Chốn Quen Nơi Đầu Suối

Chương 4


Trong món chính của Tân Cương có naan[1], được ăn chung với rau, thịt và trà sữa.

Các quầy nướng hầu như đều nướng naan cả, đậy naan lên trên cái xiên nướng thịt để nướng, làm nóng cả hai mặt, nướng đến khi sém lại rồi thêm xíu thì là.

Chỉ một chốc thôi mùi thịt và mùi naan quyện chung với nhau thơm nức.
1.img
Một món bánh mì dẹt phổ biến ở Tây-Trung Á.
Có lần tôi đến thôn Hòa Mộc, tới nơi đã gần mười hai giờ rồi.

Trời tối đen, sao rơi đầy đất, cuối thu vắng lặng, rét đến mức buốt cả lỗ tai.

Tôi kéo hành lý qua biển giao thông, ở đó có một quán ăn đang mở, trước cửa quán bán thịt nướng.

Trên xiên sắt là một miếng thịt lớn, thịt được ướp hành tươi vô cùng đậm vị, sau khi nướng trên than hoa mùi thơm tỏa ra ngạt ngào bốn phía, chất thịt còn rất mềm nữa.

Sau cùng lại ăn thêm một chiếc naan, cực kỳ hài lòng luôn.

Có rất nhiều loại naan, hồi trước các tiệm bán naan gần nhà tôi đều bán loại đặc trưng riêng của tiệm mình.

Tôi thích nhất là một loại naan ngàn lớp nướng cho mỏng đi, vỏ naan cũng không dày lắm, nhưng ăn nhân lúc hẵng nóng vị rất giòn xốp, ăn đến mức trong lòng nở hoa luôn.

Hồi đó còn có cả loại naan dầu, to đâu tầm bàn tay, hơi dày, cho vào miệng cắn tất cả đều là hương vị ngọt ngào.
Trong sân nhà bạn học tôi có cái lò nướng naan, người nhà tự xây bằng gạch ống.

Tôi đến nhà cô ấy ăn cơm, thấy cái lò thì hiếu kỳ lắm.

Ngoài naan ra còn nhớ rất kỹ naren[2] nhà cô ấy làm nữa, thật sự là món naren thơm nhất mà tôi từng ăn.

Hôm đó ăn một mạch đến lúc chạng vạng, quên mất cô ấy đổ cho tôi bao nhiêu cốc trà sữa rồi.

Lúc sắp về thì mẹ cô ấy kêu tôi lại đến nhé, tôi ngại lắm.

Sau này chúng tôi gặp lại ở Bắc Kinh có kể về chuyện cũ, tôi vẫn nhớ mãi không quên bữa cơm ấy.
2.img
Món ăn của người dân tộc Kazakhstan.

Dùng thịt ngựa hoặc thịt dê hun khói, nấu mì rồi đổ cả mì lẫn nước dùng lên trên thịt, rắc thêm hành, khoai tây,…
Nói đến naren là nhớ đến thịt ngựa.

Naren có ngon không thực ra phải xem thịt ngựa hun có thơm không.

Hun khéo thì thịt ngựa có mùi thơm lạ, sau khi lên mâm tự dùng dao con thái miếng, cực kỳ hợp nhắm rượu luôn.

Mùa đông mà có thịt trong bụng thì đi đường cũng không sợ bay mất.
Trong quán ăn còn có một món gọi là thịt nướng xào.


Thịt dê non thêm ớt bột, cũng rắc ít thì là, hơi khác so với vị cơ bản của thịt nướng, mùi vị rất độc đáo, có thể ăn kèm với naan hoặc là mì vàng cũng được.
Hồi trước nghỉ hè có ở trên thảo nguyên một khoảng thời gian, con gái nhà nọ dạy tôi cưỡi ngựa.

Cô ấy dám không mang theo dây cương và yên ngựa, anh em trong nhà cô ấy đều dám cả.

Cô ấy hỏi tôi có dám không, đương nhiên là tôi dám rồi.

Không dám cũng phải dám.

Đến thôn Hòa Mộc tôi cưỡi ngựa trên đỉnh Mỹ Lệ, thời tiết không tốt mấy, âm âm u u, cưỡi được một nửa thì tuyết rơi.

Con ngựa này ban đầu không dám qua sông, tưởng là ngựa con cho thuê chuyên dụng.

Kết quả giữa đường gặp một cái xe máy dẫn theo mấy con ngựa nữa đang chạy.

Họ đi qua chúng tôi thì bỗng nhiên con ngựa này dũng cảm hẳn, tôi cũng dũng cảm lên, chạy như điên cả đoạn đường đuổi theo người ta.

Gió thổi tóc bay tán loạn, lúc đó không nhìn được gì nữa, chỉ cảm thấy sung sướng thôi.
Tới điểm cuối cùng thì đột nhiên tuyết rơi dày đặc, ngỡ như đặt tất cả mọi thứ ở nơi xa xôi nào đó vậy.

Đến khi tôi tới miền Nam, ở nơi phố thị ngột ngạt lâu quá vẫn muốn cưỡi ngựa.

Tôi đi đến bãi ngựa quanh đó, huấn luyện viên nói tôi chưa được tính là biết cưỡi ngựa, phải học lại từ đầu.

Tôi đi theo huấn huyện viên xem thầy tắm rửa cho ngựa, những con ngựa này đều cao hơn những con trước đây mà tôi từng thấy.
Có một con ngựa tên là Ong Bắp Cày, không ăn ý với tôi gì cả.

Ngày nọ tôi đi đôi ủng cưỡi ngựa mới mua, lớn bằng nửa yard, lúc học vượt chướng ngại vật đạp không được ổn định, chạy một lát đã muốn dừng lại rồi.

Huấn luyện viên tưởng là do nó lười biếng nên kêu tôi dùng roi ngựa, tôi không biết ngượng quất nó thật.

Sau hôm đó tôi đến chuồng ngựa muốn gia tăng tình cảm với nó, mà nó không thèm để ý tôi.
Về đến nhà tôi dạt dào cảm xúc viết: Tôi cũng muốn có một con ngựa.
Lên mạng search giá cả.
Tôi vẫn về chăn dê thì hơn..

Bình Luận (0)
Comment