Cô Gái Và Hoa Cẩm Chướng

Chương 10

Như thể đó là liều thuốc chuyên trị nỗi đau dai dẳng trong ngực mình, Katharine vội lao vào làm việc ngay tức khắc. Giây phút nàng đặt chân tới tòa nhà Tower Carlton, nơi mà nàng thuê một căn hộ, nàng liền gọi điện ngay cho Breuget, viên quản lý người Mỹ của nàng. Breuget, không ra gặp nàng tại bến cảng vì nàng muốn như thế, đang chờ đợi cú điện thoại của nàng và tuyên bố sẽ tới nàng ngay tức khắc. Nàng chỉ có chút thì giờ ngó sơ qua căn phòng nhỏ, trang trí màu xanh lá cây và vàng kim, hoàn toàn kín đáo như nàng, rồi nàng nhìn ra ngoài để ngắm cảnh quang quyến rũ từ tầng thứ ba mươi, Đại Lộ số Năm trông xuống như một hẻm núi, rồi nàng nhận từ tay ngài Lenz, viên quản lý khách sạn, nào là hoa quả rồi những lời chúc tụng mừng nàng đã quay trở lại, cùng với cái thông báo là đã tăng thêm một phòng ngủ cho Cô Sherwood, ngay trước khi Breuget xông vào, với hai tay giang rộng, bộ râu mảnh lắc lư một lời chào đón kiểu Gallic.

Georges Breuget là người Pháp, chuyên gia về nữ trang cổ và đồng hồ thuộc thế kỷ thứ mười tám, đến New York để làm giàu, nhưng thất bại một cách thảm hại, và được Katharine cứu giúp thoát khỏi nạn đói rách.

Sau khi hôn tay nàng, nói một tràng những câu tán tụng, rồi ngồi xuống ghế sofa, ông ta ấn quả nắm của cây gậy trứ danh của mình lên môi, như thể để triệt đi cái tính ba hoa chích choè cố hữu của mình và ngồi chờ đợi những câu hỏi và mệnh lệnh của nàng.

"À, bác Breuget," nàng nói, ngồi xuống ghế mình và ngắm nhìn ông ta kỹ lưỡng, "tôi có đem theo bức tiểu họa đây."

"Tốt quá, Cô Lorimer."

"Tôi hy vọng thế! Nói cho tôi biết nào: bác đã có lời ra tiếng vào với Brandt chưa? Đúng như tôi đã viết thư cho bác?"

"Tất cả đều xong xuôi." Breuget nhấn mạnh từng chữ với một giọng thoả mãn. "Ngài Brandt sẽ có mặt ở New York trong vòng mười ngày. Vào ngày mồng bảy nhằm thứ Tư này, đúng ba giờ chiều, ông ấy sẽ tới đây để ngắm nghía bức tiểu họa. Rồi sẽ mua nó, Cô Lorimer. Cô biết chuyện đó mà. Chỉ có như thế. Chắc chắn rồi."

Môi Katharine mấp máy. "Tôi hy vọng là bác đúng, bác Breuget. Nhân tiện, bác làm khá lắm. Trong khi chờ đợi, chúng ta sẽ để bức tiểu họa vào cửa sổ trưng bày, đóng khung đẹp đẽ, trải nền hậu đài bằng nhung đỏ, để cho cả New York chiêm ngưỡng nó. Và cho cả những tay môi giới buôn bán biết luôn, như Ascher và đại loại như thế. Họ sẽ bàn ra tán vào, và sẽ có lợi ình. Tôi không muốn người bạn của chúng ta là ngài Brandt chỉ khư khư với ý nghĩ là ông ta sẽ có nó một khi đã ra giá. Chúng ta là người ra giá. Bác hiểu ý tôi không, bác Breuget?"

"Tôi hiểu chứ Cô Lorimer. Tình thế hơi có vẻ khó khăn vào lúc này."

"Khó khăn! Nó làm cho chúng ta hơi khốn đốn đó. Chú ý, ông bạn thân mến, bác có thể nhận thức được việc này luôn không chừng. Nếu chúng ta không bán bức tiểu họa được với giá khoảng một trăm ngàn đô-la, cả hai chúng ta phải đi tìm một nghề mới."

Breuget làm cử chỉ nhún vai phức tạp, tỏ vẻ cảm thông, có hơi hối lỗi, nhưng vẫn lạc quan như thường. "Chúng ta sẽ bán được nó mà, Cô Lorimer. Rồi chúng ta sẽ phất lên nữa. Tôi dự đoán là việc kinh doanh đang có vẻ tấn tới. Nếu chúng ta có thể chịu đựng được trong mấy tuần tới, chúng ta sẽ lên hương ngay."

Katharine gật đầu, ánh mắt nàng chợt có vẻ xa xôi nhưng không sâu thẳm lắm. "Đúng thế," nàng đáp, "chỉ cần mấy tuần nữa thôi, và chúng ta sẽ bình an vô sự."

Với tất cả sức lực vốn có, nàng cố lấy lại phong độ của mình. Nàng đứng dậy và đội mũ vào. "Sẵn sàng chưa bác, chúng ta đi trưng bày bức Holbein nào. Tiện thể bác cũng nên xem qua nó chứ."

Breuget cầm lấy bức tiểu họa và chăm chú ngắm nó một cách kính cẩn với ánh mắt mê mẩn. "Đẹp quá, đẹp quá," cuối cùng ông ta lẩm bẩm.

Đứng bên cạnh ông ta, Katharine lặng ngắm bức tiểu họa với ánh mắt mới mẻ hơn, có hơi điểm nét trắc ẩn xa xôi. Bức chân dung là sự sống của nàng bây giờ, được đầu tư với vẻ quan trọng có hơi kỳ khôi. Cũng tấm ảnh đó, những đường nét đó phảng phất nét giống nhau với nàng, mường tượng như lột tả một nỗi u sầu. Tấm ảnh đó có lẽ là một định mệnh dun dủi mang đến cho nàng sự cô đơn cũng như sầu muộn. Katharine có cảm nhận một luồng sinh khí thoát ra khỏi chính mình, như chính linh hồn nàng, run rẩy trong ánh sáng nhạt nhoà, hoà vào linh hồn của Lucie de Quercy. Thật là một cảm giác kỳ lạ và khó tả, một nhận thức chợt tan biến trong không gian và thời gian, một âm hưởng dội lại xa xăm cùng với những tiếng vang trong quá khứ được vọng lại giữa tiếng xáo động ồn ào của thành phố rộng lớn này, mà đúng ra chỉ có ở nơi bí ẩn trong con tim nàng.

Breuget lại lên tiếng. "Thật là lạ, Cô Lorimer; nó có vẻ giống cô cực kỳ."

Katharine làm một cử chỉ như thể che giấu vết cắt mà ông ta vô tình đâm trúng. Nàng đáp lại gần như gằn giọng : "Người kế tiếp nào mà nói như thế, tôi sẽ ném đá vào đầu người ấy." Nàng xoay người đi thật nhanh và nhanh chóng đi ra cửa.

Họ sánh vai nhau đi trên Đại lộ thẳng hướng tới văn phòng, với kiến trúc như một cái hộp được kẹp chính giữa hai gian hàng lộng lẫy của may đo và hoa tươi. Trên đường đi, dù gì cũng đã một giờ trưa, Katharine muốn đãi người cộng sự già ăn trưa, và vì tình hình tài chính có vẻ khả quan nên họ tới tiệm ăn Childs, mỗi người gọi một ổ bánh mì kẹp thịt với dưa leo chua, sau đó uống cà-phê và ăn bánh bông lan.

Để giải toả đi những bực dọc, Katharine thích thú hưởng thụ những món ăn truyền thống của Mỹ. Một đám đông những cô gái công nhân viên chức gần đó nhanh chóng ăn bữa trưa, làm nàng hồi tưởng lại mình thuở trước. Nó khuấy động tâm trí nàng mãi cho đến lúc họ tới văn phòng, để đặt bức tiểu hoạ vào trong khung cửa sổ viền đồng bé nhỏ, đằng sau có trải nhung Genoa màu rượu chát, nàng tự nhủ rằng với tính chính xác trong sự sắp xếp này, tóm lại chỉ sẽ là mục đích duy nhất hiện thời.

Khi Ascher ghé ngang qua thăm dò, nàng rất hài lòng khi ông ta tỏ ra ưng ý. Ông ta là một trong những tay môi giới cự phách của New York, nàng thấy cuộc mua bán của nàng gây ấn tượng mạnh với ông ta. Nhưng sau đó, trên đường trở về khách sạn một mình, tinh thần của nàng tự dưng chùng xuống, một sự uể oải từ thân xác chợt ụp lên nàng.

*

Trong căn hộ, nàng biết Nancy đã về tới, mọi thứ được bày bừa trong phòng ngủ - một chứng tích cho biết Nancy đã soạn hành lý ra – vì nàng đang nằm dài trên ghế sofa, dưới ánh đèn đọc sách với một khay trà bên cạnh. Những nét bài trí xung quanh, theo chủ nghĩa khoái lạc nhẹ nhàng làm cho Katharine thấy ấm cúng thoải mái hẳn ra. Một phút sau, nàng thay đồ, mặc một chiếc áo nhẹ màu xám trắng rồi tới ngồi cạnh Nancy, rót một tách trà ình. Nàng trông thấy Nancy tự véo môi mình, cằn nhằn một cách khinh miệt rồi gạt bỏ chiếc túi nhỏ bằng vải the mỏng mà khách sạn dành sẵn cho khách để chiếu cố đến cái túi pha trộn nhiều màu cá nhân mà Katharine đặc biệt mang từ London sang.

"Con đi chơi vui vẻ chứ?" nàng tươi cười hỏi thăm cháu gái.

"Rất là tuyệt, dì yêu." Nancy ngửng đầu lên khỏi kịch bản và nhìn chằm chằm vào Katharine với đôi mắt mở lớn lóng lánh. "Bữa trưa thật là ngon miệng tuyệt hảo với món hào ngòn ngọt - những điểm xanh, con nghĩ Chris nói thế - và cái món trời biết gọi là chim non. Rồi con dẫn Chris tới nhà hát kịch. Mọi người ở đó thật là tử tế. Chiếc tàu Imperial sẽ cập bến thứ Năm tới cùng với Bertram, Paula Brent, và những người khác. Rồi chúng con sẽ tập dợt. Con thích New York quá dì Katharine ơi, con cá với dì một cái nón mới là nó cũng sẽ yêu mến con luôn."

Nancy nhón lấy miếng bánh hạnh nhân tẩm đường với trứng rồi nhâm nhi nó với vẻ thoả mãn. "Con nghĩ dì chưa có đọc báo hôm nay phải không dì yêu? Nó nằm ở trên sàn cạnh dì kìa. Tờ báo nhìn chung cũng vui nhộn. Phân nửa của một cột báo có đến bốn tấm ảnh thật lộng lẫy."

Katharine cầm lấy tờ báo và đọc thật kỹ. "Đúng thế, chúng thật là tuyệt," nàng có lời nhận xét sau khi đọc xong. "Con đặt chân đến Mỹ rầm rộ quá!"

Nancy mỉm cười, rồi co duỗi người như một con mèo con hài lòng. "Mọi người thật là tuyệt diệu đối với con, dì Katharine. Chris thật là đáng yêu quá chừng chừng ngày hôm nay. Con yêu chàng quá. Dì biết không, chàng muốn làm đám cưới gấp, sau buổi khai diễn của vở kịch. Con cũng muốn như thế. Cũng là một tin vui phải không dì, nếu con đạt được danh vọng trong đêm đầu tiên – con nói cho dì biết nhé, con sẽ thành công rực rỡ! – và sau đó là một đám cưới thật lãng mạn." Nàng ngừng lại đột ngột. "Dì mến Chris, phải không dì yêu?"

"Con biết rồi còn gì."

"Chàng cũng mến dì luôn," Nancy tiếp tục. "Chàng mến dì nhiều lắm. Chàng nhắc tới dì luôn miệng lúc ăn trưa. Chàng muốn dì cùng đi ăn trưa với chúng con vào ngày mai hay ngày kế ở chỗ chàng tại Waldorf."

Katharine đăm đăm nhìn Nancy với vẻ ngạc nhiên.

"Con nói là anh ta nghỉ lại ở Waldorf?"

"Vâng, dì yêu. Tại sao lại không? Ồ, con biết là Chris thích nơi chốn yên tĩnh," nàng mỉm cười, "nhưng con lại thích nơi ánh sáng lập lòe. Và con đã thuyết phục được chàng."

"Nhưng chỗ đó đắt tiền kinh khủng." Một nhận thức bất thần xâm chiếm lấy Katharine. "Nancy, nghe đây con, con có chắc là Chris có thể chi trả cho những thứ này, hoa hoè, quà cáp, khách sạn sang trọng? Nếu như anh ta không có khả năng, có vẻ không công bằng lắm khi yêu cầu nhiều như thế."

"Chàng chưa bao giờ phàn nàn mà dì," Nancy đáp lại vô tư.

"Con nghĩ là anh ta sẽ phàn nàn à? Anh ta không phải là loại người đó. Dì không muốn phải nói chuyện này nhưng, Nancy, chúng ta phải thực lòng về chuyện đó."

Nancy lại mỉm cười với nụ cười cố hữu. "Không nên lo lắng quá dì yêu. Chris rất là hoàn hảo. Mọi người ở Cleveland gọi chàng là ông chủ mới. Có người nói với con mà. Dì đừng có ngó con như vậy. Con sẽ không tranh luận với dì đâu. Con đã tranh cãi cả chiều nay vì cái vụ đi Vermont rồi."

Thời gian ngưng đọng. Nancy rõ ràng là trong trạng thái vui vẻ nhất, lẫn cả bề ngoài, mà Katharine không bao giờ có được.

Cuối cùng Katharine nói: "Ý con là Chris muốn con tới gặp mẹ anh ta?"

"Vâng," Nancy đáp với một cái gật đầu. "Và những vị chú bác cùng bốn mươi hai người anh em họ. Và một dàn những người hàng xóm, con nghĩ thế. Chàng muốn chúng ta đi ngày thứ Năm. Ở chơi hai hay ba ngày gì đó. Lại đúng lúc con phải chuẩn bị cho các cuộc diễn tập. Dì có tưởng tượng nổi không? Vào mùa đông buốt giá chết người, lìa bỏ New York để tới một xứ khỉ ho cò gáy nào đó ở vùng ngoại ô."

"Có nhiều người thích ở thôn quê."

"Họ có thể ở cả đời họ mà."

"Con phải đi," Katharine nói như ra lệnh. "Con phải đi tới đó."

"Vậy thì dì cùng đi với con nhé," Nancy xụ mặt.

Cặp lông mày của Katharine nhíu lại như tỏ vẻ bối rối phức tạp. Nàng thấy rằng nàng phải đi, hoặc là Nancy sẽ không đi đâu hết.

"Dì không thể đi vào thứ Năm được," nàng chậm rãi đáp. "Nhưng nếu con muốn, dì sẽ đi vào ngày hôm sau."

"Được quá," Nancy vui vẻ trở lại với nụ cười trên môi. "Chỉ có thế thôi. Và bây giờ không nên bàn về nó nữa. Vặn máy phát thanh lên nghe nha dì, nhạc sôi động để thay đổi không khí."
Bình Luận (0)
Comment