Cờ Rồng Tay Máu

Chương 53

Tư Đồ Sương vừa cười vừa nói tiếp :

- Có việc gì đã có tiểu muội phục vụ, để tiểu muội cho mấy cái mồm già kia một cái tát trước nhé?

Nàng vừa nói vừa phi thân lại chỗ trước mặt của Đại Bi thiền sư đứng ở phía bên trái.

Nga Mi tam lão thấy hai nàng không coi anh em mình ra gì, cả ba đều tức giận khôn tả, nhưng vì nghe thấy Ngộ Thông nói thiếu nữ áo trắng có công lực tuyệt cao, trong lòng đã hoảng sợ sẵn, vì thế họ mới không dám ra tay vội. Lúc này họ thấy Tư Đồ Sương nhảy lại trước, khi nào họ chịu đựng được?

Đại Bi thiền sư giận dữ quát lớn :

- Nơi đây là cửa Phật thanh tĩnh, đâu có phải là chỗ để cho ngươi quấy nhiễu? Quay trở lại đi!

Nói xong, y giơ tay áo lên phất mạnh vào người của Tư Đồ Sương một thế như bài sơn đảo hải vậy.

Thế công ấy Đại Bi đã giở tám thành công lực ra rồi, y yên trí dù không đả thương được đối phương thì cũng đẩy được địch thủ phải lui trở về chỗ cũ.

Ngờ đâu, sự thực lại trái hẳn. Khí cương phong mạnh như bài sơn đảo hải sắp va đụng phải Tư Đồ Sương mà không thấy nàng kinh hãi và tránh né, trái lại còn cười khúc khích nói :

- Lão hòa thượng đã mắc hỡm rồi.

Nàng vừa nói vừa quay người một vòng, tránh ngay được luồng cương phong đó.

Đột nhiên nàng quay vào chỗ chính giữa, giơ tay tát Đại Từ thiền sư một cái nhanh như điện chớp.

Nếu là người khác thể nào cũng bị tát trúng, dù không bị thương nặng thì thể nào cũng bị gãy răng chứ không sai.

Nhưng Đại Từ thiền sư là cao thủ hạng nhất của phái Nga Mi, tất nhiên công lực phải hơn người, khi nào y lại bị người ta đánh trúng một cách dễ dàng như thế được?

Y chỉ hơi kinh hãi một chút đã vội quay người tránh né và giở thế Phật Quang Phổ Chiếu (hào quang của Phật chiếu muôn nơi) chìa năm ngón tay ra như năm cái móc sắc, nhằm cổ tay của Tư Đồ Sương chộp luôn.

Tư Đồ Sương tính rất hiếu thắng, có ý muốn biểu diễn tài ba để cho nghĩa tỷ xem, như vậy khi nào nàng chịu để cho đối phương thoát khỏi chưởng của mình được, nên nàng cười khì một tiếng và nói tiếp :

- Ối chà! Lão hòa thượng khôn ngoan lắm.

Nàng vừa nói vừa trầm cổ tay xuống, chìa ngón tay giữa nõn nà như ngọc ra nhằm ngay gan bàn tay của Đại Từ điểm luôn. Ngón tay của nàng chưa điểm tới đã có chỉ phong rất mạnh đưa tới trước. Đại Từ thấy gan bàn tay đau nhức hoảng sợ vô cùng đang định buông tay biến thế khác.

Y đã nhanh nhưng Tư Đồ Sương còn nhanh hơn.

- Không kịp đâu lão hòa thượng ơi!

Nàng vừa nói tới đó, ngón tay của nàng đã rung động một cái, kêu đến soẹt một tiếng. Áo bào của Đại Từ đã bị chỉ phong của nàng đâm thủng ở dưới nách một lỗ nhỏ rồi. Cũng may nàng nương tay bằng không nàng chỉ điểm chệch sang bên cạnh đó hai tấc thôi là Tướng đài huyệt của lão hòa thượng bị điểm trúng luôn. Lúc ấy, lão hòa thượng không bị chết ngay tại chỗ thì cũng phải nằm liệt giường liệt chiếu dăm ba bửa, nửa tháng là ít?

Tư Đồ Sương thấy đã đâm thủng áo của đối phương rồi, nàng không muốn làm cho đối phương mất sĩ diện thêm nên vội thâu tay ngay lại. Vừa quay trở về chỗ cũ, nàng lại cười khẩy một tiếng và nói :

- Lão hòa thượng kia, với tài ba tầm thường như thế mà cũng đòi làm bộ làm tịch, kiêu ngạo ngông cuồng đến như thế, thật không biết hổ thẹn chút nào.

Phi Quỳnh vừa cười vừa khen ngợi :

- Sương muội tài ba lắm!

Tư Đồ Sương vội đỏ bừng mặt đỡ lời :

- Tỷ tỷ định tâm mắng mỏ tiểu muội phải không? Vốn dĩ tiểu muội định tát mặt y một cái.

Phi Quỳnh lại đỡ lời tiếp :

- Thôi, thế cũng đủ rồi. Như vậy còn đau đớn hơn là giết chết y đấy.

Nàng nói không sai chút nào. Nga Mi tam lão chứ có phải là tay cao thủ thường đâu? Nhất là Đại Từ, tuy chỉ ấy chưa điểm trúng da thịt của y thực, nhưng y cảm thấy đau đớn hơn là bị giết chết nhiều. Nga Mi tam lão vốn nổi danh trên giang hồ lâu năm, oai chấn võ lâm, là cao thủ hạng nhất của phái Nga Mi, mà nay đấu với một thiếu nữ chưa được ba hiệp đã bị chọc thủng áo, lại gần Tướng Đài huyệt. Rõ ràng người ta nương tay tha chết cho, như vậy y không hổ thẹn sao được?

Cả ba lão hòa thượng đều ngượng đến mặt đỏ bừng, nhất là Đại Từ thiền sư. Thớ thịt ở hai má cứ rung động hoài, giây phút sau mới niệm một tiếng Phật hiệu rồi nghiêm nghị nói :

- Phật tổ từ bi, đệ tử phải đại khai sát giới đây.

Hiển nhiên y đã nổi giận thực sự rồi, hai mắt trợn to, đôi ngươi tia ra hai luồng ánh sáng chói lọi, chiếu thẳng vào mặt của hai nàng. Ai cũng yên trí nơi thánh địa cửa Phật sắp có trận đấu chí tử xảy ra đến nơi.

Phi Quỳnh bỗng nhìn mặt Đại Từ nghiêm nghị hỏi :

- Có phải đại hòa thượng định gây mưa máu gió tanh ở nơi cửa Phật thanh tĩnh này đấy không?

Đại Từ nghe nói giật mình đến thót một cái, nhưng vẫn tức giận đáp :

- Coi thường phái Nga Mi, thị tài xông pha vào bổn sơn, lão tăng thử hỏi ai là người định gây mưa máu gió tanh ở nơi cửa Phật này?

- Đại hòa thượng hỏi rất hay!

Phi Quỳnh nói như vậy, vẫn tủm tỉm cười nói tiếp :

Chị em chúng tôi thể niệm lòng từ bi của trời, vì lo ngại trong vũ nội sẽ có mưa máu gió tanh và thương tiếc cơ nghiệp của các môn phái, sáng lập rất khó khăn mới có được ngày nay nên mới tới đây để thành thực báo động, chứ có phải khinh thị phái Nga Mi gì đâu?

Đại Từ im lặng không nói năng gì cả.

Phi Quỳnh cười khẩy một tiếng nói tiếp :

- Vì vậy mà khi ở bên dưới núi, chị em chúng tôi đã hết sức cố nhịn để mong được gặp người Chưởng môn của quí phái. Còn vấn đề bảo thị tài để xông pha lên núi, đó là đệ tử của quí phái bắt buộc chị em chúng tôi phải ra tay đấy thôi. Còn Sương muội của tại hạ nổi giận ra tay vì lão hòa thượng không nể mặt chúng tôi chút nào mà nên. Đại hòa thượng đã là cao tăng của cửa Phật, không biết phân biệt phải trái, thiện ác, đã để mất phong độ trước, rồi lại vì một việc nhỏ mọn mà muốn gây nên sát nghiệp sau. Xin hỏi đại hòa thượng, có phải quí phái thị những cái trò ấy đã truyền tiếp mấy trăm năm nay và đó cũng là do lão hòa thượng đã khổ công tu luyện mấy chục năm mới có được những cái trò ấy hay sao? Hơn nữa, chị em chúng tôi nếu định tâm khinh thị phái Nga Mi, thị tài xông pha lên núi thì chả cần cứ phải ở ngoài cửa chùa này mà chịu nhịn hoài như thế này? Với tài ba của chị em chúng tôi, đừng nói chỉ hái một cành quất nho nhỏ như vậy, mà dù có đi khắp núi Nga Mi cũng chẳng ai ngăn nổi. Đấy chúng tôi chỉ biết nói như thế thôi, sau này phái Nga Mi có bị an nguy tồn vong như thế nào thì đó là việc của các người. Thôi, chị em chúng tôi xin cáo lui đây.

Nói xong, nàng dắt tay Tư Đồ Sương quay người định đi ngay.

Nga Mi tam lão cứ đứng ngẩn người ra, chẳng nói chẳng rằng.

Đột nhiên trong chùa Lôi Âm có tiếng niệm Phật hiệu nổi lên và có tiếng khàn khàn nói vọng ra rằng :

- Đành để cho năm trăm đệ tử chịu nhục chứ không thể để cho võ lâm chê cười phái Nga Mi được. Xin mời hai vị nữ thí chủ ngưng bước, lão tăng Đại Tuệ xin cung kính nghênh đón hai vị.

Tiếng nói vừa dứt, hai cánh cửa lớn sơn son thếp vàng của chùa Lôi Âm đã mở rộng. Một hồi chuông nổi lên, người Chưởng môn của phái Nga Mi Đại Tuệ thiền sư đã dẫn các môn hạ ra nghênh đón rồi.

Bốn chú tiểu đã dùng đại lễ nghênh tân ra nghênh đón, tất nhiên hai nàng phải biết rõ và người ta đã nói đành để năm trăm môn đồ chịu khuất phục, chứ không chịu để cho võ lâm chê cười phái Nga Mi nên hai nàng cũng tự nghĩ rằng :

“Đành nén lửa giận xuống chứ không để cho phái Nga Mi cười mình vô lễ”.

Hai nàng vội nắn nót lại quần áo cho thực chỉnh tề rồi mới vội tiến lên nghênh đón.

Tư Đồ Sương là Động chủ của Mân Tây bát động, phải giữ đủ lễ phép mới được, nên nàng mới đi tới chỗ cách các hòa thượng chừng hơn trượng đã vội vái chào và lớn tiếng nói :

- Chị em Tư Đồ Sương tôi là mạt học hậu tiến, đâu dám được đại sư Phật giá ra đón như thế này?

Đại Tuệ thiền sư cũng vượt qua mọi người tiến lên, chắp hai tay vái chào và nhìn hai thiếu nữ nghiêm nghị nói :

- Tư Đồ động chủ là người đừng đầu của Bát động tôn quí như thế, không quản ngại nghìn dặm xa xôi, giáng lâm Nga Mi, mục đích muốn võ lâm được yên tĩnh với cứu chúng sinh ra khỏi tai kiếp mà nên, thực đáng kính phục. Lão tăng ra nghênh đón quá chậm, các môn hạ lại thất lễ, mong hai vụ thí chủ lượng thứ cho.

Tư Đồ Sương trang trọng đáp :

- Chúng tôi không dám! Chị em chúng tôi cũng xúc phạm rất nhiều, mong đại sư cũng lượng thứ cho.

Đại Tuệ thiền sư đưa mắt liếc nhìn Nga Mi tam lão một cái, trầm giọng nói :

- Xin mời ba sư huynh hãy rút lui.

Trước lệnh dụ của người Chưởng môn, Nga Mi tam lão đâu dám trái lệnh, nhưng trước khi rút lui, ba người còn liếc nhìn hai nàng một cái mới vái lạy rút lui.

Đại Tuệ thiền sư quay lại chắp tay vái hai nàng một vái nữa mới nói tiếp :

- Nơi đây không phải là chỗ nói chuyện, mời hai vị vào trong chùa sơi nước.

Nói xong, lão hòa thượng định đi trước dẫn đường nhưng Tư Đồ Sương đã mỉm cười đáp :

- Tư Đồ Sương mạt học hậu tiến, còn cái tên Động chủ chỉ hữu danh vô thực, không dám vượt quyền, xin đại sư cho phép chúng tôi được đi cùng.

Đại Tuệ thiền sư hơi trần trừ giây lát mới gật đầu.

Thế rồi Đại Tuệ thiền sư đưa hai nàng đi thẳng vào trong phòng phương trượng và lập tức truyền lệnh dụ cho các hòa thượng ai nấy trở về vị trí của mình, chỉ giữ lại hai vị cao tăng của vai vế chữ Đại mà thôi.

Ba người ngồi xuống xong đã có chú tiểu bưng nước trà ra mời uống, rồi Đại Tuệ thiền sư mới lên tiếng :

- Lão tăng bất tài, để bị bêu xấu với người trước kẻ sau, và để cho vật báu bị mất trộm nên bất đắc dĩ mới phải ra lệnh phong tỏa ngọn núi như vậy. Mong hai vị đừng có khiển trách.

Hai nàng lại đứng dậy vái một vái và đồng thanh đáp :

- Chị em chúng tôi không dám.

Đại Tuệ thiền sư nói tiếp :

- Ý định của hai vị như thế nào bần tăng đã được biết đại khái rồi, tiện đây xin hai vị cho biết tường tận một chút.

Không thấy ông ta nhắc nhở tới chuyện Phi Quỳnh biểu diễn tài ba ở chỗ cửa núi và cũng không nói tới việc ba lão hòa thượng ngăn cản hai nàng, hiển nhiên ông ta cho hai việc ấy rất mất sĩ diện nên mới bỏ qua là thế.

Tư Đồ Sương tủm tỉm cười đáp :

- Chị em chúng tôi tới đây là về việc quý phái mất trộm vật báu đây.

Đại Tuệ thiền sư giật mình đến thót một cái và vội hỏi lại :

- Chả lẽ hai vị đã biết...

Tư Đồ Sương vội đỡ lời :

- Có phải người Chưởng môn định nói người lấy trộm báu vật đấy không?

Đại Tuệ ngơ ngác gật đầu đáp :

- Vâng, chính lão tăng đang vì việc ấy.

Tư Đồ Sương nói tiếp :

- Người Chưởng môn hiểu lầm rồi! Chị em chúng tôi chưa biết người chính thức lấy trộm báu vật là ai cả, nhưng chúng tôi rất vui lòng xin tận chút hơi sức hèn mọn giúp quý phái với các đại môn phái khác.

Nàng cố ý nhấn mạnh hai chữ “chính thức” nên Đại Tuệ thiền sư ngẩn người ra một hồi rồi mới đáp :

- Đa tạ hai vị đã trợ giúp cho như vậy. Nhưng theo chỗ lão tăng được biết thì người lấy trộm vật báu đã được một vị cao nhân ẩn thế ở trên núi Phạm Tĩnh thâu làm môn đồ rồi.

- Chính thế!

Tư Đồ Sương gật đầu đỡ lời nói như vậy và tiếp :

- Thư sinh họ Đỗ tên là Ngọc quả thực đã được vị cao nhân ẩn thế ở trên núi Phạm Tĩnh thâu làm môn hạ rồi. Nhưng xin hỏi người Chưởng môn, tại sao người lại xác định người đó chính là người đã lấy trộm vật báu của quí phái với các môn phái khác?

Đại Tuệ đáp :

- Chữ viết bằng phấn ở trên vách vẫn còn, hai vị có muốn coi bần tăng xin dẫn đi ngay.

Tư Đồ Sương lắc đầu hỏi lại :

- Xin hỏi Chưởng môn, chả hay quí phái có ai đã trông thấy hình dáng và mặt mũi của người lấy trộm ấy chưa?

Đại Tuệ đáp :

- Nói ra thì thực hổ thẹn. Không riêng gì bổn phái mà cả Thiếu Lâm, Võ Đang, Hoa Sơn và Cống Lai cũng bị mất mát như vậy và không ai hay biết kẻ trộm là ai? Vào lấy trộm lúc nào?

Tư Đồ Sương tủm tỉm cười hỏi tiếp :

- Xin hỏi Chưởng môn. Ví dụ có người lấy trộm báu vật của quí phái rồi dùng phấn viết tên của Đỗ Ngọc lên trên vách, chả hay có trường hợp ấy không?

Đại Tuệ ngẩn người ra và hỏi lại :

- Tư Đồ thí chủ nói...

Tư Đồ Sương nhanh nhẩu đỡ lời :

- Hậu học tôi chỉ hỏi đại sư liệu có trường hợp như thế không?

Đại Tuệ trầm ngâm giây lát rồi cương quyết đáp :

- Có thể lắm.

Tư Đồ Sương lại nói tiếp :

- Đó là điểm thứ nhất mà hậu học cảm thấy rất đáng nghi. Thứ hai là theo chỗ hậu học được biết thì Đỗ Ngọc tuy biết võ công thực, nhưng võ nghệ của y chỉ có thể bảo vệ được bổn thân là cùng thôi. Đây không phải là hậu học bịa đặt hay nói dóc gì đâu, đại sư không tin thử hỏi tam lão sẽ biết, nhưng chắc tam lão đã nói cùng đại sư rồi cũng nên.

Đại Tuệ gật đầu đáp :

- Tư Đồ động chủ nói rất đúng. Ba vị sư huynh của lão tăng đã kể lại câu chuyện ấy cho lão tăng hay rồi.

Tư Đồ Sương lại gật đầu nói tiếp :

- Như vậy càng hay. Xin hỏi quí Chưởng môn, chỗ tàng trử báu vật giới bị như thế nào?

Đại Tuệ không do dự gì hết, vội trả lời ngay :

- Tuy không phải là tường đồng vách sắt hay đầm rồng hang hổ, nhưng các cao thủ của võ lâm đừng có hòng tiến tới gần năm mươi trượng...

Nói tới đó, ông ta bỗng giật mình đến thót một cái, kêu ồ một tiếng vội nói tiếp :

- Lão tăng hiểu rồi. Nơi tàng trữ vật báu giới bị nghiêm như thế, dù là cao thủ thượng thặng của võ lâm cũng không thể nào tới gần được năm mươi trượng, huống hồ là một người võ học...

Tư Đồ Sương mỉm cười đỡ lời :

- Đến lúc này quí Chưởng môn đã biết rõ thư sinh họ Đỗ kia bị oan rồi đấy chứ?

Đại Tuệ trợn ngược lông mày lên hỏi :

- Với cao kiến của Tư Đồ động chủ thì...

- Không dám, quí Chưởng môn là một vị cao tăng đương thời, thân nhỡn có thể quan sát thấy hết, tất nhiên phải nhận xét ra được đó là một thủ đoạn vu oan giá họa rất thấp kém.

Đại Tuệ gật đầu, mặt hổ thẹn đáp :

- Vâng, nếu không có lời nói của Tư Đồ động chủ cảnh tỉnh thì tới giờ lão tăng vẫn còn mơ hồ không hay biết gì. Xem như vậy, thể nào cũng có người vu oan giá họa thư sinh họ Đỗ chứ không sai?

Ông ta vừa nói tới đó, Phi Quỳnh đã cười khì và xen lời nói :

- Người đó không những vu oan giá họa thư sinh họ Đỗ và còn định tâm giá họa cả các đại môn phái nữa.

Đại Tuệ nghe nói ngẩn người ra nhìn Tư Đồ Sương và hỏi :

- Tư Đồ động chủ, chả hay nữ thí chủ này là...

Tư Đồ Sương hơi ngạc nhiên nhưng chỉ thoáng cái thôi, nàng đã hiểu biết ngay, vội đáp :

- Hậu học thất lễ thực. Vị này là nghĩa tỷ của hậu học...

Phi Quỳnh vội đỡ lời :

- Hậu học là Đổng Phi Quỳnh.

Đại Tuệ kêu ồ một tiếng, vội hỏi lại :

- Thế ra là Đổng cô nương đấy! Lão tăng ngu muội, cô nương có thể nói rõ thêm một chút không?

Hiển nhiên vị đắc đạo cao tăng này vẫn còn hồ đồ, không hay biết gì! Phi Quỳnh tủm tỉm cười nói tiếp :

- Quí Chưởng môn không cảm thấy kế của người đó rất nham hiểm, ác độc, không những đã mượn giết người mà còn là kế một mũi tên bắn hai con chim là đằng khác nữa hay sao?

Đại Tuệ càng ngơ ngác thêm, hai má đỏ bừng gượng cười đáp :

- Cô nương...

Phi Quỳnh thở dài một tiếng rồi nghĩ bụng :

“Nếu phen này chị em chúng ta không đi một chuyến thì có lẽ tất cả các Chưởng môn của các đại môn phái vẫn còn u mê...”

Nghĩ tới đó nàng tủm tỉm cười đáp :

- Người Chưởng môn nên biết, cho tới giờ phút này, tất cả các vị Chưởng môn của các đại môn phái vẫn tin tưởng Đỗ Ngọc là người đã lấy trộm vật báu. Tuy lúc này vị thư sinh ấy đã được một vị cao nhân ẩn thế thâu làm môn hạ, nhưng chàng ta thể nào cũng có ngày tái xuất giang hồ. Vật báu trấn sơn có liên quan đến thanh danh của cả một môn phái và sự thịnh suy của trăm đời nên dù có phải hy sinh đến độ môn phái bị tan rã, các môn đồ bị chết hết, các môn phái cũng vẫn phải lấy lại cho kỳ được vật trọng báu ấy về mới thôi.

Đại Tuệ thiền sư nghiêm nghị đỡ lời :

- Cô nương nói rất phải. Vật báu trấn sơn đã truyền từ trăm năm xưa tới giờ, không một môn phái nào lại chịu để cho vật báu tổ truyền bị mất vào tay người khác như thế.

Phi Quỳnh tủm tỉm cười nói tiếp :

- Kẻ gian đã nhắm trúng điểm quan trọng ấy nên việc lấy trộm vật báu lại xảy ra không sớm, không muộn, và lại đúng vào lúc thư sinh họ Đỗ được vị cao nhân ẩn thế sắp thâu làm môn đồ. Quý Chưởng môn thử nghĩ xem, một khi thư sinh họ Đỗ học thành công võ nghệ rồi hạ sơn, tất nhiên các đại môn phái không khi nào lại chịu buông tha y. Dưới tình thế ấy, y chịu nhịn sao nổi? Vị cao nhân ẩn thế kia có võ công siêu cổ tuyệt kim như thế nào chắc tam lão cũng đã thưa với đại sư rõ rồi. Danh sư xuất cao đồ, nếu y nổi giận đi tìm kiếm các môn phái để trả thù, thử hỏi hậu quả ấy sẽ như thế nào? Chị em hậu học không dám có ý nói cho nó quá nghiêm trọng mà chỉ lấy việc luận việc thôi. Xin quí Chưởng môn lượng thứ cho chị em chúng tôi trực ngôn.

Nghĩ tới lời nói của Nga Mi tam lão, Đại Tuệ rùng mình đến thót một cái, bỗng đứng dậy, nghiêm nghị đáp :

- Xin đa tạ hai vị đã cảnh cáo cho như vậy, khiến lão tăng như người nằm mơ mới thức tỉnh. Nếu không được hai vị chịu khó như thế này, thì hậu quả do các đại môn phái gây ra quả thật không sao tưởng tượng được. Tội của lão tăng rất nặng và rất hổ thẹn với Phật tổ. Phái Nga Mi chúng tôi không dám quên ơn đức này của hai vị nữ thí chủ. Hai vị hãy nhận một lạy của lão tăng trước.

Nói xong, ông ta đứng dậy chuẩn bị hành đại lễ ngay. Tư Đồ Sương cuống lên định trốn tránh thì Phi Quỳnh bỗng cười khì và nói tiếp :

- Người trong võ lâm đã có người của võ lâm can thiệp tới, huống hồ chị em tôi còn có một chút tư kỷ ở bên trong, xin quý Chưởng môn đừng có quá lễ phép như vậy. Chị em chúng tôi thật đâu dám nhận đại lễ này.

Nàng khẽ giơ tay một cái, Đại Tuệ đang định quỳ xuống, bỗng có một luồng kình lực vô hình ở dưới đất đưa lên khiến ông ta không sao quỳ xuống được. Hoảng sợ vô cùng, nên ông ta cứ trơ mặt ra nhìn Phi Quỳnh thôi.

Tư Đồ Sương thấy thế cười thầm và nghĩ bụng :

“Đấy là người tự mang khổ vào thân.”

Nghĩ tới đó, nàng mỉm cười nói tiếp :

- Xin người Chưởng môn chớ nên khách sáo như vậy, chị em hậu học còn có việc muốn nhờ vả đại sư đấy.

Đại Tuệ thiền sư giật mình đến thót một cái, vội nhìn Phi Quỳnh nghiêm nghị hỏi lại :

- Lão tăng đã lãnh hội hai lần thần công khoáng tuyệt của cô nương rồi, trong lòng rất lấy làm kính phục. Nhưng không biết lệnh sư là vị cao nhân nào?

Phi Quỳnh khẽ đáp :

- Nhất thời cuống lên, hậu học mới đột nhiên bêu xấu như thế! Thực chỉ làm trò cho người Chưởng môn chê cười thôi. Gia sư ẩn dật ở trong rừng núi đã lâu và đã quên cả tên tuổi là gì. Xin người Chưởng môn lượng thứ cho.

Lão hòa thượng biết người ta không muốn cho biết rõ sư môn nên chỉ nhìn vào mặt Phi Quỳnh thở dài một tiếng và nói tiếp :

- Hai vị nữ thí chủ quả thực là Phượng hoàng trong đám người. Thiên hạ võ lâm có được hai vị ra mặt như vậy thực là phúc đức biết bao. Phái Nga Mi chúng tôi lại càng vẻ vang và hân hạnh thêm.

Hai nàng tủm tỉm cười và đỡ lời :

- Người Chưởng môn cứ quá khen như vậy khiến chị em hậu học chúng tôi càng hổ thẹn thêm.

Đại Tuệ thiền sư lại thở dài liên tiếp, một lát sau mới nghiêm nghị nói tiếp :

- Lão tăng có một việc này chưa được rõ, còn mong hai vị chỉ giáo cho. Các người ăn cắp vật báu định tâm giá họa như thế, thể nào cũng có thù oán gì với Đỗ thí chủ, nhưng còn bổn phái với các môn phái khác có thất lễ...

Phi Quỳnh vội đỡ lời :

- Người Chưởng môn nên hiểu rõ cho, kẻ trộm vật báu ấy không cần phải có hiềm thù gì với các đại môn phái, mà chỉ muốn làm như thế là để cho thư sinh họ Đỗ biến thành công địch của võ lâm, tội nhân của vũ nội đấy thôi.

Đại Tuệ thiền sư nghe tới đó giật mình đến thót một cái, chắp tay lên trước ngực và nói tiếp :

- A di đà Phật, sao người ấy lại có tâm địa độc ác đến như thế. Bây giờ phải nên làm như thế nào, xin hai vị chỉ giáo cho?

Phi Quỳnh vội đáp :

- Không dám! Chị em hậu học chỉ muốn yêu cầu Chưởng môn nhân một việc?

Đại Tuệ thiền sư vội đỡ lời :

- Việc gì thế, xin hai vị cứ dặn bảo, thể nào lão tăng cũng tận lực làm giúp hai vị.

- Đa tạ Chưởng môn nhân.

Phi Quỳnh nghiêm nghị vái một vái rồi nói tiếp :

- Chị em hậu học không dám mong mỏi gì cả, chỉ xin phái Nga Mi đi bắt hung phạm chính thức và còn xin Chưởng môn nhân nói cho các vị Chưởng môn của các môn phái khác...

Nàng vừa nói tới đó bỗng đưa mắt liếc nhìn ra ngoài cửa một cái, như hữu ý mà cũng như vô tình.

Đại Tuệ thiền sư gật đầu, chưa kịp trả lời thì đột nhiên ngoài cửa đã có tiếng niệm Phật hiệu rất lớn vọng vào. Tiếp theo đó có một lão hòa thượng gầy gò vén màn lên bước vào, chắp tay vái chào Đại Tuệ thiền sư một vái và nói :

- Đại Trí chưa thừa lệnh dụ, đã lẻn tới cấm địa trên Kim Đỉnh này, mong Chưởng môn nhân thứ tội cho.

Võ công của Đại Trí thiền sư rất cao tuyệt, Phật pháp vô biên, cùng với Bách Hiểu lão nhân đều được thiên hạ gọi là Vũ Nội nhị đại kỳ nhân.

Hai nàng đều giật mình đến thót một cái, vội đứng dậy mặt lộ vẻ nghiêm nghị.

Đại Tuệ thiền sư cũng ngẩn người ra, nhưng hơi biến sắc mặt.

Đại Trí thiền sư cung kính vái chào và nói tiếp :

- Năm xưa vì xúc phạm môn qui, Đại Trí bị giữ ở trên Kim Đỉnh, tuy vạn tử cũng không dám tự tiện rời khỏi nơi đó, nhưng vì tai kiếp của võ lâm sắp tới, muốn cứu chúng sinh của vũ nội ra khỏi cửu vạn tai kiếp, bắt buộc Đại Trí tôi phải đánh liều lẻn xuống Kim Đỉnh và xin Chưởng môn nhân cho hoãn lại sự giam cấm hai năm.

Hai năm sau, Đại Trí tôi lại nguyện chịu nốt hình phạt.

Đại Tuệ thiền sư thấy thế trầm giọng đáp :

- Sư huynh đã có lòng như vậy, bổn tọa đâu dám...

Đại Trí thiền sư bỗng trợn to đôi mắt nghiêm nghị nói tiếp :

- Tai kiếp đến nơi không sao tránh khỏi được chuyện đổ máu, chả lẽ Chưởng môn nhân chỉ vì môn qui của phái Nga Mi mà không nghĩ gì đến chúng sinh của vũ nội, với sự thịnh suy của vũ nội và của các môn phái hay sao? Một pho thần tượng bỗng dưng đổ xụp, oan khí sát nghiệp đã chứa đầy võ lâm, Chưởng môn nhân có biết là tại sao không?

Đại Tuệ thiền sư có vẻ hoảng sợ, khẽ niệm một tiếng Phật hiệu, nhưng vẫn lẳng lặng không nói năng gì hết.

Đại Trí thiền sư quay lại nhìn hai nàng, chắp tay lên trước ngực và nói :

- Hai vị nữ thí chủ đã có lòng từ bi như vậy, lão tăng rất lấy làm kính phục.

Hai nàng vội chắp tay đáp lễ và đỡ lời :

- Chị em hậu học ngưỡng mộ đại sư là cao tăng của cửa Phật, là một vị kỳ nhân của đương thời đã lâu, nhưng tiếc thay chỉ vì kém duyên phận nên không có dịp được bái lãnh để đại sư chỉ bảo cho. Đại sư lại còn quá khen như thế, quả thực chị em hậu học không dám nhận lời khen như vậy.

Đại Trí thiền sư nhìn hai nàng một lát đột nhiên thở dài một tiếng và nói tiếp :

- Thần tượng bị đổ như vậy ắt phải có nguyên nhân. Đó là ý trời đã bảo, không sao tránh khỏi được trọn đạo, chỉ e sức lực của hai vị với lão tăng ba người không sao vãn hồi nổi. Bách Hiểu lão nhân chỉ vì một việc vô tâm mà đã đem lại sát nghiệp vô cùng cho võ lâm, chỉ e chúng sinh khó mà thoát nổi tai ách.

Hai nàng nghe thấy mấy lời của vị cao tăng đương thời cũng phải giật mình hoảng sợ. Phi Quỳnh vội hỏi :

- Đại sư Phật pháp vô biên, công lực đã thông huyền, đại sư đã biết kiếp vận sau này thì tất nhiên phải biết...

Đại Trí thiền sư lắc đầu đỡ lời :

- Khó lắm! Khó lắm! Ý trời đã như thế, người ta không thể nào vãn hồi lại được. Lần này lão tăng đã cam tâm chịu đại tội mà tự tiện xuống Kim Đỉnh, tuy mục đích là muốn cứu vãn tai kiếp này, cũng chỉ tận hết sức lực của mình. Còn thành bại hay không còn phải tùy ở như mệnh trời, chỉ mong làm sao mà giảm bớt được phần nào sát nghiệp, cứu vãn nổi chút ít kiếp vận thì lão tăng đã toại nguyện lòng mong mỏi lắm rồi. Lão tăng không dám nói trước gì cả, chỉ có tận tâm giảm được phần nào hay phần ấy thôi.

Hai nàng nghe thấy Đại Trí nói như thế, như bị một vật nặng nghìn cân đè lên và cau mày lại không nói năng gì hết.

Lúc ấy trong phòng yên lặng như tờ, một lát sau Đại Trí thiền sư mới nói tiếp :

- Kiếp vận đã tới nơi, có lo âu cũng vô ích, bây giờ chỉ nên bình tâm tĩnh trí mà nghĩ cách cứu vãn tai kiếp thôi.

Hai nàng nghe nói như người nằm mơ mới thức tỉnh, hết u buồn ngay. Cả hai cùng chắp tay vái một vái và đồng thanh nói :

- Cảm ơn đại sư đã chỉ bảo như vậy, chị em hậu học đã thụ ích rất nhiều.

Đại Trí thiền sư nhìn hai nàng một cái rồi thở dài nói tiếp :

- Tuy trong võ lâm có hàng nghìn hàng vạn người, nhưng gánh nặng cứu vãn tai kiếp chỉ có ba chúng ta phải gánh vác thôi chứ người khác không thể nào chia xẻ được. Hai vị nên nhớ kỹ, khi nào Bích Mục song sát tái hiện võ lâm, tức là ngày đó tai kiếp đã tới. Bây giờ lão tăng có hai câu này xin tặng hai vị, mong hai vị vì mọi người mà nên nhớ kỹ...

Hai nàng nghe thấy câu Bích Mục song sát đang ngơ ngác, nhưng khi nghe tới hai câu sau thì lại không kịp hỏi nữa, mà vội đỡ lời :

- Đa tạ đại sư đã chỉ bảo cho như vậy, chị em hậu học xin rửa tai cung kính nghe.

Đại Trí thiền sư nhìn thẳng vào mặt Tư Đồ Sương nói tiếp :

- Cô nương, cửa Phật tuy lớn nhưng không bao giờ dẫn độ cho người vô duyên, việc gì cũng vậy, đều hư vô hết, chỉ có người khoáng đạt thì mới lạc quan thôi.

Tuy Tư Đồ Sương là người rất thông minh nhưng nghe thấy Đại Trí nói như thế cũng ngơ ngác không hiểu mà lại không tiện hỏi, đành phải nghiêm nghị vái một vái và cảm ơn rằng :

- Đa tạ đại sư đã chỉ bảo cho như thế, hậu học thể nào cũng xin ghi nhớ tận đáy lòng.

Đại Trí thiền sư có đôi mắt sáng như điện, tất nhiên đã trông thấy rõ vị hồng phấn tuyệt đời này chưa hiểu thấu lời chỉ bảo của mình nên ông ta cũng chỉ thở than thầm và cho đó là ý trời, nên ông ta cũng chỉ gật đầu một cái, rồi nhìn Phi Quỳnh mà trầm giọng nói :

- Tuy oan không phải do cô nương mà nên, nghiệp không phải do cô nương mà ra, nhưng oan nghiệp đều tập trung vào người của cô nương. Lão tăng chỉ xin tặng cô nương một chữ nhẫn, dù có bị dao đâm sâu vào trái tim, nhưng cũng phải nghiến răng chịu đựng. Bằng không... hà lão tăng chỉ biết nói như thế thôi! Xin hai vị chớ nên quên lời nói của lão tăng.

Dù sao Phi Quỳnh cũng là người thông minh hơn, nàng biết vị cao tăng này đã hiểu rõ hết tâm sự của mình nên nàng kinh hãi thêm và nghiêm nghị đáp :

- Phi Quỳnh tôi xin kính lãnh lời chỉ bảo của đại sư, vì mình vì người chịu nhịn hết thẩy.

Đại Trí thiền sư với vẻ mặt rất trang nghiêm bỗng lộ nụ cười nhưng chỉ thoáng cái thôi lại nghiêm nghị nhìn Phi Quỳnh và nói tiếp :

- Đời trước trồng nhân đời sau được quả, nhân quả tuần hoàn báo ứng không sai. Chỉ tiếc thay đến đời hai cô nương, thực là oan uổng, không những hai bàn tay phải dính đầy máu tanh để ứng kiếp cho tiền nhân! Hà...

Nói tới đó ông ta thở dài một tiếng, quay người vái Đại Tuệ thiền sư một lạy rồi quay người đi ra khỏi căn phòng.
Bình Luận (0)
Comment