Cô Thành Bế

Chương 44

Giọng công chúa không lớn, nhưng cũng đủ để người chung quanh đều nghe rõ cả. Liền ngay sau đó là một hồi thinh lặng vi diệu. Nụ cười trên khóe môi người vây xem làm thơ hãy còn giữ nguyên, lại tạm thời không có bất kỳ lời lẽ gì, ai nấy đều vô tình cố ý, trong sáng ngoài tối lướt mắt về phía Trương quý phi ngồi hầu bên kim thượng.

Trương quý phi khẳng định cũng đã nghe thấy câu thơ của Bùi Hành. Nếu là trước đây, đối với tiểu hoàng môn mạo phạm ả, ả có thể sẽ mở miệng nhiếc mắng, có thể sẽ ra hiệu cho nội thị bên người trách phạt thay mình, nhưng lúc này đây, đối mặt với tràng trào phúng ngay mặt chưa từng có này, bất ngờ thay, trong nhất thời ả lại không có bất kỳ hành động gì với Bùi Hành. Sau cái lườm lạnh lùng ban tặng cho cậu bé, ả bắt đầu lẳng lặng nhìn chằm chằm vào kim thượng, thay thế khiếu nại và thỉnh cầu của mình bằng sự trầm mặc.

Vậy nhưng kim thượng lại chẳng nhìn đến ả. Hoặc giả là có nhìn, nhưng chỉ dùng con mắt trong lòng. Ngài không giận không bực, điềm tĩnh thản nhiên, ánh mắt chậm rãi dời từ tờ giấy viết thơ lên mặt Bùi Hành, sắc mặt như được hai con mắt trắng đen rõ ràng của cậu thiếu niên rọi sáng. Sau cùng, khóe miệng ngài nhếch lên, nở hé một nụ cười ấm áp tựa nắng sưởi.

“Thơ hay.” Ngài nói.

Ngài thật sự vui vẻ nhận lấy câu thơ của Bùi Hành, thậm chí lúc Bùi Tương thay mặt con nuôi đứng ra thỉnh tội, mới nói được mấy chữ ngài đã ngăn lại, tiếp đó sai người lấy vài món đồ lặt vặt ban cho Bùi Hành và Tôn Khả Cửu. Nhóm nội thần khi trước thầm nơm nớp cho Bùi Hành đều thở phào nhẹ nhõm. Theo nụ cười hé rạng trên mặt kim thượng, công chúa cũng hí hửng vui lây, tự mình bày giấy bảo Bùi Hành viết cho một bộ thiếp xuân nữa.

Mọi người bao gồm cả kim thượng công nhiên khuếch tán bầu không khí hòa thuận vui vẻ bao phủ khắp nơi đây, đều coi Trương quý phi như người vô hình. Ả tái mét mặt ngồi lặng trong phút chốc, cuối cùng phất tay áo đánh đổ ly rượu trước mặt cắt ngang tiếng cười trong điện, sau đó đứng lên trước cái nhìn chăm chú của mọi người, chẳng buồn thi lễ xin lui mà cứ thế thờ ơ ra ngoài.

Kim thượng cũng không nói gì, chỉ bảo người thu dọn sạch sẽ mảnh ly vỡ, một lần nữa cười với Bùi Hành đang cầm bút nghiêng đầu ngó mình, ôn hòa phân phó: “Viết tiếp đi.”

Câu thơ của Bùi Hành nhanh chóng lưu truyền ra ngoài cung, rất được sĩ phu tán thưởng, trong kinh cũng có người chuyển bài thơ này thành ca dao truyền xướng, không bao lâu sau truyền ngược vào cung. Thấy kim thượng công khai tỏ ý khoan dung với câu thơ này, cung nhân cũng chẳng kiêng dè gì nữa, thế là nhất thời, trong cung ngập tràn tiếng ca “Gấm đèn lồng sang ai còn biếu, phấn hồng trong cung nhớ nịnh thần”.

Cuối cùng lại là hoàng hậu hạ lệnh cấm bài hát ấy. “Văn Ngạn Bác làm chính trị có nhiều chỗ rất đáng khen ngợi, vả lại, nghe nói gấm đèn lồng là do phu nhân ông ấy tự làm chủ biếu quý phi, bản thân ông ấy trước đó cũng không biết. Hai câu thơ này viết quá đáng rồi.” Sau, bà nói vậy, từ đó không cho phép người trong cung hát bài ca này nữa.

Trương quý phi chẳng vì thế mà nhận lấy ân tình của bà, vẫn thường xuyên có cử chỉ mạo phạm hoàng hậu như cũ. Mà sau sự việc gấm đèn lồng, đối mặt với thái độ không thể dò đoán của kim thượng, ả có vẻ càng thêm lo được lo mất.

Đại khái là do sợ hãi thất sủng, ngay từ năm Hoàng Hựu thứ hai, ả đã xin kim thượng nạp em gái thứ tám của mình, phong làm Thanh Hà quận quân, nhưng cô em gái này ít nói trầm lặng nên cũng chẳng được sủng ái là bao, vì vậy, đến năm Hoàng Hựu thứ tư, ả lại đưa Chu cô nương, con gái nuôi vừa tới tuổi cập kê của mình, đến trước mặt kim thượng.

Chu cô nương thiện lương thuần khiết, lại là người kim thượng tận mắt trông coi lớn lên nên rất được kim thượng quan tâm, thụ phong làm An Định quận quân. Tuy nhiên sau đó, tâm trạng Trương quý phi lại trở nên vô cùng bất ổn, kim thượng không gặp Chu cô nương mấy ngày, ả sẽ kiến nghị ngài đi thăm cô nhiều hơn, mà một khi kim thượng thật sự lâm hạnh cô, ả lại thường xuyên nổi sùng vô cớ, đôi lúc còn đánh chửi hạ nhân, thậm chí vin cớ mắng mỏ Chu cô nương.

Ngày ngày sầu lo như vậy, trạng thái cáu kỉnh cũng từng bước phá hủy sức khỏe của ả, mới tròn ba mươi đã bách bệnh quấn thân, mặt mày tiều tụy.

Hai năm sau, niên hiệu đổi thành “Chí Hòa”. Mồng bảy tháng Giêng hằng năm, con gái nuôi của hoàng hậu, Kinh Triệu quận quân Cao cô nương đều mang con cái của mình và Thập Tam Đoàn Luyện vào cung thăm hoàng hậu, năm nay cũng không ngoại lệ, vào cung từ sáng sớm, tụ họp với hoàng hậu cả một ngày.

Cao cô nương đã sinh hạ được hai con trai hai con gái, trong đó, hai vị công tử đều lần lượt được kim thượng ban tên là Trọng Châm và Trọng Minh, một cậu bảy tuổi, một cậu năm tuổi, cực kỳ kháu khỉnh, đường nét mặt mày na ná Thập Tam Đoàn Luyện hơn, công chúa yêu mến vô cùng, mỗi lần họ vào cung, công chúa đều chơi với họ thật lâu.

Dung mạo hai đứa bé này có đôi chỗ giống nhau, song tính cách lại hoàn toàn khác hẳn. Mỗi lần vào cung, cậu bé Trọng Minh đều ngoan ngoãn ngồi bên hoàng hậu, hoặc để mặc các nương tử tranh nhau bế tới bế lui, chưa bao giờ khóc quấy, cũng rất yên tĩnh. Còn Trọng Châm thì hoạt bát hơn nhiều, luôn sục sạo khắp nơi tìm đồ có thể nghịch chơi, một khắc cũng không chịu ngồi yên, lại rất ghét có ai bế mình, từ lúc mới học bước đi đã vậy, nương tử nào mà bế cậu, bất kể là ai, cậu cũng đều giãy xuống, nhất định đòi tự đi bằng được.

Lần này, một đĩa mứt quả lại bộc lộ sự khác nhau trong tính cách của hai người.

Trong điện, hoàng hậu ban cho họ mỗi cậu một đĩa mứt quả, đủ loại lê khô, táo dẻo, đào lát, mận đen, mộc qua Cát Uyển, lê núi, hoa hồng, còn kèm theo vài cục kẹo sữa, kẹo sư tử và kẹo ong Tây Xuyên. Công chúa nhìn thấy, bèn cố ý cười chìa tay với Trọng Minh trong lòng hoàng hậu: “Trọng Minh, đem kẹo của con cho cô cô được không?”

Khi ấy, Trọng Minh đang nhón một viên mận đen chuẩn bị bỏ vào miệng, thấy công chúa nói vậy, lập tức đưa mận đen cho nàng. Công chúa nhận lấy, ăn thật. Trọng Minh trông thế lại nhặt một viên mứt quả khác cho nàng, sau còn thấy không đủ, dứt khoát nhào lên bàn, đẩy cả đĩa tới trước mặt công chúa.

“Cho cô hết à?” Công chúa chỉ vào mứt quả hỏi.

Trọng Minh gật đầu, nhoẻn cười với cô cô. Cậu sở hữu một đôi mắt dịu dàng êm ái tựa hồ nước mùa thu.

Công chúa cười xoa xoa hai má Trọng Minh, lựa lấy một miếng đào lát cho cậu ăn, sau đó lại quay sang trêu anh trai cậu: “Trọng Châm, mứt quả của con cũng cho cô cô được không?”

Kết quả là bị cự tuyệt thảm thiết. Dừng tháo tách một quả cầu hương mạ bạc vàng bên màn gấm, Trọng Châm quay đầu, nhìn nàng chằm chằm nói thẳng: “Không phải Trọng Minh đã cho cô cô rồi ạ?”

“Chưa có đủ,” Công chúa cười, “Khi còn bé cô cô không được ăn mứt quả, thế nên bây giờ muốn ăn bù lại thật nhiều.”

“Vì sao không được ăn ạ? Cô cô là công chúa, muốn ăn bao nhiêu mà chẳng được.” Trọng Châm hỏi.

Công chúa đáp: “Bởi vì ông ông không cho cô cô ăn.”

“Sao ông ông lại không cho ạ?”

“Bởi vì hồi đó cô cô đang thay răng, ông sợ cô ăn mứt quả sẽ ảnh hưởng đến răng mọc.”

“Ồ, vậy con cũng không thể cho cô cô ăn được.” Trọng Châm kiên định tỏ rõ thái độ của mình đến là nghiêm túc, “Ăn nhiều mứt quả răng sẽ bị đen, cô cô là con gái, răng đen xấu lắm, con không cho cô cô được đâu.”

Câu này nói ra, người xem trong điện đều phì cười. Công chúa cũng cười như nắc nẻ, vẫy tay với Trọng Châm: “Thằng quỷ con này! Mau qua đây cho cô cô đét hai tay con.”

Miêu thục nghi nghe vậy tự làm bộ đét công chúa một cái trước, cười mắng: “Còn không biết ngại à, con gái con đứa mười bảy tuổi rồi còn tranh mứt kẹo với cháu nhỏ!”

Trong khoảng thời gian ấy, liên tục có nương tử đến thỉnh an hoàng hậu, thấy mẹ con Cao cô nương ở đây đều rất vui mừng, sôi nổi nán lại tán gẫu với họ. Kim thượng bãi triều xong cũng qua, cùng hoàng hậu ngậm kẹo đùa cháu, hưởng thụ hạnh phúc gia đình, nhìn hết sức hân hoan.

Trương quý phi một mực không xuất hiện, mãi đến gần trưa mới lững thững đi đến. Hoàng hậu trông thấy cũng ban tọa cho ả, bảo cháu trai cháu gái bái kiến Trương quý phi.

Đám trẻ đúng mực thi lễ, miệng chào “Trương nương tử”. Kim thượng nghe vậy bèn bảo họ: “Đều là người một nhà cả, đừng xa cách thế, sau này cứ gọi Trương nương tử là ‘tiểu nương nương’ đi.”

Trẻ con trong kinh gọi bà nội là “nương nương”, đó cũng là xưng hô của con cái Cao cô nương với hoàng hậu. Hoàng hậu nghe kim thượng nói liền đánh mắt ra hiệu về phía Trương quý phi, bảo Trọng Minh trong lòng gọi ả trước.

Trọng Minh hơi lưỡng lự, cuối cùng vẫn theo ý đế hậu gọi: “Tiểu nương nương ạ.”

Trương quý phi mỉm cười, lại ngó về phía Trọng Châm bên kia như chờ đợi.

Trọng Châm cũng đang nhìn Trương quý phi, ánh mắt hai người chạm nhau, cậu tức thì mở miệng, giọng vang dội, nhưng vẫn gọi là: “Trương nương tử.”

Nụ cười của Trương quý phi phai nhạt, kim thượng cũng nhíu mày. Cao cô nương khẽ kéo tay áo Trọng Châm, nhỏ giọng sửa đúng: “Là tiểu nương nương.”

Trọng Châm lại xua tay, cao giọng nói với kim thượng: “Trong cung này, Trọng Châm chỉ có một ông ông, đương nhiên cũng chỉ có một nương nương. Thiên hạ không có ‘tiểu hoàng hậu’, Trọng Châm cũng không có ‘tiểu nương nương’.”
Bình Luận (0)
Comment