1
Vùng Lộc Ổ này bây giờ đã hiếm có người đặt chân tới.
Một là nơi đây địa hình phức tạp, rất dễ lạc đường. Hai là đồn đãi truyền miệng rằng ở đây ma quỷ lộng hành, còn có cả yêu quái ăn thịt người lui tới khắp nơi.
Thật lâu trước kia, nơi đây thuộc về Bình Giang Phủ của triều đại Nam Tống.
Dưới chân núi có một thôn làng rất giàu có.
Trong thôn có một thương nhân bán trà tên là Lý Đại Hộ. Nhà Lý Đại Hộ có ba cô con gái, hai đứa lớn tuổi hơn là do vợ cả Trần Thị sinh, đứa nhỏ tuổi nhất tên là Lý Niên Niên, năm tuổi, do tiểu thiếp Lâm Thị sinh ra.
Lý Đại Hộ nằm mơ cũng muốn có một cậu con trai.
Năm đó có nạn đói, một lão ăn mày gầy như que củi té xỉu trước cửa nhà họ Lý, được nhà họ Lý cứu giúp và bố thí cho vài bữa cơm.
Lão ăn mày tự xưng thuở trai tráng từng là một thuật sĩ, biết coi bói, hiểu phong thủy.
Được nhà họ Lý chứa chấp một thời gian, ông ta muốn nói rồi lại thôi mấy lần, cuối cùng thưa rằng vì để báo đáp ân cứu mạng, ông ta có một cách có thể khiến ân công có con trai.
Cách này hơi âm độc, gọi là châm sọ cầu tử.
Lấy một cái châm dài đâm từ đỉnh đầu vào tới sọ não của con gái nhà họ Lý, sau đó đóng kín trong quan tài, đem chôn ở một nơi mà gió có thể lùa qua huyệt mộ.
Phương pháp này sẽ hù dọa những con ma nữ tìm tới để đầu thai. Đợi một thời gian, tất nhiên nhà họ Lý sẽ sinh được con trai.
Sau khi Lý Đại Hộ suy nghĩ hồi lâu thì cuối cùng cũng đồng ý. Người bị chôn đương nhiên là cô con gái do tiểu thiếp sinh ra --- Lý Niên Niên.
Ta chính là đứa nhỏ xúi quẩy đó.
Nhưng thời gian trôi qua quá lâu rồi, ta đã không nhớ rõ cảm giác khi đó châm dài chui vào trong đầu rốt cuộc đau đớn tới cỡ nào.
Dù sao năm ấy ta mới tròn năm tuổi.
Ta chỉ nhớ mang máng rằng Lý Đại Hộ là cha ta, bình thường ông ấy vẫn đối xử với ta rất tốt.
Vào thời điểm hội hoa đăng được tổ chức, ông ấy sẽ dẫn ta ra đường chơi. Không những vậy mà còn cười híp mắt mua cho ta mấy cây kẹo đường và đèn con thỏ.
Nhưng ngay sau đó hình ảnh thay đổi, trong tiếng gào khóc xé trời của mẹ, ta bị mấy đôi bàn tay gắt gao đ è xuống.
Bọn họ chôn ta ở trên núi.
Sau này lão ăn mày đó rời khỏi thôn, lúc gần đi ông ta nói với Lý Đại Hộ là ngày sau khi đã sinh được con trai thì cần phải canh lúc giữa trưa, đào quan tài của ta ra rồi chọn một mảnh đất khác để an táng, thả ta đi đầu thai.
Không tới ba năm Lý Đại Hộ đã được như nguyện ước mà có được một đứa con trai bé bỏng. Đứa con trai đó còn là do mẹ ta sinh ra cơ đấy.
Bọn họ vui vẻ tới nỗi quên cả trời đất, hoàn toàn ném mấy lời dặn dò của lão ăn mày ra sau đầu.
Ngay cả mẹ ta cũng đắm chìm trong niềm vui sướng khi sinh được con trai mà lỡ quên mất ta.
Nơi huyệt mộ có gió lùa qua, lại ở ngay bên cạnh núi chết, tụ âm tụ dương, là một nơi tuyệt vời để dưỡng thi.
Nhưng lão ăn mày đó nhất định đã quên nói với bọn họ rằng, chôn càng lâu thì oán khí của ta sẽ càng nặng.
Lúc bọn họ đào quan tài của ta ra thì đã là mười năm sau.
Nguyên nhân chính là vì đứa con bảo bối của nhà họ Lý đó đột nhiên mắc bệnh lạ.
Đứa trẻ đó gầy như một bộ xương khô, mỗi khi trời tối sẽ ôm đầu lăn qua lộn lại trên giường, thất khiếu chảy máu đen, gào khóc không ngớt nổi.
Lý Đại Hộ cuống lên, tất cả đại phu và người tài ba trong phạm vi trăm dặm đều được ông ta mời tới hết.
Vậy mà ông ta cũng thật sự tìm thấy một thầy tướng số có chút bản lĩnh.
Thầy tướng số đó nói nhà họ Lý đích thị đã bị oán khí nguyền rủa.
Thế là ta liền "được" đào ra ngay.
Ngay giữa trưa hè, trời nắng chói chang như thế, quan tài bị mở ra ở một mảnh đất trống giữa núi rừng hoang vu.
Rất nhiều người tận mắt nhìn thấy một cỗ thi thể nữ nhân trông hệt như người sống nằm ở bên trong, vải ảo trên người không đủ che thân. Sau đó chỉ một cái chớp mắt trôi qua đã lập tức khô héo tàn lụi, tóc dài nhìn như cỏ khô, dáng vẻ đáng sợ như một bà lão già khọm.
Lúc bị chôn, ta năm tuổi.
Ở nơi dưỡng thi này, ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, ta lại lớn lên thành dáng dấp của một thiếu nữ mười lăm tuổi.
Mặc dù dáng vẻ kia vừa lộ ra dưới ánh mắt trời đã như phù dung sớm nở tối tàn, nhanh chóng héo rút.
Đến nay ta vẫn nghĩ không thông, ông thầy tướng số kia lấy can đảm ở đâu để nói ra mấy lời như "cương thi làm thuốc".
Quả thật Nam Triều đúng là có một vị kỳ nhân dị sĩ tên là Kinh Phòng. Sau khi hắn chết, ngôi mộ của hắn đã bị quân lính ăn trộm. Câu nói đang phổ biến rộng khắp khi ấy là "thịt cương thi, có thể làm thuốc", những người đó liền hạ từng dao một cắt "hắn" ra thành từng mảnh.
Thời Ngũ Đại Thập Quốc cũng có cách nói là lấy đất ở nơi xác chết bị phơi thây rồi sắc thuốc mà uống thì sẽ trị được bách bệnh.
Ông thầy tướng số này rõ là biết được ta c h ết rất kỳ lạ mà còn dám để nhà họ Lý cắt thịt của ta sắc thành thuốc uống.
Nghĩ lại thì có lẽ nhà họ Lý đã cho ông ta quá nhiều rồi.