Việc xử trí ta thế nào được thảo luận trong một bầu không khí ôn hòa. Kim thượng một lần nữa cho thấy sẽ không đuổi ta ra khỏi kinh, chỉ điều đến Tiền tỉnh, nhắc lại việc cất nhắc ta làm quan chủ quản Thiên chương các, ta uyển chuyển khước từ, nói: “Xưa nay nội thần thăng bậc có trình tự cố định, nên theo thứ tự. Thần không đủ phẩm cấp, không thể gánh trọng trách này, nếu bệ hạ gia ân đề bạt, đài gián tất sẽ có lời.”
Kim thượng bèn hỏi ta: “Vậy ngươi muốn làm gì?”
Ta đáp: “Năm đó thần được điều từ Họa viện vào Hậu tỉnh, hôm nay xin bệ hạ cho phép thần trở lại nơi ấy. Cũng không cần cho thần chức quan gì cả, thần có thể làm một nội thị hoàng môn bình thường ở Họa viện, ngày ngày chỉnh lý tranh vẽ bản phác của các họa sư, vậy đã là như nguyện rồi.”
Thế nên, chuyện này được quyết định như vậy. Ta từ quan chủ quản phủ công chúa ban đầu bị điều ra Tiền tỉnh làm nội thị hoàng môn trong Họa viện, giáng liền mấy cấp, lại cách xa hậu cung, trong mắt người ngoài cũng không khác nào bị trừng phạt nghiêm khắc, thế nên sau khi ý chỉ được tuyên bố, đài gián cũng chịu chấp nhận, không nhắc lại chuyện biếm trục ta nữa.
Trong khoảng thời gian này, Lý Vĩ đã rời kinh đi Vệ Châu, có lẽ là do hắn nhờ cậy mớm lời, huynh trưởng hắn Lý Chương dâng tấu thỉnh cầu kim thượng cho phép Lý Vĩ và công chúa ly dị: “Vĩ ngu dốt, không xứng đội thiên ân. Xin ban cho đoạn tuyệt.”
Đế hậu thử hỏi lại ý kiến công chúa, ta cũng mang bức họa của Lý Vĩ ra đưa cho công chúa, tự thuật tình hình trước sau sự việc Lý Vĩ uống rượu ngự, công chúa xem bức họa rồi sai người thu cất, nhưng vẫn lắc đầu: “Ta biết anh ta là người tốt, nhưng lại chẳng thích hợp với ta. Chúng ta như hai càng xe gỗ bị buộc vào hai bên thùng xe, nhìn như có thể cùng đi qua thiên sơn vạn thủy, nhưng mãi mãi sẽ không bao giờ có ngày giao ngộ.”
Vì thế, ngày Nhâm Tý tháng Ba năm Gia Hựu thứ bảy (*), kim thượng tuyên bố giáng chức Lý Vĩ từ phò mã đô úy xuống làm Kiến Châu quan sát sứ. Đồng thời, để cho công bằng, ngài cũng hạ Duyên quốc công chúa xuống làm Nghi quốc công chúa, giảm tước ấp bổng lộc theo ý Tư Mã Quang.
(*) Ngày 5 tháng 3 âm lịch năm 1062.Tước hiệu gia phong của công chúa quốc triều cũng giống như danh hiệu của mệnh phụ, tên nước khác nhau, tước ấp được nhận cũng khác nhau, Nghi quốc kém xa Duyện quốc, có điều, hình phạt này cơ hồ chẳng có ảnh hưởng gì tới công chúa, đối với nàng của hiện tại, cái không quan trọng nhất chính là danh vị tiền tài.
Kim thượng ôm lòng áy náy với Lý thị, tuy Lý Vĩ mất chức phò mã đô úy, song ân lễ kim thượng dành cho hắn vẫn không giảm, lại ban cho hai trăm lượng hoàng kim, sai người truyền lời tới hắn: “Phú quý người phàm cũng không nhất thiết là làm chồng công chúa.”
Tất thảy bụi bặm lắng xuống, cũng đã đến lúc ta phải nói lời từ biệt với công chúa. Một đêm trước khi ta rời khỏi gác công chúa, công chúa khẩn cầu Miêu hiền phi hết lời, xin cho ta lại bầu bạn với nàng một đêm, để hai chúng ta một mình, trò chuyện buổi cuối.
Thấy Miêu hiền phi do dự, công chúa nở nụ cười thăm thẳm, ánh mắt hiu quạnh: “Tỷ tỷ, sáng mai khi mặt trời mọc, con và Hoài Cát sẽ không còn gặp lại nhau cả đời này nữa rồi.”
Chúng ta đã ước hẹn từ trước với nhau, một khi đã tách biệt thì về sau sẽ không nghĩ cách gặp lại nhau nữa, dẫu là lễ tết hội mừng cũng không gặp, đây vừa là để tuân thủ cam kết với kim thượng, cũng là để tránh cảm xúc khó nén sau khi gặp nhau.
Nghe con gái nói vậy, Miêu hiền phi cũng cầm lòng không đậu đỏ hoe mắt, bèn gật đầu đồng ý yêu cầu của nàng.
Đêm ấy sông Ngân xiết ánh, hiên ngọc vắng bụi. Ta và công chúa sóng vai ngồi trước bậc thềm trong hiên, chuông gió treo dưới mái hiên lanh canh, thềm hương chất đống lá đỏ, gió nổi lên, nàng mảnh mai co ro, ta giương tay áo che cho nàng, nàng cũng tựa khẽ vào ngực ta, chúng ta chỉ tựa vào nhau như vậy, nhìn sân trống bảng lảng sương khói, nhìn trăng sáng như nước tràn khắp lầu gác, im lặng hồi lâu, chỉ nghe tiếng đồng hồ nước xa xăm.
Lúc này đào mận điêu linh, hoa mai đã tàn, nhưng lại có một khóm hải đường đang nở rộ thắm đỏ trong bóng râm cây hòe giữa đình, giàn đồ mi bên tường cũng đơm bông trắng xóa, gió nhẹ thoảng qua, hương thơm miên man.
Công chúa trông mà nổi hứng, gỡ miện sa màu trên đầu xuống, đi vào sân hái hoa cài lên miện. Ta cũng theo nàng qua đó, lựa những đóa hoa tươi đẹp cho nàng dùng trang trí miện. Chỉ một loáng, miện nàng đã cắm đầy những bông hải đường đồ mi đỏ đỏ trắng trắng.
“Có giống miện hoa tân nương không?” Nàng mỉm cười nâng miện lên hỏi ta…
Chiếc miện ấy rực rỡ gấm hoa, như sa lụa nhuộm đỏ, quả thật giống miện hoa dùng trong hôn lễ đến mấy phần, ta bèn mỉm cười gật đầu với nàng.
Hai mắt nàng sáng rỡ, bỗng nêu lên một đề nghị: “Bây giờ ta đội nó lên, bái đường cùng huynh có được không?”
Ta vô cùng khiếp sợ, nhìn nàng câm nín.
“Ta nghe Gia Khánh Tử kể lại hôn lễ của em ấy với Thôi Bạch, thú vị lắm, nghi thức không giống lúc ta hạ giáng.” Nàng nói, thần sắc mang vẻ ước ao. Nghi thức hôn lễ của nàng là do các học sĩ dẫn đầu là Âu Dương Tu định ra theo Chu Lễ, mang hơi hướm lễ chế cổ xưa, quả thực rất khác hôn lễ của bách tính phố phường.
“Ta cũng muốn có hôn lễ như của em ấy… Cưới Lý Vĩ hồi đó là công chúa, bái đường với Hoài Cát bây giờ là Huy Nhu…” Nàng buông thấp rèm mi, nhẹ giọng thẹn thùng hỏi: “Hoài Cát, huynh có bằng lòng không?”
Sau cùng, ta ưng thuận nàng. Trước đó Miêu hiền phi đã bình lui tất thảy người hầu theo yêu cầu của công chúa, hiện giờ trong gác công chúa chỉ có ta và nàng. Huống hồ, dẫu có bị ai nhìn thấy cũng đâu có làm sao. Đã đến lúc này rồi, còn có thể có kết quả tệ hơn nữa ư? Dù là cái chết, đối với ta cũng chẳng có sức uy hiếp gì nữa rồi.
Thế là, nàng hí hửng đội miện hoa lên, lại vào phòng tìm một tấm vóc màu ra, buộc thành đồng tâm kết, để ta và nàng mỗi người cầm một đầu, vắt lên tay, ngược lại, là nàng từ từ dắt ta vào gác ngủ.
“Đây gọi là ‘dắt khăn’.” Nàng nói với ta.
Sau đó, chúng ta bái lạy nhau trong phòng rồi ngồi xuống giường đối diện nhau. Ta kéo một lọn tóc ra cắt xuống theo chỉ thị của nàng, nàng cũng làm tương tự, kế tiếp dùng tơ sợi buộc tóc chúng ta vào với nhau, cũng thắt thành hình đồng tâm kết. Ta quan sát động tác của nàng, bỗng ý thức được, đây là lễ “hợp kế”, dân gian gọi là “kết tóc”, là nghi thức quan trọng trong hôn lễ trăm họ. Năm xưa khi công chúa hạ giáng, Âu Dương Tu nói lễ hợp kế “không biết có nguồn gốc từ kinh nghĩa nào, không đủ tiêu chuẩn làm lễ pháp đời sau”, thế nên hôn lễ của công chúa và Lý Vĩ thiếu đi chi tiết này.
Công chúa lại bảo ta lấy hai chén rượu bạc tới, dùng dải lụa màu nối liền chúng với nhau rồi cùng ta uống một chén, đây chính là “rượu giao bôi” dân gian nhắc đến. Uống xong, nàng nói với ta, chúng ta phải ném chén rượu và miện hoa xuống dưới giường, sau đó nhìn xem chén rượu ngửa sấp ra sao, nếu một ngửa một sấp thì là “đại cát”.
Ta làm theo lời nàng, cùng nàng ném chén rượu và miện hoa xuống. Nàng rất để ý kết quả, giục ta xuống giường xem chén rượu, ta kiểm tra, phát hiện ra kết quả không được như ý, cả hai chén rượu đều úp miệng xuống mặt đất.
“Thế nào?” Thấy ta không trả lời, nàng cau mày khẩn trương hỏi.
“Đẹp lắm, một ngửa một sấp.” Ta mỉm cười đáp nàng, cùng lúc đó, lặng lẽ thò tay xuống dưới giường, lật một chén rượu cho miệng chén hướng lên.
Nàng vẫn không yên tâm, tự mình xuống giường kiểm tra, thấy đúng là một ngửa một sấp mới thở phào nhẹ nhõm, rạng cười hài lòng.
Lược bỏ phân đoạn tân khách chúc mừng, tiếp sau chính là “khép màn”, hai ta đều tự rõ trong lòng, để nguyên quần áo song song nằm trên giường, giữa hai người duy trì một khoảng cách chừng nửa thước, tạm thời đều không chạm vào nhau.
Yên lặng một lúc lâu, nàng hỏi ta: “Hoài Cát, bây giờ là giờ nào rồi?”
“Chắc là canh ba.” Ta đáp, lại nói, “Công chúa ngủ sớm đi thôi.”
“Ta không ngủ đâu.” Nàng thở dài ảm đạm: “Ta sợ lúc tỉnh lại, huynh đã không còn bên cạnh ta nữa rồi.”