Cô Gái Và Hoa Cẩm Chướng

Chương 6

Đúng mười giờ sáng Chủ Nhật khi Nancy xuất hiện trước phố Curzon Street. Nàng đã đi tàu suốt đêm, nằm cuộn tròn trong góc của toa hạng ba với một thân hình nhỏ nhoi, cô đơn và buồn phiền. Những người còn lại của đoàn ở lại để lấy chuyến đi dễ chịu hơn vào ban ngày, nhưng nàng thì lại thấy cần phải thoát ra khỏi nơi đó ngay lập tức. Sự thất bại của vở kịch mà nàng đã nuôi nhiều hy vọng làm nàng buồn bực quá thể. Khi đoàn tàu chuyển bánh trong đêm tối, mặt nàng khô cứng và xanh xao diễn tả sự thất vọng não nề. Thái độ thiếu nghiêm trang thường xuyên, bộ mặt nạ với nét nhí nhảnh nàng hay giương ra với thiên hạ nay biến mất. Những người hay xét đoán Nancy từ vẻ bề ngoài thông minh cứng rắn có lẽ nên trông thấy nàng vào lúc này. Nàng thật sự như một đứa trẻ nhỏ khốn khổ.

Trước khi về tới London, nàng lấy lại tác phong như cũ. Nàng có thể nói là, với ngôn ngữ của nàng, hoàn toàn chìm ngập trong cái gì đó mà nàng không tưởng được. Nàng lau chùi mặt lại như bình thường, như không có chuyện gì xảy ra, vì bụi bậm của chuyến đi cũng có, và cũng có thể vì vài giọt lệ làm tàn tạ đôi chút. Rồi sau đó, tại căn hộ, nàng bước vào, điệu bộ hơi quá lố với hai tay giang ra tới chỗ Katharine ngồi, Katharine mặc một chiếc áo dài ngủ bằng lụa đen trong buổi sáng muộn cùng với tách cà phê và miếng bánh mì nướng.

"Dì Katharine yêu dấu," nàng khóc nấc lên, như thể lâu năm chưa gặp. "Thật là tuyệt khi gặp lại dì!" Nàng chạm má nàng lên má Katharine, kéo một tấm dựa lưng ra, ngồi xuống ghế xô-pha bên cạnh dì nàng, và mỉm cười rạng rỡ. "Con thật là có một thời gian khốn khổ đến chết được ở miền Bắc."

Katharine, với cử chỉ thực thụ, kéo cái khay về phía mình. "Ăn chút điểm tâm nào, rồi kể cho dì nghe tất cả."

"Dì ơi!" Nancy run bắn lên hơi kiểu cách. "Con không thể ăn thêm một miếng nào nữa. Con quá ư là phiền muộn."

"Gì thế? Con chưa ăn gì sáng nay à?"

"Không, không gì hết! Chỉ có tí trứng ốp-la hay gì đó, bánh mì nướng, và nước cam vắt - ồ, con quên mất." Nàng cố gạt bỏ chuyện ăn uống ngay giữa tấn thảm kịch và cơn hờn dỗi này. "Con phải đi vòng quanh, đơn giản là đi lòng vòng, chỉ để nói với dì chuyện này."

"Con đã gặp Chris rồi, phải không nào."

"Dạ," Nancy gật đầu. "Chàng thật là tử tế, rất tử tế - gặp con ở trạm tàu, rồi dẫn con về phố John Street. Nhưng con chỉ muốn dì, dì Katharine. Con chỉ muốn nói chuyện riêng với dì thôi."

"Được rồi," Katharine nói rất nhẹ nhàng. Với cử chỉ khiêm tốn, nàng rót cà-phê vào tách, thêm đường và kem, và đặt trước mặt một Nancy lạc lõng. "Thật ra, dì cũng biết con sẽ lại. Nhưng con không nên quá lo lắng về vở kịch như vậy."

"Vở kịch đó!" Nancy tuyên bố với vẻ nhăn nhó đầy ác cảm. "Con ước gì đó là một vở kịch thực thụ! Dì không biết thôi! Có lẽ nó đã, hoặc khá hơn, sẽ là một vở kịch nếu người đàn bà Renton ấy đã không phá huỷ nó. Cô ấy tàn sát nó, trải nó ra trên thảm như vật chết cứng ra rồi. Cô ấy thiệt là vô vọng. Cô ta không biết diễn xuất chút nào. Cô ta chẳng bao giờ biết diễn xuất hết. Và thêm nữa, cô ấy quá già. Ôi trời, giá như mà con có vai ấy, dì Katharine! Mặc dù con diễn rất đạt, cám ơn mọi người, chỉ với con thôi con đã làm mọi thứ trót lọt. Ít nhất là con đã cho vở kịch trời đánh đó một cơ hội. Ôi dì Katharine! Con thật là muốn vở diễn sẽ tới khu West End này. Đó mới là thật một đỉnh cao trong sự nghiệp của con." Với vẻ phật ý khó chịu, nàng nâng tách cà-phê lên và uống cạn.

Điểm một nụ cười, Katharine ngắm cô cháu gái. Mặc cho những khắc khổ trong chuyến tàu đêm đó nàng vẫn đẹp quyến rũ như sáng nay, vào thời điểm mà sự xúc động rất là thực và một nét gì đó mà nàng không dễ gì công nhận hay tỏ ra lém lỉnh. Đúng thế, không nghi ngờ gì nữa, Katharine nhất định, bây giờ đã tới lúc Nancy nếm trải một tí ảnh hưởng của kịch nghệ. Và rõ ràng là nó rất hợp với nàng.

"Thật là đáng tiếc, có lẽ vậy," cuối cùng Katharine lên tiếng. "Nhưng có thật sự quan trọng như thế chăng?"

"Dĩ nhiên là quan trọng rồi dì." Nancy ngồi thẳng dậy với vẻ công phẫn. "Thật là một câu hỏi ngu xuẩn, dì Katharine!"

"Dì chỉ nghĩ về," Katharine đáp lại nhẹ nhàng, "người bạn của chúng ta là Madden."

"Dì ơi," Nancy phản kháng. "Con hiểu ý dì muốn nói gì. Con ngưỡng mộ Chris. Nhưng con cũng yêu thích kịch nghệ nữa. Con cũng nợ bản thân con một cái gì đó mà dì, cho cái chất nghệ sĩ trong con. Dì biết là con thật tuyệt vời khi diễn xuất, con học nó thật nhanh. Và bây giờ với sự thất bại của vở kịch này trong thời điểm khó khăn này! Ôi chao, con biết nó là một vở kịch ngu xuẩn mà. Nó xứng đáng bị thất bại lắm. Nhưng con cũng đóng góp một phần thất bại đó, và giờ con chẳng thể chạy trốn khỏi nó được. Làm như vậy thật là hèn nhát." Nàng nhảy dựng đứng lên và bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. "Ồ, không, không được, dì Katharine yêu dấu. Đó sẽ là một mối hạ thấp thật sự. Con muốn lấy Chris, nhưng con cũng muốn có thành công. Con phải quyết định lấy việc này thôi. Ôi, con muốn thành công đến dường nào, thành công, thành công!"

"Dì biết rồi." Katharine nói.

Lại có sự im lặng. Nancy ngừng việc đi qua đi lại, quay lại với một vẻ mặt mới lạ và bất thình lình có một thay đổi thái độ thật thương tâm. "Chỉ có một điều chúng ta có thể làm được," nàng lầm bầm, nhìn chăm chú Katharine với vẻ rõ ràng và ngây ngô, và vẫn giữ nguyên điệu bộ của - Duse, Terry, và Bernhardt trộn thành một. "Dì phải giúp con."

"Nhưng bằng cách nào, Nancy?"

"Đừng nhìn con như thể con đang rối trí, dì yêu. Dì biết cách mà."

"Ý con là con muốn tham gia một vở kịch khác?"

"Đúng như vậy!" Nancy thở phào nhẹ nhõm và tiến lại gần chiếc dương cầm, ngồi xuống và đánh nhanh một giai điệu chậm, lôi cuốn. "Với một dịp như thế, dì Katharine," nàng nhận xét một cách nhẹ nhàng, "dì có thể tiến tới một cách dễ dàng. Dì rất có ảnh hưởng – hoàn toàn thông thường nhưng lại là một cái giựt dây khéo léo, dì yêu - với tất cả mọi người – như với Sam Bertram chẳng hạn."

"Tại sao lại phải là Bertram?"

"Bởi vì" - Nancy đánh một nốt nhạc nữa – "bởi vì Bertram sẽ đem vở Dilemma tới New York - vở diễn mới của ông ta, dì Katharine, trừ phi dì không biết. Bởi vì Bertram chưa có phân vai cho ai hết. Bởi vì Bertram sẽ cho con một vai rất là quan trọng trong đó."

"Ồ, không được đâu, Nancy, không thể nào được." Katharine nói nhanh, "Dì không thể nào hỏi ông ta được."

"Dì phải, dì yêu," Nancy nói, nhấn mạnh bàn phím dưới chân như là một cách yểm trợ. "Trừ khi dì muốn con đổ vỡ và buồn bực đến hết kiếp này."

"Nhưng thật ra..." Katharine phản đối.

"Dì phải," Nancy lập lại. "Có một vai trong vở Dilemma đáng để dành cho con. Không nhiều lắm, dì yêu, nhưng rất đúng ý con, rất là hợp ý con. Con có thể gọi được cả người chết nếu được vai đó. Nhưng đó chỉ là điểm thứ yếu thôi. Con muốn đi Mỹ với dì cơ. Con cũng muốn đi với Chris. Chàng phải trở về, dì yêu, vì công việc kinh doanh. Chàng muốn con đi về với chàng và chúng con sẽ lấy nhau ở đó. Dì có thấy không, thật là điều tuyệt diệu nếu dì có thể kéo con vào vở diễn của Bertram? Đơn giản hoá tất cả mọi chuyện. Chúng ta sẽ cùng đi với nhau và có một thời gian thoải mái nhất."

Katharine liếc nhìn Nancy, vẫn ngồi dựa ra sau, và thấy rõ ràng là nàng đã bị lợi dụng một cách khéo léo bởi cái lý lẽ mâu thuẫn của mưu mẹo và tính ngây thơ chân thật, bởi cô cháu gái bối rối nhưng khôn khéo quá mức của nàng. Mặc kệ, nàng cũng phải công nhận thế và có một ánh tiêu khiển nhảy múa trong mắt nàng.

"Con dường như đã lên kế hoạch rất là hoàn hảo sẵn rồi."

"Dĩ nhiên mà dì yêu dấu."

"Nhưng không dễ gì Bertram cũng sẽ dễ dãi như dì đâu."

Katharine ngừng lại một chút như thể đã động lòng thương nàng rồi. "Được rồi," cuối cùng nàng nói.

"Ôi, dì thật là tuyệt!" Với nốt nhạc đánh cuối cùng trên bàn phím, Nancy nhổm dậy ra khỏi chiếc đàn dương cầm và giang cả hai tay ra ôm quanh cổ Katharine. "Ôi, con biết là dì sẽ làm được mà. Con tin tưởng dì lắm. Con mừng quá! Con biết là một khi dì nhận làm việc gì thì việc ấy sẽ thành."

Nàng bật người ra sau, ngắm thưởng Katharine với vẻ chân chất và biết ơn. Nàng lại ôm chầm lấy dì nàng lần nữa, rồi đổi hướng sang ngó chiếc đồng hồ nhỏ xíu mạ bạch kim trên cổ tay. Ngay lập tức vẻ mặt nàng đầy hối tiếc.

"Và bây giờ con phải đi gấp rồi. Con hứa với Chris là gặp chàng vào lúc mười một giờ. Chàng thật là một thiên thần và con ghét phải làm cho chàng chờ đợi. Dì sẽ tới gặp Bertram hôm nay phải không dì Katharine? Hay là ngày mai nếu ông ta không có ở đây. Tạm biệt, dì yêu, và cám ơn dì triệu lần."

Khi Nancy đã đi khỏi, Katharine đứng lặng yên trong một phút với nhiều ý nghĩ lẫn lộn. Một phần của nàng quan sát thấy Nancy đã cân nhắc thật kỹ lưỡng trong việc nhờ vả nàng, phần kia nhận thấy không có gì Nancy đòi hỏi là quá đáng với lòng thương yêu nàng dành cho cháu. Sự thật đúng là nàng có vài ảnh hưởng với Bertram và nếu như Nancy nói đúng, nàng có thể thuyết phục được ông. Mặc dù nàng phải chịu nhượng bộ khi nhờ vả người khác vì đó không phải là tính cách của nàng, vì cháu nàng có thể làm như thế, và nàng sẽ làm như vậy. Lúc này, lông mày của nàng đã giãn ra, như bị thôi miên nàng đi vội tới chỗ điện thoại. Nàng không mong gì Bertram vẫn còn ở tại London vào cuối tuần, nhưng từ bác Winter, người quản gia của ông ta, ít nhất nàng có thể biết trước được những cuộc gặp gỡ của ông ta vào tuần tới.

Đúng như rằng, giọng của bác Winter trả lời điện thoại - giọng nói vang vang khó mà lẫn lộn được – khi Katharine bắt đầu câu chuyện hỏi thăm, bác trả lời nàng, với chút do dự và hơi bí hiểm rằng ông chủ của bác có ở nhà.

"Tốt quá!" Katharine kêu lên. "Vậy thì xin báo với ông ta, bác Winter, rằng tôi sẽ đến thăm ông ta."

"Nhưng không được Cô Lorimer," bác Winter phản đối. "Cô không thể gặp ông chủ được."

"Tại sao không? Ông ấy không hề có cuộc hẹn nào khác trong ngày."

"Tôi e rằng có, Cô Lorimer. Cô biết không, ông ấy – ông ấy không thấy khoẻ cho lắm."

"Không khoẻ?" Hành động của bác Winter như có ý cản trở Katharine. Nàng yêu cầu thẳng thừng: "Có chuyện gì xảy ra với ông ấy?"

Một sự im lặng do dự ở đầu dây bên kia. Rồi với một sự miễn cưỡng nghiêm trọng: "Nếu Cô thật muốn biết, Cô Lorimer, Ngài Bertram bị đau răng."

Có một chút gì sầu thảm trong giọng của bác Winter khi sự tuyên bố bệnh trạng của ông chủ làm cho Katharine cười ngất. Nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để khỏi làm bác bối rối mà nàng biết chắc là có thể xảy ra, nàng vội vàng gác máy. Nhưng ý định cho cuộc viếng thăm vẫn không đổi, vì cần làm cho Nancy việc gì, có lẽ nên làm xong sớm mới được.

Gần ba giờ rồi, vì vậy nàng đoán chứng đau dây thần kinh của Bertram cũng khá thuyên giảm, nàng rời nhà và nhanh chóng đi về hướng quảng trường Portman Square.

Nàng nhấn chuông ở căn nhà số 16A, và bác Winter ra mở cửa, đứng với dáng cao gầy hơi có vẻ tang tóc trước mặt nàng.

"Tôi xin lỗi, Cô Lorimer," ông ta bắt đầu, và nàng biết được là bác ta không có chắc sẽ cho nàng vào.

Nhưng trước khi bác ta có thể quyết định, nàng đã vào tới hành lang, mỉm cười trấn an bác ta và nói:

"Không có sao đâu bác Winter, tôi sẽ tự đi vào."

Nàng bước ngang qua một người hầu có dáng lo sợ, hướng thẳng về phía phòng làm việc, nàng quá quen với thói quen của Bertram, nhất định là có ông ấy ở đó.

Quả nhiên nàng đoán đúng, nhưng có vẻ may mắn hơn là quyết đoán, bởi vì Bertram không ngồi làm việc mà chỉ ngồi đó trong lớp áo dài giản dị ở nhà, thu mình trước lò sưởi than, đầu ông ta trùm kín trong tấm khăn choàng Shetland, cử chỉ của ông ta làm nhân hoá sự đau đớn một cách buồn cười.

"Tại sao thế Bertie!" Katharine kêu lên ngay tức khắc. "Có xấu đến như thế không?"

"Xấu tệ," ông ta lầm bầm. Rồi một hồi im lặng ông ta xoay đầu một cách đau đớn và ngắm nàng với con mắt ghen tức. "Cô làm cái trò quỷ quái gì mà tới đây thế?"

Mặc dù nàng cảm thấy tội nghiệp cho ông ta vô cùng, có một cái gì đó ở ông ta vào lúc này, ăn mặc nhếch nhác, khăn choàng kín người, và má sưng vù, gợi nhớ một cách không cưỡng được cho nàng hình như đã xem trong mẩu truyện tranh nào đó, làm Katharine phải cố gắng lắm mới không bật ra tiếng cười giòn. Nàng phải tuyên bố nhanh chóng:

"Tôi chỉ tạt ngang qua đây vài phút thôi. Và tôi mừng vì đã đến đây. Ông phải để tôi giúp ông việc gì đó."

"Cô không thể làm gì được hết," ông ta lầm bầm một cách thê lương. "Tôi không muốn bị quấy rầy. Tôi đã bảo cho bác Winter biết rồi mà."

"Không phải lỗi của bác Winter đâu. Xem đây, Bertie ..."

"Tôi chẳng thể nhìn được đâu hết," ông cắt ngang. "Nhức răng, cái mặt nhức nhối đáng nguyền rủa. Để tôi yên một mình. Tôi chẳng mua được món đồ cổ nào có thể cứu vãn tôi được hết."

"Tôi không phải đến đây để bán đồ cổ cho ông."

"Cô không đến đây vô cớ đâu. Tôi biết cô mà. Lại vào ngày Chủ Nhật nữa. Cô đi ra đi, Katharine!"

"Không, tôi sẽ không đi đâu hết," nàng trả lời chắc nịch, và bước lại gần ông. "Thật là vô lý khi thấy ông phải chịu đau đớn như thế này. Ông đã đi khám nha sĩ chưa?"

"Ghét nha sĩ. Không bao giờ có thì giờ cho họ hết. Ghét cả bọn luôn. Ngoài ra, ..."

Ông ta rên rỉ nhè nhẹ, bỗng nhiên thắt lại cứng ngắc vì lên cơn đau. Khi cơn đau lắng xuống, ông ta nằm ngửa ra sau ghế và giải thích: " Chứng áp-xe, tôi nghĩ vây. Chẳng tiêm thuốc được. Chẳng làm gì được hết."

"Ông có thể lấy nó ra," Katharine nói với vẻ ngạc nhiên ngỡ ngàng.

"Lấy ra!" Ông ta nhảy dựng lên, gần như ra khỏi cái ghế. "Không có thuốc tê? Lạnh máu như thế? Lấy ra! Ôi, trời ơi, người đàn bà này nghĩ là con được đúc từ sắc thép? Lấy ra! Ôi trời, trời hỡi, hãy tha thứ cho cô ấy!"

Với cái rùng mình ghê sợ, ông ta quay lưng lại, ôm cái má đau nhè nhẹ, bắt đầu lắc lư người tới trước và sau.

Katharine quan sát ông ta với vẻ cảm thông lo lắng thật sự, suy nghĩ, có lẽ là một tình huống được lập đi lập lại nhưng không kém vẻ thành thật, người đàn ông giống trẻ con đến mức nào, đặc biệt là khi bị mất đi sự giám hộ của phụ nữ. Nàng tuyên bố:

"Để cho tôi nhìn xem như thế nào, Bertie."

"Không, cám ơn cô."

"Nhưng ông phải. Thật là lố bịch khi ông phải chịu đau đớn hoài như thế này."

Nàng tiến lại gần ông hơn đầy tự tin. Đôi mắt ông ta, phần cử động duy nhất trên khuôn mặt cứng đờ, đảo nhanh về phía nàng. Nhưng nàng quá nhanh. Co rúm người lại như một con chó lông xù sắp sửa bị đánh, ông rên rỉ lần nữa và chịu thua, há miệng to ra cho nàng thấy một cục sưng đen lòm nằm ngay vùng răng hàm, giữa cái nướu răng.

Khi nàng đã xem xét vết đau xong, Katharine ngồi phịch xuống tấm thảm trải trước lò sưởi và trầm ngâm nhìn ông một cách nghiêm nghị. "Lắng nghe đây, Bertie, thật là điên rồ nếu cứ để mãi như thế này. Ông phải mổ lấy nó ra ngay tức khắc."

"Cô không thể nào," ông ta phản đối một cách yếu đuối. "Cô không thể tiêm thuốc ..."

"Hơi khí thôi," Katharine đáp lại ngắn gọn.

Ông ta lại rào mình cẩn thận với tấm khăn choàng, giống như là tự bảo vệ lại như trước kia. "Hơi khí?"

"Đúng vậy, hơi khí, Bertie!"

Ông ta cố cứu vãn để thoát khỏi. "Nhưng tôi không thể bị gây mê được. Cái ý nghĩ đó đã đủ làm cho tôi sợ rồi. Tôi chưa bao giờ bị gây mê suốt cuộc đời này."

"Vậy thì bây giờ ông sẽ có thôi," Katharine nói với giọng trịch thượng và cả quyết. "Tôi sẽ gọi điện cho bác sĩ Blake và ông sẽ được mổ lấy cái răng chết tiệt này ra."

"Không, không. Cô đừng có bày đặt. Nếu tôi bị hơi ngạt, tôi sẽ ngất xỉu thôi. Tốt hơn là tôi ... Tôi cảm thấy bình thường rồi. Ối! Ôi chu choa...!"

Ông ta như vật lộn trong chiếc ghế của mình, phản kháng, khi một cơn đau khác về thể xác lẫn tinh thần làm cho ông vật ra và nằm im lại, như chịu hết nổi chỉ chờ vào lòng từ bi của nàng.

Katharine liếc nhìn ông bạn già với vẻ cảm thông vô vàn nhưng không bớt nghiêm khắc; đoạn nàng đi ra khỏi phòng và xuống tới hành lang để gọi cho bác sĩ Blake, ông nha sĩ của nàng, sống gần đây ngay góc phố Queen Ann Street và mời ông tới ngay. Nàng yêu cầu bác Winter lấy cho nàng nước nóng và mấy tấm khăn sạch khi thấy bác cứ lẩn quẩn gần đó, buồn phiền và tái nhợt như xác chết.

Katharine vẫn lui cui ở hành lang cho đến khi bác sĩ Blake tới.

"Ông phải kiên quyết đó bác sĩ," nàng nhắc nhở ông thêm. "Không vì lý do gì mà hoãn lại chuyện mổ hết."

"Không có chuyện đó đâu Cô Lorimer," ông trả lời với một nụ cười. "Tôi chưa bao giờ để dành đến ngày mai những việc phải lấy ra ngày hôm nay."

Lên lầu, họ tìm thấy nạn nhân khổ sở đang nằm sóng soài với vẻ định sẵn của số mệnh, không còn sức đâu mà làm một cuộc phản kháng mong manh. Chỉ mất khoảng một phút để chuẩn bị dụng cụ. Bertram đảo mắt nhìn một lần tới những ống xi-lanh đen sẫm và những lõi đỏ trong ống rồi rùng mình cảm lạnh như thể vừa bị mưa đá hắt vào.

"Ông sắp sửa kết liễu tôi rồi," ông ta thì thào. "Tôi không bao giờ qua khỏi hết."

"Vớ vẩn!" bác sĩBlake nói tạt thật nhanh.

"Không phải tôi – không phải tôi phải ngồi trong một cái ghế đặc biệt hay sao?" Bertram ấp úng nói.

"Không có chuyện đó đâu," bác sĩ Blake lại nói tạt nhanh hơn bao giờ. Dường như đó là câu cửa miệng của ông. Ông xắn tay áo bên phải lên một cách thiện nghệ. "Chỉ cần mở rộng cổ áo thôi và ngồi ngay thẳng lên nào."

Một nụ cười tái mét lan nhanh trên khuôn mặt của Bertram. "Ngồi ngay thẳng lên," ông cười khúc khích. "Nếu tôi không trong tình trạng sống dở chết dở, tôi đã cười to lên rồi."

Rồi cửa phòng mở ra, bác Winter bước vào, bước chầm chậm trang nghiêm tới trước với cái chậu trên tay như một bác sĩ bào chế thuốc dùng để hứng máu. Điều gì muốn tới đã tới. Bertram nhắm chặt mắt lại. Khi bác sĩ Blake choàng miếng khẩu trang bằng cao su qua miệng ông ta khóc bù lu bù loa:

"Nắm lấy tay tôi nào Katharine. Vì chúa hãy nắm cho thật chặt đó."

Ba phút sau, ông ta mở bừng cặp mắt và nhìn đăm đăm một cách đờ đẫn vào bác sĩ Blake đang huýt sáo nhè nhẹ, dọn dẹp lại các dụng cụ của mình. Bác Winter và cái chậu đã biến mất, và rõ ràng là Bertram đã biết cái răng, cơn đau vật vã, cơn ác mộng tất cả đều trong trạng thái toàn vẹn. Sự kỳ diệu như bao trùm cả ông ta. Ông ta vẫn giữ nguyên tư thế không cử động cho đến khi người nha sĩ hoàn toàn đi khuất. Rồi ông ta ngồi bật dậy và nhìn Katharine với nụ cười chậm rãi, không đau đớn.

"Chính là cô," ông ta tuyên bố. Ông ta trấn an mình rằng cơn tai nạn đã qua bằng cách gõ nhè nhẹ lên má mình; rồi mỉm cười lần nữa thay vì bẽn lẽn. "Cái chất đó thật tuyệt vời, cái khí hơi đó. Tôi cũng can đảm với nó lắm chứ, có phải không?"

"Ông thật là tuyệt vời, Bertie."

"Tôi đã không... Ồ, mà thôi, mặc kệ nó, tóm lại vẫn không phải là một thứ dễ chịu khi đối diện. Chẳng phải ai cũng muốn làm như thế. Ý tôi là bị gây mê và mọi thứ."

"Vâng, ông hoàn toàn là một người dũng cảm. Một cái răng thiệt là quỷ quái."

Rồi dõi mắt theo hướng nàng chỉ, ông nhìn thấy cái răng nằm gọn trong một nhúm bông gòn trên bàn cạnh chỗ ông ta. Ông ta nhặt nó lên và ngắm nghía một cách thú vị.

"À ha! Một cái răng hàm nhiễm trùng lớn ghê. Đúng ra phải lấy ra còn hơn là nằm hoài ở bên trong, Katharine nhỉ? Cám ơn chúa Trời phù hộ cho con có can đảm vượt qua."

Ngẩng đầu lên bất thình lình, ông bắt gặp cái nhìn chăm chú của nàng vào mình, và ngay lập tức ông ngừng lại như một đứa trẻ bị bắt quả tang lấy trộm bánh ngọt trên tủ chạn. Ông nháy mắt như thể có lỗi. Khuôn mặt của ông xụ xuống từ từ. Rồi đôi mắt ông chớp chớp với vẻ thích thú, ông phá ra cười thật lớn. Ông cười thật là lâu.

"Ôi, trời, Katharine, tôi sợ hãi quá chừng. Và cô thật là sắt đá cứ ép tôi phải nhổ nó đi. Nếu cô không làm như vậy, tôi có lẽ vẫn còn phải chịu đựng đến xanh tím mặt mày!" Ông ta với tay và nhấn chuông. "Bây giờ chúng ta sẽ dùng trà. Tôi đói quá rồi. Bao tử tôi đang đói cào dữ dội. Cô có thể tin không Katharine, tôi chưa ăn uống gì cả ngày!"

Nàng lắc đầu. "Không, tôi sẽ dùng một ít trà, Bertie. Và ông sẽ phải ăn một chút xúp bổ dưỡng."

"Ha! Ha! Ý kiến hay. Tôi cần bồi dưỡng thật. Tôi cảm thấy như cả tuần nay chưa ăn một cái gì."

Sau đó, khi bác Winter bước đều đều vào ra, và Bertram với chiếc khăn ăn quấn dưới cằm, ăn như hùm đói một tô xúp nước hầm thịt bò, rồi thình lình ông tuyên bố:

"Cô biết không, Katharine, cô đã bỏ lỡ mất nghề của mình. Cô đáng lẽ phải trở thành một y tá hay bác sĩ gì đó. Không, tôi thề rằng, cô phải là vợ của một người nào đó mới đúng. Chẳng hạn như là vợ của tôi." Ông ta vẫy cái muỗng loạn xạ lên. "Đó là một ý hay. Lấy tôi đi, Katharine, và cô sẽ làm tôi vui sướng biết chừng nào."

Nàng chỉ đơn thuần mỉm cười với ông, không tỏ dấu hiệu gì hết, và ông ta cứ tiếp tục:

"Tôi có thể làm gì được cho cô nào nếu tôi chẳng có tí ích lợi gì khi làm chồng của cô? Chỉ có một điều không thể được thôi. Cô sẽ phải không bán một thứ gì cho tôi cả. Tôi hoàn toàn cạn kiệt vì đã đầu tư quá nhiều vào buổi diễn mới của tôi."

Katharine thở một hơi thật dài. Đến lúc nàng có thể bắt đầu thảo luận vấn đề dễ dàng, khúc mở đầu này, cộng với sự biết ơn của ông ta, đã tạo cho nàng một cơ hội hiếm có. "Tôi thật là có điều muốn nói với ông, Bertie, và nó có liên quan đến buổi diễn mới của ông. Hãy cho cháu gái tôi, Nancy Sherwood, một vai trong đó."

Sự trang trọng hơn là tính tự nhiên của lời yêu cầu của nàng làm ông ta quan tâm. Ông ta vẫn ăn xúp chậm rãi. "Mmm," cuối cùng ông ta lên tiếng. "Thì ra là thế. Cô bé ấy kêu cô làm như vậy hả Katharine. Thật là tên quỷ sứ nhỏ lém lỉnh."

"Con bé đúng là lém lỉnh thật, Bertie." Katharine đáp nhanh. "Và ông biết là nàng biết diễn xuất."

"Đúng thế," ông ta công nhận. "Cô ấy diễn rất khá." Ông ta dừng lại. "Và cô bé cũng can đảm lắm chớ. Tôi biết cả chuyện cô ấy làm ở đài B.B.C. ngày hôm nọ. Mấy chuyện đó chạy lòng vòng mà." Ông ta dừng lại lần nữa. "Mmm! Nhưng giả dụ chúng ta chờ thêm một chút. Khoảng một hay hai năm chi đó cô ấy sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn."

"Không thể một hay hai năm được," Katharine tuyên bố táo bạo. "Cô ấy sẽ lấy chồng và định cư ngay sau đó. Cô ấy muốn làm một điều gì hay ho bây giờ - ông biết nghề nghiệp đó như thế nào mà Bertie – để cảm thấy nàng không phải là một thất bại, để kết thúc với ý muốn đã làm xong một cái gì đó."

Ông ta nhìn vào nàng với vẻ lườm nguýt. "Ồ, vậy sao?"

"Ngoài ra," nàng tiếp tục nhanh chóng, "tôi muốn nàng ở Mỹ khi tôi tới đó. Nếu nó có liên hệ tới tương lai nàng, hạnh phúc của nàng, với tất cả mọi thứ có liên quan."

Một sự im lặng. Ông ta gãi cằm với vẻ chú ý rồi yên ắng một chút trước khi có thể trả lời, nhưng rồi ông ta bất thần có quyết định. "Được rồi, Katharine; vì cô tôi sẽ cho cô bé một vai. Một vai tốt nữa. Nó rất hợp với Nancy ngay trong tính cách. Vai đó sẽ là cô ấy. Bảo cho cô ta liên lạc với tôi tại văn phòng vào ngày mai."

Mặt nàng chợt ửng hồng lên. Quá sung sướng, nàng đứng dậy và nắm lấy cả hai bàn tay của ông. "Cám ơn ông, Bertie!" Nàng kêu lên. "Tôi sẽ không bao giờ quên chuyện này hết."

"Thôi được rồi. Nếu nghĩ về nó kỹ hơn, Nancy sẽ làm một mở đầu hay cho Paula Brent là người đóng vai chính."

Cử chỉ của ông ta, hoàn toàn không khách sáo, vẫn không che dấu được vẻ mãn nguyện đã làm nàng hài lòng.

Sau đó ít lâu, nàng rời khỏi nơi đó. Một sự phấn chấn không tả được lan khắp người nàng khi nàng đi về nhà, gập người xuống gọi điện thoại cho Nancy ngay khi nàng về tới phố Curzon Street. Chuyến viễn du sang Mỹ có nhiều biến chuyển mới, có vẻ sáng lạn với nhiều màu sắc như nàng vẽ sẵn trong đầu. Nàng vẫn luôn luôn muốn đi với Nancy. Và như thế, nàng tự nhủ với một cảm giác ấm cúng bên trong, với ý tưởng lạ lùng cộng thêm vào hạnh phúc của mình rằng Madden cũng có đi theo chung.
Bình Luận (0)
Comment