Con Gái Gian Thần

Chương 75

TỪ TAY TRỊNH TĨNH NGHIỆP ĐI RA THÌ KHÔNG AI NGỐC CẢ, KẺ NÀO NGU ĐÃ BỊ TRỊNH TĨNH NGHIỆP XỬ LÝ HẾT RỒI!

Từ tay Trịnh Tĩnh Nghiệp đi ra thì không có ai ngốc, những kẻ ngu dốt đã bị Trịnh Tĩnh Nghiệp xử lý hết rồi!

Từ Lương là người thông minh.

Nên ông muốn đập chết thằng con ngu dốt này! Không cần hỏi, ở trong kinh mấy năm nay, nhất định Từ Liệt đã làm không ít chuyện hồ đồ. Không để ý mình một thân bụi bặm, đã ngoài bốn mươi, xách thằng con tới tra hỏi kĩ càng: “Ở trong kinh mày có thất lễ với Tướng công không?”

Từ Liệt hừ mũi: “Con luôn tuân thủ lễ pháp.”

“Phi!” Từ Lương phỉ nhổ, “Nhìn bản mặt của mày đi, tuân thủ cái mệ gì!”

Ông hận thằng con mình sao ngu thế! Trẻ tuổi, có chí khí là chuyện tốt, muốn vươn lên cũng tốt. Vấn đề là – “Mày có biết Trịnh tướng công là người nào không? Biết mày có bao nhiêu phân lượng không? Mày bảo cha mày làm Thứ sử, làm Thị lang thì có quyền hống hách à? Mày có bản lĩnh gì mà đòi tự lập môn hộ?”

Từ Liệt vẫn chưa phục, giọng nói vẫn còn ngoan cố, cậu chàng đang tiến vào thời kì phản nghịch: “Làm chung với con, có một vài con cháu thế gia, có kẻ vụng về lơ ngơ, vần chân (vần gieo cuối mỗi câu thơ) cũng không biết, thế mà lại trúng tuyển; có tên sức khỏe yếu ớt, suy nhược, phải bò mới lên lưng ngựa nhưng được hầu quận vương. Mặc dù con bất tài, nhưng cũng cảm thấy mình giỏi hơn bọn chúng nhiều. Chư công trong triều toàn những kẻ tầm thường, chẳng lẽ cha không cao minh hơn bọn họ? Cho dù không có Trịnh tướng công giúp đỡ, cũng có thể tranh giành.”

Từ Lương cười lạnh nói: “Mày biết làm thế nào để có được cục diện hiện nay không? Mày có biết hai mươi năm trước, không ai bì nổi với ông cha đám bỏ đi đó không? Ngay cả Ngụy Tĩnh Uyên cũng bị bọn chúng khiến cho tan cửa nát nhà, thân bại nhanh liệt! Còn bây giờ, hai mươi năm qua, người ung dung thản nhiên ép bọn chúng đến mức chỉ có thể dùng vài mánh nhỏ là ai? Mày muốn tranh cùng bọn chúng? Đừng xem thường người khác!” Cẩn thận bọn họ chơi mày tới chết!

Từ Liệt cúi đầu không nói.

“Mày đừng có giả chết với tao.” Từ Lương xuất thân là nô bộc, không có áp lực khi nói lời thô tục với con trai chút nào, “Tướng công chưa động vào mày, là vì đang trông vào lòng trung thành của cha mày, bằng không sao mày có thể làm một Tiểu tòng lục phẩm nho nhỏ mà bình an được tới bây giờ? Coi thường đồng nghiệp? Mày có biết họ hàng cha chú của người ta chính là cấp trên trực tiếp của mày không? Có biết tại sao người chưa động tới mày không? Sợ mày hả? Hay bị khuất phục bởi sự tài giỏi của mày? Nói vậy mà mày cũng tin hả? Chức vị của mày là nhờ vào cha mày, còn cha mày thì nhờ ơn Trịnh tướng!”

Từ Lương càng nói càng giận, chỉ tay ra ngoài: “Ra khỏi kinh, xung quanh đây, lắm kẻ ẩn dật nơi sơn dã, chẳng lẽ thiếu người tài giỏi xuất thân hàn môn hả? Quăng mày vào đấy, mày có thể ra làm quan được không?”

“Còn giả chết nữa hả! Mày trả lời cho tao xem! Nói, mày có cách nào để ra làm quan? Không phải mày giỏi giang hơn đám con cháu thế gia kia sao? Nhưng người ta có thể làm quan, còn mày? Tao thì không được rồi, không có Tướng công, tao vẫn làm thư đồng cho người ta!”

Từ Liệt bị chất vấn đến á khẩu, nhưng vẫn cứng miệng: “Dù như thế… cũng không cần phải hành lễ của tôi tớ chứ. Như Trương Lượng đó, nhìn thì nam tử hán thế, vậy mà bên trong lại hèn nhát, đi làm người hầu cho Thất nương, suýt nữa bị quận chúa Tân Xương sỉ nhục.”

Từ Lương không nhịn nổi, lại đưa tay tát Từ Liệt một cái nữa: “Bây giờ quận chúa Tân Xương đang ở đâu? Đầy tớ nô tì thương nhân, hễ nhập tiện tịch, ba đời không thể làm quan,” cười lạnh, “Những gì mày học đều bị chó tha rồi hả? Ngay cả điều này cũng quên!”

Học vấn của Từ Liệt không tệ, chẳng qua, cậu ta không muốn nhớ tới điều này, đâu ai rảnh rỗi nhắc lại chuyện này cho công tử con Thứ sử chứ? Đánh người tránh vào mặt. Từ Liệt ôm mặt, choáng váng: “Cha làm thế nào –”

“Tự mày suy nghĩ đi, không phải có năng lực lắm à? Có cách nào nói tao nghe xem!”

Bạn Từ Liệt bị cha cho một trận đến ngu người, Từ Lương vẫn chưa chịu tha, có thể thấy Từ Liệt không có ý thân cận với Trịnh thị chút nào! Đã thế này suốt mấy năm nay rồi sao? Trịnh Tĩnh Nghiệp không nhìn ra thì ông không còn là Trịnh Tĩnh Nghiệp nữa, nhưng mấy năm nay Từ Lương vẫn vào kinh mỗi năm, Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng có nói gì đâu.

Nếu không phải hôm nay Từ Liệt muốn tranh công, báo rằng cậu ta đã kiếm được một tòa nhà lớn ở kinh thành, mọi người trong nhà có thể qua ở, Từ Lương nghi ngờ hỏi ra mới biết thằng con mình đã rời khỏi Trịnh gia nửa năm nay, ông vào kinh bị đánh một cái không kịp trở tay! Giấu ông kĩ như thế, chỉ dựa vào chút bản lĩnh của Từ Liệt, làm sao được? Từ Lương nghĩ tới mà phát run.

“Đến một cô bé con nhà ông ấy cũng có thể xử lý mày rồi!” Cha mày phải về xin lỗi với Trịnh tướng công, “Mày có một nửa thông minh như Trương Lượng thì tốt, Thất nương Trịnh gia, tao cũng đã nghe tiếng tăm, những kẻ đắc tội với cô bé có ai được kết cục tốt không? Hai quận chúa của Đông cung, gặp mặt bị cô bé đánh trở về. Quận chúa Tân Xương đột nhiên qua đời, quận chúa Hàm Nghi bây giờ không còn là quận chúa nữa, chuyện này không phải Trịnh tướng ra tay, mà là do cô bé ấy làm. Đây là một tiểu nương tử bình thường thôi sao? Ngoan ngoãn học theo người ta, đây mới là gia phong của Trịnh thị. Cho dù không thể học xong, trung thành đi theo, cũng có thể bảo đảm bình an, Trịnh thị chưa bao giờ để môn sinh của mình chịu thiệt.”

Từ Liệt có hơi lo lắng không yên, đầu óc vẫn quay cuồng, chẳng cách nào đóng vai con cưng của trời lần nữa.

Từ Lương đánh con xong, thở dài: “Hay lắm, tao vừa vào kinh, lại bị mày khiến phải nghe giáo huấn! Tao chiều mày quá rồi!” Ở Thanh Châu, ông làm Thứ sử, để con không bị thế gia coi thường, phải có khí thế, Từ Liệt hơi kiêu ngạo, Từ Lương cũng khá cao hứng. Từ Liệt có chút vốn để tự cao, bộ dạng ngon lành, học hành cũng ổn. Từ Lương nghĩ bụng, thằng nhóc này học lễ nghi chẳng tệ, đầu óc cũng xài được, nên đến kinh thành cung kính với ‘ân tướng’ Trịnh tướng thôi? Phải thân cận với Trịnh thị chứ sao? Ai ngờ nó lại làm hỏng việc như vậy.

“Làm người không thể quên gốc gác của mình, Trịnh tướng có ân với cha, mày lại gây ra bất hòa như thế, còn ai muốn giao tình với mày nữa? Có ai ngốc không? Dìu dắt mày đi lên, mày chạy mất, người ta uổng phí công phu. Nếu là mày, có làm không?”

Giọng hai cha con hơi lớn, Từ phu nhân và đám con gái đều nghe thấy, bỏ việc đang làm trong tay, dỏng tai nghe ngóng tình hình. Từ Lương có ba trai hai gái, trong đó ba nam một nữ là con ruột của phu nhân, chỉ có một thứ nữ được mẹ ruột để lại, phu nhân nuôi.

Mấy mẹ con nghe giọng nhỏ dần, Từ phu nhân Đồ thị dẫn các con tới: “Hai cha con ông thắm thiết thế, quên hết mấy mẹ con chúng ta rồi.” Làm ra vẻ không thấy cái mặt đang sưng của Từ Liệt.

“À,” Từ Lương cũng làm ra vẻ không có chuyện gì, “Kiểm tra lại lễ vật một chút. Vào kinh, ta đến chỗ bệ hạ, bà và mấy đứa nhỏ ra mắt ân tướng trước đi, rồi chúng ta về nhà.”

Đồ thị liền hỏi: “Ở đâu?”

“Có lẽ Thánh thượng sẽ ban thưởng nhà, nếu không thưởng, tạm thời ở dịch quán, từ từ tìm.” Ông bị gọi về, trên đường đi sinh bệnh, chậm trễ hành trình, đúng dịp này, Ngự sử đại phu đã bị xét nhà quăng gạch vào ông, Hoàng đế cảm thấy Từ Lương bị ủy khuất, nhất định sẽ có bồi thường.

Từ Liệt mấp máy môi, rốt cuộc lại ngậm chặt. Cậu ta không mở miệng, lũ em càng không dám nói tiếp, niềm vui được vào kinh bị bầu không khí kì dị này bào mòn không còn chút nào.

***

“Ái chà, đây là Nhị lang? Đây là Tứ nương? Ngũ lang cũng đáng yêu quá đi mất. Ngoan quá ngoan quá, đúng là mẹ hiền giỏi dạy con.” Đỗ thị cười rất hòa nhã, còn phát quà gặp mặt.

Sau khi Đồ thị vào kinh chưa kịp nghỉ ngơi, vội chạy đến Tướng phủ thỉnh an. Thời đại gặp Hoàng đế không cần quá giữ lễ mà nữ chủ nhân một gia đình mang con cháu tới cửa dập đầu với người ta, có thể thấy quan hệ bên trong. Đồ thị cũng xuất thân từ một nhà đàng hoàng, sau khi Từ Lương được Trịnh Tĩnh Nghiệp ban cho thân phận thì cưới bà, làm người thẳng thắn, việc gì cũng rõ ràng. Chẳng như, người bình thường sẽ không đem bán một nô tỳ vừa mới sinh con dứt khoát thế đâu: “Ta muốn là bán.”

Từ Lương cũng chỉ có thể im lặng. Không bán, Đồ thị sẽ không nuôi Tứ nương, để đi theo người mẹ nô tì kia. Thời đại này có kiểu ‘Theo mẹ’, tức là nếu cha không nhận, hoặc nữ chủ nhà không để ý, con cái sẽ theo mẹ ruột làm nô tì. Đây là quy định luật pháp. Chuyện này cũng có nguyên do, nô tì, nhất là những gia kĩ, rất nhiều nhà thường lấy ra để tặng nhau, hoặc để đãikhách, ai biết đứa con được sinh ra là của ai? Trong hầu hết tình huống, nếu nữ chủ nhà đồng ý giữ lại đứa trẻ, bán nô tì, thì không ai nói không được.

Đồ thị khá tôn kính với Đỗ thị: “Phu nhân quá khen, phải cứ trông chừng, không cho tụi nó gây chuyện suốt. Tụi nó cũng lớn rồi, ta cũng sắp không quản nổi.”

Đỗ thị lại hỏi: “Tụi nó tên gì?”

Đồ thị trả lời: “Nhị lang gọi là Hi, Tam nương là Hân, Tứ nương tên Thiếu Quân, còn Ngũ lang là Kiệt.”

Rồi lại để các con đến quỳ lạy Triệu thị, Quách thị, Trịnh Diễm.

Triệu thị đưa tay đỡ: “Sao lại thế được.” Trong ý thức thế gia của Triệu thị, đây là lẽ đương nhiên, nhưng vì mẹ chồng coi trọng Từ gia, chị cũng phải khiêm tốn một chút.

Cuối cùng cũng lạy một cái.

Trịnh Diễm cười nói: “Mấy hôm trước ta cũng vừa nói chuyện với tụi Hoàn nương, bảo sắp có thêm hai tiểu nương tử nữa tới chơi, bọn họ cứ nhắc suốt. Ta vừa gặp Tam nương và Tứ nương liền cảm thấy rất thân thiết, mấy ngày nữa mọi người đều phải tới Hi Sơn, ta mời bọn họ chơi cùng nhé?”

Tam nương của Từ gia Từ Hân năm nay mười hai, Tứ nương Từ Thiếu Quân mười tuổi, hai chị em tuy còn nhỏ, nhưng bề ngoài không tệ. Mượn ké một câu của Kim đại hiệp (Kim Dung) thì là: ‘Tam nương tươi tắn như hồng, Tứ nương thanh tú tựa lan vươn cành.’

Từ Hân sảng khoái đáp ứng: “Chúng ta vào kinh, hai mắt bị bôi đen (ý nói còn chưa hiểu biết nơi đây), cũng chỉ quen biết mỗi Thất nương, sau này xin được Thất nương chiếu cố nhiều hơn.”

Trịnh Diễm cười nói: “Chiếu với cố gì chứ? Chúng ta chơi chung với nhau thôi mà.”

Đỗ thị bảo: “Các con chơi chung với nhau vui vẻ, hòa hợp thế, mẹ cũng yên tâm.”

Triệu thị liền hỏi Đỗ thị: “Hôm nay mở tiệc, không biết khẩu vị mọi người thế nào? Có cần chuẩn bị hai nhóm múa không?”

Đỗ thị nhìn Đồ thị: “Không cần khách khí với ta, bà mà khách khí, thành ra sẽ không thoải mái.”

Đồ thị đáp: “Nương tử lúc nào cũng là một người thống khoái, ta mà khách khí với ngài thì đúng là không biết suy xét. Đều là người từng chịu khổ cả, nào có kiêng cử gì? Chỉ cần ăn no là được.”

Đỗ thị sẵng giọng: “Còn mấy đứa nhỏ thì sao?”

Đồ thị trả lời: “Bọn nó cũng không có gì, chỉ là ở Thanh Châu, thích ăn canh, ngài cho chén tụi nó nhiều nước một chút là được.”

Đỗ thị nói: “Mới bảo bà phải chăm sóc tụi nhỏ, liền dùng chuyện này để răn dạy.”

Trịnh Diễm nói: “Lần trước ở trong cung, mẹ cũng nói con với Quý phi như thế. Đáng thương cho con bị mẹ răn dạy suốt mấy chục năm.” Còn giả vờ ‘huhu’ mấy tiếng. Bị cặp mắt như đao Đỗ thị chém trở về.

Phụ nữ đúng là cao thủ trời sinh giúp không khí trở nên sôi nổi.

Đỗ thị nói với Triệu thị: “Cứ làm thế đi.”

Triệu thị nhận mệnh đi làm.

Cơm chín rồi, Từ Lương cũng đã hầu Trịnh Tĩnh Nghiệp cùng trở về. Trịnh Tĩnh Nghiệp hỏi: “Tiệc sao rồi? Đến cả chưa?” Nhận được câu trả lời chắc chắn rồi, đưa Từ Lương vào phòng nói chuyện.

Ở cung Đại Chính không có cơ hội nói chuyện riêng, công việc của Tể tướng rất bận, Từ Lương cũng phải giao tiếp nhiều. Hết việc, tranh thủ ban đầu mọi người chưa uống rượu, nói những chuyện quan trọng trước.

Vào trong phòng, trước tiên Từ Lương liền thỉnh tội: “Khuyển tử không ra gì, nô lần này vào kinh mới biết thằng nhỏ này ngang nhiên tự mua sản nghiệp riêng.”

“Ông đã là Thị lang, là đại thần triều đình, không còn là nô bộc của ta,” Trịnh Tĩnh Nghiệp hòa nhã nói. “Trên đời làm gì có đạo lý lấy đại thần của Thánh nhân làm nô bộc cho mình. Ông chỉ cần thẳng lưng làm người. Anh hùng, chớ hỏi xuất xứ.”

Từ Lương lại nức nở: “Không có Tướng công làm sao có thể được ngày hôm nay, sao có thể quên đi nguồn gốc. Khuyển tử không ra gì, không biết lễ nghĩa! Người như vậy, làm gì có kẻ nào thật lòng làm bạn với nó nữa.”

“Tụi trẻ đứa nào cũng ngay thẳng, bộc trực, dắt không đi, đánh không lui. Bây giờ lo lắng trách móc nó, có thể tạm thời ngủ đông không xuất hiện, nhưng sau này sẽ tự biết an phận sao? Chi bằng cứ để nó đụng chạm nhiều, cũng để hiểu rõ thế giới bên ngoài không hề dễ dàng. Trải qua nhiều, đương nhiên sẽ hiểu những gì ông làm cho nó. Ông cứ che chở cho nó, không biết trong lòng nó nghĩ gì, đợi đến khi thật sự gây ra họa lớn, chúng ta cũng không thể giải quyết được thì bấy giờ phải làm thế nào? Lúc bé chịu khổ đủ, trưởng thành sẽ không phải chịu thiệt. Chứ nếu để lớn tuổi rồi thì ngay cả thời gian sửa sai cũng không có.” Trịnh Tĩnh Nghiệp giảng đạo lý.

Từ Lương xấu hổ: “Là do hạ quan không biết dạy con.”

Trịnh Tĩnh Nghiệp lắc đầu: “Nhớ lại khi bé, cha mẹ cũng từng dạy hai chữhiếu thuận. Hiếu thì không phải cần phải nói, thuận thì có rất nhiều ý nghĩa. Nếu ta nhẫn nhục chịu đựng, thì sẽ không có ngày hôm nay. Thanh niên, có ý kiến riêng là chuyện tốt, nếu nó thật sự là bùn loãng không trát được tường (ý bảo vô dụng), thì mới đáng buồn.”

“Nhưng tính tình nó thế kia, vẫn là phải đánh!”

Trịnh Tĩnh Nghiệp bảo: “Ta thấy nó vẫn tốt, không bị những kẻ không có chí tiến thủ xung quanh mài đi chí hướng, tâm chí kiên định cũng là chuyện hay. Để nó lăn lộn ở đâu, cũng là ý của ta, cho Văn Bác (chương 36, một trong ba người tới ở nhà Trịnh Tĩnh Nghiệp) ở chung một chỗ với nó, muốn tụi nó biết rằng, thế gia không phải lúc nào cũng vẻ vang, khiến trẻ nhỏ khiếp đảm. Cha con Đại lang, năm đó ta không để ý, để tụi nó kính trọng ao ước được như thế gia, hâm mộ vô cùng! Cả đầu toàn nghĩ những gì thế gia nói, bọn chúng nói cái gì cũng cho làm đúng, thế nên ta mới động gia pháp với Đại lang đó chứ!”

Từ Lương là thư đồng của Trịnh Tĩnh Nghiệp, so ra thì không lớn hơn Trịnh Tú mấy tuổi, lúc Trịnh Tú còn nhỏ ông còn đưa Trịnh Tú đi chơi nữa kìa, nên cũng biết một hai về anh, không khỏi nở nụ cười: “Người đời có ai không hâm mộ thế gia? Áo cơm không lo, tiền đồ vô lượng, bên ngoài vẻ vang vinh dự, lời nói cử chỉ tao nhã. Nói không phải chứ, chẳng dám gạt Tướng công, đôi khi ta cũng hâm mộ lắm.”

“Cứ đánh thôi thì làm được gì,” Trịnh Tĩnh Nghiệp đưa tay vỗ nhẹ vào vai Từ Lương, “Đánh thì không ra chuyện được đâu, để A Hưng (Trịnh Đức Hưng) ra ngoài hai tháng, nó liền hiểu chuyện. Chớ nên cứ quở trách A Liệt mãi vậy.”

Từ Lương cung kính đáp: “Vẫn là Tướng công có biện pháp. Như hạ quan thì chỉ biết dùng đòn roi.”

“Thương thay cho tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ, được rồi, ta vốn cho rằng, A Liệt có khả năng, nên muốn để nó biết một chút về thủ đoạn thế gia. Vừa hay báo cho ông một tiếng, để nó ăn mệt một chút. Ông tới rồi, có thể coi chừng nó hơn, đừng để thằng bé chịu thiệt thòi quá.”

Từ Lương lĩnh mệnh: “Hạ quan thay mặt khuyển tử cảm ơn sự bồi dưỡng của Tướng công.”

“Được rồi, vào tiệc thôi, hôm nay đều là người quen, người trong nhà cả, phải vui vẻ với nhau. Không say không về! Đúng rồi, Thánh nhân có thưởng nhà, ta đã chọn cho ông một căn rất tốt. Ngay trong phường này, hắn tố cáo, ta lấy tòa nhà của hắn để cho ông. Nói cho ông biết, chớ nên ngại xúi quẩy. Đại trượng phu, không kiêng kị gì cả.”

Trong lòng Từ Lương đổ mồ hôi một hồi, đây đúng là là Trịnh tướng! Nói tạ ơn liên tục. Có Trịnh Tĩnh Nghiệp làm chỗ dựa, sợ xúi quẩy gì nữa chứ? Ông không làm người khác gặp xui đã may lắm rồi.

“Bọn Vu Nguyên Tề, Lý Ấu Gia đã phái người dọn dẹp hành lý rồi.”

****

Hôm nay là ngày gia đình Trịnh đảng tụ hội, vì để tiếp đón Từ Lương, cũng nhằm liên lạc tình cảm, sau này mọi người đều lăn lộn trong kinh thành, giúp đỡ lẫn nhau, biết rắc rối chỗ nào thì sẽ tìm gặp ai để hỏi. Chẳng những gian đảng tề tựu, mà người nhà của gian đảng cũng xuất hiện.

Trịnh Tĩnh Nghiệp nâng chén đầu tiên: “Hôm nay để tiếp đón Từ Lương, không ai được khách sáo.”

Mọi người nhao nhao hô vâng, cùng nâng chén, chúc mừng Từ Lương đã nhập kinh. Từ Lương và mọi người cùng uống ba chén, rồi sau đó để các con ra mắt ân tướng, các chú, các bác, Trịnh Tĩnh Nghiệp nói: “Đều là những đứa rất tốt, trong kinh có bạn bè, các con phải thân thiết với nhau hơn.” Để tụi nhóc của gian đảng tăng tình cảm với nhau, bản thân thúc giục đám thủ hạ uống rượu, cũng chẳng cần nói lắm, chung đụng với nhau nhiều, quen mặt, cũng ăn ý quá rồi.

Đường Văn Uyên nói: “Trong kinh thành chỉ có chỗ Tướng công là có rượu ngon, bình thường muốn cũng không được, hôm nay ai khách sáo là kẻ ngốc!” Mọi người cười to.

Lâm Quý Hưng cũng khen con gái ông trước mặt Trịnh Tĩnh Nghiệp: “Ngàn vàng cũng chẳng đổi được Trong tửu này, quý phủ đất thiêng có người tài.”

“Nuôi con gái để sau này có rượu uống,” Trịnh Tĩnh Nghiệp vui vẻ nói theo, “Coi như nuôi con gái vậy cũng đáng giá.”

Nói đến Trịnh Diễm, có người nhớ tới Trì Tu Chi, Vu Nguyên Tề hỏi: “Trì Đại lang đâu rồi?”

“Hôm nay nó phải trực trong cung.”

Đệch! Trong lòng mọi người đồng loạt chửi mệ nó. Trì Tu Chi là Trung Thư xá nhân, gần với Hoàng đế biết là bao! Tiền đồ vô lượng lắm thay~ một tên nhóc sa cơ thất thế như thế, ôm đùi một phát, liền lên như diều gặp gió. Mệ nó chứ! Sao chúng ta không được tốt số như vậy?!

Trịnh Diễm hoàn toàn không biết mình đang bị người khác coi là cá lớn, xót thương một hồi.

Cuối cùng nàng cũng được thấy đội ca vũ kịch của nhà mình, đương nhiên ở nhà có nuôi đội kịch, trình độ không kém nhưng mà quản lý quá nghiêm. Một là sợ con trai trong nhà không chăm lo học hành, hai là lo Trịnh Du Trịnh Diễm bị ảnh hưởng xấu. Âm nhạc của hai người đều được Phương thị, Triệu thị dạy cho, nhất định không để tiếp xúc với ca múa. Theo lời Phương thị: “Kỹ nghệ của các cô ấy tốt thật, nhưng xuất thân ti tiện, gặp người ngoài luôn có vẻ nịnh bợ, dù có giả vờ thanh cao, nhưng vẽ hổ không thành lại ra chó, chọc cười người. Thà là Tứ nương, Thất nương không thông nhạc lý, cũng không thể có vẻ ưỡn ẹo như vậy.”

Dù cho chị nói có đạo lý hay không, vợ chồng Trịnh Tĩnh Nghiệp cũng đã đồng ý. Trịnh Diễm còn nhỏ, ít thấy tiệc tùng, ngày lễ, Trịnh Tĩnh Nghiệp đưa các nam nhân ra trước xem ca múa, Đỗ thị thì thích đưa nữ quyến xem tạp kĩ – náo nhiệt, bà rất thích.

Lần này để thể hiện sự long trọng, biểu diễn ca vũ kịch toàn bộ. Trịnh Diễm tuy thấy mới lạ, nhưng chẳng phải nhìn không chớp mắt, nàng phải xã giao nữa.

Tay sai của Trịnh Diễm như Lý Hoàn nương, Vu Vi, Đường Ất Tú, vân vân, đều tới, Trịnh Diễm để chị em Từ Hân, Từ Thiếu Quân ở bên cạnh, giới thiệu bọn họ. Tuổi Từ Hân và Trịnh Diễm xấp xỉ nhau, có nhiều đề tài để nói hơn, Từ Hân nghe bảo Trịnh Diễm đọc rất nhiều sách, kinh ngạc mãi thôi: “Ta không thích đọc sách, sống chết cũng không mó tay vào. Sao mọi người lại có thể tìm được niềm vui từ chuyện này chứ?”

Vu Vi nói: “Ở đây không tính ta, ta cũng chả có kiên nhẫn đọc nổi.”

Trịnh Diễm nhếch miệng chỉ vào Vu Vi nói với Từ Hân: “Cổ thích đánh người.” Ông nội của Vu Vi là Vu Nguyên Tề xuất thân từ việc chém giết, cô bé Vu Vi vốn cũng hung hãn, lúc Trịnh Diễm và Đới Thanh Dao đang lời qua tiếng lại với nhau thì cô nàng đã xăn tay áo ra trận, đúng là không chối được, nhưng cũng khá thích.

Lâm Dung ngẩng đầu: “Dù sao thế cũng hơn là để người ta đánh.”

Nói xong cả đám cười hi hi ha ha một trận. Lý Hoàn nương nói: “Ai dám động với chúng ta, mọi người kéo người tới xử lý hắn cho chết.”

Từ Hân vui vẻ: “Được.”

Trịnh Diễm để ý thấy Từ Thiếu Quân rất ít nói, ho khan một tiếng: “Đừng dọa Tứ nương. Tứ nương, mọi người đều có văn hóa, bọn họ chỉ nói thế thôi, tuyệt đối không đánh ai đâu.”

Đúng vậy, mở miệng là có thể giết người rồi, cần gì xăn tay áo.

Đường Ất Tú cười mãi không thôi.

Trống vang lên, các vũ công múa Hồ Toàn (điệu múa ở Tây Vực, mềm mại uyển chuyển, xoay vòng tròn thật nhanh, nhịp điệu tươi sáng), Trịnh Diễm gắp miếng xúc xích đã chưng, nhai nhai. Liếc mắt nhìn ca múa, chậc, các vũ công đã dừng xoay, thay vào đó là nhóm múa nhạc êm dịu, không đẹp bằng Thiên thủ quan âm hồi trước.

Bấy giờ coi như đã đưa chị em Từ gia vào trong vòng nhỏ của Trịnh đảng, mọi người rủ hai chị em dạo kinh thành, đi khắp các quầy hàng trong chợ, sắp đến ngày đi Hi Sơn, mọi người cũng đã trở nên thân thiết.

Chị em Từ thị muốn làm chủ nhà, cha bọn họ là Thị lang, cũng giành được một tòa biệt thự ở Hi Sơn, muốn mở tiệc chiêu đãi bạn bè một bữa. Nói với tụi Trịnh Diễm là phải đến.

Món ăn của Từ gia khá đặc sắc, không giống như trong kinh. Từ Hân chỉ vào đĩa tôm bóc vỏ xào, giới thiệu: “Món này không tệ đâu.”

Trịnh Diễm nói: “Vậy phải nếm thử.”

Từ Thiếu Quân mang lên một cái ly đầy cho Trịnh Diễm, đựng nước dưa hấu. Trịnh Diễm tiện tay nhận lấy: “Cám ơn Tứ nương.”

Lúc ăn cơm Trịnh Diễm có thói quen, mỗi khi đổi món là phải uống một chút nước để vị thức ăn nhạt đi. Số món lỏng Trịnh Diễm ăn lúc nào cũng rất nhiều, trong nhà có thói quen để cho nàng một bình nước lớn khi dùng bữa.

Trịnh Diễm ăn bữa cơm này thấy hơi kì lạ, Từ Thiếu Quân đã hai lần mang đồ uống cho nàng lúc thích hợp. Vấn đề là, thói quen này hình như đến cả anh trai nàng cũng không rõ, sao Từ Thiếu Quân lại có thể biết mà đưa đồ uống cho nàng đúng lúc như vậy? Hơn nữa, Trịnh Diễm thích ăn chua cay, cũng thích món chiên xào, khẩu vị như thế, không dễ cho người khác biết. Bọn họ chỉ ăn chung một bữa cơm thôi, hơn nữa, ai ăn no rửng mở lại đi quan sát xem nàng thích ăn gì?!

Trịnh Diễm chậm rãi uống nước trái cây, cười thật tươi với Từ Thiếu Quân.
Bình Luận (0)
Comment