Con Của Quỷ

Chương 78

Mai Viễn nhỏ hơn Trịnh Quân Diệu một tuổi, mặt chữ Quốc, cao to cường tráng, quanh năm làm việc trong bếp, da nhìn vừa đen vừa thô, nhưng ngũ quan lại cho người ta cảm giác đây là một người thành thật chất phác. Bản thân Mai Viễn đúng là rất chất phác, nhiệt tình thẳng tính không đểu giả, lúc chưa tròn hai mươi đã từng bị người ta cài bẫy ngồi tù hai năm.

* Chữ Quốc: 国

Cha Mai Viễn mất sớm, mẹ lại đi tái giá, từ nhỏ anh đã lớn lên bên cạnh ông nội. Ông nội anh vì cứu cháu ra mà tiêu hết tài sản tích cóp được, suýt nữa là bán luôn thực đơn gia truyền nhà họ Mai. May mà lúc đó Trịnh Quân Diệu đã có chút thành tựu ở nước ngoài, sau khi biết được việc này từ chỗ ông ngoại đã gửi về không ít tiền, để ông mời luật sư giỏi nhất biện hộ cho Mai Viễn.

Tốn không ít công sức, Mai Viễn vốn phải chịu án mười năm đã được giảm còn ba năm, lại vì cải tạo tốt mà được giảm án ra tù trước một năm.

Hai năm trong tù đã bào mòn sự mạnh mẽ, nhiệt huyết nông nổi của Mai Viễn, đồng thời, cuộc sống trong tù ít nhiều cũng khiến Mai Viễn hiểu đời hơn. Sau khi ra tù, Mai Viễn nhìn có vẻ lông bông hơn trước, nhưng thực ra đã chín chắn hơn nhiều, mắt nhìn người cũng tốt hơn trước đây.

Vốn thành tích học tập của Mai Viễn khá tốt, thi đậu một trường hạng hai, nhưng việc vào tù đã chặt đứt việc học của anh.

Niên thiếu không hiểu chuyện, Mai Viễn rất coi thường nghề đầu bếp, anh luôn cảm thấy vào bếp là việc của phụ nữ, không phải có câu "quân tử xa nhà bếp" sao?

Mai lão gia tử mất con lúc trung niên, người đầu bạc tiễn người đầu xanh, nên rất cưng chiều đứa cháu duy nhất này. Mai Viễn không muốn học làm đầu bếp ông cũng không ép, chỉ là thỉnh thoảng than thở không có ai nối nghiệp.

Lúc Mai Viễn còn trẻ khinh thường nghề đầu bếp, nhưng từ nhỏ đến lớn hưởng thụ không ít món ngon mà ông nội nấu cho, đồ ăn trong tù kém xa đồ ở căng tin trường, không chỉ khó nuốt mà còn ăn không đủ no.

Mai Viễn vào tù khi mới mười chín tuổi, đang tuổi ăn tuổi lớn, mỗi ngày đều nghĩ đến cá nướng, thịt xào rau, bánh báo canh hấp... của ông nội. Mai Viễn không chỉ nghĩ, mà còn thường xuyên khoe khoang với bạn tù, khiến mọi người đang đói ăn muốn đánh anh.

Các bạn tù ồn ào đề nghị với anh sau khi ra tù bảo ông nội dạy nấu ăn luôn đi.

Một lời làm người trong mộng bừng tỉnh, sau khi ra tù, chuyện đầu tiên Mai Viễn làm là xin ông nội dạy mình nấu ăn.

Vì Mai Viễn, ngay cả tiền mua quan tài Mai lão gia tử cũng đổ vào, quán ăn mở mấy chục năm cũng bán đi với giá thấp, cháu ông tuổi còn trẻ đã có án tích, tiền đồ hủy hoại, mà người tính kế không phải ai khác chính là đồ đệ mà ông coi như con ruột. Hai năm đó Mai lão gia tử như ngâm mình trong nước đắng, cả ngày rầu rĩ không vui. Đến khi Mai Viễn chủ động đề nghị muốn học nấu ăn, ông mới xua tan buồn rầu, phấn chấn trở lại.

Về khoản nấu ăn, Mai Viễn lộ thiên phú kinh người, học với Mai lão gia tử hai năm đã có thể cáng đáng được rồi.

Món ăn của nhà họ Mai coi trọng truyền thừa, nhưng đồng thời cũng cổ vũ đổi mới. Thực đơn mà tổ tiên truyền lại có không ít món cần nguyên liệu quý hiếm đắt đỏ, đến đời Mai lão gia tử vì chịu ảnh hưởng của lịch sử mà ông thích dùng những nguyên liệu thông thường, có thể chế biến đủ món ăn từ những nguyên liệu thường thấy trên bàn cơm gia đình. Chịu ảnh hưởng từ ông nội, đồng thời còn vì những gì mình đã trải qua trong tù, mà Mai Viễn phát huy phong cách của ông nội càng thuần thục hơn.

Trong lúc truyền lại nghề cho cháu, Mai lão gia tử mở một quán ăn mới trong sự ủng hộ của mấy ông bạn già.

Mai lão gia tử tuổi đã cao, sức có hạn, mỗi ngày chỉ làm hai bàn vào trưa và tối. Tài nghệ của ông nổi tiếng ở thủ đô thậm chí là cả nước, mấy ông cụ kia nghe nói Mai lão gia tử đã rời núi, thì sao có thể ngồi yên được?

Tiếp theo, Mai lão gia tử ngạc nhiên phát hiện thời đại đã thay đổi thật rồi.

Ông không ngờ rằng mình chỉ mở quán ăn chơi thôi, vậy mà việc làm ăn càng lúc càng tốt, người hẹn trước mỗi ngày ngày càng nhiều, hết cách, ông chỉ đành nâng giá lên. Chỉ là người có tiền ở thủ đô nhiều lắm, càng không ăn được thì họ lại càng muốn hơn.

Sau đó, quán ăn Mai thị còn tiếp đón những vị khách ngoại giao cấp cao mấy lần, đẳng cấp lại nâng lên mấy lần.

Trước đây, nơi tiếp đón khách chính là tứ hợp viện mà tổ tiên nhà họ Mai truyền lại, đến đời Mai lão gia tử đã bị thu hẹp lại rất nhiều, hiện giờ chỉ còn lại mấy gian phòng và một cái sân nhỏ. Dù Mai lão gia tử có trang trí phong nhã thế nào, thì vẫn quá nhỏ.

Vì thế nương theo chuyện này, Mai Viễn chắp vá lung tung, còn mượn không ít tiền từ chỗ Trịnh Quân Diệu, cuối cùng mua được tứ hợp viện hiện giờ.

Rộng rãi hơn trước, sau khi có thể cáng đáng được mọi việc, Mai Viễn đã tăng từ bốn bàn mỗi ngày lên mười bàn.

Cũng có người thấy quán làm ăn tốt muốn đến gây chuyện. Mai Viễn được ông nội đồng ý liền mời những bạn tù có quan hệ tốt với mình trước đây đến làm việc trong quán.

Mấy người mà Mai Viễn chọn nhìn rất giang hồ, nhưng thực ra bản chất tốt, tội cũng không lớn, hơn nữa cũng muốn thay đổi làm lại cuộc đời. Người có án tích như bọn họ sau này đi về muốn tìm một công việc phù hợp cũng khó, rất nhiều người vì cuộc sống quá khổ mà lại phạm tội, nhiều lần ra vào ngục tù, cả đời coi như bị hủy hoại. Bởi vậy, bọn họ rất quý trọng cơ hội mà Mai Viễn đã cho họ, mấy kẻ muốn gây chuyện vừa thấy những người y chang dân xã hội đen kia liền ngậm miệng, vội lủi rất xa.

Quán ăn Mai thị làm ăn ngày càng tốt, Mai lão gia tử nghỉ hưu, Mai Viễn trở thành chủ quán, sau mấy năm buôn bán, không chỉ trả hết nợ nần, mà còn có tiền tích cóp khá lớn, hiện giờ cũng coi như là một phú hào.

Có suy nghĩ giống thế hệ trước nhưng cách làm lại khác, Mai Viễn vừa xuất sư đã nhận đồ đệ, mà đồ đệ không phải ai khác chính là bạn tù của anh và hai đứa trẻ tìm được ở ngoài.

Mai Viễn giỏi về sáng tạo, lúc dạy cho đồ đệ không giấu giếm cái gì, các đồ đệ cũng có thiên phú và học rất nhanh, từ một năm trước, Mai Viễn đã dần ít xuống bếp, dồn hết tâm sức và thời gian để sáng tạo món mới.

Mai Viễn trọng tình trọng nghĩa, luôn xem Trịnh Quân Diệu là anh em tốt. Trịnh Quân Diệu vừa nói muốn đến, anh liền tăng thêm một bàn, còn tự mình xuống bếp, không chỉ làm mấy món cá mà A Hoàng đã "khâm điểm", mà còn làm mấy món mới độc đáo anh mới sáng tạo gần đây còn chưa bán ra.

Đông Sinh tập võ từ nhỏ, hơn nữa vì thể chất đặc biệt nên tai rất thính, vừa đi vào sân đã nghe thấy tiếng ồn ào.

Tai A Hoàng còn thính hơn, nó nhăn cái mặt béo nói: "Hình như có người làm ầm lên nói muốn ăn thịt chó".

A Hoàng thích ăn thịt, nhưng giống như con người dù thực đơn rộng thế nào cũng chẳng có mấy ai ăn thịt đồng loại mình vậy, A Hoàng cũng không ăn thịt mèo thịt chó, tất nhiên, nó cũng chưa từng ăn thịt người.

Là một mèo tinh, A Hoàng cũng đi theo nguyên tắc cá lớn nuốt cá bé, ăn vì sống sót no bụng không có gì đáng trách, thời xa xưa con người đứng đầu chuỗi thức ăn có thể không kiêng dè gì ăn đủ mọi động vật, nhưng thời đó đã qua lâu rồi, con người chẳng qua cũng chỉ là thức ăn của giống loài khác thôi. Trong truyền thuyết có yêu quái, mãnh thú ăn thịt người luôn khiến người người oán giận. Là một con mèo đã có linh trí, A Hoàng nghe thấy có người muốn ăn thịt chó, thịt mèo, thì tất nhiên cũng sẽ chán ghét.

Càng khiến nó thấy phẫn hận ghê tởm chính là, có mấy người vì trút dục vọng vặn vẹo xấu xí của mình mà đi hành hạ những động vật nhỏ không thể chống lại chúng, nhìn chúng nó giãy dụa, cầu xin, chết, để có được cảm giác thỏa mãn nực cười.

Người có thể giết mèo, giết chó, vậy chó mèo có phải cũng có thể giết người không?

"A Hoàng".

Bên tai vang lên giọng nói trong trẻo lạnh lùng, A Hoàng giật mình tỉnh lại ---- nó, nó, sao nó lại có suy nghĩ đó chứ? May mà lão bất tử kia không ở đây, nếu ông ta mà biết thì chắc chắn sẽ bị đánh một trận.

A Hoàng sợ hãi run run lông, lúc nãy nó mới chú ý thấy xung quanh có oán khí đang lững lờ trôi.

"Đông tể, nơi này lạ lắm".

"Tôi biết, chúng ta vào xem đi". Đông Sinh vừa nói, Trịnh Quân Diệu đậu xe xong đã đi đến.

Ở lâu với Đông Sinh, Trịnh Quân Diệu đã có thể nhận ra cảm xúc thực sự của Đông tể từ khuôn mặt chẳng có cảm xúc gì kia.

Thấy sắc mặt của Đông Sinh và A Hoàng là lạ, Trịnh Quân Diệu hỏi: "Sao vậy?".

"Ở đây có oán khí". Đông Sinh lạnh lùng nói, đặt A Hoàng xuống, A Hoàng nhanh như chớp chạy đến chỗ có tiếng tranh cãi.

Trịnh Quân Diệu còn chưa kịp nói gì, A Hoàng đã vung bốn cái chân ngắn tũn chạy về, "Mẹ kiếp, cái thứ gì vậy chứ, Đông tể, Đông tể, cứu mạng, có quái vật meo ngao ngao!".

Một bóng đen to lớn được tạo ra từ vô số hồn thể chó mèo bóp méo đuổi theo A Hoàng, thấy Trịnh Quân Diệu "kim quang rực rỡ", bóng đen nhe răng, biến mất không còn vết tích.

Người khách hùng hổ la hét muốn ăn thịt chó cũng bị Mai Viễn "mời" ra ngoài, lúc người nọ đi ngang qua Đông Sinh, Đông Sinh thấy rõ khí trên người gã ta đã nhiễm oán sát khí của bóng đen kia.

Giúp gã cũng chỉ là việc nhỏ với Đông Sinh thôi, nhưng khí vốn có của người này cũng đã pha tạp không rõ, màu máu như ẩn như hiện, hiển nhiên là hai tay cũng chẳng sạch sẽ gì.

Đông Sinh chọn không để ý.

Người nọ sau khi bị Mai Viễn "mời" ra thì không cam lòng, như bị điên la hét muốn ăn thịt chó. Hai người bạn đi cùng khá sĩ diện, thấy hành vi hôm nay của gã hơi đáng sợ, nên sau khi đi ra quán liền lấy cớ có việc rồi lái xe đi mất.

Gã ta vẫn cứ nhớ thương thịt chó, dọc đường hằm hằm lái xe, vô thức đi đến quán đồ Trung Quốc bình dân ở phía trước...

Mai Viễn không để trong lòng, chớp mắt đã vứt chuyện khó chịu này ra sau đầu.

Nhiệt tình đón tiếp Đông Sinh và Trịnh Quân Diệu đến phòng riêng, đợi đến khi hai người đã ngồi xuống, anh liền gắp một con cá khô nhỏ ân cần đút cho A Hoàng.

Từ nhỏ Mai Viễn đã thích chó mèo, trước đây khi Mai lão gia tử mở nhà hàng thì hay có chuột nên đã nuôi một con mèo Li Hua. Mèo xám ta là tay bắt chuột giỏi, thông minh nhanh nhẹn, nhưng khá kiêu ngạo, Mai Viễn lúc nhỏ chơi với nó đã bị cào không ít lần. Sau khi nó chết già, Mai Viễn đã đau lòng khóc một thời gian dài.

Con mèo kia là mèo cái, mèo mà Mai Viễn nuôi hiện giờ đều là con cháu của nó.

Tính tình chúng ôn thuần hơn nhiều, nhưng Mai Viễn vẫn ấn tượng nhất về con mèo hồi bé kia.

Ngoại trừ mèo, trong nhà Mai Viễn còn nuôi chó, trước đây khi chưa cấm nuôi chó cỡ lớn thì ông nội có nuôi một con becgie trông nhà, đến giờ Mai Viễn còn nhớ đã từng cưỡi trên lưng chó khi còn bé, để nó chở anh chạy đi chơi khắp nơi, vô cùng uy phong lẫm liệt.

Sau đó trong thành phố cấm nuôi chó cỡ lớn, ông nội đành phải đưa Đại Hắc cho họ hàng ở quê, được một thời gian thì Đại Hắc bỏ đi, chắc nó muốn tìm họ nhưng cuối cùng lại không biết tung tích. Mai lão gia tử và Mai Viễn buồn bã một thời gian dài, từ đó về sau nhà bọn họ không nuôi chó nữa.

Mai Viễn là một đầu bếp, sát sinh là không thể tránh khỏi, nhưng từ khi anh học nấu ăn thì đều cố gắng một đao mất mạng, chưa bao giờ làm mấy cái mánh lới thu hút khách kia, hoặc là mấy trò kỳ lạ.

Gì mà nấu lúc còn sống, cắt lúc còn sống, ăn sống... Những thủ đoạn tàn nhẫn đó có lẽ sẽ thấy tươi ngon, nhưng có cần vậy không?

Thưởng thức món ngon là một quá trình tuyệt vời lại vui vẻ, phải thấy rung động, chứ không phải đầu bếp và thực khách dùng để thỏa mãn cái tâm lý vặn vẹo kỳ lạ nào đó.

Ngay lúc A Hoàng đại gia hưởng thụ sự phục vụ của Mai Viễn, cục cảnh sát lại nhận được báo án.
Bình Luận (0)
Comment