Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 32


Ngọn đậu Hà Lan lại mọc ra một hàng, đã đủ để ngắt mang đi bán, trứng gà cũng tích được trăm cái vì thế Đào Tam gia quyết định sẽ lên trấn trên họp chợ.

Bọn họ chọn ngày học đường nghỉ bởi vì lúc trước đã hứa sẽ cho bọn nhỏ đi cùng, mà Đào Tam gia là người nói chuyện giữ lời.
Vào chạng vạng trước ngày họp chợ, Lý thị và hai cô con dâu đi ngắt đầy một sọt ngọn đậu Hà Lan, ngoài ra còn có dưa chuột, đậu đũa và cả cải bẹ.

Mùa hạ rau dưa nhiều, lúc này họp chợ mang đi bán coi như đổi chút tiền mua đồ trong nhà.
Đào Tam gia vừa hút thuốc vừa nói: “Lão thái bà, nhiều đồ ăn như thế, còn có trứng gà và cả bốn thằng nhóc nữa thì cõng làm sao hết?”
Lý thị đang vùi đầu sửa sang lại rau dưa nghe thấy thế thì ngẩng đầu nói: “Không cần ông nhọc lòng, ta biết chừng mực!” Lý thị nhặt những cây đậu đũa không bị sâu và dài đều nhau rồi bó thành từng bó và dùng rơm bó lại.

Từng bó rau chồng chất bên chân bà ta.
Lưu thị tìm một cái sọt lớn sạch sẽ mang tới sau đó bẻ lá cải bẹ đi chỉ để lại phần thân.

Cái thứ này cứng, không sợ bẹp nên nàng ta để chúng nó xuống đáy sọt.

Bên trên để một tầng cỏ lót sau đó chất đống dưa chuột và cây đậu đũa.
Trương thị thì đang cẩn thận trải rơm xuống đáy một cái sọt khác và bỏ trứng gà lên, cứ thế một tầng rơm lại một tầng trứng gà, cuối cùng là một tầng rơm thật dày ở trên cùng.

Ngọn đậu Hà Lan được bó lại bỏ vào trên trứng gà, cái này nhẹ, lại cách một tầng rơm nên không cần lo trứng bị vỡ.
Như vậy trong ba người Đào Tam gia, Trường Phú và Trường Quý có hai người phải cõng rau dưa và trứng gà, còn lại một người cõng mấy đứa nhóc.

Nhưng có tới 4 đứa, chui trong cùng một cái sọt là không được rồi.
Sau khi ăn cơm chiều người một nhà theo lệ thường ngồi hóng mát trong sân.


Đào Tam gia nói: “Đại Bảo, Nhị Bảo, ngày mai họp chợ mấy đứa phải tự đi, Tam Bảo và Tứ Bảo còn nhỏ nên khẳng định là phải có người cõng.”
Đại Bảo và Nhị Bảo lộ đôi mắt sáng lấp lánh gật đầu, tụi nó đã sớm hạ quyết tâm nhất định phải lên trấn trên xem.
Tam Bảo không phục nói: “Ông nội, cháu cũng có thể tự đi lên trấn trên, không cần cõng đâu!”
Đào Tam gia gõ gõ tẩu thuốc và cười nói: “Được lắm, có chí khí, ông sẽ chống mắt lên xem!”
Tam Bảo lập tức ngẩng đầu ưỡn ngực, bộ dạng nói được làm được.
Tứ Bảo biết rõ thực lực của mình nên không dám nói ngoa, hắn dùng ánh mắt xin giúp đỡ nhìn về phía cha mình thế là Trường Quý cười xoa đầu hắn.
Lý thị vui vẻ nói: “Hầy, ta thấy vẫn nên mang hai đứa đi thôi, lần sau lại mang hai đứa còn lại.

Đường xa như thế mà để Đại Bảo và Nhị Bảo tự đi thì ta không yên tâm lắm.”
Mấy tên nhóc lập tức rối rắm nhìn Đào Tam gia lại chỉ thấy ông ta phun một ngụm khói và không nói gì.
Đại Bảo và Nhị Bảo liếc nhau, tuy thất vọng lộ rõ trên mặt nhưng tụi nó vẫn tỏ vẻ lần này để hai đứa em đi trước, còn tụi nó sẽ chờ lần sau.
Đào Tam gia cười nói: “Thôi đi hết đi, người làm chủ gia đình như ta vẫn phải nói được làm được trước mặt cháu mình! Đường xa thì nghỉ nhiều chút, Đại Bảo và Nhị Bảo cũng không phải đứa yếu đuối, ta tin tưởng hai đứa nhất định có thể đi lên trấn trên, lúc về ta cõng là được.”
Đại Bảo và Nhị Bảo lập tức vui vẻ cười híp mắt, Lý thị nhìn tụi nó một cái và cũng không nhiều lời nữa.

Bà ta đứng dậy đi chuẩn bị nước và lương khô cho ngày mai.

Chờ đêm lạnh xuống người một nhà mới về phòng đi ngủ.
Người lớn nhanh chóng chìm vào giấc ngủ nhưng bọn nhỏ lại kích động tới độ khó mà ngủ được.

Ở phòng phía tây Nhị Bảo và Tứ Bảo hưng phấn nói chuyện họp chợ.

Ở phòng phía đông thần ngủ Nữu Nữu đã ngáy khò khò mà Đại Bảo và Tam Bảo vẫn trợn tròn mắt nằm trên giường.

Đại Bảo đột nhiên nhớ tới cái gì thế là xoay người ngồi dậy cẩn thận chui ra khỏi giường.

Ra ngoài rồi hắn lập tức xoay người dém màn lại cẩn thận.
Tam Bảo ngồi dậy hỏi: “Ca, huynh làm gì thế?”
“Đệ đừng ra ngoài, cẩn thận muỗi vào đó!” Đại Bảo nói.
Tam Bảo đáp vâng sau đó ngồi trên giường chờ.

Màn giường dày nên hắn cũng không nhìn thấy bên ngoài thế nào mà chỉ có thể ngoan ngoãn chờ.
Ánh trăng chiếu vào từ ngoài cửa sổ nên trong phòng cũng không tối.

Đại Bảo dẫm lên ghế lấy hai cái bình từ trên nóc tủ xuống đặt lên bàn rồi đuổi mấy con muỗi vo ve sau đó nhanh chóng chui vào trong màn.
“Ca, huynh làm gì thế?” Tam Bảo hỏi tiếp.
“Ta vừa nhớ ra lúc cấy mạ ông nội để ta phơi đỉa, còn có xác ve chúng ta nhặt được, ngày mai có thể mang lên trấn bán.

Ta sợ mai dậy sớm quên mất nên bỏ xuống bàn trước.” Đại Bảo nằm xuống nói.
“À đúng, huynh không nói đệ cũng quên luôn.” Tam Bảo cũng nằm xuống.
“Mau ngủ đi, ngày mai canh năm đã phải dậy rồi đó.” Đại Bảo nhắm mắt lại.
“Ca, huynh ngủ được sao? Đệ không ngủ được! Đệ đoán nhị ca và Tứ Bảo khẳng định cũng không ngủ được.” Tam Bảo cười nói.

“Ca, huynh nói trấn trên có bộ dạng gì?”
“Ta cũng không biết, ngày mai đi sẽ biết thôi, mau ngủ đi, đừng đánh thức Nữu Nữu.” Đại Bảo lật người dưa lưng về phía Tam Bảo.
Tam Bảo cũng không nói chuyện nữa mà chậm rãi ngủ thiếp đi trong niềm khát khao.

Giống như mới nháy mắt Đại Bảo, Tam Bảo đã bị Lưu thị nhẹ nhàng lay dậy.

Đại Bảo xoay người lập tức dậy còn Tam Bảo thì vẫn nũng nịu đòi ngủ nữa.

Hắn bị đánh thức thì cáu, đang định há miệng khóc lại bị Lưu thị che miệng ghé bên tai nói nhỏ: “Con dám khóc nương sẽ không cho con đi họp chợ nữa.”
Cái từ họp chợ này đúng là thần dược chữa bệnh ngủ nướng của Tam Bảo.

Hai mắt hắn tỏa sáng, nhanh chóng bật dậy mặc quần áo.
Lưu thị mang theo hai cái bảo đi tới sân sau rửa mặt, Lý thị đã làm xong một nồi bánh canh dưa chuột.
Lý thị múc bánh canh ra từng bát cho từng người rồi đặt lên bàn chờ Đào Tam gia và con cháu cùng rửa mặt xong tới ăn.

Trong lúc ấy bà lại gói bánh rau hẹ cùng nước ấm và đặt vào ba cái sọt ở bên cạnh.
Vì dậy quá sớm nên không có khẩu vị, Đào Tam gia cùng con cháu chỉ ăn một bát là ăn không vào nữa.

Lý thị cũng không khuyên, dù sao lương khô cũng chuẩn bị đầy đủ.
Trường Phú cõng cái sọt đựng cải bẹ, dưa chuột và đậu đũa, Trường Quý cõng sọt đựng trứng gà và ngọn đậu Hà Lan, còn Đào Tam gia cõng cái sọt đựng Đại Bảo, Nhị Bảo và Tam Bảo.
Đại Bảo và Nhị Bảo la hét không chịu chui vào sọt, nói là phải tự đi.

Tam Bảo cũng la hét muốn tự đi.
Đào Tam gia nói: “Bên ngoài còn tối lắm, mấy đứa chưa từng lên trấn trên, còn chưa quen đường, chờ hừng đông ông sẽ để mấy đứa xuống tự đi.

Tứ Bảo thì để cha nó cõng.” Đào Tam gia suy nghĩ rất chu đáo, sọt của ông vừa lúc đựng đủ ba cái bảo, còn sọt của Trường Phú đựng cải bẹ, dưa chuột và đậu đũa nên khá nặng nhưng sọt của Trường Quý đựng trứng gà và ngọn đậu Hà Lan sẽ nhẹ hơn nên có thể công kênh Tứ Bảo trên vai.
Đại Bảo, Nhị Bảo ôm cái bình đựng đỉa khô và xác ve, ở giữa thêm Tam Bảo cùng ngồi trong sọt.

Ba đứa nghiêng người dựa lên lưng ông nội, như thế trọng lượng sẽ nhẹ bớt, Đào Tam gia đi đường cũng dễ hơn.
Ba người cùng bốn đứa nhỏ ra cửa, chờ đôi mắt thích ứng với bóng đêm thì thấy bên ngoài cũng không tối lắm.


Đào Tam gia, Trường Phú và Trường Quý quen làm việc nhà nông nên chút trọng lượng này cũng không có gì khó khăn.

Bọn họ sải bước đi ra ngoài thôn, một đường này có tiếng ếch ngoài đồng, tiếng côn trùng trong bụi cỏ truyền tới làm tâm tình bọn nhỏ cực kỳ sung sướng.
Tụi nó đã quen thuộc với con đường đi ra khỏi thôn.

Lúc này cả đoàn nhanh chóng đi tới bờ sông sau đó bọn họ đi dọc con đường nhỏ ở bờ sông và đi ra ngoài.
Chờ đến khi trời sáng hơn chút Đại Bảo và Nhị Bảo nhao nhao đòi xuống dưới tự đi.

Đào Tam gia đành phải thả tụi nó xuống, Tam Bảo cũng đòi đi theo.
Đào Tam gia muốn đón lấy Tứ Bảo nhưng Trường Quý từ chối: “Cha, ngài nghỉ ngơi đi, đứa nhỏ bằng cái mắt muỗi, con cõng được hắn mà.”
Đào Tam gia cũng chẳng cố chấp mà vui vẻ cõng hai cái bình.
Đứa nhỏ nhà nông từ nhỏ đã chạy khắp núi đồi, lớn lên một chút lại giúp trong nhà làm việc nên thể lực không tệ.

Đại Bảo và Nhị Bảo đi rất nhanh, Tam Bảo còn chạy chậm về phía trước sau đó nghỉ chân chờ đại đội đuổi kịp rồi lại tiếp tục chạy về phía trước.
Con đường núi lúc sáng sớm rất mát mẻ, chim chóc tỉnh ngủ kêu to lảnh lót, có đôi khi bọn họ còn thấy con sóc truyền cành, nếu vận khí tốt còn thấy được con thỏ vụt ra từ bụi cỏ.
Đi được nửa đường Tam Bảo bắt đầu chống đỡ hết nổi.

Hắn không còn chạy chậm về phía trước chờ mọi người nữa mà đi tuốt sau cùng và đổi lại mọi người phải chờ hắn.

Hắn cầm một cành cây trong tay và thở phì phò không có sức.
Về sau người lớn thả chậm bước chân hơn còn Đào Tam gia thì vui tươi hớn hở bỏ Tam Bảo vào cái sọt trên lưng.

Đại Bảo và Nhị Bảo cũng cảm thấy mệt nhưng vẫn có thể kiên trì.

Bọn họ dừng lại uống chút nước sau đó lại tiếp tục đi về phía trước.

Bình Luận (0)
Comment