Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chương 41

Khoảng quá ba giờ chiều, công tước Andrey sau khi khẩn khoản xin được Kutuzov phái mình đến tiền quân, đã đến Grun trình diện Bagration. Sĩ quan phụ tá của Buônapáctê vẫn chưa đến chi đội Mura, và trận đánh vẫn chưa bắt đầu. Trong đội quân của Baglation không ai biết gì về tình hình chung của chiến sự. Người ta nói đến trận địa, nhưng cũng không tin là chiến trận đến gần.

Bagration biết Bolkonxki là sĩ quan phụ tá thân tín của Kutuzov và được Kutuzov yêu quý nên tiếp đón chàng đặc biệt nồng hậu và nhã nhặn. Ông cho chàng biết có lẽ hôm nay hay ngày mai sẽ có trận giao chiến và cho phép chàng hoàn toàn tự do muốn ở cạnh mình trong thời gian giao chiến hay ở đội hậu vệ giám sát trật tự rút quân cũng được, vì "việc này cũng rất quan trọng".

- Vả lại hôm nay có lẽ cũng chưa có chiến sự đâu - Bagration nói, như muốn làm cho công tước Andrey yên tâm.

"Nếu hắn ta chỉ là một thằng công tử bột tầm thường ở bộ tham mưu phái đến đây để kiếm huân chương chữ thập thì hắn cứ ở đội hậu vệ cũng sẽ được huân chương, còn nếu hắn muốn đi với ta thì cứ để cho hắn đi… nếu hắn là một võ quan dũng cảm thì lại có ích lợi lắm" - Bagration nghĩ thầm.

Công tước Andrey không đáp, yêu cầu Bagration cho phép đi quan sát trận địa để biết rõ cách bố trí quân đội. Như vậy, khi nào nhận được nhiệm vụ chàng sẽ biết phải đi đâu. Sĩ quan trực ban của chi đội, một người đàn ông khôi ngô, ăn mặc bảnh bao, đeo viên kim cương ở ngón tay, nói tiếng Pháp tồi nhưng lại hay nói tiếng Pháp, tình nguyện dẫn công tước Andrey đi xem.

Đâu đâu cũng thấy những sĩ quan bị mưa thấm ướt, gương mặt buồn bã, như đang tìm một cái gì, và những người lính mang cánh cửa ghế dài, hàng rào ở trong làng ra. Vicn sĩ quan tham mưu chỉ họ nói:

- Thưa công tước, chúng tôi không làm sao ngăn cấm được bọn ấy. Các vị chỉ huy cho họ phóng túng quá. Đấy kìa - anh ta chỉ cái lều của một người bán hàng rong đi theo quân đội, họ tụ tập lại ngồi lê ở đấy - Sáng hôm nay tôi đã đuổi hết đi, nhưng ông xem, bây giờ lại đầy cả người ra rồi đấy. Thưa công tước, tôi phải đến dây doạ cho họ một mẻ mới được. Chỉ một phút thôi.

Công tước Andrey chưa có thì giờ ăn một tí pho-mat và một chiếc bánh mì.

- Sao ban nãy công tước lại không nói? Biết vậy tôi đã mời công tước ăn rồi.

Hai người xuống ngựa đi vào lều… Một vài sĩ quan mặt đỏ bừng và phờ phạc đang ngồi ăn uống ở các bàn.

- Ồ? Thế này là thế nào, các vị! - Viên sĩ quan tham mưu quở trách với cái giọng của một người cứ phải nhắc đi nhắc lại mãi có một việc - Các ông phải biết, bỏ đơn vị mà đi như thế này không được đâu ấy thế mà cái ông đại uý này - chàng nói với một võ quan pháo binh nhỏ nhắn, bẩn thỉu gầy gò, chân không có ủng (anh ta đã đưa ủng cho người bán hàng hơ cho khô) chỉ đi tất, thấy hai người bước vào thì đứng dậy và mỉm cười không lấy gì làm tự nhiên cho lắm.

- Kìa, đại uý Tusin, đại uý không xấu hổ sao? - viên võ quan tham mưu nói tiếp - Tôi thấy pháo binh như ông lẽ ra phải làm gương cho người ta chứ, đằng này ông lại không đi ủng. Nếu báo động thì ông đến đi chân không mất, trông ngộ nghĩnh lắm đấy - viên sĩ quan tham mưu mỉm cười, rồi nói thêm với cái giọng cấp trên - Mời các vị ai về chỗ nấy, tất cả, mời tất cả các vị.

Công tước Andrey liếc mắt nhìn đại uý pháo binh Tusin, bất giác mỉm cười; Tusin im lặng cười chúm chím, cặp chân không lần lượt giấu xuống đất, chân này giẫm xuống thì chân kia lại co lên, mở cặp mắt to, thông minh và hiền hậu, hết nhìn công tước Andrey lại nhìn viên sĩ quan tham mưu có ý dò hỏi.

- Lính họ bảo cởi giày ra dễ chịu hơn - đại uý Tusin nói, miệng mỉm cười ngượng nghịu. Hẳn là anh đang muốn chuyển sang giọng bông đùa để thoát khỏi cái tình trạng lúng túng này. Nhưng anh ta chưa kịp nói xong đã cảm thấy câu nói đùa của mình không được hưởng ứng và cũng không đúng chỗ, nên rất bối rối.

- Ông làm ơn về đơn vị cho - viên sĩ quan tham mưu nói, cố gắng giữ vẻ nghiêm trang.

Công tước Andrey lại liếc mắt nhìn cái thân hình nhỏ bé của người pháo binh một lần nữa. Bóng dáng anh ta có một cái gì đặc biệt, chẳng có gì là tư thế nhà võ, hơi hài hước nhưng hết sức hấp dẫn.

Viên sĩ quan tham mưu và công tước Andrey lên ngựa tiếp tục đi. Họ ra khỏi làng, trên đường cứ luôn luôn gặp và vượt qua những người lính và những sĩ quan thuộc nhiều binh chủng. Họ nhìn thấy ở bên trái một dãy công sự đào, màu đất đỏ mới đào lên tươi rói: Một vài tiểu đoàn lính mặc phong phanh cái áo sơ mi mặc trông như một đàn kiến trắng. Đằng sau chiến hào có một người nào không ai thấy cứ liên tiếp hất lên những mảnh đất sét đỏ theo từng nhát thuổng. Ngay ở phía sau công sự họ vấp phải mấy chục người lính từ trên công sự chạy xuống, liên tiếp kế chân nhau đến ngồi xổm ở một nơi. Hai người phải bịt mũi và thúc ngựa chạy nước kiệu để ra khỏi bầu không khí xú uế này.

- Đấy lạc thú của doanh trại là thế, thưa ngài công tước! - viên sĩ quan tham mưu trực nhật nói.

Họ đi lên ngọn đồi trước mặt. Từ ngọn đồi này đã có thể trông thấy quân Pháp. Công tước Andrey đứng lại và bắt đầu quan sát.

- Đây đội pháo của ta đặt ở đây, - viên sĩ quan tham mưu nói, tay chỉ vào điểm cao nhất - Đó là vị trí của anh chàng chỉ huy kỳ quặc không đi ủng ấy. Đúng ở đấy thì nhìn đâu cũng thấy. Mời công tước chúng ta đi thôi.

- Tôi xin cảm ơn ông, bấy giờ tôi đi một mình cũng được - công tước Andrey nói, trong bụng chỉ mong thoát khỏi anh chàng sĩ quan tham mưu kia - Ông cứ dề mặc tôi.

Viên sĩ quan tham mưu ở lại, và công tước Andrey cưỡi ngựa đi một mình.

Chàng càng tiến đến phía quân địch thì dáng dấp quân sĩ càng chỉnh tề và vui vẻ. Mất trật tự và chán nản nhất là đội vận tải ở trước thành phố Znaim cách quân Pháp mười dặm Nga mà sáng nay chàng vừa đi qua. Ở Grum người ta cũng cảm thấy lo lắng và sợ hãi một cái gì không rõ. Nhưng càng đến gần những hàng tiền tiêu của quân Pháp, công tước Andrey càng thấy quân đội ta có tinh thần tự tin vững vàng. Quân lính mặc áo khoác đứng thành hàng và người tào trưởng hay đại uý điểm số bằng cách thức ngón tay trỏ vào ngực đứng ở ngoài cùng và ra lệnh cho anh ta giơ tay. Quân lính rải rác trên khắp trận địa vác củi súc và cành khô về đốt, hoặc đang dựng lều vừa làm vừa cười nói vui vẻ. Cạnh đống lửa, người thì mặc áo, người thì cởi trần đang hơ áo sơ mi và giày, hay sửa lại đôi ủng, và chiếc áo khoác, xúm nhau bên cạnh mấy cái nồi và mấy người nấu bếp. Trong một đại đội, bữa ăn đã sẵn sàng. Quân lính nhìn mấy cái nồi bốc hơi thèm thuồng và đứng chờ người trung sĩ quân nhu mang một cái bàn bằng gỗ đựng thức ăn đến cho viên sĩ quan đang ngồi trên một súc gỗ, trước mặt lều của mình để anh ta nếm thử.

Trong một đại đội khác may mắn hơn - bởi vì không phải đơn vị nào cũng có rượu vodka binh sĩ đang chen nhau trước một viên tào trưởng mặt rỗ, vai rộng, đang nghiêng một cái thùng ton-nô nhỏ rót rượu vào những chiếc bi đông mà binh sĩ lần lượt giơ ra. Binh sĩ nâng bi đông lên môi một cách thành kính, ngửa cổ: dốc ngược bi đông lên rồi súc miệng, lấy tay áo khoác quệt mép và mặt mày hớn hở hẳn lên, họ rời khỏi chỗ viên tào trưởng. Ai nấy vẻ mặt đều điềm nhiên, tưởng chừng như tất cả việc này đều diễn ra không phải trước mặt quân dịch, trước một trận giao chiến trong đó ít nhất là một nửa chi đội chết, mà là ở một nơi nào đó bên tổ quốc, trong khi chờ đợt trú quân yên tĩnh.

Sau khi đã đi qua trung đoàn khinh binh và đi vào hàng ngũ của đội lính thủ pháo thành Kiev gồm những chàng trai trẻ cũng đang lo những công việc thanh bình như thế, công tước Andrey đến gần lều của một người chỉ huy trung đoàn, cao hơn những lều khác, và gặp một tiểu đội thủ pháo xếp thành đội ngũ đứng trước một người đang nằm dài dưới đất, mình bị lột trần như nhộng. Hai người lính giữ lấy anh ta và hai người nữa cứ lấy những nhánh cây dẻo đánh đều đặn lên cái lưng trần. Người bị đánh kêu lên những tiếng nghe như vờ vĩnh. Viên thiếu tá người đẫy đà bước ra trước hàng quân và không hề để ý đến tiếng kêu, nói.

- Đối với một quân nhân thì ăn cắp là một điều sỉ nhục, một quân nhân phải biết ngay thắng, cao thượng và dũng cảm. Nếu hắn ăn trộm của anh em thì hắn không có danh dự nữa, hắn là một thằng hèn hạ. Đánh nữa đi, đánh nữa đi.

Rồi lại nghe những tiếng roi mềm vun vút và những tiếng gào thảm thiết nhưng vờ vĩnh.

Viên thiếu tá nói:

- Đánh nữa, đánh nữa nào.

Một viên sĩ quan trẻ tuổi, vẻ mặt ngơ ngác và đau đớn, đi khỏi chỗ người bị phạt, đưa mắt nhìn người phụ tá đang đến như muốn hỏi ý kiến.

Lên đến tiền tiêu, công tước Andrey cho ngựa đi dọc theo trận tuyến. Hàng tiền tiêu của quân ta và hàng tiền tiêu của quân địch ở cánh trái và cánh phải cách xa nhau, nhưng ở khoảng giữa, tức là nơi trông thấy mặt nhau và nói chuyện với nhau được.

Ngoài những người lính giữ vị trí tiền tiêu ở chỗ ấy, cả hai bên đều có những tay hiếu kỳ đứng đấy: vừa cười vừa nhìn những kẻ địch kỳ quái và xa lạ với họ.

Từ sáng sớm, mặc dầu có lệnh cấm quân sĩ đến gần tiền tiêu, những người chỉ huy vẫn không sao xua đuổi được những anh hiếu kỳ. Những người đứng gác ở tiền tiêu, như những kẻ chuyên trưng bày cho công chúng xem một cái gì hiếm có, không buồn nhìn quân Pháp nữa mà lại đứng bình phẩm những người đến xem và cảm thấy chán trong khi chờ đợi người ta đến thay phiên mình. Công tước Andrey đứng lại quan sát quân Pháp.

- Cậu xem kìa - một người lính Nga nói với bạn, tay chỉ một bộ binh Nga đã cùng với một sĩ quan đến gần tiền tiêu, đang nói rất nhanh và rất sôi nổi với người lính pháo thủ Pháp - Cậu xem nó nói thạo chưa, nhanh như gió ấy, thằng Pháp theo không kịp. Xidorov, cậu lại đi - Hãy gượm, để nghe xem đã. Ồ, nói thạo lắm - Xidorov đáp (Anh ta vốn được xem là người rất thông thạo tiếng Pháp).

Người lính mà họ vừa cười vừa chỉ đó chính là Dolokhov. Công tước Andrey nhận ra hắn và lắng nghe xem hắn nói gì. Dolokhov cùng với viên đại đội trưởng của mình đến gần chỗ tiền tiêu ở cánh gà trái là nơi trung đoàn của họ bố trí.

- Được đấy cứ nói nữa đi - viên đại uý khích Dolokhov, người nhô ra phía trước và cố gắng không bỏ sót một chữ nào mặc dầu anh ta không hiểu hết gì - Anh nói cho thật nhanh nữa đi. Hắn nói gì thế?

Dolokhov không đáp, hắn đang bị lôi cuốn vào cuộc tranh luận sôi nổi với người lính thủ pháo Pháp. Cố nhiên là họ nói đến chiến dịch. Người Pháp, lẫn lộn người Áo với người Nga, đang chứng minh rằng người Nga đã bị đánh bại phải bỏ thành Ulm chạy dài, còn Dolokhov thì chứng minh rằng quân Nga không hề bị đánh bại, trái lại họ đã đánh bại quân Pháp.

Dolokhov nói:

- Ở đây chúng tao đã được lệnh đuổi chúng mày, và chúng tao sẽ đuổi chúng mày.

- Thôi chúng mày hãy cố gắng làm sao đừng bị bắt làm tù binh với tất cả bọn cô-dắc của chúng mày - người lính thủ pháo Pháp nói.

Những người lính Pháp đang đứng xem và lắng nghe đều cười rộ.

- Chúng tao sẽ cho chúng mày khiêu vũ một trận như chúng mày đã khiêu vũ thời Xuvorov - Dolokhov nói.

- Hắn tán cái gì thế? - một người Pháp hỏi.

- Lịch sử cổ đại ấy mà! - một người khác nói, đoán rằng Dolokhov muốn nói đến những chiến sự trước. Hoàng đế sẽ cho cái lão Xuvara của chúng mày biết tay cũng như mọi đứa khác.

- Buônapáctê… - Dolokhov bắt đầu nói nhưng người Pháp đã ngắt lời chàng:

- Buônapáctê cái gì? Đã bảo là Hoàng đế!Khốn kiếp! - Hắn giận dữ quát lên.

- Quỷ sứ bắt cái thứ hoàng đế của chúng mày đi.

Dolokhov chửi lên một tiếng Nga tục tằn của binh sĩ và khoác quai súng lên vai bỏ đi.

- Đi, chúng ta đi thôi, anh Ivan Lukits, - hắn nói với người đại đội trưởng.

- Đấy thế mới biết tiếng Pháp chứ - Người lính ở tiền tiêu nói - Xidorov, bây giờ cậu đến nói đi.

Xidorov nheo mắt một cái rồi quay về phía những người Pháp bắt đầu nói xì xồ những câu chẳng ai hiểu.

- Ca-ri, ma-ta, ta pha, sa phi, mu te, cat-sca - anh nói có vẻ liến thắng, cố làm cho giọng nói của mình bao hàm rất nhiều ý nghĩa.

- Hô hô, hô! Ha - ha, ha! ú ù! - đám binh sĩ cười phá lên, tiếng cười lành mạnh và vui vẻ, bất giác vượt qua hàng tiền tiêu lan cả vào đám lính Pháp, đến nỗi người ta có cảm giác là lẽ ra sau đó chỉ còn có việc tháo đạn khỏi súng, phá hết tạc đạn và giải tán thật nhanh ai về nhà nấy.

Nhưng súng vẫn cứ nạp đạn, những lỗ châu mai trên các nhà và các công sự vẫn cứ nhìn về phía trước một cách dữ tợn và những khẩu pháo đã được tháo ra khỏi xe vẫn chĩa vào nhau.
Bình Luận (0)
Comment