Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 136


Nói tới Đào Tam gia thì mấy ngày nay ông ấy đều ngây người ở trấn trên cùng Phan chưởng quầy và Lý chưởng quầy thương lượng chuyện hôn sự của bọn nhỏ.

Sau khi tìm bà mối ông lại chọn ngày.

Ông còn tới chùa Linh Thủy tìm Trương tiên nhân chọn ngày tốt cho hai đứa nhỏ.

Thanh danh của Trương tiên nhân vang xa, ngày càng có nhiều người tới tìm ông ấy để hợp bát tự.

Đào Tam gia phải xếp hàng nửa ngày mới tới lượt.
Trương tiên nhân có trí nhớ không tồi, vẫn nhớ rõ Đào Tam gia.

Đương nhiên, nếu không phải lúc ấy Phan chưởng quầy đưa 10 lượng bạc thì hẳn ông ta cũng chẳng nhớ người này.

Trương tiên nhân nhìn nhìn bát tự của hai đứa nhỏ và lật hoàng lịch sau đó nói: “Muốn đón dâu cùng một ngày thì ngày thích hợp nhất là ngày 10 tháng 10.”
Đào Tam gia tính toán, lúc này mới tháng hai, còn phải đợi hơn nửa năm nữa thì vội la lên: “Tiên nhân à, không còn ngày nào khác thích hợp ư?”
Trương tiên nhân sờ sờ râu nói: “Còn một ngày nữa cũng thích hợp!”
“Là ngày nào vậy?”
“Ngày 12 tháng chạp.” Trương tiên nhân vuốt râu bày ra bộ dạng cao thâm.
Đào Tam gia vừa nghe thì nghĩ thầm còn không bằng ngày 10 tháng 10.
Trương tiên nhân cười nói: “Nhà ông mà đúng thật là tam hỉ lâm môn thì tốt nhất chọn ngày 12 tháng chạp ấy! Song hỉ thì chọn 10 tháng 10 sẽ hợp hơn! Làm sớm không được, muộn không được, lão nhân à, ông cứ an tâm chờ đi.

Ba bốn năm ông còn chờ được, thêm mấy tháng cũng có là gì!”
Đào Tam gia gật đầu, cười tủm tỉm móc bạc ra trả tiền rồi cưỡi con lừa trở về Đào gia thôn.
Buổi tối đó ông thương lượng với Lý thị thế là bà ấy nói: “Tháng 10 cũng được, như thế cũng có thời gian đầy đủ để chuẩn bị sính lễ.

Chẳng qua ta nghe tiên nhân nói tới 12 tháng chạp hình như có ẩn ý!”
“Ta chẳng hiểu bà nói gì.

Bà còn khó đoán, thần bí hơn cả Trương tiên nhân.” Đào Tam gia thổi râu nói.
Lý thị quả thực thần bí cười nói: “Ông nhờ tính ngày cho Đại Bảo và Nhị Bảo thì Trương tiên nhân chỉ cần nói ngày 10 tháng 10 cho ông là được, cần gì đưa ra một cái ngày khác phù hợp cho tam hỉ lâm môn chứ? Ta thấy Trương tiên nhân hẳn đã nhìn ra nhà ta năm nay khẳng định sẽ có ba cái đám cưới!”

Đào Tam gia nhìn bộ dạng vợ thần bí thì cáu: “Có chuyện gì thì bà nói luôn đi, đừng có câu giờ nữa!”
Lý thị ghé sát vào thấp giọng nói: “Việc hôn sự của Thanh Lan không phải do ta giúp đỡ thu xếp ư? Ta thấy Tam Bảo nhà chúng ta là thích hợp nhất.

Cô nương tốt như thế mà gả tới nhà người khác thì còn không bằng gả cho Tam Bảo nhà chúng ta.”
Đào Tam gia cười híp mắt khen: “Bà đúng là thông minh, sao bà nghĩ ra chứ?”
“Cũng là vợ lão ngũ nhắc nhở thì ta mới nghĩ đến.

Dù sao muốn báo đáp ân tình của anh em họ thì chẳng bằng cưới Thanh Lan vào nhà rồi yêu thương con bé.

Đây không phải cách báo đáp tốt nhất ư?” Lý thị nói.
Đào Tam gia nghĩ nghĩ rồi nói: “Bà đi hỏi thử ý con bé sao đã.

Nếu người ta không muốn chúng ta cũng không thể cưỡng ép!”
Lý thị gật đầu nói: “Ngày mai ta sẽ để Nữu Nữu đi tìm hiểu một chút, người làm trưởng bối như chúng ta trực tiếp hỏi thì không tiện.

Dù con bé có không đồng ý nhưng vì mặt mũi có thể sẽ đồng ý, như thế chẳng phải tốt thành dở à?!”
Đào Tam gia cười: “Chuyện này nếu mà thành thì nhà chúng ta thật là tam hỉ lâm môn! Nếu Tứ Bảo cũng có người thích hợp thì tứ hỉ lâm môn cũng được ấy chứ!”
“Được rồi, Trương tiên nhân chỉ nói tam hỉ, ông đừng có mà tham quá!” Lý thị khinh bỉ chồng.
Ngày hôm sau Lý thị kéo Tam Bảo vào phòng thì thầm một hồi mới gọi Nữu Nữu vào dặn dò một lúc.

Sau đó chỉ thấy Nữu Nữu hớn hở chạy đi tìm Ân Thanh Lan.
Ân Thanh Lan vừa lúc cảm thấy không khỏe nên rúc trong phòng thêu mặt giày.

Nữu Nữu vào phòng thì chỉ nhìn nàng ấy rồi cười ngây ngô.

Ân Thanh Lan bị nhìn chằm chằm thế là trong lòng hoảng hốt, dỗi nói: “Nữu Nữu muội muội cứ nhìn ta cười ngây ngốc làm gì? Quá dọa người!”
Nữu Nữu thò lại gần cầm lấy mặt giày trong tay nàng kia bỏ qua một bên rồi nhìn thẳng Ân Thanh Lan và nghiêm túc hỏi: “Thanh Lan tỷ, ta hỏi tỷ chuyện này tỷ phải trả lời thật đấy nhé?”
Ân Thanh Lan gật đầu.
Nữu Nữu không biết uyển chuyển là gì vì thế trực tiếp hỏi: “Thanh Lan tỷ có nguyện ý gả cho tam ca của ta hay không?”
Mặt Ân Thanh Lan thoắt cái đỏ bừng, nàng ấy đoạt lấy mặt giày tiếp tục thêu và không nói gì.

Trong lúc hoảng loạn nàng còn đâm kim vào tay, đành phải bỏ vào miệng m*t nhưng vẫn không chịu tỏ thái độ.
Nữu Nữu tiếp tục hỏi: “Thanh Lan tỷ nói gì đi! Tỷ thấy sao! Ta cảm thấy tỷ gả cho tam ca của ta rất tốt.

Huynh ấy bộ dạng đẹp, làm việc cần mẫn, đối xử với người khác cũng tốt, mà quan trọng hơn là tỷ sẽ không cần gả xa, cách ca ca cũng gần! Đây không phải tâm nguyện của tỷ sao!”
Ân Thanh Lan dỗi: “Đại cô nương sao nói cái này mà không đỏ mặt chứ!”
Nữu Nữu cười hì hì: “Còn lâu ta mới đỏ mặt! Mà sao mặt tỷ đỏ thế?”
Ân Thanh Lan quay đầu đi không nói gì thế là Nữu Nữu lại hỏi một phen lúc này Ân Thanh Lan mới nhỏ giọng nói: “Ta phải thương lượng với ca ca đã!”
“A! Cái này cần gì phải thương lượng.

Nếu tỷ không thích thì không sao, đừng ngượng ngùng, dù tỷ không gả cho tam ca thì chúng ta vẫn là chị em tốt!” Nữu Nữu nói.
Ân Thanh Lan đỏ mặt, ấp úng thật lâu mới hỏi: “Tam ca của muội nghĩ sao?”
“Tam ca đương nhiên bằng lòng!” Nữu Nữu nói xong mặt Ân Thanh Lan càng đỏ hơn.

Nhưng Nữu Nữu vẫn nói tiếp: “Thanh Lan tỷ, vậy tỷ thương lượng với Ân ca ca đi, nếu không thích thì nhất định phải nói với ta đó!”
Ân Thanh Lan gật đầu.

Chờ nàng thương lượng xong với Ân Tu Trúc mới báo với Nữu Nữu là mình đồng ý.
Ngày thường Tam Bảo và Ân Thanh Lan đều thoải mái hào phóng nhưng hiện giờ vừa gặp cả hai đã đỏ mặt như trứng tôm nấu chín.

Cả nhà Đào Tam gia thì đều vui mừng vì chuyện này, bản thân Đào Tam gia vui tươi hớn hở chuẩn bị ba phần sính lễ.
Vào tháng ba Đại Bảo ăn sinh nhật thì nhà của Ân Tu Trúc cũng làm xong, thềm đá cũng đã dựng rào chắn vững chãi.

Già trẻ lớn bé trong thôn đều tới cửa xem, có người khen bậc thang đá bền chắc, có người khen nhà xây khí phái.

Ân Tu Trúc chuẩn bị kẹo, điểm tâm chiêu đãi mọi người, thái độ của hắn nhiệt tình hào phóng khiêm tốn có lễ nên nhanh chóng nhận được hảo cảm của mọi người.
Nhà mới đã xây xong nên Ân Tu Trúc lập tức tính toán cùng em gái dọn vào ở.

Lý thị khuyên can mãi, nói là nhà mới còn ẩm, hơn nữa nồi niêu, gia cụ chưa đủ, cứ mua sắm dần, tới hè vào ở cũng không muộn.

Ân Tu Trúc tự than thở mình suy nghĩ không chu đáo nên cảm tạ Lý thị và tiếp tục ở Đào gia.
Bà mối của nhà Đào Tam gia bắt đầu hành động.

Sau khi trao đổi thiếp canh Đào Tam gia lại tới chùa Linh Thủy hợp bát tự cho Tam Bảo và Ân Thanh Lan.

Bát tự hợp thế là ông lại hớn hở bỏ tiền mà Trương tiên nhân cũng cười tủm tỉm đón lấy đồng thời chúc mừng ông tam hỉ lâm môn.

Đương nhiên ngày đã sớm được định sẵn vào 12 tháng chạp.
Sính lễ dựa theo truyền thống của Đào gia thôn gồm 9 lượng 9 tiền sính lễ, một gánh bánh hỉ, hai đôi gà, một nửa thân sau của con lợn còn nguyên hai cái đùi, hai con cá lớn, bốn vò rượu, bốn loại kẹo khác màu, bốn loại quả khác màu, bốn hộp trà, bốn bao đậu các màu, mười hai cân gạo nếp, ba cân 2 đường cát, hương pháo và các thứ linh tinh khác.

Nhà gái cũng dựa theo kích thước tân phòng mà chế tạo gia cụ, mua sắm của hồi môn.
Cha con Tần thợ mộc giúp đỡ Ân Tu Trúc xây nhà xong lại gấp gáp giúp Ân Thanh Lan làm của hồi môn.

Vì tình huống đặc thù của anh em nhà họ Ân nên của hồi môn cũng dựa theo kích thước của nhà Đào Tam gia mà đặt mua.
Chờ mùa hè qua đi anh em Ân Tu Trúc chọn ngày tốt dọn vào nhà mới.

Hôm ấy là ngày vui, cả nhà Đào Tam gia đều tới dự.

Lý thị và con dâu vào bếp làm cơm, lo liệu một bàn thức ăn và đồ nhắm thật lớn để mọi người ăn mừng một phen sau đó mới rời đi.
Lúc Ân Tu Trúc tới Đào gia thôn có mang theo 3 con ngựa, hiện tại hắn chỉ dắt một con để dùng, hai con kia để lại nhà Đào Tam gia.

Hắn khuyên ông làm lưỡi cày rồi buộc ngựa vào để tụi nó giúp cày ruộng.

Nhưng Đào Tam gia kiên trì không nhận, nói là trong nhà có con lừa là đủ.

Ân Tu Trúc lại nói đây là của hồi môn của em gái hắn.

Hai bên cứ thế giằng co, đến cuối cùng Đào Tam gia chỉ đồng ý nhận một con, còn Ân Tu Trúc đành phải dắt hai con kia về nhà mình.
Địa thế của nhà họ Ân rất tốt, đứng ở cửa là thấy toàn bộ Đào gia thôn.

Các nhà thấp thoáng trong rừng cây, vào lúc cơm trưa nhà nhà lượn lờ khói bếp, còn mơ hồ có tiếng trẻ con truyền tới cùng tiếng gà gáy, tiếng chó sủa.

Mọi thứ quả thật an bình lại yên vui.
Nữu Nữu cắt chút tường vi cắm bên rào tre nhà họ Ân, lại mang chút hoa cỏ tới trồng ở góc sân.

(Hãy đọc truyện này tại trang Rừng Hổ Phách) Ân Tu Trúc cảm tạ và tặng nàng một bức tranh sơn thủy hắn vẽ Đào gia thôn.


Nữu Nữu vừa thấy đã vui mừng chỉ vào một đống phòng ốc và reo lên: “A! Đây là nhà ta! Đây là nhà Ngũ gia gia, a a! Còn có thể thấy nhà của tộc trưởng gia gia, nhưng sao nhà ta lại to nhất nhỉ?!”
Ân Tu Trúc giải thích: “Gần thì to mà xa thì nhỏ, nhà cửa ở thôn đông cách đây khá xa nên thoạt nhìn nhỏ hơn.

Không tin cô nương đứng ở đây mà xem!”
Nữu Nữu đứng ở cửa viện nhìn ra xa thì quả nhiên tin phục.

Nàng cẩn thận cuộn tấm tranh lại còn Ân Tu Trúc thì lấy ra một đoạn tơ hồng hỗ trợ nàng buộc tranh.
“Ân ca ca, dòng suối ở sân sau nhà huynh khá tốt, sư phụ làm đá còn tạo một cái hồ nhỏ cho huynh nữa, đỡ cho huynh phải đi đường xa gánh nước! Hơn nữa suối kia thực đẹp, ùng ục ùng ục bắn lên bọt nước, giống như có cá giấu ở bên trong.” Nữu Nữu liến thoắng.
Ân Tu Trúc cười nói: “Có mắt suối này thì quả là đỡ được nhiều việc, hơn nữa nước suối trong vắt, lại ngọt lành, pha trà cực tốt.

Nếu Nữu Nữu cô nương thích có thể thường xuyên tới tìm Thanh Lan nhà ta uống trà đàm đạo.”
Ân Thanh Lan cũng nói: “Đúng vậy, đúng vậy, dọn tới đây rồi không có ai nói chuyện cùng.

Nữu Nữu muội muội phải thường xuyên tới thăm chúng ta nhé!”
“Được, chỉ cần tỷ đứng ở cửa viện gọi một tiếng là ta tới ngay!” Nữu Nữu nói xong lại chỉ về phía nhà mình, “Ta sẽ bảo Tam ca tìm cho tỷ một con chó con để nuôi trong nhà, lại nuôi thêm một con mèo con nữa.

Nhìn chó con và mèo con đánh nhau sẽ không cô đơn đâu.” Nữu Nữu bổ sung thêm.
Ân Tu Trúc nói: “Đúng rồi, quên mua heo con.

Không phải Thanh Lan muốn học nuôi heo à?”
Nữu Nữu cười nói: “Không đợi Thanh Lan tỷ nuôi heo béo thì đã gả tới nhà chúng ta rồi, vậy tốt nhất là dắt luôn heo tới nhà ta đi!”
Ân Thanh Lan đỏ mặt e thẹn: “Không nói chuyện với muội nữa!”
Nữu Nữu vội vàng nhận lỗi: “Thanh Lan tỷ, ta sai rồi, ta nhận sai không được sao?!”
Ân Thanh Lan nghe thế lại nở nụ cười.
Nữu Nữu nói: “Ta sẽ đi cắt ít mai tới cắm quanh bậc thang, như thế tới năm sau là cả đỉnh núi đều thơm nức.”
Ân Tu Trúc lại cảm tạ một phen.

Nữu Nữu cũng không ở lại lâu mà cáo từ luôn: “Ân ca ca, Thanh Lan tỷ, ta đi trước đây.” Nói xong nàng cầm tranh nhảy nhót xuống núi.
Hai anh em họ Ân nhìn nàng đi xuống hết bậc thang rồi mới quay vào.

Vì mới dọn vào nhà mới nên có rất nhiều việc họ phải dọn dẹp xử lý.

Hai anh em lập tức bận lu bu..


Bình Luận (0)
Comment