Đằng Tiên Bắc Ngạo

Chương 7

Nhà Nùng bản Thanh cất lưng chừng đồi, trên một khoảnh đất bằng vài mẫu, to lớn gấp ba bốn lần những căn nhà khác. Có nhà trước, nhà sau. Cũng là nhà sàn, nhưng đượm nét cổ kính, vách gỗ, sàn gỗ lên nước đen bóng, chung quanh hoa kiểng tốt tươi, lan treo khắp nơi tỏa hương thơm ngát. Là một người có võ công, nhưng trong nhà không treo cung kiếm mà lại treo nhiều thi họa. Bức Vân trung đồ vẽ cảnh sắc Vân trung cốc thật sống động. Nhìn qua nơi cư ngụ, Tích Nhân biết ông cụ Nùng bản Thanh là bậc ẩn sĩ, văn võ song toàn, cảm tình càng tăng.

Trần Ngải là người có tên tuổi, nhưng vì cảm tài mến đức nên đã xin làm nô bộc cho Tích Nhân, vì thế ông cụ Nùng bản Thanh mời ngồi, thì chờ cho Tích Nhân ngồi rồi mới ngồi ở một chiếc ghế cách xa một chút.

Tích Nhân và Trần Ngải đều cùng lên tiếng khen ngợi nơi cư trú thanh nhã của gia đình Bản Thanh. Giây lát, Nùng Thừa Lân mang trà, trái cây khô ra mời, Nùng bản Thanh rót trà:

- Đây là trà tuyết san, loại trà cổ thụ mọc trên đỉnh núi cao do lão phu pha chế. Xin mời hai vị.

Trần Ngải ngụm trà, chắc lưỡi:

- Hương vị thật thơm, mùi vị trong đắng có ngọt, trà xuống cổ mùi ngọt thơm tho còn trong miệng, thật Ngải tôi chưa được dùng thứ trà nào như thế này.

Nùng bản Thanh:

- Lão phu ngày tháng nhàn rỗi, có chút khinh công nên có thể tìm đến những cây trà tuyết san cổ thụ mọc cheo leo trên vách đá ngàn trượng hái đọt non, phơi khô trong nắng sớm, ướp với ngàn hoa nên cũng tự hào với thứ trà mình tự pha chế này.

Tích Nhân:

- Nhìn thư họa treo đầy, cách uống trà, chơi hoa của tiền bối cũng biết tiền bối là một bậc văn võ song toàn. Tích Nhân thật có phước, mới xuất sơn được gặp một người như tiền bối, nhất định sẽ được nghe nhiều điều hữu ích.

Nùng bản Thanh khiêm nhường:

- Một lão gìa trong núi, rảnh công ngồi rồi thì có khả năng gì như lời thiếu hiệp nói. Thanh hồng kiếm khách là người lão phu từng nghe tên tuổi, còn thiếu hiệp là ân nhân của Vân trung cốc, nhưng chưa được vinh dự để biết tôn tính, chẳng hay ngoài Phượng hoàng bang chủ là đại tỷ, những bậc tôn trưởng khác là những ai để Nùng bản Thanh tôi ghi nhớ.

Tích Nhân thưa:

- Vãn bối là Lê Tích Nhân, con trai duy nhất của Ngân bút Lê Trung Lương và Đằng tiên Trần Kim Phượng. Ngoại tổ của vãn bối là Đằng tiên lão nhân Trần Nguyên Luân.

Nghe hắn nói rõ lý lịch, Bản Thanh cảm khái:

- Đúng là phượng hoàng thì sinh ra phượng hoàng.

Còn Trần Ngải đứng lên, cảm động:

- Năm xưa thuộc hạ đã thọ ơn cứu tử của vợ chồng Lê đại hiệp, lòng những canh cánh không biết lúc nào có thể đền ơn, không ngờ hôm nay đất trời dung rủi được từ đây hầu hạ cho chủ nhân, thật mãn nguyện vô cùng.

Tích Nhân nhìn ông ta:

- Lúc nãy thấy thúc thúc quá quyết liệt, sợ từ chối thúc thúc buồn lòng, nhưng vãn bối nghĩ, Trần thúc thúc hà tất phải như vậy. Hay là chúng ta kết nghĩa..

Trần Ngải càng cương quyết:

- Đã biết chủ nhân là ai, thì Trần Ngải này càng không bao giờ đổi ý, đây là một vinh dự lớn cho tôi, xin chủ nhân đừng làm cho tôi thất vọng.

Nùng bản Thanh vuốt râu, nhẹ nhàng:

- Lê công tử lòng rất áy náy, nhưng lão phu biết tính tình Thanh hồng kiếm khách, lời nói đã thốt ra không bao giờ lấy lại. Đấy là ưu điểm lớn nhất của ông ta. Thiếu hiệp cứ để ông ta gọi là chủ nhân, nhưng đối xử như tình chú cháu, anh em thì đã có sao? Đời người qúy ở sự đối xử với nhau.

Tích Nhân vòng tay:

- Đa tạ sự chỉ giáo của tiền bối.

Họ chỉ chuyện vãn giây lát thì Thừa Lân ra cho biết cơm nước đã sẳn sàng. Nùng bản Thanh bảo trời đang trong và sáng trăng, kê bàn lớn ngoài sân mọi người cùng ăn chuyện vãn cho vui.

Oâng ta nói với Tích Nhân và Trần Ngải:

- Để hai cháu chung bàn với hai vị có điều thất lễ, lão phu hy vọng hai vị tha thứ cho!

Trần Ngải:

- Tiểu thư và công tử cũng là long phượng trong đời, chủ nhân và tôi được làm quen cũng là vạn hạnh.

Nùng bản Thanh uống một hớp trà:

- Lão phu nhờ có chút võ công, không lo, không nghĩ việc thị phi nên cũng còn cứng cáp, nhưng tuổi năm nay đã bát tuần. Được gặp Lê công tử và được giúp đỡ mới qua tai kiếp lòng cảm kích khôn cùng. Nghĩ lại chắc có lẽ đất trời xui khiến cho những kẻ có duyên gặp nhau. Lão phu hy vọng Lê công tử từ nay chiếu cố và dẫn dắt cho Tiên Nhi và Thừa Lân.

Tích Nhân khiêm nhượng:

- Thật không dám gọi là chiếu cố như lời tiền bối dạy. Tuy nhiên, hậu hội có việc gì tiểu thư và công tử nhờ đến vãn bối xin hết lòng.

- Đa tạ lời nói của thiếu hiệp. Có lời này lão phu rất yên lòng.

Tiên Nhi xuất hiện ở ngưỡng cửa, cô gái có vẻ e ấp:

- Thưa nội tổ cơm sắp xong, có mời qúy khách tắm rửa không? Điệt nhi đã chuẩn bị nước nóng.

Nùng bản Thanh cười xòa:

- Ừ nhỉ! Qua một ngày và một trận quyết đấu, có dội ít nước lên người ăn cơm sẽ ngon hơn. Lê thiếu hiệp và Trần đại hiệp nếu cũng cảm thấy như lão phu, xin mời.

Tích Nhân biết mình rách rưới dơ bẩn, khi vào căn nhà sạch sẽ của Bản Thanh đã cảm thấy áy náy, nên đứng lên cười:

- Vãn bối thật cần tắm.

Nùng bản Thanh:

- Tiên Nhi, cháu hướng dẫn Lê thiếu hiệp.

Tiên Nhi cúi đầu, tiếng nói thật nhỏ:

- Xin mời Lê đại hiệp.

- Cảm ơn cô nương.

Trần Ngải vội nói:

- Tắm mà không thay quần áo sạch ngườisẽ ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Xin chủ nhân dùng tạm bộ đồ trong bao của thuộc hạ.

Oâng ta vội cúi xuống mở túi của mình.

Nùng bản Thanh vội nói:

- Tôi có bộ đồ có lẽ rất vừa vặn, muốn tặng cho Lê thiếu hiệp. Xin đừng từ chối.

Oâng ta không đợi Tích Nhân đồng ý hay không, bảo cháu:

- Tiên Nhi, con vào phòng nội mở rương lấy bộ võ phục xếp cất, cả giày mang ra cho nội.

Tiên Nhi đi ngay, giây lát mang ra cho Nùng bản Thanh một chiếc hộp vuông, ông ta trịnh trọng:

- Năm xưa sang Tô Châu du ngoạn, lão phu đã đặt mua bộ võ phục này để làm quà cho Thúc Vũ. Khi về đến nơi, nó không còn nữa nên cất mãi đến nay. Vóc dáng của thiếu hiệp có lẽ rất vừa, mong thiếu hiệp nhận cho.

Tích Nhân hai tay tiếp lấy bộ quần áo:

- Cảm ơn tiền bối.

Nùng bản Thanh:

- Thiếu hiệp chịu nhận lão phu vui vô cùng. Tiên nhi, ngươi đưa thiếu hiệp đi tắm được rồi.

- Xin mời thiếu hiệp.

Xuống cầu thang, cô gái rụt rè im lặng đi trước, Tích Nhân gợi chuyện:

- Nơi đây xinh đẹp tuyệt vời.

- Đại hiệp quá khen. Nơi ở của đại hiệp và đại tỷ Phượng hoàng tiên tử đâu đạm bạc như chỗ nầy?

Tích Nhân cười:

- Cô nương lầm rồi! Chỗ chúng tôi ở là một đáy vực sâu, không nhà cửa, vì thế tôi mới thưa với nội tổ cô nương là tôi đang thèm cơm.

- Tiên Nhi có nghe đại hiệp đã nói như vậy, nhưng tên tuổi của Phượng hoàng tiên tử làm cho Tiên Nhi không tin ở tai mình.

- Cô nương nghe gì về đại tỷ?

- Sư phụ và các vị sư tỷ nói Phượng hoàng tiên tử xinh đẹp ít người sánh bằng. Võ lâm trung nguyên có câu: “Bắc Bạch Liên, Nam Tiên Tử”. Có ý nói trong võ lâm có hai vị xinh đẹp và võ công siêu quần là Bạch liên giáo chủ và Phượng hoàng tiên tử.

- Cảm ơn cô nương cho biết. Tại hạ được đại tỷ cứu mạng truyền dạy võ nghệ, nhưng chỉ thấy được chân dung thật sự trước khi đại tỷ mất. Vâng, đại tỷ xinh đẹp trên đời khó có người sánh bằng. Hởi ơi! Nhưng cuộc đời của Người thật làm người ta đau xót.

- Ồ! Tiên Nhi không biết đại tỷ đã mất nên làm cho đại hiệp chạnh lòng. Xin lỗi đại hiệp.

- Cô nương thật khách sáo. Tại hạ tên là Tích Nhân nếu cô nương bỏ hai tiếng đại hiệp gọi tôi là Nhân huynh, hay Nhân đại ca tôi sẽ thấy thích thú hơn.

- Tiên Nhi đâu dám vô lễ như thế.

Tiên Nhi chỉ căn nhà tắm bằng gỗ gần bờ suối:

- Mời Lê đại hiệp tự nhiên.

- Cảm ơn cô nương.

Tích Nhân tắm rửa, dùng trủy thủ cạo râu, búi lại tóc. Mặc áo thiên ty bên trong, mặc bộ đồ gấm bên ngoài, mang giày vào trở nên hoàn toàn khác hẳn. Sau khi giặt bộ đồ cũ, phơi trên giây, Tích Nhân vào nhà, Trần Ngải nhìn sửng:

- Chủ nhân đầy nét hào khí nam nhi, nhưng da trắng môi hồng, có nhiều nét giống Đằng tiên nữ hiệp, thật là một Tống ngọc trong võ lâm.

Tích Nhân:

- Thúc thúc đã quá lời!

Oâng cụ Nùng bản Thanh, gật đầu:

- Võ công ấy, nhân dáng ấy, thật là rồng phượng trong đời. Hậu vận không sợ gì, chỉ e nữ nhân làm phiền lụy.

- Đa tạ Nùng tiền bối ban cho bộ đồ qúi và trang nhã. Mặc vào cảm thấy mát mẻ êm nhẹ vô cùng. Vãn bối sẽ ghi nhớ những lời tiền bối dạy.

Trần Ngải:

- Kéo sao, màu ngà rất hợp với chủ nhân.

Nùng bản Thanh sau đó rủ Trần Ngải đi tắm rửa. Trong khi chờ đợi Tích Nhân xuống nhà đi dạo gặp Thừa Lân từ xa chạy về. Thừa Lân trố mắt, buột miệng:

- Lê đại hiệp thật là anh tuấn hơn người.

Tích Nhân thân thiện làm quen:

- Lân đệ quá khen! Lân đệ phong tư cũng khó có ai hơn. Chẳng hay chúng ta kết bạn với nhau có được không?

- Ồ! Được kết bạn với Lê đại hiệp thì thật là vinh dự lớn cho Thừa Lân này.

- Tiểu huynh cũng mới bước chân ra khỏi núi, có chút võ công, nhưng cũng chưa có công nghiệp gì. Hà tất Lân đệ lại coi trọng ta như vậy. Lân đệ không chê thì chúng ta kết nghĩa anh em, coi như ruột thịt.

Thừa Lân hớn hở:

- Thừa Lân này được có một người nghĩa huynh như Lê đại hiệp thì trong đời không có gì vinh dự và vui mừng hơn.

Tích Nhân cười:

- Lân đệ vẫn gọi ta là đại hiệp!

- Ồ! Lê đại ca.

Thừa Lân cảm động cầm tay hắn. Tích Nhân siết chặt tay Thừa Lân:

- Một lời đã hứa bốn ngựa khó theo.

- Bốn ngựa khó theo!

Thừa Lân:

- Chúng ta cần kết bái mới được.

- Đã một lời với nhau thì khác gì thiết thạch. Nhưng kết bái càng tăng thêm sự trịnh trọng. Giữa trời đất anh em chúng ta qùy xuống nói lời tâm nguyện chẳng hay Lân đệ thấy thế nào.

Tiểu đệ tuân lệnh đại ca.

Cả hai kéo nhau qùy xuống cùng lạy trời đất kết nghĩa kim bằng, thề không đồng sanh cũng đồng tử, hoạn nạn có nhau, ai không giữ lời trời tru đất diệt.

Sau khi lạy trời đất đứng lên, Thừa Lân cảm khái:

- Đây là giây phút bất ngờ và vui mừng nhất của tiểu đệ. Nội tổ nghe được chúng ta kết nghĩa như thế này cũng sẽ vui mừng khôn xiết.

Tích Nhân:

- Tiểu huynh hiện còn ngoại tổ, nhưng ông ta sang Trung nguyên không biết hành tung. Ngoài ngọai tổ không có ai là người thân. Hôm nay, ta cũng rất vui mừng có người em như hiền đệ.

- Tiểu đệ từ nhỏ đến lớn chưa bước chân ra khỏi Vân trung cốc, hôm nay có người nghĩa huynh như đại ca, thế nào cũng phải xin nội tổ theo đại ca du lãm giang hồ.

- Thế thì hay lắm! Tiểu huynh sẽ có người bầu bạn.

Tiên Nhi bấy giờ xuất hiện, nhìn thấy Tích Nhân mở to đôi mắt ngạc nhiên, rồi đỏ bừng mặt cúi đầu. Thừa Lân thấy chị mừng reo:

- Tỷ tỷ! Lại đây tiểu đệ giới thiệu nghĩa huynh của tiểu đệ cho tỷ tỷ.

Tiên Nhi rầy em:

- Lân đệ nói nhăng gì vậy? Nội cho mời Lê đại hiệp vào dùng cơm. Nãy giờ em đi đâu mà mất biến như vậy?

- Em đến chuồng ngựa xem con ngựa hồng lô đã thuần thục chưa để đem tặng cho Lê đại hiệp. Hà! Bây giờ Lê đại hiệp là nghĩa huynh của em. Không ngờ em có lúc vui như thế này!

Tiên Nhi mở to ánh mắt:

- Lân đệ nói thật?

- Em có bao giờ gạt tỷ tỷ kia chứ,

Tích Nhân vui vẻ:

- Thừa Lân và tôi đã kết nghĩa sinh tử chi giao. Từ nay tôi cũng coi cô nương như người em của mình.

Tiên nhi cúi đầu, vân vê tà áo:

- Đa tạ đại hiệp.

Thừa Lân:

- Đại ca không thích gọi đại hiệp đâu. Tỷ tỷ hãy gọi là đại ca như tiểu đệ.

Thừa Lân lại nắm tay nàng:

- Sao tỷ tỷ cứ e lệ mãi như vậy? Hãy gọi một tiếng đại ca đi nào!

Tiên Nhi đẩy tay Thừa Lân ra, gọi nhỏ:

- Đại ca!

Nàng quay người chạy đi, nói vọng lại:

- Nội đang chờ!

Thừa Lân:

- Chúng ta vào ăn cơm và tiểu đệ tuyên bố tin mừng này.

Về tới sân, Tích Nhân nghe mùi thức ăn thơm cả mũi, cảm thấy đói cồn cào. Nùng bản Thanh đang chờ, đứng lên:

- Mời thiếu hiệp.

Tích Nhân vòng tay:

- Phiền tiền bối phải chờ đợi.

- Chúng tôi cũng mới tắm xong. Chỉ sợ thiếu hiệp đói.

Thừa Lân, nắm tay ông:

- Từ nay nội tổ gọi Lê đại hiệp là Nhân nhi, như cháu. Lân nhi và đại ca đã kết bái làm bạn sanh tử chi giao. Đại ca cũng xem Nhi tỷ như em ruột.

Nùng bản Thanh cười lớn, vui mừng:

- Thế thì ông nội từ nay bớt lo cho hai cháu. Hay lắm! Hay lắm! Có phải nãy giờ trong lòng ngươi đã nghĩ đến chuyện ra khỏi Vân trung cốc để biết nhân tình?

Thừa Lân đỏ mặt:

- Nội thật hiểu cháu.

Nùng bản Thanh nắm tay cháu:

- Từ nay lão phu giao nó cho thiếu hiệp. Ừ! Nhân nhi! Ta giao nó cho Nhân nhi quản giáo. Chúng ta ngồi xuống uống mấy chung để mừng duyên hạnh ngộ này.

Tiên Nhi rót rượu cho mọi người rồi mới về chỗ ngồi cạnh Thừa Lân. Nùng bản Thanh nâng chung:

- Chúng ta cùng cạn mừng cho Vân trung cốc được giải cứu và Thừa Lân, Tiên nhi có người nghĩa huynh.

Họ cùng cạn chung rượu khai vị, và khi Bản Thanh mời cầm đũa, mọi người ăn được vài miếng, Tích Nhân không khách sáo, ăn thật tình, ăn ngon lành. Nhìn Tích Nhân ăn, vừa ăn vừa khen, Tiên Nhi nhẹ nở nụ cười e ấp, ánh mắt long lanh. Trên bàn mọi người cùng ăn, chưa ai bỏ đũa, nhưng ăn cái ăn cầm khách, còn Tích Nhân cắm cúi, chưa bao giờ được ăn ngon như lần này.

Khi đã no, Tích Nhân bỏ đũa:

- Bụng đã no nhưng miệng vẫn còn muốn ăn nữa. Tích Nhân ăn uống như thế này thật vô lễ, nhưng nếu che dấu sự thèm khát thật sự của mình thì hóa ra giả dối.

Nùng bản Thanh khen:

- Hiền điệt rất hợp ý ta. Ăn ngon lành như vậy là tỏ ra thật lòng coi lão phu cũng như Tiên Nhi và Thừa Lân không khác người nhà. Làm ta rất vui.

- Gia phụ trước khi học võ công đã từng đậu tiến sĩ cập đệ khoa Giáp Dần, nên rất nghiêm khắc trong lễ giáo. Nếu ông ta nhìn thấy Nhân nhi ăn uống như hôm nay, thế nào cũng đánh cho vài gậy.

Nùng bản Thanh hỏi:

- Hiền điệt biết rõ về cái chết của cha mẹ?

Tích Nhân xót xa:

- Năm ấy điệt nhi đã lên mười ba. Sau khi gia gia bị thảm sát, cùng mẫu thân xuôi ngược trốn tránh hai năm nên cũng được mẫu thân kể rõ cho nghe.

- Thuộc hạ cũng rất muốn biết. Trần Ngải nói.

Nùng bản Thanh bảo Tiên Nhi đang dọn dẹp bàn ăn:

- Cháu mang trà và bánh tráng miệng ra đây cùng ngồi nghe chuyện đại ca các con.

Tích Nhân nhắm mắt ôn lại chuyện năm xưa, rồi chậm rãi trong lời xót xa, uất hận:

- Lúc ấy gia đình cháu định cư tại Linh sơn, cũng một căn nhà gỗ nằm trên sườn núi, soi bóng xuống Giang hồ. Gia gia và mẫu thân cháu muốn định cư ở đây vì khu vực Quan Sơn núi hồ nối liền, trời mây bát ngát, phong thủy hữu tình, lại đến nơi phố phường cũng không xa lắm. Bấy giờ mọi người biết cháu bị bệnh thất âm tuyệt mạch, không thể sống quá mười tám tuổi nên gia gia và mẫu thân chỉ muốn tìm cuộc sống bình an lo chạy chữa cho cháu. Ngoại tổ cũng vì bệnh của cháu nên sang Trung nguyên, có thể lên tận Trường bạch sơn để tìm thuốc. Một trong những người bạn thân của gia gia cháu là Bùi bá bá, Bùi Mộng Hoa, người đã từng viết sớ tâu lên Nghệ Tông đàn hạch Lê quý Ly, nhưng ông vua hôn ám này lại đem việc ấy nói cho Quý Ly biết vì thế Bùi bá bá phải trốn tránh và đến tá túc với gia đình cháu. Quý Ly rất nhiều tham vọng, ngoài việc âm mưu cướp ngôi nhà Trần còn tìm kiếm sưu tập các bí kíp trong thiên hạ. Vì thế khi biết Bùi bá bá ẩn trốn ở đâu và điều tra ra lý lịch biết cha mẹ cháu là ai, thì cho người giả dạng kẻ cướp tấn công. Bọn chúng đều bịt mặt, nhưng căn cứ trên võ công, mẫu thân cháu cũng biết bọn họ chính là nha trảo của Quý Ly.

Nùng bản Thanh hỏi:

- Căn cứ vào đâu?

- Mẩu thân bị một chưởng hỗn nguyên khí công bị thương trầm trọng. Đây là nội công độc môn của đạo sĩ phái Huyền Linh ở Chí Linh. Bọn dùng kiếm thì sử dụng thiên long kiếm pháp, môn kiếm pháp mà võ sĩ đại nội đều được luyện tập. Ngoài bị thương vì hỗn nguyên khí công, mẫu thân còn trúng hổ tu độc trâm, đây là độc trâm của yêu đạo núi Pha Lung chế biến. Yêu đạo Xa Tư Vinh là người thường lui tới nhà Phạm Cự Luận, mưu sĩ của Quý Ly. Chính vì bị hai thứ thương thế, ngoại tổ lại đang ở trung nguyên chưa về, Thái ất thần công của mẫu thân không thể chữa trị cho mình nên đưa cháu đi trốn hết nơi nầy đến nơi khác và hai năm sau thì không còn chống cự được.

Trần Ngải:

- Vì đội ơn cúu tử của phụ mẫu chủ nhân, nên Ngải tôi cũng có để ý tìm tòi về việc này. Thuộc hạ muốn nêu ra đây để chủ nhân có thêm chi tiết mà phán đoán. Theo tin tức mà thuộc hạ ghi nhận, thì ở Vân Nam sau khi Lương Vương của nhà Nguyên bị Minh triều tiêu diệt, thì một nhánh họ Đoàn muốn quật khởi để lập lại nước Đại Lý. Người lãnh đạo của họ là ai chưa biết rõ, nhưng họ lại chuyên đi tìm kiếm các bí cấp võ công ở Đại Việt ta và cũng chiêu dụ nhiều người Đại Việt ở các vùng gần biên giới làm thuộc hạ cho họ. Có lẽ họ đã chuẩn bị từ lâu, nên nhiều môn võ công của Đại Việt ta họ còn sử dụng thành thạo hơn nhiều. Hỗn nguyên khí công hiện không còn là độc môn nội công của đạo sĩ Huyền Linh động núi Yên tử nữa mà nhiều cao thủ thuộc tổ chức họ Đoàn cũng đã xử dụng, kiếm pháp thiên long của nhà Trần nghe nói xuất phát từ Đại Lý, nên bọn người này cũng biết sử dụng thiên long kiếm pháp. Thuộc hạ điều tra, biết rõ nhiều vụ án xảy ra vì chùa đó, hay gia đình đó có thể có cất giấu bí kíp võ công. Cho nên, vụ tấn công gia đình chủ nhân ở Linh sơn năm xưa, chúng ta cũng không nên bỏ giả thuyết bọn họ Đoàn muốn cướp lấy Đằng tiên bí cấp.

Tích Nhân kêu lên:

- Ồ! Thúc thúc nói làm cho Tích Nhân nhớ lại, việc mình bị giành giựt năm xưa. Trong số người tìm bắt Tích Nhân hôm đó ngoài anh em Hoàng gia trang còn có Thiên thủ tam kiếm, và những người xưng tên là Bế Thiệu và Đèo Căn họ làm việc dưới quyền một cô gái được gọi là đàn chủ.

Trần Ngải:

- Bế Thiệu và Đèo Căn đều là người của Đoàn thị.

Tích Nhân:

- Nếu vậy thì bọn họ Đoàn cũng rất có thể là thủ phạm. Chúng ta sẽ từ từ tìm hiểu. Họ là ai, thù giết cha mẹ Tích Nhân nhất định không bỏ qua.

Trần Ngải:

- Có lẽ chủ nhân nhiều năm ở trong thâm sơn luyện tập võ công nên ở đây thuộc hạ cũng muốn mạo muội trình bày tình hình đất nước giang hồ hiện nay cho chủ nhân rõ. Nùng tiền bối là bực cao minh chắc sẽ có nhiều nhận xét tinh tế hơn.

Nùng bản Thanh:

- Lão phu tuy ở một chỗ, nhưng bạn bè thường viếng thăm nên cũng nghe được nhiều. Trần đại hiệp cứ nói có gì lão phu sẽ góp ý.

TrầnNgải:

- Đại Việt chúng ta hiện nay bị lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Quý Ly cho rằng mình có gốc tích họ Hồ, con cháu Ngu Thuấn nên đổi họ Lê sang họ Hồ và đặt lại tên nước của chúng ta như vậy.

Tích Nhân tức giận:

- Lão gian tặc này thật là ngông cuồng thái quá! Ngu Thuấn là ông vua lấy nhân nghĩa mà trị quốc còn lão là tên gian tặc. Không hiểu cho rằng tổ tông nhà mình là Ngu Thuấn lão có tự thẹn hay không? Cho dù họ Hồ của lão tự nhận có liên hệ với Hồ công, cháu vua Thuấn đi nữa, dân tộc ta có liên hệ gì với một ông vua bên Tàu mà lấy chữ Ngu làm quốc hiệu?

Trần Ngải thở dài:

- Quý Ly dời đô, đổi tên nước, giết hại nhiều người, nhất là vụ Đốn Sơn, thượng tướng quân Trần Khát Chân, Thái bảo Trần Nguyên Hàng.. thần kiếm Phạm Tổ Thu, Thần quyền Phạm Ngưu Tất..Cả trăm người bị giết ai nấy đến nay còn bàng hoàng. Thế nhưng, sau khi cướp ngôi nhà Trần, cha con họ Hồ vẫn có những người có tài năng ủng hộ.

- Như những ai?

- Phía văn thì có những người như Đồng Thức, được Hán Thương coi như Ngụy Trưng đời nhà Đường nên đổi cho tên là Ngụy Thức; Nguyễn Ưùng Long, con rể Tư Đồ Trần Nguyên Đán được đưa coi Hàn lâm viện, những thanh niên có khả năng như Lưu Thúc Kiệm, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn..đều lều chõng đi thi để làm quan..Phía quan võ, bọn Hoàng hối Khanh, Trần Tùng, Trần Vấn, Nguyễn bằng Cử, Trần Mộng Dữ.. Cũng đều hết lòng với lão Hồ tặc!

Tích Nhân:

- Những người mà thúc thúc kể ra, Tích Nhân chẳng biết họ là ai, nhưng Tư Đồ Trần nguyên Đán là tôn thất, được nghe gia gia ca ngợi là một người học rộng tài cao, thế nhưng sao con cháu của ông ta lại xu phụ Quý Ly?

Trần Ngải lắc đầu:

- Thuộc hạ thật không hiểu được.

Nùng bản Thanh hớp ngụm trà, đặt chén xuống bàn:

- Người người đều ca tụng Trần nguyên Đán, nhưng lão phu không phục chút nào. Đúng! Oâng ta là người có tài, đoán biết thời thế, biết thế nào Quý Ly cũng cướp ngôi nhà Trần. Nhưng cái biết của ông ta chứng tỏ ông ta là người bất trung và lão phu nghĩ với tiên tổ nhà Trần không thể nói là không có tội. Đáng lẽ khi biết như vậy, mà dù biết mạng trời của nhà Trần đã hết đi nữa, là người tôn thất, ông ta phải tranh đấu đến cùng để giữ cơ nghiệp của tổ tông, có chết cũng chết vì vua, trái lại ông ta lui về trí sĩ để tránh đụng chạm, làm suôi với Quý Ly, gởi con cháu cho hắn để sau này được an toàn. Cái lo đó, thật là cái lo vị kỷ cho riêng gia đình mình mà không phải cho nhà Trần vậy.

Trần Ngải:

- Lời nghị luận của tiền bối rất đúng. Chính vì cái uy danh của Trần nguyên Đán, mà bọn người cho rằng việc cướp ngôi của Hồ quý Ly là hợp mạng trời đã có thêm chứng cớ để bênh vực.

Trần Ngải tiếp lời:

- Phía Văn thân cầm đầu công cuộc chống họ Hồ là anh em nhà họ Mạc, hậu duệ cụ Mạc đỉnh Chi. Võ phái hầu hết những người sống ngoài vòng pháp luật và những kẻ trung với nhà Trần. Phe chống dĩ nhiên hoạt động ngấm ngầm, nhưng như đã nói vì có hai thành phần nên ô tạp, có kẻ trung quân ái quốc, nhưng cũng có người cơ hội.

Trần Ngải cười chua chát:

- Như Ngải tôi là một trong những người cơ hội, mong rằng góp chút công đón vua Trần về nước sẽ không còn phải sống cảnh trốn tránh, nương thân trong hắc đạo nữa.

Tích Nhân hỏi:

- Đón vua Trần nào về nước?

- Có người tên Trần Khang đã sang Yên kinh trình bày với vua Minh Thành tổ việc Quý Ly cướp ngôi, xin nhà Minh đem quân sang giúp lập lại nhà Trần. Trần Khang lấy tên là Trần Thiên Bình, nói là con vua Nghệ tông. Nhiều người hiện cũng nghi ngờ không biết Thiên Bình có phải con vua Nghệ Tông hay không? Nhưng cho rằng nếu nhà Minh muốn lập lại nhà Trần, thì khi biết Trần Khang dối gạt họ sẽ lập con cháu thực sự của nhà Trần lên ngôi chính thống, nên việc đúng hay không không phải là việc quan trọng, mà việc nhà Minh có đem quân sang giúp hay không mới là quan trọng.

- Thúc thúc thấy nhà Minh đối với việc này thế nào?

- Vua Minh đã đưa phái đoàn Dương Bột sang phong cho Hồ hán Thương làm An Nam Quốc vương, nhưng hiện tại nhiều phái bộ nhà Minh, chính thức có, giả dạng có qua lại nước ta hàng ngày. Cao thủ của họ liên lạc chặt chẽ với những nhóm chống họ Hồ thúc đẩy tạo lực lượng, như chủ nhân đã biết Hoàng Mật đã từ lâu ráo riết chuẩn bị.

Tích Nhân hỏi Nùng bản Thanh:

- Tiền bối đối với tình hình này nghĩ như thế nào?

Nùng bản Thanh lắc đầu, thở dài:

- Đất nước chúng ta chắc chắn sẽ bị nạn binh đao. Quân Minh có sang cũng không hẳn họ sẽ lập lại nhà Trần rồi rút về mà chỉ sợ sẽ chiếm luôn cả nước. Kể từ thời Ngô vương Quyền đặt nền tự trị đến nay. Nhà Lý đã đẩy lui quân Tống, Hưng đạo vương Quốc Tuấn đã ba lần đẩy lui quân Nguyên, nhưng đó là những lúc mà quân dân rất đoàn kết, vua tôi trên dưới một lòng. Hiện nay lại hoàn toàn khác. Theo tình thế, lão phu cho rằng giúp cha con họ Hồ cũng không đáng, mà trông đợi hay tiếp tay quân Minh vô hình chung cũng sẽ có tội với non sông.

Trần Ngải hỏi:

- Như lời tiền bối, chúng ta phải làm gì bây giờ?

Nùng bản Thanh:

- Quân Minh sang lần này sẽ không phải như quân Tống, quân Nguyên trước đây bị chúng ta đánh bại mà chắc chắn họ sẽ chiến thắng. Lý do, theo lão phu, chúng ta thắng quân Tống, quân Nguyên vì quân dân đoàn kết một phần, một phần bấy giờ đất nước chúng ta có Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo đều là những người có tài đại tướng. Còn hiện tại, nhà Hồ mới cướp ngôi chưa được mọi người công nhận lại thực hiện nhiều chính sách mất lòng dân, quân đội hiện có tổ chức lại qui củ hơn xưa, nhưng tướng lãnh đa số đều là những người xu phụ còn kẻ có tài đại tướng thì hầu như không có ai. Tình trạng như vậy thì làm sao có thể ngăn trở được quân Minh, một quân đội thiện chiến mới đánh đuổi được quân Nguyên ra khỏi nước, lập triều đại mới.

Nùng bản Thanh uống một hớp trà, thở dài:

- Đất nước chúng ta sẽ bị đô hộ. Đại Việt đã có mấy trăm năm lập quốc lẽ nào cam chịu sống dưới sự đô hộ của quân Minh? Tuy nhiên, sự đô hộ này trải dài trong bao lâu còn phải xem chính sách cai trị của nhà Minh như thế nào. Nếu họ lấy đức vỗ về, chuộng trọng hiền sĩ, giảm nhẹ sưu thuế, thì sự đô hộ có thể kéo dài. Ngược lại, họ lấy uy vũ đàn áp, quan tướng vơ vét cho đầy túi tham, thì họ sẽ khó ở Đại Việt ta lâu. Tóm lại, lâu hay mau, tùy theo chính sách cai trị của nhà Minh, nhưng sự đứng dậy của dân chúng Đại Việt giành lại quyền tự trị sớm hay muộn cũng sẽ phải có. Theo lão phu, con đường lập tâm cứu nước của những người hữu tâm có thể nhìn thấy dã tâm của quân Minh và sự bất chánh của nhà Hồ, là chuẩn bị cho sự đứng dậy sau này. Liên kết hào kiệt khắp nơi, thành lập thế lực âm thầm chờ đợi thời cơ đựng cờ khởi nghĩa.

Tích Nhân liên tiếp gật đầu tán thưởng:

- Tiền bối thật là người ở trong lều tranh mà nhìn thấu suốt được thiên hạ.

Nùng bản Thanh khiêm nhường:

- Thật ra, những nhận xét này không phải là của riêng lão phu, mà cũng còn nhiều bạn thân, những anh hùng phải ẩn lánh nhà Hồ, hay những ngườicó cái nhìn cao xa. Lão phu nghe họ nghị luận và cũng thấy đó là con đường phải theo.

Trần Ngải:

- Trần mỗ nghe được lời này như vén được mây mù mà nhìn thấy trời cao.

Nùng bản Thanh hỏi Tích Nhân:

- Hiền điệt có chuẩn bị gì trong những ngày tới?

- Trước hết tiểu điệt đi lấy hài cốt mẫu thân đem lên Công mẫu sơn cải táng. Sau đó sang trung nguyên chấn chỉnh lại Phượng hoàng bang để cho đại tỷ được vui lòng.

Nùng thừa Lân:

- Tiểu đệ rất muốn được theo đại ca.

Tích Nhân:

- Có Lân đệ đi cùng sẽ vui vẻ lắm, nhưng nhiều người sẽ gây sự chú ý nên ta hẹn với Lân đệ nửa năm sau sẽ trở lại đây hay hẹn gặp một nơi nào đó . Trong thời gian này Lân đệ tập luyện thêm võ công. Côn pháp của Lân đệ đã được nội tổ truyền dạy.. nhưng Lân đệ chưa phát huy đúng mức.

Nùng bản Thanh:

- Bụt nhà không thiêng! Hay là hiền điệt nán ở lại một thời gian chỉ điểm thêm cho Thừa Lân và Tiên nhi? Không dấu gì hiền điệt, bộ côn pháp nhà lão phu đã thất truyền khá nhiều, lão phu lại ham mê vẽ tranh, du ngoạn hơn là võ thuật nên đường côn có quá nhiều sơ hở..

Tích Nhân vòng tay:

- Cung kính không bằng tuân mạng. Tiểu điệt xin ở lại một thời gian để cùng Lân đệ và Tiên nhi hiền muội nghiên cứu thêm côn pháp và kiếm pháp. Trước đây đại tỷ của tiểu điệt cũng có truyền dạy một ít bộ pháp có thể tránh né sự tấn công của kẻ khác một cách thần diệu gọi là mê tung bộ và Tích Nhân muốn tặng lại cho nghĩa đệ và nghĩa muội.

Trần Ngải buột miệng:

- Mê tung bộ! Nghe nói đã thất truyền từ lâu, không ngờ chủ nhân lại học được.

- Trong những ngày ở lại đây, nếu thúc thúc không ngại chúng ta cũng có thể cùng nghiên cứu kiếm thuật và bộ pháp với nhau.

Trần Ngải đứng lên cung kính:

- Nếu được chủ nhân chỉ điểm, trở lại giang hồ Thanh hồng kiếm khách chẳng những hoàn toàn thay đổi tư cách mà cũng võ công cũng khác xưa.

Tích Nhân chợt nghiêm nghị:

- Thúc thúc đã coi trọng Tích Nhân tôi, thì tôi cũng coi thúc thúc là cánh tay mặt của mình. Tích Nhân tôi không có mộng tranh bá đồ vương, nhưng rất có lòng muốn trung hưng nền võ thuật nước ta. Theo lời ngoại tổ, trước đây khoảng một trăm năm chục năm võ thuật nước ta rất cao thâm. Danh thủ nước ta làm cho võ lâm Trung nguyên nể sợ. Thế nhưng, từ lúc chiến thắng quân Nguyên đến nay càng ngày càng suy đồi. Ngọai tổ giải thích: chiến công quân sự và thời bình đã làm cho những thanh niên thông minh, tư chất có khuynh hướng học võ học chỉ tập luyện để biết bắn cung, cầm thương lên ngựa mong làm một vị tướng quân nên nhiều bậc tôn sư võ học đã không thể tìm được truyền nhân, võ công vì thế mà thất truyền dần. Sự dùng bái Phập pháp của cung đình quá lớn như cúng hiến đất đai hàng ngàn mẫu, dâng hàng ngàn lao nô làm công phục vụ cho chùa chiền.. đã làm cho giai cấp tăng lữ trở thành thành phần trưởng giả ăn chay. Họ thi học cho nhiều sách, thuyết pháp cho thật hay, sửa giọng tụng niệm cho du dương để tiến thân.. mà hiếm người chịu khó theo con đường Đạt ma sư tổ, Huệ năng sư tổ. Võ học thiền môn vì thế cũng thất truyền nhanh chóng. Nếu thúc thúc thấy rằng mình vẫn muốn một ngày nào đó áo mão vinh quy, thì Tích Nhân không thể giúp thúc thúc được nhiều, nhưng nếu thúc thúc có lòng nghiên cứu, bồi bổ kiếm pháp của mình, sau này thu dạy đồ đệ, xiển dương võ học chân chính thì Tích Nhân rất vui lòng cộng tác cùng thúc thúc.

Trần Ngải đứng lên:

- Trần Ngải này quyết theo chủ nhân thì suốt đời vì chủ nhân mà ra sức. Chủ nhân muốn hưng binh lập nên triều đại thì Trần Ngải vì chủ nhân làm kẻ tiên phong, chủ nhân muốn làm một bậc kỳ hiệp, thì Ngải tôi cũng cắp kiếm theo hầu bên cạnh.

Tích Nhân cũng đứng lên:

- Như lời Nùng tiền bối đã nói, Tích Nhân dù không có lòng tranh bá đồ vương, tụ chúng mai sau khởi nghĩa, nhưng đã làm người học võ thì tương lai của đất nước chúng ta cũng không thể không quan tâm tới. Diệt trừ những phường tham ô, bán nước cầu vinh, cứu giúp những kẻ có lòng và đào tạo nhân tài là những gì mà chúng ta phải làm. Và để chúng ta có thể thực hiện những điều này. Hiện tại Tích Nhân được đại tỷ Phượng hoàng tiên tử di chúc đảm nhiệm chức bang chủ Phượng hoàng bang ở Trung nguyên, thì ở Đại Việt chúng ta cũng có thể thành lập bang hội này, và mong chi nhánh Phượng hoàng bang ở Đại Việt, Trần thúc thúc, và Lân đệ đảm trách cho.

Trần Ngải:

- Chủ nhân đã dạy thuộc hạ cung kính bất như phụng mạng.

Nùng thừa Lân:

- Chỉ sợ tiểu đệ còn kém tài.. khó giúp được gì cho đại ca.

- Để có thể phát triển Phượng hoàng bang, ta sẽ truyền tất cả công phu trấn bang của Phượng hoàng bang cho Trần thúc thúc và hiền đệ. Nếu hai người chăm chỉ luyện tập, trong vòng năm bảy năm sẽ trở thành cao thủ mà giang hồ không mấy người theo kịp.

Thừa Lân vui vẻ:

- Được đại ca truyền võ công cho thì bảo Thừa Lân làm gì cũng không từ nan.

Tiên nhi đứng lên, vẻ mặt không vui:

- Xin nội cho con vào nhà trong.

Thừa Lân nắm tay chị:

- Đại ca không nhắc gì đến tỷ tỷ, nàng đã buồn giận rồi!

Tích Nhân nhìn nàng:

- Đại ca chưa dám hứa hẹn nghiên cứu võ công cùng Tiên Nhi hiền muội, vì hiền muội là đồ đệ của Nga Mi, chỉ sợ những góp ý của ta đối với kiếm pháp của hiền muội sẽ làm cho Nga Mi cho chúng ta không kính trọng họ.

Thừa Lân đính chính:

- Tỷ tỷ đã theo Liễu Trần sư thái đi Nga Mi học võ nhưng lại không được thu nhận làm Nga Mi đệ tử.

Tích Nhân ngạc nhiên:

- Tại sao vậy?

Nùng bản Thanh thở dài:

- Liễu Trần sư thái vân du đến đây ở lại Vân trung cốc mấy ngày rồi thương mến Tiên Nhi đưa nó về Nga Mi, nhưng Vô Trần sư thái, chưởng môn phái này khi biết Tiên Nhi là người Đại Việt lại sợ võ công của họ truyền ra nước ngoài vì thế mà cự tuyệt. Tiên Nhi vẫn được Liễu Trần truyền cho kiếm pháp và nội công căn bản nhưng bị buộc phải thề chỉ sử dụng để bảo toàn mạng sống khi bị kẻ thù đến Vân trung cốc tấn công mà không được sử dụng võ công hành hiệp, bôn tẩu giang hồ, truyền lại võ công cho bất cứ người nào, dù là con cháu..

Tích Nhân:

- Nếu vậy thì Tiên Nhi hiền muội không cần phải sử dụng võ công của Nga Mi làm gì. Nội công của tiểu huynh là Thái ất thần công, nhưng môn nội công âm nhu kiêm bị này tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành, lục dương thần công của Phượng hoàng bang lại chỉ thích hợp cho nam giới nên tiểu huynh sẽ truyền huyền âm thần công, huyền âm chưởng chỉ và Phượng hoàng kiếm pháp cho hiền muội.

Tiên Nhi trở nên vui vẻ:

- Cảm ơn Nhân đại ca.

Sau đêm hôm đó Tích Nhân đã ở lại Vân trung cốc trau dồi võ nghệ cho Trần Ngải, Thừa Lân và Tiên Nhi. Ngày nắng họ tập luyện chiêu thức trên đồng cỏ, khi mưa vào trong một căn nhà chứa cỏ. Chỉ hơn một tháng nhưng võ công của Tiên Nhi và Thừa Lân tiến bộ thấy rõ và tình cảm của họ cũng trở nên khắng khít hơn. Tiên nhi tự tay may thêm quần áo và giặt giũ cho Tích Nhân và Tích Nhân cũng nhận thấy tình cảm của Tiên nhi dành cho mình nhưng trong lòng không thể nào quên hình ảnh Trần Kỳ Anh, cả con tim vẫn đầy ắp hình ảnh của nàng, nên cố tình không để ý đến ánh mắt tha thiết của Tiên Nhi. Cử chỉ đối xử hàng ngày không khác gì với em gái.

Thấm thoát hơn tháng trôi qua, Tích Nhân ngỏ lời ra đi. Đêm đó Nùng bản Thanh làm tiệc đưa tiễn. Tiên Nhi vẫn cố làm vẻ tự nhiên, nhưng ai cũng biết nàng rất bịn rịn. Theo sự sắp xếp của Tích Nhân, Trần Ngải ra giang hồ thăm dò động tĩnh của tổ chức họ Đoàn ở Đại Lý và Hoàng Mật; Thừa Lân và Tiên Nhi ở lại Vân trung cốc tiếp tục tập luyện côn pháp, kiếm pháp. Tích Nhân về Đông Đô lấy hài cốt của mẹ. Tháng sau sẽ cùng gặp nhau ở Công Mẫu Sơn.

Buổi sáng trước khi chia tay, trong khi cùng Nùng bản Thanh và Trần Ngải ăn bánh uống trà, Thừa Lân mang về một con ngựa hồng:

- Con hồng mã này là con ngựa đầu tàu của một bầy ngựa hoang cả trăm con. Tiểu đệ và Tiên Nhi tỷ tỷ mất cả tháng rình mò mới bắt được. Tiểu đệ huấn luyện cũng vừa thuần thục, nó chẳng những phi với tốc độ rất nhanh, mà còn dai sức hơn ngựa thường, chúng em tặng đại ca.

Tích Nhân không khách sáo:

- Có con ngựa như thế này tiểu huynh cũng sẽ đỡ phải mất công lực nhiều trên con đường ngàn dặm.

Trần Ngải nhìn con ngựa thân thể không mấy cao lớn nhưng lông đỏ như lửa, ngực to bụng thon, lưng thẳng, bốn ống chân thon dài, bốn đùi bấp thịt nổi cuồn cuộn, khen:

- Thật là một con ngựa thiên lý.

Nùng bản Thanh:

- Vùng này khác biệt nhiều với các nơi khác. Núi cao chớn chở, sườn núi đôi lúc thẳng đứng, khe sâu muôn trượng nên ngựa hoang sinh sản ở đây có khả năng phóng qua chướng ngại, vượt qua hố sâu, lên đèo xuống núi không có ngựa nào bằng. Con hồng lô này nếu so với ngựa thiên lý của Đại Uyển thì nhỏ thó hơn nhiều, nhưng nếu thi đường trường, ngựa Đại Uyển cũng không qua nổi. Tuấn mã đợi anh hùng, lão phu ở đây cả đời chưa bao giờ tìm được con ngựa như thế này.

Trần Ngải lại xem hàm răng:

- Nó chỉ vừa mới mọc đủ răng mà đã là con ngựa đầu tàu của một bầy ngựa hoang rất lớn, đủ nói lên bản lãnh phi thường.

Tiên Nhi e ấp mang ra một gói hành lý:

- Đây là quần áo của đại ca. Tiểu muội biết đại ca có nhiều vàng ngọc, nhưng cũng cần phải mang theo một số tiền nhà Hồ để dễ chi dùng dọc đường. Khi vào địa phận Chiêm Hóa mới có quán xá nên đại ca dùng tạm xôi và thịt tiểu muội giở theo..

Tích Nhân cầm túi hành lý và mấy ống xôi thịt, cảm động:

- Trên một tháng ở đây được sự săn sóc của hiền muội tiểu huynh cảm thấy như đang ở trong một gia đình ấm cúng có một cô em gái rất ngoan hiền..

Đôi mắt Tiên nhi chợt đỏ, cúi đầu:

- Cảm ơn đại ca..

Nàng vụt chạy vào nhà trong để khỏi phải bật lên tiếng khóc.
Bình Luận (0)
Comment