Chuyến Tàu 16 Giờ 50

Chương 13

- Lạy Chúa! - Emma kêu lên - Em quên mất việc em đã đề nghị chị Lucy mời bà dì chị ấy đến đây chơi.

Harold đáp:

- Việc đó tạm gác lại đã. Mấy anh em mình còn phải bàn bạc, có mặt người ngoài rất bất tiện.

Alfred tán thành:

- Để chị Emma tiếp bà dì chị Lucy ở dưới bếp!

- Không được! - Emma phản đối. - Làm thế bất lịch sự.

Cedric đưa ý kiến:

- Mời bà ấy đến đây cũng được. Chúng ta có thể đề nghị bà ấy cho biết những thông tin về Lucy. Tôi muốn biết thêm về cô ấy. Vấn đề là tôi cảm thấy không tin được cô ấy. Cô ấy nói khéo quá mức.

- Nhưng cô ấy quen biết nhiều người trong giới thượng lưu và chúng ta chưa thấy có thể chê trách cô ấy được điểm nào.

Harold nói:

- Xin nói để mọi người biết, tôi đã cho thu thập đủ mọi loại thông tin về cô ấy: chuyện một người tò mò, phát hiện một tử thi trong cỗ quan tài cổ là chuyện hết sức bình thường.

Alfred bực dọc nói:

- Giá như chúng ta biết được người phụ nữ nạn nhân đó là ai!

Harold nhún vai, quay sang em gái:

- Emma, anh xin nói thẳng với cô là việc cô đưa ra với cảnh sát khả năng nạn nhân chính là chị vợ người Pháp của anh Edmund là rất ngu! Từ hôm đó, anh có cảm giác như đi đâu cũng bị cảnh sát chìm theo dõi.

Bây giờ đến lượt Cedric có ý kiến:

- Tôi đã khuyên cô Emma là im lặng, đừng nói gì hết, nhưng cô ấy lại nghe lão bác sĩ Quimper.

Harold nổi cáu:

- Sao Quimper nhúng mũi vào việc này nhỉ? Hắn cứ làm nhiệm vụ thày thuốc của hắn có hơn không?

Emma mệt mỏi nói:

- Em xin! Các anh đừng cãi nhau nữa! Em lại muốn bà già kia đến đây, bất kể bà ấy là ai, cốt để các anh ngừng cãi vã nhau ít nhất cũng trong một lúc... Nhưng thôi, em phải ra ngoài một chút đây.

Sau khi Emma đi ra, Harold trầm ngâm suy nghĩ rồi anh ta quay sang Cedric và Alfred:

- Như anh Cedric đã mấy lần nhấn mạnh, việc cô Lucy nậy nắp cỗ quan tài cổ kia lên đúng là lạ lùng. Cái nắp ấy bằng đá, nặng đến thế! Cho nên chúng ta phải hết sức thận trọng với cô ta. Trưa nay, trong bữa ăn, tôi nhận thấy nét mặt cô ta có gì đó như thể căm giận chúng ta.

- Anh để em điều tra, - Alfred nói. - Em sẽ biết được ngay chị ta là người thế nào.

- Phải tìm ra bằng được động cơ nào khiến Lucy nậy nắp cỗ quan tài kia lên!

- Nhưng đã chắc chắn người mở nắp quan tài ấy là cô ấy chưa?

- Nếu không cô ấy thì ai?.. Và nậy ra để làm gì? - Harold lo lắng hỏi.

Ba anh em nhìn nhau.

- Bà già tai ương kia sắp đến đây, trong khi anh em mình có bao nhiêu thứ phải bàn bạc riêng với nhau, - Harold bực dọc nói.

- Anh bình tĩnh, - Alfred nói. - Tối nay chúng ta tha hồ bàn bạc. Còn lúc này, chúng ta sẽ tra khảo bà ta, buộc bà ta phải phun ra những điều chúng ta cần biết...

Bà Marple nói với Emma Crackenthorpe:

- Cảm ơn tiểu thư đã có nhã ý mời tôi đến uống trà với gia đình ta.

Trong tấm khăn san che đầu và khăn lông chồn quàng cổ, bà khách là biểu tượng của một mệnh phụ già, với nước da hồng hào nổi bật trên nền tấm lông thú màu hơi sẫm. Vẻ mặt tươi vui, bà Marple quan sát từng người: Harold lúc nào cũng lịch sự, Alfred cố tỏ ra là con người dễ mến và Cedric đứng trước lò sưởi, có vẻ không vui.

Emma lễ phép nói:

- Chúng tôi rất sung sướng được bà đến thăm.

Lucy đưa bà Marple đến ngồi vào ghế nệm bên cạnh lò sưởi đang cháy. Bà cảm ơn Alfred, người liên tục mời bà dùng bánh xăng-đuých.

Ông để mặc tôi... Vâng, tôi xin dùng thứ kẹp trứng và cá mòi. Các ông biết không, vào tuổi tôi nên ăn nhẹ: phải thận trọng tối đa.

Alfred nghiêng đầu cung kính. Bà Marple nói với Emma:

- Dinh cơ của tiểu thư đẹp quá! Và sung sướng thay có tất cả các anh em bên cạnh. Nhiều gia đình mỗi người mỗi nơi, đâu được sum họp đầm ấm thế này.

Một ông anh và một cậu em tôi cư trú ở London, cũng không xa đây mấy.

- Quý hóa quá!

Riêng anh Cedric tôi là họa sĩ, sống ở tận thành phố Ibiza trên quần đảo Baleares.

- Nghệ sĩ hay thích sống ngoài đảo!.. Chopin thích đảo Maorque... Nhưng ta nên nói về giới hội họa... thì như Gauguin, các tác phẩm của ông ta được đánh giá rất cao. Nhưng sao tôi không thích những bức vẽ phụ nữ thổ dân: màu vàng nâu gợi cho tôi cảm giác bứt rứt!

Cedric không nhịn được, bật cười. Rồi ông ta xoay ngay sang đề tài khác:

- Thưa bà Marple, xin bà kể cho chúng tôi nghe về tuổi thơ của cô Lucy.

Bà Marple bắt đầu vui vẻ kể về những kỷ niệm thì bác sĩ Quimper bước vào. Sau khi chào bà khách, ông ta đưa mắt nhìn mọi người, rồi quay sang hỏi Emma:

- Tôi hy vọng thời tiết xấu thế này, cha cô không ra ngoài chứ?

- Không. Cha tôi bảo thấy trong người khó chịu... và không muốn tiếp khách, chắc thế, - bà Marple nói thêm, với nụ cười mỉm ở khóe môi. - Cha tôi ngày xưa cũng hệt như vậy. Cụ thường bảo mẹ tôi: “Lại một mụ già đến dự bữa ăn chứ gì? Tôi không xuống đâu, bảo đứa nào mang thức ăn lên phòng giấy cho tôi.”

- Xin bà đừng nghĩ là... - Emma chưa kịp nói hết câu thì bị Harold cắt ngang:

- Mỗi khi các con trai về, bao giờ cha tôi cũng yêu cầu đem bữa ăn phụ lên phòng cụ. Đấy là thứ thuộc phạm vi tâm lý học, đúng không, ông bác sĩ?

Bác sĩ Quimper đang liên tiếp bỏ vào miệng hết chiếc xăng-đuých này đến chiếc ga-tô khác, nhai nhồm nhoàm theo kiểu một con người trong các bữa chính thường không được ngồi ăn đàng hoàng cho đến hết bữa. Viên bác sĩ cố nuốt trôi miếng thức ăn đang nhai trong miệng rồi mới đáp:

- Tâm lý học chỉ tốt khi trong tay các nhà chuyên môn về nó, khốn nỗi bây giờ ai cũng cho mình thành thạo về nó. Các bệnh nhân của tôi nói huyên thuyên về các hiện tượng thần kinh rồi ức chế, không cho tôi yên ổn chẩn đoán nữa. Vâng, thưa cô Emma, xin cô một tách trà nữa. Bữa trưa nay tôi chưa được ăn no.

- Cuộc đời bác sĩ là một chuỗi liên tiếp những hy sinh, - bà Marple nói khẽ.

- Nhận xét của bà chứng tỏ bà chưa phải khám nhiều bác sĩ. Thực tế là chúng tôi luôn bị mọi người coi là lạnh lùng. Dù sao thì thời nay chúng tôi luôn được trả tiền, vì ai cũng muốn hưởng tối đa các quyền lợi xã hội. Do đấy, một đứa trẻ ho hai lần, hoặc nhai liền hai quả táo xanh, thế là đang nửa đêm người ta cũng gọi bác sĩ đến... Nhưng thôi, ta không nên sa đà vào đề tài này. Bánh ga-tô cô làm rất ngon, cô Emma ạ.

- Không phải tôi mà là chị Lucy.

Bác sĩ Quimper cãi:

- Nhưng những lần khác, cô làm cũng rất ngon.

Khuôn mặt Emma hơi ửng đỏ. Cô nói:

- Bác sĩ muốn vào thăm cha tôi không?

Bà Marple nhìn theo lúc hai người bước ra khỏi phòng khách.

Bà nhận xét:

- Tiểu thư Emma rất tận tụy với cụ.

Cedric mỉa mai nói:

- Tôi vẫn chưa cắt nghĩa được nguyên nhân sự tận tụy ấy với cha chúng tôi đấy.

Harold vội nói chen vào:

- Anh đừng nên quên rằng Emma được hưởng cuộc sống rất êm đềm tại Rutherford Hall.

Alfred nói:

- Dù sao chị Emma cũng biết chị ấy phải làm gì: chị ấy sinh ra để sống không chồng!

Bà Marple khẽ nháy mắt:

- Cậu tin như vậy ư?

Harold lại chen vào:

- Anh Cedric lại không nghĩ như thế...

Bà Marple nói:

- Tôi cũng nghĩ như ông Cedric. Tiểu thư Emma thuộc loại phụ nữ lấy chồng muộn, có vậy thôi. Và họ thường rất hạnh phúc.

Cedric kêu lên:

- Nhưng ở nơi hẻo lánh này khó kiếm chồng lắm. Trong số đàn ông đến đây ít người có ý định lấy vợ.

Bà Marple lại nháy mắt:

- Có đấy: các mục sư, các bác sĩ.

Bà đưa cặp mắt ranh mãnh nhìn từng người. Rõ ràng bà ám chỉ ai, điều mà không ai ở đây nghĩ đến và cũng không ai coi đấy là điều hay ho.

- Đã đến lúc tôi phải xin cáo từ, - bà Marple nói. - Rất cảm ơn về cuộc tiếp đãi hôm nay. Cuộc viếng thăm này giúp tôi biết được sinh hoạt gia đình ta và khung cảnh cuộc sống của cháu gái tôi.

- Khung cảnh của một vụ án! - Cedric nhấn mạnh.

Harold khẽ kêu lên một tiếng giận dữ, nhưng bà Marple tế nhị làm như không nghe thấy. Quay sang Cedric, bà khẽ ho một tiếng rồi nói với ông ta:

- Nhìn ông, tôi nhớ đến cậu Thomas Eade, con trai giám đốc nhà băng của tôi trước kia. Thomas cũng luôn làm người khác sợ và rất không ưa ngành ngân hàng tài chính. Vì thế cậu ta bỏ sang sống ở thuộc địa. Mãi khi cha cậu ta chết, Thomas mới về và được thừa kế một gia tài kếch sù. Tôi phải nói thêm rằng cậu ấy từ đó thay đổi hẳn tính nết, rất khó khăn trong việc chi tiền.

Cedric chưa kịp hết cơn sửng sốt thì bà già đã đi ra cửa, Harold tiễn theo. Sau khi đóng cửa lại, Harold khinh bỉ nói với Alfred:

- Vậy mà cậu bảo sẽ “tra khảo” bà ta!

Lucy đưa bà Marple về nhà bằng ôtô của cô. Trên đường trở lại Rutherford Hall, một bóng người hiện ra trước ánh đèn pha đúng lúc xe quặt vào khu trang viên. Lucy nhận ra Alfred đang giơ tay vẫy.

Lúc hai người vào nhà, anh ta nói:

- Trong này ấm áp quá. Vừa rồi tôi định đi bắt bộ thể thao, nhưng trời lạnh quá, tôi bị cóng. Vậy là bà cụ về đến nhà rồi chứ?

- Vâng. Dì tôi bảo buổi đến thăm gia đình hôm nay làm bà rất hài lòng.

- Tôi cảm thấy rõ bà cụ vui vẻ. Người già thèm chỗ đông người, cho dù chỗ ấy chẳng có gì vui. Và tôi nghĩ rằng về mặt vui, dinh cơ Rutherford Hall này kém nhất. Tôi ở đây hai ngày đã thấy ngán quá rồi, vậy mà sao chị chịu được cái nơi buồn tẻ này, Lucy?..

- Nhưng cuộc sống ở đây tôi lại không thấy buồn tẻ. Có lẽ vì tôi chỉ ở đây một thời gian ngắn.

- Tôi quan sát cách sống của chị và phải công nhận chị có rất nhiều tài. Kể cả tài nấu nướng, rửa đĩa bát.

- Anh quá khen, nhưng quả thật tôi thích loại việc này hơn việc văn phòng.

- Nhưng thiếu gì cách kiếm sống? Chị thừa sức kiếm sống mà chỉ cần dựa vào sức của chính chị.

- Thì tôi đang làm như thế. Tôi định nói ý khác kia. Thí dụ chị có thể sử dụng khả năng của chị để tạo cho chị một cuộc sống hoàn toàn độc lập... để chị thoát khỏi...

... Thoát khỏi cái gì?

- Thoát khỏi mọi quy địnhcủa những luật lệ ngu xuẩn đang gò ép tất cả chúng ta. Chị có thể tìm được cách sống như thế nếu chị khôn khéo tránh các rủi ro. Chị thừa sức làm được như thế. Tôi hỏi thật nhé: gợi ý của tôi có làm chị thích thú không?

- Tôi chưa hình dung được cụ thể lắm. Hay anh muốn giúp anh bán các thứ hàng giả?

- Không cần làm thứ việc nguy hiểm ấy. Cần khôn khéo để chỉ đi trên rìa sự bất hợp pháp. Chị sẽ thấy vô cùng thích thú khi chúng ta bất chấp bọn đạo đức đủ loại. Tất nhiên muốn làm thế cần phải có vốn.

- Về mặt này, tôi e không thoả mãn được anh.

- Chị tưởng tôi gọi vốn hẳn? Không đâu. Tôi có tiền. Chỉ ít lâu nữa thôi. Cụ thân sinh đáng kính của tôi rồi cũng đến ngày phải chết, cụ sống mãi thế nào được? ... Thế nào, chị nghĩ sao về đề nghị của tôi, Lucy?

- Điều kiện là thế nào?

- Ta sẽ kết hôn đàng hoàng, nếu chị thấy cần làm thế. Tôi đoán rằng phụ nữ dù thông minh, tự lập đến mấy vẫn cứ cần thứ thủ tục ấy. Thêm nữa, luật pháp quy định vợ không bị buộc phải làm nhân chứng chống lại chồng.

- Chà, điều kiện ấy tôi không thú lắm.

- Ta không đùa giỡn nữa, được không? Lucy, cô biết không, tôi rất yêu cô!

Tuy ngạc nhiên, nhưng Luky thấy Alfred không phải không có sức hút. Thậm chí anh ta còn có nhiều nét quyến rũ nữa. Phải chăng ở cặp mắt? “Anh ta có cặp mắt dịu dàng” - Lucy thầm nghĩ. Nhưng trấn tĩnh lại được, cô phá lên cười, gỡ cánh tay chàng trai lúc này đã ôm ngay người cô.

- Bây giờ không phải lúc đùa giỡn. Tôi phải đi nấu bữa tối.

- Tất nhiên rồi. Cô là một đầu bếp tuyệt vời. Hôm nay, cô cho chúng tôi ăn những món gì?
Bình Luận (0)
Comment