Chuyện Xưa Ở Đào Gia Thôn

Chương 63


Lý thị đi ra khỏi nhà Đào đại gia thì vội vàng về nhà.

Gió tháng chạp thổi khiến đầu bà càng choáng váng, mặt cũng ngày càng nóng.

Vừa vào tới nhà bà vội nói với con dâu đang làm giày: “Vợ Trường Phú, con lấy hai cân gạo trộn chung với gạo nếp để ngâm đi, ta choáng đầu nên ngủ một lát!”
Lưu thị và Trương thị buông giày trong tay và quan tâm nhìn bóng dáng vội vàng của Lý thị.
Lưu thị nói: “Mẹ Nhị Bảo, nương sao thế? Chân cũng xoắn lại, có phải nương bị bệnh không?”
“Chắc thế, tẩu không thấy mặt nương đỏ ửng lên à? Nhất định là bị phong hàn nên sốt rồi.” Trương thị đáp.
“Đi, chúng ta cùng vào xem, bệnh thành như thế thì phải nhanh đi mời Phùng lang trung!” Lưu thị và Trương thị nói xong lập tức chạy tới chính phòng.
Mấy đứa nhỏ ở trong sân trông coi lạp xưởng và thịt khô nghe thấy mẹ nói chuyện thì cũng lo lắng bà nội bị bệnh.

Đại Bảo lập tức đứng dậy gọi Nhị Bảo cùng hắn vào nhà xem bà nội, còn Tam Bảo và Tứ Bảo được để lại đuổi chim chóc!
Lý thị vừa vào phòng, còn chẳng kịp cởi áo bông đã nằm lên giường.

Lúc này cảm giác choáng váng mới đỡ chút, bà vội kéo chăn đắp lên người, đầu óc mê mang vừa muốn ngủ lại không ngủ được.
Lưu thị và Trương thị theo vào và quan tâm vây quanh đầu giường.

Đại Bảo và Nhị Bảo cũng chen tới, Lưu thị vươn tay sờ trán Lý thị thấy nóng thì sốt ruột, “Nương bị sốt rồi! Đại Bảo, nhanh chạy đi tìm cha con đi mời Phùng lang trung tới đây!”
Lý thị nhắm mắt lại nói: “Đại Bảo đừng đi, ta không sốt mà say rượu!”
“Gì? Say rượu?” Trương thị cao giọng vì ngạc nhiên.
“Ừ, vừa rồi ta tới nhà Đào lão đại hỏi cách làm rượu nếp than thế là đại thẩm của mấy đứa cho ta nếm thử ít rượu nếp, cứ thế là say!”

“Nương, rượu nếp than này sao lại nặng thế?” Trương thị nghi hoặc.
Lưu thị nhanh chóng nói: “Muội cũng biết tửu lượng của nương rồi đó, một chén là gục.”
Trương thị à à rồi mới phản ứng lại, “Cũng phải, tửu lượng của nương như thế thì ăn chút rượu nếp than vào cũng say là phải rồi.”
Lý thị bất đắc dĩ nói: “Không có việc gì thì mấy đứa ra ngoài đi, ta nằm một lát là đỡ, nhớ trộn gạo ngâm chung đó!”
Lưu thị nói: “Nương, cởi áo bông ra rồi hẵng ngủ, ngài mặc cả như thế dễ bị cảm lạnh đó!”
Lý thị mơ mơ màng màng ừ một tiếng và không nói chuyện nữa.
Lưu thị và Trương thị che miệng cười sau đó mang theo hai đứa nhỏ đi ra, tiện tay đóng cửa phòng lại.
Nhị Bảo nói với Trương thị: “Nương, có nước sôi không? Con muốn pha ít trà cho bà nội uống, cái đó có thể giải rượu!”
“Có! Thôi để nương đi pha cho, sắp ăn tết rồi nếu con bị bỏng thì không được!” Trương thị nói xong lập tức đi tới nhà ăn, Nhị Bảo cũng đi theo.
Lưu thị và Đại Bảo lại về sân trước, mấy đứa em lập tức hỏi Đại Bảo về bệnh tình của bà nội thế là tên kia che miệng cười xấu xa nói: “Bà nội say rượu!”
Tam Bảo và Tứ Bảo cũng che miệng cười hì hì quái dị, Nữu Nữu cũng giả vờ cười kỳ quái theo mấy thằng anh nhưng kỳ thật nàng chẳng biết say là cái gì!
Lưu thị trừng mắt nhìn Đại Bảo một cái sau đó buông giày trong tay đi vào nhà bếp ngâm gạo.

Ngâm xong nàng ta lại cầm kẹp sắt trong tay thuần thục lật đậu phụ khô và thịt khô rồi lại thêm chút củi và trấu vào.

Khói dần bốc lên nhưng không thấy ánh lửa, cực kỳ thích hợp hun đồ khô.
Trương thị pha trà xong thì ngâm một lát mới để Nhị Bảo bưng cho Lý thị.

Bà ta uống xong lại ngủ tiếp.
Đào Tam gia ngậm tẩu thuốc về nhà phát hiện Lý thị say ngủ trên giường thì trêu ghẹo vài câu sau đó dọn một cái ghế ra ngoài và cầm theo cái bàn tính lớn để chơi.


Đại Bảo đã rất quen thuộc nên cũng lấy bàn tính nhỏ của mình ra luyện, Nhị Bảo, Tam Bảo và Tứ Bảo thì héo héo, chỉ có Nữu Nữu là ánh mắt lóe sáng, nhìn chằm chằm hạt châu trên bàn tính không chớp mắt.
Đào Tam gia vui tươi hớn hở ôm Nữu Nữu vào lòng và dạy nàng cái gì là lương, phía trên lương có mấy hạt châu, phía dưới lại có mấy hạt, gảy lên mấy hạt, gảy xuống mấy hạt.

Ban đầu Nữu Nữu còn hứng thú dào dạt mà gảy hạt châu, ngón cái, ngón trỏ nghiêm túc gảy nhưng tới sau cô nàng bắt đầu quấy rối.

Hai bàn tay nhỏ đều xòe ra và gẩy loạn hạt châu khiến bàn tính vang tanh tách.
Đào Tam gia cũng không tức mà còn rất vui vẻ, khen Nữu Nữu có thiên phú.

Tam Bảo và Tứ Bảo nhìn thấy thèm nên cũng duỗi móng vuốt tới gẩy bàn tính.

Đào Tam gia cũng để mặc tụi nó chơi, ông tin tưởng chỉ cần bọn nhỏ có hứng thú thì việc dạy dỗ sau đó sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Cơm trưa là do Lưu thị và Trương thị lo liệu, Lý thị ngủ một buổi sáng đầu óc mới hết choáng váng và dậy mặc quần áo đi ăn hai bát cơm.
Thu dọn xong bát đũa Lý thị đốt một chậu than bưng tới giữa sân, vừa sưởi ấm vừa làm giày bông.
Lưu thị ngồi trên ghế nhỏ, trên đùi là sọt kim chỉ, nàng ta đang tỉ mẩn thêu hoa trên áo cho Nữu Nữu.
Trương thị hâm mộ nhìn đóa hoa vài lần rồi nói: “Tay đại tẩu thật khéo, hoa hải đường này thêu giống y như thật!”
Lưu thị hé miệng cười nói: “Muội thêu cũng không kém đâu!”
“Đường may của muội vừa loạn vừa thô, làm giày vớ còn được thứ thêu hoa là muội chịu.” Trương thị cũng tự mình biết mình.
Lý thị dán sát vào nhìn bông hoa hải đường Lưu thị đang thêu và cũng khen: “Vợ Trường Phú đúng là khéo tay, xem đường may mịn chưa này!”
“Nương, ngài thêu thỏi vàng là tốt nhất, ánh sáng rực rỡ, nhìn thật vui mừng!” Trương thị nói.
Lý thị đắc ý cười nói: “Đúng thế, ta rất thích thêu thỏi vàng.


Hai đứa không biết lai lịch cái tên Đại Bảo nhỉ.

Năm ấy trước khi vợ Trường Phú mang thai Đại Bảo ta có mơ thấy một giấc thai mộng, ta thấy một thỏi vàng lấp lánh bay vào trong bụng nàng.

Quả nhiên sau đó vợ Trường Phú có thai.

Sau đó lúc nàng sinh ra Đại Bảo ta lại mơ thấy thỏi vàng, hai đứa nói có phải là duyên không?”
“Thế lúc bọn con sinh mấy cái bảo sau đó nương cũng mơ thấy thỏi vàng à?” Trương thị tò mò hỏi.
Lý thị mang vẻ mặt tiếc nuối nói: “Không có.”
“Hô hô, may mắn năm ấy nương nằm mơ thấy thỏi vàng, chứ nếu mơ thấy đồng tiền gì đó thì chẳng phải Đại Bảo sẽ tên là Đại tiền sao?” Lưu thị cười nói.
Bọn nhỏ ở bên cạnh cũng cười rũ ra, Nhị Bảo, Tam Bảo, Tứ Bảo và Nữu Nữu đều vây quanh Đại Bảo gọi: “Đại tiền, Đại tiền!”
Đại Bảo buồn bực phản bác: “Nhị tiền, Tam tiền, Tứ tiền, Nữu Nữu tiền!”
Nhưng mình hắn khó địch lại bốn đứa kia thế là Đại Bảo đứng dậy muốn chạy.

Mấy đứa em cũng theo sát không bỏ, miệng không ngừng gọi Đại tiền.

(Truyện này của trang Rừng Hổ Phách) Đại Bảo cũng không dám chạy ra khỏi sân vì lo lắng đám bạn khác trong thôn nghe được sẽ khiến cái danh hiệu Đại tiền này của hắn bị truyền ra ngoài.
Lý thị vui tươi hớn hở nhìn Đại Bảo bị đuổi chạy khắp sân, hoàn toàn không ý thức được hậu quả mấy câu nói bản thân vừa thốt ra.

Bà vẫn hứng thú dào dạt ngẩng cao đầu trò chuyện với con dâu về những chuyện xưa cũ.
Sau khi ăn cơm chiều Lý thị cầm gạo nếp lên như bóp thì thấy đã nát, hẳn đã tới lúc.

Bà sai Trường Phú mang theo đèn cùng mình tới nhà Đào Đại gia.
Đào Tam gia nói: “Đã giờ nào rồi bà còn không sợ phiền người ta à?! Chờ ngày mai đi không được sao?!”

Lý thị mắt trợn trắng nói thầm nói: “Ta cũng không muốn thêm phiền cho người ta, nhưng người có thể chờ còn gạo nếp thì không chờ được!”
Đào Tam gia bất đắc dĩ nói: “Đúng là nữ nhân, làm gì cũng không nghĩ, cứ thế làm lung tung!”
Lý thị cũng tủi thân, không phải bà không có kinh nghiệm ư? Sớm biết thế thì ngâm buổi tối và đợi tới sáng là tốt nhất.
“Tháng chạp nên ta cũng lười cãi cọ với ông.” Nói xong Lý thị mang theo Trường Phú ra cửa.
Lý thị và con trai đi thẳng tới thôn đông, chó của mấy nhà nghe thấy tiếng người thì sủa vang.

Lý thị vẫn còn tức nên nghe thấy chó sủa bà cũng mắng: “Kêu cái gì? Ban ngày gặp mặt vẫy đuôi, buổi tối lại trở mặt không nhận người phải không?!”
Trường Phú an ủi: “Nương cáu với tụi nó làm gì? Nó chỉ kêu trong sân chứ có cắn người đâu.”
Lý thị hừ một tiếng và không nói chuyện nữa.

Bọn họ tới ngoài cổng nhà Đào Đại gia thế là Lý thị cao giọng gọi Vương thị.

Người kia thấy thế đi ra mở cửa nói: “Vào ngồi một lát nhé?”
Lý thị nói: “Không được, hôm khác nhé đại tẩu!”
Vương thị lại nói: “Thế chờ ta một lát!” sau đó vào nhà thu thập và vui tươi hớn hở đi ra ngoài, theo bên cạnh là Vĩnh Thịnh.
“Đại tẩu, phiền tẩu tối thế này còn phải ra ngoài một chuyến.” Lý thị ngượng ngùng nói.
“Nhìn muội nói kìa, có gì phiền đâu.” Vương thị không cho là đúng.
“Bà nội, không phải ngài nói lúc ra cửa phải nhắc ngài mang theo men rượu sao? Ngài có mang không?” Vĩnh Thịnh nhắc nhở.
“Ờ nhỉ, xem đầu óc của ta này, cả ngày đều nhắc mãi men rượu nhưng lúc ra cửa lại quên mất.

Vĩnh Thịnh, mau đi lấy cho bà, để trên bàn trà của ông nội bây ấy, là gói nhỏ bọc bằng vải xanh.” Vương thị vỗ đùi nói.
Vĩnh Thịnh đưa đèn trong tay cho Vương thị sau đó nhanh chóng vọt về nhà lấy men rượu.
Lúc sau Trường Phú và Vĩnh Thịnh cùng cầm đèn đi hai bên, Lý thị và Vương thị đi ở giữa, mọi người cùng nói chuyện cho tới thôn tây..

Bình Luận (0)
Comment