1. Liếm nghé
Kim thượng cũng giống như ta, đều cảm thấy Tư Mã Quang ngăn cản ta phục chức mới chỉ là bước đầu tiên, y nhất định sẽ tiếp tục thỉnh cầu kim thượng một lần nữa đuổi ta khỏi kinh thành. Vì thế, kim thượng đến Nghi Phượng Các nói chuyện riêng với Miêu hiền phi hồi lâu, đại khái là thương lượng với bà xem nên điều ta rời khỏi công chúa như thế nào, song cuối cùng Miêu hiền phi kịch liệt phản đối, bà đứng phắt lên thê lương nói: “Không thể để Hoài Cát rời đi lần nữa! Hiện giờ nó như thuốc tê của công chúa vậy, có nó công chúa còn có thể được vài lúc yên ổn, nếu nó không ở đây, công chúa sẽ đau khổ chết mất!”
Có lẽ kim thượng cũng đồng ý với quan điểm này, ngài im lặng, không nhắc lại về chuyện này nữa.
Miêu hiền phi lại căm giận nói: “Tay Tư Mã Quang kia thật đúng là đồ ba gai, y chằm chằm dán mắt vào chuyện của công chúa không tha, từng bước o ép, khiến người ta thở cũng không ra hơi. Chẳng bằng quan gia điều y đi, càng xa càng tốt, đỡ cho y lại sinh sự làm hại con gái chúng ta!”
Kim thượng thở dài: “Tư Mã Quang trung lương chính trực, đức hạnh vô khuyết, tìm đâu ra được chỗ sai! Vô cớ điều y ra ngoài, triều đình ắt sẽ xôn xao, cuộn trào sóng gió lớn hơn.”
Miêu hiền phi ứa nước mắt: “Vậy sau này quan gia xử lý chuyện công chúa vẫn phải nơi nơi chốn chốn xem sắc mặt y sao?”
Kim thượng suy nghĩ rồi nói: “Để ta điều y rời khỏi Gián viện vậy. Không ở vị trí đó, có lẽ y sẽ ít lời hơn chút.”
Thế là ngài hạ chỉ thăng Tư Mã Quang làm tri chế cáo. Tri chế cáo và hàn lâm học sĩ được gọi chung là “lưỡng chế”, phân công quản lý ngoại chế, nội chế, thảo chiếu lệnh cho hoàng đế, chức vị cao quý, lại dễ tấn thăng, kẻ sĩ quán các đều lấy vào được lưỡng chế làm vinh. Hơn nữa, chỉ xét riêng về bổng lộc, tiền lương của tri chế cáo cũng nhiều hơn gián quan, bởi vậy, người đời cũng cho rằng Tư Mã Quang sẽ vui vẻ đón nhận bổ nhiệm, nào ngờ Tư Mã Quang liên tiếp dâng đơn xin miễn, nói mình tài sơ học thiển, chữ nghĩa không đủ, không thể đảm nhiệm chức vị từ thần, khẩn cầu thánh thượng giữ y lại Gián viện, tiếp tục cho y làm ngôn quan.
Thoạt đầu kim thượng còn cho rằng đó chỉ là lời khiêm tốn theo lệ trước khi thăng chức của Tư Mã Quang, không thay đổi thánh ý, giục y nhậm chức, song Tư Mã Quang lại dâng đơn liền năm, sáu bận, thái độ kiên quyết, lặp đi lặp lại nhấn mạnh văn chương chiếu lệnh không phải sở trường của mình, không dám lĩnh chỉ. Cuối cùng, kim thượng mang chồng đơn dày cộp ấy đến cho Miêu hiền phi xem, hai người đưa mắt nhìn nhau, bó tay hết cách.
Kim thượng cả ngày mặt ủ mày chau, chỉ khi ở trước mặt công chúa lúc nàng tỉnh táo mới có thể dịu dàng hé cười. Dáng vẻ ngài nhìn công chúa rốt cuộc cũng khiến ta lĩnh hội được thế nào là “trâu già liếm nghé (*)” – ánh mắt ngài như một bàn tay mềm mại, luôn cố thử xoa dịu vết thương vô hình của con gái.
(*) Thành ngữ xuất phát từ “Hậu hán thư – Dương Bưu truyện”, chỉ tình thương yêu sâu nặng của cha mẹ đối với con cái.Trừ suy xét chuyện của ta ra, họ cũng rất lo rằng Lý Vĩ sẽ hỏi ngày công chúa trở về, họ không biết trong tình huống hiện nay, hôn nhân của công chúa và Lý Vĩ nên duy trì ra sao. Mà Lý Vĩ thì lại đột ngột chủ động đề ra một phương án giải quyết: Hắn dâng tấu tự hặc, nói mình thờ chủ không chu toàn, tội không thể tha, khẩn cầu kim thượng điều hắn ra ngoài.
Miêu hiền phi mừng rỡ, ra sức khuyên kim thượng chấp thuận lời thỉnh cầu của hắn, sau một hồi cân nhắc, kim thượng cũng đồng ý, tuyên bố điều phò mã đô úy Lý Vĩ làm tri Vệ Châu, mẹ hắn, Dương thị, sang sống với huynh trưởng Lý Vĩ, Lý Chương, Duyện quốc công chúa vào sống trong cung, nội thần trong phủ công chúa đều theo nàng hồi cung, giải tán tất cả kẻ hầu người hạ còn lại.
Như vậy, thứ nhất, trên thực tế là công chúa và Lý Vĩ ở riêng, tuy không đoạn tuyệt, song cũng giúp công chúa tạm thời thoát khỏi cuộc hôn nhân nàng căm ghét.
Sau khi kim thượng ra quyết định này, Miêu hiền phi lặng lẽ báo tin cho công chúa, công chúa ngơ ngác nhìn mẹ chằm chằm, nghe bà nói mấy lần mới như hiểu được ý nghĩa. Tựa người vào chăn gối, đôi môi nhạt màu của nàng nhếch lên độ cong vành trăng non, song thần thái đắng chát.
Ta có thể đoán được ngôn quan sẽ không để yên cho quyết định này của kim thượng, song phản ứng dữ dội của họ thì lại nằm ngoài dự liệu của ta.
Lúc kim thượng bảo người tuyên đọc chiếu lệnh này trên điện, ta đang tán gẫu với công chúa và Gia Khánh Tử trong Nghi Phượng Các. Nghe theo đề nghị của ta, Miêu hiền phi triệu Gia Khánh Tử vào cung chơi với công chúa hai ngày. Gia Khánh Tử mang theo mấy cuộn tranh của Thôi Bạch và vài món đồ chơi nho nhỏ gã làm đến, mở từng cuộn ra trước mặt công chúa, mời nàng thưởng ngoạn. Trong đó có một hộp gấm nó chưa mở ra ngay mà liếc thoáng qua ta như có điều băn khoăn, công chúa lại trực tiếp nhận lấy, mở hé nắp hộp ra xem qua rồi đặt xuống bên cạnh, cũng không có vẻ gì là có ý định cho ta nhìn. Ta nghĩ chắc là đồ dùng khuê phòng của con gái nên không hỏi nhiều, chỉ cùng họ thưởng thức những món khác.
Lát sau, có nội thị từ Thùy Củng Điện nơi kim thượng lên triều tới, nói với ta: “Quan gia mời Lương tiên sinh lập tức lên điện.”
Ta không khỏi kinh ngạc, hoàn toàn không ngờ rằng hoàng đế sẽ tuyên mình lên điện trong lúc lên triều.
Công chúa nghe vậy, lập tức sốt sắng hỏi: “Cha gọi Hoài Cát đến đó làm gì?”
Nội thị ngập ngừng: “Thần cũng không biết… Mới rồi quan gia thảo luận chuyện điều phò mã ra ngoài cùng một vài đài quan gián quan, mấy tay ấy nhắc đến Lương tiên sinh nên quan gia mệnh thần tới tuyên triệu Lương tiên sinh…”
Công chúa vô cùng bất an, đứng dậy lại gần ta, nắm chặt tay áo ta.
Ta cho nàng một nụ cười trấn an, nhẹ nhàng rút ống tay áo ra khỏi bàn tay nàng, ôn hòa nói: “Không sao đâu, thần đi một lát rồi về.”
Ta rảo bước ra ngoài, đi đến cửa gác, không nhịn được ngoảnh đầu, thấy công chúa đuổi theo mấy bước, vịn cột trụ ngoài hiên đưa mắt nhìn theo ta, cau mày chăm chú, nom nơm nớp u sầu.
Lúc ta đến Thùy Củng Điện, thấy trong điện đã có rất nhiều người bước ra khỏi hàng, có gián quan có đài quan, có đứng có quỳ, đều cầm hốt cúi đầu, thần sắc nghiêm túc, xem ra là đang lần nữa tiến hành một trận đài gián triều can. Kim thượng ngồi trên ngai ngự thì nghiêng đầu sang một tên, tai đỏ thẫm, hai tay nắm chặt tay vị ngai ngự, gân xanh trên mu bàn tay nổi hằn lên, dáng vẻ chỉ có khi ngài tức giận cực độ.
Ta đi vào chính giữa đại điện, chưa kịp bái lạy, kim thượng đã quay phắt lại, phất tay áo chỉ vào ta, cao giọng nói với mọi người: “Các ngươi nhìn cho thật kĩ đi, đây chính là người các ngươi ép trẫm giết! Từ trong mắt nó, các ngươi có nhìn ra được chút tà khí gian nịnh nào không? Từ trên người nó, các ngươi có thể cảm nhận được chút hơi thở họa quốc hại dân nào không?”
“Bệ hạ!” Lập tức có người bước lên đáp trả, ta không cần chuyển mắt, chỉ nghe giọng thôi cũng biết y là Tư Mã Quang, “Trung gian há có thể phân biệt bằng bề ngoài? Lòng người sở dĩ khó dò cũng là bởi kẻ gian nịnh cũng có thể có bề ngoài thuần lương.”
“Vậy các ngươi xem xét lại nó cẩn thận xem,” Kim thượng nói, “Người ta nói lâu ngày thấy được nhân tâm. Trước đây nó từng phục vụ ở Tiền tỉnh nhiều năm, các ngươi đa phần xuất thân từ quán các, hoặc ít hoặc nhiều đều từng có cơ hội tiếp xúc với nó, triều hội lễ tết những năm gần đây cũng có khả năng trông thấy nó. Mời các ngươi suy nghĩ kỹ xem, các ngươi có từng thấy nó phạm lỗi bao giờ chưa? Các ngươi nói nó tội ác như núi, đáng bị tru diệt, vậy mời các ngươi liệt kê tội ác cụ thể của nó, miễn là có chứng cứ thiết thực, dù chỉ một tội thôi, trẫm cũng sẽ nghe theo lời các ngươi, tru diệt nó!”
Quần thần cứng họng, đều dồn mắt vào ta lưỡng lự băn khoăn, nhưng đều không mở miệng đáp lại kim thượng, đến Tư Mã Quang cũng nhất thời không tìm được lời nào phản bác. Chốc sau, một người thân bận bào xanh, có vẻ là đài quan, bước ra khỏi hàng, cầm hốt khom người, nói: “Kim thượng nói Lương Hoài Cát vô tội, nhưng trước đây hắn lại bị biếm tới Tây Kinh vì phạm lỗi, nếu Hoài Cát vô tội thì há lại bị biếm tới đó? Bệ hạ từng tự mình ban bố chiếu lệnh trục xuất hắn, mà nay lại bảo vô tội, ấy chẳng phải tự mâu thuẫn ư?”
Lời y khiến kim thượng khó lòng cự lại. Ngài đưa mắt nhìn, bắt đầu quan sát vị đài quan cấp thấp hơn ba mươi tuổi trước mắt này, hỏi: “Ngươi là ai?”
Đài quan khom lưng, đáp: “Thần là giám sát ngự sử lí hành Phó Nghiêu Du.”
Thấy kim thượng không lên tiếng, Phó Nghiêu Du lại nói: “Phò mã đô úy Lý Vĩ tri Vệ Châu, chuyện quá đột ngột, người nghe kinh hãi. Ai nấy đều nói Lý Vĩ hành sự cẩn trọng, chưa từng nghe nói phạm sai bao giờ, chẳng biết vì sao bệ hạ lại bỗng đuổi cậu ấy ra ngoài. Mà Lương Hoài Cát vốn bị giáng chức vì phạm lỗi thì lại không dưng được triệu về, thể chế triều đình chưa từng có ngoại lệ như thế. Chuyện phu thê Lý Vĩ vốn không cho người ngoài biết, xử lý thế nào nên là cha con bệ hạ tự quyết định, tiện thần vốn chẳng xứng mở miệng, nhưng hôm nay phò mã vô cớ bị trách phạt, nội thần có tội được giữ lại, người nghe trừ bỏ kinh ngạc thì đều đang suy đoán nguyên nhân bên trong. Thần tin rằng công chúa được bệ hạ hết lòng dạy dỗ từ khi còn bé, trang nhã hiền thục, sẽ không có hành vi thất lễ, nhưng vạn miệng xôn xao, đồn đại điều tiếng, dẫn đến phỉ báng, là điều khó tránh. Thế nên thần khẩn cầu bệ hạ bảo toàn nhân duyên của công chúa, không bổ nhiệm phò mã ra ngoài, còn Lương Hoài Cát, dẫu không đến mức tru diệt, song vẫn nên trục xuất như cũ, như vậy mới có thể rửa sạch lời đồn, danh dự của công chúa cũng không bị tổn hại.”
Vừa dứt lời, lập tức được nhiều ngôn quan khác tán thành, đều yêu cầu giữ Lý Vĩ trục xuất ta. Kim thượng lắc đầu, nói: “Công chúa là con gái trẫm, trẫm quan tâm tới danh tiết của nó hơn bất kỳ ai trong các ngươi. Nếu Hoài Cát quả thật từng làm tổn hại đến danh dự của công chúa thì trẫm đã chẳng chút do dự giết nó lâu rồi. Đối với công chúa, Hoài Cát vừa là thầy vừa là bạn, nào có kinh khủng như các ngươi nghĩ. Huống hồ, nó lại là nội thần… Nó cũng không khác gì một cuộn tranh, một bó hoa, một lư hương, đều chỉ là chút an ủi công chúa có thể tìm đến trong cuộc sống không hạnh phúc…”
Nhắc đến cuộc sống không hạnh phúc của công chúa, ánh mắt ngài lộ vẻ ảm đạm, cụp mi ngẫm nghĩ đôi chốc, ngài lại ngẩng lên nhìn thẳng chúng thần, giãi bày những lời khiến tất cả đều kinh ngạc: “Hôn sự của Duyện quốc công chúa là một nước đi sai lầm của trẫm. Trẫm từng cho rằng đó là lựa chọn tốt nhất, vừa có thể báo đáp ơn nghĩa của Chương Ý thái hậu, vừa có thể khiến các ngươi hài lòng, nhưng chẳng ngờ lại hại khổ con gái trẫm… Nếu sự tình phát triển đã đi ngược lại với nguyện vọng, dẫn đến kết quả bây giờ, vậy trẫm cũng chỉ có thể nghĩ cách bù đắp lại cho sai lầm này…“
Ngài thản nhiên thừa nhận hôn sự mình an bài cho công chúa là nước đi sai lầm đã đủ khiến mọi người sửng sốt rồi, mà sau đó lại nói hứa hôn như vậy là để “khiến các ngươi hài lòng”, hiển nhiên là ám chỉ hôn sự của công chúa liên quan đến chính sự triều đình, ngài chọn một người hoàn toàn không có căn cơ trong triều như Lý Vĩ cũng là để cân bằng lợi ích đảng phái ngàn sợi vạn mối vướng mắc khó phân. Thẳng thắn bậc này, khó trách quan viên trong điện đều trợn tròn hai mắt, bất chấp lễ nghi vua tôi, ai nấy đều dòm trộm vẻ mặt kim thượng.
Người đầu tiên ứng đối lại là Phó Nghiêu Du. Trước khi kim thượng muốn tiến thêm một bước nói ra quyết định bù đắp sai lầm, y chặn lời ngài: “Bệ hạ chưa từng sai! Bệ hạ chọn Lý Vĩ làm thượng chúa hoàn toàn là để ban vinh cho nhà cậu, báo đáp ơn dưỡng dục của Chương Ý thái hậu. Khi ấy thiên hạ nghe thấy đều thi nhau ca tụng, lấy làm cảm động đức nhân hiếu của bệ hạ, cũng khuyên con noi theo, người trong nước ai cũng lấy hiếu nghĩa làm đầu, tác phong ấy đến nay vẫn còn dư âm, có thể thấy lựa chọn của bệ hạ anh minh sáng suốt. Thế nên, bệ hạ càng không nên thay đổi dự tính ban đầu, không để Lý Vĩ nghi sợ, lấy đó bảo toàn sủng ái nguyên gốc; không để Hoài Cát hưởng may, lấy đó nghiêm phòng về sau. Huống chi, con gái bệ hạ hãy còn vài vị bé, lần lượt lớn lên, nhất cử nhất động tất sẽ lấy Duyện quốc công chúa làm gương, bệ hạ không thể để mặc. Thần mong bệ hạ tinh tuyển cung tần, lấy đạo lý mài giũa công chúa, làm công chúa thu bớt tính tình, yên bề gia thất. Như vậy, lòng hiếu thảo của bệ hạ đối với Chương Ý thái hậu càng tăng thêm mà đồn đại phỉ báng công chúa trong triều trên phố cũng sẽ lắng xuống.”
Nói xong, y khấu đầu một lần nữa vái lạy kim thượng, “Đây là lời tâm huyết của thần, mong bệ hạ nghĩ lại; tấm lòng kẻ hèn, xin bệ hạ cân nhắc thêm.”