Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 287

Từ khi được tin quân Pháp rút khỏi Moskva cho đến khi chiến dịch kết thúc, toàn bộ hoạt động của Kutuzov chỉ nhằm làm sao dùng quyền hành, dùng mưu mẹo, dùng những lời cầu xin để giữ cho quân đội khỏi lao vào những cuộc tấn công, những cuộc chuyển quân, những cuộc xung đột vô ích với một kẻ địch đang trên con đường diệt vong. Dokhturov tiến về phía Maly Yaroxlav; nhưng Kutuzov cứ chần chừ và ra lệnh rút khỏi Kaluga, cho rằng rất có thể còn phải rút xa hơn nữa.

Khắp các nơi Kutuzov đều rút lui, nhưng quân địch không đợi cho ông rút quân đã bỏ chạy về phía ngược lại.

Các sử gia của Napoléon kể lại cho chúng ta nghe cuộc hành quân khôn khéo của ông ta về phía Tarutino và Maly Yaroxlav, giả thiết những việc sẽ diễn ra nếu Napoléon kịp đem quân tới những tỉnh trù phú ở miền Nam.

Nhưng các sử gia đó quên mất rằng thật ra không có gì ngăn trở Napoléon tiến vào các tỉnh miền Nam này (vì quân đội Nga để cho ông ta đi lại tự do, họ lại còn quên rằng không có gì có thể cứu vãn được quân đội Napoléon, vì ngay từ lúc ấy nó đã mang trong người nó những điều kiện tất yếu của sự dồi dào ở Moskva nhưng không gìn giữ mà lại giẫm nát ra, một quân đội khi đến Smolensk đã không chịu chia lương cho quân lính mà lại phá huỷ đi, làm sao một quân đội như thế lại có thể phục hồi sinh lực ở tỉnh Kaluga, nơi mà dân cư vẫn là những người Nga như ở Moskva, và ở đấy lửa cũng có cái thuộc tính chung là đốt cháy những vật đưa vào.

Quân đội ấy dù ở nơi nào cũng không thể phục hồi sinh lực được. Từ trận Borodino và từ khi cướp phá Moskva, nó dường như dã mang trong mình đủ các điều kiện hoá học của sự giải thể rồi.

Bây giờ thì các quân đội ấy chỉ còn là một đám người bỏ chạy với những kẻ cầm đầu, chẳng biết mình chạy đi đâu, và chỉ mong có một điều (từ Napoléon cho đến từng tên lính một): làm thế nào cho bản thân mình thoát ra khỏi cái tình trạng mà do một trực giác mơ hồ họ đều biết là tuyệt vọng. Vì thế cho nên trong buổi họp hội đồng Maly Yaroxlav sau khi các tướng Pháp đưa ra nhiều ý kiến khác nhau rồi giả vờ tranh luận, thì ý kiến cuối cùng của tướng Mutong chất phác và ngây thơ, nói lên cái điểm mà ai nấy đã đang nghĩ là phải làm sao chuồn đi cho nhanh, ý kiến ấy đã làm cho mọi người câm miệng, và không có ai, ngay cả Napoléon, có thể nói một câu nào để bác lại cái sự thật mà mọi người đều công nhận.

Tuy ai nấy đều biết rằng cần phải rút đi, nhưng người ta vẫn xấu hổ khi nghĩ rằng mình phải bỏ chạy. Cần phải có một sức đẩy ở bên ngoài mới có thể thắng được sự xấu hổ ấy. Và cái sức đẩy đó đã đến đúng lúc. Đó chính là cái mà người Pháp gọi là "tiếng hô Ura của hoàng đế".

Sau hôm họp hội đồng, vào lúc sáng sớm Napoléon giả vờ muốn kiểm tra lại quân đội và quan sát cái địa điểm đã xảy ra và sắp xảy ra chiến trận, cùng với đoàn tuỳ giá gồm các thống chế và đội vệ binh cưỡi ngựa đi giữa tuyền quân. Một toán cô-dắc đang sục sạo để tìm chiến lợi phẩm tình cờ vấp phải hoàng đế và chỉ thiếu một ly nữa là bắt được ông ta. Sở dĩ lần này quân cô-dắc không bắt được Napoléon là vì cái đã đưa quân đội Pháp đến chỗ chết lại chính là cứu thoát ông ta: đó là chiến lợi phẩm. Ở đây cũng như ở Tarutino, quân cô-dắc đã bỏ người lao vào cướp chiến lợi phẩm cũ. Họ không để ý đến Napoléon, chỉ chú tâm vào chiến lợi phẩm cho nên Napoléon đã trốn thoát kịp.

Khi mà những đưa con đẻ của sông Đông đã có thể suýt bắt được đích thân vị hoàng đế ngay ở giữa quân đội của ngài, thì người ta có thể thấy rõ rằng không còn có thể làm gì khác hơn là chạy trốn cho nhanh theo con đường quen thuộc gần nhất.

Napoléon, với cái bụng phệ của một người tứ tuần, không còn cảm thấy mình tháo vát và gan dạ như trước, và đã hiểu được tầm quan trọng của sự kiện này. Do ảnh hưởng của nỗi sợ hãi mà toán quân cô-dắc đã gieo vào lòng ông ta, Napoléon lập tức đồng ý với Mutong và ra lệnh, như các sứ giả vẫn nói, rút lui về con đường Smolensk không có nghĩa là ông ta đã ra lệnh làm như thế, mà có nghĩa là những sức mạnh đang tác động vào toàn quân, hướng nó về con đường Mozaisk đồng thời cũng đã chi phối cả Napoléon.
Bình Luận (0)
Comment