Tiểu Hoa lạnh lùng nhìn tôi, hiển nhiên là không thèm để ý đến tôi. Mấy người khác cũng nhìn Tiểu Hoa với ánh mắt mong đợi, mong cậu ta thật có thể mua hẳn một chiếc xe lửa đem tới.
“Tập trung vào.” Tiểu Hoa sau đó nói.
Cậu ta quả thực vẫn luôn nhắc nhở tôi phải chuyên tâm vào, thực ra đây cũng là động lực để tôi có thể tiếp tục chống đỡ. Cuối cùng, đương nhiên là không mua xe lửa, chúng tôi kiểm kê ra một nhóm tổng cộng mười hai người, đi men theo đường ray xe lửa vào thẳng bên trong.
Tìm người đi thuê gần hai mươi con la, một nửa để cưỡi, một nửa để thồ trang bị, chúng tôi bắt đầu xuất phát.
Suốt mười năm nay, tôi đã quá quen thuộc với kiểu hành trình như thế này rồi. Mặc áo khoác phao Pizex đã phát mốc lên rồi nhưng vẫn còn dùng tốt, chỉnh là giày, lều bạt, đồ dùng chống côn trùng, ba là tra Bạch Câu Thoái vào bao, giắt ngang trên lưng la, ở bên hông mình và bên sườn ba lô. Tiểu Mãn Ca mang theo ba con chó ngao, ăn no đẫy nước mỡ béo, cả đoàn liền đi vào trong khu rừng nguyên sinh.
(Bạch Câu Thoái là một loại dao quắm)
Suốt đường đi không ai nói câu gì, đi được bốn ngày, đã vào đến giữa rừng nguyên sinh, khi đi ngang qua một cánh rừng thông tuổi cây không đủ lớn, Tiểu Hoa nói không thể là nơi này được, nhưng để đề phòng có ngộ nhỡ gì, chúng tôi vẫn tìm khắp xung quanh một vòng, cũng không phát hiện ra được có gì đặc biệt.
“ Cánh rừng này từng bị đốn, cách lâm trường có bốn ngày đường, là rừng thông gần đấy nhất, chắc chắn là bị chặt đầu tiên. Những súc gỗ chặt đầu tiền thường dùng để xây các căn nhà trong lâm trường, mà gỗ mục chúng ta đào dưới đất lên chắc chắn phải đến từ nơi ở sâu hơn so với đây nhiều.”
Vì vậy đoàn lại tiếp tục đi.
Ban đêm trong rừng vừa ẩm ướt vừa âm u, đốt lửa trại, nấu mì gói, Tiểu Mãn Ca mỗi ngày đều có thu hoạch: nếu không phải thỏ rừng thì cũng là gà rừng. Khảm Kiên và Bàn Tử đều thích món ăn quê, hai người này mỗi ngày đều nướng một loại thịt khác nhau. Tôi suốt mấy năm nay đã ăn không biết bao nhiêu là thịt, chỉ gặm được có một hai miếng đầu.
Một tuần sau, chúng tôi đến một khe núi. Bàn Tử kêu “Ồ” một tiếng đầu tiên, tất cả mọi người liền dừng lại.
Trong khe núi có một bụi Tơ hồng to tướng, lại rậm rạp, như một cái kén khổng lồ. Chung quanh bụi Tơ hồng này có rất nhiều “mao côn tử”, tức là những cây khô bị dây tơ hồng quấn kín mít hoàn toàn cho đến chết. Bụi Tơ hồng này cũng đã chết, còn lại cả một bụi tầng tầng dây leo vàng vàng to tướng như một cái lều. Trên mặt đất, cỏ dại cũng héo rũ, vàng khè cả ra, thế nhưng lại cực kỳ cao, rõ ràng trước khi chết rũ, chúng đã từng sinh trưởng rất um tùm rậm rạp.
Cả đoàn chúng tôi đều bị bụi Tơ hồng này thu hút, đến gần nhìn lên, thấy cái kén Tơ hồng này thực sự quá đỗi khổng lồ, bên trong nó hình như là một tảng đá to tướng.
“Có lẽ chính là chỗ này rồi.” Trực giác nói cho tôi biết điều đó. Nhìn khắp bốn phía là một cánh rừng thông, thưa thớt, địa hình lại kỳ quái, thế núi hai bên bằng phẳng, bỗng dưng lại có một tảng đá lù lù ở giữa khe núi này, thực sự là quá đỗi kỳ lạ.
Mọi người bắt đầu dùng máy dò kim loại quét một lượt khắp bốn phía, rất nhanh đã có phát hiện. Lấy sàng sàng đất bề mặt, chả mấy đã xuất hiện một ít vụn sắt, không phải mảnh giáp thời cổ đại, mà là vụn sắt từ các loại binh khí, mũi tên.
“Là một chiến trường cổ đại.” Bàn Tử làm ra vẻ Hoắc Khứ Bệnh, quay đầu chỉ vào một bên núi: “Tảng đá lớn này chắc chắn vốn là ở trên một bên núi, khi đội quân Mông Cổ tiến vào nơi này, quân Vạn Nô Vương bèn đẩy tảng đá xuống, sau đó nhất tề nhảy xuống theo cùng tảng đá.”
Là đánh mai phục sao? Nếu là đánh mai phục, thì phải có rất nhiều đá rơi mới đúng, lại chỉ có một tảng đá lớn, vậy là đánh công kiên rồi. Tôi nhìn hướng Bàn Tử, nói: “Quân Vạn Nô Vương thủ ở một yếu điểm, quân Mông Cổ trèo núi tiến công, ngay tức khắc sẽ công phá, lúc đó mới cần một tảng đá lớn lăn xuống đè nghiến. Chúng ta từ đây lên núi, mọi người mở to mắt ra mà xem, trên định núi nhất định có gì đó.”
Phải không?