Chùm Nho Phẫn Nộ

Chương 20

Ngồi ngất nghểu trên đống đồ đạc, Connie, Rosasharn, hai đứa bé và ông mục sư đã cứng người và tê cẳng. Họ ngồi giữa trời nắng chang chang trước văn phòng cảnh sát tư pháp, đợi Bố, Mẹ và chú John đã vào trong đó.Một lát sau, người ta đưa ra một cái nom như một cái giỏ lớn và người ta hạ cái bọc dài từ trên xe xuống. Và cả đám người ngồi dưới nắng chang chang trong khi cuộc điều tra tiếp diễn để xác định lý do chết, chờ tới lúc ký giấy.

Al và Tom đi dạo trên đường phố, nhìn vào các cửa hàng và ngắm những con người xa lạ trên các vỉa hè.

Cuối cùng Bố, Mẹ và chú John đi ra, im lặng, chịu khuất phục. Chú John lại lên trên nóc hàng còn Bố, Mẹ thì trở lại chỗ ngồi ở phía trước. Cuối cùng Al và Tom trở lại và Tom lên ngồi ở chỗ tay lái. Không nói một lời, anh ngồi đấy chờ đợi một quyết định. Bố nhìn ra phía xa, vẻ lơ đãng, chiếc mũ đen kéo sụp xuống tận mắt. Mẹ đưa ngón tay xoa hai bên mép, mắt mơ hồ, đờ đẫn vì quá mệt mỏi.

Bố thở dài nặng nề

- Chả biết làm thế nào khác được.

- Tôi biết, - Mẹ nói - Thế nhưng bà Nội thường muốn có đám ma to. Bà nhắc lại luôn.

Tom liếc nhìn Bố Mẹ:

- Đất chung của quận ư?

Rồi Bố lắc đầu quầy quậy như bàng hòang trở về với thực tại.

- Ta không đủ tiền. Không thể làm được.

Ông quay về phía bà mẹ:

- Không nên nghĩ ngợi nhiều mẹ nó ạ. Cho dù chúng ta ráng sức đến mấy, cho dầu xoay sở đủ vành, ta cũng không làm gì được, vì ta không có gì. Ơ�ớp xác, quan tài, ông mục sư, mua đất nghĩa địa, có lẽ tốn gấp mười lần số tiền ta có. Ta đã ráng hết sức rồi.

- Tôi biết lắm. - Mẹ nói - Nhưng Bà quá thiết cốt đến một đám ma linh đình nên tôi không làm sao khỏi nghĩ tới điều đó. Phải chịu vậy thôi.

Mẹ thở dài não nuột và xoa xoa bên miệng.

- Ở trong đó, có một ông tử tế quá. Hách dịch ghê, nhưng rất tốt bụng.

- Phải. - bố nói. - Ông ta đã nói thẳng với chúng ta, thế là phải.

Mẹ đưa tay chải tóc ra phía sau. Bà nghiến chặt răng:

- Thôi, ta phải đi, - Bà nói - Ta phải tìm một góc nào đó để ở. Kiếm công ăn việc làm. Không phải là lúc để bọn nhỏ bị đói. Giá còn sống, bà cũng không bao giờ để như thế. Hồi trước có cỗ đám ma, bao giờ bà cũng muốn ăn ngon.

- Bây giờ đi đâu ? - Tom hỏi

Bố nhấc mũ gãi đầu.

- Cắm trại . - Bố nói - Không được tiêu pha chút gì còn lại cho tới khi có việc làm. Lái xe ra vùng quê.

- Ồ!

Tom mở máy, chạy qua các con đường phố và rẽ thẳng về phía vùng quê. Đến gần cầu, họ trông thấy một đám lều vải và các túp nhà lụp xụp.

Tom nói:

- Có thể dừng lại chỗ kia. Để tính nên làm thế nào, xem nơi nào có việc.

Anh cho xe xuống một con đường dốc nhỏ và đỗ xe ở bên rìa trại.

Trại lộn xộn, chẳng có hàng có lối; những lều vải nhỏ, chòi ván, xe hơi nằm rải rác bừa bộn.Chỗ ở thứ nhất không ra hình thù gì. Ba tấm tôn rỉ ghép ở mặt nam, một mảnh thảm mốc meo căng giữa hai tấm ván, là mặt đông; mặt bắc, một mảnh giấy dầu và một mảnh vải rách bám; và mặt tây là sáu tấm bao tải cũ. Trên các khung nhà vuông này và trên những cành liễu không tỉa bớt lá, người ta chồng xếp không phải rơm rạ mà là những bó cỏ hình lăng trụ. Cửa vào, phía bao tải, ngổn ngang các đồ dùng lặt vặt. Một bi đông dầu hoả năm galông dùng làm bếp lò, đặt nằm và ở một đầu lắp một ống sắt rỉ. Một thùng giặt cũ lăn lóc ở bên cạnh, chênh vênh và rải rác đó đây một dãy dài hàng hòm để ngồi, hòm để làm bàn ăn. Một chiếc Ford cũ loại T và một rơmoóc hai bánh đặt gần túp nhà lụp xụp, khắp cả trại bày ra cảnh nhếch nhác và tuyệt vọng.

Xa hơn một chút là một cái lều vải xám đã bạc màu do mưa nắng, nhưng căng rất cẩn thận, các hòm gỗ xếp hàng ngày ngăn trước lều; một đoạn ống bếp thò ra ngoài của một phía trước, người ta đã quét bụi và tưới nước. Một chậu giặt đầy quần áo ngâm nước đặt trên một chiếc hòm. Chỗ cắm trại có dáng dấp ngăn nắp và khắc khổ. Một xe kiểu A và một rơmoóc bé nhỏ lấp vội dùng chở chăn đệm, gối mềm, đậu áp sát lều.

Tiếp theo là một lều lớn rách tả tơi, há hoác tứ tung, những miếng rách được vá đụp bằng dây thép. Tấm cửa lều đã vén lên và từ ngoài nhìn vào trong, thấy có bốn đệm trải dưới đất. Trên một dây phơi căng sát vách lều, có những áo bằng vải bông màu hồng và nhiều quần yếm. Có tất thảy bốn mươi lều hoặc lán, và ở sát nách mỗi lều, có một thứ xe hơi ba vạ. Tận ở đầu trại, một vài đứa bé đứng im, trố mắt nhìn chiếc xe cam nhông mới tới rồi chúng sán lại gần. Chúng mặc quần yếm đi chân đất, tóc tai xám vì bụi bậm.

Tom dừng xe quay về phía bố:

- Không tốt đẹp gì lắm. Bố có muốn đi tìm chỗ khác không?

- Không thể đi chỗ khác chừng nào chưa biết đây là đâu - Bố nói. - Trước hết hãy hỏi xem chuyện công ăn việc làm thế nào.

Tom mở cửa xe nhảy ra. Cả gia đình đều tuột xuống và nhìn trại một cách tò mò. Theo thói quen Ruthie và Winfield, kéo chiếc xô xuống và tiến về phía đám lau sậy để múc nước; đám trẻ con đứng thành một dãy dãn ra cho chúng đi rồi khép lại.

Tấm cửa lều thứ nhất vén lên và một người đàn bà hiện ra. Tóc mụ xám, tết thành một bím duy nhất, mụ mặc áo vải hoa to rộng loè xoè, ghét bẩn bám đầy. Gương mặt mụ tàn héo nom u mê đần độn, những túi thịt xám, sưng húp phía dưới đôi mắt không hồn, và một cái miệng nhẽo.

Bố hỏi:

- Có thể dựng trại ở bất cứ đâu được không?

Đầu mụ thụt vào trong lều. Trong một lát im ắng, một người đàn ông râu xồm, mặc áo sơmi ngắn tay, bước ra. Người đàn bà nhìn theo lão nhưng không ló ra ngoài.

Lão xồm nói:

- Chào ông bà.

Và đôi mắt của lão luôn luôn động đậy, nhìn hết người này sang người khác và cuối cùng đứng lại ở chiếc xe chất đầy đồ đạc. Bố nói:

- Tôi vừa hỏi bà nhà hiện có thể dựng trại ở đâu đó, được không?

Lão râu xồm nhìn người bố một cách trang trọng, tựa hồ bố đã nói một điều gì thật thông minh cần phải được suy nghĩ:

- Dựng trại đâu đó, ở tại đây ư?

- Chính thế. Có ai là chủ đất này, và trước khi cắm trại phải hỏi ai?

Lão râu xồm lim dim một mắt và chăm chú nhìn Bố:

- Ông muốn cắm trại ở đâu?

Bố đã thấy sôi tiết. Qua chỗ lều thủng, người đàn bà tóc xám hé mắt nhìn ra.

- Ông không nghe thấy tôi hỏi sao?

- À nếu ông muốn cắm trại ở đây, thì tại sao không làm đi. Đâu phải tôi ngăn cản ông?

Tom bật cười:

- Lão đã thủng rồi đấy.

Bố cố nén:

- Đơn giản tôi chỉ muốn biết đây thuộc của ai.Có phải trả tiền thuê không?

Lão xồm nhô cằm ra.

- Thuộc của ai ư?

Bố quay mặt đi chỗ khác.

- Quỷ bắt lão đi.

Lão xồm tiến lại, vẻ hăm doạ.

- Đất này của ai à? - Lão nói - Kẻ nào dám tống cổ chúng ta ra khỏi đây, hả? Kẻ nào, ông nói cho tôi đây nghe thử?

Tom đứng giữa hai người và bảo lão xồm:

- Tốt nhất là ông hãy cho ngủ đi một giấc đẫy.

Lão xồm há miệng một cách đần độn và thò một ngón tay bẩn thỉu vào lợi. Lão đứng nhìn Tom với vẻ thâm trầm, sau đó lão quay đi và biến vào trong lều theo sau mụ vợ tóc xám.

Tom ngoảnh lại nhìn Bố:

- Cái thứ người gì mà quái gở thế?

Bố nhún vai. Ông đang nhìn qua trại. trước một cái lều ở xa hơn một ít, có một chiếc Buick đã tháo nắp xilanh. Một thanh niên đang mải mê dũa van; tì mạnh vào dụng cụ, anh vặn vẹo người, vừa liếc nhìn chiếc xe nhà John. Họ thấy anh cười một mình. Khi lão xồm đã biến đi, anh bỏ dở công việc về uể oải tiến về phía hai cha con Tom.

- Ổn chứ! - Đôi mắt xanh của anh lấp lánh sự láu lỉnh. - Tôi đã thấy ông làm quen với ông xã trưởng.

- Có chuyện chết tiệt gì mà lão lại thế nhỉ?

Anh thanh niên cười khúc khích.

- Thì lão cũng hâm như ông và tôi thôi. Có thể hâm hơn tôi một ít. Cũng chả biết sao.

Bố nói:

- Tôi chỉ hỏi lão có thể cắm trại ở đây không?

Anh thanh niên chùi tay đầy dầu mỡ vào ống quần.

- Dĩ nhiên. Sao không được? Ông vừa mới qua sa mạc đến đây? Ông chưa bao giờ tới Hooverville ?

- Hooverville , là đâu thế?

- Đây chứ đâu! - Ra thế, - Tom nói - Bọn tôi mới tới đây sáng nay.

Winfield và Ruthie trở về, khênh một xô nước đầy

- Thôi, dựng lều lên. - Mẹ nói. - Tôi kiệt sức rồi. Có lẽ ai cũng phải nghỉ ngơi.

Bố và chú John leo lên nóc xe dỡ bạt và giường xuống. Tom đi lại phía anh thanh niên và cùng anh trở lại bên chiếc xe anh đang sửa chữa. Chiếc khoan cầm tay đặt trên chiếc động cơ để mở và một hộp nhỏ màu vàng đựng bột đá nhám ngất ngưởng trên cái hút xăng. Tom hỏi:

- Cái lão râu xồm kia, lão làm sao thế?

Anh thanh niên nắm lấy khoan và lại bắt đầu làm việc, oằn người sang phải rồi sang trái, sang phải sang trái.

- Xã trưởng ấy à? Có trời biết. - Anh nói. - Có trời biết. Mình đoán có thể lão bị cớm đánh nên đâm ra ngớ ngẩn.

- Cớm đánh là thế nào?

- Nghĩa là bị bọn cớm xô đẩy khắp nơi nên đến giờ lão vẫn còn choáng.

- Cớ sao cớm lại xô đẩy một người như vậy?

Anh thanh niên ngừng tay, nhìn thẳng vào Tom.

- Có trời biết. Cậu vừa mới đến. Có lẽ cậu đoán ra. Kẻ thì nói thế này kẻ nói thế khác. Nhưng các anh cứ chỉ cần ở lại một thời gian ngắn, các anh sẽ thấy, bọn quận phó cảnh sát sẽ có cách xúc các anh đi.

Anh thanh niên nâng van và tra bột nhám vào phía trọng.

- Nhưng tại sao lại đuổi?

- Ồ, tôi chẳng biết gì hết. Có người bảo là chúng sợ người ta bỏ phiếu, xua đuổi chúng ta từ nơi này sang nơi nọ để ngăn không cho chúng ta bỏ phiếu. Lại có những kẻ khác nói là chúng làm như thế để ta khỏi nhận được tiền cứu tế. Kẻ khác lại nói là để ngăn chúng ta không thể lập đoàn lập hội. Tôi chẳng biết sao. Chỉ biết là lúc nào cũng phải chạy hết hơi. - Đợi tí rồi anh sẽ thấy.

- Bọn tôi đâu có phải loại đầu đường xó chợ.Bọn tôi đi tìm việc làm. Bất cứ việc gì!

Anh thanh niên ngừng tay. Anh tìm Tom với vẻ sửng sốt.

- Tìm việc làm? - Anh nói - À, ra thế, anh tìm việc làm? Vậy anh nghĩ chúng tôi thì tìm cái gì?Kim cương chắc? Mà nếu như từ hôm tôi tới đây, tôi phải rã rời cái thân xác ra thì thử hỏi theo ý anh, để kiếm gì nào?

Anh ta lại cầm lấy khoan và lại quay.

Tom đưa mắt nhìn các lều trại cáu bẩn, các thứ đồ đoàn hố lốn, những chiếc xe cũ kỹ, những nệm rơm lồm cồm trải dưới mặt trời và những bi đông sạm đen đặt phía trên các lỗ ám khói, dùng làm bếp, anh bình tĩnh hỏi:

- Vậy là không có việc làm?

- Tôi không biết. Có thể là có. Nhưng hiện giờ ở đây không phải mùa thu hoạch. Hái nho thì sau này, bông cũng về sau này. Tôi sẽ đi xa hơn khi nào đã rà xong van. Còn vợ và các cháu nhỏ. Hình như có thể tìm được việc làm thuê, ở trên mạn Bắc kia. Sẽ đi tận tới Salinas.

Tom thấy chú John , có Bố và ông mục sư giúp sức, đang đẩy tấm bạt lên các cọc lều, còn ở phía trong, mẹ đang quì xuống trải nệm. Một đám trẻ con lặng lẽ tụ tập quanh những người mới tới và nhìn họ bố trí chỗ ăn ở - một đám trẻ con câm lặng, đi chân đất, mặt mũi lem luốc. Tom nói:

- Ở quê tôi có mấy gã tới mang theo những tờ quảng cáo, giấy màu vàng. Trong mỗi giấy nói là cần công nhân để thu hoạch mùa.

Anh thanh niên bật cười:

- Hình như ở đây có chừng ba trăm ngàn người, tôi lấy đầu ra mà cuộc, tất cả bọn họ đều đã trông thấy những tờ quảng cáo chết tiệt đó.

- Có thể thế. Những nếu họ không cần nhiều người cớ sao họ lại chịu tốn công tốn của để cho in những thứ đó?

- Anh hãy động não lên một chút... Anh chờ đợi cái gì nhỉ? - Nhưng tôi muốn biết rõ...

- Anh nghe nhé. - Giả dụ là anh có việc làm, cần một người làm, có một người đến nhận. Hắn đòi bao nhiêu, anh buộc phải trả bấy nhiêu. Nhưng giả dụ có trăm người tới . . .

Anh ta đặt dụng cụ xuống. Mắt anh đanh lại và tiếng sắc cạnh:

- Cứ cho là có một trăm người đến xin việc. Cứ cho là tất cả họ ai cũng có con nhỏ, mà các cháu nhỏ đang đói. Cứ cho là một đồng mười xu đủ để mua một hộp bột ngô cho chúng. Cứ cho là một đồng kền 1 đủ để mua một thứ vớ vẩn gì đó cho bọn trẻ. Thế mà có một trăm người đến. Hãy thử trả họ chỉ một đồng kền thôi, tôi cam đoan với anh, họ sẽ giết nhau vì đồng kền đó. Anh có biết ở chỗ tôi làm trước đây, họ trả bao nhiêu không? Mười lăm xu một tiếng. Mười giờ một đô la rưỡi mà lại không có quyền ở tại chỗ. Đi đi về về, phải có xăng.

Anh thở hổn hển vì giận dữ và sự căm hờn lấp lánh trong đôi mắt anh.

- Chính vì vậy mà họ cho in quảng cáo. Với số tiền họ tiết kiệm được khi trả mười lăm xu một giờ cho công việc đồng áng, họ thừa sức in hàng đống giấy quảng cáo.

- Nói thế chẳng thông chút nào.

Anh thanh niên cười châm biếm:

- Anh hãy cứ ở lại đây ít lâu, nếu anh thấy đời tươi anh mách cho tôi biết, tôi đến xem tận mắt.

- Nhưng thế nào chẳng có việc làm. - Tom khăng khăng - Lạy Chúa! Nhẽ nào không có, cây cối ngồn ngộn thế kia: Vườn cây ăn quả, vườn nho, rau...Tôi thấy rõ mà. Họ phải thuê người chứ. Chính mắt tôi trông thấy.

Trong lều cạnh chiếc xe hơi, một đứa trẻ sơ sinh khóc Anh thanh niên đi vào lều và từ trong nghe tiếng anh vọng ra nhè nhẹ qua lớp vải lều.

Tom túm lấy khoan, tra vào khe van bắt đầu quay, thân mình vặn vẹo theo chiều tay. Tiếng khóc của đứa bé ngừng lại. Anh thanh niên lại ra ngoài và nhìn Tom làm việc.

- Anh biết làm đấy. Biết thế là tốt. Mẹ kiếp, sẽ có ích cho cậu.

- Cái chuyện tôi nói với anh vừa nãy thì thế nào? Tôi thấy ở đây mọi thức mọc đầy rẫy.

Anh thanh niên ngồi xổm xuống.

Tôi nói anh biết. - anh nói bình tĩnh - tôi đã làm việc trong các trại cây khốn nạn. Từ đầu năm chí cuối, cần chín người làm. - Anh ngừng lại để lời nói thêm trọng lượng - Nhưng khi đào chín rộ, thì cần ba ngàn người làm mười lăm ngày ròng rã. Phải thế, không thì đào thối hết. Thế là, họ làm thế nào? Họ sẽ tung đi các tờ quảng cáo mà anh đã thấy đấy. Họ cần ba ngàn nhưng sáu ngàn người kéo tới. Họ thuê và muốn trả bao nhiêu tuỳ họ. Nếu anh thấy như thế là thiệt thì đấy. Lạy Chúa, sau lưng anh có một ngàn người đang chờ chực. Thế là anh đành phải hái, ra sức hái, và nhoáng cái, xong sạch. Hầu như khắp xứ, chỉ toàn đào là đào. Đào chín cùng vào một lúc. Anh hái được một quả thì tất thảy các quả khác đã có người hái sạch. Thế là trong xứ, chằng có quái gì để làm. Sau đó, bọn chủ không muốn thấy mặt anh nữa. Nghĩ xem các anh những ba ngàn người! Công việc đã xong gọn. Anh có thể chơi, uống rượu say bí tỉ, anh có thể làm đủ vành đủ vẻ. Vả chăng, nom anh không được tốt mã, lại sống trong một cái lều cũ nát. Cánh đồng quê thì xinh đẹp, nhưng anh lại làm cho nó thối hoang. Họ không muốn thấy cái mặt anh ở cái vùng này. Thế là họ tống anh ra, buộc anh đi nơi khác. Sự tình nó là thế.

Liếc nhìn về phía lều nhà, Tom thấy mẹ anh nặng nề và chậm chạp thêm bởi nỗi vất vả nhọc nhằn, đang còng lưng xuống những chiếc xoong mà bà đặt trên bếp lửa củi nhánh lá vụn.

Vòng tròn trẻ con xiết chặt lại, những đôi mắt bình tĩnh, mở to hau háu theo dõi các động tác của bà. Một ông già lụ khụ lách ra khỏi một cái lều như một con chồn, len lên tới gần hít hơi xung quanh. Lão chắp tay sau lưng và nhập vào đám trẻ con để xem bà làm. Ruthie và Winfield đứng cạnh gần bà mẹ, nhìn những người lạ với vẻ sừng sộ gây gổ.

Tom giận dữ nói:

- Những quả đào kia phải hái tức thì, có đúng không nào?

- Dĩ nhiên.

- Thế vậy, cứ cho là tất cả mọi người đồng lòng với nhau và nói: "Cho nó cứ việc thổi hỏng". Chả mấy chốc. Lạy Chúa! Công xá lại cao thôi mà! Anh thanh niên đang cắm cúi làm bèn ngẩng lên và nhìn Tom với vẻ nhạo báng.

- Thế đấy? Thế đấy! Tự anh nghĩ ra điều đó à?

- Tôi mệt quá. Lái xe suốt đêm. Tôi không muốn tranh cãi làm gì, mệt rã rồi nên chỉ muốn bàn bạc thoải mái. Đừng giở trò láu lỉnh với tôi. Tôi yêu cầu đấy.

Anh thanh niên cười nhăn nhở:

- Tôi không có ý định thế đâu. Anh không phải người vùng này. Cũng đã có người có ý kiến như vậy. Còn những tay chủ các vườn đào cũng biết như vậy. Cậu biết đấy, nếu mọi người thoả thuận với nhau, thì tức là có một người cầm đầu - buộc phải thế - hay kẻ giật dây. Thế thì, chúng chẳng để cho hắn ta kịp mở miệng, chúng tóm ngay và nhét hắn ta vào tù. Nếu một anh khác ló ra, chúng cũng tóm luôn.

Tom nói:

- Dẫu sao, ở tù thì bao giờ cũng được ăn.

- Phải, hắn được ăn, nhưng con cái hắn nhịn.

Con cái cậu đang chết đói thì cậu có thích bị nhốt không?

- Tôi hiểu, hiểu quá đi chứ.

- Mà khoan, đâu đã hết. Anh có nghe nói đến sổ đen chưa?

- Nó là cái gì vậy?

- Thế này, chỉ cần anh thử mở một cuộc họp hay làm gì đại loại thế, rồi anh sẽ thấy. Họ sẽ chụp hình anh và gửi đi khắp nơi. Sau đó, chẳng nơi nào anh tìm được việc cả. Và nếu anh có con...

Tom bỏ mũ và xoắn nó trong tay

- Vậy là, người ta muốn cho gì phải lấy nấy phải không? Hoặc chịu chết đói, mà nếu ca cẩm thì cũng chết đói.

Anh thanh niên khoát tay một cái trong khoảng không, như muốn chỉ bao quát tất thảy cái lều rách xơ mướp và các xe hơi rỉ.

Một lần nữa, Tom lại cúi mắt nhìn mẹ đang cạo khoai tây. Bọn trẻ con đã nhích lại gần hơn. Anh nói:

- Tôi không muốn như thế. Mẹ kiếp! Tôi và nhà tôi không phải là đàn cừu. Tôi sẽ tống một quả đấm vào họng ai đó.

- Một thằng cớm, chẳng hạn?

- Bất kể ai, tôi đếch cần.

- Anh dở hơi rồi. Anh sẽ bị tóm ngay tức khắc, chẳng ai biết anh. Anh chẳng có của cải. Người ta sẽ tìm thấy anh trong một cái rãnh, mồm mũi đầy máu đông đặc rồi. Anh sẽ được nhắc đến trên báo chí. Là thế nào, anh biết không? Vẻn vẹn thế này "Tìm thấy xác của một tên du đãng" Hết. Rồi anh sẽ thấy hàng đống những tin vẫn như vậy. "Tìm thấy xác của một tên du đãng".

Tom nói:

- Ừ được nhưng dù sao người ta cũng thấy một người khác nằm chết bên cạnh tên du đãng kia.

- Anh lại hâm rồi. Chẳng có ích lợi gì.

- Thế thì anh, anh sẽ làm gì trước sự thể đó?

Tom hỏi và ngắm nhìn gương mặt đầy dầu và mỡ. Đôi mắt của anh thanh niên để lộ một vẻ khang khác gần như giả dối 2.

- Không làm gì cả. Anh từ đâu tới?

- Bọn tôi ấy à? Gần Sallisaw, bang Oklahoma.

- Anh tới bao giờ?

- Ngày hôm nay.

- Anh có nán lại đây lâu không?

- Cũng chẳng biết nữa. Người ta sẽ ở lại chỗ nào tìm được việc làm. Sao anh hỏi thế?

- Không sao cả.

Và một lần nữa đôi mắt lại lộ vẻ khang khác.

- Tôi sẽ đi ngủ một giấc. - Tom nói - Ngày mai bọn tôi sẽ đi tìm việc làm.

- Có thể cứ thử xem.

Tom quay đi và trở về lều nhà.

Anh thanh niên cầm lấy cái hồ nhám rồi nhúng một ngón tay vào. - Hê này?..

Tom quay đầu lại hỏi: "Anh muốn gì?"

Anh thanh niên ra hiệu với một ngón tay dính một chút hồ.

- Chính ra tôi muốn nói với anh: đừng có kiếm chuyện. Anh có nhớ cái lão ăn nói ngớ ngẩn hồi nẫy nom như thế nào không?

- Cái lão ở chỗ lều trên kia phải không?

- Ồ, cái lão nom ngu ngốc, đần độn ấy mà.

- Thì sao?

- Thế này, lúc bọn cảnh sát đến, mà chúng cứ đến luôn luôn anh hãy bắt chước giống hết lão. Cứ làm ra vẻ ngu si. Không biết gì cả, không hiểu gì cả. Chính bọn cảnh sát lại thích người ta như thế. Đừng có động đến cảnh sát. Động đến thì coi như là tự tử. Hãy cứ làm ra vẻ ngớ nga ngớ ngẩn.

- Để cho tụi cảnh sát chết dẫm chết tiệt muốn làm gì mình thì làm mà chịu khoanh tay hay sao?

- Không phải thế. Anh nghe đây. Tối nay tôi sẽ tới gặp anh. Làm thế có lẽ là tôi sai, vì ở đây chỗ xó xỉnh nào cũng có bọn mật thám. Kể ra thì thật mạo hiểm, hơn nữa tôi còn có thằng nhỏ. Nhưng tôi sẽ đến gặp anh, mà nếu có thấy một thằng cảnh sát, thì thế này, anh chỉ là một thắng Okies khốn kiếp thôi, hiểu chưa?

- Thế là đúng, vì chúng ta muốn làm một cái gì mà. - Tom nói.

- Anh đừng lo. Ta sẽ làm cái gì đó, có điều đừng có thò mặt ra mà dại. Một thằng bé con, nó chết đói nhanh lắm. Hai hay ba ngày là cùng.

Anh lại bắt tay vào công việc, bôi hồ nháp vào lòng van và tay anh nhanh nhẹn quay đi quay lại cái mũi khoan. Khuôn mặt anh rầu rầu và lầm lì.

Tom chậm rãi trở về lều.

- Làm thằng đần độn, - anh lầm rầm - Hừ, làm thằng đần độn...

Bố và chú John trở về, tay ôm củi khô, vất xuống cạnh bếp lửa và ngồi xổm xuống. Bố nói:

- Chả lượm được mấy nỗi ở đây. Muốn kiếm củi kha khá phải đi xa hơn.

Ông ngước mắt nhìn đám con quây vòng tròn:

- Lạy Chúa lòng lành, - ông kêu lên - Các cháu ở đâu ra mà đông thế?

Cùng một lúc bọn trẻ con cúi đầu xuống và nhìn chằm chằm chôn chân của chúng với vẻ ngượng ngùng.

- Tôi nghĩ là chúng ngửi thấy mùi thức ăn đấy.

- Mẹ nói - Wifield, đừng có xoay quanh gấu váy tao nữa nào. - Bà gạt nó ra để lấy lối đi - Tôi cố gắng làm món thịt hầm. Từ hôm rời nhà ra đi chưa được một bữa ra hồn. Bố nó hãy ra tiệm mua cho tôi một ít thịt. Nhớ lấy miếng thịt cổ ấy. Ta sẽ làm món thịt hầm.

Bố đứng lên, đi liền tức thì.

Al nậy nắp xe lên và nhìn động cơ bóng láng mỡ. Lúc Tom đi tới, hắn ngước mắt lên và nói:

- Trông anh vui như đi đưa đám vậy 3.

- Tao vui như ếch gặp mưa rào. - Tom nói.

- Anh nhìn động cơ xem. Khá chứ, hả?

Tom nhìn sâu vào dưới nắp xe:

- Có vẻ khá đấy.

- Khá? Tuyệt vời thì có! Không rỉ một giọt dầu.

Hắn tháo bugi và nhúng ngón tay vào lỗ.

- Tuy có muội than nhưng khô.

Tom nói:

- Mày tinh mắt khi chọn chiếc xe này. Mày muốn tao nói thế chứ gì?

- Thế này, em thú thật với anh là suốt dọc đường, em lo quá đi mất anh ạ. Em sợ nó vỡ...tung ra, mà đó là lỗi tại em.

- Không, mày tinh lắm. Nhưng có gì thì làm cho xong nốt đi vì ngày mai ta đi kiếm việc làm.

- Ồ, xe sẽ chạy ngon lắm. Anh chả phải lo về chuyện đó.

Al rút con dao bỏ túi và cạo cạo ở đầu bugi.

Tom đi vòng ra sau lều và thấy Casy ngồi dưới đất ngắm nhìn bàn chân để trần một cách trầm ngâm. Tom gieo phịch xuống bên cạnh.

- Ông tin chúng có trụ được không?

- Cái gì?

- Các ngón chân của ông.

- Ôi! Chính tao đang ngồi đây để suy nghĩ một cách đường hoàng. - Tom nói.

Casy ngọ ngoạy ngón chân cái, rồi ngón thứ hai, và cười nhẹ nhàng:

- Tập trung tư tưởng thế này đã gay lắm rồi, chả cần phải để cho sái khớp mới suy nghĩ được.

- Đã bao nhiêu ngày nay chẳng nghe ông nói một lời. - Tom nói - Suốt ngày suy nghĩ sao?

- Ờ suốt ngày suy nghĩ.

Tom bỏ mũ ra, bây giờ nó đã cáu ghét và nom thảm hại, cái lưỡi trai nhọn hoắc như mỏ chim.

Anh lật cái băng đẫm mồ hôi ở phía trong và thay vào đó một cái dải dài làm bằng giấy báo cuộn lại

- Mồ hôi cứ vã ra hoài nên giấy nát hết.

Anh nhìn ngón chân Casy ngọ nguậy luôn luôn.

- Ông có thể ngừng suy nghĩ nghe tôi nói một chút!

Casy quay đầu trên một cái cổ cao như ống khói:

- Lúc nào tao cũng lắng nghe. Chính vì thế tao mới phải suy nghĩ. Tao nghe thiên hạ nói và chẳng mấy chốc tao biết rõ tâm trạng của họ. Luôn luôn như thế... Tao nghe họ nói và tao thông cảm với họ. Họ có khác những con chim đập cánh trong vựa thóc. Và họ sẽ lại gẫy cánh khi đập đầu vào một cửa sổ lờ mờ để cố thoát ra.

Tom nhìn ông, mắt trợn tròn, rồi anh quay đầu nhìn một cái lều xám dựng cách đây khoảng mười mét. Có mấy chiếc quần vải chéo, mấy chiếc sơ mi và một chiếc áo dài phơi trên dây lều. Tom nói khe khẽ:

- Chính vì tôi muốn nói với ông cũng đại loại như thế, và chưa gì ông đã nhận thấy rồi.

- Ừ, tao đã nhận thấy. Chúng ta là một đoàn quân thả lỏng quân hồi vô phèng.

Ông cúi đầu, và đưa mấy ngón tay xỉa vào tóc. Ông nói thêm:

- Tao đã nhận thấy ngay từ đầu. Bất cứ chỗ nào tao dừng lại, tao đều nhận thấy những người đói khát thèm một chút mỡ, và khi làm thế nào đó để có mỡ rồi, họ lại không ăn được nữa. Khi họ đói queo đói quắt không chịu được nữa, họ nhờ cầu nguyện cho họ; và nhiều khi tao cũng chiều họ.

Ông chắp tay khoanh gối và rụt chân lại. Ông nói:

- Xưa kia, tao cứ tưởng làm thế cũng đủ quên đói. Tao giật trong đầu óc một mẩu kinh, tất cả các nỗi buồn lo đến bám vào đó giống như bẫy ruồi. Thế là lời cầu nguyện bay theo gió mang luôn cả các mối ưu phiến. Nhưng bây giờ thì chẳng ăn thua gì nữa.

Tom nói:

- Cầu nguyện không bao giờ đem lại mỡ ăn. Muốn có mỡ phải có con lợn.

- Ừ đúng.- Casy nói. - Và Đấng Toàn năng chưa bao giờ tăng tiền công. Tất cả những người ở đây chỉ cầu xin được sống tươm tất và nuôi con cái một cách tươm tất. Lúc nào về già, họ có thể ngồi ở ngưỡng cửa để nhìn mặt trời lên. Và khi còn trẻ trung, họ thèm khát nhảy múa, ca hát và ngủ với nhau. Họ muốn ăn no, uống say và lao động - ừ đúng thế đấy, đơn giản họ thấy cần sử dụng các cơ bắp để vung vẩy, để múa may cho đến mệt mỏi. Ôi, lạy chúa, tao đang nói lẩm cầm gì thế này.

- Tôi biết đâu, - Tom nói. - Ông nói nghe dễ chịu lắm. Khi nào thì ông tin là ông có thể ngừng suy nghĩ chốc lát và bắt đầu làm việc? Phải kiếm việc làm thôi. Tiền sắp cạn ráo rồi. Bố tôi đã vừa phải chi năm đô la để cắm lên mộ bà Nội một cây thánh giá sơn qua quýt. Chúng ta chả còn lại bao nhiêu.

Một con chó gầy, lông sắc hung vừa đi quanh lều vừa đánh hơi. Nó coi bộ lo lắng và lúc nào cũng gầm ghè. Nó tới gần mà không thấy hai người ngồi đấy; đột nhiên khi ngẩng đầu lên, nó nom thấy họ; nó nhảy vọt sang bên cụp tai, chạy trốn, cái đuôi gầy guộc gập lại như để phòng ngừa. Caysy đưa mắt theo dõi nó và thấy nó chạy ra phía sau lều để trốn hai người. Casy thở dài:

- Tao chẳng giúp ích gì được cho ai cả. Cả cho tao lẫn người khác- Tao có ý nghĩ bỏ đi một mình. Tao ăn thức ăn, choán chỗ ở của nhà mày. Mà tao chẳng đem lại được chút gì. Có lẽ tao có thể tìm được một công việc cố định và trả lại một chút những gì nhà mày dành cho tao.

Tom há miệng, trề hàm dưới ra, lấy một nhánh cỏ khô cào cào vào răng. Anh nhìn một cách mơ hồ trên đầu các túp lều bằng lau sậy, tôn và giấy bồi.

- Giá có gì mà đổi lấy một bao thuốc Durham nhỉ? - Anh nói - Quá lâu lắm rồi, chưa được hút. Ở Mác - Alester, tôi có thuốc hút. Chính vì thế mà ở nhà rồi có khi lại vẫn như hối tiếc sao không ở mãi trong tù?

Anh lại cào cào răng, và bất thình lình, quay về phía ông mục sư:

- Đã ở tù chưa?

- Chưa, - Casy đáp - Chưa bao giờ!

- Khoan đã, đừng đi vội. Đừng nên đi ngay.

- Càng đi sớm để tìm việc, càng chóng tìm ra.

Tom lim dim mắt nhìn ông và đội lại mũ:

- Ông này, đây không phải là xứ sở có sữa và mật ong chảy tràn trề như lời các mục sư đã nói. Ở đây, có chuyện tệ mạt lắm. Họ sợ chúng ta, sợ tất cả những người mà họ thấy đi về miền tây. Cho nên họ mưu mô làm sao để bọn cảnh sát doạ chúng ta phải sợ, buộc chúng ta phải trở về.

- Đúng. Tao biết. Nhưng cớ sao mày lại hỏi tao đã ở tù chưa?

Tom đáp lại chậm rãi:

- Trong tù... mãi rồi... người ta cũng đâm ra nhạy thính về một vài việc. Phạm nhân không được nói chuyện với nhau, hai người còn khả dĩ... chứ cả nhóm thì không đời nào. Thế là mãi rồi người ta cũng đâm thính tai thính mắt. Khi nào có việc gì sắp bùng nổ... Chẳng hạn một thằng cha nổi khùng cầm cán xẻng bổ vào cai ngục... thì đây, chuyện chưa xảy ra mà người ta đã biết trước rồi. Và khi sắp có vượt ngục hoặc sắp nổ ra bạo động chẳng cần ai báo anh cũng biết. Biết rõ

- Thật thế ư?

- Hãy ở quanh đây. - Quanh quẩn ở đây cho tới mai. Sắp có chuyện gì xảy ra. Tôi đã nói chuyện với một thằng cha, ở đằng kia. Thằng ấy ranh ma, lén lút hơn chó sói đồng, có điều rất khôn. Chó sói đồng thì nó chỉ dính dáng vào việc của nó, hiền lành, dễ thương, chỉ nô đùa và không làm hại, nhưng thôi, có một chuồng gà gần đây.

Casy chăm chú quan sát anh, định hỏi một câu gì đó nhưng lại thôi và mím chặt môi. Ông ta ngọ ngoạy ngón chân, buông rơi tay ở gối ra và duỗi dài cẳng để nhìn rõ bàn chân.

- Ờ, tao chưa đi ngay đâu.

Tom nói:

- Thế ngày mai đánh xe đi tìm việc làm.

- Được, Casy vừa đáp vừa ngọ nguậy ngón chân cái từ trên xuống dưới và xem xét chúng một cách nghiêm trang.

Tom chống khuỷu tay ra sau và nhắm mắt lại.

Anh nghe thấy ở trong lều, tiếng thì thầm của Rosasharn, và tiếng Connie đáp lại. Cái bạt hất xuống một bóng đen tối dày. Cái vạt ánh sáng hình nón ở hai đầu nom rõ hơn. Đậm hơn Rosasharn nằm dài trên đệm. Connie ngồi xổm cạnh cô.

- Đáng lý em phải tới giúp mẹ, - cô nói. - Em đã cố nhưng mỗi lần cựa mình thì lại nôn mửa.

Connie nét mặt ủ rũ buồn thiu.

- Nếu biết bình tĩnh như thế này thì anh đã không đi. Anh sẽ ở lại nhà và ban đêm đi học lái máy cày và rồi mỗi ngày kiếm được ba đôla, với ba đôla có thể sống đường hoàng, mà tối nào cũng còn đi xem xinê nữa.

Rosasharn tỏ vẻ lo lắng, bèn hỏi cặn kẽ:

- Anh đi học vô tuyến ban đêm chứ?

Lâu lắm y không đáp

- Anh không thích nữa sao?

- Có chứ, cố nhiên là có. Nhưng chờ cho ổn ổn đã; lúc nào dành dụm được ít tiền.

Cô chống khuỷu tay tay hơi nhổm người dậy.

- Anh không được bỏ dở.

- Không, không... nhất định là không. Nhưng...anh không ngờ lại sắp bị bó buộc phải sống một nơi như thế này.

Cái nhìn của người vợ trẻ đanh lại:

- Anh phải học cho được. - Cô bình tĩnh nói.

- Chắc chắn là thế rồi, anh biết. Chờ khi nào ổn ổn. Có thì giờ dành dụm ít tiền. Đáng lẽ tốt nhất là anh ở lại nhà để học lái máy cày. Họ kiếm được ba đôla một ngày, chưa kể tiền kiếm thêm.

Đôi mắt của Rosasharn dò xét, suy tính; khi Connie cúi mắt nhìn vợ, y thấy cô đang đánh giá cân nhắc y.

- Nhưng anh sẽ học mà. Lúc nào ổn ổn là học ngay.

Cô nói một cách dữ tợn:

- Ta phải có căn nhà để cho con ra đời. Em không muốn sinh con trong một cái lều

- Đồng ý thế. Ngay lúc nào ổn định.

Y bước ra khỏi lều, thấy mẹ đang cúi xuống bếp lửa. Rosasharn nằm ngửa, hai mắt thao láo nhìn mái lều. Rồi cô nhét ngón tay trỏ vào miệng để khỏi khóc oà lên và bắt đầu khóc âm thầm.

Mẹ quỳ xuống cạnh bếp lửa củi khô, bẻ những nhánh củi con để mỗi ngọn lửa dưới nồi. Lửa bùng lên, rồi leo heo, bùng lên rồi lại leo heo. Bọn trẻ con - mười lăm đứa - lặng lẽ nhìn bà. Và khi mùi thịt hầm xông lên mũi, chúng khẽ nhăn mũi lại.

Tóc chúng đầy bụi đỏ hoe lấp lánh trong ánh mặt trời. Chúng cảm thấy thèn thẹn khi đứng ở đây. Nhưng chúng không tỏ vẻ bỏ đi. Mẹ nói chuyện với một đứa bé gái đứng giữa cái vòng tròn háu đói.

Bé lớn tuổi hơn bọn kia. Nó lò cò một chân, lấy chân kia gãi gãi bắp vế. Tay chắp chặn sau lưng, nó nhìn bà với đôi mắt trân trân, bé nhỏ, xám. Rồi bé gợi chuyện.

- Nếu bà muốn, cháu có thể bẻ củi giúp bà.

Mẹ ngước mắt lên:

- Cháu muốn ta cho cháu ăn phải không?

- Thưa bà vâng ạ - em bé đáp không nao núng.

Mẹ đẩy những nhánh củi xuống phía dưới nồi và lửa cháy lép bép!

- Cháu chưa ăn sáng ư?

- Chưa, thưa bà! Ở đây không có việc làm. Bố cháu cố bán các thứ lặt vặt mua xăng để có thể đi tiếp đến nơi khác.

Mẹ ngước mắt:

- Còn chúng nó, chúng nó cũng chưa ăn?

Cái vòng trẻ con rục rịch. Thấy khó chịu, chúng ngoảnh đi không nhìn cái nồi đang sôi nữa. Một bé trai muốn làm ra vẻ:

- Cháu, cháu ăn rồi, cháu này, thằng em cháu này, và cả hai thằng kia nữa; cháu trông thấy chúng ăn. Ăn ngon lắm. Tối nay chúng cháu đi về miền Nam.

Bà mẹ mỉm cười:

- Thế là cháu không đói. Cái nồi đây không đủ thức ăn cho mọi người.

Thằng bé bĩu môi:

- Chúng cháu ăn nhiều rồi.

Nói xong, hắn quay ngoắt, chạy biến vào trong một cái lều. Mẹ đưa mắt nhìn theo, bóng nó mất hút đã lâu, rất lâu mà bà vẫn ngồi sững sờ, khiến con bé phải nhắc.

- Thưa bà, lửa sắp tắt. Bà cho phép thì cháu bỏ củi vào.

Ruthie và Winfield đứng trong vòng tròn, tỏ ra lạnh nhạt, xa cách. Chúng làm bộ dửng dưng nhưng bản năng về quyền tư hữu vẫn lấn át. Ruthie quay nhìn đứa bé gái một cách giận dữ. Nó ngồi xuống và bẻ củi cho mẹ.

Mẹ nhấc cái vung lên và lấy một khúc củi quấy thịt băm.

- Trong bọn các cháu có những đứa đã ăn rồi.

Dẫu sao thì cháu bé vừa rồi cũng không đói. Thế là bác đỡ băn khoăn.

Con bé cười nhạo:

- Chà! Thằng đó, nó chỉ làm bộ làm tịch thế thôi bác ạ. Nó chả có gì để ăn, mà nó làm gì, bác biết không? Tối qua, nó khoe nhà nó ăn thịt gà. Nhưng cháu, cháu đã nhìn nhà nó ngồi ăn: chỉ ăn bánh bột lúa mạch in như mọi nhà thôi.

- Thế đấy! ôi!...

Mẹ liếc nhìn về phía lều mà thằng bé đã đi vào. Rồi bà quay về phía con bé.

- Cháu đến California đã lâu chưa?

- Chao. Gần sáu tháng ạ. Chúng cháu ở trong trại của Chính phủ, sau đó chúng cháu lên miền Bắc và lúc trở lại thì trại đã đầy ứ người. Ở chỗ ấy, sướng lắm, bà ạ.

- Chỗ nào thế? - Mẹ hỏi.

Mẹ lấy các nhánh cúi từ tay Ruthie và đẩy vào lửa. Ruthie hằn học nhìn con bé.

- Ở đây, về phía Weedpatch. Có nhà xí đẹp, bồn tắm và những bể giặt có nước bên cạnh, nước uống ngon lắm; buổi tối họ chơi nhạc và thứ bẩy lại có khiêu vũ. Ôi chao! Bà không thấy đấy thôi, đẹp ơi là đẹp! Lại có một chỗ riêng cho trẻ con chơi, những nhà xí có giấy vệ sinh. Kéo một cái dây chuông là nước chảy xuống dội sạch mà lại không có cảnh sát lúc nào cũng đến nhòm ngó vào lều, còn cái ông trông trại thì không làm bộ làm tịch. Ông ấy đến chơi mọi nhà, chuyện trò rất tử tế, lịch sự. Cháu mong làm sao có thể quay lại sống ở đó.

Mẹ nói:

- Bác chưa bao giờ nghe nói đến; bác ước gì bác có cái chậu lớn để giặt giũ, bác nói thật với cháu thế.

Con bé lại nói rất hăng.

- Lạy Chúa, bác có tưởng tượng được không?

Những ống dẫn, có nước nóng, ta đứng dưới vòi sen là có nước nóng chảy xuống. Không bao giờ bác đã trông thấy một nơi như thế. - Như cháu nói, bây giờ đã đầy người rồi?

- Vâng, lần sau cùng chúng cháu hỏi thì đã đầy người.

- Chắc phải đắt lắm, - mẹ nói.

- Vâng, khá đắt, nhưng không có tiền thì có thể làm việc để trả. Một tuần hai ba tiếng là đủ, lau chùi, đổ thùng rác, đại loại những việc như thế và buổi tối, có nhạc, rồi mọi người chuyện trò với nhau, rồi lại có nước nóng trong ống dẫn. Bác không biết đấy thôi, đẹp lắm cơ bác ạ.

Mẹ nói:

- Chắc chắn là bác cũng thích đi tới đấy.

Ruthie không chịu đựng lâu được nữa.

- Bà nội đã chết trên xe cam nhông đấy! - Nó văng ra một cách dữ tợn.

Con bé nhìn nó vẻ thắc mắc:

- Đúng quá còn gì, - Ruthie nói thêm - Chính cảnh sát tư pháp đã đến đưa bà nội đi.

Nó bặm môi và bắt đầu bẻ các nhánh cây.

Sự tấn công táo bạo đã lay chuyển Winfleld. Nó phụ hoạ với con chị.

- Trên nóc xe cam nhông ấy. Cảnh sát tư pháp đã bỏ bà vào một cái giỏ to.

- Chúng bay hãy yên đi, cả hai đứa. - Mẹ nói - Nếu không mẹ đuổi đi.

Và mẹ lại bỏ thêm củi vào lửa.

Ở đằng xa, Al đã tiến lại gần anh chàng đang rà các van.

- Anh sắp xong chưa? - Al hỏi.

- Mình còn hai cái.

- Trong trại có gái không?

- Tớ đã có vợ. Tớ chả còn thì giờ nghĩ đến con gái.

- Tôi thì bao giờ cũng có thì giờ. - Al nói - Thậm chí không có thì giờ cho chuyện khác.

- Hãy chờ lúc nào đói, cậu sẽ thấy thay đổi ngay.

Al cười to:

- Có thể. Nhưng cái chuyện tụi con gái, thì tớ chưa thay đổi.

- Cái anh chàng nói chuyện với tớ vừa rồi, đi cùng cậu hả?

- Ờ, anh tôi đấy, anh Tom. Đừng có đùa với anh ấy. Anh ấy đã giết người đấy.

- Không đùa đấy chứ? Tại sao?

- Đánh lộn. Thằng ấy cầm dao đâm anh tôi một nhát. Tom lấy xẻng đập chết hắn.

- Không đùa chứ? Thế toà án họ làm gì?

- Họ đã thả anh ấy ra, vì đánh lộn mà lại.

- Anh ta trông không có vẻ một tay gây gổ.

- Không phải loại gây gổ. Nhưng anh ấy không để cho ai bắt nạt. - Al nói một cách hãnh diện - Anh ấy đằm tính... nhưng coi chừng, đừng có tin.

- Ồ, tớ đã nói chuyện với hắn. Hắn chả có vẻ gì độc ác.

- Anh ấy không độc ác đâu. Lành như một con cừu 41, trừ phi là bị chọc tức, và lúc đó thì, coi chừng.

Anh thanh niên rà cái xupap cuối cùng. Al hỏi:

- Anh có muốn tôi giúp anh lắp lại van và quy lát không?

- Còn gì hơn, nhưng nếu cậu không bận gì khác kia.

- Lẽ ra tôi phải ngủ. Nhưng lạy Chúa, tôi không thể nhìn một động cơ tháo rời mà lại không thấy ngứa ngáy. Tôi phải làm ngay.

- Đã thế thì tôi không dám từ chối sự giúp đỡ của cậu. Tôi là Floyd Knowles.

- Còn tôi, Al Joad.

- Rất hân hạnh được làm quen với cậu.

- Tôi cũng thế, - Al nói - Anh vẫn lắp lại cái doăng ấy sao?

- Phải thế thôi.

Al rút con dao bỏ túi ra và cạo máy.

- Mẹ kiếp! Không gì thích bằng khi thấy cái môtơ xe hơi.

- Còn gái thì sao?

- Ờ cả bọn con gái nữa! Còn gì hơn là được tháo rời và lắp lại một Roll - Royce. Có lần, tôi đã nhìn dưới nắp máy một cái Cadillac 16 xi lanh. Ôi! Cha mẹ ơi! Anh chưa trông thấy cái nào đẹp như thế đâu - tôi thấy chiếc xe đó đỗ trước một tiệm ăn, thế là tôi nâng nắp lên. Một thằng cha chạy ra, hỏi: "Anh định làm cái quái gì thế" Tôi đáp: "Tôi nhìn xem, thế thôi. Xem có đẹp không? - Hắn cứ đứng đực ra. Tôi nghĩ là hắn chưa bao giờ mở nắp nhìn vào trong. Hắn cứ đứng đực ra. Một tay giàu có, đội mũ rơm, áo sơ mi kẻ sọc và đeo kính. Tôi và hắn không nói gì, hai bên cứ nhìn nhau. Rồi đùng một cái hắn bảo: Anh thích lái xe này lắm sao?"

Floy nói: "Thật thế"?

- Thật - "Anh có thích lái xe này không?" - Hắn lại hỏi - Ôi anh tính thử, lúc đó tôi mặc quần yếm... Bẩn ơi là bẩn. "Tôi làm bẩn xe ông mất". Hắn nói: "Cứ lái đi, làm một vòng quanh khu nhà này". Thế là, ông bạn ơi, tôi ngồi vào tay lái, làm tám vòng quanh khu nhà, và cha mẹ ơi sướng mê đi!

- Dễ chịu chứ? - Floy hỏi.

- Ôi lạy Chúa? - Al nói.- Nếu được tháo nó ra thì, trời ạ, tôi sẽ đổi bất cứ thứ gì.

Floyd từ từ tay vặn. Anh tháo cái van cuối cùng và xem xét.

- Tốt nhất là cậu cần làm quen với một chiếc xe cà tàng. - anh ta nói - vì còn lâu cậu mới có xe 16 xylanh để mà lái.

Nói xong anh đặt khoan xuống bậc xe lấy một con dao cạo muội bám trên máy. Hai phụ nữ to béo đầu trần, chân đất, đi qua tay xách một xô đầy sữa. Họ bước đi núng nính vì xô nặng, và cả hai mắt cứ dán xuống đất. Mặt trời bắt đầu xuống.

- Không có gì làm anh thích thú ư?

Floyd khiến cái đục hăng hơn. Anh nói:

- Tớ ở đây đã sáu tháng rồi. Sáu tháng trời tớ quờ quạng khắp cái xứ khốn nạn này để tìm công ăn việc làm, chạy ngược chạy xuôi để cố kiếm thịt và khoai tây cho vợ con. Tớ chạy rông như con thỏ rừng mà chẳng có kết quả gì. Tớ xoay xở đủ cách, chả bao giờ có đủ ăn. Tớ bắt đầu chán ngấy ra rồi. Mệt mỏi đến nỗi ngủ cũng không còn là sự nghỉ ngơi nữa. Tệ nhất là hiện nay tớ chẳng biết làm gì.

- Thế không có cách nào tìm được một công việc đều đặn hay sao? - Al hỏi.

- Không, không có công việc đều đặn.

Với cái đục, anh nạo khói ở xilanh, sau đó anh lấy giẻ tẩm dầu, chùi đục.

Một chiếc xe du lịch han rỉ đi vào trại. Trong xe có bốn người đàn ông, mặt khắc khổ, rám nắng. Chiếc xe từ từ qua trại. Floyd gọi họ:

- Hê! Có may mắn gì không?

Xe dừng lại. Người lái đáp:

- Bọn tớ chạy không biết bao nhiêu đồng đất rồi. Cả cái vùng này, chẳng có gì dành cho một bàn tay lao động. Bắt buộc phải đi thôi.

- Đi đâu thế? - Al hỏi.

- Có trời biết. Ở đây chẳng có gì để phải tìm.

Y lại nắm tay lái cho xe chạy từ từ.

Al đưa mắt theo dõi họ:

- Giá chỉ một người đến xin việc thì có dễ dàng hơn không? Làm như thế, nếu chỉ có việc cho một người thì ý có thể được nhận.

Floyd đặt con dao xuống và mỉm cười chán nản:

- Cậu còn khối điều phải học hỏi, - Anh ta nói - Phải có xăng mới chạy khắp xứ được. Xăng giá mười lăm xu một bi dông. Bốn anh chàng kia không thể đi bốn xe được. Thế là họ bỏ mỗi người mười xu và mua chung xăng. Phải học hỏi để biết.

- Anh Al!

Al cúi xuống nhìn thấy Winfield đang đứng bên cạnh, ra vẻ quan trọng lắm.

- Anh Al ạ, mẹ làm món cháo thịt hầm. Mẹ bảo "Ăn thôi".

Al chùi tay vào quần.

- Hôm nay nhà tôi chưa ăn gì.- Hắn nói. - Ăn xong tôi sẽ đến ngay giúp anh một tay.

- Cậu đứng cố... trừ phi cậu thích.

- Không, tôi thích như vậy.

Al theo Winfield trở về lều của gia đình.

Bây giờ thì ở đây có cả một đám đông. Bọn trẻ con lạ đã nhích lại gần nồi hơn nữa đến nỗi, mỗi lần cử động thì bà mẹ lại đụng phải chúng. Tom và chú John đứng gần bà.

Bà nói giọng chán nản:

- Tôi chẳng biết làm thế nào. Tôi phải nuôi cả gia đình. Làm thế nào với các trẻ nhỏ này đây?

Bọn trẻ con đứng sững trước bà và nhìn bà. Vẻ mặt của chúng lầm lì, cứng đờ và mắt chúng cứ đảo từ cái nồi đến cái đĩa sắt tây bà cầm ở tay.

Đôi mắt chúng theo dõi chiếc muỗng từ nồi đến chiếc đĩa và khi bà trao chiếc đĩa hơi bốc nghi ngút cho chú John thì các con mắt lại nhìn theo. Chú John nhúng thìa vào múc thịt băm thì những đôi mắt ngong ngóng lại dồn vào cái thìa. Một miếng khoai tây lọt vào miệng chú John, và những con mắt ngong ngóng lại dán vào mặt chú, xem chú phản ứng ra làm sao. Có ngon không nhỉ? Chú ấy có thích không nhỉ?

Đến lúc đó, chú John mới hình như thấy chúng lần đầu tiên. Chú nhai chậm rãi.

- Này, cháu bưng lấy ăn đi. - Chú nói với Tom - Chú không đói.

- Hôm nay chú đã ăn gì đâu. - Tom nói.

- Chú biết, nhưng chú đang đau bụng. - Chú không đói.

Tom nói một cách điềm tĩnh:

- Chú bưng lấy đĩa vào lều mà ăn.

- Chú không đói. Có vào trong lều chú vẫn trông thấy chúng.

Tom quay về phía lũ trẻ con.

- Chúng mày đi đi, - anh nói - Nào, đi!

Những đôi mắt nhìn nghiêng rời nồi cháo thịt và ngạc nhiên dán vào khuôn mặt Tom

- Chúng mày có đi không thì bảo! Ích gì mà đợi. Có nhiều nhặn gì mà cho chúng mày.

Mẹ lấy cái môi múc cháo ra mấy chiếc đĩa sắt tây, lõng bõng một tí thịt; bà đặt cái đĩa xuống đất.

- Mẹ không muốn đuổi chúng đi. Mẹ chẳng biết làm thế nào cả. Ai nấy bưng lấy đĩa, vào lều mà ăn. Còn lại chút nào, mẹ cho chúng. Này, bưng một đĩa vào cho Rosasharn.

Mẹ ngừng đầu lên và mỉm cười với tụi trẻ.

- Các cháu nghe nhé, - Mẹ nói - các cháu mỗi đứa đi lấy một mẩu gỗ, còn lại gì bác san lên đó cho. Nhưng không được đánh nhau đấy.

Nhanh như chớp, lặng lẽ, nhóm trẻ con chạy tán loạn. Chúng chạy đi tìm các mẩu ván, lao vào dưới đều nhà và trở lại, tay cầm thìa. Mẹ vừa mới múc cháo cho cả nhà ăn thì chúng đã quay đến câm lặng và hung dữ. Mẹ lắc đầu:

- Bác chẳng biết làm thế nào được, bác không thể truất phần người nhà bác được. Ruthie, Winfield, Al - Mẹ kêu to - Lại bưng lấy đĩa ăn. Nhanh lên. Vào lều mà ăn, nhanh đi.

Mẹ nhìn bọn trẻ con và nói như để xin lỗi, một cách thật nhún nhường:

- Không có đủ cháo. Thế này, bác đặt cái nồi ở chỗ kia, tất cả các cháu có thể nếm tí chút nhưng không đỡ đần gì được đâu.

Tiếng của Mẹ lạc đi:

- Bác không làm khác được. Đây, các cháu ăn đi.

Bà nhấc nồi và đặt nó xuống đất.

- Đợi tí đã, còn nóng lắm.

Nói xong, bà vội chạy ào vào lều để khỏi phải nhìn lũ trẻ. Cả gia đình ngồi dưới đất, trước đĩa thức ăn; và bà nghe thấy ở phía ngoài bọn trẻ con vét, cạo nồi quèn quẹt, với các mẩu gỗ, thìa và những mảnh sắt rỉ. Chiếc nồi bị che kín giữa một đám đông hỗn độn, lúc nhúc. Bọn trẻ không nói năng, không đánh nhau hoặc cãi cọ nhưng háo hức một sự hăng hái lặng lẽ và dễ sợ. Mẹ ngồi quay lưng về phía chúng để khỏi phải nhìn.

- Tình trạng thế này không thể kéo dài được.

Mẹ nói - Phải thu xếp để ăn riêng biệt thôi.

Có tiếng cạo sồn sột vào kim khí, rồi cái đống trẻ con tan rã, tản mát, để lại dưới đất chiếc nồi sạch như chùi. Mẹ nhìn các đĩa sạch ngoét:

- Cả nhà chả một ai được lửng bụng.

Bố đứng lên và lặng lẽ ra khỏi lều. Ông mục sư mỉm cười một mình, nằm xuống đất, tay chắp sau gáy. Al đứng lên:

- Con phải đi giúp một thằng cha sửa lại xe.

Mẹ thu xếp các đĩa lại mang ra ngoài để rửa.

- Ruthie, Winfield, - Mẹ gọi. - Đi lấy nước cho mẹ nhanh lên. Mẹ đưa cái xô cho chúng, và hai đứa lon ton chạy ra bờ sông.

Một người đàn bà vạm vỡ đi lại gần. Chiếc áo bà ta bụi bám đầy và loang lổ vết dầu. Bà ngẩng cao đầu một cách kiêu hãnh. Bà đứng trân trân cách bà mẹ mấy bước và nhìn mẹ có vẻ khiêu khích. Cuối cùng bà ta đi lại gần:

- Chào bà, - Bà ta nói một cách lạnh nhạt.

- Chào bà - Mẹ chào trả.

Mẹ đứng lên và đẩy một cái thùng ra phía trước.

- Mời bà ngồi.

Người đàn bà đến sát hơn:

- Không, tôi không ngồi.

Mẹ nhìn bà ta với vẻ thắc mắc:

- Tôi có thể giúp bà được gì?

Mụ ta chống nạnh nói:

- Điều bà có thể làm được, là bà nên trông nom lấy con cái của bà, và để con cái tôi được yên.

Mẹ mở to mắt:

- Tôi có làm gì đâu...

Người đàn bà cau lông mày, nhìn thẳng vào mẹ:

- Thằng bé nhà tôi lúc ở đây về, toàn mùi thịt hầm. Chính bà đã cho nó ăn. Nó nói với tôi thế.

Tôi xin khuyên bà đừng làm bộ làm tịch và khoe khoang ta đây ăn thịt hầm. Bà đừng có làm như vậy Tôi đã buồn phiền lắm rồi. Ấy thế mà nó về nhà, hỏi tôi: "Mẹ ơi, tại sao nhà ta lại không có thịt hầm?"

Tiếng bà run run giận dữ.

Mẹ bước lại gần:

- Mời bà ngồi. Mời bà ngồi xuống đi, chúng ta nói chuyện một lát.

- Không, tôi không muốn ngồi. Tôi đang cố gắng nuôi các con tôi thì bà ở đâu đến với món cháo thịt băm.

- Bà ngồi xuống đã nào. Chúng tôi mà còn chưa tìm được công ăn việc làm thì chắc chắn đây là dịp cuối cùng chúng tôi ăn thịt băm. Bà nghĩ xem, bà đang làm cháo thịt băm thì có một lũ trẻ kéo tới thơ thẩn đứng nhìn. Vào hoàn cảnh bà, bà sẽ làm thế nào? Chúng tôi không có đủ ăn nhưng không thể không cho chúng được mà chúng thì cứ nhìn như thế kia!

Người đàn bà buông thõng tay xuống, sững sờ nhìn bà mẹ trong chốc lát, rồi bà ta quay ngoắt bỏ đi thật nhanh. Bà bước vào một cái lều rồi bỏ cửa lều xuống. Mẹ đưa mắt nhìn theo và lúc bóng bà ta đã khuất. Mẹ lại quỳ xuống cạnh chồng đĩa.

Al chạy tới:

- Tom ơi! Mẹ ơi, anh Tom có trong lều không?

Tom thò đầu ra:

- Mày gọi gì thế?

- Anh đến với tôi, - Al nói, rất háo hức.

Hai anh em cùng đi, Tom hỏi:

- Có chuyện gì thế?

- Rồi anh sẽ biết. Có điều, hãy đợi tí.

Al dẫn Tom lại chỗ chiếc xe hơi tháo dở và nói:

- Đây là Floyd Knowles.

- Biết rồi, tao đã nói chuyện với anh ấy. Xong chưa?

- Tôi đã lắp vào hẳn hoi rồi.

Tom đưa ngón tay sờ vào các xylanh.

- Mày còn điên đầu vì chuyện gì thế, Al?

- Floyd vừa mới kể cho em nghe. Nói cho anh ấy biết đi, anh Floyd.

- Nhẽ ra thì không nên, - Floyd nói - Nhưng thây kệ, tớ nói cho cậu biết. Có một tay vừa qua đây nói với tớ là ở miền Bắc có công ăn việc làm đấy

- Miền Bắc à?

- Ừ, thung lũng Santa Clara. Đi tới đó xa ghê lắm.

- Thế hả? Mà công việc gì?

- Hái đào, mận, và làm việc trong một xưởng đồ hộp. Nghe đâu là sắp bắt đầu rồi.

- Cách đây xa không?

- Ôi! Có Trời biết... Dễ chừng hai trăm dặm.

- Xa bỏ đời. - Tom nói. - Có gì chắc chắn là có việc thực sự để làm không? Chúng mình đang ở đây thì làm sao biết được?

- Cái đó, chả ai biết - Floyd nói. - Nhưng ở đây thì không có việc gì hết. Cái thằng cha cho mình biết tin vừa nhận được thư của anh hắn; hắn chuẩn bị tới đó. Hắn dặn đừng nói với ai, sợ nhiều người quá. Phải đi đêm. Phải gấp lên, cố gắng tìm được công việc đều đặn.

Tom nhìn anh ta chăm chú.

- Sao lại phải đi lén thế?

- Thế này, nếu ai cũng đi tới đấy, thì chả ai có việc làm cả.

- Lạy Chúa? Xa tổ bố. - Tom nói.

Floyd có vẻ phật ý:

- Tớ, tớ mách tuyô cho cậu, thế thôi. Chẳng ai bắt buộc cậu phải theo. Thằng em cậu đây đã giúp tớ một tay, thì tớ, tớ trao lại tuyô cho cậu, thế thôi.

- Anh có chắc chắn ở đây không có việc làm hay không?

- Nghe tớ đây... đã ba tuần nay tớ chạy rông như thằng điên mà chả mảy may tìm được việc làm.. Nếu cậu nhất thiết muốn làm như tớ và đốt nhiều xăng, thì cứ việc. Không phải tớ đây mời cậu tới miền Bắc. Đến càng đông thì tớ càng ít may hơn.

Tom nói:

- Chuyện này thì chẳng có gì phải bàn cãi. Chỉ có điều là xa quá đi mất. Mà chúng tôi lại cứ hy vọng tìm được việc làm ở đây và biết đâu có lẽ thuê được một căn nhà để ở.

Floyd cố gắng kiên nhẫn:

- Tớ biết là các cậu vừa mới đến. Các cậu còn nhiều điều phải học. Nếu cậu chịu khó nghe tớ thì đỡ cho các cậu nhiều. Nhược bằng các cậu không muốn nghe thì cậu sẽ học được nhiều điều cay đắng. Các cậu sẽ không ăn ở được nơi đây, bởi vì, không có công ăn việc làm thì ở làm sao được? Mà rồi cái dạ dày nó không để cậu ở yên. Bây giờ, thế là rõ.

- Tuy thế, tôi cũng muốn thử tìm kiếm một chút xung quanh vùng này, - Tom nói giọng kém tin tưởng.

Một chiếc xe hòm chạy qua trại và dừng lại trước lều bên cạnh. Một người mặc quần yếm, áo sơmi xanh bước xuống. Floyd gọi y:

- Ê! Có may mắn gì không?

- Chả có lấy chút công việc chết tiệt nào trong cái xứ đáng nguyền rủa này; ít ra cũng tới vụ hái bông.

Nói xong, y đi vào căn lều rách nát.

- Cậu thấy chưa?

- Ờ, thấy rồi. Nhưng xa những hai trăm dặm, lạy Chúa!

- Đúng thế, nhưng gần như là cậu chẳng ở một nơi nào nhất định kia mà. Nghĩ kỹ điều đó.

- Ta phải đi tới đó thì hơn. - Al nói.

Tom hỏi:

- Khi nào thì ở đây có việc làm?

- Một tháng nữa, mùa hái bông bắt đầu. Nếu cậu có tiền dư dật, cậu có thể đợi mùa bông.

- Mẹ tôi không muốn cựa quậy nữa. - Tom nói - Mẹ tôi kiệt sức rồi.

Floyd nhún vai:

- Tớ đâu có ý định thúc cậu đi lên miền Bắc.

Các cậu thu xếp lấy. Tớ chỉ nhắc lại những gì người ta nói với tớ.

Anh lấy miếng doang quilát vấy dầu nằm ở bậc xe, lắp vào máy và ấn thật mạnh cho nó khít vào, Al nói:

- Bây giờ anh hãy giúp tôi một tay để lắp quilát.

Tom nhìn họ thận trọng đặt cái quilát nặng trên các bulông và hạ nó xuống thật cân trên máy.

- Chuyện này còn phải bàn - anh nói.

- Tớ không muốn ai khác ngoài gia đình cậu biết. - Floyd nói. - Chỉ gia đình cậu biết thôi. Mà có lẽ tớ đã không nói nếu như em cậu không giúp tớ một tay.

Tom nói:

- Dẫu sao, tôi cũng cảm ơn anh đã cho tôi biết.

Phải xem xét việc này. Dễ chừng bọn tôi đi cũng nên.

Al nói:

- Lạy Chúa? Em nghĩ không có ai đi với, em cũng đi một mình. Em không muốn chết già ở đây.

- Và bỏ gia đình ư? - Tom hỏi.

- Cố nhiên. Em sẽ trở lại, túi rủng rỉnh tiền. Sao lại không nhỉ?

- Mẹ chẳng thích như vậy chút nào đâu. Bố cũng không.

Floyd lắp những chiếc bulông và cố dùng ngón tay vặn thật chặt. Anh nói:

- Tớ và vợ tớ cùng với gia đình tới đây. Lúc ở nhà, chẳng ai hề có ý nghĩ là phải xa nhau. Không hề. Nhưng, lạy Chúa, thế nào đây! Đến miền Bắc cả nhà ở với nhau được một thời gian, thế rồi tớ xuống lại đây còn họ cũng đã đổi chỗ ở... Và bây giờ có Chúa biết họ ở đâu bây giờ. Tớ cứ cố tìm kiếm họ và hỏi thăm tin tức họ.

Anh lắp lắc lê vào đầu êcu, đều tay vặn mỗi êcu một vòng, vít đi xiết lại các bulông thật chặt.

Tom ngồi xổm cạnh chiếc xe và, mắt lim dim, nhìn lơ lửng dọc dãy lều. Một ít rạ bị xéo nát lộ ra giữa các lều.

- Không được đâu, tao nói cho mày biết, - Tom nói - Mày bỏ đi thì Mẹ chả ưng chút nào.

- Tuy vậy, theo em nghĩ, đi một mình thì dễ tìm được việc làm hơn.

- Đành là thế, nhưng nhất định là Mẹ không ưng.

Hai chiếc xe hơi chở đầy những con người chán nản lại trở về trại. Floyd ngước mắt lên nhưng không hỏi han gì họ. Mặt họ xám xịt bụi bặm, rầu rĩ và nom lì lợm. Mặt trời xuống dần, đổ ánh nắng vàng xuống Hooverville, xuống các đám cây liễu ở phía sau.

Trẻ con bắt đầu ra khỏi lều và đi lang thang khắp trại. Đàn ông ngồi tụm năm tụm ba nói chuyện gẫu.

Một chiếc Chevrolet hai chỗ ngồi kiểu mới từ đường cái rẽ vào trại đừng lại giữa các lều. Tom hỏi:

- Ai thế nhỉ? Họ không phải người ở đây.

Floyd đáp:

- Không biết... bọn cảnh sát cũng nên.

Cửa xe mở, một người bước ra và đứng tựa vào xe. Bọn y vẫn ngồi ở trong. Tất cả mọi người ngồi xổm dưới đất, câm bặt và nhìn những kẻ mới đến.

Đám phụ nữ bận trông coi bếp lửa, liếc nhìn trộm chiếc xe bóng loáng. Bọn trẻ con đi vòng đi vèo một cách thành thạo, lách lại gần chiếc xe.

Floyd đặt lắc lê xuống. Tom đứng lên. Al chùi tay vào quần. Cả ba uể oải lại gần chiếc Chevrrolet. Người vừa bước xuống xe, mặc một quần kaki, một áo sơmi bằng nỉ. Y đội một chiếc mũ phớt dẹp vành. Ở túi sơmi lộ ra một tập giấy cài chặt bởi một hàng bút máy và bút chì; một cuốn số bìa bằng giấy bạc tòi ra ở túi súng lục. Y tiến lại một nhóm người đang ngồi xổm; họ ngước đôi mắt lặng lẽ và ngờ vực nhìn y. Họ quan sát y mà không chút cử động; chỉ thấy mắt họ trắng dã vì họ không ngẩng đầu lên để nhìn y. Tom, Ai và Floyd làm như thể vô tình bước lại gần.

Người lạ nói:

- Thế nào, các người có muốn công ăn việc làm không?

Họ nghe hỏi, nhưng họ vẫn lặng lẽ quan sát y với vẻ ngờ vực. Từ bốn phía trại, những người khác cũng dần dà tới đứng quanh y.

Cuối cùng, một người lên tiếng:

- Hẳn là bọn tôi muốn việc làm. Nhưng làm ở đâu thế?

- Ở quận Tulare. Sắp tới mùa hái quả. Cần nhiều người hái.

Floyd cao tiếng - Chính ông thuê người ư?

- Nghĩa là tôi bao thầu việc hái quả.

Mọi người bây giờ đã túm tụm lại thành một nhóm dày đặc. Một người trong bọn họ, mặc quần yếm, cất chiếc mũ đen và lấy tay vuốt tóc hỏi:

- Ông trả bao nhiêu? - Thế này, tôi chưa thể nói đúng là bao nhiêu. Khoảng chừng ba mươi xu, tôi nghĩ thế.

- Tại sao ông lại không thể nói ra được? Ông làm giao kèo, chứ?

- Đồng ý, - người mặc kaki nói. - nhưng vẫn để giá cả thì còn tuỳ. Có thể là hơn một chút, có thể là kém một chút.

Floyd tách ra khỏi nhóm và tiến lên. Anh nói một cách trầm tĩnh:

- Tôi thì tôi đồng ý đi. Ông là chủ thầu và ông có môn bài. Ông cho chúng tôi xem, ký cho chúng tôi một cái giấy là ông thuê chúng tôi làm, ở đâu và lúc nào, và ông trả công bao nhiêu, ông ký vào, chúng tôi đi tất.

Gã thầu khoán quay đầu, lông mày nhíu lại:

- Này cái anh kia, anh dạy tôi cách làm ăn hay sao đấy?

Floyd đáp lại:

- Chúng tôi làm việc cho ông, vị chi việc của ông cũng là việc của chúng tôi.

- Đúng thế, nhưng tôi không cần ai dạy cho tôi phải làm ăn thế nào. Tôi đã nói là tôi cần người.

- Ông không nói cần bao nhiêu người, - Floyd xẵng giọng - và ông cũng không nói sẽ trả bao nhiêu.

- Nhưng, trời ạ, tôi đã biết thế nào đâu.

- Ông không biết thì ông không có quyền thuê công nhân - Tôi có quyền điều khiển việc làm ăn của tôi theo cách riêng của tôi. Nếu các người thích ngồi yên cho khoái cái tì 5 mà ngáp dài thì, O.K, cứ tự do. Còn tôi, tôi thuê người đến làm ở quận Tulare. Phải có nhiều người.

Floyd quay về phía những người đàn ông. Tất cả đã đứng lên nhưng vẫn im lặng, đưa mắt nhìn hai người đang cãi nhau. Floyd nói:

- Đây là lần thứ hai tôi bị mắc lừa cái trò xỏ xiên này. Có thể là ông ta cần một ngàn người. Ông ta sẽ đưa năm ngàn tới chỗ đó và rồi sẽ trả một giờ mười lăm xu. Rồi những người khốn khổ nhà các anh, các anh buộc phải nhận bởi vì các anh đói. Ông ta muốn thuê người thì được thôi, ông ấy cứ thuê, nhưng phải có giấy tờ, ghi rõ trả bao nhiêu. Các anh hỏi xem môn bài của ông ta. Ông ta không được phép thuê công nhân mà không có môn bài.

Gả thầu khoán quay lại chiếc Chevrrolet, gọi:

- Joe!

Bạn của y nhìn ra ngoài, rồi bất thình lình mở cửa xe nhảy xuống. Y bận chiếc quần cưỡi ngựa, ủng có dây buộc. Một cái bao da nặng đeo ở thắt lưng có quai vắt chéo qua vai. Chiếc phù hiệu cảnh sát trưởng cài trên ngực áo sơmi.

Y bước lại một cách nặng nề. Nét mặt y đanh lại trong một cái mỉm cười nửa nạc nửa mỡ.

- Chuyện gì vậy?

Cái bao da khẽ đập đập trên mông y.

- Đã trông thấy thằng này chưa. Joe?

Phó cảnh sát trưởng hỏi.

- Thằng nào?

- Thằng này.

Lão thầu khoán chỉ Floyd.

- Hắn làm gì vậy? - Gã vừa mỉm cười vừa nhìn Floyd.

- Hắn ăn nói như một thằng Đỏ, gây rối.

- Hừm...

Tên phó cảnh sát trưởng tiến lại để nhìn Floyd rõ hơn. Floyd dần dần đỏ mặt lên.

- Các anh thấy đấy, - Floyd kêu to. - Nếu thằng cha kia thật lòng, thì y dẫn cảnh sát đến làm gì.

- Anh đã trông thấy nó chưa? - tay thầu khoán nhấn mạnh.

- Ơ� hừm... Hình như tôi thấy hắn rồi. Tuần trước, lúc có vụ trộm ở trại bán xe hơi cũ. Hình như thằng này lảng vảng quanh đó. Ờ, đúng rồi, không phải hắn thì tôi chịu treo cổ.

Đột nhiên nụ cười biến mất trên khuôn mặt y.

- Lên xe, nhanh lên - Gã vừa nói vừa mở bao súng lục.

- Ông không có chứng cớ gì để bắt anh ta. - Tom can thiệp.

Gã cảnh sát quay phắt lại

- Mày, nếu mày thích đi với hắn thì cứ mở miệng một lần nữa xem sao. Cả hai đứa mày đã lảng vảng quanh trại xe hơi.

- Tuần trước, nào tôi đã tới Bang đây, - Tom cãi.

- Có lẽ mày đang bị tầm nã nơi khác. Nhưng giờ thì cứ câm cái miệng lại.

Một lần nữa, lão thầu khoán nói với đám người.

- Các bạn đừng có nghe cái bọn đỏ chó đẻ đó, các bạn ạ. Chúng chỉ gây rối, lộn xộn, rồi các bạn lại phải tội vạ, tôi nhắc lại, tôi có việc cho tất cả mọi người, ở quận Tulare.

Đám người vẫn nín thinh.

Tay phó cảnh sát trưởng quay lại phía họ:

- Có lẽ các anh đi tới đó làm là hay nhất.

Cái nụ cười rối rắm lại hiện ra trên mặt y.

- Sở Vệ sinh đã ra lệnh cho chúng tôi phải dọn sạch cái trại này. Mà chẳng may họ biết ở đây có bọn đỏ thì... ai đó sẽ bị lôi thôi to. Các anh tất cả đi Tulare là hay nhất. Ở đây chẳng có quái gì để làm. Tôi lấy tình bạn khuyên các anh như vậy. Sắp tới, nếu các anh không đi, sẽ có một bọn kéo đến, đem cuốc xẻng hốt các anh đi.

Tay thầu khoán nói:

- Tôi đã nói với các anh là tôi cần người. Nếu các anh không muốn làm - thì đấy, nhân tâm tuỳ thích.

Gã cảnh sát mỉm cười.

- Họ không muốn làm việc, thì ở đây cũng không có chỗ cho họ ở. Chẳng mấy chốc, sẽ tống khứ họ đi.

Floyd đứng bên cạnh hắn, người cứng đờ, ngón tay trỏ xỏ vào chiếc nịt. Tom lén nhìn anh một cái, rồi cúi mặt nhìn xuống đất.

Có thế thôi! - Gã thầu khoán nói. - Ở quận Tulare cần nhân công. Công việc có ê hề.

Tom từ từ ngước mắt nhìn bàn tay của Floyd, anh thấy gần nổi rõ phía trên cổ tay. Hai bàn tay Tom cũng lần lên, và ngón cái ngoắc vào thắt lưng.

- Đấy, có thế thôi. Sáng ngày mai, tôi không còn muốn trông thấy bóng một ai trong vùng này.

Gã thầu khoán bước lên xe Chevrrolet.

- Còn anh, - viên cảnh sát nói với Floyd - lên xe theo bọn ta. Bàn tay to của y vươn ra chụp lấy cánh tay trái của Floyd. Phát một cái, Floyd xoay người đập luôn. Anh tống một quả đấm vào cái mặt to bè, và theo đà, anh chuồn thẳng, nép theo dãy lều mà chạy. Tên cảnh sát loạng choạng, Tom khèo chân hắn, tên cảnh sát nặng nề đổ xuống lăn quay, tay sờ tìm súng lục. Floyd chạy vòng vèo, khi ẩn khi hiện giữa các lều. Còn nằm dưới đất, tên cảnh sát bắn theo. Một phụ nữ đứng trước một cửa lều rú lên một tiếng, rồi bà ta nhìn bàn tay bị gãy. Mấy ngón lủng lẳng đầu những giây gân tái nhợt nhạt, mất máu. Floyd lại hiện ra ở xa xa, lao thẳng vào đám liễu. Ngồi dưới đất, tay cảnh sát đang giơ súng lên thì đột nhiên mục sư Casy tách khỏi đám đông, bước tới phóng một cú đá trúng gáy tên cảnh sát; rồi mục sư đứng lùi lại trong khi gã cảnh sát to béo lại ngã gục xuống, ngất xỉu.

Động cơ Chevrrolet gầm rú và chiếc xe chồm lên, khuấy tung bụi mù mịt, chạy ra đường cái và lao đi như tên bắn. Nằm trước cửa lều, người phụ nữ mải nhìn chằm chằm bàn tay rách tả tơi. Từ vết thương máu bắt đầu rỉ ra. Một tiếng cười điên loạn cùng cục trong cổ họng bà ta rồi bật ra trong tiếng cười hí hí, mỗi lúc một ầm ĩ dữ dội hơn theo nhịp mỗi hơi thở.

Viên cảnh sát nằm nghiêng mồm há hốc trong bụi đất.

Tom nhặt khẩu súng, rút băng đạn ra và vất vào bụi cây; rồi anh tháo cactut còn nằm trong vỏ đạn.

- Một cái ngữ như thế này không có quyền mang súng ngắn. - anh nói, và thả súng rơi xuống đất.

Đám đông xúm xít quanh người phụ nữ mà bàn tay đã bị gãy nát. Tiếng cười của kẻ mất trí càng to và mang âm sắc một tiếng kêu thất thanh.

Casy lại sát bên Tom.

- Mày phải trốn đi, - ông nói. - Vào nấp trong bụi rậm và chờ xem sao. Hắn không trông thấy tao đá vào gáy hắn, nhưng hắn thấy mày giơ chân khoèo hắn ngã.

- Tôi không muốn bỏ trốn. - Tom nói.

Casy ghé đầu sát anh và thì thầm:

- Chúng sẽ lấy dấu tay mày. Mày đã sai lời hứa, nên chỉ chúng sẽ tống mày vào nhà pha trở lại.

Tom bình tĩnh thở mạnh:

- Lạy Chúa! Tôi quên khuấy đi mất.

- Nhanh lên. - Casy nói. - Nó tỉnh lại bây giờ.

- Tôi muốn lấy cả súng ngắn của hắn.

- Không được. Để lại đây. Nếu mọi việc trôi chảy, tao sẽ huýt sáo bốn tiếng để báo mày biết.

Tom làm như vô tình bỏ đi, nhưng khi đã ra khỏi đám đông, anh rảo bước và biến vào các lùm cây liễu ở ven sông.

Al tiến lại cái thân hình bất động của viên cảnh sát

- Lạy Chúa. - hắn tấm tắc khen - Ông quật hắn nằm lả như thế này!

Đám người tiếp tục đứng nhìn con người nằm ngất dưới đất. Rồi bỗng nhiên ở phía xa, rất xa, nghe có tiếng còi xé tai rú lên. Lảnh lói rồi lại tắt rồi lại hú lên, và lúc này thì sát gần. Đám người đột nhiên đâm lo lắng. Họ phân vân trong chốc lát rồi lảng đi xa, ai về lều nấy. Chỉ có Al và ông mục sư ở lại.

Casy quay về Al:

- Chuồn đi. Nhanh lên, chạy về lều. Mày không hay biết gì hết, nghe chưa?

- Thế ư? Còn ông thì sao!

Casy mỉm cười với hắn.

- Phải có người chịu trách nhiệm. Tao, tao chả có trẻ con. Chúng chỉ có thể bỏ tù tao là cùng, mà đàng nào thì tao cũng chả làm gì khác hơn là ngồi mòn đít.

Al lại nói:

- Đấy không phải là lý do để...

- Trốn đi, tao bảo mà. - Casy nói giọng khàn - Mày không dính líu gì đến chuyện này.

Al vặn lại:

- Tôi không nhận lệnh của bất cứ ai.

Casy đấu dịu:

- Nếu mày dây dưa vào chuyện này thì cả gia đình mày, tất thảy mọi người trong nhà mày sẽ bị lôi thôi. Tao chẳng sợ gì cho mày cả. Nhưng còn bố mẹ mày, họ sẽ bị lôi thôi. Có thể chúng sẽ giải Tom về Mac Alester.

Al cân nhắc một lát, rồi nói.

- O. K. Dẫu sao việc ông làm vẫn cứ là rồ dại.

- Hẳn thế. Còn sao nữa?

Tiếng còi vẫn rúc liên hồi, mỗi lúc lại gần hơn.

Casy quỳ xuống cạnh gã phó cảnh sát trưởng và lật gã lại. Y càu nhàu, mắt hấp háy. Y cố gắng nhìn, Casy lau bụi ở môi y. Giờ đây các gia đình đã rút về lều, và cửa khép lại. Mặt trời đang lặn nhuốm đỏ không trung và tô màu đồng lên các lều.

Tiếng bánh xe nghiến kèn kẹt trên đường cái và một chiếc xe mui trần lao vào trong trại. Bốn người tay cầm súng hối hả bước xuống cùng một lúc Casy đứng lên và bước lại bọn đó.

- Có chuyện quái quỉ gì ở đây thế này, hả?

Casy đáp:

- Tôi đã hạ một người của các ông, kia kìa.

Một trong mấy người có vũ trang, tiến lại gần tên phó cảnh sát trưởng. Y đã hồi tỉnh và đang gắng gượng đứng lên.

- Thế nào, chuyện gì thế?

- Thế này, - Casy nói. Ông ta làm căng nên tôi có đấm ông ta một cái, thế là ông ta giơ súng bắn trúng phải một phụ nữ ở đằng kia. Tôi bèn bồi cho ông ta một cú khác.

- Được rồi, nhưng lúc đầu người đã làm thế nào?

- Tôi cãi lại.

- Lên xe.

- Sẵn lòng thôi. - Casy nói.

Ông leo lên xe ngồi ở phía sau. Hai người giúp viên phó cảnh sát trưởng bị đánh đứng lên. Y mân mê gáy. Casy nói:

- Ở chỗ kia có người phụ nữ đang bị mất hết máu do ông kia không biết dùng súng.

- Để xét sau. Mike, có phải người này đánh ông không?

Tên phó cảnh sát trưởng còn đang bàng hoàng, cố gắng chăm chú nhìn Casy, y nói:

- Có vẻ không phải tên này.

- Nhưng chính là tôi, - Casy nói. - Thằng cha kia hắn sai trái nhưng với hắn, ông cũng khí mạnh tay.

Mike chậm rãi lắc đầu.

- Không, hình như không phải y. Ôi lạy Chúa! Tôi muốn nôn.

Casy nói:

- Tôi sẽ đi với các ông, chẳng dám lôi thôi gì.

Tốt hơn là các ông hãy xem người phụ nữ có bị nặng không?

- Mụ ở đâu?

- Ở lều kia kìa.

Tay trưởng nhóm đi lại lều, súng lăm lăm. Y đứng ở ngoài nói qua vách lều rồi chui vào. Sau đó một chút y đi ra, trở lại chỗ đồng bọn, vẻ tự hào.

- Lạy Chúa! Với khẩu 45, thiệt hại quái gì đâu! Họ đã buộc vải cầm máu cho mụ ta rồi. Sẽ phái thầy thuốc đến xem cho mụ.

Hai tên lính lên ngồi hai bên Casy. Tay xếp thổi còi. Trại im phăng phắc. Các lều đều đóng kín và ai nấy ở dí bên trong. Xe rồ máy, lộn trở lại và ra khỏi trại. Ngồi giữa hai tên gác, Casy kiêu hãnh ngẩng đầu, cơ bắp ở cổ nổi lên. Một nụ cười thoáng hiện trên môi ông và gương mặt ông tỏ vẻ đắc thắng.

Khi bọn cảnh sát đã đi rồi, mọi người ra khỏi lều, mặt trời đã lặn và cả trại thắm trong một thứ ánh sáng xanh dịu. Ở phía đông những dãy núi còn vàng rực trong ánh mặt trời. Phụ nữ trở về bên bếp lửa đã tắt. Đàn ông lại tụ tập lại, ngồi xổm thành vòng tròn và rì rầm chuyện trò.

Al luồn ra khỏi lều nhà, tiến về phía các bụi rậm, huýt sáo cho Tom biết. Sau đó. Mẹ bước ra, nhen một bếp lửa cành.

- Bố nó à, chẳng còn nhiều nhặn gì để ăn. Chúng ta ăn muộn quá...

Bố và chú John ngồi sát tận lều nhìn Mẹ gọt khoai tây, cắt thành lát mỏng và thả vào chảo mỡ.

Bố nói:

- Lạy Chúa, tôi tự nhủ không hiểu ma quỷ nào xui khiến mà ông mục sư lại lại làm như thế.

Ruthie và Winfield len lén bò tới nghe trộm, Chú John lấy một chiếc đinh rỉ cào cào trên đất.

- Ông ấy biết rõ thế nào là tội lỗi: tôi đã nói với ông ta chuyện đó, ông ta đã giải cho tôi nghe, nhưng không biết ông ta nói có đúng không. Ông ta nói ai tin mình đã phạm tội tức là đã phạm tội.

Đôi mắt chú buồn bã và mệt mỏi.

- Suốt đời tôi là người ít nói. - Chú nói. - Tôi đã làm những điều mà chưa bao giờ kể lại với ai.

Mẹ quay đầu nhìn chú.

- Chú đừng có kể nữa, chú John! Hãy dành đó để kể với Chúa. Đừng có đem gánh nặng tội lỗi của chú mà chồng chất lên người khác. Thế chả hợp lý tí nào.

- Cái đó cắn rứt tôi.

- Mặc kệ, đừng kể ra. Chú hãy đi xuống sông nhúng đầu vào nước và thì thầm với dòng nước.

Bố chậm rãi gật đầu.

- Bà ấy nói có lý đấy. Nói ra được thì thấy nhẹ nhõm, nhưng thế lại là phơi bày những chuyện không được trong sạch mà mình đã làm.

Chú John ngước mắt nhìn về phía những dãy núi vàng rực, núi in bóng vào trong mắt chú.

- Tôi những muốn vùi sâu chôn chặt trong đáy lòng tôi, nhưng không thể được. Ruột gan tôi đau như cắt.

Phía sau chú. Rosasharn đi ra khỏi lều, vẻ choáng váng.

- Connie đâu rồi? - Cô hỏi một cách giận dữ. - Đã lâu lắm, con không trông thấy Connie. Anh ấy đi đâu?

- Mẹ không thấy hắn. - Mẹ nói - Nếu thấy, mẹ sẽ báo hắn là con đang tìm.

- Con thấy không được khoẻ. - Cô nói. - Lẽ ra Connie không được để con ở một mình thế này.

Mẹ ngước mắt nhìn khuôn mặt sưng húp của con gái.

- Con lại khóc rồi.

Rosasharn lại trào nước mắt:

- Con đừng thờ thẫn thế. - Mẹ khuyên - ở đây còn có ba má, anh em. Đừng than thân trách phận như thế.

Người thiếu phụ trẻ tỏ ra có ý định quay vào lều. Cô cố tránh cái nhìn nghiêm khắc của Mẹ nhưng đôi mắt Mẹ buộc cô phải vâng lời, và cô chậm rãi bước tới bếp lửa.

- Lẽ ra anh ấy không được để con một mình, - cô nói nhưng đã ráo nước mắt.

- Con cần phải làm cái gì đó. - Mẹ nói - Cứ ngồi trong lều mà than thân trách phận là không hay đâu. Mẹ đã không có thì giờ chăm sóc con. Nhưng giờ thì với mẹ, con yên tâm. Hãy cầm lấy con dao đây, gọt khoai đi. Cô gái quì xuống và làm theo lời mẹ. Cô nói một cách hung dữ.

- Cứ đợi anh ấy về đây. Con nói cho mà nghe.

Mẹ mỉm cười nhẹ nhàng:

- Nó có thể đánh con đấy. Ai bảo con cứ rên rỉ suốt ngày, cứ nhõng nhẽo hoài. Nếu nó có đánh con để cho con biết điều ra một chút, mẹ cám ơn nó vô cùng.

Đôi mắt cô bừng bừng sự oán giận, nhưng cố lặng im.

Chú John lấy ngón tay cái to ấn sâu chiếc đinh rỉ xuống đất, và nói.

- Tôi phải nói ra.

- Thế thì, nói đi, lạy Chúa! - Bố kêu lớn - chú đã giết ai?

- Chú John thọc ngón tay cái vào túi để đồng hồ của chiếc quần xanh, rút ra một tờ giấy bạc bẩn thỉu, gấp tư. Chú giở ra và phô:

- Năm đôla, - chú nói - Chú ăn cắp được ư?

- Không, tôi có từ trước và để dành.

- Có phải của chú thật không?

- Phải, nhưng tôi không có quyền giữ nó.

- Tiền là tiền của chú, - Mẹ nói - Chú cố giữ lấy thì có tội lỗi gì ghê gớm đâu?

- Đâu phải chỉ là chuyện giữ hay không giữ. - chú John thong thả đáp lại - Tôi giữ lại để uống.

Tôi biết, một lúc nào đó tôi sẽ uống say, lúc mà lòng tôi bị giày vò đau đớn. Bây giờ tôi phải uống. Tôi nghĩ rằng còn chưa đến lúc thì... thì ông mục sư tự buộc tội để cứu nguy cho Tom...

Bố gật gù và nghiêng đầu sang bên để nghe rõ hơn. Ruthie nằm rạp, chống khuỷu tay bò tới như một con chó con Winfield bắt chước con chị Rosasharn lấy mũi dao khoét một mắt ở củ khoai tây. Ánh sáng chiều hôm càng dày đặc và xanh hơn.

Mẹ nói với giọng rành rọt, bình tĩnh:

- Ông ta cứu Tom thì việc gì chú lại phải uống cho say mềm?

John buồn rầu đáp lại:

- Tôi chẳng biết nói sao. Tôi cảm thấy kinh sợ quá. Ông ta làm chuyện đó mà ung dung đến thế... chỉ việc tiến lên và nói: "Chính tôi đã đánh ngã ông ta". Và chúng đã dẫn ông đi. Thế là tôi định đi uống.

Bố vẫn gật gật cái đầu.

- Tôi không hiểu cớ sao chú thấy cần phải nói điều đó. Vào địa vị chú, đã đến lúc phải uống thì tôi chỉ việc đi uống.

- Chính đây là lúc tôi đã có thể làm một cái gì để cất bỏ tội lỗi trong lương tâm tôi. - Chú John nói một cách buồn bã - ấy thế mà tôi đã bỏ lỡ. Tôi đã không chộp lấy thời cơ và thế là dịp may tuột mất. Này bác, bác có tiền lẻ, cho tôi hai đôla.

Bố miễn cưỡng thọc tay vào túi lấy ra một cái ví da.

- Chắc chú chẳng cần đến bảy đôla mới uống được say. Chú không uống rượu sâm banh chứ?

Chú John chìa cho ông tờ giấy bạc nguyên.

- Bác cầm lấy và cho tôi hai đôla. Với ngần này tôi có đủ để say mềm rồi. Tôi không muốn mắc thêm tội hoang phí. Tôi có sẵn bao nhiêu, tôi tiêu bấy nhiêu, trước sao nay vậy.

Bố cầm lấy tờ bạc cáu ghét và trao hai đôla cho chú John. Bố nói:

- Này, chú đã thấy nhất thiết phải uống thì chú cứ việc uống đi. Chẳng ai có đủ khôn mà ngăn cản chú.

Chú John cầm lấy tiền:

- Bác không giận đấy chứ? Bác cũng biết là tôi phải làm thế chứ?

- Lạy Chúa, tôi biết. Chỉ có chú biết chú phải làm gì thôi.

- Đêm nay tôi không có cách nào làm khác được.

- Chú quay về bà mẹ - chị không giận tôi đấy chứ?

Mẹ không ngẩng đầu lên:

- Không. - Mẹ đáp khẽ. - Không. Chú đi đi.

Chú John đứng lên, vẻ đau khổ, đi dần trong bóng chiều bảng lảng. Chú bước ra con đường lát ximăng, vượt qua lòng đường, đi dọc vỉa hè cho tới cửa hàng tạp phẩm. Đến trước cửa có lưới sắt chú lật mũ, vắt xuống bụi đất và lấy chân giày xéo lên trên như để tự hành xác. Rồi chú bỏ lại chiếc mũ dạ đen nhàu rách và bẩn thỉu, chú bước vào, tiến lại phía các quầy bày những chai Whisky sau lưới sắt.

Bố, Mẹ và bọn trẻ con đưa mắt nhìn theo chú John. Rosasharn bực bội vẫn cúi mặt, gọt khoai tây

- Tội cho chú John. - Mẹ nói - Tôi tự hỏi chú làm thế có ích... gì không... Không... chắc chắn không. Tôi chưa hề thấy ai bị bế tắc đến thế bao giờ.

Ruthie nằm trên bụi đất, xoay người lại. Nó ghé đầu sát đầu Winfield và kéo tai thằng em sát miệng nó:

- Tao cũng đi uống rượu đây.

Winfield khịt mũi ra chiều kinh tởm và mím chặt môi. Hai đứa trẻ nín thở, bò đi xa, mặt đỏ dừ vì cố nhịn cười. Chúng bò vòng qua lều rồi đứng bật dậy và kêu the thé. Chúng chạy tới chỗ các bụi liễu và tới nơi, ẩn mình sau các đám lau sậy chúng cười ngặt, cười nghẽo. Ruthie giả bộ chép chép miệng 6 ra vẻ thèm thuồng, tay chới với, chới với, chân nam đá chân chiêu, trượt chân ngã, lưỡi thè lè, và nói:

- Tao say rồi.

- Nhìn đây. - Winfield kêu to. - Nhìn tao, chính tao mới là chú John đây

Nó đập đập không khí, thở phe phe, xoay tròn cho tới lúc chóng mặt, ngã quay.

Ruthie nói:

- Không, đếch phải thế. Thế này mới đúng. Tao mới là chú John. Say say tổ bố.

Al và Tom lặng lẽ đi qua các bụi rậm; và họ rơi đúng vào chỗ hai đứa trẻ đang múa may lảo đảo như hai đứa mất trí. Bóng tối dày đặc. Tom đứng lại và dò xét bóng tối.

- Có phải Ruthie và Winfield đấy không? Chúng làm cái trò quái quỉ gì đấy nhỉ? - Họ lại gần hơn.

- Chúng mày hoá rồ 7 đấy à? - Tom hỏi.

Bọn trẻ đứng sững, lúng túng. Ruthie nói:

- Chúng em... chơi đùa thôi.

- Chơi trò gì mà điên rồ như vậy? - Al nói.

- Còn bao nhiêu chuyện khác còn rồ dại hơn ấy chú. - Ruthie xấc xược đáp.

Al tiếp tục đi. Hắn nói với Tom:

- Cái con Ruthie dạo này ghê gớm thật. Rồi cũng phải cho nó một trận mới xong. Cũng đáng thôi, nó sắp nhớn rồi.

Sau lưng họ, con Ruthie giở đủ trò tinh quái để trêu tức anh, nó nhăn mày méo mặt, đưa hai ngón tay trỏ vạch miệng cho méo xệch ra, nhổ bắn nước bọt về phía thằng anh, nhưng Al không quay lại nhìn. Nó quay về chiếc Winfield để làm lại trò chơi nhưng trò chơi đã nhạt nhẽo. Chúng biết ra như vậy

- Chúng mình ra sông ngâm đầu xuống nước đi.- Winfield bàn. Chúng bèn rẽ qua rặng liễu. Xuống bờ sông và tỏ ra giận dữ với Al.

Al và Tom vẫn lặng lẽ bước đi trong bóng tối.

- Lẽ ra thì Casy không nên làm như thế. - Tom nói. - Mà lẽ ra tao cũng phải biết trước. Ông ta đã nói với tao là chưa làm được gì cho nhà ta. Người đâu mà kỳ cục. Al nhỉ. Lúc nào cũng suy tư

- Do tại ông ta trước là mục sư. Đầu óc nhồi nhét trăm thứ bà giằn.

- Theo ý mày thì thằng Connie đi đâu.

- Đi tụt quần thôi.

- Không, có vẻ nó đi xa lắm.

Họ tiến về phía dây lều, men sát các vách. Đến ngay lều của nhà Floyd thì nghe có tiếng ai khẽ gọi. Họ dừng lại, rồi đi tới gần cửa lều và ngồi xổm xuống. Floyd khẽ vén cửa lều lên, hỏi:

- Các cậu đã quyết định đi chưa?

- Chưa biết. - Tom nói - Theo ý anh, thì đi là cách hay nhất phải không?

- Cậu đã nghe thằng cớm nói gì rồi đấy. - Floyd cười chua chát. Cậu không đi thì chúng sẽ thúc vào đít. Cậu mà cứ nghĩ rằng thằng cha ấy chịu bị tẩn mà không trở lại thì cậu hâm rồi. Nó sẽ kéo cả bọn đến để hun khói chúng ta.

- Cớ sự như vậy thì tôi có ý kiến là ta phới thôi, - Tom nói - Anh đi đâu?

- Lên miền Bắc chứ đi đâu, tớ nói rồi.

- Này. - Al nói - có một thằng cha nói với tôi có một cái trại của chính phủ ở gần đây, là đâu vậy?

- Ôi theo mình thì đầy ứ rồi.

- Nhưng ở mạn nào?

- Theo đường 99 đi về phía Nam, khoảng mười hai, mười lăm dặm ngoắt sang phía đông tới Weedpatch.

- Có thằng cha nói ở đó tuyệt lắm.

- Tuyệt, cái đó đã hẳn. Người ta đối xử với mình như những con người chứ không phải như những con chó. Mà ở đấy lại không có cớm. Nhưng đầy ắp rồi.

Tom nói:

- Có điều tôi không hiểu tại sao thằng cớm ấy lại ác như vậy. Tưởng như hắn chỉ thích tìm chuyện lôi thôi: Phải gây sự với một ai đó để rồi làm ngậu xị lên.

Floyd nói:

- Ở đây thế nào thì tớ không biết; nhưng ở mạn Bắc, tớ có quen một thằng cha cảnh sát; y cũng khá tử tế. Y có nói với tớ là ở chỗ y bọn phó cảnh sát buộc phải bắt người. Cảnh sát mỗi ngày được bảy mươi lăm xu nếu bắt được một thằng bỏ tù, mà cho tù ăn uống mất hăm lăm xu. Y nói là đã tám hôm rồi y chưa tóm được ai, cảnh sát trưởng doạ là nếu y không có mang về một ai đó, thì tốt hơn là trả phù hiệu cho rồi. Cái thằng cha hôm nay, chắc chắn như là hắn đang tìm cách này cách khác để tóm ai đó.

- Phải đi thôi. - Tom nói - Tạm biệt Floyd.

- Tạm biệt. Chắc sẽ gặp lại các cậu. Hy vọng thế.

- Tạm biệt. - Al nói - và qua bóng tối mờ mờ hai anh em trở về lều nhà. Cái chảo đầy khoai tây kêu lèo xèo trên bếp lửa. Mẹ lấy cùi dìa đảo những miếng khoai cắt dày. Bố ngồi cạnh lửa, tay bó gối. Rosasharn ngồi trong lều.

- Ô! Thằng Tom, - Mẹ kêu lên - Lạy Chúa lòng lành.

- Phải đi khỏi đây thôi. - Tom nói.

- Lại chuyện gì nữa thế?

- Thế này, Floyd nói là đêm nay chúng sẽ tới đốt trại.

- Mẹ kiếp, sao lại thế? Bố hỏi. - Có ai làm gì đâu?

- Chả làm gì hết, chỉ đánh một thằng cớm thôi. - Tom nói.

- Nhưng không phải chúng ta đánh.

- Theo như thằng cớm nói, chúng sẽ đẩy chúng ta đi cho nhanh.

Rosasharn hỏi:

- Có thấy Connie đâu không?

- Ơ - Al nói - Biệt tăm. Đâu về phía bờ sông Hắn xuống miền Nam.

- Có phải... có phải hắn bỏ đi thật hay sao?

- Biết đâu.

Bà mẹ nói với con gái:

- Rosasharn, con nói năng lạ quá. Connie hắn đã nói với con thế nào?

- Anh ấy nói đáng lẽ anh ấy ở lại nhà để học lái máy cày - cô đáp với vẻ ủ rũ. - Mà như thế mới phải.

Im lặng. Rosasharn nhìn lửa, mắt cô long lanh trước ánh lửa sáng. Khoai tây nổ lèo xèo trong chảo. Người vợ trẻ khịt mũi và lấy mu bàn tay chùi sống mũi.

Bố nói:

- Thằng Connie chả được cái tích sự gì. Tôi cảm thấy thế từ lâu rồi. Loại gan sứa, chỉ được cái nhớn xác.

Rosasharn đứng lên trở vào lều, nằm dài trên đệm, vật vã vùi đầu vào hai cánh tay.

- Thiết tưởng đuổi theo tìm hắn thì chả có ích gì - Al nói.

- Không. Hắn đã là thằng vô tích sự thì nhà ta chẳng cần.

Mẹ liếc nhìn vào trong lều, thấy Rosasharn đang nằm vật trên nệm.

- Suyt! Đừng nói như vậy.

- Thì đúng là thằng vô tích sự chứ còn gì nữa

- Bố vẫn khăng khăng giữ ý kiến - Lúc nào cũng thấy hắn nói hắn làm cái này, hắn làm cái nọ... Rồi chẳng làm quái gì hết. Có nó ở đây, tao chẳng muốn nói làm chi, nhưng bây giờ nó đã bỏ rơi chúng ta.

- Suyt! Mẹ kẽ nói.

- Nhưng, lạy Chúa! Sao mà cứ suỵt suỵt hoài như vậy... Bà muốn thế nào? Không phải là nó bỏ rơi chúng ta hay sao vậy?

Mẹ lấy thìa trở khoai tây, mỡ cháy lèo xèo. Mẹ bỏ thêm các nhánh củi vào lửa, lửa bùng lên coi sáng lều. Mẹ nói:

- Rosasharn sắp sinh đẻ, và đứa bé đó là con thằng Connie. Nói với một thằng bé đang lớn lên rằng bố nó vô tích sự, đó là điều không tốt.

- Cứ nói toẹt ra thế, chẳng hơn nói dối nó sao? - Bố nói.

- Chính bố mày nhầm. - Mẹ nói - Chỉ có việc cứ làm như nó chết rồi. Nếu Connie chết thì bố mày không được nói điều không hay về nó.

Tom xen vào:

- Ôi, Bố mẹ khoan hẵng lo vội. Chắc đâu Connie đã đi hẳn. Chúng ta không có thì giờ bàn bạc nữa đâu. Phải ăn cho xong rồi lên đường.

- Lên đường là thế nào? Vừa mới đến sao đã đi? - Mắt mẹ nhìn anh con qua bóng tối nhập nhoạng ánh lửa.

Anh kiên nhẫn giải thích:

- Đêm nay chúng sẽ đốt trại, Mẹ ạ. Mà mẹ cũng biết đấy, con đâu có phải là cái đứa buông thõng tay đứng nhìn đồ đạc của ta bị cháy. Bố cũng thế, mà chú John cũng vậy. Chúng con sẽ xông vào đánh bừa và con không thể liều để cho chúng bắt, rồi bị chúng tống giam lại. Hôm nay, nếu mục sư không nhảy vào cuộc thì chỉ xuýt nữa là con cũng làm như ông ta.

Mẹ trở đi lật lại khoai tây trong mỡ sôi. Đột nhiên và dứt khoát:

- Thôi, nhanh lên! - Mẹ kêu to - ăn quàng ăn quấy đi, rồi lên đường cho nhanh.

Mẹ bày các đĩa ra. Bố hỏi:

- Thế chú John thì sao?

- Chú John đâu? - Tom hỏi

Bố và Mẹ lặng im một lát, rồi Bố nói:

- Chú đi uống rượu.

- Khỉ thật, - Tôm nói - Chọn đúng lúc này để đi uống rượu. Chú đi về phía nào?

- Tao không biết. - Bố nói.

Tom đứng lên

- Bố Mẹ ạ, - anh nói - Bố Mẹ ăn chóng lên và chở đồ đạc lên xe. Con đi tìm chú John. Chắc chú đã đi thẳng tới cửa hiệu bên kia đường thôi.

Tom rảo bước. Những bếp lửa nhỏ cháy trước các lều, các làn ánh lửa soi sáng các gương mặt đàn ông và đàn bà ăn mặc rách rưới và bọn trẻ con ngồi thu lu. Trong một số ít lều, ánh đèn dầu lọt qua vải bạt in lên đó những bóng người khổng lồ.

Tom bước lên con đường bụi bặm, vượt qua đại lộ bóng láng xi măng, đi tới cửa hàng tạp phẩm.Anh dừng lại trước tấm cửa lưới sắt và nhìn vào trong. Chủ hiệu là một người bé nhỏ, tóc hoa râm, ria mép lù xù, mắt kèm nhèm đang dựa vào quầy đọc một tờ báo. Ông sáo xảo lên để lộ đôi cánh tay gầy guộc, y mang một chiếc tạp dề trắng. Xung quanh y chồng chất tầng tầng lớp lớp những thành luỹ, những núi, những hình chóp về những thứ đồ hộp. Khi Tom bước vào, y ngẩng đầu lên, lim dim đôi mắt như thể ngấm bấm anh.

- Xin chào - Y nói - Mất cái gì ư?

- Mất ông chú. Hoặc là chú tôi đã thất lạc hoặc đại loại là thế.

Sự kinh ngạc và lo lắng lướt qua gương mặt chủ hiệu. Y nhẹ nhàng sờ lên đầu mũi và bắt đầu gãi gãi cho khỏi ngứa.

- Hình như lúc nào các ông cũng để mất một ai đó. - Y nói - mỗi ngày có đến trên mười lần, tôi cứ thấy người ta đến nói: "Nếu ông có thấy một người tên là thế này, nom giống thế nọ, ông làm ơn nhắn giùm là chúng tôi đã đi lên miền Bắc". Hay đại để thế... Lúc nào cũng như lúc nào.

Tom bật cười:

- Vậy thì thế này, ông ạ. Nếu ông trông thấy một thằng hãy còn thò lò mũi, tên là Connie, gần gần giống một con chó sói đồng ông bảo nó cuốn xéo đi. Còn chúng tôi đi xuống miền Nam. Nhưng tôi không đi tìm nó đâu. Ông có thấy một người trạc sáu mươi, quần đen, tóc hơi hoa râm, tới đây mua Whisky, hay không?

Đôi mắt chủ tiệm sáng lên:

- Chắc chắn ông ta có đến. Thậm chí tôi chẳng thấy ai như ông ta. Ông ta đến đứng trước cửa tiệm, vất mũ xuống đất rồi lấy chân dẫm dẫm lên nó. Đây, tôi giữ chiếc mũ đấy - Vừa nói, y vừa rút từ phía dưới quầy hàng, một chiếc mũ bám đầy bụi, chả còn ra hình thù gì.

Tom cầm lấy chiếc mũ và nói.

- Đúng ông ấy rồi, không thể lầm được.

- Thế này, anh ạ. ông ta mua ở đây hai chai Whisky, chẳng nói chẳng rằng, mở nút dốc ngược chai rồi cứ thế mà tu. Tôi không được giấy phép cho uống tại chỗ. Tôi nói: "Này ông không được uống ở đây. Ông phải đi ra ngoài kia!'. Thế là, anh có tin được không? Vừa mới ra khỏi cửa thì, tôi cuộc đấy, ông ta tu một lèo bốn hơi và chai cạn ráo. Sau đó ông ta vất chai, đứng tựa vào tường, mắt đùng đục. Ông ta nói "Cảm ơn ông lắm, thưa ông". Nói rồi, đi thẳng. Đời tôi, tôi chưa hề thấy ai uống như thế bao giờ.

- Ông ấy đi rồi ư? Đi phía nào? Tôi phải đưa ông ấy về.

- Ồ, đúng lúc lắm, tôi có thể nói được cho anh hay. Tôi chưa hề thấy ai uống như thế, tôi bèn để ý nhìn theo. Ông ta đi về phía bắc, có một chiếc sẽ hơi đi tới, đèn pha chiếu vào ông ta. Ông ta bèn đi xuống con mương. Hai chân ông ta bắt đầu lảo đảo, và ông ta đã mở chai thứ hai ra. Chưa đi xa đâu. Say như thế thì đi xa sao được.

- Xin cảm ơn. - Tom nói - Tôi phải đi tìm ông ta.

- Anh có cần lấy mũ của ông ta không?

- Có, có chứ! Ông ta sẽ cần đến. Thôi, cảm ơn.

- Ông ta làm sao thế? Hình như không phải ông ta uống để mua vui.

- Ôi! ông ta dở hơi một chút. Thôi, chào ông. Và nếu ông có thấy thằng Connie oắt con, ông làm ơn nói với nó là chúng tôi xuống miền Nam.

- Tôi phải nhắn quá nhiều chuyện với quá nhiều người nên tôi không thể nhớ cho xuể được.

- Ông cũng đừng mệt óc cho lắm. - Tom nói.

Anh bước tới cửa có lưới sắt, mang theo chiếc mũ đen đầy bụi của chú John. Anh vượt qua con đường láng ximăng, đi dọc theo phía lòng đường bên kia. Ở phía dưới anh, trong cánh đồng thấp, ngoại ô Hooverville trải rộng; những đám lửa nhỏ nhấp nháy, những chiếc đèn treo chiếu sáng qua lều vải. Có tiếng đàn trầm trầm vang lên ở đâu đó trong trại; ai đó đang tập gẩy, mò mẫm bấm phím không theo nhịp điệu gì cả.

Tom dừng lại, lắng nghe, rồi anh từ từ bước lên dọc theo đường cái, thỉnh thoảng dừng lại nghe ngóng. Đi được khoảng một phần tư dặm, anh bắt được cái tiếng mà anh để ý. Ở đâu đó, dưới chân bờ đường, có tiếng hát ồm ồm, buồn tẻ. Tom cúi đầu xuống để nghe cho rõ hơn.

Tiếng hát uể oải cất lên: "Tôi đã dâng trái tim lên chúa Jesus, Jesus đã gọi tôi về với Ngài. Tôi đã hiến hồn tôi cho Jesus ở trong tôi". Tiếng hát hạ xuống thành tiếng rì rầm rồi tắt ngấm. Tom, vội tụt xuống bờ đi lại chỗ có tiếng hát. Rồi một lần nữa, anh dừng lại lắng nghe. Tiếng hát lại cất lên, lần này rất gần, vẫn với cái giọng đều đều, lê thê và sai điệu: "Ôi? Cái đêm nàng Maggie mất, nàng đã gọi tôi lại bên nàng - Chiếc quần cũ màu đỏ hoe - Phồng lên ở chỗ đầu gối".

Tom thận trọng tiến lại. Anh nhận thấy cái bóng đen ngồi dưới đất, anh ren rén lại gần và ngồi xuống. Chú John dốc ngược chai rượu và rượu ùng ục chảy ra.

Tom nói khe khẽ:

- Ê! Khoan đã! Còn phần của tôi đâu?

Chú John quay đầu lại:

- Mày là đứa nào?

- Sao, ông quên tôi rồi sao? Ông đã tu bốn ngụm, mà tôi mới có một.

- Đừng Tom. Đừng có mà đánh lừa tao. Tao ở đây có một mình. Từ nãy đến giờ chỉ có mình tao.

- Thế thì, hiện giờ cháu đang ở đây là cái chắc. Chú không cho cháu một ngụm sao?

Chú John lại dốc chai, rượu chảy ùng ục, rồi chú lắc chai, chai đã cạn ráo.

- Chẳng còn nữa. - Chú nói - Mày biết không, tao thèm được chết quá. Thèm ghê gớm. Chết một chút. Phải thế. Như khi ngủ. Chết một chút... Mệt mỏi quá rồi. Nhưng mệt mỏi... có lẽ tao không thức dậy nữa - Tiếng của chú than vãn - tao sẽ đội một vòng hoa - một vòng hoa bằng vàng...

Tom nói:

- Chú John, chú nghe tôi nói. Chúng ta soạn sửa đi. Chú trở về đi cùng, và chú có thể ngủ trên nóc xe

John lắc đầu:

- Không. Mày về đi. Tao không đi. Tao sẽ nghỉ lại ở đây. Trở về chả hay ho gì hết. Chả ích cho ai. Tao chỉ kéo lê tội ác như kéo lê cái quần bẩn giữa đám người thanh lịch. Không, không đi.

- Chú hãy về. Không có chú, không thể đi được.

- Đi đi, tao bảo mà. Tao chả được tích sự gì hết, chỉ kéo lê tội lỗi, làm bẩn mất mọi người.

- Chú cũng chẳng có tội lỗi hơn ai.

John dựa dầu vào người Tom, và chớp mắt một cách hiểu biết. Tom chỉ thấy lờ mờ gương mặt của chú dưới ánh sao.

- Không ai biết được tội lỗi của tao. Không ai hết trừ Jesus. Chúa biết.

Tom quì xuống, đặt tay lên trán chú John, trán nóng bỏng và khô ráo. John gạt tay Tom ra một cách vụng về.

- Về nào, - Tom nài nỉ - Thôi, về đi, chú John.

- Tao không muốn về. Mệt quá chừng. Tao sẽ nghỉ ở đây. Đúng ở đây.

Tom ở sát chú. Anh đặt nắm tay áp sát quai hàm chú John. Hai lần cánh tay Tom khoanh thành một đường cung nhỏ để tính đúng khoảng cách, rồi nhoài tới với tất cả sức nặng của vai, anh móc một quả đấm thật khéo léo vào cằm John. Hàm John khép lại đánh một tiếng các và chú ngã hất ra sau nhưng định ngồi dậy. Nhưng Tom vẫn cúi xuống chú và lúc chú đương chống khuỷu ngồi lên. Tom lại bồi tiếp cú khác. Chú John ngã sóng sài, im lìm trên đất. Tom đứng lên, cúi khom người, nâng cái thân hình mềm nhẽo lắc lư và xốc lên vai. Tom loạng choạng. Tay đung đưa của John đập vào lưng anh, còn anh thì miệng thở phù phù, chân leo lên bờ đường. Một chiếc xe hơi đi qua, chiếu sáng vào cái thân hình mềm oặt trên vai anh. Chiếc xe đi chậm lại một chút rồi ầm ầm lao vút đi.

Tom thở dốc lúc bước xuống con đường nhỏ trở về Hooverville; và đến gần xe nhà Joad, chú John đang tỉnh lại, và đang vùng vẫy một cách yếu ớt. Tom nhẹ nhàng đặt chú xuống đất.

Trong lúc anh vắng mặt, lều trại đã được tháo dỡ. Al chất các bao đồ lên xe. Chỉ còn phải phủ tấm bạt lên đống đồ đạc là xong. Al nói:

- Anh Tom không đến nỗi để phí thì giờ.

Tom nói như xin lỗi:

- Tao buộc phải đánh chú một tí để đưa chú về. Tội nghiệp cho chú.

- Con không làm chú bị đau gì chứ? - Mẹ hỏi.

- Chắc là không- Chú đã tỉnh rồi kia kìa

Chú John nằm dưới đất, người yếu lả, vừa thở hổn hển vừa nôn oẹ. Mẹ nói:

- Mẹ để dành cho con một đĩa khoai tây đấy, Tom à.

Tom cười khúc khích:

- Mẹ biết đấy, lúc này thì con chẳng lòng dạ nào mà ăn với uống.

Bố kêu to:

- Xong rồi. Al ném tao cái bạt.

Đồ đạc đã chất xong, chiếc xe sẵn sàng ra đi. Chú John đã ngủ. Tom và Al khiêng chú lên trên đống đồ đạc, trong khi ở phía sau, thằng Winfield giả vờ nôn oẹ, còn con Ruthie thì lấy tay bít miệng để khỏi cười ré lên.

- Xong rồi. - Bố nói.

Tom hỏi:

- Rosasharn đâu?

- Kia - Mẹ đáp. - Lại đi. Rosasharn. Ta sắp sửa đi.

Người thiếu phụ trẻ ngồi im, đầu cúi gục xuống. Tom lại chỗ cô em.

- Đi thôi.

- Em không muốn đi, - cô nói.

- Cô phải đi chứ.

- Em muốn chờ Connie. Anh ấy chưa về thì em không đi đâu.

Đã có ba chiếc xe ra khỏi lều, lao lên dốc đi ra đường cái. Xe chở đầy đồ đạc và người, chạy lắc lư cho tới lòng đường và xa dần, ánh đèn pha lờ mờ loé sáng dọc theo đường cái.

Tom nói:

- Connie sẽ tìm thấy chúng ta. Anh đã nhắn lại ở hiệu tạp hoá. Nó sẽ tìm thấy chúng ta.

Mẹ tới đứng bên cạnh Tom:

- Đi thôi. Rosasharn. Nào con gái yêu của mẹ, đi thôi - Mẹ dịu dàng nói.

- Con muốn đợi anh ấy.

- Chúng ta không thể đợi được. - Mẹ cúi xuống nắm lấy cánh tay người con gái, dìu cô ta đứng lên.

- Hắn sẽ tìm thấy chúng ta. - Tom nói - Đừng có lo. Hắn sẽ tìm thấy.

Họ đứng hai bên cô và dìu cô đi.

- Có lẽ anh ấy đi tìm sách để học. - Rosasharn nói - Biết đâu anh ấy không muốn khiến ta bất ngờ?

- Rất có thể thế. - Mẹ nói.

Họ dẫn cô lại xe và đỡ cô lên trên đống đồ đạc. Cô luồn xuống dưới bạt và mất hút trong cái hang tối đen.

Chính vào lúc đó lão râu xồm ở cái lều cỏ rụt rè lại gần xe. Lão chờ đợi một cách bâng quơ, tay chắp sau lưng. Cuối cùng lão hỏi:

- Hoạ may ông có bỏ lại những thứ gì còn dùng được nữa không?

Bố đáp:

- Tôi nghĩ là chẳng còn gì. Chẳng có gì thừa bỏ lại

- Thế vậy, ông không đi à? - Tom hỏi.

Lão xồm nhìn anh một lúc lâu rồi mới đáp:

- Không.

- Nhưng nó sẽ phóng lửa đốt tất.

Đôi mắt lưỡng lự cúi nhìn xuống đất.

- Tôi biết lắm. Trước đây chúng cũng đã đốt rồi.

- Lạy Chúa, đã vậy thì ông còn đợi gì mà chưa chuồn đi?

Đôi mắt lơ láo của lão nhìn lên một lúc rồi lại cúp xuống, ánh lửa của bếp tàn chiếu đỏ mắt lão.

- Tôi không biết tại sao. Gói ghém đồ đạc thì lâu quá.

- Nếu chúng tới đốt trại thì cháy rụi cả, còn gì?

- Tôi biết. Nhưng các ông có bỏ lại thứ gì còn dùng được không?

- Không có gì hết. Gói ghém sạch. - Bố đáp.

Lão xồm phân vân bỏ đi.

- Lão ta bị làm sao vậy? - Bố hỏi.

- Bị bọn cớm đánh mụ người. Có đứa đã nói với con. Hoàn toàn đần độn vì bị đánh vào đầu quá nhiều.

Một đoàn xe thứ hai ra khỏi trại, đi lên đường cái và xa dần.

- Đi thôi, Bố. Chúng ta phải đi. Bố ngồi phía trước với Al và con. Mẹ ngồi trên cao. À không ổn...

Mẹ ngồi phía trước ở giữa. Này Al - Tom lục lọi dưới ghế dài phía trước lôi ra một cái lắc lê to tướng - Al, mày trèo ra phía sau. Cầm lấy cái này, Là để phòng xa nếu có ai leo lên đống đồ đạc, mày nện cho hắn một nhát.

Al với chiếc lắc lê lăm lăm trong tay, leo lên thành xe, ngồi bắt tréo chân ở phía sau. Tom lôi ở dưới ghế ra một cái tay kích nạng, đặt xuống sàn buồng lái dưới bàn hãm.

- Ổn rồi, - anh nói - Mẹ ngồi vào giữa đi.

- Tao không cầm cái gì trong tay, - bố nói.

- Nếu cần, Bố cúi xuống lấy cái tay quay. Nhưng lạy Chúa! Mong sao Bố không phải dùng đến.

Tom dận máy; chong chóng bắt đầu quay với những tiếng lanh canh, động cơ nổ, rồi dừng lại và hoạt động hẳn. Tom bật đèn pha, sang số một để leo dốc. Chùm ánh sáng lờ mờ lần mò đường cái một cách bực dọc. Họ leo lên lòng đường, rẽ theo hướng nam.

- Có những lúc cơn giận bốc lên và không thể nhịn nổi. Quá sức chịu đựng. - Tom nói.

Mẹ xen vào:

- Tom này... con đã nói... con đã hứa với mẹ là con không bao giờ như thế nữa. Con đã hứa rồi.

- Con biết. Mẹ à, con cố. Nhưng cái bọn cảnh sát... Mẹ đã thấy một thằng phó quận trưởng nào mà cái mông không bành ra không? Lúc nào chúng cũng núng nính cái đít bự và mân mê súng ngắn. Mẹ ạ, nếu chúng thực sự làm thế để buộc phải tôn trọng pháp luật, còn khả dĩ. Nhưng chúng đâu có đại diện cho pháp luật pháp liếc gì. Chúng cố gắng làm tinh thần chúng ta phải suy sụp. Chúng muốn thấy chúng ta bò lê nem nép như con chó ngoan ngoãn. Chúng muốn bẻ gẫy chúng ta. Mẹ kiếp. Mẹ xem, đến một lúc nào đó, cách duy nhất để sống cho ra con người, là đấm vỡ mặt một thằng cảnh sát. Chúng đang không muốn ta sống như con người.

Mẹ nói:

- Con đã hứa. Tom ạ. Chính Pretty Bay Floyd đã làm thế. Mẹ quen mẹ hắn. Chúng đã xúc phạm hắn.

- Con đang cố đây. Mẹ ạ. Con thề con cố gắng. Nhưng dẫu sao Mẹ cũng không muốn thấy con bò lê sát mặt đất như con chó bị đánh chứ.

- Mẹ xin, Tom ạ, con phải tránh những chuyện đó. Gia đình ta đang tan tác. Con phải tránh gây chuyện.

- Con sẽ cố. Mẹ ạ. Nhưng khi mà một cái thằng mông núng nính kia đánh con thì thật khó mà cố nhịn. Nếu là chuyện hợp pháp, con không nói làm gì. Đằng này, đốt trại, đâu có phải luật pháp.

Chiếc xe chạy cà rịch cà tàng xóc nảy lên. Phía trước mặt một chùm đèn đỏ chắn ngang đường.

- Chỗ ngoặt chắc? - Tom nói.

Anh định chạy chậm lại rồi dừng xe. Ngay lúc đó, một đám người vây quanh chiếc xe, kẻ cầm cán cuốc, kẻ mang súng, đội mũ nằm hầm và mũ nồi của Đoàn Lê Dương Mỹ. Một tên cúi xuống ghé vào cửa xe phả ra mùi rượu Whisky âm âm.

- Ê, các người định đi đâu?

Cái mặt đỏ dừ cửa hắn nghé sát mũi Tôm.

Tom cứng người lại. Tay anh luồn xuống sàn xe, tìm thay quay. Mẹ túm chặt cánh tay anh, xiết mạnh. Tom nói:

- Nhưng mà... - Tiếng anh rên rỉ quỵ lụy - Chúng tôi ở xa đến. Ngời ta cho chúng tôi biết ở mạn Tulanre có công ăn việc làm.

- Thế thì, đ... m... các người lầm đường rồi. Bọn ta không muốn thấy lũ Obies khốn kiếp ở đây.

Vai và tay Tom đột nhiên cứng ngắc. Anh rùng mình, Mẹ níu chặt lấy cánh tay anh. Phía trước xe lố nhố những kẻ cầm vũ khí. Một vài đứa, muốn cho có vẻ quân sự, mặc đồng phục và đeo dây da bắt chéo qua vai.

Tom hỏi với giọng rên rỉ

- Phía nào thế, thưa ông?

- Quay xe lại, đi theo mạn Bắc. Mà chờ đến mùa hái bông mới được trở lại, nghe chưa?

Tom run rẩy từ chân đến tóc.

- Thưa ông vâng, - anh đáp. Anh cho lùi xe và quay lại con đường vừa mới đi xong. Mẹ buông cánh tay anh ra và vỗ nhè nhẹ lên vai anh. Và Tom vất vả lắm mới kìm được những tiếng khóc uất ứ ở cổ họng.

- Con đừng để tâm làm gì. - Mẹ nói - Đừng để tâm.

Tom hỉ mũi qua cửa xe và lấy ống tay áo chùi mũi.

- Lũ chó má!

- Con làm thế là tốt - Mẹ nói dịu dàng - Rất tốt con ạ.

Tom dần vào con đường tắt ngang, đi độ trăm thước rồi tắt máy tắt đèn. Anh bước xuống, tay cầm cái chuôi kích.

- Con đi đâu - Mẹ hỏi.

- Chỉ nhìn qua xem sao thôi. Ta không lên miền bắc.

Những chiếc đèn xách di chuyển trên đại lộ.

Tom thấy ánh đèn vượt qua ngã tư và đi xa dần. Và lát sau, vang lên những tiếng gọi, tiếng la hét và một đám lửa rừng rực bùng lên từ phía Hooverville. Ngọn lửa bốc lên cao, toả rộng và nổ lách tách ở xa. Tom lại ngồi vào chỗ tay lái, quay lộn lại và leo lên dốc nhỏ nhưng anh đã tắt hết đèn pha. Đến đường cái, anh lại chạy theo con đường về phía nam rồi bật lại đèn pha.

Mẹ rụt rè hỏi:

- Ta đi dâu vậy Tom?

- Về mạn Nam. Dẫu sao ta cũng không nên để quân khốn nạn ấy xô đẩy mình. Không thể thế được. Ta cố đi qua đây, nhưng đi vòng thành phố.

- Ờ được, nhưng đi đâu. - Lần đầu tiên Bố lên tiếng. - Tao muốn biết là ta đi đâu mới được.

- Cố tìm trại của chính phủ. - Tom nói. - Có một gã hắn nói với con là ở đó, họ không cho cảnh sát bước vào. Mẹ ạ... Con phải tránh mặt chúng. Nếu không con sợ là phải giết chết một thằng.

- Bình tĩnh lại. Tom - Mẹ nói với giọng khuây khoả - Bình tĩnh lại, con. Con đã nhịn được một lần rồi. Con có thể nhịn được lần khác.

- Vâng, nhưng trong ít lâu nữa, con sẽ chẳng còn sống cho ra hồn một thằng người nữa.

- Bình tĩnh. - Mẹ nói - phải kiên nhẫn Tom ạ, con xem - Chúng ta và những người cùng cảnh sẽ còn sống mãi trong khi bọn kia đã chết lâu rồi. Con phải hiểu thế, Tom ạ. Đúng, chúng ta là những người sống mãi. Họ không thể tiêu diệt chúng ta được. Đúng chúng ta là dân mà, quan một lần, dân vạn đại 8 con ạ.

- Vâng nhưng cứ phải chịu ăn đòn suốt đời.

- Mẹ biết. - Mẹ cười khúc khích. - Có lẽ, chính vì vậy mà chúng ta dai như chão. Lũ nhà giàu, chúng tới rồi chúng lại mất đi, con cháu chúng là lũ vô tích sự, nòi giống chúng sẽ lụi dần. Còn chúng ta, đời đời đều có. Con đừng tự giày vò mình. Sẽ tới thời kỳ mà mọi chuyện sẽ khác.

- Làm sao Mẹ biết?

- Mẹ cũng không rõ.

Họ đi vào thành phố và Tom lái xe vào một con đường hẻo lánh để tránh trung tâm. Nhờ ánh đèn đường phố, anh nhìn mẹ anh. Gương mặt bà thanh thản và đôi mắt bà có một vẻ lạ lùng, tương tự như cái nhìn vĩnh hằng ở các pho tượng. Tom đưa tay phải đặt vào vai mẹ. Một cử chỉ cần thiết. Rồi anh rụt tay lại.

- Đời con, chưa từng nghe Mẹ nói nhiều như thế.

- Vì mẹ đã không có nhiều lý do để nói.

Lái xe theo con đường hẻo lánh, anh đi né sang bên thành phố, rồi chạy quay lộn lại. Đến một ngã tư, có một biển chỉ đường: 99. Anh rẽ sang phía nam đi vào con đường đó.

- Dẫu sao chúng cũng không đẩy chúng ta lên mạn Bắc được, - anh nói - Chúng ta vẫn đi tới nơi nào chúng ta thích, dù có thể phải bò để giành cái quyền ấy.

Ánh đèn pha mờ ảo dò thăm con đường rộng và tối đen phía trước mặt.

Chú thích

1. Năm xu.

2. A veil drew down over the eyes... Một cái màn giả dối.

3. Nguyên văn sung sướng như chim ó - Bản Pháp - như cửa nhà tù.

4. Như chiếc bánh nướng.

5. Nguyên văn: on your ass (con lừa. người ngu) - Bản Pháp dịch là: ngồi dính cái mông đít.

6. Nguyên văn: Curs her eyes: dòm ngó một cách thèm thuồng.

7. Crazy: điên rồ, ốm - Tiếng Pháp dịch là ốm.

8. Nhân dân sẽ sống mãi.
Bình Luận (0)
Comment