Chim Trong Lồng

Chương 61

Editor: Trường Thanh

Beta: Tửu Thanh

Tiếng dế kêu râm ran, dự báo một năm mùa màng bội thu. Cầu Ô Thước ẩn hiện, vắt ngang trên bầu trời. Ánh trăng trên cao lộng lẫy như gương vàng, còn trần gian như người phụ nữ khéo léo xe chỉ luồn kim, chẳng như tơ nhện kia lả lướt mà đa tình.

Lễ Khất Xảo ở Cạnh Lăng vô cùng náo nhiệt, có những gian hàng bán kim thêu, cũng có những gian hàng bán trâm cài, hoa quả và bánh nướng. Mọi người đi lại không dứt, có những tiếng chào hỏi mềm mại xen lẫn tiếng cười to đầy vui vẻ. Hương rượu nồng từ quán rượu theo gió đêm lan tỏa khắp con đường.

Nơi góc phố có mấy cây quế, cây du và ngô đồng đan xen nhau, người ôm không xuể. Trên tán cây treo vô số đèn lồng, trên mỗi chiếc đèn lồng viết một câu đố, muốn giải đố cũng phải tốn mấy đồng, nếu ai đoán trúng thì sẽ nhận được một túi chỉ thêu tay nhiều màu. Ven sông có mấy chiếc thuyền hoa rực rỡ, liễu xanh đèn đỏ bên bờ phản chiếu xuống mặt sông, trông rạng rỡ biết bao.

Khương Linh Châu chậm rãi bước trên đường, chiếc áo lụa xanh khoác hờ trên vai nàng rủ xuống. Khi nàng thấy mấy chiếc đèn lồng lụa kẹp câu đố thì lập tức muốn thử. Bạch Lộ tiến đến, hạ đèn lồng xuống rồi rút tờ câu đố ra cho Khương Linh Châu xem.

Nàng tập trung nhìn, trên đó viết “Có mầm có rễ như hoa, nhưng lại không phải hoa; hẳn là do tiên trên trời say sưa, vò nát cả mây trắng”.

“Câu này thật dễ đoán, cũng không phải là Khúc Hát Thanh Bình của Lý Bạch. Đáp án chính là bông tuyết.” Khương Linh Châu cười nói.

Tiêu Tuấn Trì nhận lấy xem: “Vương phi nói không sai. Quả thật câu này dễ quá. Có điều mấy câu đố đèn này phù hợp với khả năng của dân chúng bình thường, thư sinh viết câu đối này sao đoán được người thông minh như Cạnh Lăng Vương phi sẽ đến chơi đố đèn vào đêm nay cơ chứ.”

Bạch Lộ cầm câu đối đi đổi thưởng, chủ quán nghe nói là Cạnh Lăng Vương phi giải được thì thấy hơi hoảng. Không chỉ túi thêu, ông ta còn nhất quyết muốn tặng thêm cho nàng hai chiếc đèn lồng.

Bạch Lộ tức giận xách hai chiếc đèn trở về: “Vương phi thiếu mấy cái đèn này chắc? Vậy mà chủ quán cứ cố nhét đèn vào tay nô tỳ ấy.”

“Đó cũng là tấm lòng của người ta mà.” Khương Linh Châu không để bụng, nhận đèn từ tay Bạch Lộ, nhìn kỹ thì mới biết những chiếc đèn lồng này dùng để viết nguyện vọng rồi thả trôi trên sông.

“Thú vị đấy, Vương phi muốn đi thả đèn cùng bổn vương không?” Tiêu Tuấn Trì hỏi.

Khương Linh Châu nhìn về phía bờ sông, trong đêm tối, mặt sông thấp thoáng ánh lửa, đều nhờ những chiếc đèn lồng đung đưa theo sóng nước, từ xa nhìn lại như vô số đóa sen hồng nở rộ trên mặt nước.

“… Thế Vương gia nghĩ kĩ chưa?” Nàng cố tình trêu, “Không phải Vương gia tự xưng là “Một chữ đáng giá ngàn vàng” sao? Nếu Vương gia viết điều ước của mình vào đèn lồng rồi thả trôi sông, nhỡ có kẻ tham lam nào đó vớt được, có khi điều ước kia mất linh luôn ấy chứ.”

“Lo lắng làm gì? Chẳng phải tấm lòng mới là quan trọng nhất hay sao?” Tiêu Tuấn Trì cười, “Nếu Vương phi đã lo lắng như vậy, ta sẽ sai Chẩm Hà trông coi chiếc đèn này cả ngày lẫn đêm, theo nó xuống hẳn sông lớn, cẩn thận chú ý đến nó, vậy là được chứ gì?”

Tống Chẩm Hà cô đơn ngồi ôm đao ở phía xa: …

… Vương gia, người tỉnh táo chút đi!!!

Khương Linh Châu lấy bút và mực viết điều ước của mình lên giấy. Nàng cầm bút viết rất nhanh, không chút do dự.

… Mong đất nước thái bình, không phải lo mọi việc. Phu quân và Xuân Nhi đều mạnh khỏe.

Tiêu Tuấn Trì không viết mà lén nhìn nàng viết. Nàng cũng không định giấu Tiêu Tuấn Trì, để hắn thoải mái xem nét chữ dưới ngòi bút của nàng.

Tiêu Tuấn Trì vừa thấy “Xuân Nhi” thì lập tức sững sờ: “Vương phi… Đến thư phòng của ta rồi sao?”

“Vâng.” Khương Linh Châu thản nhiên đáp, “Mấy tên mà phu quân chọn, thiếp thấy cái nào cũng hay. Còn tên “Xuân Nhi” này tuy không có gì xuất sắc, nhưng hợp với mùa xuân, ngụ ý xuân về hoa nở, lấy làm nhũ danh cũng hay.”

Tiêu Tuấn Trì khó hiểu hỏi: “… Nhưng nhỡ là con trai thì sao?”

“Con trai? Vậy thì càng đơn giản.” Khương Linh Châu nhìn hắn, “Gọi là Xuân Ca.”

“… Vương phi… thấy vui là được.”

Mặc dù Tiêu Tuấn Trì đã biết điều ước của Khương Linh Châu, nhưng tờ giấy viết điều ước của mình thì lại giấu nhẹm đi, không cho Khương Linh Châu xem. Hắn khỏe hơn Khương Linh Châu nên nàng không cách nào gỡ được cánh tay đang giữ đèn lồng của hắn, chỉ có thể trơ mắt nhìn hắn hong khô mực, xếp giấy ngay ngắn rồi lấy mực thỏi (1) vẽ hoa mai lên đó như đánh dấu, lúc này mới để tờ giấy vào bên trong đèn lồng.

(1) Hình ảnh của mực thỏi: https://bit.ly/3hKJ9wZ

“Sao Vương gia lại vẽ hoa mai lên đó?” Khương Linh Châu hỏi.

“Cái này mà nàng cũng hỏi à? Dĩ nhiên là để Chẩm Hà tiện trông coi cả ngày lẫn đêm rồi.”

Tống Chẩm Hà ở đằng xa: …

… Vương gia, người hăng hái quá rồi đấy!

“Vương gia đã viết những gì vậy?” Khương Linh Châu đi dọc theo bờ sông với Tiêu Tuấn Trì, nàng tò mò hỏi.

“Tất nhiên bổn vương mong toàn bộ nước Ngụy mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an rồi.” Tiêu Tuấn Trì trả lời một cách vô cùng hiên ngang.

Khương Linh Châu nghe vậy thì hơi tức giận: “Ngày thường Vương gia nhớ chuyện quốc gia đại sự thì thôi, đêm nay là đêm Thất Tịch mà chàng vẫn còn quan tâm mấy chuyện đó?… Đúng là thiếp chẳng là gì trong lòng Vương gia hết.”

Hai người đứng bên sông, Tiêu Tuấn Trì nhận đèn lồng từ tay nàng rồi thả xuống. Trên mặt nước yên ả, mấy chiếc đèn trôi theo sóng, đứng gần còn có thể thấy màu lụa trắng dưới ngọn nến, nhưng nhìn từ xa thì chỉ thấy một đốm lửa nhỏ chập chờn trong bóng đêm.

Tiêu Tuấn Trì thả đèn lên mặt nước, nhưng thả đi thả lại ba lần vẫn bị dạt vào bờ, lần thứ tư đèn mới theo sóng nước dần trôi xa. Chờ đèn lồng biến mất khỏi tầm mắt, hắn mới cười nói: “Ta đùa nàng thôi, sao vi phu có thể viết như vậy được? Mấy chuyện quốc gia đại sự phiền toái đó để cho cháu ta và Phí tiên sinh giải quyết là được.”

“Vậy phu quân viết gì lên đó?”

“Phật dạy: không thể nói nên ta không thể nói.” Tiêu Tuấn Trì nhất định không hé răng.

… Nực cười, mấy lời buồn nôn đó mà nói ra thì mất hết cả hình tượng.

“Chàng viết gì mà không thể nói chứ…” Nàng truy hỏi.

“Mọi loại Phật pháp không thể nói, vạn hạnh thanh tịnh chẳng thể đáp.” Tiêu Tuấn Trì giả vờ đứng đắn.

“Dẹp đi Vương gia!” Khương Linh Châu đánh nhẹ lên người hắn.

Hai người ồn ào một lát, Tiêu Tuấn Trì dắt tay nàng lên một chiếc thuyền hoa đỗ ven bờ. Mới đầu hắn còn sợ nàng bị say sóng, nhưng chẳng thấy Khương Linh Châu lo sợ gì mà ngược lại còn hoạt bát nhìn ngó xung quanh. Lúc này hắn mới yên lòng, để thuyền hoa rời bờ.

Dưới bầu trời sao, chim bay cá nhảy, thuyền hoa đi cách bờ một đoạn thì dừng lại trên sông. Mặt nước tối om, phản chiếu một góc gấm vóc kiều diễm, tựa như con thoi vàng trong tay Chức Nữ. Bên bờ rạo rực đèn hoa, người qua người lại ồn ào náo nhiệt khiến bóng đêm cũng tưng bừng lên.

Khương Linh Châu dựa vào mép thuyền nhìn đèn đuốc trên bờ rồi lại ngắm hai cô nương đi từ dưới khoang thuyền lên, y phục mỏng quấn lụa đỏ, dáng người nở nang, khuôn mặt đẹp đẽ. Người ôm tỳ bà, người cầm tiêu ngọc, hiển nhiên có chuẩn bị mà đến.

Tiêu Tuấn Trì nhìn thấy, lông mày nhíu lại, trong lòng cảm thấy khá kì lạ.

Hắn chưa từng gọi người đến chơi tỳ bà hay thổi tiêu gì cả, là kẻ nào dám đưa hai cô nương này đến?

Nghĩ vậy, ánh mắt Tiêu Tuấn Trì quét về phía Tống Chẩm Hà, nhưng tên đó nhanh chóng lắc đầu, tỏ ý mình không biết gì cả. Do đó, Tiêu Tuấn Trì đoán được đây lại là mánh khóe cạnh tranh nào đó của nhà đò.

“Bái kiến Cạnh Lăng vương, Cạnh Lăng Vương phi.” Cô nương ôm tì bà nhìn Tiêu Tuấn Trì, nũng nịu nói, “Nô tì là Liên Nhụy, đây là muội muội của nô tì, tên là Hồng Mai. Hai tỷ muội nô tì am hiểu nhất là tỳ bà và thổi tiêu, mong muốn tấu một khúc “Cô

Tô dậy sóng” cho Cạnh Lăng vương.”

Trong lòng Tiêu Tuấn Trì thấy khổ không thể tả.

Hắn cũng không dám nói gì, đành phải nhìn sang Khương Linh Châu xin giúp đỡ, chỉ mong nàng nổi cơn ghen, đánh bay người xuống sông, hoặc Khương Linh Châu biến thành sư tử cái, quẳng hai cô nương này vào trong nước cũng được, hắn sẽ chỉ ở bên cạnh vỗ tay hét to: “Tốt! Hay lắm!”

Ai dè, Khương Linh Châu vô cùng phấn khởi nhìn đôi tỷ muội này, “Hai người can đảm đấy, không ngại thì lên đó tấu một khúc đi, nếu chơi tốt, ta sẽ thưởng lớn.”

Liên Nhụy, Hồng Mai nghe thế thì lộ vẻ vui mừng, vẻ mặt càng thẹn thùng. Thế là hai nàng ta nghe lời, người đàn người thổi. Khương Linh Châu vừa nghe đã biết quả nhiên hai tỷ muội nhà này có kỹ nghệ tuyệt vời, rất chi là “Ngân đăng một khúc say lòng người”. Khuôn mặt nàng để lộ ý cười, còn vỗ tay hùa theo, trông vô cùng thích thú khiến lòng Tiêu Tuấn Trì rối như tơ vò.

Thời gian lặng lẽ trôi, xong một khúc nhạc, Liên Nhụy đứng dậy hành lễ, mặt đỏ bừng.

“Ngươi thật sự có bản lĩnh đấy.” Khương Linh Châu cười hỏi, “Ngươi muốn ban thưởng gì nào, Cạnh Lăng vương sẽ ban thưởng cho các ngươi thứ đó.”

Ánh mắt Liên Nhụy sáng lên nhìn về phía Tiêu Tuấn Trì, cất giọng ngọt ngào: “Xưa có tỷ muội Chu hậu cùng hầu một vua. Nga Hoàng (2) có sở trường về âm nhạc, vang danh nhờ “Khúc Nghê thường” (3), muội muội nàng ấy có sở trường về ca hát, mỗi lần cất tiếng là âm vang mãi trời xanh. Hai tỷ muội nô tỳ cũng muốn cùng hầu một chủ.”

(2) Đại Chu hậu cũng gọi Chiêu Huệ Chu hậu, họ Chu, tên không rõ, có thuyết tên Hiến, biểu tự Nga Hoàng, là vợ đầu của Nam Đường hậu chủ Lý Dục. Đại Chu hậu cùng em gái bà Tiểu Chu hậu, cũng chính là người vợ sau của Lý Dục, đều được xưng là mỹ nữ Tiền Đường.

(3) “Khúc Nghê thường” còn có tên gọi đầy đủ là “Nghê thường vũ y khúc” hay “Nghê thường vũ y vũ”, gọi tắt là Nghê thường. Khúc Nghê thường là khúc nhạc trên tiên cảnh, đã bị thất truyền từ hơn nghìn năm về trước và mới được phục hồi gần đây…

Hai nàng cười nói dịu dàng dễ nghe khiến người ta mơ màng như một món hời từ trên trời rơi xuống.

Khương Linh Châu cố nhịn cười, chờ Tiêu Tuấn Trì cười nhạo. Tiêu Tuấn Trì kinh ngạc, xoa huyệt thái dương rồi nói với Liên Nhụy: “Lý Dục thích tỷ muội Chu hậu bởi vì hắn thích đàn ca sáo nhị. Người mà bổn vương đã chọn, ít nhất cũng phải có cùng thú vui với bổn vương.”

Liên Nhụy vội vàng chen vào: “Vương gia không thích nghe tỳ bà sao ạ?”

“Bổn vương một lòng hướng Phật, không yêu tỳ bà, chỉ thích nghe tiếng Phạn.” Tiêu Tuấn Trì nói mà mặt không chút cảm xúc, “Ngươi có đọc được Kinh Kim Cương (4), phần dịch “Thiên thủ thiên nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát quảng đại viên mãn vô ngại Đại bị tâm đà la ni kinh” không?”

(4) Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh, là một bộ kinh quan trọng thuộc hệ Bátnhã-ba-la-mật-đa kinh, được lưu truyền rộng rãi vùng Đông Á. Kinh còn mang những tên ngắn khác là Kim cương kinh, Kim cương bát-nhã kinh.

… Kinh, kinh cái gì?

Liên Nhụy há hốc mồm, suýt thì làm rơi tỳ bà.

“Đã không làm được, vậy thì mau về đi.” Tiêu Tuấn Trì phẩy tay.

Liên Nhụy chực khóc, lặng lẽ quay lưng đi. Muội muội của nàng ta là Hồng Mai lại xông tới, đầy chờ mong nói: “Vương gia, nô tỳ biết vài câu Kinh Phật, Nam Mô A Di Đà Phật…”

“Khụ, bây giờ bổn vương lại không thích Kinh Phật nữa.” Tiêu Tuấn Trì lạnh nhạt, “Nhìn mấy người phụ nữ niệm Kinh Phật phiền chết đi được, quả thật ta muốn ném luôn người xuống nước cho rồi. Không bằng ngươi cũng về nhà sớm đi thôi.”

Hồng Mai cũng trợn mắt há hốc mồm.

Thấy vẻ mặt ấm ức của tỷ muội Liên Nhụy, Hồng Mai khiến người ta không thể không mềm lòng, Khương Linh Châu suýt thì cười ra tiếng. Nàng cố nhịn cười, nói với đôi tỷ muội kia: “Hai người các ngươi muốn bắt chước Đại Chu hậu và Tiểu Chu hậu

(5), cùng hầu một chủ à?”

(5) Tiểu Chu hậu, không rõ tên gọi, có thuyết tên là Gia Mẫn và biểu tự Nữ Anh, là em gái của Đại Chu hậu, nguyên phối thê tử của Nam Đường hậu chủ Lý Dục. Về sau, bà cũng trở thành vợ kế của ông, người đời xưng gọi Tiểu Chu hậu là bởi vì vậy.

Vốn đang nức nở, nhưng sau khi Liên Nhụy và Hồng Mai nghe Cạnh Lăng vương phi hỏi thì lập tức xốc lại tinh thần, cùng nhau đáp: “Hồi bẩm Vương phi nương nương, đúng thế ạ.”

“Vậy thì tốt.” Khương Linh Châu chậm rãi, “Đại Chu hậu sau khi biết tin Tiểu Chu hậu nhập cung được yêu thích thì tức giận đến mức nôn ra máu mà bỏ mình. Giờ hai tỷ muội các ngươi mô phỏng lại khi Đại Chu hậu tức đến hộc máu để ta xem một chút. Nếu bắt chước giống thì ta sẽ cho phép các ngươi đến vương phủ hầu hạ, còn không được thì xuống khỏi thuyền hoa này đi.”

Liên Nhụy và Hồng Mai đần người.

… Hả, bắt chước cái gì?

… Tiểu Chu hậu khiến Đại Chu hậu tức hộc máu mà bỏ mình?

Nếu Cạnh Lăng vương vô lý thì Cạnh Lăng Vương phi còn vô lý hơn!

Mặt hai người tái mét, sợ đôi phu thê này không ném tỷ muội bọn họ xuống nước thì cũng ép phải nôn ra máu, đành ỉu xìu chạy thật nhanh xuống khoang thuyền, không dám nhiều lời.

Đợi hai tỷ muội kia đi, Khương Linh Châu cười phá lên, Tiêu Tuấn Trì bực bội đứng một bên nhìn nàng. Cười chán chê, nàng ngồi gần mạn thuyền, thả tay xuống nước sông tĩnh mịch mà trong vắt.

“Vương phi mau xuống đây.” Tiêu Tuấn Trì hấp tấp kéo nàng, “Chỗ này quá nguy hiểm.”

“Có Vương gia ở đây, thiếp sợ gì chứ?” Nàng quay đầu, chiếc áo mỏng trên người bay theo gió đêm, mái tóc bồng bềnh như lụa, thật giống tiên nữ trên cung trăng.

Đầu ngón tay chìm vào trong nước tạo ra những gợn sóng bé nhỏ. Bóng thuyền rực rỡ phản chiếu trên mặt sông tựa Long cung ẩn bên dưới mặt nước xanh như ngọc vậy, còn nàng chính là Công chúa Long tộc, vào đêm Thất Tịch tự cho phép bản thân lén ngắm trần gian phồn hoa bên bờ.

“Gió đêm đã đủ mát rồi, Vương phi còn muốn tạo thêm gió làm gì nữa?” Tiêu Tuấn Trì bất đắc dĩ, “Nương tử nhà người ta khi mang thai, ai nấy đều cẩn thận, còn nàng mang thai thì lại thừa cơ làm loạn. Có phải nàng ỷ bây giờ ta không thể phạt nàng đúng không?”

“Vương gia cũng biết à?” Nàng nở nụ cười.

Nàng cười tủm tỉm một lúc, bỗng trông thấy bên kia bờ có một chiếc xe ngựa được chạm trổ, cương ngựa như rồng, yên ngựa màu bạc, đóa hoa mai trôi lững lờ trên mặt nước, đã là thời điểm hồng lan thụ lộ, thanh thu thừa sương (6), chợt thấy chạnh lòng, lẩm bẩm hỏi: “Bao giờ Vương gia mới sẵn lòng chia sẻ mọi chuyện trong lòng một cách thẳng thắn với thiếp vậy?”

(6) Trích từ bài thơ Biệt Phú của tác giả Giang Yêm.

Tiêu Tuấn Trì nghe vậy, tưởng rằng nàng muốn hỏi rõ chuyện cái chết của Tiên đế.

Hắn không biết rằng, sở dĩ Khương Linh Châu đứng hồi lâu bên mạn thuyền bởi nàng đang nhìn một chiếc đèn lồng lênh đênh trong mặt sông, trên thân đèn vẽ một đóa hoa mai bằng mực thỏi, chính là chiếc đèn mà Tiêu Tuấn Trì đã thả vào trong nước trước đó.

Nàng nói chuyện với Tiêu Tuấn Trì rồi nhân cơ hội hắn không chú ý, xoay người nhanh tay rút tờ giấy bên trong ra, giấu kĩ trong tay áo.

Tờ giấy ngấm nước, bị ẩm nên mềm nhũn.

Nàng nắm chặt trong lòng bàn tay, tim đập mạnh.

Lúc Tiêu Tuấn Trì quay đầu lại, thấy sắc mặt nàng hơi khác thường, lại nhìn thấy bóng hình xinh đẹp của nàng trải dài trên mặt nước, rất hư ảo. Chỉ sợ nếu hắn lỡ buông lỏng tay, nàng sẽ thật sự trở về bên cạnh cầu Ô Thước luôn mất. Thế là hắn nhanh chóng ôm Khương Linh Châu sang bên cạnh, nhẹ giọng nói: “Được được được, ta sẽ kể tất cả cho Vương phi nghe.”

Tiêu Tuấn Trì kéo nàng ngồi thẳng xuống, vẻ mặt hơi buồn rầu.

Sau một hồi im lặng, hắn mới xoa nhẹ chiếc nhẫn ngọc ban chỉ trên tay, chậm rãi kể lại mọi chuyện.

Nếu có thứ gì có thể vững chắc như thép Ngụy, lại có sức hiệu triệu mọi người tựa như bậc quân vương, Hỏa giáo sẽ nằm trong số đó. Từ xưa đến nay, không nói đến Tề, Ngụy, khu vực Tây Vực có vô số nước nhỏ, những nước nhỏ này thường có các giáo phái có quyền uy trên cả quốc pháp, mặc sức làm bậy. Mười mấy năm trước, Hỏa giáo cũng không ngoại lệ.

Dựa trên giáo lí cơ bản “Tác Lê Nhã Sĩ Đức” (7), tự lúc nào Hỏa giáo đã truyền đến các nước nhỏ như nước Uyển rồi trải rộng ra thảo nguyên Ô Mục Thấm, lan sang các khu vực phía Tây, sau đó lại trở về nước Ngụy. Tiếp đó, Hỏa giáo nhanh chóng lột xác, trở thành quốc giáo, phụ hoàng của Tiêu Tuấn Trì cưới Cừ thị, một tín nữ của Hỏa giáo làm thê.

(7) Chú thích của tác giả: Tác Lê Nhã Sĩ Đức chính là giáo lý của Hỏa giáo, hừm. Tôi chỉ mượn tên mà thôi, xin đừng cho đó là sự thật lịch sử.

Hỏa giáo thờ lửa, xem lửa là khởi nguồn của vạn vật, cho nên từ trên xuống dưới nước Ngụy lập các đài thờ phụng thần Lửa, luôn luôn sáng đèn.

Trong nội bộ Hỏa giáo, nữ sứ giả là người tôn quý nhất. Các đời nữ sứ giả đều do chủ tế lựa chọn. Theo như giáo lý của Hỏa giáo, các cô nương này chính là người được thần Ánh Sáng lựa chọn, truyền đạt lại ý trời, thiết lập trật tự nhân gian. Nhưng mỗi lần nữ sứ giả tiên đoán điều gì, tín đồ làm theo kiểu gì cũng gây ra vô số hậu họa.

Mười mấy năm trước là thời điểm hưng thịnh nhất của Hỏa giáo tại nước Ngụy. Cả nước lập rất nhiều điện thờ thần Lửa, ngay cả hoàng thất nước Ngụy cũng hết lòng tin thần Lửa, rước cả nữ sứ giả Hỏa giáo vào cung, tiếp đãi như khách quý.

Lúc huynh trưởng Tiêu Tuấn Trì là Tiêu Đồ Ký lên ngôi Hoàng đế, nữ sứ giả đương nhiệm khi đó tên là Cổ Ngôn Đóa, là một cô nương xinh đẹp với mái tóc xù, mắt nâu, tính cách nhiệt tình sôi nổi đặc trưng của những người con gái trên thảo nguyên. Nàng ta được Tiêu Đồ Ký tiếp đón như khách quý, một thời gian sau, nàng ta thầm thích Tiêu Đồ Ký. Chỉ tiếc khi đó Tiêu Đồ Ký vẫn chưa quên được thê tử quá cố cho nên không có ý định tái giá.

Cổ Ngôn Đóa cố gắng truyền lại ý của thần linh vì người trong lòng, chẳng biết có phải có thần linh giúp thật hay không nhưng Cổ Ngôn Đóa khá may mắn. Cứ hễ nàng ta bói quẻ nào thì quẻ đó ứng nghiệm. Dựa vào những quẻ bói của nàng ta mà suốt thời gian Tiêu Đồ Ký chinh chiến phía Tây đều trăm trận trăm thắng, vô cùng oai hùng.

Tiêu Đồ Ký có một người huynh đệ cùng vào sinh ra tử, tên là Diêu Dụng. Hai người quen nhau trên chiến trường, Diêu Dụng là người dũng cảm, đã quen chinh chiến, cùng Tiêu Đồ Ký ra vào chiến trường, trải qua sống chết, rất được Tiêu Đồ Ký tin tưởng. Thời Tiêu Tuấn Trì còn niên thiếu thì theo Đại tướng quân Diêu Dụng học hành quân đánh trận, cũng quen biết hai đứa con trai của Diêu gia.

Tiêu Đồ Ký rất có tài trong việc dẫn dắt quân đội, dưới trướng có hẳn một đội quân tinh nhuệ được huấn luyện nghiêm chỉnh, dũng mãnh vô song, quân phục lấy màu đen làm chủ đạo, cho nên gọi là quân Huyền Giáp. Tiêu Đồ Ký tín nhiệm Diêu Dụng, giao ngư phù dùng để hiệu triệu quân Huyền Giáp cho Diêu Dụng.

Rồi sau đó, lần xuất chinh cuối cùng vào bảy năm trước…

Khi đó, chàng trai Tiêu Tuấn Trì cũng đi theo quân vương. Hắn là người thông minh, nhạy cảm, sớm nhận ra tình hình lúc đó đã có rất nhiều thay đổi: Diêu Dụng mất tích, quân Huyền Giáp bị người khác bí mật điều động nhưng Tiêu Đồ Ký vẫn làm ngơ, cố chấp xuất chinh, lấy lí do là Cổ Ngôn Đóa đã tuyên bố lần xuất chinh này sẽ chiến thắng.

Lòng tin của Tiêu Đồ Ký với thần Lửa hoàn toàn không có chút nghi ngờ, nhất quyết làm theo ý mình. Cuối cùng, Tiêu Đồ Ký bị chính quân Huyền Giáp tiêu diệt tại chân núi Hạc Quy, chết dưới vó ngựa loạn quân.

Nhưng không hiểu tại sao bọn họ lại tha cho Tiêu Tuấn Trì, để hắn lành lặn trở về.

Diêu Dụng bặt vô âm tín, quân Huyền Giáp bị điều động, nữ sứ giả cứ muốn bệ hạ xuất chinh, Tiêu Tuấn Trì bình yên vô sự… Những bằng chứng đó kết hợp với nhau tạo ra một “câu chuyện” khác. Tiêu Đồ Ký vừa mới mất thì Thái Diên có vô số lời đồn rằng Tiêu Tuấn Trì cấu kết với Diêu gia, Hỏa giáo mưu hại bệ hạ để leo lên ngôi vua.

Nhưng Cổ Ngôn Đóa lại tự tử ngay giữa lúc tình hình rối ren như vậy, chỉ để lại lời trăn trối khó hiểu rằng: “Chàng có thể lấy Phòng thị làm thê, nhưng không thể lấy Cổ Ngôn Đóa, số trời đã định, chẳng bằng cùng kết thúc.” Kể từ đó, đã không có bằng chứng, giờ lại không còn người có thể khai ra kẻ đứng sau nữ sứ giả là ai.

Lúc đó, cả thành Thái Diên rối loạn, Tiêu Tuấn Trì tuân theo di nguyện của Đại ca, đứng ra nắm quyền, Hào Châu vương Tiêu Phi Túc lại lấy cớ bác bỏ, nhất định đòi đưa Tiêu Vũ Xuyên là con trai Tiêu Đồ Ký lên ngôi Hoàng đế. Tiêu Tuấn Trì bận đến sứt đầu mẻ trán, không rảnh quan tâm đến chuyện khác, vì thế để cho Tiêu Phi Túc thừa cơ lấy tội mưu phản xử tử toàn bộ Diêu gia.

Diêu Dụng và thê tử bỏ mình, hai người con Diêu gia may mắn chạy thoát. Trong tình hình rối ren, cuối cùng đầu quân dưới trướng Tiêu Tuấn Trì, đổi thành họ Tống. Tiêu Tuấn Trì chỉ nói đó là bạn bè thuở nhỏ của mình, không nhắc lại chuyện xưa.

Thời gian trôi qua, cuối cùng Thái Diên cũng yên ổn, Tiêu Tuấn Trì được phong làm Nhiếp Chính vương, nắm giữ triều chính. Kể từ khi đó, hắn và cháu của mình là Tiêu Vũ Xuyên càng ngày càng xa cách, bằng mặt không bằng lòng.

Sau này, khi Tiêu Tuấn Trì nhớ lại quẻ bói kia của Cổ Ngôn Đóa thì vô cùng căm hận Hỏa giáo, chuyển sang tin Phật. Dưới thời Tiêu Tuấn Trì nắm quyền, Phật giáo của nước Ngụy hồi sinh, Hỏa giáo dần phai nhạt rồi biến mất, hầu như không còn vết tích.

Tiêu Tuấn Trì bình thản kể lại chuyện cũ, Khương Linh Châu lại như vẫn đang trong mộng, hồn nhiên không biết hắn đã ngừng kể. Một lúc sau, nàng mới mơ màng phản ứng lại.

Trăng vàng trên cao, ánh sao chiếu xuống nước, bốn bề dần yên tĩnh.

Trong chớp mắt, Khương Linh Châu có thể nhớ được rất nhiều chuyện. Ví dụ như hồi bọn họ ở Cạnh Lăng, Tiêu Tuấn Trì vô thức nói một câu: “Sau khi huynh trưởng ra đi, ta cảm thấy Hỏa giáo ngày càng đi quá xa nên chuyển sang tin Phật.”

Ai có thể ngờ rằng, phía sau một lời nói tưởng chừng như vô cùng đơn giản ấy lại có liên quan tới những việc sinh ly tử biệt gây chấn động lòng người đến thế.

Ngẫm ra thì việc Cách Hồ Na trở thành “Nữ sứ giả của Hỏa giáo” khiến nàng cảm thấy hơi bất an… Nếu Cách Hồ Na là nữ sứ giả, vậy có khi gốc gác của nàng ấy cũng không hề đơn giản?

“Vương phi nghĩ gì thế?” Tiêu Tuấn Trì véo mũi nàng, “Để tìm hiểu mấy chuyện đó cũng tốn công lắm đấy. Những chuyện thế này để bổn vương lo là đủ rồi, Vương phi chỉ cần tự chăm sóc mình thật tốt để còn sinh Xuân Nhi… Xuân Ca thôi.”

“Chàng định gọi con là Xuân Ca thật đấy à?” Khương Linh Châu hỏi.

“Không phải Vương phi nói vậy sao?” Tiêu Tuấn Trì hỏi lại.

“Để thiếp suy nghĩ lại đã.” Nàng mỉm cười, tạm thời quên đi câu chuyện mà Tiêu Tuấn Trì vừa kể.

Thừa dịp Tiêu Tuấn Trì quay đầu nhìn phong cảnh bên bờ, nàng nhẹ nhàng rút tờ giấy mà Tiêu Tuấn Trì viết ra, cẩn thận nhìn lại.

Sau đó, nàng hài lòng cất tờ giấy kia đi, nụ cười hạnh phúc nở trên môi.

Lúc Tiêu Tuấn Trì quay đầu lại thấy nàng cười thì tò mò hỏi, “Vương phi cười gì thế?”

“Thiếp nghĩ rằng… chữ của Vương gia đúng là một chữ đáng giá ngàn vàng, thật vô giá. Ngày sau nhỡ hai ta có sa cơ, không nhà để về thì Vương gia ra ngoài bán tranh chữ kiếm tiền cũng lấy được mấy bát cơm.”

~~~ Tác giả có lời muốn nói:

Đại Cẩu: Trong tay đã có sẵn tài, đi khắp thiên hạ đều chẳng lo.
Bình Luận (0)
Comment