Chưa Tới Ngày Về

Chương 2

Ta cắn cắn môi, không biết nên trả lời thế nào, tiện muốn nhảy xuống ngựa.

Có lẽ do ý đồ của ta thể hiện ra rõ quá, hai tay hắn đặt lên vai ta hơi dùng sức: “Con ngựa kia của ngươi sợ là không an toàn, ta mang ngươi trở về. Bằng không ngươi nghĩ tự mình có thể quay về hay sao?”

Ta nhất thời nghẹn lời, ta thật sự không biết lối đi trong rừng. Hắn đã mở miệng thì ta cũng chẳng làm giá nữa, nghĩ xong liền ngoan ngoãn yên phận ngồi ngay ngắn lại, đồng thời hơi dịch người về phía trước, giãn khoảng cách với hắn.

Ngựa chầm chậm đi, hắn luôn miệng hỏi ta vài câu: “Ta thế mà lại quên mất trong kinh có một vị cô nương xuất thân từ phủ Định Viễn hầu.”

“Không dám nhận.”

“Nhìn cách ngươi cưỡi ngựa bắn cung cũng đoán ra được luyện từ nhỏ, nhưng phát bắn vừa nãy bị mất lực, chắc hẳn là do lâu ngày không luyện.”

“Thêu thùa may vá, độ mạnh yếu không thu lại sợ phá nát cả vải.”

Ta thành khẩn giải thích, người nọ lại cười khanh khách.

Ta rối rắm một lúc lâu cuối cùng vẫn chọn mở miệng: “Con nai kia bị ngươi bắn chết nhưng ta mới là người phát hiện, ta bắn nó bị thương trước.” Rồi lại cân nhắc mãi mới nói tiếp: “Hay là ta với ngươi chia ba bảy, ngươi ba ta bảy.”

“Không được.”

Ta cuống quít nói tiếp: “Bốn sáu cũng được! Nếu còn không được nữa thì năm năm cũng không phải là không…”

Hắn ngắt lời ta: “Cho ngươi hết đấy.”

Ta giật mình, tuy rằng kể cả không có hắn đi nữa, nếu ngựa của ta không thua kém thì con nai đó ta cũng có thể bắn hạ được.

Nai trời sinh có tính hiếu động, lại linh hoạt nên rất khó săn, bình thường cũng chỉ dùng để quảng bá tài nghệ cưỡi ngựa bắn tên. Chuyện tốt như vậy mà hắn lại tặng cho ta hết?

Mà thôi, nghĩ nhiều làm cái gì! Nghĩ nhiều chỉ có đau đầu thêm thôi!

Tim ta hẫng một nhịp, không kiềm chế được quay đầu liếc nhìn nụ cười của hắn.

Giờ mới có dịp để ý kĩ, người này cực kì cực kì thuận mắt. Người nọ bất thình lình bị ta nhìn, tay đang cầm dây cương hơi khựng lại, sau đó lại giả vờ nhìn xuống đất. Ta sờ sờ mặt mình sợ trên đó dính thứ gì, sao ngoảnh mặt lại một cái thôi mà đã doạ người ta sợ rồi?

Mới nói được dăm ba câu mà thời gian trôi qua nhanh quá, ta chưa kịp định thần đã về đến điểm săn bắn ban đầu. Các gia quyến đang ngồi trong lều nói chuyện phiếm, căn lều trên đỉnh chóp mạ vàng lớn nhất ở giữa chính là lều của hoàng gia. Con ngựa thông minh đến mức không cần ta chỉ đường, quang quẩn vài vòng liền dừng lại chuẩn xác ở trước lều nhà ta cách đó không xa.

Hắn tung người xuống ngựa, vừa đứng vững liền vươn tay về phía ta. Nói đùa chứ, một không ngã hai không chạm, ta xuống ngựa còn cần ngươi giúp đỡ? Tay phải của ta chống vào lưng ngựa, nhẹ nhàng khéo léo nhảy xuống, mặt hơi vênh lên đắc ý liếc hắn một cái. Hắn thu lại cánh tay đang dừng trên không trung, cười cười lắc đầu. Hiện tại trong lều của gia quyến đều là nữ tử, hắn đi vào cũng không thoả đáng lắm, liền đứng yên tại chỗ. Ta vào lều rồi lại nhô đầu ra, phất phất tay với hắn, lúc này hắn mới lên ngựa mà đi.

Mẹ ta ngồi trên ghế chủ vị, nhấp một ngụm trà hỏi: “Sao thái tử điện hạ lại đưa con về?”

Ta há miệng định uống ngụm trà cho thông họng, sau đó lấy lại bình tĩnh nói: “Ngựa của con giữa đường nổi điên, may là có thái tử điện hạ cứu…. thái tử?!!!!!!!!!”

Lão tổ tông nhà người, nói lý lẽ chút đi có được không, chuyện kinh khủng như thế dễ bị nghẹn chết lắm đấy.

Tay bưng trà của ta run rẩy kịch liệt nói: “Mẹ vừa nói gì, người vừa rồi đưa con về là ai?”

Mẹ ta nhìn thấy bộ dạng kích động của ta, làm ra vẻ vô cùng đau đớn: “Con ở kinh bao nhiêu năm nay, ngay cả thái tử mà cũng không biết?”

Này này, con ở kinh bao nhiêu năm nay không thêu thùa may vá cũng đánh đàn ngâm thơ. Vì đề phòng con làm ra mấy chuyện mất hết mặt mũi lễ nghi, ngay cả cung yến mẹ cũng chẳng cho con đi, thì biết mặt mũi thái tử thế quái nào được? Đương nhiên những lời này ta chỉ dám để ở trong lòng thôi…

Lòng ta thấp thỏm không yên, cha và ca ca đều là những người trung quân ái quốc, đặt uy nghiêm hoàng gia lên hàng đầu. Chẳng may bọn họ mà biết chuyện ta cướp ngựa của thái tử, tranh nai với thái tử, lại để thái tử dắt ngựa cho mình thì…

E rằng đêm nay có khả năng ta phải chịu gia pháp rồi.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ai bảo thái tử khác biệt so với trí tưởng tượng của ta đến thế.

Hầu hết công tử ở kinh thành đều mang dáng vẻ thư sinh nho nhã, trên tay cầm cây quạt đong đưa, như thế ta mới nhận ra được chứ. Ta cứ ngỡ thái tử là người dẫn đầu đám công tử trong kinh, ắt hẳn nhìn qua phải thấy ngay khí chất văn thơ ngời ngời. Nào ngờ trái lại trông hắn còn có vài phần chính trực.

Nghĩ xong liền nôn nóng chạy nhào vào vòng tay của mẹ, sống chết không chịu chui đầu ra. Thôi thôi, mặt mũi thể diện vứt hết đi rồi còn đâu. Trên mũi tên có kí hiệu nhà ta, người ta mà muốn chơi trò hổ đói bắt mồi ngon thì xong đời.

Nói có sai đâu, buổi chiều cha và ca ca trở về, từ xa ta đã nghe thấy tiếng cha gọi mình. Ta chân chó chạy ra ngoài nghênh đón, cả người bị cha xoay tới xoay lui 2 vòng: “Không hổ là con gái của ta!”

Đại ca đưa cho ta một cây cung, ta liếc mắt một cái đã biết lai lịch của nó không hề tầm thường.

Huynh ấy tươi cười nói: “Đây là hoàng thượng ban thưởng đấy. Hiếm có năm nào nơi săn bắn nhiều nai như năm nay, xem như vận khí của muội tốt, thái tử điện hạ cũng không tiếc lời khen muội. Từ giờ trở đi, ở kinh thành muội sẽ không lo phải chịu khổ.”

Ta nhận lấy cây cung rồi kéo thử, trời ơi… Cảm giác trên tay tuyệt thật đấy, mùa xuân năm nay đi săn được hời rồi.

Kì săn mùa xuân rầm rầm rộ rộ đã đến hồi kết thúc, cha và ca ca bọn họ cũng phải lên đường.

Từ ngày đi săn trở về, mẹ ta đi đâu cũng mang ta theo, miệt mài tìm cách giúp ta đánh bại các cô nương trong kinh thành. Ta đành mặc kệ bà bắt ta phải ăn mặc sao cho tinh xảo quý phái, nhìn thật giống bày bình sứ ra cho thiên hạ ngắm nhìn. Hơn nữa, ta cũng rất có tâm mà. Thật ra mấy chuyện này đơn giản thôi, bất kể là đến chơi nhà khách hay khách đến chơi nhà, chỉ cần ngồi nghiêm chỉnh đoan trang, miệng cười kín đáo là được. Tuy nhiên, cười cũng phải sang trọng xinh đẹp, không được giống như ta ngày trước cười tươi roi rói hở cả răng đâu. Phải thu liễm kín đáo, tốt nhất là ngoài cười nhưng trong không cười, không cần nói thì không được nói, không nên trả lời thì đáp lại vài lời khách khí ngắn gọn. Điểm tâm trên bàn không được động một ngón tay vào, vì động vào sẽ gây sự chú ý. Nếu thấy chán quá thì nhấp hai ngụm trà, nhớ kĩ chỉ được nhấp từng chút từng chút một thôi. Thấy ta ngày một tiến bộ, ý cười trên mặt mẹ ta cũng ngày càng rạng rỡ. Người ta truyền tai nhau ta là nữ nhân đại thập bát biến (thay đổi lớn), càng biến lại càng trầm ổn. Ta thực nghĩ mãi không ra họ dựa vào đâu mà kết luận như thế, mà những lời này cũng chẳng làm ta phân tâm.

Thái tử điện hạ cứ rảnh rỗi lại đến thăm quý phủ một chuyến. Hắn tới ta cũng vui, không vì lý do gì khác, chính là vì cứ khi hắn tới ta lại như được ông trời ban ơn.

Bất kể người nào, dù đang thêu thùa may vá hay cầm kì thi hoạ cũng đều ngưng thần mải mê ngắm nhìn vị thái tử này. Chẳng qua là gặp gỡ hoặc có khi cùng hắn đi dạo trò chuyện, thường xuyên được đổi thường phục chuồn êm ra ngoài, thực thú vị xiết bao.

Một năm này ta ung dung tự tại, thời gian cũng dần trôi, nháy mắt tuyết đã rơi đầy trời.

Ngày cha và ca ca hồi kinh, ta dậy từ rất sớm phụ mẹ chuẩn bị mọi thứ đâu vào đấy cho bọn họ đón gió tẩy trần.

Đến bữa tối, cả nhà ta đã lâu không gặp quây quần trong phòng bếp nấu rượu mơ, uống cùng với đồ ăn, vừa thưởng rượu vừa ngắm tuyết rơi nói chuyện phiếm. Trong phòng một chậu than hồng ấm áp, uống xong mấy vò rượu đã nổi lên một tầng mồ hôi.

Cha mẹ đang nói chuyện, ta sáp lại gần định trêu nhị ca một vố, hỏi huynh ấy: “Người hôm nay cùng huynh quay về muội thấy có vài phần quen mắt.”

Cũng chẳng phải là ta nhớ nhung gì, chẳng qua người kia lén nhìn ta tận mấy lần, không muốn để ý đến hắn cũng khó.

Nhị ca hơi suy tư: “Muội nói Hạ Thịnh?”

Ta nhíu mày: “Con trai thứ ba của đại tướng quân Hạ Kì trấn quốc?”

Bắc Cương xưa nay là chốn giao tranh, tự thời tiên đế đăng cơ đã rất coi trọng trị an biên cảnh, cũng phải nhờ cậy nhiều vào võ quan. Hiện tại tấm binh quyền nơi Bắc Cương ngoại trừ nằm trong tay nhà Định Viễn hầu ta cũng có phần của Đại tướng quân Trấn Quốc. Tuy đôi bên đều là vì triều cương, nhưng vẫn làm theo ý mình. May thay vùng đất Bắc Cương rộng lớn, xưa nay Tần gia và Hạ gia chưa từng nảy sinh tranh chấp, hai nhà lại ít khi qua lại.

Nhị ca uống một ngụm rượu: “Ừ, chính là hắn. Hắn lớn hơn muội 2 tuổi, kể ra trước đây hai bọn muội còn có giao kèo, muội còn nhớ không?”

Nếu hỏi có còn nhớ người đó là ai, ta đương nhiên nhớ rõ.

Năm ta 9 tuổi ta vẫn chưa bị đưa về kinh bó buộc vào quy củ, sống hoang dã chốn đồng cỏ Bắc Cương. Cha chiếu cố ta nên để ta tự nhiên, thật ra là vì để ông ấy đỡ phiền, mặc ta thoải mái chạy nhảy trong quân doanh, đến y phục cũng tuỳ theo các ca ca. Có thúc thúc trong quân doanh là tâm phúc của cha, lúc nào cũng nhè ta ra trêu đùa, nói ta ngày ngày huynh huynh đệ đệ, có khi chính bản thân đã quên mất mình là một cô nương.

Ngày ấy vừa hay chạm trán với Hạ gia, Hạ Thịnh 11 tuổi hùng hùng hổ hổ xông thẳng vào quân doanh. Ơ hay, chẳng ai nghênh đón mà lại nói muốn tỉ thí với Tần gia.

Hắn đứng ở sân đấu võ kêu gào, thu hút không ít ánh mắt tò mò xem náo nhiệt.

Ta giật dây bảo nhị ca lên sân khấu cho hắn một bài học, huynh ấy còn không thèm nhìn nói: “Đại ca sợ không cẩn thận làm hắn bị thương lại không hay. Ta còn biết làm thế nào nữa, hơn nữa ta hơn hắn một tuổi, chuyện này mà truyền ra ngoài lại thành ta ăn hiếp hắn. Thắng cũng chẳng vẻ vang gì, thôi thôi.”

Nhị ca không nghe ta khuyên bảo, nhưng ta nuốt không trôi cục tức này, bèn xoay người cầm lên cây thương quấn dây tua đỏ lên sàn luận võ.

Năm 9 tuổi ta đã luyện thông thạo ngọn thương của Tần gia rồi. Mặc kệ thế nào, ta kém hơn 2 tuổi, hơn nữa suy cho cùng thì sức lực của một nữ tử không lớn, đành phải dựa vào thân người linh hoạt tránh mũi thương.

Hạ Thịnh đến đây làm ầm ĩ, tuy là thiếu niên nóng nảy nhưng cũng có sự chuẩn bị. Nhìn đao pháp của hắn, tự ta biết nếu cứ tiếp tục kéo dài tất sẽ thua. Nhưng vì sĩ diện, người thắng làm vua kẻ thua làm giặc, cho nên ta buộc phải đi đường ngang ngõ tắt. Ta bốc một vốc cát giấu trong tay áo, chờ dịp ngọn thương bay đến để lộ sơ hở, quả nhiên hắn liên tục tiến công về phía trước. Ngay lúc đó ta giương tay lên ném cát vào mắt hắn. Đại ca đã đuổi tới nơi, điểm điểm mũi chân lên mặt đất, tung người lên không trung nhảy lên sàn đấu võ, dùng kiếm không rút khỏi vỏ hất ngọn thương trên tay hắn ra.

Ta biết mình dây vào rắc rối lớn nên ngoan ngoãn đứng sang một bên. Hạ Thịnh nổi giận mắng ta là kẻ đê tiện. Mặt mày ta sán lạn nở nụ cười, mặt khác cũng thương hắn nhìn không rõ ràng, mở miệng nói: “Hạ công tử nói vậy là sai rồi, chẳng lẽ công tử chưa từng nghe câu ‘binh bất yếm trá’ sao?” (Note: binh bất yếm trá = việc chiến tranh không ngại dối lừa)

Giọng nữ tử rõ ràng cất lên, sợ rằng Hạ Thịnh để ý kĩ sẽ phát hiện ra đây là nữ nhi của Định Viễn hầu nhỏ hơn hắn 2 tuổi.

Nhị ca nói: “Thắng cũng chẳng vinh quang.”

Nói thế là không đúng, cuối cùng hắn có thắng được ta đâu.

Đại ca thấy ta không bị thương mới bất đắc dĩ nói: “An Bắc! Mau tạ lỗi với Hạ công tử. Trên võ đài dùng ám tiêu là muội sai.”

Ta nghe vậy cũng ngoan ngoãn nhận lỗi tạ tội, cuối cùng vẫn không quên cố ý bỏ thêm một câu: “Dù sao từ nay An Bắc vẫn muốn gọi Hạ công tử một tiếng ca ca. Lần này thật đã mạo phạm tôn trưởng rồi” (Note: tôn trưởng = người bề trên)

Đại ca nghẹn lời, cúi người: “Tiểu muội tuổi nhỏ không hiểu chuyện, mong Hạ công tử không để trong lòng.”

Hạ Thịnh ôm một bụng tức nhưng vẫn phải im lặng không dám nói gì, đành nghiến răng nuốt hận vào trong.

Nhớ lại chuyện xưa ta không khỏi bật cười thành tiếng: “Lúc đó vì giúp huynh xả giận muội còn đi trộm bao bố úm hắn đánh một trận.”

Nhị ca thở dài: “Sau đó bị cha cho ăn 30 đại bản mất nửa cái mạng.”

Ta tốt bụng nhắc nhở: “Đại ca thay huynh chịu một nửa rồi còn gì nữa. Huynh mới ăn đòn nửa chừng đã im hơi lặng tiếng, may là còn chưa hù chết ta và cha đấy.”

Nhị ca trừng mắt nhìn ta: “Còn không phải vì con sói lang nhà muội coi thường!”

Ta tranh thủ quay lại chủ đề chính: “Sao các huynh lại cùng nhau trở về?”

“Trên đường vô tình gặp thì đồng hành thôi. Cách biệt ba ngày quả thật làm người khác nhìn bằng cặp mắt khác xưa. Hạ Thịnh giờ cũng được coi là thiếu niên hào kiệt.”

Nói cười một chốc đã qua nửa đêm.
Bình Luận (0)
Comment