Hai ngày sau, ta vâng mệnh hoàng hậu, mang vài cuộn tranh Thôi Bạch vẽ tới Nhu Nghi Điện thỉnh bà xem. Hoàng hậu đang nói chuyện phiếm cùng đô tri Nhập nội nội thị tỉnh Trương Duy Cát, thấy ta mang tranh đến, bèn sai người mở ra, cùng bình phẩm với Trương Duy Cát.
Những bức họa này được ta dày công chọn lựa, chủ đề đa dạng, có hoa trúc lông vũ, ấu sen vịt nhạn, cũng có quỷ thần Phật Đạo, đều là sở trường của Thôi Bạch. Trương Duy Cát ngắm mà mắt mày nhuốm đẫm ý cười, xem chừng rất thưởng thức, hoàng hậu hỏi ý kiến của y, y thận trọng đáp: “Tranh người này vẽ ý tưởng khá mới lạ.”
Hoàng hậu tạm thời không có lời nào, lại xem xét tỉ mỉ thêm lần nữa, cuối cùng, ánh mắt đậu lên một bức hoa sen đôi cò, khóe miệng khẽ nhếch, bảo ta: “Hoài Cát, ngươi nói không sai, Thôi Bạch khéo vẽ vật thực, nếu bàn về sao chép hình thái vật thì quả thực họa viện không mấy ai có thể vượt được hắn.”
Ta mỉm cười cụp mắt cúi đầu. Trương Duy Cát thấy hoàng hậu nhìn kỹ bức tranh đôi cò hồi lâu, cũng tới gần xem lại, muốn biết kỳ diệu chốn nào.
Hoàng hậu nghiêng đầu hỏi y: “Đô tri cảm thấy bức họa này thế nào?”
Bức tranh này vẽ một cặp cò nghịch nước trên hồ sen, một con bơi từ phải qua trái, muốn vồ lấy đóa sen hồng trước mắt, một con khác từ trên không liệng xuống, cần cổ dài cong rụt, hai chân duỗi thẳng ra sau.
Trương Duy Cát chăm chú phẩm họa kĩ càng rồi đáp: “Cò trắng trong tranh tư thế linh động, đuôi cánh dày mềm, như có thể chạm tới… Đích thật là tác phẩm hiếm có.”
“Không chỉ có thế,” hoàng hậu chỉ vào cổ cò trắng, nói: “Cò trắng khi bay tất sẽ cong cổ thu sức, thậm chí nửa cổ dưới còn vòng thành hình túi. Trước đây ta cũng từng xem tranh cò trắng người khác vẽ, thường vẽ nhầm thành dáng bay của chim hạc, cổ và chân phân biệt duỗi thẳng ra hai hướng trước sau. Mà Thôi Bạch thì không nhỡ nhầm, có thể thấy hắn xem vật vẽ thực đúng là đã tốn không ít tâm tư.”
Ta và Trương Duy Cát nghe vậy đều ghé lại xem bức tranh này, quả nhiên trông thấy con cò trắng bay trong họa cong cổ thu sức, gần như thành hình cái túi, bất giác kinh hãi thán phục.
Trương Duy Cát tức thì ngợi khen: “Nương nương thánh minh. Thôi Bạch có thể được nương nương tán thưởng cũng thật có phúc!”
Hoàng hậu lại lắc đầu, thở dài: “Nhưng tài năng tính tình hắn thế mà tiếp tục giữ lại họa viện thì lại thành trói buộc gò bó hắn… Có một số người trời sinh đã không hợp bước vào hoàng thành.”
“Thu tranh lại đi, về sau cất vào bí phủ (*).” Bà chỉ thị ta: “Còn về Thôi Bạch, ta sẽ bảo quan chủ quản bên họa viện phê chuẩn cho hắn rời đi.”
(*) Thời cổ, nơi cất giữ sách vở bí mật trong cung gọi là bí phủ.Sự tán thưởng bà dành cho Thôi Bạch từng cho ta phút chốc ảo giác, cho là nhờ vậy bà sẽ giữ gã lại, thế nên bà đột nhiên đổi lời kết thúc làm ta rất kinh ngạc, nhưng ngay sau đó cũng không thể không thừa nhận rằng điều này quả thực là một quyết định mà cả quan viên họa viện lẫn Thôi Bạch đều hài lòng. Ta bội phục bà.
Cung nhân cuộn tranh lại, chuẩn bị đưa ta mang về. Ta đứng nghiêm chờ đợi, chợt nghe ngoài điện vọng vào tiếng ầm ĩ, có nữ tử đang kêu khóc bên ngoài: “Hoàng hậu, mẹ con ta bị hãm hại, ngài không muốn đứng ra trừng trị kẻ gian thì thôi, dựa vào đâu mà đến quan gia cũng không cho ta gặp?”
Trương Duy Cát nhíu mày, định rảo bước ra xem, lại bị hoàng hậu ngăn lại, bà lệnh cung nhân: “Cho cô ta vào đi.”
Rất nhanh sau đó, một người phụ nữ búi tóc lỏng lẻo chạy vào điện, quỳ rạp xuống trước mặt hoàng hậu, chìa đứa trẻ ôm trong lòng ra cho hoàng hậu xem, thút thít nói: “Ấu Ngộ đã ốm đến vậy rồi mà hoàng hậu vẫn không chịu để quan gia gặp mặt ư?”
Có lẽ do lo lắng cho bệnh tình của đứa bé, hai mắt người phụ nữ sưng đỏ vì khóc, mặt mày tiều tụy, song vẫn nhìn ra được dung mạo ả diễm lệ, nếu trang điểm thỏa đáng thì ắt là tuyệt sắc. Ả ôm một bé gái ba, bốn tuổi, lúc này đang nhắm nghiền hai mắt, nặng nề hít thở, khuôn mặt nhỏ đỏ rực màu ốm bệnh, như sốt cao không hạ.
Hoàng hậu ôn hòa nói: “Ta đã sai thái y chẩn bệnh kỹ càng cho Ấu Ngộ, Trương mỹ nhân không nên mang nó ra ngoài, gặp lạnh nữa thì không hay. Mấy ngày nay quan gia cần phải tĩnh dưỡng, trước đó đã hạ lệnh không gặp tần ngự (*).”
(*) Thời Tống, lấy bậc tam phẩm cửu tần làm vạch phân chia, thị thiếp của vua từ tần trở lênthì gọi chung là tần phi, từ tần trở xuống thì gọi chung là tần ngự.Trương mỹ nhân lại lắc đầu: “Hoàng hậu cũng không phải không biết, bệnh con bé là do bị trù ếm, thái y chỉ chữa được ngọn khó trị tận gốc, muốn Ấu Ngộ khỏi hẳn, nhất định phải xử phạt kẻ tiểu nhân đã hãm hại nó. Thiếp biết hoàng hậu chẳng để tâm việc nhỏ bậc này, không dám đem ra phiền nhiễu hoàng hậu, nhưng vì sao thiếp cầu kiến quan gia mà hoàng hậu cũng không cho?”
Ta từng nghe người khác nhắc qua, vị nương tử được kim thượng sủng ái nhất là mỹ nhân Trương thị, chắc hẳn chính là vị trước mắt đây. Ả hiện giờ lời lẽ phách lối, hung hăng hống hách, đúng thật cái dáng được sủng ái mà lấy làm kiêu căng, ấy vậy nhưng hoàng hậu cũng chẳng nổi giận, chỉ thản nhiên đáp: “Mỹ nhân lo nghĩ quá rồi. Hôm nay thời tiết thất thường, Ấu Ngộ chẳng qua chỉ lỡ trúng phong hàn, uống thuốc vào sẽ khỏe lại thôi, không can hệ gì đến người khác.”
“Không can hệ gì đến người khác?” Trương mỹ nhân cười khẩy, vung tay quẳng một vật xuống đất: “Thứ này là hôm qua lục soát được dưới tảng đá trong Hậu uyển, thiếp đã sai người bẩm báo với hoàng hậu mà hoàng hậu vẫn nói là không can hệ đến người khác ư?”
Một con rối bằng vải, trên thân có chữ viết, vài cây kim sáng loáng đâm sâu vào ngực bụng nó.
Đây là thuật vu cổ bị nghiêm cấm xưa nay trong cung đình. Thấy Trương mỹ nhân đột nhiên ném con rối này ra, cung nhân trong điện đều lộ vẻ kinh hoàng.
Hoàng hậu buông mắt nhìn con rối, không nói gì, vẻ mặt như thường. Lại nghe Trương mỹ nhân nói: “Đêm hôm trước, nội nhân Phùng thị đã chính mắt thấy Huy Nhu hướng trăng khấn vái bên bờ hồ Hậu uyển, trùng hợp làm sao, hôm qua lại có người tìm được thứ này dưới tảng đá lớn ven hồ. Phùng thị đã bẩm tấu rõ ràng với hoàng hậu, cớ chi hoàng hậu không lý tới? Ban nãy ta tự mình đi hỏi Huy Nhu, nó cũng đã thẳng thắn thú nhận chuyện đêm trước đi Hậu uyển rồi!”
Huy Nhu? Cái tên này mang đến cho ta niềm kinh ngạc còn lớn hơn cả cảm giác khi trông thấy con rối hình người. Ta nhớ lại một lượt lời Trương mỹ nhân nói, mau chóng hiểu ra ý ả là Huy Nhu – cô bé cầu xin dưới trăng kia – đêm trước ra Hậu uyển là để thực hiện thuật vu cổ, trù ếm con gái ả Ấu Ngộ.
Ta do dự, không biết với thân phận thấp hèn của mình, có nên tự ý tham dự vào cuộc nói chuyện giữa hai vị cung quyến tôn quý này, nói ra những gì mình thấy hay không.
Hoàng hậu trầm ngâm, không bày tỏ thái độ gì, chúng cung nhân cũng nín thở im lặng, chỉ có tiếng bi thương giận dữ đòi nghiêm khắc trừng phạt Huy Nhu của Trương mỹ nhân là vang vọng trong điện: “Nhân chứng vật chứng đều đủ cả, sao hoàng hậu còn chưa hạ lệnh trừng trị, dẹp yên cung cấm?”
Cuối cùng, nỗi lo lắng Huy Nhu phải đối mặt với tai họa đã vượt lên trên suy nghĩ cho tình trạng của bản thân, bóng dáng mảnh mai và đôi lời rưng rưng của cô bé bơm dũng khí cho ta. Ta hơi dịch bước ra khỏi hàng, khom người với hoàng hậu: “Nương nương, thần có chuyện này muốn xin được kiểm chứng với Trương nương tử.”
Ta đột nhiên chen lời vào khiến hoàng hậu và mọi người trong điện có phần kinh ngạc, nhưng hoàng hậu vẫn gật đầu, cho phép ta nói.
Ta quay người sang phía Trương mỹ nhân, hành lễ xong xuôi rồi cúi đầu hỏi: “Xin hỏi Trương nương tử, vị cô nương ngài nói đến tên là Huy Nhu ạ?”
Trương mỹ nhân chưa kịp trả lời, Trương Duy Cát đã cất giọng quát: “Láo xược…”
Hoàng hậu giơ tay lên cản y lại, hiền hòa ra hiệu cho ta tiếp tục.
Trương mỹ nhân lạnh lùng ngó ta, nụ cười cổ quái trên môi như có thâm ý: “Đúng vậy, con bé đó tên Huy Nhu.”
Ta hỏi lại ả: “Phùng nội nhân thấy cô ấy khấn vái trăng ven hồ Hậu uyển là vào giờ tý đêm trước?”
Trương mỹ nhân ngẫm nghĩ rồi đáp phải.
Ta lại xoay người, nói với hoàng hậu: “Đêm trước thần đưa tranh vào Nhu Nghi Điện, lúc rời đi đêm đã khuya, bởi không rõ đường đi nội cung nên lạc vào Hậu uyển, vô tình bắt gặp một tiểu cô nương áo trắng chân trần cầu khấn trước trăng, tự xưng là Huy Nhu… Trước đó thần có loáng thoáng nghe thấy tiếng trống canh, hẳn là vào giờ tý.”
“Ồ?” Hoàng hậu hỏi, “Lúc nó cầu khấn đã nói gì?”
Ta đúng thực tế bẩm lại: “Cô ấy nói phụ thân bị ốm, bởi vậy liên tục xin trời, nguyện lấy thân thay cha.”
Hoàng hậu hé cười mỏng nhạt: “Không phải là hành vu trù ếm người khác?”
Ta lắc đầu, khẳng định chắc nịch: “Không ạ. Vì bị người nhìn thấy nên sau khi cầu khấn, Huy Nhu lập tức rời khỏi Hậu uyển, thần không hề nghe thấy cô ấy trù ếm người khác.” Lại liếc con rối hình người Trương mỹ nhân ném trên mặt đất, bổ sung, “Cũng không thấy cô ấy mang theo vật này đi, hẳn cũng không phải là cô ấy đặt dưới tảng đá.”
“Nói năng xằng bậy!” Trương mỹ nhân vừa tạm nén được giận lại bị lời ta nói kích thích, “Không phải nó thì là ai? Còn ai khác lo lắng bị Ấu Ngộ san mất sủng ái của quan gia như nó chứ?”
Suy nghĩ trong đầu ta bị câu hỏi của ả phá rối, lúc này mới mơ hồ cảm giác được rằng thân phận của Huy Nhu không đơn giản như ta tưởng tượng trước đây.
“Ngươi rõ ràng là bị sai sử nên mới bất chấp thiên uy, dám bày trò kiểm chứng!” Trương mỹ nhân ép từng bước về phía ta, đưa tay lên, đầu ngón tay dài nhọn như muốn đâm thẳng vào mặt ta, rồi lại cười gằn sâu xa, ánh mắt làm như vô tình cố ý đảo sang hoàng hậu: “Nói, là ai sai sử ngươi? Là Huy Nhu hay còn có người khác?”
Khí thế hừng hực của ả làm ta hơi co quắp, lùi ra sau hai bước, nhưng vẫn kiên trì nói: “Thần không dám vọng ngôn, nói ra đều là lời thật.”
Một cú bạt tai rơi xuống má ta như chớp giật, âm thanh trong nháy mắt đó còn bén nhọn hơn cả giọng ả. Ả thu tay về, ôm chặt con gái, cao ngạo giương cằm với ta, cười khinh miệt: “Giờ thì sao? Có còn là lời thật nữa không?”
Ta thờ ơ cúi đầu. Ta sống trong cung mấy năm nay cũng đã chẳng còn lạ gì với những màn làm nhục tương tự. Làm thế nào để lặng lẽ không dấu vết hóa giải cảm giác nhục nhã tức giận vào những thời điểm thế này là một phần trong những gì chúng ta được dạy bảo. Về nhịn nhục, ta vẫn chưa tu luyện được đến trình độ cao nhất, chủ tử đánh má trái, ta không sao chúm chím mà dâng nốt má phải lên cho nổi, nhưng ít nhất cũng có thể duy trì được vẻ mặt bình tĩnh, tư thái trầm lặng.
“Đủ rồi.” Hoàng hậu mở miệng, “Động thủ với nội thần là cô đang tự hạ thấp thân phận của mình đấy.”
Trương mỹ nhân nhếch mép vẻ coi khinh.
Hoàng hậu liếc nhìn ta rồi bảo Trương mỹ nhân: “Cậu ta là nội thần Lương Hoài Cát của Tiền tỉnh, hôm trước vào cung lần đầu, đến khuê danh của Phúc Khang công chúa còn chẳng biết, sao có thể chịu ai sai khiến?”
Phúc Khang công chúa, trưởng nữ của kim thượng, nữ tử tôn quý nhất trong cung ngoài hoàng hậu ra.
Chút nghi hoặc trong lòng nhân vậy mà tiêu tan, thay vào đó là mờ mịt ngỡ ngàng. Lời hoàng hậu như gió, bỗng chốc thổi bay bóng hình trắng ngần của bé gái nhân gian ra khỏi ký ức ta, thổi nàng bay lên tận chín tầng trời xanh xa vời vợi.
Hồi thần lại, ta quỳ rạp xuống đất, xin hoàng hậu thứ cho tội không biết tị húy.
Trương mỹ nhân đứng bên cạnh vẫn cười lạnh như cũ, nghiến răng: “Hay cho một vở hát xướng diễn trò!”
Hoàng hậu nói người không biết không có tội, bảo ta bình thân, lại phân phó Trương Duy Cát: “Mời Phúc Khang công chúa lại đây.”
Lát sau, vang tiếng ngọc bội leng keng, ngoài điện có hai người phụ nữ trưởng thành bước vội vào. Hai người đều vấn cao tóc, bận áo bào vạt cân ống tay hẹp, chất liệu tinh xảo, một người vải sa xanh quận Tiêu, một người sa Tương Châu họa tiết chìm hình hoa mẫu đơn, khác hẳn cung nữ nội nhân bình thường, hẳn là thuộc tần ngự.
Hai người vội vàng thi lễ với hoàng hậu rồi gấp gáp cùng nhau biện giải cho Phúc Khang công chúa, đều nói việc này không phải do công chúa gây ra. Trong đó, vẻ mặt người mặc áo sa xanh âu lo đau lòng hơn cả, thi lễ xong quỳ hoài không dậy, rưng rưng lặp đi lặp lại: “Huy Nhu còn nhỏ, nào hiểu được những thứ vu cổ này! Huống hồ nó vẫn hằng thương yêu em gái, tuyệt đối không thể làm ra chuyện như thế. Kính mong hoàng hậu làm chủ, trả lại trong sạch cho con bé.”
Hoàng hậu sai người đỡ bà dậy, ôn tồn khuyên bà: “Miêu chiêu dung đã tin tưởng Huy Nhu thì đừng nên lo lắng.” Rồi đánh mắt bảo tùy tùng, “Ban tọa cho Trương mỹ nhân, Miêu chiêu dung, Du tiệp dư.”
Hai vị nương tử tới sau cũng là sủng phi của kim thượng, đều từng sinh hoàng tử hoàng nữ nên ta cũng có nghe qua danh hiệu. Miêu chiêu dung là con gái của nhũ mẫu kim thượng, mẹ đẻ của Phúc Khang công chúa, quan hệ rất thân thiết với Du tiệp dư. Đáng tiếc là hoàng tử do Du tiệp dư và Miêu chiêu dung sinh ra đều lần lượt chết yểu, đến nay kim thượng vẫn không có người nối dõi, đến các tiểu công chúa cũng liên tiếp qua đời, hiện giờ dưới gối quan gia chỉ có hai con gái: trưởng nữ Phúc Khang công chúa và hoàng nữ thứ tám do Trương mỹ nhân sinh hạ, tên Ấu Ngộ, hiệu Bảo Từ Sùng Hữu Đại Sư.
Vẻ ưu sầu trên mặt Miêu chiêu dung dịu đi, lần lượt ngồi xuống cùng Du tiệp dư, Trương mỹ nhân nghe nội nhân khuyên nhủ cũng miễn cưỡng nhập tọa, nhưng dáng vẻ vẫn không cam lòng thỏa hiệp, mắt nhìn Miêu chiêu dung, cười khẩy.
Đúng lúc này, nội thị vào báo Phúc Khang công chúa đến, công chúa theo sau chậm rãi đi vào, hai mắt đỏ hoe, còn vương ngấn lệ, nhưng xiêm y chỉnh tề, tóc búi trái đào gọn gàng ngay ngắn, dưới cái nhìn chăm chú của mọi người, lông mi hơi rũ, song đầu không cúi thấp, đặc biệt là khi đi qua trước mặt Trương mỹ nhân, nàng thậm chí còn hơi ngẩng mặt, cằm và cổ tạo thành một góc giương lên, mắt nhìn thẳng tắp, thần sắc lạnh lùng.
Đi tới trước mặt hoàng hậu, công chúa trịnh trọng nâng tay ngang mày, hành đại lễ bái lạy hoàng hậu, lại nhún người nói vạn phúc với mẫu thân và Du tiệp dư, sau đó thõng tay đứng thẳng, không bày tỏ bất kỳ ý gì với Trương mỹ nhân, hoàn toàn như nhìn không thấy.
Hoàng hậu mỉm cười bảo nàng: “Huy Nhu, bái kiến Trương mỹ nhân đi.”
Công chúa khe khẽ đáp dạ, song vẫn không nhúc nhích, không chút ý định hành lễ. Trương mỹ nhân liếc xéo nàng, lạnh nhạt kháy: “Thôi khỏi, cũng chẳng phải lần đầu tiên… Thấp kém như ta đây vốn cũng nhận không nổi lễ của công chúa.”
Công chúa nghe Trương mỹ nhân nói xong, vẫn không có phản ứng gì, hoàng hậu mở lời hỏi nàng: “Huy Nhu, đêm hôm trước con có tới Hậu uyển không?”
Nàng gật đầu thừa nhận: “Có ạ.”
“Tới đó làm gì?”
Công chúa do dự, nhất thời không đáp. Hoàng hậu hỏi lại lần nữa, nàng lặng im chốc lát rồi mới lên tiếng, nhưng là một câu hỏi nhỏ: “Cha…đã khỏe hơn chưa ạ?”
Hoàng hậu dời sang nhìn Trương Duy Cát, mắt lộ vẻ trấn an. Trương Duy Cát cười khom người, chắc là tỏ ý câu công chúa hỏi ngầm khớp với lời chứng của ta, có thể chứng minh nàng trong sạch.
Hoàng hậu bèn hòa ái hỏi lại công chúa: “Con ra Hậu uyển là để xin trăng, cầu phúc cho cha?”
Công chúa ngạc nhiên, bật thốt: “Sao nương nương biết?”
Hoàng tử và hoàng nữ quốc triều gọi phụ hoàng là “cha” như gia đình thứ dân, gọi mẹ cả là “nương nương”, mẹ đẻ đứng hàng tần ngự thì gọi “tỷ tỷ”.
Ngoài Trương mỹ nhân ra, người trong điện ban nãy có nghe được lời ta nói đều mỉm cười. Trương Duy Cát giải thích lại một lượt nguyên do khi trước, Miêu chiêu dung nghe thấy, đưa mắt nhìn ta tỏ vẻ cảm kích, Du tiệp dư cũng thở phào, cùng Miêu chiêu dung nhìn nhau cười.
Trương mỹ nhân không kiềm chế được, lại đứng dậy, trỏ vào con rối trên mặt đất lớn tiếng hỏi công chúa: “Con rối hình người đâm kim này phải giải thích ra sao? Tại sao lại vừa vặn xuất hiện ngay sau khi cô đi Hậu uyển?”
Công chúa nhíu mày, hơi nghiêng mặt đi, không thèm lý tới.
Trương mỹ nhân lại không chịu thôi, dứt khoát nhặt con rối lên, chìa thẳng ra trước mặt công chúa: “Thường nghe công chúa dám làm dám chịu, sao bây giờ lại không nói tiếng nào?”
Công chúa mím môi, trước sau vẫn coi ả là người vô hình. Trương mỹ nhân tiếp tục ép sát truy vấn, hoàng hậu thấy thế bèn khuyên công chúa: “Nếu việc này không liên quan tới con thì con giải thích đôi câu với Trương mỹ nhân đi.”
Công chúa cắn môi cụp mắt, hồi lâu sau mới phun ra bốn chữ: “Con không biết làm.”
“Không biết làm?” Giọng hoàng hậu dịu dàng, muốn dẫn dắt nàng giải thích nhiều hơn, “Không biết làm gì?”
Lần này, công chúa không chịu nói thêm nữa. Miêu chiêu dung xem mà nóng ruột, ngồi một bên liên miên khuyên nàng trả lời, công chúa vẫn không hé răng.
Hoàng hậu không nói gì, Trương mỹ nhân đầy mặt giận dữ, Miêu chiêu dung khuyên nhủ chốc lát, thấy người trong điện đều không mở miệng, tiếng mình khuyên bảo thành ra nổi bật hẳn lên, vội im bặt. Trong điện lại chìm vào một trận trầm mặc bứt rứt.
Cuối cùng, người đánh vỡ sự im lặng này chẳng ngờ lại là ta.
“Nương nương, công chúa đã trả lời rồi.” Khi câu này vang lên, thực ra bản thân ta cũng kinh ngạc như những người còn lại: Một tiểu nội thị không đáng nhắc tới lại tự ý xen lời thảo luận nghi án hậu cung những hai lần, dũng khí lấy đâu ra?
Nhưng dù sao cũng đã mở miệng rồi, ta chỉ có thể kiên trì nói cho bằng hết: “Khi xưa Triệu Phi Yến tố Ban tiệp dư trù ếm, Hán Thành Đế tra vấn tiệp dư, tiệp dư đáp rằng ‘Thiếp nghe nói, sống chết có số, nghèo sang do trời. Người ở hiền còn chẳng rõ phúc phận, làm chuyện sai quấy vọng cầu chi? Quỷ thần có linh thiêng, ắt sẽ không nghe lời xin xỏ hại người; nếu không linh thì trù ếm phỏng có ích gì? Thiếp nghĩ còn chẳng nghĩ đến.’ Thần cả gan đoán, ban nãy công chúa nói ‘Con không biết làm’ cũng cùng ý với câu ‘Nghĩ còn chẳng nghĩ đến’ của Ban tiệp dư.”
Ta nói xong, cảm giác được công chúa dời mắt chăm chú nhìn mình, tầm mắt ta và nàng chạm nhau trong khoảnh khắc, chỉ thấy ánh mắt nàng long lanh, nổi lên một tầng ý cười nhàn nhạt, hai má ta thoắt nóng lên, cúi đầu thật thấp.
Mọi người nhất thời đều không nói gì. Một chốc sau mới nghe Du tiệp dư cười khen: “Tiểu hoàng môn lanh lợi lắm, nói rất có lý, hẳn là như vậy.”
Hoàng hậu gật đầu mỉm cười, Miêu chiêu dung và Trương Duy Cát cũng nhìn ta vẻ ôn hòa, chỉ duy Trương mỹ nhân là càng thêm căm tức, chòng chọc ngó ta trách mắng: “Ngươi so ta với Triệu Phi Yến?”
Ta sửng sốt, ban đầu chỉ muốn biện giải thay công chúa Phúc Khang nên mới viện dẫn chuyện Ban tiệp dư, vốn không có ý so sánh Trương mỹ nhân với Triệu Phi Yến, nhưng giờ xem ra, khó mà thanh minh được.
May mà đúng lúc này, một tin tức nội thần gian ngoài truyền vào đã cứu ta: “Quan gia tỉnh lại rồi, cho vời Phúc Khang công chúa!”
Cung quyến trong điện nhao nhao đứng dậy, hoàng hậu dắt tay Phúc Khang công chúa, nói: “Đi thôi, đi gặp cha con.” Hai người lập tức rời điện, Miêu chiêu dung và Du tiệp dư cũng bám sát theo sau. Trương mỹ nhân ngớ ra rồi cũng vội vàng ôm con gái đuổi theo.
Những người còn lại trong điện dần tản đi, ta nán tại chỗ hồi lâu, thấy không ai lý gì tới mình nữa mới ra khỏi điện, theo đường cũ trở về họa viện.