khỏi khiêu khích ông già một cách vô ích.

- Công tước sợ lạc hậu chắc? - Ông già đưa mắt nhìn Kochubey nói.

- Có một điều làm cho tôi thắc mắc, - Ông già nói tiếp - là nếu cho chúng nó tự do thì ai sẽ cày bừa cho? Soạn luật thì dễ, cai trị thì khó. Cũng như bây giờ đây, tôi xin hỏi bá tước nếu mọi người đều phải thi cả thì ai sẽ đứng đầu các nghị viện?

- Tôi thiết tưởng những người đã thi họ đứng đầu chứ? - Kochubey đáp, vừa tréo chân lại vừa đưa mắt nhìn quanh.

- Đấy như ở chỗ tôi có ông Pryanitsnikov, một người rất tốt, một con người vàng ngọc chứ không phải, năm nay ông ta sáu mươi tuổi rồi, chả nhẽ ông ta cũng phải thi sao?

- Phải, cũng khó thật. Vì nay học vẫn ít được truyền bá quá nhưng…

Bá tước Kochubey không nói hết. Ông ta đứng dậy nắm lấy tay công tước Andrey và ra đón một người vừa mới bước vào, thân hình cao lớn, trán rộng và hói, tóc vàng, trạc bốn mươi tuổi, khuôn mặt dài dài, nước da trắng lạ thường. Người mới vào mặc lễ phục màu xanh, cổ đeo huân chương chữ thập và ngực đính một ngôi sao ở bên trái. Người đó là Xperanxki. Công tước Andrey nhận ra ông ta ngay và lòng chàng như có cái gì thắt lại, như ta vẫn thường thấy trong những giờ phút quan trọng của cuộc đời. Đó là vì kính trọng, vì ganh tị hay là vì chờ đợi, - chàng cũng không rõ. Cả con người Xperanxki có một cái gì đặc biệt khiến người ta có thể nhận ra ngay. Trong cái xã hội chàng đã từng sống, công tước Andrey chưa thấy người nào có những cử chỉ chậm chạp, vụng về mà lại đầy vẻ trầm tĩnh và tự tin như vậy, chàng chưa thấy người nào có đôi mắt lim dim và hơi ướt với cái nhìn vừa kiên quyết vừa dịu dàng, một nụ cười không có ý nghĩa gì nhưng lại rắn rỏi, một giọng nói nhỏ nhẹ, đều đều và đặc biệt là một nước da trắng mịn lạ lùng trên khuôn mặt và nhất là trên hai bàn tay hơi to nhưng mềm, múp, và trắng lạ lùng như vậy. Công tước Andrey chỉ thấy cái nước da trắng và cái vẻ mặt dịu dàng ấy ở những người lính đã nằm nhà thương rất lâu.

Đó chính là Xperanxki, quốc vụ khanh và báo cáo viên của hoàng đế, đã từng đi theo nhà vua đến Erfurt và đã gặp gỡ, nói chuyện với Napoléon mấy lần ở đấy.

Xperanxki không đưa mắt nhìn lướt từ người này sang người khác như người ta thường làm một cách không tự giác khi bước vào một nơi đông người, và không nói vội. Ông ta nói khe khẽ, tin chắc rằng người ta sẽ nghe mình, và nói với ai thì chỉ nhìn vào người ấy.

Công tước Andrey đặc biệt chăm chú theo dõi từng lời, từng cử chỉ của Xperanxki. Cũng như mọi người, nhất là những ai thường xét đoán đồng loại một cách nghiêm khắc, khi gặp một nhân vật mới, nhất là một nhân vật như Xperanxki: một người mà chàng đã biết tiếng, công tước Andrey bao giờ cũng chắc mẩm sẽ tìm thấy ở người đó những phẩm chất hoàn mỹ nhất của loài người.

Xperanxki nói với Kochubey ông ta lấy làm tiếc à không đến sớm hơn được vì có việc phải nán lại ở hoàng cung. Ông ta không nói rõ là chính hoàng thượng đã giữ ông lại. Công tước Andrey cũng để ý tới sự khiêm tốn đáng chú ý này. Khi Kochubey giới thiệu công tước Andrey Bolkonxki, Xperanxki chậm rãi đưa mắt sang phía chàng và vẫn giữ nụ cười như cũ, bắt đầu im lặng nhìn chàng.

- Tôi rất làm mừng được làm quen với công tước; cũng như mọi người, tôi đã được nghe nói về công tước - Xperanxki nói.

Kochubey nói qua mấy lời về việc Arakseyev tiếp Bolkonxki.

Xperanxki mỉm cười rộng miệng hơn nữa.

- Ông giám đốc ban quy chế quân sự - ông Maritxki là bạn thân của tôi - Xperanxki nói, phát âm rõ ràng từng chữ từng vần, - và nếu ngài muốn, tôi có thể giới thiệu ngài với ông ta. (Xperanxki đứng lại) Tôi hy vọng rằng ngài sẽ thấy ông ta đồng tình với ngài và sẵn lòng ủng hộ tất cả những gì hợp lý.

Xung quanh Xperanxki các tân khách đã quây lại thành một vòng, và ông già lúc nãy nói chuyện về người viên chức Pryanitsnikov của mình cũng đến xin hỏi Xperanxki một câu.

Công tước Andrey không tham gia vào câu chuyện. Chàng để ý quan sát mọi cử động của Xperanxki, con người mới đây còn là một anh học trò trường dòng vô danh mà nay đã nắm trong tay - trong đôi tay trắng trẻo và múp míp ấy - cả vận mệnh của nước Nga, như Bolkonxki tự nhủ. Công tước Andrey không khỏi kinh ngạc về cái phong thái điềm tĩnh và xem thường của Xperanxki khi trả lời ông già. Ông ta có vẻ như đứng ở một cao điểm chót vót mà hạ cố nói với ông già kia. Khi ông già nói hơi to quá thì Xperanxki mỉm cười và đáp rằng ông ta không có quyền được phán đoán thiệt hơn về những việc hoàng thượng có ý muốn làm.

Ngồi nói chuyện được một lúc giữa dám tân khách, Xperanxki đứng dậy và đến gần công tước Andrey mời chàng theo mình đi đến đầu kia phòng. Có thể thấy rõ rằng ông ta thấy cần phải lưu ý đến Bolkonxki.

- Vừa rồi chuyện trò với cụ già ấy hăng quá nên tôi chưa kịp nói xong chuyện với công tước, - Xperanxki nói, miệng mỉm cười dịu dàng và khinh khỉnh, cái nụ cười dường như thừa nhận rằng ông ta cũng như công tước Andrey đều hiểu rõ cái kém cỏi của những người vừa nói chuyện với ông. Điều đó làm cho công tước Andrey rất hài lòng. - Tôi biết công tước từ lâu: trước hết là nhân việc ngài giải phóng nông dân, đó là tấm gương đầu tiên ở nước ta và mong sao tấm gương ấy ngày càng có nhiều người theo hơn; sau nữa là vì ngài là một trong những vị thị thần không bực mình vì cái đạo dụ mới ra về các quan chức trong triều đình, một đạo dụ đã gây rất nhiều lời bàn ra tán vào.

Công tước Andrey nói:

- Vâng, cha tôi không muốn rằng tôi lợi dụng cái quyền ấy; tôi bắt đầu làm việc nhà nước ở những cấp bậc thấp.

- Cụ thân sinh công tước tuy là một người của thế kỷ trước, nhưng rõ ràng là cụ hơn những người ở thời đại ta rất nhiều, những người công kích biện pháp ấy, tuy thật ra nó chỉ phục hồi lại một sự công bằng tự nhiên mà thôi.

- Nhưng tôi thiết tưởng những lời công kích đó cũng có cơ sở. - Công tước Andrey muốn cưỡng lại ảnh hưởng của Xperanxki mà chàng đã bắt đầu thấy tác động đến mình. Chàng cảm thấy khó chịu nếu việc gì cũng đồng ý với ông ta: chàng muốn nói ngược lại. Thường ngày chàng vẫn nói năng dễ dàng và lưu loát, nay lại thấy khó diễn đạt khi nói chuyện với Xperanxki. Tâm trí chàng đang mải dồn vào việc quan sát nhân cách của con người nổi tiếng này.

- Có lẽ vì dựa trên lòng hiếu danh cá nhân - Xperanxki nói nhẹ.

- Một phần cũng vì quốc gia nữa, - công tước Andrey nói.

- Ý công tước muốn nói thế nào? - Xperanxki hỏi, mắt hơi nhìn xuống.

- Tôi là một người khâm phục Mongtexkiơ - công tước Andrey nói. - và tư tưởng của Mongtexkiơ cho rằng nguyên lý của các chế dộ quân chủ là danh dự thì tôi thấy là không thể chối cãi được. Có những quyền hạn và đặc quyền của giới quý tộc theo tôi là những phương tiện để củng cố danh dưh.

Nụ cười vụt tắt trên khuôn mặt Xperanxki và điều đó tôn diện mạo của ông ta lên rất nhiều. Có lẽ ông ta thấy ý nghĩ của công tước Andrey rất đáng quan tâm.

- Nếu ông nhìn vấn đề theo quan điểm ấy - Xperanxki mở đầu ông ta nói tiếng Pháp một cách khó khăn rõ rệt và nói còn chậm hơn khi nói tiếng Nga, nhưng giọng nói vẫn hoàn toàn điềm tĩnh. Xperanxki nói rằng không thể củng cố danh dự L'honnuer, bằng những ưu thế có hại cho quá trình phục vụ nhà nước, rằng danh dự L'honnuer, có thể hoặc là một khái niệm tiêu cực răn người ta dừng làm những chuyện đáng trách, hoặc là một cội nguồn nào thúc đẩy người ta đua nhau giành những phần thưởng khích lệ để biểu hiện danh dự.

Lý luận của ông ta ngắn gọn, đơn giản và rành mạch.

- Cái thể chế dùng để củng cố danh dự ấy, cái cội nguồn của sự ganh đua, là một thể chế giống Legion d'honnuer (Đoàn danh dự) của đại đế Napoléon, nó không có hại mà còn thuận lợi cho việc nước, chứ không phải là một đặc quyền của đẳng cấp nào hay của triều đình.

Công tước Andrey nói:

- Tôi không cãi điều đó, nhưng không thể phủ nhận rằng những đặc quyền của triều đình cũng đạt đến mục đích ấy: mỗi người triều thần đều thấy mình phải xứng đáng với địa vị của mình.

- Nhưng bản thân công tước cũng đã từng không muốn hưởng đặc quyền đó. - Xperanxki nói đoạn mỉm cười lỏ ra rằng mình muốn dùng một lời nhã nhặn để chấm dứt câu chuyện đang làm cho công tước Andrey lúng túng. - Nếu ông vui lòng cho tôi được cái hân hạnh tiếp ông hôm thứ tư tới thì sau khi nói chuyện với Marnitxki tôi sẽ báo cho ông rõ về việc ông đang lưu ý và ngoài ra tôi sẽ được hưởng cái thú được nói chuyện kỹ với ông.

Xperanxki nhắm mắt lại, cúi mình chào và, theo lối Pháp, không từ giã các tân khách, cố gắng không làm cho ai chú ý đến mình, bước ra khỏi phòng.

h
Bình Luận (0)
Comment