Qua thêm mấy ngày, kim thượng mới cho gọi ta yết kiến. Chia xa chỉ vỏn vẹn một năm mà ngài như đã già đi cả giáp. Lúc ta đi vào, ngài đang chống khuỷu tay trên mặt bàn không ngừng đỡ trán, cái bóng lưa thưa của chòm râu hoa râm quét qua xấp trát dày trước mặt, dưới ánh nến, nếp nhăn trên mặt ngài hằn sâu rõ rệt, như vết tích chạm khắc của thợ thủ công.
Nghe ta thỉnh an, ngài thoáng ngước lên liếc ta rồi nói thẳng: “Hôm Trùng Dương, công chúa sẽ tiến cung, hai đứa gặp nhau một bữa trong gác hoàng hậu đi.”
Ngài mặt không biểu cảm, giọng điệu cũng nghe không ra cảm xúc, song nếu nói là lạnh nhạt thì chẳng bằng gọi là một cảm giác mệt nhọc gần như đã lao lực quá độ cả tâm lẫn sức.
Ta cúi đầu một lần nữa bái lạy, thưa với ngài: “Thần tạ ân điển quan gia, nhưng ngày Trùng Dương, thần có thể chỉ cần cùng công chúa nhìn nhau một cái từ xa là đủ rồi, không cần gặp lại trong gác hoàng hậu đâu ạ.”
Đó là kết quả sau nhiều ngày suy nghĩ thâm sâu kĩ càng của ta, hẳn cũng là kết quả kim thượng không ngờ tới. Điều này làm ngài hơi ngạc nhiên, trầm ngâm một chốc, ngài hỏi ta: “Ngươi là sợ gặp mặt công chúa quá dễ gây xúc động hay là có mặt hoàng hậu ở đó sẽ xấu hổ?”
Ta xua tay, trả lời ngài thế này: “Thần sợ nhìn thấy nước mắt của công chúa.”
Kim thượng im lặng, cuối cùng khoát tay: “Ngươi lui đi.”
Ta bái tạ, chầm chậm rời khỏi. Lúc cất bước ra cửa, nghe thấy rất rõ ràng đằng sau vọng tới một tiếng thở dài.
Đặng đô tri tiễn ta rời Phúc Ninh Điện, lúc sắp ra khỏi cửa viện, ta nhớ ra, hỏi y: “Sau này tôi làm gì, quan gia đã có chỉ thị chưa ạ?”
“Chưa.” Đặng đô tri nói, “Hiện giờ ngài lấy đâu ra tâm trạng mà nghĩ đến việc ấy…”
Thấy chung quanh không có ai, ông mới hạ giọng nói cho ta hay: “Hai ngày nay, Tư Mã Quang liên tục tiến ngôn luận ba việc, một là chuyện ngày đưa tang thập tam công chúa giữ cổng thành và cửa cung mở đến khuya, y nói cung cấm không nghiêm, phá hoại phép tắc, viết đến mấy trăm chữ, thuật lại một lượt toàn bộ nghi trượng và thể thức binh vệ mở cửa cung đêm; còn nói từ đầu năm tới nay đã nhiều lần xảy ra thiên tai, dân chúng xanh xao, chính là thời điểm hoàng đế phải khép mình khắc kỷ, mà gần đây trong cung lại lắm yến ẩm, hao tài tốn của, huống hồ rượu còn là thứ thương tính bại đức, quan gia cần dừng hẳn yến ẩm, an thần dưỡng khí, chớ uống nhiều rượu và ăn đồ nồng vị độc hại, mặt khác, còn khuyên quan gia ‘triệu kiến phi tần hậu cung điều độ’, không nên ngự quá nhiều làm tổn thương thái hòa…”
Ta nghĩ đến Thu Hòa, bèn hỏi Đặng đô tri: “Gần đây quan gia triệu kiến Thập Các nương tử thường xuyên lắm ạ?”
Đặng đô tri than thở: “Trong vòng hai, ba năm nay, có thể nói là triệu kiến thường xuyên thực ra cũng chỉ có Đổng nương tử và Chu nương tử… Ai nấy đều hay tâm bệnh của quan gia, nhưng ba năm nay hết lần này đến lần khác lại sinh liên tiếp năm công chúa. Quần thần đều đang khuyên ngài chọn tông thất làm người nối dõi, lại nói, chuyện thứ ba Tư Mã Quang luận cũng chính là việc này.”
Đích xác, so với việc thái tử, việc bố trí ta thế nào quả là một vấn đề cỏn con như con sâu cái kiến, kim thượng căn bản chẳng rảnh mà nghĩ ngợi, dầu rằng khổ đau của công chúa tất nhiên cũng là nhân tố quan trọng gia tăng tốc độ già yếu của ngài trong một năm nay.
Sau đó, đế hậu vẫn chưa an bài chức vị mới cho ta, ta nghĩ ý họ đại khái là ta chẳng cần làm gì hết, chỉ cần ẩn thân trong cung này, không bị ngôn quan phát hiện ra là tốt rồi. Đến ngày Trùng Dương, cũng không ai nói với ta phải làm thấy nào để gặp công chúa, tựa hồ mọi người đều đã quên khuấy mất việc này. Ta cũng không biết công chúa đã vào cung hay chưa, sẽ xuất hiện ở nơi nào. Đương ăn không ngồi rồi, ta thấy quan chủ quản Hậu uyển chỉ huy tiểu hoàng môn chèo thuyền con vào Dao Tân Trì, dọn sạch lục bình mọc tràn lan trong hồ, bèn tự mình xin lệnh đi hỗ trợ họ hoàn thành công việc.
Ta được phân cho một chiếc thuyền nan, khua chèo vào giữa hồ, lại xách lưới vớt từng mảng màu lục gần như choán hết mặt sóng. Phần lớn thời gian ta làm khá chuyên chú, mãi đến khi biết thuyền mình trôi đến một chỗ thấp thoáng dương rủ mới chợt nhớ ra, đây là nơi năm xưa Tào Bình và công chúa chơi thuyền bận mới gặp.
Nếu khi ấy hôn ước của công chúa được định với Tào Bình thì mọi chuyện bây giờ đã khác rồi. Ta ngẩn ngơ nghĩ, cầm sắt du dương, ấm êm hiệp hòa, nói không chừng họ cũng sẽ như Thập Tam Đoàn Luyện và Cao cô nương vậy, đã sớm con gái quanh chân, cả nhà vui vầy…
Như để chứng thực cho suy nghĩ của ta, phía sau dần vọng đến tiếng bé gái nói cười. Ta ngoảnh lại nhìn, thấy một con thuyền hoa tinh xảo trôi tới từ nơi khói sóng dập dờn, dừng lại trước mặt ta một khoảng không xa, trên thuyền có rất nhiều nữ quyến và trẻ con, những gương mặt dần hiển hiện rõ ràng, ta nhận ra hoàng hậu, Kinh Triệu quận quân và mấy cô con gái của Thập Tam Đoàn Luyện, Phùng Uyển Nhi cũng có mặt trong đó, mà nữ tử ngồi bên cạnh cô thì chính là Duyên quốc công chúa đã xa cách với ta một năm nay.
Tóc mai công chúa cài một đóa cúc màu đào, song có màu sắc rực rỡ ấy tôn vẻ mà bản thân nàng lại gầy guộc như một chiếc lá thu. Lúc này, nàng cụp mi ngồi đó, cùng Phùng Uyển Nhi cắt vải màu thành hình thù du, hoa cúc, phù dung để tặng cho thân thích bằng hữu theo phong tục Trùng Dương của kinh đô.
Nàng chậm rãi làm công việc ấy, tạm thời chưa phát hiện ra sự tồn tại của ta, song hoàng hậu giữa lúc trò chuyện với Kinh Triệu quận quân lại cố ý vô tình lướt tầm mắt đến ta.
Có lẽ, đây chính là phương thức gặp mặt bà đã thu xếp cho đôi ta theo đề nghị của ta. Ta khom lưng với bà, sau đó nhẹ nhàng khua chèo, đưa thuyền mình vào sâu hơn trong bóng liễu.
Chung quy khoảng cách cũng chẳng quá xa, ta vẫn có thể quan sát được động tĩnh trên thuyền. Lúc này, Trọng Khác đang dùng mảnh vải điều hẹp dài buộc vào một cái bình lưu ly trong suốt, treo lên một cây gậy gỗ nhỏ, sau đó thả vào trong nước, làm bộ câu cá. Trọng Minh trông thấy, bèn hỏi cậu: “Chai em dùng là bình lưu ly đựng nước tường vi Đại Thực (*) của Uyển tỷ tỷ phải không?”
(*) Đại Thực chỉ Đế quốc Ả Rập, tường vi Đại Thực thực chất là hoa hồng Damask, nước tường vi Đại Thực này là nước thơm làm từ hoa hồng Damask.Trọng Khác quay đầu lại lè lưỡi, không đáp. Phùng Uyển Nhi thấy thế, bỏ cây kéo trong tay xuống đứng dậy ra xem, Trọng Châm lập tức đuổi theo, đi hai bước tới bên cạnh Trọng Khác, vung tay kéo cái bình lên. Phùng Uyển Nhi nhìn kỹ, buột miệng thốt: “Ôi chao, là bình nước tường vi của tôi thật kìa!”
Trọng Châm lập tức lạnh mặt, nạt em trai: “Trọng Khác!”
Trọng Khác cười hì hì, cũng không sợ, quay sang phân bua với Phùng Uyển Nhi: “Uyển tỷ tỷ, em thấy nước tường vi chị dùng hết rồi mới lấy bình ra chơi mà.”
Phùng Uyển Nhi cười mắng: “Tầm bậy, rõ ràng còn một nửa.”
Trọng Minh nghe vậy bèn bước lên, nói với Phùng Uyển Nhi: “Tứ ca hãy còn trẻ con, không hiểu chuyện, Uyển tỷ tỷ đừng nóng giận, lát nữa để tôi về nhà lấy một bình đền lại chị nhé.”
Không đợi Phùng Uyển Nhi trả lời, Trọng Châm đã lắc đầu với Trọng Minh: “Em đừng suốt ngày dung túng cho nó thế, nếu không lần sau nó lại tiếp tục lấy bậy đồ người ta.” Sau đó, cậu trừng Trọng Khác, giật bình lưu ly xuống, giơ gậy gỗ trong tay lên ra chiều muốn đánh Trọng Khác.
Trọng Khác cười ha ha chạy đến bên công chúa, gắng sức trốn sau lưng nàng, vừa trốn vừa cầu xin: “Cô cô cứu con!”
Cảnh tượng khiến công chúa rốt cuộc cũng rộ cười. Nàng đứng dậy, cản Trọng Châm, nói: “Chỉ là nửa bình nước tường vi thôi, chuyện có to tát gì đâu, con muốn thì cô đền cho mấy đứa ngay bây giờ là được.”
Trọng Châm quan sát công chúa, ngạc nhiên hỏi: “Bây giờ? Cô cô có mang nước tường vi theo ạ?”
Công chúa mỉm cười không đáp, nhón lấy một miếng vải điều cắt mấy cái rồi xòe ra cho mọi người xem: “Có giống tường vi không?”, chợt cầm bình lưu ly Trọng Châm ném dưới sàn thuyền lên, bỏ miếng vải điều đã cắt xong vào bình, lắc lắc hai cái, lại nói: “Tường vi vào nước, nước này chẳng phải nước tường vi rồi đấy thôi?”
Công chúa đưa bình nước tường vi cho Phùng Uyển Nhi, Phùng Uyển Nhi đón lấy, nhún mình cảm tạ. Mọi người đều cười, Trọng Khác còn vỗ tay khen: “Cô cô thật thông minh!”
Công chúa quệt mũi cậu: “Cơ mà, con cũng phải bớt bớt lại đi. Lần sau còn chọc họa như thế, cô cô sẽ không giải quyết giúp con nữa đâu.”
Nói vậy, bản thân nàng cũng chẳng cầm được rộ cười. Dáng vẻ nàng nhìn Trọng Khác giống y hệt thần sắc của một người mẹ trẻ.
Dường như đó giờ nàng vẫn luôn rất thích trẻ con, cứ ở chung với bọn trẻ là tâm trạng nàng sẽ tốt lên nhiều. Năm ấy nàng chán ghét Trương quý phi là thế mà vẫn rất mến bát công chúa, mà những năm gần đây, đối với mấy cô em gái khác mẹ, nàng cũng đều vô cùng thương yêu, có lẽ nàng cũng như La La vậy, có thiên tính ước mong làm mẹ.
Ta nấp trong bóng liễu nhìn nàng cười tủm tỉm, song ý nghĩ này lại khiến tim ta ngâm ngẩm đau.
Lúc này, Trọng Khác đang trần tình với công chúa lí do lấy bình lưu ly: “Chu Chu không thể ra ngoài chơi với chúng ta, con muốn dùng bình này câu mấy con cá nhỏ về cho cô ấy.”
Công chúa dí trán cậu: “Đứa nhỏ ngốc! Miệng chai bé tí thế này, lại chẳng có mồi câu, sao mà con câu được?”
Trọng Khác nhất thời nghẹn lời, nhìn đông nhìn tây một vòng, cậu chợt phát hiện ra thuyền ta, bèn trỏ vào ta mừng rỡ kêu: “Anh qua đây, đưa túi lưới trên thuyền anh cho ta đi!”
Công chúa cũng đưa mắt nhìn theo, rất nhanh sau đó, nụ cười nàng cứng lại, ánh mắt thẳng tắp khóa chặt lấy bóng dáng ta lấp ló dưới liễu rủ, cầm lòng không đậu bước hai bước lại gần mép thuyền.
Trong tiếng Trọng Khác liên thanh vẫy gọi, ta chậm rãi khua mái chèo gỗ, tiếp cận con thuyền hoa. Ngoài Trọng Khác không biết nội tình ra, mọi người trên thuyền hoa đều nín thinh, nhất thời, trong trời đất chỉ còn tiếng gió tiếng nước, tiếng khua chèo và giọng nói ríu rít hớn hở của Trọng Khác.
Chỉ một quãng ngắn ngủi mà ta phải chèo mất một khoàng thời gian dài. Ta gian nan chậm chạp lại gần nàng, nhìn gương mặt quen thuộc vấn vương trong chiêm bao, lại chẳng biết nên vui hay buồn.
Môi nàng run rẩy, như muốn cười lại cười chẳng đặng. Sau, nàng ghé sát vào mép thuyền, cúi người xuống, vươn tay về phía trước, đôi mắt long lanh ánh nước ngậm đầy mong đợi nhìn ta đăm đăm, tựa hồ đang chuẩn bị đón ta lên thuyền.
Rốt cuộc ta cũng chỉ còn cách nàng một bước ngắn, chỉ cần vươn tay là có thể chạm đến đầu ngón tay đang run nhè nhẹ của nàng, khóe miệng nàng nhếch lên, nhoẻn một nụ cười thuần khiết như tuyết liên nở rộ trong khoảng chờ đợi dường như rất ngắn ngủi này.
Vươn tay ra đi, vươn tay ra đi, đáy lòng ta như có ai đang niệm câu thần chú ấy. Song, cuối cùng, điều ta làm lại là giơ mái chèo chống lên mép thuyền hoa, đẩy khoảng cách của đôi ta ra, sau đó khua chèo rẽ sóng trong hồ, bỏ trốn khỏi không gian có nàng tồn tại dưới ánh mắt trân trân của nàng.