Đại Tấn Đẹp Đến Như Vậy (Đổi Nữ Thành Phượng)

Chương 129

Editor: Na

Beta: Hoàng Lan

Tào Thục hùng hổ, nói đi là đi luôn, trong lòng Lôi di nương tuy sợ lang quân Vương Đạo tức giận nhưng tới tầm tuổi sắp tàn phai nhan sắc bị thất sủng, lại đã sinh ba con trai, Lôi di nương cảm thấy lợi ích thực tế còn quan trọng hơn sự yêu chiều của chồng.

Vì thế, Lôi di nương cổ vũ cho mình thêm can đảm, phất cờ hò reo theo sau Tào Thục, mang tư thế thề chết không về nếu không san bằng ngoại thất.

Tào Thục nhìn Lôi di nương trước giờ luôn hiền thục trở nên hùng hổ, giống như một con chó trông cửa ngoan ngoãn nghe lời lập tức biến thành chó sói, cảm thấy vừa buồn cười vừa xót xa. Xuất thân của Lôi di nương quyết định vận mệnh cả đời phải thuận theo người khác, chỉ một quyết định tùy ý của chồng và người phụ nữ chủ nhà đã có thể thay đổi vận mệnh của bà. Cho nên Lôi di nương chỉ có thể ra sức bắt lấy thứ đồ có ở trước mắt, không thể trách bà kiến thức hạn hẹp được.

“Bỏ dao xuống.” Tào Thục nói: “Cũng không phải đi giết địch, không cần cầm vũ khí.”

Nếu lời Thái Tử nói là thật, như vậy hai đứa bé do ngoại thất sinh ra chính là cốt nhục của Vương Đạo. Tào Thục đã có ba đứa con vợ lẽ, giờ lại thêm hai đứa nữa cũng không sao, Vương gia đông con nhiều cháu cũng không ảnh hưởng tới địa vị của mẹ cả.

Lôi di nương còn cãi bướng, “Phu nhân, đây là dao thái thịt chín, thiếp dùng để bảo vệ phu nhân, để đề phòng chẳng may thôi chứ không đâm chết người được đâu.”

Người Trung Nguyên xuôi nam, nhất là quý tộc có tiền vẫn giữ thói quen ăn thịt và phô mai trong bữa ăn hàng ngày. Cá ở Giang Nam nhiều xương, bọn họ ăn không quen nên chăn nuôi dê bò trong trang trại ở vùng nông thôn, ăn thịt luộc hoặc thịt nướng hàng ngày. Lúc ăn sẽ dùng dao cắt thành từng miếng, dao kéo được sử dụng thường xuyên như đũa.

Tào Thục thầm nghĩ, ta sai rồi, tại sao vừa nãy ta lại có suy nghĩ đồng cảm với ngươi chứ? Ngươi cầm dao trợn mắt nói dối, nếu thật sự ầm ĩ để ra mạng người thì người chịu trách nhiệm vẫn là ta. Tào Thục có thể ngang ngược, có thể xem Vương Đạo như không khí, nhưng nếu gi3t ch3t con nối dõi sẽ thật sự tổn hại đến danh dự của bà.

Tào Thục nói: “Thật không? Hay là bây giờ ta đâm thử ngươi một cái nhé?” Tào Thục trước nay đều đơn giản trực tiếp, đâm thẳng vào điểm yếu.

Lôi di nương bị dọa giật nảy người, ngoan ngoãn bỏ dao xuống.

Tào Thục và Lôi di nương mang theo tỳ nữ và yêm nô (*) cao to khỏe mạnh, người chèo thuyền, phu xe, v.v… hàng ngũ mênh mông cuồn cuộn hơn năm mươi người ra khỏi ngõ Ô Y, lên năm con thuyền lớn, trong đó có một chiếc thuyền chỉ dùng để chở xe bò và xe dê —— Tào Thục ngồi xe bò, Lôi di nương ngồi xe dê.

(*) Yêm nô: tôi tớ đã bị thiến, giống như thái giám

Đầu tiên đi đường thủy từ sông Tần Hoài, đến bến Đào Diệp sau đó mới ngồi xe giúp giảm bớt xóc nảy, hơn nữa ngồi thuyền còn mát mẻ. Đây là chỗ thuận tiện hơn của thành Kiến Khang so với cố đô Lạc Dương, đường thủy thông suốt tứ phía, đường bộ và đường thủy đều có thể đi lại, đi ra ngoài rất tiện.

Tào Thục đi ra ngoài với khí thế đao to búa lớn, làm kinh động đến hàng xóm Tạ gia ở đối diện.

Tạ gia xuất thân từ Trần Quận Tạ thị, thuộc sĩ tộc hàng thứ ba ở Trung Nguyên, nhưng gia chủ Tạ gia Tạ Bầu từ trẻ đã là phụ tá của Lang Gia vương Tư Mã Duệ, viết chữ rất đẹp và nhận được sựcoi trọng sâu sắc của Tư Mã Duệ. Sau đó Tạ gia theo Tư Mã Duệ xuôi nam, cùng Vương Đạo phò tá Tư Mã Duệ đăng cơ xưng đế.

Một người đắc đạo gà chó lên trời, Tạ Bầu từ một Thư lại (*) bình thường trong phủ Lang Gia quận vương biến thành Lại Bộ thượng thư, là tâm phúc chính thống của Thái Hưng Đế, cho nên Tạ gia từ sĩ tộc hàng thứ ba leo ngay lên trở thành sĩ tộc hạng nhất.

(*) Thư lại: tên một chức quan thời xưa, làm giúp việc giấy tờ, hành chính

Trong ngõ Ô Y chỉ có hai nhà ở là nhà Vương Đạo và nhà Tạ Bầu. Vốn dĩ Tạ gia không có tư cách làm hàng xóm của Vương Đạo, đều do Thái Hưng Đế cố tình làm vậy để dùng Tạ Bầu giám thị Vương Đạo.

Bất kể Vương gia có động tĩnh gì, cho dù to hay nhỏ thì hàng xóm Tạ gia cũng sẽ báo ngay lên Thái Hưng Đế.

Tào Thục người đông thế mạnh đi ra ngoài, Tạ gia lén phái người đi ra từ cửa sau, chạy thẳng đến Đài Thành, bí mật tấu lên Thái Hưng Đế —— Đài Thành là tên gọi khác của Hoàng cung ở thành Kiến Khang trong triều đại Đông Tấn. Vì muốn khác với hoàng cung Lạc Dương đã chôn vùi trong lửa lớn nên gọi là Đài Thành.

Lúc người Tạ gia mật báo, cũng có một người chuồn êm ra ngoài từ cửa sau của Vương gia, là một bé trai mặt bánh bao. Cậu bé đi đến bến tàu, gọi một con thuyền chở khách, “Đi… Đi Đông Trường Can, Lâu… Lâu Hồ.”

Nhà đò nghe xong thì than thầm trong lòng: Dáng vẻ giống tiên đồng, tiếc là hơi nói lắp.

Biệt viện Thanh Hà ở ngay tại Lâu Hồ, ở phía đông nam ngõ Ô Y, là một nơi yên tĩnh, cách xa thành Kiến Khang ồn ào náo nhiệt. Có lợi cho Thanh Hà dưỡng bệnh.

Bố cục của thành Kiến Khang ở triều Đại Tấn mới khác hoàn toàn với cố đô Lạc Dương. Trong phạm vi 220 lý* của Lạc Dương, sĩ tộc có quyền có thế về cơ bản đều ở khu vực nội thành cách khá gần hoàng cung, xưng là Quý Lý (*), Quý Lý chủ yếu đều nằm trong khoảng “Ba vòng”.

(*) Lý: thời xưa nói năm nhà là một lân, năm lân là một lý; cũng có thể hiểu là phố phương; Quý lý: chỉ vùng đắt đỏ

Nhưng trong thành Kiến Khang, khu vực nội thành là Đài Thành (Hoàng cung), là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trong nha môn và nơi dân chúng trên phố phường sinh sống. Quý tộc có quyền có thế đều rời xa khu vực nội thành và xây dựng biệt thự cao cấp ở vùng ngoại thành, phần lớn nhóm sĩ tộc thế hệ Thanh Khê ở phía đông bắc thành và trong Trường Lâu phía đông nam.

Trường Lâu là quý lý nổi tiếng ở thành Kiến Khang, phía đông gọi là Đông Trường Lâu, phía tây gọi là Tiểu Trường Lâu, ở đây đều là những gia đình hiển hách trong triều đình, người bình dân không thể có chỗ đứng ở đây.

Căn biệt thự sang trọng nhất Đông Trường Lâu chắc chắn là nhà của công chúa Thanh Hà. Một Lâu Hồ to lớn như vậy chính là hồ nước trong hoa viên sau nhà công chúa, xét về diện tích, trong khắp Đài Thành không có một tòa nhà nào lớn bằng dinh thự của công chúa Thanh Hà.

Bé trai có gương mặt bánh bao ngồi thuyền đi dọc đường sông tới đây, sau khi lên bờ thì chạy thẳng đến cổng lớn của dinh thự, thị vệ giữ cửa vừa thấy bé trai, vội vàng mở cửa nghênh đón, miệng xưng “Tiểu lang.”

Bé trai nói: “Đường… đường ca đâu? Ta… Ta có việc báo gấp… Cho huynh ấy.”

Ở đình trúc giữa Lâu Hồ, Thanh Hà vẫn đang ngủ say trong màn lụa, gió nhẹ thổi qua, sóng gợn lăn tăn giống như tiên cảnh, rời xa sự quấy rầy chốn phàm tục, là một nơi tuyệt vời để dưỡng bệnh.

Gần đây Vương Duyệt giúp đỡ cha dung nhập âm tiết Lạc Dương vào tiếng Ngô, biên soạn sách thanh vần và nhịp điệu để nối liền hai miền nam bắc, xóa bỏ khoảng cách, không giống mẹ mỗi ngày đều có thể ở bên cạnh Thanh Hà.

Nhìn từ khế đất, chủ nhân nơi này phải là Vương Đạo, Thanh Hà chỉ ở nhờ, nhưng Vương Đạo đã giao tất cả cho con trai trưởng Vương Duyệt mà không giữ lại bất kỳ thứ nào, Vương Duyệt chính là chủ nhân trên thực tế, qua lại không hề bị cản trở.

Thanh Hà đắp chăn mỏng, chân trái thò ra từ trong chăn, lộ ra ngón chân cái tròn xoe trắng nõn.

Vương Duyệt kéo chăn, che đầu ngón chân lại.

Thanh Hà giống như ghét nóng, chân trái hất văng ra, cả bàn chân trái và một nửa bắp chân đều lộ ra ngoài.

Hơi thở của Vương Duyệt hơi chậm lại, hai tay không kiềm chế được mà nắm lấy mắt cá chân nàng khẽ nhét vào trong chăn, không dám dùng sức, mắt cá chân mảnh mai như sắp bị bẻ gãy trong tay hắn.

Một lát sau, Thanh Hà xoay người một cái, hai chân kẹp chăn, lăn đến bên trái sập lạnh, lần này từ bắp đùi trở xuống bị lộ ra hoàn toàn, là cả một vùng trắng sáng lóa mắt.

Nhịp thở của Vương Duyệt tăng nhanh, trái tim điên cuồng loạn nhịp, còn bồn chồn nóng nảy hơn cả ve sầu trong nắng hè.

Vương Duyệt chồm người qua, nắm lấy làn váy đã cuộn đến bắp đùi trong lúc Thanh Hà ngủ mơ màng, từ từ kéo xuống, che đi ánh sáng trắng lóa rạng ngời.

Làn váy từ từ phủ xuống dưới, mu ngón tay Vương Duyệt lướt qua cẳng chân trơn nhẵn như rêu của nàng, mỗi một sợi lông tơ trên lưng ngón tay đều hưng phấn thét chói tai. Từ bắp đùi đến mắt cá chân, Vương Duyệt hận chân Thanh Hà không thể dài một nghìn trượng, như vậy sẽ không bao giờ lướt đến điểm cuối.

Khi làn váy che kín chân nàng, Vương Duyệt đã ướt đẫm mồ hôi, tựa như đi bộ mười dặm dưới ánh mặt trời chói chang.

Thanh Hà lại lăn một vòng, nhìn thấy nàng sắp ngã xuống sập lạnh, Vương Duyệt lấy thân làm miếng chắn, ngăn thế lăn của nàng lại.

Thanh Hà lăn qua lộn lại liên tục, đầu đẩy gối trúc sang một bên, Vương Duyệt duỗi tay tới, làm thành hàng rào bảo vệ bằng thịt người, Thanh Hà như tìm được chiếc gối đầu mới, ôm ngay cánh tay hắn rồi gối đầu lên cánh tay hắn.

Trái tim loạn nhịp của Vương Duyệt như bị chết đột ngột, không còn đập liên hồi nữa, thậm chí còn nín thở vì chỉ sợ tiếng hít thở sẽ đánh thức nàng, như vậy tất cả những thứ này sẽ phải kết thúc.

Vương Duyệt không hề cựa quậy, để mặc Thanh Hà coi cánh tay hắn như gối đầu. Môi nàng như quả anh đào đỏ rực chín mọng, chỉ muốn cắn một miếng, nhưng làm như vậy sẽ khiến nàng nhanh chóng tỉnh lại —— Vương Duyệt đã có kinh nghiệm phong phú đối với chuyện này.

Cho nên hắn kiềm chế đáy lòng đang ngo ngoe rục rịch, để dời lực chú ý, hắn đếm lông mi của Thanh Hà.

Mi dưới bị mi trên che nên không nhìn thấy rõ, ở hàng mi trên, mắt trái có tám mươi mốt cái, mắt phải có bảy mươi chín cái.

Ồ, thì ra lông mi con người có trên một trăm năm mươi cái, đúng là mở mang kiến thức.

Đếm lông mi xong, cánh tay Vương Duyệt tê rần, nhìn đầu Thanh Hà không to lắm nhưng rất nặng, trong cái đầu nhỏ này rốt cuộc đã cất giấu bao nhiêu chuyện?

Khi nào nàng mới có thể nhớ lại tình yêu của chúng ta nơi Lạc Dương chiến tranh loạn lạc đây?

Bỗng dưng, lông mi nàng rung lên, khóe miệng cong cong, bất ngờ cười với hắn mà không có một dấu hiệu báo trước, không biết nàng mơ thấy cái gì.

Nụ cười trong cơn mơ này đã dễ dàng phá nát mọi sự kiềm chế và giữ bình tĩnh của hắn.

Ánh mắt hắn lại rơi trên đôi môi anh đào của nàng, không quan tâm nhiều vậy nữa, ta không muốn chờ đợi thêm nữa, ta chỉ muốn hôn môi nàng thôi.

Một Vương Duyệt khác hỏi hắn: Dọa nàng tỉnh lại thì sao?

Vương Duyệt: Sẽ nói thẳng với nàng rằng, ta phải làm phò mã của nàng. Phải không lãng phí gương mặt này, đẹp đẽ như vậy, nhất định là có nguyên nhân, không được lãng phí gương mặt này.

Vương Duyệt kề người lại gần hôn lên.

“Ca… không… không hay rồi! Phu nhân giết… giết ra ngoài.” Bé trai mặt bánh bao chạy thình thịch trên cầu trúc bằng đôi chân ngắn ngủn.

Thanh Hà lập tức bừng tỉnh, ngồi bật dậy, thấy một bé trai chạy vọt vào đình hóng gió rồi bổ nhào vào trong lòng Vương Duyệt, ôm đùi hắn, “Ca… đại ca đi mau.”

Vương Duyệt ôm cậu bé đến bên bàn trong đình trúc rồi ngồi xuống, “Hi Chi, đừng sợ, nói từ từ thôi.”

Chính là em họ Vương Hi Chi của Vương Duyệt, mẹ là Vệ thị, là em gái của Vệ phu nhân nổi tiếng về thư pháp ở đời sau. Mẹ đã qua đời từ rất lâu, cha là Vương Khoáng đã mất tích không rõ tin tức lúc quan viên xuôi nam, nghe nói là chết trận. Vương Hi Chi mất cha mẹ, trở thành cô nhi. Dưới đả kích to lớn, Vương Hi Chi còn nhỏ tuổi đã bắt đầu trở nên nói lắp, được tộc trưởng Vương Đạo nuôi dưỡng.

Vương Hi Chi ăn nhờ ở đậu, tính cách lầm lì quái gở, chỉ có quan hệ tạm ổn với anh họ Vương Duyệt. Cậu bé nghe người làm ở nhà nói Tào Thục cầm dao đi giết bồ nhí của Vương Đạo, Vương Hi Chi còn nhỏ tuổi, nghe gió chính là mưa, cảm thấy Tào Thục quá kích động, nhưng cậu bé chỉ là khách trong nhà này mà thôi, tiếng nói không có sức nặng, nói chuyện không có giá trị, vì thế vội vàng chạy đi gọi anh họ Vương Duyệt xử lý việc này.

Vương Hi Chi càng sốt ruột lại càng nói lắp, càng nói không rõ, “Phu phu… phu nhân muốn muốn giết ngoại… ngoại thất ở bến… bến Đào Diệp.”

Nói vài lần mới miễn cưỡng nói ra được Tào Thục và Lôi di nương mang theo hơn năm mươi người, trong đó có người còn mang theo dao, kéo tới nhà ngoại thất ở bến Đào Diệp.

Vương Duyệt nghe xong vội vàng chạy đi ngăn cản, Thanh Hà nghe Vương Hi Chi nói Tào Thục muốn giết người thì không yên tâm nên cũng đi theo.

Vương Duyệt dặn Vương Hi Chi ở lại biệt viện trong Lâu Hồ, “Trẻ con không cần lo chuyện của người lớn, đệ không được đi đến đó.”

Thanh Hà và Vương Duyệt ngồi trên một con thuyền nhanh hai cánh, còn có sáu người chèo thuyền, thuyền lao nhanh như mũi tên tới bến Đào Diệp.

Thanh Hà hỏi: “Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Với tính cách của mẫu thân huynh và địa vị của phụ thân huynh… Cũng không phải loại người sẽ chứa chấp ngoại thất.”

Tào Thục không quan tâm Vương Đạo có mấy vợ, lấy thân phận dưới một người trên vạn người của Vương Đạo, hoàn toàn có thể nạp phụ nữ làm thiếp một cách danh chính ngôn thuận, tại sao phải để ở bên ngoài?

Vương Duyệt cũng mơ hồ, “Ta cũng có suy nghĩ giống công chúa, mẫu thân ta không phải người ghen tuông, phụ thân ta cũng không phải người thô lỗ xấc xược, phải đi xem mới biết được.”

Lúc Tào Thục và Lôi di nương, cùng với Vương Duyệt và Thanh Hà chia ra chạy tới bến Đào Diệp, trong nha môn Trung Thư Giam của Quảng Dương Môn ở Đài Thành, Vương Đạo nhận được tin báo của người làm trong nhà thì buông ngay công văn xuống đống giấy tờ chất đống như núi, ngồi xe bò đi thẳng đến bến Đào Diệp.

Trời nắng nóng, Vương Đạo chẳng buồn để ý mặt trời như lò lửa mà ra lệnh cho phu xe tháo vách gỗ và trần xe bò ra để giảm bớt trọng lượng của xe, giúp xe bò chạy nhanh hơn một chút.

Không chỉ có thế, Vương Đạo còn chê phu xe đánh xe quá chậm, ông ngồi luôn một trái một phải trên càng xe cùng phu xe, vung đuôi hươu trong tay rồi chợt quất lên lưng bò, thúc bò chạy nhanh hơn.

Hai dãy nhà bên ngoài Quảng Dương Môn ở Đài Thành đều là phủ làm việc của các bộ ngành Đại Tấn, đám quan viên rối rít chạy ra hai bên đường xem một màn thảm hại nhếch nhác của thừa tướng Vương Đạo, nhao nhao chặc lưỡi, hóng hớt sôi sùng sục, rối rít trao đổi ánh mắt: Vương thừa tướng muốn làm gì thế?

Vương Đạo đi đường vừa gấp vừa điên cuồng, cuối cùng công sức không phụ lòng người, ngay lúc xe bò của Tào Thục sắp tới nơi ở của ngoại thất, Vương Đạo dùng đuôi hươu đập lên xe bò chặn xe của vợ lại.

Gần như cùng một lúc, Vương Duyệt và Thanh Hà cũng đuổi tới nơi.

Mọi người hai mặt nhìn nhau, Vương Duyệt cùng Thanh Hà đội mũ lụa có rèm đen che kín từ đỉnh đầu đến mu bàn chân đứng bên phía Tào Thục.

Vương Đạo thở hồng hộc, mồ hôi đổ như mưa, “Đúng là làm càn! Các ngươi mau về đi! Chuyện không phải như mọi người nghĩ đâu!”

Tào Thục nhìn dáng vẻ không màng thể diện của Thừa tướng, chạy xe bò một mạch tới để bảo vệ ngoại thất của Vương Đạo, cười lạnh nói: “Không bằng ông nói cho ta xem ông cảm thấy bọn ta đang nghĩ gì?”

Vương Duyệt tiến lên, đứng giữa cha mẹ hoà giải, “Phụ thân, trên đường người chạy tới đây đã rêu rao khắp thành, chỉ sợ tới buổi tối, tất cả mọi người trong thành Kiến Khang đều biết mâu thuẫn giữa mẫu thân và phụ thân, một khi đã như vậy thì không bằng nói hết ra, rốt cuộc ở đây đã xảy ra chuyện gì?”

Vương Đạo thấy việc đã đến nước này cũng không còn cách nào khác, ông nói: “Mọi người theo ta vào, Lôi di nương và những người khác đều ở lại.”

Tào Thục, Vương Duyệt, Thanh Hà đi theo Vương Đạo vào nhà.

Tào Thục tò mò đánh giá tòa nhà, “Mặt mũi ngoại thất này cũng lớn quá nhỉ, không ra nghênh đón chủ mẫu, đây là muốn ta chào hỏi nàng ta sao?”

Vừa dứt lời, một người phụ nữ có dáng người cao gầy, làn da trắng nõn, mũi cao mắt sâu, tóc hơi vàng chậm rãi đi tới, nhìn thấy mọi người, bao gồm cả Vương Đạo cũng chỉ gật đầu ra hiệu chứ không hành lễ với bất kỳ ai.

Vượt ra ngoài dự đoán của mọi người, người phụ nữ này đẹp thì có đẹp, nhưng còn kém xa người phụ nữ nghiêng nước nghiêng thành như Dương Hiến Dung, hơn nữa nhìn tuổi tác người này có vẻ cũng xấp xỉ Tào Thục, cũng không phải thiếu nữ trẻ trung tươi tắn như mọi người suy đoán.

Thanh Hà thầm nghĩ: Khẩu vị của Vương Đạo… cũng rất đặc biệt. Giống Tào Tháo, thích phụ nữ thướt tha và thành thục.

Sao chồng lại đi tìm bà thím trung niên thế này? Trong lòng Tào Thục càng nổi lên nhiều nghi ngờ, còn không rảnh tức giận.

Vương Duyệt nhìn kỹ tướng mạo của người này, cảm thấy như đã từng quen biết, lại kết hợp với thái độ của cha, cùng với khí thế kiêu ngạo của người phụ nữ này và đủ loại chuyện bí mật chốn cung đình ở Đài Thành, trong đầu lóe ngay lên một suy nghĩ to gan.

Vương Duyệt kề tai nói thầm với cha, “Bà ta là… là Tuân thị, mẹ đẻ của Thái Tử?”

Mẹ đẻ của Thái Tử Tư Mã Thiệu là cung nhân Tuân thị có xuất thân hèn mọn, lúc Thái Hưng Đế vẫn là Lang Gia Vương đã sinh được trưởng tử Tư Mã Thiệu và con thứ Tư Mã Bầu, bị Lang Gia Vương phi Ngu Mạnh Mẫu (họ Ngu tên Mạnh Mẫu) không có con không chấp nhận nổi, Tuân thị bị đuổi khỏi vương phủ, còn bị Ngu Mạnh Mẫu ép tái giá với một người đàn ông họ Mã để chặt đứt hoàn toàn khả năng Tuân thị trở lại vương phủ. Nhưng nghe nói sau khi Tuân thị tái giá đã nhanh chóng trở thành quả phụ, mang tiếng khắc chồng, sau đó không biết bị Ngu Mạnh Mẫu đuổi đi đâu, mà cũng không hề có tin tức, nghe nói đã bị Ngu Mạnh Mẫu hại chết.

Màu tóc và râu của Thái Tử Tư Mã Thiệu hơi vàng, da thịt lại trắng nõn nà, Vương Đôn đã từng nói sau lưng hắn là “Râu vàng là người Tiên Bi” (ghi chú: xuất phát từ tập 6 trong Đế Kỷ thứ sáu của “Tấn Thư”), nhìn tướng mạo Thái Tử cũng có phần tương tự với vị ngoại thất này.

Vương Đạo nhìn Vương Duyệt bằng vẻ mặt “Quả nhiên là nhi tử bảo bối anh minh thần võ thông minh tuyệt đỉnh tài mạo song toàn lại ngoan ngoãn hiểu chuyện của ta”, gật đầu liên tục: “Đúng vậy.”

Lúc này, ba bé trai chạy từ trong phòng ra, đứa nhỏ nhất vừa mới biết đi, giống như con vịt con, đứa lớn nhất vừa đến đầu gối Vương Duyệt, cũng không quá ba tuổi.

Vương Duyệt lại hỏi phụ thân, “Ba đứa trẻ này là của ai?”

Vương Đạo nói: “Ta.”
Bình Luận (0)
Comment